Tàu cảnh sát biển Trung Quốc (trái) cố tình chèn ép tàu cảnh sát biển Việt Nam |
Bài báo của hai tác giả Elizabeth Economy và Michael Levi thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nêu rõ, giàn khoan Hải Dương 981 của Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) được đưa vào vùng biển của Việt Nam với sự hộ tống của 70 tàu, trong đó có cả tàu chiến được trang bị vũ khí.
Ban đầu, động thái này có vẻ như chỉ là một phần trong cuộc săn tìm các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các công ty Trung Quốc đang thực hiện ở khắp mọi ngóc ngách của thế giới.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trên biển Đông hiện nay thực ra lại nguy hiểm hơn rất nhiều so với những gì từng xảy ra trên vùng biển này trước kia, bài báo nhận định.
Theo bài báo, mục đích mà Trung Quốc theo đuổi trên biển Đông vượt xa khỏi nguồn tài nguyên năng lượng giàu có của vùng biển này. Từ đó, bài báo thúc giục nước Mỹ cần đối mặt toàn diện với thách thức mà Trung Quốc đặt ra trên biển Đông. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ đưa ra những lời nói cứng rắn, mà còn cần sẵn sàng thực hiện những hành động khó khăn.
Từ lâu, đã có những đồn đoán về trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ ở biển Đông, vùng biển có diện tích 1,4 triệu dặm vuông nằm giữa Việt Nam, Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Đài Loan. Tất cả 6 quốc gia và vùng lãnh thổ này đều có tuyên bố chủ quyền với một phần của biển Đông.
Theo số liệu của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, biển Đông có thể có trữ lượng 400 tỷ thùng dầu, vượt cả trữ lượng dầu của vùng Trung Đông. Tuy nhiên, những con số ước tính đáng tin cậy khác nhỏ hơn nhiều con số trên. Cơ quan Nghiên cứu Địa chất Mỹ ước tính vào năm 2010 rằng, trữ lượng dầu chưa được phát hiện (phần lớn trong đó không đem lại hiệu quả tài chính nếu được khai thác) ở biển Đông chỉ đạt khoảng 11 tỷ thùng.
Bởi vậy, khó có thể tin rằng Trung Quốc dám “liều” đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang chỉ vì một trữ lượng dầu khiêm tốn như vậy.
Có hai vấn đề quan trọng khác phía sau những gì đang diễn ra trên biển Đông. Thứ nhất là chủ nghĩa dân tộc. Khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm gần quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc vẫn tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của mình, nên việc lùi bước sẽ là một đòn giáng vào uy tín của Trung Quốc.
Bài báo nhận định, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn được thúc đẩy bởi ý muốn kiểm soát các tuyến đường biển trên biển Đông. Kim ngạch thương mại hơn 5 nghìn tỷ USD đi qua khu vực này mỗi năm, trong đó có 1/3 lượng dầu lửa được vận chuyển bằng đường biển của thế giới, bao gồm 2/3 lượng dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc, cũng như hầu hết lượng dầu lửa có đích đến là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Ngoài ra, theo bài báo, lực lượng Hải quân Trung Quốc vẫn quá yếu để thách thức sự thống trị của Mỹ trên các tuyến đường biển ở Trung Đông, hoặc thậm chí là nắm quyền kiểm soát đối với eo biển chiến lược Malacca. Tuy nhiên, bằng cách bành trướng ở biển Đông, Trung Quốc có thể củng cố niềm tin rằng, Mỹ sẽ không thể làm gián đoạn nguồn cung dầu lửa của mình.
Ngoài hai động cơ trên, các công ty dầu lửa Trung Quốc có lẽ không hứng thú gì với việc hoạt động trên biển Đông.
Nếu vậy, thì đến thời điểm này Trung Quốc chưa đạt được mục đích của mình. Động thái mới nhất của Trung Quốc không chỉ khiến Việt Nam và các quốc gia khác bất ngờ mà còn xói mòn những tuyên bố trước đó của Bắc Kinh rằng, quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực là ưu tiên chính sách đối ngoại. Bên cạnh đó, động thái của Trung Quốc trên biển Đông cũng dẫn tới nghi ngờ về cam kết của Trung Quốc đối với các cuộc đàm phán nhóm công tác với Việt Nam về cùng khai thác tài nguyên trên biển Đông.
Mỹ đã tuyên bố sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, bài báo cho rằng, như thế là chưa đủ. Mỹ cần yêu cầu Trung Quốc đưa ra những bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, cũng như làm rõ về lợi ích thực sự của Mỹ trên vùng biển này. Theo bài báo, Mỹ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần đoàn kết trong việc từ chối công nhận các tuyên bố chủ quyền đơn phương đối với các lãnh thổ có tranh chấp.
Các tác giả bài báo cho rằng, Mỹ cần sẵn sàng biến những “lời hùng biện” của mình thành hành động. Dù Mỹ không có thỏa thuận bắt buộc phải bảo vệ Việt Nam, việc Mỹ tái cân bằng về phía châu Á dựa trên tiền đề là vai trò người bảo vệ quan trọng nhất đối với ổn định ở Thái Bình Dương, khi các hành động của Trung Quốc đang thách thức điều đó.
Việt Nam đã liên tục khẳng định cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Nếu Trung Quốc không đáp lại mong muốn này, nước Mỹ cần sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua tăng cường hiện diện hải quân - theo bài báo. Cách này sẽ giúp Washington đánh giá đúng về khả năng của Trung Quốc và giúp giảm căng thẳng. Các lựa chọn khác, chẳng hạn hạn chế hoạt động của CNOOC tại Mỹ, cũng nên được xem xét.
Nếu Mỹ không thể biến lời nói thành hành động, niềm tin đối với những lời hứa của Mỹ về duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ suy giảm - bài báo kết luận.
HP chuyển
No comments:
Post a Comment