Tuesday, April 9, 2013

Đông Nam Á: Địa bàn tranh chấp quốc tế?

http://thailand-maps.com/images/seasiamap600.gif
Đông Nam Á chỉ các quốc gia ở Nam và Đông Á Châu được bao quanh bởi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đông Nam Á được chia làm hai phần:

1. Đông Nam Á lục địa bao gồm Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, Việt Nam và bán đảo Mã Lai.
2. Đông Nam Á quần đảo gồm Mã Lai với Sarawak, Sabah, đảo quốc Singapore, Brunei, quần đảo Indonesia, quần đảo Phi Luật Tân, đông Timor.
Về phương diện địa lý đó là những quốc gia nông nghiệp phần lớn nằm trong vùng Châu Á Gió Mùa, khí hậu nhiệt đới.
Về phương diện văn hóa và tôn giáo đó là những quốc gia chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn ở Á Châu: văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa.

Trước năm 1965 Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Ba tôn giáo lâu đời ở Việt Nam là Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Khổng Giáo và Lão Giáo xuất phát từ Trung Hoa. Phật Giáo xuất phát từ Nepal. Nhưng Phật Giáo ở Việt Nam là Phật Giáo Đại Thừa do các sư tăng Trung Hoa truyền giảng. Chùa chiền ở Việt Nam làm bằng gỗ với nóc cong như chùa chiền ở Trung Hoa. Kinh Phật Giáo ở Việt Nam là kinh dịch từ chữ Hán do các sư tăng Trung Hoa dịch âm và dịch nghĩa từ tiếng Phạn (Sanskirt).
Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Lào chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Các nước này theo Phật Giáo Tiểu Thừa. Hình thức chữ viết, cách ăn, cách mặc, kiến trúc đền đài, chùa chiền bằng đá, đất nung đều mang ấn dấu của văn hóa Ấn Độ.
Mã Lai và Indonesia cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trước khi theo Hồi Giáo phát xuất từ bán đảo Ả Rập. Đạo Hồi bành trướng ở Mã Lai, quần đảo Indonesia, Brunei, Sarawak, Sabah (Sarawak và Sabah hiện thuộc về Mã Lai), một phần của đảo Mindanao của quần đảo Phi Luật Tân sớm nhất là vào thế kỷ XIII qua các thương nhân Ả Rập.
Phi Luật Tân có 90% dân số theo đạo Thiên Chúa do ảnh hưởng của sự đô hộ của Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Quốc hiệu Phi Luật Tân do người Trung Hoa âm từ chữ Philippines (Islas Filipinas) tức quần đảo của vua Philip II (1527-1598) xứ Tây Ban Nha mà ra. Ở Đông Timor 80% dân chúng theo đạo Thiên Chúa do ảnh hưởng của sự đô hộ của người Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI đến năm 1975.
Trong quá khứ các nước Đông Nam Á là thuộc địa của các cường quốc Âu-Mỹ.
Miến Điện, Mã Lai (kể cả Singapore) là thuộc địa của Anh.
Thái Lan là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á được độc lập và trở thành quốc gia trái độn giữa các thuộc địa Anh và Pháp.
Lào, Cambodia và Việt Nam đặt dưới sự đô hộ của Pháp.
Phi Luật Tân là thuộc địa của Tây Ban Nha từ năm 1570 đến năm 1898. Từ năm 1898 đến năm 1946 quần đảo nầy là thuộc địa của Hoa Kỳ sau khi Hoa Kỳ đánh bại Tây Ban Nha (1898) và gây ảnh hưởng ở Cuba và Phi Luật Tân.
Quần đảo Indonesia là thuộc địa của Hòa Lan từ năm 1600 đến năm 1949.
Đông Timor là thuộc địa của Bồ Đào Nha từ năm 1520 đến năm 1975.
Diện tích Đông Nam Á lối 4,500,000 km2 (13.6 phần lớn hơn nước Việt Nam). Dân số ước chừng 570 triệu người. Indonesia là quốc gia có diện tích và dân số lớn nhất ở Đông Nam Á (diện tích: 1,920,000 km2, hơn 5.8 lần Việt Nam với 238 triệu dân). Đông Nam Á có nhiều rừng với nhiều loại gỗ quí, dược thảo, khoáng sản, than đá, dầu hỏa, đá quí và nhiều đồng bằng phì nhiêu sản xuất nhiều lúa gạo, trái cây nhiệt đới và cây kỹ nghệ như cao su, mía, trà, cà phê v.v... Trước đệ nhị thế chiến, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam là ba nước xuất cảng lúa gạo trên thế giới. Người Anh, Pháp và Hòa Lan lập nhiều đồn điền cao su ở Mã Lai, Việt Nam, Cambodia và Indonesia nên các nước Mã Lai, Indonesia và Việt Nam nổi tiếng về việc sản xuất cao su mặc dù cây cao su gốc ở Brazil, Nam Mỹ Châu. Người Hòa Lan lập nhiều đồn điền trồng cây ký ninh Cinchona pubescens hay Quechua quina để làm thuốc ký ninh (quinine) trị số rét khiến cho Indonesia trở thành quốc gia sản xuất nhiều cây ký ninh trị sốt rét nhất thế giới. Vào đầu thế kỷ XX chỉ có Miến Điện, Indonesia và Brunei sản xuất dầu hỏa ở Đông Nam Á mà thôi. Hiện nay nhiều túi dầu được tìm thấy trên thềm lục địa Việt Nam và ngoài khơi Tây Thái Bình Dương.
Đông Nam Á nối liền Ấn Độ Dương- Tây Thái Bình Dương với Đông và Nam Thái Bình Dương. Đó là đầu cầu nối liền Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu giữa hai đại dương: Nam Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương. Eo biển Malacca hay rõ hơn là đảo quốc Singapore là cửa ngõ thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Quần đảo Phi Luật Tân, Indonesia, Đông Timor là con đường dẫn đến các hải đảo Nam Thái Bình Dương, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan ở Nam Bán Cầu.
Dưới thời Anh thuộc nhiều người Ấn Độ và Trung Hoa đến Mã Lai làm công nhân mỏ thiếc ở Ipo hay phu đồn điền cao su. Tỷ lệ người Mã Lai gốc Hoa hiện nay lên đến 30%. Ở Singapore tỷ lệ người Hoa rất cao đến nỗi sau khi Mã Lai độc lập thành phố này có qui chế tự trị trước khi tách rời khỏi Mã Lai để thành lập một quốc gia riêng biệt trên một diện tích 620 km2. Đạo Khổng, Lão và Phật Giáo Đại Thừa thịnh hành trên quốc gia tân lập nhỏ bé ra đời vào năm 1965 nầy vì 75% dân số trên đảo gốc người Hoa. Người Hoa ở Đông Nam Á cử hành lễ rước Ông Bổn tức là Cheng Ho (Đô đốc Trịnh Hòa), người chỉ huy hạm đội nhà nhà Minh hạ Nam dương (Đông Hải) rồi hạ Tây dương (Ấn Độ Dương) vào thế kỷ XV như cảm ơn ông đã mở đường di dân cho họ xuống các nước Đông Nam Á sinh sống. Trong khi Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hòa Lan và Bồ Đào Nha đô hộ các nước Đông Nam Á thì người Hoa là những công nhân và nhà kinh thương nắm kỹ nghệ và huyết mạch kinh tế và thương mại tại các nước này.
Trong đệ nhị thế chiến Nhật phá vỡ trật tự chánh trị mà các cường quốc Âu- Mỹ sắp xếp ở Đông Nam Á. Nhật chiếm các thành phố lớn dọc theo miền duyên hải Trung Hoa và bắt đầu tiến vào các nước Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á quần đảo. Họ quét sạch ảnh hưởng của Anh ở Miến Điện và Mã Lai, Pháp trên bán đảo Đông Dương, Hoa Kỳ trên quần đảo Phi Luật Tân, Hòa Lan trên quần đảo Indonesia và đe dọa Úc Đại Lợi. Họ liên kết các tướng lãnh quân phiệt ở Thái Lan, giúp đỡ các nước này giành chủ quyền trên phần đất Lào ở phía tây sông Cửu Long bằng cách gây chiến với Pháp (1940). Trận đánh Pearl Harbor và Bataan là một vết thương nhức nhối mà Nhật gây ra cho Hoa Kỳ. Những phát súng đại bác thị uy của Perry năm 1853 ngoài khơi vịnh Yedo (Tokyo bây giờ) cảnh tỉnh Nhật canh tân hầu bắt kịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật của các nước Âu- Mỹ. Thành quả của cuộc canh tân dẫn đến chiến thắng của Nhật trước Trung Hoa năm 1894 và Nga năm 1904 ở Mãn Châu và 1905 tại eo biển Tsushima. Chiến thắng Tsushima như là sự cảnh báo về hoàng họa đối với các nước Âu- Mỹ. Người chỉ huy hải quân Nhật đánh bại hạm đội Nga trong vòng 35 phút là Đô đốc Togo từng học về hải quân ở Anh. Tổng thống Theodore Roosevelt của Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian cho Nhật và Nga thương thuyết đồng thời kềm hãm bớt những đòi hỏi quá nhiều của Nhật.
***
Đệ nhị thế chiến chấm dứt năm 1945. Thế giới có Ngũ Cường: Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Sô và Trung Hoa. Trong Ngũ Cường chỉ có Liên Sô là nước Cộng Sản. Nước này trở thành đồng minh với các cường quốc dân chủ Tây Phương sau khi bị Đức tấn công thình lình bất chấp hai nước đã ký hiệp ước bất tương xâm năm 1939. Liên Sô là một nước lớn, đông dân, có kỹ nghệ nặng và chống trả mãnh liệt trước quân Đức để góp phần thắng trận cho quân Đồng Minh. Anh và Hoa Kỳ là hai nước dân chủ không bị Đức chiếm đóng. Trái lại Trung Hoa và Pháp là hai cường quốc bị quân phát xít chiếm đóng. Trung Hoa bị Nhật chiếm đóng từng phần. Nhưng họ có chánh phủ kháng Nhật ngay trên lãnh thổ của họ. Pháp bị Đức chiếm đóng. Thống chế Petain lập chánh phủ thân Đức ở Vichy như Wang Tsing Wei (Uông Tinh Vệ) lập chánh phủ thân Nhật ở Nam Kinh. Pháp không có chánh phủ kháng chiến trên lãnh thổ của họ mà chỉ có chánh phủ lưu vong do một thiếu tướng lãnh đạo ở Anh: Charles De Gaulle. Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đều đứng về phe Đồng Minh chống phát xít trong đệ nhị thế chiến nhưng không được dự lễ ký kết đầu hàng của Nhật trên tàu USS Missouri ngày 02-09-1945.
Năm 1946 Hoa Kỳ trả độc lập cho Phi Luật Tân. Năm 1948 Miến Điện được độc lập. Năm 1949 Hòa Lan trả độc lập cho Indonesia. Thái Lan thân thiện với Hoa Kỳ như để quên đi sự thân thiện của nước nầy với Nhật trong thế chiến thứ hai.
Ở Việt Nam Hồ Chí Minh cướp chánh quyền. Ở Indonesia Sukarno cũng tuyên bố độc lập. Pháp và Hòa Lan đều muốn trở lại tái chiếm thuộc địa. Liên Hiệp Quốc áp lực cho Hòa Lan trao trả độc lập cho Indonesia mặc dù trong đệ nhị thế chiến Sukarno thân Nhật. Việt Nam không được sự can thiệp tích cực của Liên Hiệp Quốc tuy rằng Hồ Chí Minh cho rằng ông đứng về phía Đồng Minh kháng phát xít trong đệ nhị thế chiến. Sau đệ nhị thế chiến Liên Sô và Hoa Kỳ không còn là đồng minh. Liên Sô đứng đầu khối Cộng Sản với một số quốc gia Đông Âu bị bắt buộc phải theo chế độ Cộng Sản. Đến năm 1949 khối Cộng Sản có thêm Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, một nước Cộng Sản rộng 10 triệu km2 với dân số đông nhất thế giới lúc bấy giờ (500 triệu người). Hoa Kỳ lãnh đạo Thế Giới Tự Do hay nói nôm na rằng khối Tư Bản đương đầu với khối Cộng Sản. Nếu người lãnh đạo Việt Nam năm 1945 không phải là Hồ Chí Minh, một cán bộ do Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản đào luyện, có thể Việt Nam cũng được Liên Hiệp Quốc áp lực với Pháp trao trả độc lập như đã thấy ở Indonesia. Sự viện trợ của Trung Hoa Cộng Sản cho Hồ Chí Minh, ảnh hưởng sâu đậm của Trung Hoa Cộng Sản đối với đảng Lao Động Việt Nam và sự can thiệp quân sự của họ vào chiến tranh Triều Tiên làm cho Hoa Kỳ lo ngại hiểm họa của Trung Hoa Cộng Sản. Ở Mã Lai du kích Cộng Sản đều là người Mã gốc Hoa. Người chỉ huy là Chen Ping (Trần Bình), một người Hoa. Cộng Sản Indonesia hay Phi Luật Tân đều là Cộng Sản theo chủ nghĩa Mao tuy rằng nguyên thủy đảng Cộng Sản Indonesia do Henk Sneevliet (1883-1942), một người Cộng Sản Hòa Lan, thành lập năm 1914 trước khi Lenin thành công trong cuộc cách mạng 1917. Đại tướng Jean De Lattre de Tassigny lưu ý với Washington rằng nếu Việt Minh thắng ở Việt Nam thì Cộng Sản sẽ tràn ngập ở Đông Nam Á và lan rộng đến tận Trung Đông. Sự cảnh báo của ông là nền tảng của thuyết Domino ra đời năm 1954 sau khi Việt Minh đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ. Sự ra đời của SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á) và sự nỗ lực yểm trợ miền Nam Việt Nam trở thành thành trì chống cộng ở Đông Nam Á của Hoa Kỳ nói lên sự quan ngại của Washington trước làn sóng Đỏ từ phương Bắc tràn xuống Đông Nam Á qua trung gian của miền Bắc Việt Nam. Việt Nam trở thành điểm nóng trong Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và khối Cộng Sản. Nhưng Cộng Sản ở đây là Cộng Sản Trung Hoa chứ không phải Cộng Sản Liên Sô vì, để đối phó với Liên Sô Âu Châu đã có NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) với quân đội và võ khí hùng hậu. Trên nửa triệu quân Hoa Kỳ được đưa sang miền Nam Việt Nam từ năm 1965 đến 1969 nhắm vào việc chiến đấu chống Trung Hoa Cộng Sản can thiệp như đã xảy ra ở Triều Tiên năm 1950 hơn là để đánh nhau với Mặt Trận Giải Phóng. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh gây khó khăn và chia rẽ dư luận Hoa Kỳ sau đệ nhị thế chiến.
SEATO không phải là phòng tuyến chống Cộng hữu hiệu vì không có quân đội như NATO ở Âu Châu.
Các quốc gia thành viên như Anh và Pháp không còn mặn nồng với tổ chức này.
Pháp đã rời khỏi Đông Dương.
Anh đã thành công trong việc đánh dẹp du kích Cộng Sản ở Mã Lai và trao trả độc lập cho nước này vào năm 1957.
Miến Điện không phải là thành viên của SEATO. Nước này xây dựng chế độ độc tài quân sự theo hướng xã hội chủ nghĩa riêng.
Indonesia không phải là thành viên của SEATO. Indonesia là quốc gia rộng lớn và có nhiều tài nguyên và đông dân nhất ở Đông Nam Á. Đảng Cộng Sản Indonesia là đảng Cộng Sản lớn hạng thứ ba trên thế giới sau đảng Cộng Sản Liên Sô và Trung Hoa. Tổng thống Sukarno là người yêu nước. Ông ghét các đế quốc Tây Phương nên có cảm tình với Bắc Kinh. Châu Âu Lai nổi bật tại hội nghị Geneva năm 1954 và Hội nghị Bandung năm 1955 như lãnh tụ một nước đàn anh chống đế quốc! Sukarno đưa chánh sách Konfrontasi chống Liên Bang Mã Lai Á vì sau năm 1957 Anh trao Sarawak và Sabah thuộc miền bắc Borneo cho Mã Lai sáp nhập vào Liên Bang Mã Lai Á. Đường lối của Sukarno không được các nước dân chủ Tây Phương hoan nghinh nên ông nghiêng theo Bắc Kinh. Dù vậy ông suýt bị Cộng Sản Indonesia lật đổ năm 1965. Tướng Suharto cầm quân chống đảo chánh và thi hành chánh sách tiểu trừ Cộng Sản bằng những biện pháp đẫm máu. Người ta ước lượng có từ 200,000 đến 500,000 đảng viên Cộng Sản Indonesia bị giết chết vào giữa thập niên 1960 về sau. Tổng thống Sukarno bị hạ bệ. Đó là một thắng lợi lớn của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Pakistan không nằm trong vùng Đông Nam Á nhưng miễn cưỡng là thành viên của SEATO. Kẻ thù của Pakistan là Ấn Độ chớ không phải Trung Hoa Cộng Sản. Pakistan có khuynh hướng thân thiện với Trung Hoa Cộng Sản hơn là Anh, Hoa Kỳ vì Trung Hoa Cộng Sản không ưa thích gì Ấn Độ trong việc tranh chấp biên giới. Kẻ thù của Pakistan hướng về nước Cộng Sản lớn khác: Liên Sô. Hai quốc gia lớn đông dân và thù nghịch này đều hướng về hai nước Cộng Sản lớn chớ không thân thiện và gắn bó với Hoa Kỳ.
Phi Luật Tân phải đương đầu với Cộng Sản Huks. Không biết thực sự Tổng thống Magsaysay dẹp tan Cộng Sản Huks hay thủ lãnh Luis Taruc của Cộng Sản Huks từ bỏ võ khí sau khi thương thuyết với Aquino, người bị phe Marcos ám sát chết năm 1985 và phu quân của nữ Tổng thống Aquino sau này. Đến năm 1968 đảng Cộng Sản Phi Luật Tân tái hoạt động dưới sự lãnh đạo của Jose Maria Sison, một người Cộng Sản quá khích theo chủ nghĩa Mao. Giữa nền đỏ của đảng kỳ Cộng Sản Phi Luật Tân có hình Mao Trạch Đông màu đen. Sự hoạt động của du kích Cộng Sản Phi Luật Tân giúp cho Tổng thống Marcos gia tăng quyền hành và củng cố địa vị đến năm 1986. Trong chiến tranh Việt Nam Phi Luật Tân không có quân chiến đấu mà chỉ có những đoàn dân sự vụ mà thôi.
Cambodia và Lào là hai nước trung lập. Lào là hành lang xâm nhập của quân Cộng Sản miền Bắc và miền Nam. Lãnh tụ hai phe đối nghịch nhau ở Lào xuất thân cùng một gia đình hoàng thân Souvana Phouma và em dị bào Souphanouvong có vợ Việt Nam gốc ở Nha Trang. Đường lối chánh trị của Sihanouk không lúc nào thân thiện với chánh phủ Sài Gòn. Khi thì ông chủ trương trung lập, thân De Gaulle. Khi thì ông vuối ve mơn trớn Trung Hoa Cộng Sản và Cộng Sản Việt Nam và thân thiện với Bắc Hàn. Một phần lãnh thổ Cambodia gần biên giới Nam Bộ là nơi dưỡng quân và đường tiếp võ khí, thuốc men, lương thực cho quân Cộng Sản miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng. Năm 1970 Sihanouk bị Lon Nol lật đổ. Cambodia trở thành một nước Cộng Hòa có quan hệ ngoại giao tốt với Nam Việt Nam.
Thái Lan, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan là ba quốc gia thành viên SEATO gởi quân chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ có căn cứ không quân trên lãnh thổ Thái.
Năm 1971 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thay thế Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hiệp Quốc với quyền phủ quyết của một trong Ngũ Cường. Năm 1972 tổng thống Hoa Kỳ thăm viếng Trung Hoa lục đại và được Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai tiếp đón ân cần. Năm 1973 Hoa Kỳ rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản đánh chiếm Hoàng Sa. Năm 1975 chánh quyền Sài Gòn sụp đổ. Việt Nam thống nhất. Lê Duẩn ngã theo Liên Sô và bất thân thiện với Bắc Kinh. Năm 1977 SEATO giải thể và thay thế bằng ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á). Tổ chức này ra đời năm 1967 theo sáng kiến của Indonesia, Singapore, Thái Lan, Phi Luật Tân và Mã Lai.
***
Cùng với sự sụp đổ của chánh quyền Sài Gòn, Cambodia và Lào trở thành hai quốc gia Cộng Sản. Chế độ quân chủ Lào không còn nữa. Ba quốc gia trên bán đảo Đông Dương trở thành ba nước Cộng Sản với hai khuynh hướng Cộng Sản khác nhau và đối nghịch nhau. Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Lào hướng về Liên Sô. Khmer Đỏ theo chủ nghĩa Mao. Pol Pot, một người Khmer gốc Hoa, tàn sát 1/3 dân số Cambodia sau ba năm cầm quyền (1975-1978) và tỏ ra gây hấn với Cộng Sản Việt Nam khi bắn phá các làng mạc Việt Nam ngoài biên giới Tây Ninh, Hà Tiên. Cộng Sản Lào được xem là Cộng Sản ôn hòa. Thế nhưng vua Sivavang Vatthana, hoàng hậu Kham Phoui và hoàng thái tử Vong Savang đều chết đột ngột.
Hoa Kỳ gặp vô vàn khó khăn trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng sự ra đi của họ khỏi miền Nam là một sự ra đi có tính toán. Điều mà họ gọi là lối thoát danh dự trở thành sự tính toán tinh vi. Khối Cộng Sản không che giấu được sự bất hòa giữa các nước Cộng Sản. Trước kia nhân loại như có cảm tưởng tình nghĩa vô sản keo sơn giữa người Cộng Sản và quốc gia Cộng Sản. Nếu có ai nói có sự bất hòa giữa các nước Cộng Sản thì người nghe lấy làm khó chịu và cho đó là sự tuyên truyền láo khoét của đế quốc Mỹ. Tình vô sản đại đồng keo sơn ấy không còn nữa khi:
- Trung Hoa Cộng Sản và Liên Sô đánh nhau trên đảo Damansky mà Trung Hoa gọi là đảo Chen Pao (Chân Bảo) năm 1969
- Quan hệ chua chát giữa Bắc Kinh- Hà Nội xảy ra sau năm 1975 và giữa Phnom Penh của Khmer Đỏ với Hà Nội từ năm 1975-1978 khi quân Cộng Sản Việt Nam xâm lăng Cambodia vào cuối năm 1978 rồi giữa Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam qua chiến tranh biên giới vào năm 1979, 1984.
- Hiệp ước an ninh Sô- Việt năm 1978 làm cho Trung Hoa Cộng Sản tức giận. Tàu chiến Liên Sô xuất hiện ở Cam Ranh và Đà Nẵng đối mặt với hải quân Trung Hoa Cộng Sản trên quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.
Sự xâm lăng của quân Cộng Sản Việt Nam ở Cambodia làm cho các nước ASEAN lo ngại Cộng Sản Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Đông Nam Á bằng cách xuất cảng chủ nghĩa Marx-Lenin. Thái Lan đặc biệt theo dõi việc động binh của quân Cộng Sản Việt Nam trên chiến trường Cambodia. Khmer Đỏ, phe bảo hoàng của Sihanouk và phe cực hữu của Son San liên kết lại chống lại Cộng Sản Việt Nam xâm lược và phe Hen Samrin và Hun Sen do Cộng Sản Việt Nam dựng lên và yểm trợ. Khi quân Cộng Sản Việt Nam chiếm Phnom Penh cố vấn Trung Hoa Cộng Sản phải tranh nhau lên xe chạy về phía Battambang. Đó là mối hận mà Peking không bao giờ quên được nên Đặng Tiểu Bình phải vội vã cho Việt Nam một bài học ngoài biên giới Việt- Hoa với kết quả èo uột dưới nhãn quan của các quan sát viên quốc tế. Sự tàn ác của Khmer Đỏ làm cho đạo quân xâm lăng của Cộng Sản Việt Nam được danh thơm: giải phóng người Khmers khỏi sự giết hại của Khmer Đỏ để tránh khỏi cảnh:
Nam Vang nhà gạch nhà vôi,
Ngày sau kiếm một chỗ ngồi không ra.
Ảnh hưởng Cộng Sản Liên Sô lan rộng sang Nam Mỹ, Phi Châu đồng nhịp với sự thất thủ của Sài Gòn. Năm 1949 Liên Sô có thêm một nước Cộng Sản to lớn và đông dân. Nhưng nước này là nước Cộng Sản anh em tranh quyền lãnh đạo với Liên Sô giữa lúc Liên Sô bị chiến tranh tàn phá lại phải cưu mang nước đông dân nhất thế giới, nghèo khổ không thua bất cứ quốc gia nào trên thế giới nhưng tự hào và ngạo mạn hơn bất cứ đế quốc nào tự cổ chí kim. Sau năm 1975 có thêm nhiều quốc gia Cộng Sản nằm trong quỹ đạo của Liên Sô. Những nước này cần sự viện trợ của quốc gia đàn anh. Liên Sô tốn kém rất nhiều vì cuộc chiến tranh xâm lăng Afghanistan lại phải viện trợ hàng tỷ Mỹ kim hằng năm cho Việt Nam trong chiến tranh Cambodia. Vì chạy đua võ trang với Hoa Kỳ, vì chiến tranh tiêu hao ở Afghanistan, vì Thế Vận Hội Moscow năm 1980 bị tẩy chay do hậu quả của cuộc xâm lăng trơ trẽn vào Afghanistan Liên Sô bị kiệt quệ nên phải rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1988. Họ không sao kiểm soát nổi các nước Cộng Sản Đông Âu đấu tranh đòi cơm áo, tự do, dân chủ và độc lập khỏi Moscow. Cuộc đấu tranh của họ thành công năm 1989. Toàn thể các quốc gia Đông Âu thoát khỏi ách của Cộng Sản Sô Viết. Nước Đức được thống nhất. Hai năm sau chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Liên Sô (1991).
Trước áp lực của Hoa Kỳ, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và ASEAN quân đội Cộng Sản Việt Nam rút ra khỏi Cambodia năm 1989. Nhưng chánh quyền Hun Sen do Hà Nội yểm trợ vẫn đứng vững so với chánh quyền Cộng Sản do Liên Sô yểm trợ ở Afghanistan. Nhờ thái độ tương nhượng này mà Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bớt bị cô lập trong cộng đồng thế giới. Khi Liên Sô sụp đổ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải thần phục Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc để bảo vệ chánh quyền.
Đặng Tiểu Bình là người đưa ra Bốn Hiện Đại Hóa nhằm biến Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thành một cường quốc kỹ nghệ và quân sự quan trọng trên thế giới chớ không phải để nới rộng tự do, dân chủ. Ông ra lịnh thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình của thanh niên và sinh viên tại Quảng Trường Thiên An Môn sau 10 năm đổi mới của Trung Hoa Cộng Sản. Đặng Tiểu Bình có tinh thần quân phiệt. Trong quốc gia Cộng Sản, đảng Cộng Sản là độc đảng cầm quyền. Người lãnh đạo đảng là người có quyền tối thượng và miễn nhiễm. Với tư cách chủ tịch đảng Mao Trạch Đông biến chủ tịch nhà nước Lưu Thiếu Kỳ thành người tù bị Hồng Vệ Binh đánh đập, thiếu ăn và thiếu thuốc đến phải vong mạng. Đặng Tiểu Bình nắm chức chủ tịch quân ủy chớ không nắm chức vụ chủ tịch đảng hay chủ tịch nhà nước. Trái lại chính các chức vụ trên do chính ông ban ra. Trong tinh thầm quân phiệt nầy ông phát động chiến tranh trừng phạt Việt Nam trên biên giới Việt- Hoa. Ông ta gọi đó là bài học thứ nhất và hứa sẽ cho bài học thứ hai.
Thành quả của Bốn Hiện Đại Hóa rất rực rỡ. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng, gia tăng sản xuất hỏa tiễn, vệ tinh và mua chiến đấu cơ, xe tăng, tàu chiến và võ khí để dương oai diệu võ với các nước láng giềng ở Đông Nam Á và cả thế giới nữa. ASEAN quy tụ hầu hết các quốc gia trong vùng ngoại trừ Đông Timor. Hầu hết các quốc gia nầy đều có tỷ lệ người Hoa rất cao: 75% ở Singapore; 30% ở Mã Lai; 14% ở Thái Lan; 5% ở Việt Nam; 3% ở Indonesia; 4% ở Miến Điện; 3% ở Phi Luật Tân v.v... Hầu hết những người nầy là thị dân nắm huyết mạch kinh tế ở địa phương sinh sống. ASEAN không phải là liên minh quân sự mà là sự hợp tác phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa, cải thiện xã hội, gìn giữ an ninh và hòa bình trong vùng. Việt Nam là quốc gia Cộng Sản đầu tiên gia nhập ASEAN. Tiếp theo sau là Lào, Cambodia và Miến Điện, một quốc gia bị thế giới lên án vì chế độ độc tài quân sự chà đạp kết quả cuộc bầu cử tự do và giam giữ bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch của đảng thắng cử vào năm 1990.
Sự đoàn kết lỏng lẻo của các quốc gia Đông Nam Á, sự suy kém kinh tế (ngoại trừ Singapore), sự kém phát triển về khoa học kỹ thuật biến các nước Đông Nam Á thành miếng mồi ngon làm cho Trung Quốc Cộng Sản thèm thuồng.
Giữa Việt Nam và Thái Lan lúc nào cũng có một khoảng cách vì vấn đề Cambodia và Lào. Vào thập niên 1980 quân lính đôi bên từng chạm súng với nhau khi bộ đội Cộng Sản Việt Nam săn đuổi Khmer Đỏ dọc theo biên giới Cambodia- Thái Lan.
Trong những năm gần đây người Hồi ở miền Nam Thái Lan nổi lên chống lại chánh phủ Thái Lan để đòi tự trị ở vùng đất trước kia thuộc Mã Lai. Giữa Thái Lan và Cambodia đang tranh chấp về chủ quyền ở một ngôi đền trên biên giới hai nước. Việc Cambodia mời Thaksin làm cố vấn cho chánh phủ Cambodia càng làm tăng thêm sự ngờ vực giữa hai nước.
Vào thập niên 1980 Lào và Cambodia (đúng hơn là Kampuchea) chịu ảnh hưởng của Cộng Sản Việt Nam. Hiện nay cả ba nước Đông Dương cũ nằm trong quỹ đạo của Trung Hoa Cộng Sản. Cambodia không còn chia sẻ quan điểm chánh trị với Việt Nam như xưa sau khi nhận viện trợ không điều kiện của Trung Hoa Cộng Sản.
Vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 Indonesia và Mã Lai là hai nước Hồi Giáo lớn ở Đông Nam Á tranh chấp nhau về phần đất ở phía bắc đảo Borneo (Sarawak và Sabah).
Indonesia phiền trách Cộng Sản Việt Nam về vấn đề FULRO và người Chăm theo Hồi Giáo ở Việt Nam. Nhưng vào thời kỳ mà Bắc Kinh gọi là nạn kiều ở Việt Nam, Indonesia như tìm điểm chung với Việt Nam về chánh sách người Hoa. Vấn đề này bùng nổ ở Indonesia vào năm 1998 khi những người biểu tình Indonesia tấn công các thương gia người Hoa giàu có ở các thành phố lớn.
Vấn đề chinh phục Đông Nam Á bằng võ lực chỉ là vấn đề thời gian theo sự sắp xếp của cánh quân phiệt trong đảng Cộng Sản Trung Hoa. Thập niên 1990 là thời kỳ bành trướng êm thắm, xen lấn vào nội bộ các nước, mua chuộc giới lãnh đạo độc tài và tham nhũng bằng cách củng cố địa vị giùm cho họ trong nước và binh vực họ trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Việc gia tăng ngân sách quốc phòng, việc sản xuất võ khí, mua sắm tàu chiến, phi cơ và xe tăng chắc chắn không ngoài mục đích gây chiến tranh phô trương thanh thế như Nhật Bản đã làm vào thập niên 1940. Chiến tranh là cái xấu cần thiết đáp ứng cho nhu cầu phát triển kỹ nghệ, áp lực nhân mãn của 1 tỷ 500 triệu người cần không gian sinh tồn để cải thiện cuộc sống, phô trương thanh thế và niềm tự hào Hán tộc, đánh lạc hướng nhu cầu đòi tự do, dân chủ và quyền sống của đại bộ phận quần chúng và dằn mặt dân tứ ngoại tỉnh Mãn, Mông, Tạng, Hồi đừng nổi dậy đòi độc lập hay tự trị.
Các nước Đông Nam Á thấy được ý đồ của Trung Hoa Cộng Sản nên ra sức mua võ khí, phi cơ, tàu bè để tự vệ dù biết rằng những cố gắng quân sự của họ có vẻ không hữu hiệu trước một đạo quân đông đảo từ phương Bắc tràn xuống và có thể được nội ứng tại các quốc gia bị tấn công.
Nếu Trung Hoa Cộng Sản xâm lăng các nước Đông Nam Á họ sẽ đạt thắng lợi. Đó là sự thắng lợi của nước gây hấn đã có kế hoạch xâm lăng dự trù từ lâu. Trước viễn ảnh hiểm họa chung các nước có vẻ thông hiểu và tạm lắng đọng những tranh chấp nhất là sau khi Hoa Kỳ nhấn mạnh sự trở lại Á Châu của họ vào tháng 07 năm 2010 vừa qua. Singapore là quốc gia nhỏ nhất nhưng phồn vinh nhất ở Đông Nam Á. Đảo quốc này có 75% dân số gốc Hoa nhưng không vì thế mà Singapore gắn liền chánh sách và đường lối của họ với Trung Hoa Cộng Sản. Singapore ý thức được rằng chỉ có sự hiện diện của Hoa Kỳ mới kềm chế nổi sự đe dọa xâm lăng của Trung Hoa Cộng Sản. Singapore sẵn sàng cho Hoa Kỳ lập ụ sửa chữa tàu sau khi Hoa Kỳ rời khỏi Subic Bay năm 1992.
http://www.lib.utexas.edu/maps/middle_east_and_asia/china_sovereignty%20claims_in_the_south_china_sea-2012.png
Nếu Đông Nam Á rơi vào vòng kiểm soát của Trung Hoa Cộng Sản, Hoa Kỳ, Nhật, Đại Hàn, Anh, Pháp, Nga và một số các quốc gia Âu Châu không thể làm ngơ để cho 4,500,000 km2 đất đai và tài nguyên với 570 triệu dân Đông Nam Á bị Hán hóa dễ dàng. Chủ nghĩa bành trướng Hán tộc thành công ở Đông Nam Á thì các hải đảo Nam Thái Bình Dương, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan chắc chắn không yên ổn và hòa bình được. Hầu hết cộng đồng thế giới không có thiện cảm với Trung Hoa Cộng Sản về vấn đề chánh sách của họ ở Nội Mông, Mãn Châu, Tây Tạng và Tân Cương, vấn đề nhân quyền trên lục địa, việc dùng xe tăng nghiền nát một sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989, chánh sách tiền tệ và sự phá giá hàng sản xuất, những tranh chấp biên giới với các nước láng giềng cũng như những đòi hỏi trịch thượng của họ về chủ quyền trên 3 triệu km2 trên Đông Hải, việc cầm tù Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel hòa bình năm 2010 v.v... Trung Hoa Cộng Sản có nhiều tiến bộ về việc phát triển kinh tế nhưng cộng đồng thế giới vẫn coi Hoa Kỳ là siêu cường kinh tế và quân sự xứng đáng là đệ nhất cường quốc khả dĩ để bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới. Sự đóng góp của Hoa Kỳ cho văn minh nhân loại trên mọi lãnh vực là điều không ai chối cãi được. Sáng kiến thành lập Hội Quốc Liên (1919-1945) và Liên Hiệp Quốc (1945-) nhằm bảo vệ hòa bình thế giới là sáng kiến của Tổng thống Woodrow Wilson và Franklin Delano Roosevelt. Nếu Trung Hoa Cộng Sản nắm địa vị này thì đó là hiểm hoại cho hòa bình nhân loại. Hòa bình chỉ đến khi họ thống trị thiên hạ mà không còn sự đề kháng nào xảy ra!
***
Các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Nhật và một số quốc gia Âu Châu thấy được tầm quan trọng của Hoa Kỳ trên thế giới. Nhưng không ít quốc gia kém phát triển lại xem thường. Năm 1941 Đô đốc Yamamoto miễn cưỡng thi hành lịnh tấn công Trân Châu cảng (Pearl Harbour) vì biết rằng gây chiến với Hoa Kỳ thì không có hy vọng thành công. Ông suy nghĩ như vậy vì ông từng học ở Hoa Kỳ và biết ít nhiều về nước này. Năm 1943 phi cơ chở ông bị phi cơ Hoa Kỳ bắn hạ. Mao Trạch Đông cho rằng Hoa Kỳ là con cọp giấy trong khi Khrushchev cho rằng đó là con cọp giấy có nanh vuốt nguyên tử. Nhiều dân tộc trên thế giới chế nhạo Hoa Kỳ kém chánh trị thậm chí còn nói họ thiếu văn hóa và đần ngu trong hành xử. Dư luận trên thế giới không ngớt lên án Hoa Kỳ nào là đế quốc tư bản bóc lột, nào là “sen đầm quốc tế”, nào là kỳ thị chủng tộc, nào là đang trên đà suy lụn v.v...
Những lời nhận xét và phê phán trên không hoàn toàn sai nhưng cũng chưa hẳn là toàn bích và công bằng. Nó có thể lệch lạc vì thiếu tính vô tư và óc công bằng của người nhận xét và phê phán.
Để có một hiểu biết sơ khởi về Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chúng ta thử tìm hiểu sơ qua vài ‘tại sao’ dưới đây:
1. Do đâu từ địa vị một nhóm người bị Anh cai trị, không có quốc gia, đã lập quốc, giành tự do, độc lập từ 13 tiểu bang nhỏ bé dọc theo Đại Tây Dương trở thành một siêu cường lãnh đạo thế giới? Không đầy 100 năm lập quốc lãnh thổ Hoa Kỳ trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương trên một diện tích 10 triệu km2.
2. Do đâu một quốc gia hợp chủng như Hoa Kỳ lại đứng vững trong khi Liên Bang Sô Viết chỉ kéo dài 69 năm (1922-1991) thì sụp đổ hoàn toàn?
3. Từ ngày lập quốc đến nay không hề có đảo chánh ở Hoa Kỳ. Vào thập niên 1860 có nội chiến suýt làm đổ vỡ Liên Bang. Nhưng nội chiến chỉ kéo dài 4 năm với thắng lợi của phe Liên Bang trước phe phân ly. Hiến pháp Hoa Kỳ có tu chính chớ không bị hủy bỏ. Nền dân chủ Hoa Kỳ rất ổn định. Ở Hoa Kỳ bộ trưởng Quốc Phòng không nhất thiết phải là một quân nhân biết sử dụng súng ống và chiến đấu ngoài mặt trận. Ngoại trưởng không nhất thiết phải là dân sự (Tướng Marshall, Tướng Haig, Tướng Powell). Đó là mô hình chánh trị dân chủ ổn cố trên thế giới trên 2 thế kỷ nay.
4. Nói rằng Hoa Kỳ kỳ thị chủng tộc khiến cho người nghe tưởng rằng trên thế giới không có kỳ thị chủng tộc nhất là ở những quốc gia chỉ trích Hoa Kỳ mạnh mẽ về chuyện này. Nếu cho rằng Hoa Kỳ kỳ thị chủng tộc thì tại sao có sự hiện diện người Da Đen trong các cơ quan Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp Liên Bang và tiểu bang? Người Da Đen ở Hoa Kỳ chỉ có 13% dân số nước này nhưng đã có tổng thống và vài tỷ phú Da Đen. Nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ có thị trưởng Da Đen. Hầu hết các cảnh sát trưởng ở các thành phố Hoa Kỳ đều do người Da Đen nắm giữ. Những điều ghi trên chắc chắn không được tìm thấy ở các quốc gia dân chủ Tây Phương như Anh, Pháp, Ý, Đức... đừng nói chi đến các nước Cộng Sản.
5. Người ta nguyền rủa người Âu Châu buôn nô lệ nhưng quên tội ác của các trưởng bộ lạc bán nô lệ Da Đen cho họ. Người ta mạnh dạn chửi bới và ghê tởm Hoa Kỳ nhưng không ít người trên trái đất muốn đến đó sống, kể cả các lãnh đạo Cộng Sản. Do đâu Hoa Kỳ có hấp lực đến như vậy? Nếu đó là địa ngục sao lại được ước mơ đến đó?
6. Do đâu người nghèo khó như Abraham Lincoln đạt được tột đỉnh quyền hành? Do đâu một quốc gia non trẻ trên 200 tuổi như Hoa Kỳ lại là nơi có nhiều trường đại học nổi tiếng góp phần không nhỏ vào văn minh của loài người? Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều người đoạt giải thưởng Nobel về khoa học trên thế giới.
7. Về phương diện xã hội Hoa Kỳ đảm bảo được sự no cơm ấm áo cho dân trong nước. Bất cứ nơi nào trên thế giới bị thiên tai bất luận là nước bạn hay thù Hoa Kỳ đều chở lương thực, áo quần và thuốc men đến cứu trợ. Người tư bản bóc lột lại giàu lòng từ tâm trong khi người giàu lời chỉ trích lại thiếu lượng hải hà mà chỉ giàu sắt máu.
8. Kinh tế Hoa Kỳ có suy thoái. Hoa Kỳ hiện là quốc gia có nợ vì có hai cuộc chiến tranh ở Tây Á và Trung Á. Nhưng Hoa Kỳ vẫn đứng đầu trên thế giới về kinh tế và quân sự.
9. Hoa Kỳ tham gia đệ nhất thế chiến được một năm thì Đức bị đánh bại.
Sau đệ nhất thế chiến Hoa Kỳ lui về chủ nghĩa tự cô lập khi Quốc Hội không phê chuẩn Hiệp ước Versailles ký vào năm 1919. Năm 1929 Hoa Kỳ bị khủng hoảng kinh tế. Trong thời gian 1919-1939 Hoa Kỳ bình tĩnh nhìn Lenin xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Nga. Năm 1922 Hoa Kỳ và Anh áp lực quân Nhật rút quân khỏi Tây Bá Lợi Á. Mục đích của đạo quân này là đánh bại Hồng Quân để làm sụp đổ chế độ Cộng Sản. Hoa Kỳ như không buồn để ý đến tình hình Âu Châu khi Hitler lên nắm chánh quyền với thái độ đầy gây hấn ở Trung Âu. Năm 1941 con beo Hitler cắn con gấu Stalin đẫm máu. Năm 1942 Hoa Kỳ tham gia đệ nhị thế chiến và chỉ huy quân Đồng Minh trên hai mặt trận Âu Châu và Thái Bình Dương đến chiến thắng vào năm 1945. Trong hội nghị Yalta và Potsdam Hoa Kỳ thỏa mãn mọi yêu cầu của Liên Sô khiến cho thủ tướng Churchill của Anh rất khó chịu (Churchill chỉ dự hội nghị Yalta với Roosevelt lúc ấy còn sống nhưng rất yếu. Atlee của đảng Lao Động làm thủ tướng và dự hội nghị Potsdam với Tổng thống Truman sau khi Đức đã đầu hàng nhưng Nhật vẫn còn tiếp tục chiến tranh ở Đông Á). Chiến tranh lạnh giữa Liên Sô (Cộng Sản) và Hoa Kỳ, quốc gia lãnh đạo của nước dân chủ Tây Phương nổ bùng vào năm 1949 và kéo dài đến khi Liên Sô hoàn toàn sụp đổ vào năm 1991. Hoa Kỳ là một trong Tam Cường sau đệ nhất thế chiến, là quốc gia chỉ huy quân Đồng Minh thắng trận trong đệ nhị thế chiến. Hoa Kỳ lãnh đạo các nước dân chủ Tây Phương thắng lợi trong chiến tranh lạnh (1941-1991). Bây giờ là lúc Hoa Kỳ vỗ béo hoàng chủng quốc Đông Á mà họ từng đụng độ trực tiếp ở Triều Tiên và gián tiếp ở Việt Nam. Con Rồng Lửa được vỗ béo sẽ gây đại họa ở Đông Nam Á và biến vùng này thành điểm nóng trong cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa các quốc gia dân chủ Tây Phương và phe quân phiệt bành trướng Trung Hoa Cộng Sản.
Vì chiến tranh Afghanistan, Iraq, sự suy thoái kinh tế và nợ quốc gia mà Hoa Kỳ ít quan tâm đến Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bush II. Sự vắng bóng của Hoa Kỳ khích lệ Trung Hoa Cộng Sản có những hành động quá trớn làm cho các nước Đông Nam Á lúc nào cũng phập phồng lo sợ. Quyết tâm trở lại Á Châu của Hoa Kỳ làm cho các nước này ấm lòng nhưng vẫn không mạnh dạn nghiêng hẳn về với Hoa Kỳ vì sợ bị Trung Hoa Cộng Sản trừng phạt kinh tế hay quân sự. Việt Nam luôn luôn né tránh bằng lập trường Ba Không do một thứ trưởng Quốc Phòng trẻ tuổi và nổi tiếng thân Trung Hoa Cộng Sản, Nguyễn Chí Vịnh, minh định để mua hòa bình và sự ủng hộ của Bắc Kinh. Nhìn chung vẫn chưa có quốc gia nào dám bày tỏ ý kiến trước sự trở lại của Hoa Kỳ ở Á Châu mặc dù đại diện 10 quốc gia ASEAN đều dự hội nghị với Tổng thống Obama tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào tháng 09 năm 2010. Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trong phiên họp nầy Nguyễn Minh Triết lập lại ý chánh của lập trường Ba Không mà Nguyễn Chí Vịnh đã nêu ra. Sự thiếu sốt sắng của ASEAN có thể làm cho Hoa Kỳ tạm làm lơ trước vấn đề Đông Nam Á như đã từng làm lơ tình hình Âu Châu trong thời gian 1933 -1939 trước kia. Nó sẽ khích lệ phe quân phiệt trong đảng Cộng Sản Trung Hoa hành động.
Người chữa lửa chỉ làm công việc khi có hỏa hoạn. Số người chữa lửa phải đông đảo chớ không thể một người mà dập tắt được ngọn lửa lớn.
Sau khi lửa tắt thì người gây ra hỏa tai và những người đồng lõa phải chịu án phạt quốc tế. Sau đó sẽ có sự thay đổi lớn về chánh trị ở Bắc Hàn và Việt Nam, hai quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của Cộng Sản Trung Hoa. Sinh hoạt chánh trị Miến Điện sẽ được dân chủ hóa. Vấn đề hải đảo sẽ được giải quyết bằng những phán quyết quốc tế theo luật biển và hải đảo. Sự đi lại trong Đông Hải không còn gặp sự đe dọa nào nữa. Ngư dân miền Trung đánh cá không còn bị tàu lạngười lạ quấy nhiễu, cướp cá, cướp tàu và đòi tiền chuộc.
Trong Thái Dương có Thiếu Dương. Trong Thái Âm có Thiếu Âm. Trong sự đơn giản và thực dụng của người Hoa Kỳ có sự phức tạp và lý tưởng. Người khôn ngoan đôi khi có hành động như khờ dại và dị thường. Người giỏi võ nghệ không cần phải thủ trước khi đánh. Người mạnh có nhiều tự tin luôn luôn sẵn sàng nhường nhịn cho đối thủ của mình đánh trước. Việc hiểu biết rốt ráo về Hoa Kỳ thực sự không dễ dàng như ta tưởng. Về đường lối chánh trị quốc tế của họ cũng không phải dễ hiểu. Họ sắp xếp bàn cờ chánh trị quốc tế và xem đó là một canh bạc to lớn. Người đánh bạc nắm hai nguyên tắc căn bản để thắng cuộc. Đó là:
Nhất gian lận
Nhì trường vốn.
Sự gian lận khôn ngoan của người cờ bạc là chịu thua canh bạc nhỏ để thắng canh bạc lớn để không bị nghi ngờ gian lận. Trung Hoa Cộng Sản có hai sự lựa chọn trước vấn đề Đông Hải và Đông Nam Á:
a- Dùng võ lực xâm lăng: Chắc chắn họ sẽ đương đầu với một liên minh quân sự đông đảo với sự hiện diện của Ấn Độ, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga (có thể), Nhật, vài quốc gia Âu Châu khác... và sự đề kháng của các quốc gia Đông Nam Á. Sự thất bại của họ không tránh được vì võ khí của họ còn thô sơ so với các loại võ khí mới của các nước nổi tiếng sản xuất võ khí như Hoa Kỳ, Anh, Pháp. Hải, Không Quân Trung Hoa Cộng Sản chưa sánh kịp với Hải, Không Quân Ấn Độ đừng nói chi đến Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật. Quân số của họ có lượng mà không có phẩm. Xâm lăng tức là theo gương phát xít Nhật vào thập niên 1940 ở Đông Nam Á và theo gương Liên Sô vào năm 1979 ở Afghanistan rồi chấp nhận bại vong nhục nhã. Đó là chưa đề cập đến những khó khăn nội bộ và những yếu điểm của họ trên lục địa Trung Hoa ngày nay.
b- Giữ nguyên trạng như từ trước để phát triển kinh tế và chạy đua võ trang với Hoa Kỳ: Chạy đua võ trang với Hoa Kỳ thì sớm muộn gì cũng phá sản như Liên Sô. Sự lựa chọn thứ hai này đối với Trung Hoa Cộng Sản khó khăn hơn đối với Liên Sô trước kia. Liên Sô có trình độ khoa học kỹ thuật cao với những phát minh mới. Trung Hoa Cộng Sản mô phỏng theo những sáng chế của các nước để tạo sản phẩm của mình chớ không có phát minh hay sáng tạo gì mới mẽ. Từ ngày nắm chánh quyền trên lục địa đến nay có bao nhiều nhà khoa học Trung Hoa lãnh giải thưởng Nobel?- Không có người nào. Có hai người Trung Hoa lục địa lãnh giải thưởng Nobel: Gao Xiankian lãnh giải Nobel văn chương năm 2000 sau khi xin tỵ nạn và sống ở Pháp được 13 năm và Liu Xiaobo lãnh giải thưởng Nobel hòa bình năm 2010 trong lúc bị cầm tù.
Chạy đua võ trang và phát triển quân sự để làm gì? Câu hỏi này làm cho sự lựa chọn thứ hai không có mục đích rõ ràng.
- Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

Nam Yết chuyển

No comments: