GS Lê Xuân Khoa
Posted by adminbasam on 14/05/2014
Việt Nam đang
đứng trước một khúc ngoặt khó khăn, một tình trạng oái oăm chưa từng
thấy trong lịch sử vì chính quyền có thể thuận theo ý nguyện của nhân
dân hay ngoan cố duy trì chế độ độc tài tàn bạo dù có phải cúi đẩu tuân
phục quân xâm lược. Nhưng nhân dân đã đứng lên với khí thế không có lực
lượng phản động nào ngăn cản nổi. Cầu mong cho những đầu óc u mê hãy
bừng tỉnh để tránh khỏi kết cục bi thảm và muôn đời bị lịch sử và nhân
dân nguyền rủa.
--------------------
Ngày 1 tháng 5,
2014 Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam qua vụ đặt
giàn khoan khổng lồ 981 tại Thềm lục địa và Vùng Đặc quyền Kinh tế của
Việt Nam. Sự kiện này gây phản ứng mạnh mẽ của nhân dân trong nước và dư
luận quốc tế sôi nổi. Theo dõi tình hình hai tuần qua, chúng ta thấy có
mấy điểm cần đặc biệt quan tâm:
1. TT Nguyễn Tấn
Dũng đã thất bại tại hội nghị ASEAN cấp cao ngày 11.5 khi kêu gọi các
nước ASEAN “lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng của Trung
Quốc và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”. Bản Tuyên bố
chung ASEAN cũng như của Chủ tich hôi nghị Thein Sein chỉ kêu gọi các
bên sử dụng biện pháp hòa bình và không làm gia tăng căng thẳng trên
Biển Đông, đồng thời cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).
2. TBT Nguyễn Phú
Trọng muốn sang Bắc Kinh gặp TBT Tập Cận Bình nhưng lời yêu cầu bị từ
chối (báo New York Times, 12.5) Trong khi đó, Trung Quốc leo thang cảnh
cáo Viêt Nam không được cản trở hoạt động của giàn khoan và phài bảo vệ
tài sản và sự an toàn của kiều dân và công nhân TQ ở Việt Nam. Dù đã có
thật sự nổ súng hay chưa, thực tế là lãnh đạo Bắc Kinh đã xé bỏ các
thoả thuận năm 2011 (với TBT Nguyễn Phú Trọng) và 2013 (với CT Trương
Tấn Sang) cam kết giải quyết hoà bình các vấn để giữa hai nước.
3. Phản ứng của
Hoa Kỳ không khác gì thái độ của ASEAN. Ngày 13.5 Ngoại trưởng John
Kerry vẫn chỉ bày tỏ sự “quan tâm sâu sắc” tuy có nhân xét thêm là hành
động của TQ có tính “khiêu khích” . Lập tức ông bị đồng nhiệm TQ Vương
Nghị khuyến cáo là hãy “thận trọng trong lời nói và hành động”. Trong
khi đó thì Tổng Tham mưu trưởng quân đội TQ Phòng Phong Huy sang
Washington họp bàn về “hợp tác quân sự mật thiết hơn” và chắc chắn sẽ
thảo luận về biến cố giàn khoan. Người ta có thể nghi ngờ là Hoa Kỳ có
thể đã hết kiên nhẫn với Việt Nam và có thể đồng ý với một đề nghị đổi
chác với Trung Quốc. Lần này thì không ai có thể
chỉ trích Hoa Kỳ bán đứng Việt Nam vì chính Việt Nam đã từ chối hợp tác
với Hoa Kỳ.
Lãnh đạo Hà Nội
đang lâm vào tình trạng bế tắc chưa biết xoay sở ra sao vì thình lình bị
mất chỗ dựa an toàn là Trung Quốc. Phương châm “16 chữ vàng” và tinh
thần “4 tốt” được TQ bày ra cho VN như những câu thần chú thiêng liêng
thì nay lại bị chính lãnh đạo TQ ném vào sọt rác. Bởi thế, đã hai tuần
qua mà Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nước và Chủ tịch Quốc hội đều im hơi lặng
tiếng. Chỉ có Thủ tướng là lên tiếng tố cáo TQ ở hội nghị ASEAN, nhưng
quan điểm bất đồng của ông Dũng với ba người trong “Tứ trụ” vẫn còn là
một bí ẩn chưa được tiết lộ. Hội nghị Trung ương số 9 diễn ra đến hôm
nay đã bảy ngày cũng làm như không
biết đến biến cố giàn khoan. Chính quyền không còn dám ngăn cấm và đàn
áp biểu tình nhưng lại dùng mưu mẹo tổ chức “biểu tình quốc doanh” để
lái nhân dân theo định hướng của nhà nước, nhưng thất bại.
Trong khi đó, vấn
đề quan trọng nhất đối với trí thức và nhân dân yêu nước là làm sao thực
hiện được cả hai mục tiêu bảo vệ tổ quốc và dân chủ hoá chế độ mà không
gây bạo động và hỗn loạn, vì như thế chỉ làm lợi cho TQ và thêm đau khổ
cho nhân dân. Chưa kể còn phải giải quyết nhiều vấn đề khác, nhất là về
kinh tế, xã hôi nếu bỗng nhiên bị TQ làm gián đoạn.
Ngày 13.5, trên
Tuần Việt Nam có một bài viết rất hay của tác giả Lê Quang Bình, “Việt
Nam thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?” Tôi liên tưởng đến giải pháp
tương tự tôi đã đề xuất trong bài “Việt Nam phải làm gì sau hai cuộc hội
đàm thượng đỉnh Việt-Trung và Việt-Mỹ” trên boxitvn (tháng 8, 2013).
Trong phần kết “Sinh lộ cho Việt Nam” tôi còn có nhận xét:
“Hoa Kỳ không
thể chần chờ được nữa vì trước những đe doạ mới của Bắc Kinh ở Biển Hoa
Nam (Biển Đông) và Biển Hoa Đông, các nước trong khu vực đang ráo riết
phòng vệ chiến tranh và Hoa Kỳ cần phải có những động tác thích hợp.
Lãnh đạo Việt Nam không nên tiếp tục câu giờ, nhất là không nên sai lầm
nghĩ rằng Mỹ cần ta thì ta có thể bắt chẹt Mỹ phải nhượng bộ về vấn đề
quyền con người. Thật ra Việt Nam cần Mỹ hơn và Mỹ luôn luôn có những
lựa chọn chiến lược khác do những nhóm đặc nhiệm (task forces) của Hội
đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nghiên cứu và phối
hợp hoạt
động.
“Suốt chiều dài
bốn nghìn năm lịch sử, Việt Nam không có một triều đại hay một chính
phủ nào chịu dâng nước cho ngoại bang vì muốn duy trì quyền lợi của dòng
họ hay phe đảng của mình. Việt Nam ngày nay đang đứng trước một khúc
quanh lịch sử và một tình huống chính trị chưa bao giờ thấy, vì Tổ quốc
mất hay còn lại tuỳ thuộc vào sự chọn lựa của một Đảng cầm quyền: mất
nước để duy trì chế độ độc tài, hay giữ được nước nhưng phải dân chủ hoá
chế độ.”
Trước đó, trong
bài “Việt Nam sẽ ra sao sau bài diễn văn Shangri-La? (tháng 6, 2013) tôi
cũng đã bình luận về quan điểm độc lập và trung lập của TT Nguyễn Tấn
Dũng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ:
“Thủ tướng Việt
Nam đã cho thấy một bước ngoặt quan trọng về chính sách đối ngoại của
Hà Nội: tìm cách thoát khỏi sự khống chế của Bắc Kinh và gia tăng hợp
tác với Hoa Thịnh Đốn. Có thể nói đây là chính sách “xoay trục sang Hoa
Kỳ” (pivot to the U.S.) của chính quyền Việt Nam. Điều này không có
nghĩa là Việt Nam muốn tìm một đồng minh quân sự để chống lại Trung Quốc
mà chỉ là một quyết định khôn ngoan để bảo vệ độc lập và chủ quyền của
mình. Trong phần cuối bài diễn văn, ông Dũng đã khẳng định là “Việt Nam
không liên minh với nước này để chống lại nước khác.” Điều này hé mở
khuynh
hướng về quy chế trung lập có thể sẽ được các nước ASEAN chấp thuận như
một chọn lựa thích hợp với “vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp
tác đa phương.”
Mặc dù nhấn mạnh
vào thói “nói một đằng, làm một nẻo” của các nhà lãnh đạo CS, tôi vẫn
nhắc nhở Thủ tướng Dũng “cần phải lấy được niềm tin đã mất trong nhân
dân” và để được như vậy, ông Dũng “cần phải có một hành động đột phá thứ
nhì, xoay chuyển chính sách đối nội từ độc tài sang dân chủ.” (Hành
động đột phá thứ nhất như đã nói ở trên là xoay chuyển chính sách đối
ngoại, từ lệ thuộc vào Trung Quốc sang hợp tác với Hoa Kỳ).
Lãnh đạo Việt Nam
đã nhiều lần để lỡ thời cơ đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân
tộc. Lãnh đạo Việt Nam vẫn đề cao chủ trương “làm bạn với tất cả” nhưng
thực tế Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam rất cô đơn vì không có bạn,
cũng không có đồng minh. Ngay cả quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em”
đối với Trung Quốc cũng đã bị lãnh đạo Bắc Kinh đính chính “chỉ là đồng
chí chứ không là đồng minh”. Cơ hội “thoát Trung” lần này cũng để quá
trễ nhưng vẫn còn hi vọng nếu lãnh đạo Việt Nam thật sự thức tỉnh và
quyết tâm đồng hành với nhân dân.
Về phía trí thức
và nhân dân, các nhóm công dân của xã hội dân sự mà hiện nay đã lên tới
trên 20 tổ chức, cần cử ra những đại diện ngồi lại với nhau để thành lập
một hình thức hợp tác tạm gọi tên là Liên minh Cứu nguy Tổ quốc hay một
danh xưng khác thích hợp hơn. Các nhóm trong Liên minh này đều độc lập
và bình đẳng, hợp tác với nhau trên cơ sở mẫu số chung, đại đồng tiểu
dị. Đại diện các nhóm sẽ bầu ra một Hội đồng Điều hành của Liên minh
theo lề lối dân chủ, căn cứ trên những điều kiện thích hợp, như hiểu
biết, kinh nghiệm, khả năng tổ chức, giao thiệp, v.v. Cũng cần có một
bản nội quy ấn định rõ sứ mệnh và cấu
trúc của Liên minh , vai trò và trách nhiệm của các nhóm thành viên,
nhất lả thể thức lảm việc cho có hiệu quả và ngăn ngừa được sự lạm dụng
quyền lực của một cá nhân hay phe nhóm nào.
Liên minh cần công
bố một bản nhận định thật bình tĩnh và sáng suốt về tình hình căng
thẳng với Trung Quốc và đưa ra những nguyên tắc cơ bản cho việc giải
quyết một cách thực tế và thích hợp. Bản nhận định và đề nghị sẽ kêu gọi
chính quyền đồng hành với nhân dân thông qua đối thoại, tham khảo và
hợp tác trong việc hoạch định và thực thi những chính sách mới về đối
nội và đối ngoại, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và được sự ủng
hộ của bạn bè quốc tế. Trước tiên là chính quyền cần thả ngay những
người đã bị bắt và kết án chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước. Lời kêu gọi cũng
được hướng đến các cấp trong
hệ thống hành chính , quân đội, công an trên toàn quốc,với mục đích
đoàn kết toàn dân. Như vậy dân tộc mới có đủ sức mạnh bào vệ độc lập và
chủ quyền đât nước đồng thời hậu thuẫn cho sự chuyển đổi thể chế từ độc
tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên đa đảng một cách trật tự, ôn hoà.
Tất nhiên, các tổ
chức Xã hội Dân sự vẫn phải cảnh giác và chuẩn bị ứng phó với những diễn
biến phức tạp bất ngờ có thể dẫn đến rối loạn hay bạo động do nhân dân
tự phát hay do những phần tử phá hoại khích động, hay do lực lượng an
ninh đàn áp.
Việt Nam đang đứng
trước một khúc ngoặt khó khăn, một tình trạng oái oăm chưa từng thấy
trong lịch sử vì chính quyền có thể thuận theo ý nguyện của nhân dân hay
ngoan cố duy trì chế độ độc tài tàn bạo dù có phải cúi đẩu tuân phục
quân xâm lược. Nhưng nhân dân đã đứng lên với khí thế không có lực lượng
phản động nào ngăn cản nổi. Cầu mong cho những đầu óc u mê hãy bừng
tỉnh để tránh khỏi kết cục bi thảm và muôn đời bị lịch sử và nhân dân
nguyền rủa.
Lê Xuân Khoa
14.05.2014
No comments:
Post a Comment