Sunday, May 25, 2014

Nguyễn Giang Gấu Misa trong vòng tay gấu trúc

Chuyện ông Vladimir Putin sang Trung Quốc ký hợp đồng ‘siêu khổng lồ’ 400 tỷ USD bán khí đốt cho Trung Quốc và cho hải quân tập trận chung với nước này đang được cả thế giới chú ý.

Gấu Misa đã quay lại châu Á và đang nhảy điệu vũ thắm thiết tình hữu nghị thế kỷ với gấu trúc Panda.
Thậm chí vì quá muốn tìm một đồng minh châu Á sau khi quan hệ với Phương Tây đổ vỡ bởi vụ Crimea mà ông Putin đã gây sức ép lên Gazprom buộc phải giảm giá bán khí đốt cho Trung Quốc.
Bởi nước Nga, như một bài viết nhiều ý của Sergei Radchenko trên trang The Diplomat gần đây, hiện đang ở vị thế yếu hơn Trung Quốc, khác hẳn thời Stalin coi Mao chỉ là 'đàn em' ý thức hệ.
Thực ra, cũng nói không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga cũng làm động tác ‘chuyển trục’ quan hệ sang châu Á, như Hoa Kỳ với cú quay ‘pivot’ của Tổng thống Barack Obama và chiến lược vào làm ăn ồ ạt ở Trung Quốc của Đức.
Nga đã từng có mặt cùng các đại cường xâu xé Trung Hoa thời nhà Thanh và giấc mộng chiếm lĩnh Thái Bình Dương chỉ bị tan vỡ sau khi thua Nhật Bản năm 1905.

Điệu nhảy của gấu

Nhưng với các nước châu Á, điệu nhảy mới của gấu Nga trong vòng tay gấu trúc Panda có nhiều lý do khiến ta chú ý.
Về thời điểm, Gazprom cần tìm thị trường mới để phòng ngừa cấm vận kinh tế từ châu Âu và Hoa Kỳ.
Lại gần Trung Quốc còn là cách Nga chủ động uốn nắn quan hệ với nước này.
Với Nhật Bản, Nga cũng hoãn lại một thỏa thuận về nhóm đảo Kuril để đặt nằng đồng cân lên cuộc chơi nghiêng về Trung Quốc.
Ấn Độ, nước từng gần gũi với Moscow thời Indira Gandhi và tới gần đây vẫn được lý thuyết gia của Điện Kremlin, ông Vladislav Surkov ưa thích, nay cũng bị đẩy xa ra hơn.
Vì Trung Quốc không chỉ chia sẻ các quan ngại với Nga về an ninh vùng Trung Á theo Hồi giáo, mà còn có thể đem đầu tư và công nghệ vào giúp khai phá Siberia.
Nga từng có lịch sử dính líu vào châu Á: Hạm đội Nga ở Trung Quốc năm 1900

Về địa điểm, chuyến thăm Thượng Hải của tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại chuyến thăm cũng đến đây năm 1972 của tổng thống Richard Nixon, mở ra nhiều hướng đi mới cho quan hệ Mỹ – Trung.
Lịch sử chỉ chuyển động khi các đại cường nói chuyện với nhau về các chủ đề lớn trước khi để ý đến những chuyện các nước nhỏ coi là rất lớn với mình.
Trên lý thuyết, quan hệ Nga - Trung gần lại với nhau đáng ra phải là tin vui vì Việt Nam có thể dựa vào vai hai người khổng lồ cùng chia sẻ tư duy chính trị phi Phương Tây?
Nhưng những tín hiệu chúng ta ghi nhận từ Việt Nam lại là sự lo lắng.
Việc Trung Quốc cắm 'giàn khoan chiến lược' xuống Biển Đông gần Hoàng Sa đang khiến giới chức ở Việt Nam phải định vị lại quan hệ với Trung Quốc.
Đã có nhiều tiếng nói từ Việt Nam công khai đòi buông ra vòng ôm mềm mại nhưng siết chặt của gấu trúc Panda vốn cao cường võ nghệ.
Còn với gấu Nga, Việt Nam hẳn cũng cần nghĩ lại xem thực sự ai là bạn của họ ở Điện Kremlin.
Chí ít, cần thẳng thắn nhận định rằng đây là quan hệ bất bình đẳng đã từ lâu.
Trong một số giới ở Việt Nam, tình cảm với Nga từ nhiều năm qua được nuôi dưỡng đơn phương qua mấy thế hệ, bất chấp một thực tế là Việt Nam chưa bao giờ được Nga coi là một đối tác quan trọng ở châu Á.
Thời Chiến tranh Lạnh, dù đầu tư vào chủ nghĩa cộng sản toàn cầu, Nga cũng chỉ 'đến với' Việt Nam để cạnh tranh với Hoa Kỳ tại châu Á.
Ngày nay, Sergei Radchenko cho rằng tại châu Á chỉ có ba nước mà Nga chú tâm nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Văn bản ‘đối tác chiến lược’ Hà Nội ký với Moscow từng tạo hy vọng về một sự trở lại của người Nga nhằm tạo thế cân bằng nào đó trong an ninh biển đảo Đông Nam Á mà Việt Nam có thể sẽ có lợi.
Năm 2013 ông Putin có sang Việt Nam nhưng thực chất chuyến đi này đem lại nhiều lợi ích cụ thể cho Nga như các hợp đồng vũ khí tiền tỷ, hơn là một cái gì đó ‘sờ được ước thấy’ về sự hỗ trợ tinh thần, công nghệ, giáo dục cho Việt Nam.
Cây vợt Nga Maria Kirilenko hôn chú gấu trúc bằng bông sau trận đấu tennis ở giải China Open

Từ khi Liên Xô sụp đổ, quân đội Nga – Việt chưa bao giờ diễn tập với nhau trong khi các đợt diễn tập quân sự trên bộ và trên biển chung của Nga và Trung Quốc xảy ra liên tục và ngày càng có tầm vóc lớn.
Dù sau vụ sáp nhật Crimea, Nga bị Phương Tây phê phán, cấm vận các cá nhân và công ty chính yếu, Ngoại trưởng Sergei Lavrov có sang Việt Nam để giải thích quan điểm của Nga.
Nhưng ông Lavrov cũng sang Cuba và vài nước Nam Mỹ để làm công việc tương tự.

Khách hàng mua súng

Rất có thể trong tâm trí người Nga, tình cảm của Việt Nam với họ thì cũng quý, nhưng về quyền lợi thì Việt Nam cũng chỉ là một khách hàng mua súng đạn, tàu bay, tàu ngầm, chẳng có gì hơn Malaysia, Indonesia.
Hai nước này cũng mua vũ khị́ của Nga rất nhiều và to hơn là Ấn Độ cũng có quan hệ quân sự chiều sâu với Moscow.
"Với Nga, Việt Nam cũng chỉ là một khách hàng mua súng đạn, tàu bay, tàu ngầm, chẳng có gì hơn Malaysia, Indonesia"
Điều quan trọng là từ lâu lắm rồi tôi không thấy các lãnh đạo Nga phát biểu gì công khai ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế.
Tình yêu của những người Việt Nam còn mong nhớ một thời Liên Xô phải chăng đang là thứ tình yêu đơn phương với chú gấu Misa lạnh lùng, chỉ ham thích bán súng, góp phần không nhỏ vào cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á?
Nhưng chuyện đam mê hình ảnh nước Nga không phải bây giờ mới có.
Trước đây đã từng có những thế hệ người Việt, nhất là ở miền Bắc, thực sự kính yêu ông Lenin, một người chưa bao giờ biết và nói gì đến xứ An Nam thuộc Pháp.
Tình cảm mang màu sắc tín ngưỡng đó có thể hiểu được trong thập niên 1930, 1940 nhưng đến nay, trong thế giới thực dụng, nhiều tính toán này mà vẫn còn thì quả là lạ.
Có nhiều khả năng, đây là hệ quả của một cảm xúc mất mát sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tại châu Âu, từ nhiều thế kỷ qua, khác với cách nhìn 'tuần hoàn' của Phương Đông, phong trào cộng sản đã vay mượn triết lý Do Thái – Cơ Đốc Giáo để đặt thêm vào cuối hành trình đó một Thiên đường trong tương lai.
Từ nhiều năm qua, Nga đã liên tục tập trận ở quy mô lớn với Trung Quốc

Tính Khải huyền của dự án Liên Xô được đề cao như thế nên khi thất bại nó đã khiến hàng triệu người buồn và mất phương hướng.
Hiện tượng phục hồi biểu tượng của Liên Xô giúp nhiều người tìm lại được bản sắc và bù đắp cảm giác hụt hẫng.
Thậm chí có những nhóm người như ở vùng Donets hiện nay đang cố dựng lại thể chế 'Cộng hòa Nhân dân' và đòi ‘quốc hữu hóa’ tài sản của những doanh nhân không ủng hộ họ.
Nhưng ở Việt Nam ngày nay, ảnh hưởng của Nga không chỉ có giấc mộng 'đại đoàn kết quốc tế' còn lưu luyến trong tâm trí một số người.
Tư duy kinh tế người Việt Nam học và mang về từ thời Liên Xô và hậu Xô - Viết như mô hình đại gia (oligarchy), hiện là cản trở cho sự nâng cao đẳng cấp của công nghệ và khoa học của Việt Nam.
Không ai vặn ngược đồng hồ để quay lại thời Liên Xô hay để Việt Nam giành lại những cơ hội đã mất trong 10 năm qua.
Vì thế, các chính khách Việt Nam nay hẳn cần đánh giá lại một cách cụ thể, tỉnh táo, bỏ sang một bên hoài niệm quá khứ hay ảo tưởng về tình 'đồng chí' trong tương quan với các nước 'đối tác chiến lược' đã ký kết.
Chiến lược ngoại giao đa phương này đã từng có tác dụng tốt cho đến khi các tuyến quan hệ biến thành một trận hỗn chiến.
Đánh đu giữa ngã ba đường khi hai con gấu khổng lồ vừa nhảy múa quấn quýt vừa vờn nhau hẳn không phải là môn thể thao an toàn.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/blogs/2014/05/140523_russian_bear_chinese_panda.shtml 

No comments:

Lễ 51 Năm Giỗ Trận Hoàng Sa 19/1/1974-19/1/2025. Tưởng Niệm 74 Chiến Sĩ Hải Quân Đền Nợ Nước.

Chuyện Bên Lề Một Thủy thủ già sau khi dự lễ 51 Năm Hoàng Sa mời các bạn về nhà hái ổi. Vừa mở cửa xuống xe ông b ỗng nạt:” ”Bình! ...