Sunday, May 25, 2014

Võ Hà Về sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974


HoangsaParacelblogspots :  Đối phó với việc Trung Cộng áp đặt dàn khoan Hải Dương 981, cộng sản Hà Nội rất là hụt hẫng vì không có được sự hậu thuẫn cuả Nga mà sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Liên Bang Xô Viết đã dành cho việc tự vệ chính đáng cuả VNCH.

Ngay sau khi hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa diễn ra, báo chí của Nga đã có những phản ứng gây gắt. Ngày 27-01, tờ Sự Thật (Pravda), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Xô Viết cho rằng: “hành động quân sự của Trung Cộng tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ và là một mối đe dọa cho các quốc gia Á Châu, việc sử dụng vũ khí để giải quyết tranh chấp đất đai không thể nào tha thứ được”

Trong việc tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Trung Quốc, cao điểm là cuộc đụng độ vũ trang ngày 19-01-1974, đã đánh một dấu mốc quan trọng trong chính sách “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc trên biển Đông nói chung và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nói riêng. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh liên quan mật thiết đến những chuyển biến có tính chất bước ngoặc trong nội bộ của các nước có tranh chấp, đồng thời cũng là một hệ quả của mối quan hệ quốc tế một thời gian dài trước đó. Bài viết này, sẽ phân tích sự kiện hải chiến Hoàng Sa dưới góc độ báo chí đương thời của VNCH và báo chí nước ngoài, để làm rõ thái độ và dư luận về vụ hải chiến Hoàng Sa.

I. QUYẾT TÂM BẢO VỆ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA CỦA CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam theo các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21-7-1954 đã để lại một khoảng trống trong việc bố phòng ở biển Đông, tạo cơ sở cho một số nước chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, chính quyền đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến Hoàng Sa như cho khai thác phân chim, thành lập công ty khai thác tài nguyên ở Hoàng Sa tại Sài Gòn, xây dựng các cơ sở hạ tầng như: nhà ở, cầu cảng, phân xưởng, nhà thủy văn... Năm 1974, việc tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa lên đến cao độ bằng cuộc đụng độ vũ trang, báo chí VNCH và nước ngoài đã theo dõi, cung cấp đến bạn đọc trong nước và ngoài nước âm mưu xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc, đồng thời nêu lên những căn cứ thể hiện tính chính nghĩa đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Ngày 11/01/1974, Trung Quốc tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, Bộ Ngoại giao VNCH đã phản ứng rất quyết liệt. Trong những cuộc họp báo tại Sài Gòn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Tổng trưởng Ngoại giao VNCH đã tố cáo trước dư luận thế giới về tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Trong một cuộc họp báo “đặc biệt” được tổ chức tại phòng họp của Bộ Ngoại Giao VNCH, quy tụ đông đảo Đại diện báo chí trong nước và ngoài nước vào chiều 15/1/1974, Tổng Trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc đã lên tiếng tố cáo trước quốc dân và quốc tế về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền VNCH trên quần đảo Hoàng Sa; ngày 16/10/1974, Bộ Ngoại giao VNCH ra Tuyên bố về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày hôm sau (17/1/1074), Tia Sáng đăng bài phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc đã đe dọa đến hòa bình khu vực, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. “Đây là hành động trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH…Trước những hành vi thô bạo đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa rất căm phẫn và quyết không dung thứ…sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình và dành quyền thi hành mọi biện pháp thích nghi cho mục đích ấy”[1].

Trước tình hình đó, VNCH đã có những hành động tương ứng để đối phó, trước hết là giải quyết mâu thuẩn bằng biện pháp hòa bình. Tia Sáng ngày 19/01/1974 có bài với nội dung sau: “Hoàng Sa là một quần đảo có 130 đảo lớn nhỏ cách bờ biển Đà Nẵng 320 cây số đang chứa đựng sẵn một tài nguyên vô tận, chất phosphate và tương lai dầu hỏa dưới thềm lục địa của đảo này. Hai nguồn lợi này đã được coi như nguyên nhân thúc đẩy Trung Cộng tranh quyền, lấn đất với Việt Nam Cộng hòa kể từ đầu tháng 1-1974 đến nay. Nhân dịp này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sử dụng những biện pháp khả thi và cần thiết nhằm điều chỉnh lại tình trạng vừa xảy ra kể trên”[2]. “Sở dĩ chưa có việc gì đáng tiếc xảy ra vì chưa có dấu hiệu cho thấy số người này của Trung Cộng có ý xây nhà cửa, di dân đến chiếm đất và phía người Trung Cộng cũng không hề nổ súng vào phía quân lực Việt Nam Cộng hòa. Quần đảo Hoàng Sa lại không có dân chúng sinh sống nên nhẹ gánh cho quân đội phòng trú tại đây khỏi bảo vệ sinh mạng người dân… Một quyết định nổ súng có thể xảy ra một cuộc chiến tranh tệ hại, do đó quyết định quan trọng này phải được cân nhắc cẩn thận”[3].Biện pháp vũ trang là biện pháp cuối cùng một khi những đòi hỏi chính đáng của nhân dân và chính quyền VNCH không được đáp ứng.

Sau khi chiến sự đã xảy ra, “Ngoại trưởng Vương Văn Bắc lại một lần nữa xác nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những lãnh thổ bất khả phân của Việt Nam Cộng hòa, căn cứ vào những dữ kiện hợp lý về địa lý, pháp lý và thực tế. Việt Nam Cộng hòa sẽ không chịu khuất phục bất cứ một áp lực nào để phải từ bỏ phần lãnh thổ này của quốc gia”[4]. Trong phương án giải quyết sau khi Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH đã nêu quan điểm là cần huy động sức mạnh nội lực và ngoại lực. “Muốn bảo vệ chủ quyền, chính phủ phải đạt được nhân tâm trong quốc nội và thế độc lập ngoại giao ở quốc ngoại”[5]và “trong vụ Hoàng Sa, Việt Nam Cộng hòa đã trông cậy trước hết vào lực lượng của chính mình để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ”[6]. Đồng thời, đây là mâu thuẩn có tính chất quốc tế, bởi vậy, “Tổng thống VNCH cũng đã gởi văn thư tới các Quốc trưởng hoặc nguyên thủ các quốc gia thân hữu với Việt Nam Cộng hòa nhằm trình bày các tiến trình của vụ Hoàng Sa, cùng chứng tỏ tính chính nghĩa của VNCH trong vụ này”[7]. Chính quyền VNCH truyền đi thông điệp việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa nằm trong âm mưu thường xuyên bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Vấn đề này thể hiện rõ trên trang chính Tia Sáng ngày 01/02/1974. Bài báo đăng một thông luận đề cập lịch sử tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa là một đề tài nóng và liên quan đến nhiều nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã thủ sẵn những bằng chứng hùng hồn hơn ai hết về chủ quyền của mình đối với quần đảo này. “Nhật từ bỏ tranh chấp từ năm 1951, vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu vẫn là đề tài tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Hoa và cả Phi Luật Tân cũng như đã có bận với Nhật Bản. Tuy nhiên, VNCH đã thủ sẵn những bằng chứng hùng hồn hơn hết về chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa cả về phương diện lịch sử địa dư và pháp lý”[8].

Trong quan điểm giải quyết vụ Hoàng Sa của chính quyền VNCH lúc bấy giờ, Hãng AFP của Pháp đã bình luận: “VNCH vẫn chưa mất đảo Hoàng Sa và chỉ mất khi nào chịu từ bỏ tranh đấu về chủ quyền của quần đảo này”[9]. Trong khi đó, Hãng UPI tại Sài Gòn ngày 28/01/1974 đưa tin VNCH sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt để bảo vệ Hoàng Sa bằng hành động quân sự. “Không quân Nam Việt cũng di chuyển các phản lực cơ ra Đà Nẵng để có thể can thiệp mau lẹ... Các đơn vị gồm có Thủy quân lục chiến, người nhái và một toán truyền tin và tham mưu đang tiến đến quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng này cố bao vây các quần đảo Duncan Drummond và Robert. Những nguồn tin báo chí khác có nói đến sự hiện diện của phi cơ Phantom F4 có thể đương đầu với Mig 21, nhiều đơn vị hải quân của quân đoàn 3 và 4 cũng được gọi đến để tăng cường cho Quân khu I”[10]. Hơn nữa, chính quyền đã có một kế hoạch liên hoàn để bảo vệ các quần đảo khác của mình. “Một nguồn tin hữu quyền nói với phái viên viết bài này rằng những nỗ lực phòng thủ lúc nào cũng được chuẩn bị và chắc chắn đã được tăng cường bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, là các quần đảo ngoài khơi VNCH. Hai khu vực quần đảo Trường Sa và Phú Quốc đã được đặt trọng tâm trong kế hoạch bảo vệ của quân lực VNCH kể từ khi Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm đoạt”[11]. Ngày hôm sau, hãng TTH đưa ra lời tuyên bố Ngoại trưởng Vương Văn Bắc: “Việt Nam Cộng hòa bằng mọi phương pháp sẽ lấy lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì một nước bị xâm chiếm đất đai có quyền dùng mọi phương tiện chính trị, quân sự để lấy lại phần đất đã bị chiếm mất”[12].

II. THÁI ĐỘ CỦA CÁC NƯỚC LỚN CÓ LIÊN QUAN

            1. Thái độ của Nga

Trong quan hệ quốc tế năm 1974, cục diện chính trị thế giới đã có nhiều thay đổi trong thế “hai cực” của chiến tranh lạnh, đặc biệt là sau sự kiện năm 1972 khi Trung Quốc và Mỹ ký Thông cáo chung Thượng Hải. Sự kiện này tạo ra bước ngoặt quan trọng, liên quan trực tiếp đến tình hình của Việt Nam như thúc đẩy nhanh tiến trình ký kết Hiệp định Paris, tạo một điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự, đi đến xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Nga thể hiện phản ứng không hài lòng Trung Quốc khi “đi đêm” với Mỹ và có những hành động nhằm giữ thế cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngay sau khi hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa diễn ra, báo chí của Nga đã có những phản ứng gây gắt. Ngày 27-01, tờ Sự Thật (Pravda), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Xô Viết cho rằng: “hành động quân sự của Trung Cộng tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ và là một mối đe dọa cho các quốc gia Á Châu, việc sử dụng vũ khí để giải quyết tranh chấp đất đai không thể nào tha thứ được”[13]. Trong khi đó, Đài BBC, ngày 27/01/1974 đã phân tích tình hình và nhận định mối quan hệ giữa các quốc gia trong vụ Hoàng Sa“. Có nhiều lý do để giải thích sự kiện mới này, một lý do là vì Trung Cộng quan tâm không hẳn là với mục đích chiếm các hải đảo cho Trung Cộng mà để đảm bảo rằng các quần đảo nhỏ ấy rải rác ở vùng phía Tây Thái Bình Dương không rơi vào tay các siêu cường Hoa Kỳ hay Liên Xô...”[14]. Có nghĩa là Liên Xô sẽ giảm ưu thế của mình một khi Trung Quốc làm chủ quần đảo Hoàng Sa, ý thức hệ chính trị đóng một vai trò thứ yếu trong thái độ của Liên Xô đối với tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa. Vấn đề ý thức hệ cũng thể hiện rất rõ trong thái độ của Trung Hoa quốc gia tại Đài Loan khi “TrungHoa Quốc gia ở Đài Loan cũng tuyên bố đại diện cho lục địa và Đài Loan còn có quân đội đóng tại một số các hải đảo nhỏ”[15]. Và, sự việc không đóng khung tại quần đảo Hoàng Sa mà “còn tranh giành về quần đảo Trường Sa quá về hướng Nam về hai nhóm quần đảo khác nhỏ hơn”[16].

Đối với các quan chức, lãnh đạo của chính quyền VNCH, họ cũng đồng quan điểm về thái độ là của Liên Xô đã ủng hộ VNCH và phản đối hành động xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc. Hãng TTH tại Sài Gòn ngày 01/02/1974 đã đưa tin phỏng vấn các Nghị sĩ VNCH về vụ Hoàng Sa. Nghị sĩ Trương Vi Trí cho rằng: “Việc Trung Cộng xua quân chiếm quần đảo Hoàng Sa chỉ có mục đích chiến lược. Theo ông, quần đảo này không có dầu hỏa cũng không dồi dào các khoáng sản như dự đoán. Ở đây chỉ có thể đặt một đài kiểm soát di chuyển của các tàu bè trên mặt biển cũng như sự điều động các lực lượng Hải quân”[17]. Bản chất của sự kiện Hoàng Sa năm 1974 nằm trong chiến lược cân bằng quyền lực giữa các cường quốc trên thế giới, cụ thể là kìm hãm ảnh hưởng của Nga tại Châu Á - Thái Bình Dương. “Vụ Hoàng Sa không chỉ đóng khung trong eo biển Đông Dương mà còn có một tầm vóc tranh chấp quốc tế về quyền lợi trên mặt và dưới đáy sâu biển cả”[18].

Từ những nhận định trên, cho thấy sự kiện Hoàng Sa ngày 19-01-1974 trên bình diện quốc tế có hai vấn đề: Một là, bản chất của vụ Hoàng Sa là sự tranh chấp chiến lược trên biển giữa Nga và Trung Quốc, cụ thể là Trung Cộng quyết phá vỡ sự ưu thế đường biển của Nga nhằm khống chế Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, cho nên trong vụ này Nga phản đối rất gây gắt. Hai là, sự kiện Hoàng Sa năm 1974 về bản chất là sự đụng độ kinh tế về tranh giành tài nguyên dưới đáy biển giữa Trung Quốc và nhóm tư bản quốc tế.

2.2. Thái độ của Mỹ

Ngày 27/01/1974, sau khi Bộ Ngoại giao VNCH tố cáo những hành động vũ lực, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, khẳng định ý chí chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời gửi văn thư tới các Quốc trưởng hoặc nguyên thủ các quốc gia “thân hữu” nhằm trình bày các tiến trình của vụ Hoàng Sa, cùng chứng tỏ tính chính nghĩa của mình. Trước thái độ thờ ơ của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH nói thanh minh và trách móc trên Tia Sáng rằng: “việc yêu cầu Hoa Kỳ dồn hạm đội thứ 7 can thiệp là hoàn toàn vô căn cứ ”[19]. Điều này phản ánh hai vấn đề: trên thực tế Mỹ đã không hỗ trợ VNCH và can thiệp trong vụ hải chiến Hoàng Sa dù có cả một Hạm đội kề bên; hai là đã là một “đồng minh thân cận” thì việc hỗ trợ đồng minh khi có chiến sự là một điều đương nhiên. Thái độ này chứng tỏ Mỹ có thể sẵn sàng bỏ rơi một đồng minh “nào đó” để theo đuổi quyền lợi riêng của mình để thực hiện chiến lược quốc gia.

Việc Trung Quốc dừng vũ lực xâm chiến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên thực tế cũng ảnh hưởng đến vai trò chiến lược của Mỹ ở khu vực này, chứ không riêng gì Liên Xô. Đài BBC nhận định rằng Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa “để đảm bảo rằng các quần đảo nhỏ ấy rải rác ở vùng phía Tây Thái Bình Dương không rơi vào tay các siêu cường Hoa Kỳ hay Liên Xô hoặc rơi vào tay các đồng minh của hai siêu cường này”[20]. Quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc tất nhiên có ảnh hưởng xấu đến Mỹ, tuy nhiên đằng sau đó Mỹ được cái lợi lớn hơn là “nhờ tay” Trung Quốc kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô, Mỹ không phải ra tay và có “tiếng xấu” trên cộng đồng quốc tế. Đó chính là một lý do để Mỹ chọn thái độ “không có phản ứng rõ rệt, im lặng”. Chính thái độ này của Mỹ đã bị các Nghị sĩ VNCH lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Họ cho rằng “đúng lý ra Việt Nam phải được sự hỗ trợ tối đa của các quốc gia trong thế giới tự do” và “12 quốc gia tham dự việc hình thành Hiệp định Paris 27-1-1973, nhất là Hoa Kỳ, phải có thái độ và nghĩa vụ rõ rệt trong vụ này”[21], Đồng thời bài báo cũng đưa ra thêm một lý do là “vì trong giai đoạn hòa dịu, các quốc gia này không muốn làm mất lòng Trung Quốc vì sợ mất một thị trường tiêu thụ béo bở”[22].



Một lý do quan trọng khác để dẫn tới thái độ của Mỹ trong vụ này, bởi tính chất của vụ Hoàng Sa chỉ là một “thắt nút” trong việc tranh chấp các đảo và quần đảo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giữa nhiều nước với nhau, không riêng gì giữa Trung Cộng và VNCH. Điện Tín, ngày 06/02/1974 có bài bình luận, đưa ra nhận định: “nếu vì dầu lửa mà các nước đồng minh của Mỹ lộn xộn với nhau thì Mỹ sẽ khó binh ai, bỏ ai. Cho nên trong vụ này, người ta có thể đoán tư bản tài phiệt Mỹ sẽ cố gắng sắp xếp sao cho nội vụ sớm ổn thỏa… đồng thời đã có một nguyên tắc chung đã được Mỹ và Trung Hoa đồng ý là không ai được chiếm ưu thế ở vùng Đông Nam Á”[23]. Chính vì lẽ đó, trong vụ Hoàng Sa, VNCH đã không hy vọng gì vào Mỹ mà đã đưa ra quyết tâm “cần kích động lòng tự ái dân tộc mà còn phải có hậu thuẫn của nhân dân, được sự yểm trợ của các nước bạn và không lệ thuộc vào ai”[24], dù là đồng minh của Mỹ hay không vì Mỹ không thể ủng hộ tất cả đồng minh của mình trong tình thế mâu thuẩn trên biển ở khu vực biển Đông nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung[25]. Trước sự lên tiếng của VNCH, điều mà Mỹ chỉ muốn làm trong lúc này là lặng lẽ quan sát diễn biến tình hình từ xa như: “Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam theo dõi trên quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam nhưng ở vào một khoảng cách an toàn. Hoa Kỳ đã thiết lập một đài ra đa bằng phi cơ hay bằng khu trục hạm của Hạm đội 7 ở Nam Hải nằm về phía Đông Bắc Hoàng Sa độ 160 cây số. Đài ra đa này liên lạc với một đài ra đa của Nam Việt ở Đà Nẵng, việc này giúp cho Sài Gòn và Hoa Thạnh Đốn mọi điều nghe thấy trên các đảo”[26]. Trong vụ Hoàng Sa, Mỹ lặng lẽ quan sát và chỉ can thiệp một khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

III. VIỆC TRAO TRẢ CÁC BINH SĨ VIỆT NAM CỘNG HÒA

Sau khi cuộc hải chiến xảy ra, cả hai có những thiệt hại nhất định dù ưu thế quân sự nghiêng về Hải quân Trung Quốc. Bởi vậy, việc bắt chiến sĩ Hải quân VNCH làm tù binh theo những thông tin báo chí lúc bấy giờ có những sắc thái khác nhau. Trong tổng số các chiến sĩ VNCH tham gia vụ Hoàng Sa, sau cuộc đụng độ đã phân tán thành 4 bộ phận khác nhau. Bộ phận thứ nhất, điển hình là các chiến sĩ thuộc Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), dù bị trúng đạn nhưng Tuần hạm dương vẫn còn hoạt động được và về đến Sài Gòn, “ngày 30-1-1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt trúng đạn Trung Quốc về tới Sài Gòn và được đón tiếp trọng thể tại bến Bạch Đằng với sự tham dự của nhiều thân nhân thủy thủ đoàn”[27]. Bộ phận thứ hai là do phương tiện chiến đấu bị hư hỏng nên không thể hoạt động hoặc bị chìm, sau đó được cứu trợ bởi tàu nước ngoài như trường hợp của 23 thủy thủ thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10). “Chiếc hộ tống hạm trên chở 82 thủy thủ nhưng tàu của Hòa Lan chỉ cứu vớt được 23 người. Theo thiếu tá Trần Văn Ngà, phụ tá phát ngôn viên quân sự trong số 23 chiến sĩ khi về tới Đà Nẵng có hai người chết là Đại úy phó hạm trưởng và một hạm viên, 21 thủy thủ còn lại có 2 người bị thương nặng”[28]. Bộ phận thứ ba là do Hải quân Trung Quốc bắt làm tù binh, “tổng số người mất tích theo lời phát ngôn viên quân sự là 116 nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc nói họ chỉ cầm giữ 48 người”[29]. Và, bộ phận thứ tư chính là những chiến sĩ VNCH đã bị mất tích trên biển.

Các binh sĩ thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) sau khi bị hỏa tiển của Hải quân Trung Quốc bắn trúng hầm chỉ huy và bị chìm, trong khi đó tàu của Hải quân Trung Quốc đi ngang qua chứng kiến tình trạng này nhưng họ không đến bắt mà bỏ đi như lời khai của các bĩnh sĩ của Hộ tống hạm này, sau khi được cứu vớt và về đến đất liền: “Chúng tôi có thể sắp bị bắt làm tù binh. Tôi ngoắc thủy thủ đoàn trên tàu của Trung Cộng, thủy thủ đoàn cũng ngoắc lại nhưng không đến cứu”[30]. Có một câu hỏi được đặt ra là việc bắt binh sĩ VNCH làm tù binh được phát ra từ cấp có thẩm quyền cao nhất của Trung Quốc, hoặc của Chỉ huy trưởng lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa hay chỉ là quyết định của các thuyền trưởng riêng lẻ trong lực lượng Hải quân Trung Quốc? Bởi việc có một “chỉ thị” nhất quán sẽ nói lên những hàm ý về tính chất của tranh chấp và việc giải quyết mâu thuẫn sau đó. Trên thực tế, các chiến sĩ VNCH bị bắt chủ yếu những chiến sĩ đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa như Địa phương quân, nhân viên khí tượng và 14 nhân viên thuộc HQ-4 đã đổ bộ lên đảo Cam Tuyền trước đó. Trung Quốc không bắt các chiến sĩ trực tiếp tham chiến trên 4 tàu chiến của Hải quân VNCH làm tù binh mặc dù điều đó nằm trong tay của Hải quân Trung Quốc như trường hợp của các chiến sĩ thuộc Hộ tống hạm HQ-10.

Ngay sau khi các chiến sĩ thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) được cứu vớt và về đất liền, Ngoại trưởng VNCH lên án Trung Quốc: “đã xâm chiếm các phần lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và bắt đi một cách trái phép 121 binh sĩ của Quân lực VNCH, vì vậy Trung Cộng phải có nhiệm vụ trả tự do ngay cho các người này, chứ không cần phải có một thời gian nào đó thuận tiện như là Tân Hoa Xã đã loan tải mới đây”[31]. Dưới áp lực về ngoại giao và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế, Trung Quốc đã tiến hành trao trả tổng số 48 tù binh, nhưng không được trao trả 1 đợt mà thành 2 đợt và tổ chức trong im lặng.

Đợt thứ nhất được trao trả vào ngày 31-01-1974 “gồm 4 chiến sĩ VNCH và 1 người Mỹ tại Shumchun thuộc biên giới tỉnh Quảng Đông và Hương Cảng”[32]. Đợt thứ hai vào ngày 17/02/1974 có “43 tù binh VNCH vừa được Trung Quốc thu hôm chủ Nhật có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa”[33]. Trong số đó “có 13 hải quân, 23 chiến sĩ địa phương quân, 4 chiến sĩ công binh và 3 nhân viên khí tượng thuộc Đài khí tượng Hoàng Sa”[34]. Trong đợt trao trả thứ nhất, chỉ có 5 tù binh, trong đó có người Mỹ, đồng nghĩa với việc liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốcvà Mỹ, điều này hiển nhiên sẽ tác động quyết định đến việc Trung Quốc cần trao trả càng sớm càng tốt. Trong lần trao trả thứ hai, “có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa. Vì anh ấy là tù binh duy nhứt nói được Hoa ngữ nên anh đã làm thông dịch viên cho tù binh VNCH. Thủy thủ Lý Chánh Hùng nói rằng anh không muốn ở lại Hoa lục vì mỗi ngày anh và các đồng đội phải trải qua 3 tiếng đồng hồ tuyên truyền chính trị của Trung Quốc mặc dù Trung Quốc cho ăn uống khá”[35], vậy Trung Quốc cần giam giữ tù binh trong thời gian lâu hơn và có người Hoa để “tuyên truyền chính trị” nhằm xuyên tạc những sự thật lịch sử. Và, vô hình chung làm lộ rõ sự “bất chính” của Trung Quốc đối với sự kiện hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Về thái độ của Trung Quốc và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế muốn quá trình trao trả tù binh càng yên lặng càng tốt với lý do là vì sự tế nhị của biến cố Hoàng Sa. Các nhà báo của VNCH đi theo đoàn thực hiện trao trả, các báo tại Trung Quốc cũng như báo quốc tế đã không được phép tiếp cận các tù binh. “Hồng Thập Tự quốc tế muốn việc thả tù càng yên lặng càng tốt. Số người tiếp đón phái đoàn không quá 10 vì hệ thống an ninh tại phi trường Kaitak được tăng cường tối đa, không một ai vô phận sự cần thiết được lọt vô khu vực phi cơ HKVN đậu, kể cả các nhà báo tại Hương Cảng. Khoảng hơn 10 phóng viên Việt Nam tháp tùng phái đoàn đi đón các chiến sĩ VNCH đã bị giam lỏng gần 2 giờ đồng hồ. Phái đoàn viên phi hành vào nhà ga được các nhân viên tại đây hỏi han lung tung về chuyến bay đặc biệt này. Khi đó họ mới vỡ lẽ ra, vì từ trước họ chỉ biết hôm nay có cuộc trả tự do tại biên giới Trung Cộng, Hương Cảng, chớ không hay gì về vụ đón người của Việt Nam Cộng hòa”[36]. Căn cứ vào thái độ của các nước có liên quan, vào số lần, sự im lặng bất thường và “tuyên truyền chính trị” đối với tù binh cho thấy đằng sau đó là sự e dè, bất chính và có sự sắp đặt từ trước của Trung Quốc.

Ngược lại, VNCH muốn “đường đường chính chính” trong việc trao trả tù binh, được báo chí xâm nhập để chứng minh tính “chính nghĩa” và là một “nạn nhân” như thế nào. Việc này VNCH không thể làm theo ý mình vì việc trao trả tù binh diễn ra trên ở Trung Quốc và do họ quyết định thời gian, địa điểm. Tuy nhiên, chính quyền VNCH đã chứng minh tính “chính nghĩa” bằng cách khác là tổ chức đón tiếp các chiến sĩ tham chiến khi về Việt Nam và thưởng cho họ một cách nồng hậu, các chiến sĩ trở thành đại diện cho ý chí của Việt Nam trong việc chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trước hết là đối với các chiến sĩ chiến đấu trở về nhưng không bị bắt làm tù binh. Ngày 30-1-1974, “Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt về tới Sài Gòn và được đón tiếp trọng thể tại bến Bạch Đằng với sự tham dự của nhiều thân nhân thủy thủ đoàn. Đề đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải quân VNCH đã trao Anh Dũng Bội tinh cho Trung tá Lê Văn Thứ, Hạm trưởng HQ.16 cùng một số sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên thủy thủ. Các nữ sinh cũng choàng vòng hoa chiến thắng và sau đó các thân nhân thủy thủ đoàn được mời lên thăm chiến hạm”[37]. Đối với các tù binh được trao trả, khi về đếnSài Gòn, có“một buổi lễ tiếp đón vô cùng long trọng sẽ được Phủ Tổng ủy Dân vụ phối hợp với Tổng Cục chiến tranh và các Tòa Đô chánh tỉnh Gia Định, với sự tham dự các đoàn thể sinh viên học sinh của các Hội đồng dân cử, các thân hào nhân sĩ. Tổ chức ngay tại phòng khách Danh dự phi trường Tân Sơn Nhất”[38]. Đồng thời, để “tưởng thưởng những chiến sĩ Hải quân can trường chiến đấu tại Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao đã hướng dẫn một phái đoàn do ông Nguyễn Hoàn, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao hướng dẫn đã đến Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng một ngân phiếu một triệu đồng cho các thương binh và gia đình của tử sĩ Hải quân tham chiến tại Hoàng Sa ngày 19-01-1974 vừa qua. Cũng trong dịp này, ông Hoàn đã đã ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng hy sinh quả cảm cũng như sự chiến thắng vẻ vang của các chiến sĩ Hải quân chống đế quốc xâm lăng Trung Cộng để bảo vệ chủ quyền và sự bảo toàn lãnh thổ của VNCH. Ngoài ra, để ghi ơn các anh hùng tử sĩ cao đậm đã ngã gục lại hải đảo Hoàng Sa trong chiến trận vừa qua, tên tuổi của một số anh hùng có thể sẽ được chính quyền chấp thuận cho đặt tên một số đường phố tại Thủ đô”[39]. Những hành động trên của chính quyền VNCH là những phản ứng thể hiện sự đồng thuận cao giữa chính quyền - người dân và các tầng lớp khác nhau trong xã hội đối với việc bảo vệ chủ quyền một cách chính đáng.

IV. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong bài này, thông qua nguồn tư liệu là báo chí đương thời, mặc dù báo chí chịu tác động bởi tác nhân chính trị, tuyên truyền. Tuy nhiên, yếu tố tuyên truyền chính trị đóng vai trò thứ yếu vì tư liệu báo chí được chọn lọc theo uy tín và sự độc lập tương đối của các cơ quan báo chí quốc tế; đối với báo chí VNCH thì dù có chịu ảnh hướng bởi yếu tố tuyên truyền như thế nào đi nữa thì vẫn có giá trị tư liệu cao vì đó là quan điểm chính thống của chính quyền và nhân dân VNCH về việc phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình. Các hãng thông tấn lớn, có uy tín trên thế giới đã ủng hộ lập trường của VNCH và lên án bất kỳ nước nào có ý định thôn tính hoặc dùng vũ lực để thôn tính Hoàng Sa, Trường Sa, tạo ra một dư luận mạnh mẽ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của VNCH trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Từ những thông tin báo chí phản ánh về sự kiện Hoàng Sa 1974, đã khẳng định, làm rõ và gợi mở ba vấn đề lớn, có thể tham khảo cho việc giải quyết mâu thuẩn hiện tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và biển Đông nói chung.

Thứ nhất, báo chí lúc bấy giờ đã nói lên việc chính quyền VNCH đã nỗ lực không ngừng nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cả về biện pháp chính trị và vũ trang; tạo ra một sự đồng thuận cao nhất trong xã hội để lên án hành động xâm lược này cũng như đề cao những chiến sĩ Hải quân tham chiến tại Hoàng Sa một cách trọng thể. Bởi vậy, trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện nay, yếu tố nội lực, tức sự đồng thuận giữa chính quyền và các tầng lớp nhân dân là cực kỳ quan trọng, nếu chính quyền và nhân dân chia làm hai “thái cực” thì việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ sẽ là một thất bại hoàn toàn.

Thứ hai, trên cơ sở các bài báo đã dẫn trong bài này, cho thấy dường như Trung Quốc không có những phản ứng “mạnh mẽ” trước những thái độ phản đối xâm phạm chủ quyền của VNCH mà Trung Quốc chỉ dùng vũ lực bất chấp sự lên án của thế giới; đồng thời nuốn mọi việc coi như việc đã rồi, “im chuyện” không cần nói đến, như việc Trung Quốc chỉ tuyên truyền đối với tù binh VNCH mà không dùng công cụ báo chí để công khai sự việc, chứng minh sự bành trướng, làm càn, lén lút, bất chính của Trung Quốc trong vụ Hoàng Sa. Điều này đồng nghĩa với việc công tác tuyên truyền và công khai thông tin trong giải quyết tranh chấp là một việc “cần phải có” cho Việt Nam hiện nay, sự mù mịt thông tin sẽ không khai thác được cả hai yếu tố nội lực và ngoại lực để giải quyết tranh chấp; tránh rơi vào tình thế là “việc đã rồi”, không cần giải quyết nữa, phải đấu tranh liên tục và huy động cá nhân, tổ chức dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung ương chủ động tham gia việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, phân tích vụ hải chiến Hoàng Sa và thái độ của các nước liên quan cho thấy tính chất quốc tế của nó. Đó không còn là vấn đề của một quốc gia riêng lẻ mà phải được đặt trong mối quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp, đặc biệt là chiến lược của Mỹ và Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Yếu tố ý thức hệ sẽ trở thành vai trò thứ yếu trong quan hệ quốc tế ngày nay, quyền lợi của quốc gia là trên hết và trong vụ Hoàng Sa năm 1974 cũng đã chứng minh điều này. Bởi vậy, muốn giải quyết tranh chấp thì phải xây dựng được thế độc lập của quốc gia trong giới lãnh đạo, đồng thời khai thác được mâu thuẩn trong quan hệ quốc tế, chủ động tham gia quá trình cân bằng thể chế, nhằm tận dụng sự ủng hộ của càng nhiều nước càng tốt, tối đa hóa những bất lợi và cảnh giác với những cái bắt tay ngầm giữa các nước lớn như trường hợp Mỹ và Trung Quốc trong vụ hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Võ Hà
 
21.05.2014
vanhoanghean

___

[1]               “Ngoại trưởng Vương Văn Bắc cực lực phản đối Trung Cộng cho người đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa”, Tia Sáng, ngày 17/01/1974.

[2]               “Vụ Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa khẩn báo lên Liên Hiệp Quốc”, Tia Sáng, ngày 19/01/1974.

[3]               “Vụ quần đảo Hoàng Sa, một đơn vị VNCH đổ bộ lên phía Tây đảo Robert”, Tia Sáng, ngày 19/1/1974.

[4]               “Ngoại trưởng Bắc đòi trao trả ngay 121 binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng bắt giữ”, Tia Sáng, ngày 28/01/1974.

[5]               “Hoàng Sa, quần đảo cá, chim và phốt phát”, Điện Tín, ngày 06/02/1974.

[6]               “Ngoại trưởng Bắc đòi trao trả ngay 121 binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng bắt giữ”, nđd.

[7]               “Ngoại trưởng Bắc đòi trao trả ngay 121 binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng bắt giữ”, nđd.

[8]               “Tìm hiểu mộ biến cố tầm vóc quốc tế Hoàng Sa mang tên Định Hải-Trường Sa còn gọi là bão tố”, Tia Sáng, ngày 01/02/1974.

[9]               “Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa: Vẫn tiếp tục tranh đấu đòi chủ quyền Hoàng Sa”, AFP, ngày 28/01/1974.

[10]             “Nguồn tin quân sự tại Sài Gòn Hải quân Việt Nam Cộng hòa trở lại bao vây quần đảo Hoàng Sa”,UPI, ngày 28/01/1974.

[11]             “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia sáng, ngày 31/01/1974.

[12]             “VNCH sẽ chiếm lại Hoàng Sa bằng mọi phương diện quân sự và chánh trị”, THH, ngày 02/02/1974.

[13]             TheoSự Thật (Pravda), ngày 27/01/1974.

[14]             “Vụ Hoàng Sa còn lôi kéo thêm vài tranh chấp khác”, BCC, ngày 27/01/1974.

[15]             “Vụ Hoàng Sa còn lôi kéo thêm vài tranh chấp khác”, nđd. Bởi vì Trung Cộng và Trung Hoa quốc gia có chung một thái độ trong vụ tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa, cho nên trong bài viết này, việc sử dụng danh xưng quốc gia là “Trung Cộng” hay “Trung Quốc” đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên để nội dung rõ ràng hơn thì chúng tôi sử dụng đúng danh xưng lúc bấy giờ.

[16]             “Vụ Hoàng Sa còn lôi kéo thêm vài tranh chấp khác”, nđd.

[17]             “Giới lập pháp tiếp tục lên tiếng Hoa Kỳ cần phải có thái độ rõ rệt về vụ đảo Hoàng Sa”,THH, ngày 01/02/1974.

[18]             “Nhận diện thời cuộc vụ Hoàng Sa hé lộ”, Tia Sáng, ngày 02/02/1974.

[19]             “Ngoại trưởng Bắc đòi trao trả ngay 121 binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng bắt giữ”, Tia Sáng, ngày 28/01/1974.

[20]             “Vụ Hoàng Sa còn lôi kéo thêm vài tranh chấp khác”, BCC, ngày 27/01/1974.

[21]             “Giới lập pháp tiếp tục lên tiếng Hoa Kỳ cần phải có thái độ rõ rệt về vụ đảo Hoàng Sa”, nđd. Nội dung Hiệp định Paris có một khoản ghi về sự toàn vẹn lãnh thổ phải được bảo đảm.

[22]             “Giới lập pháp tiếp tục lên tiếng Hoa Kỳ cần phải có thái độ rõ rệt về vụ đảo Hoàng Sa”, nđd.

[23]             Huỳnh Ngọc Diêu, “Hoàng Sa-Trường Sa”, Điện Tín, ngày 06-02-1974.

[24]             Huỳnh Ngọc Diêu, “Hoàng Sa-Trường Sa”, Điện Tín, nđd.

[25]             Trung Hoa quốc gia và VNCH là đồng minh thân mật của nhau lúc bấy giờ, tuy nhiên trong vụ Hoàng Sa đã đồng quan điểm với Trung Cộng. Bởi vậy Mỹ không muốn rơi vào vòng rối là bỏ rơi đồng minh một khi tình hình tranh chấp trên biển phức tạp hơn. Mỹ chỉ muốn dung hòa các quyền lợi.

[26]             “Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam Cộng hòa theo dõi trên quần đảo Hoàng Sa - Hải Nam”, AP, ngày 16/02/1974.

[27]             “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31/01/1974.

[28]             “Sau trận hải chiến - không thực phẩm chỉ còn một ít nước, thủy thủ đoàn còn lại tìm mọi cách bắt cá để ăn - hỏa tiễn STYX trúng phòng chỉ huy”, AP, ngày 28/01/1974. Chiếc tàu cứu các thủy thủ là tàu dầu SKOPIONELLA của công ty Shell (Hòa Lan) trên đường đi từ Hồng Kông đến Singapore vớt tại vị trí cách Đà Nẵng chừng 150 hải lý về hướng Đông.     

[29]             “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia Sáng, nđd.

[30]             “Sau trận hải chiến - không thực phẩm chỉ còn một ít nước, thủy thủ đoàn còn lại tìm mọi cách bắt cá để ăn - hỏa tiễn STYX trúng phòng chỉ huy”, nđd.

[31]             “Ngoại trưởng Bắc đòi trao trả ngay 121 binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng bắt giữ”, Tia Sáng, ngày 28/01/1974.

[32]             “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31/01/1974. Người Mỹ này tên là Gerald Emil Kosh, 27 tuổi làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ đang giữ nhiệm vụ liên lạc với Hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng, tới Hoàng Sa ngày 15-01 trong một chuyến thường lệ.

[33]             “Mỹ đang giúp Việt Nam Cộng hòa trinh sát quần đảo Hoàng Sa, 43 chiến sĩ bị Trung Cộng bắt đã về tới Sài Gòn”, AP, ngày 17/02/1974.

[34]            “Boeing 727 của H.K.VN sẽ đi Hồng Kông sáng 17-2 tiếp đón”, Tia Sáng, ngày 18/02/1974.

[35]             “Mỹ đang giúp Việt Nam Cộng hòa trinh sát quần đảo Hoàng Sa, 43 chiến sĩ bị Trung Cộng bắt đã về tới Sài Gòn”, nđd.

[36]            “Chuyến đi đón 5 binh sĩ do Trung Cộng thả: cả phái đoàn bị Giam lỏng ở sân bay Kaitak”, Điện Tín, ngày 02/02/1974.

[37]             “Sau vụ Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào nội lực bảo vệ Trường Sa - Phú Quốc”, Tia Sáng, ngày 31/01/1974.

[38]            “Boeing 727 của H.K.VN sẽ đi Hồng Kông sáng 17-2 tiếp đón”, nđd.

[39]             “Bộ Ngoại giao tặng các chiến sĩ Hải quân tham chiến đảo Hoàng Sa một triệu đồng”, Tía Sáng, ngày 16-02-1974.

No comments:

Người trẻ Việt miệt thị cờ VNCH tại bảo tàng quân sự là yêu nước hay cực đoan, thù hận?

Một loạt các trang Facebook có tổng cộng hàng triệu người theo dõi ở Việt Nam gần đây đăng các bức ảnh về nhiều thanh thiếu niên tỏ ý miệt t...