Wednesday, June 15, 2016

LỜI HỨA BÊN SÔNG - ĐIỆP MỸ LINH


http://batkhuat.net/images/van-tr2.gif

Trên đoạn đường ngắn từ cư xá trở lại trạm gác, khi đi ngang đoàn chiến đỉnh đang cặp nơi cầu tàu, Bảo Ngọc chợt nghe tiếng hát văng vẳng trong không gian tĩnh lặng của một buồi chiều: “There is a river called the River of No Return. Sometimes it's peaceful and sometimes wild and free…” (1) Tình khúc này gợi lại trong hồn Bảo Ngọc hình ảnh thê thảm sau những giờ phút êm đềm, hạnh phúc khi ông bà Trực đưa bé Bảo Ngọc đi xem xi-nê, phim River Of No Return. Lúc đó, Bảo Ngọc chỉ là cô bé con, được ông Trực cầm tay cho khỏi lạc; còn bà Trực mang thai gần ngày sinh.

Chiều nay, bất ngờ nghe lại ca khúc River Of No Return, Bảo Ngọc nhìn quanh, chợt thấy nơi cầu tàu, một quân nhân Hoa Kỳ – Hải Quân đại úy Taylor – đang ôm Guitar, ngồi bệt phía trước chiếc Cammand, chân thòng xuống sông, vừa đàn vừa hát. Tiếng hát của Taylor làm cho sự hãi hùng, nỗi đau thương và niềm uất hận bừng lên trong hồn Bảo Ngọc một cách dữ dội và tàn ác không khác chi tiếng nổ của mấy trái lựu đạn do Việt Cộng thảy vào đám người vừa từ rạp xi-nê đi ra!

Mấy tiếng nổ kinh hoàng vừa vang lên, nhiều thân người gục xuống trong tiếng gào khóc, réo gọi nhau! Bảo Ngọc nghe giọng hốt hoảng của ông Trực: “Má bé Ngọc đâu? Má bé Ngọc đâu?” Bảo Ngọc sợ quá, khóc thét lên. 

Tối đó Bảo Ngọc khóc thét vì hãi sợ tiếng nổ và cảnh hỗn loạn! Vài ngày sau, Bảo Ngọc khóc âm thầm trong không gian buồn thảm khi Bảo Ngọc thấy bà Trực nằm trong quan tài – bụng của Bà vẫn còn căn lớn!

Dòng ký ức đau thương của Bảo Ngọc đến đây cũng là lúc Taylor hát đến câu: “…down the river of no return. Wail-a-ree, wail-a-re-e-ee….” (2) Bao nhiêu năm trước, khi Marilyn Monroe hát trong phim xi-nê, Bảo Ngọc chỉ thích giai điệu êm đềm, thiết tha của dòng nhạc chứ chưa hiểu được lời ca. Sau thời gian học Tú Tài ban Anh văn và học thêm Anh văn tại Hội Việt Mỹ, trình độ Anh văn của Bảo Ngọc rất khá. Bây giờ, nghe Taylor kết thúc bằng câu “…She'll never return to me!” (3) tự dưng niềm thương nhớ người Mẹ trẻ và đứa em chưa được chào đời như lời gọi sâu thẳm từ tiềm thức, làm cho những bước chân vô hồn của Bảo Ngọc đi dần về hướng bờ sông, đến gần đoàn chiến đỉnh, rồi đứng yên, lắng nghe!

Thấy Bảo Ngọc, Hải Quân trung úy Ngân, cùng khóa với Thuận – con riêng của bà Thắm, Mẹ kế của Bảo Ngọc – nhìn Bảo Ngọc không rời. Nhiều lần, nửa đùa nửa thật, Ngân nói với Thuận: “Thuận! Cho tao làm em mày, nha.” Thuận giả vờ như không nghe; vì ý Thuận muốn Bảo Ngọc phải đạt được những ước mơ trên đường học vấn mà Thuận phải bị gián đoạn vì lệnh động viên.

Bảo Ngọc đứng chơ vơ trên cầu tàu. Hai tà áo dài trắng chờn vờn nhè nhẹ theo từng cơn gió chiều, trông như hai cánh bướm.

Nhân dáng của cô gái nơi cầu tàu làm Taylor ngạc nhiên đến không tin vào thị giác của chàng! Tin làm sao được khi mà dáng người thanh cao, đồng phục trắng, khuôn mặt xinh đẹp và đôi mắt ươn ướt của cô gái này lại giống y như nhân dáng và khuôn mặt của cô học trò mà cách nay vài hôm, khi lái chiếc Jeep qua khỏi cầu, tình cờ Taylor thấy cô nàng đang loay hoay gỡ tà áo dài ra khỏi giây “sên” xe đạp – mà gỡ không được! Taylor dừng xe Jeep, hỏi thăm, thấy mắt cô nàng ửng đỏ như khóc. Taylor gỡ giúp vạt áo dài cho cô.

Nếu người đời cho rằng “love at first sight” có thật, thì ngay hôm giúp cô gái gỡ tà áo, Taylor tự biết rằng chàng không thể xua đuổi khuôn mặt diễm kiều và ánh mắt buồn của cô gái này ra khỏi trái tim của chàng! Taylor hỏi tên, nhưng theo cách phát âm của nàng, không thể nào Taylor có thể nhớ hoặc lập lại được. Taylor đưa cuốn sổ tay, nói nàng viết tên và địa chỉ của nàng, với dụng ý sẽ đến thăm nàng. Cô gái lắc đầu, bảo chỉ có thể viết tên Bảo Ngọc, không dám cho địa chỉ; vì gia đình nghiêm lắm. 

Bảo Ngọc biết trước rằng, khi về nhà, thế nào bà Thắm cũng dành cho nàng một trận đòn! Vì biết trước, vì lo sợ, cho nên, trước khi lên xe đạp, Bảo Ngọc nhìn Taylor bằng đôi mắt biết ơn nhưng rất buồn. Chính đôi mắt buồn của Bảo Ngọc làm cho lòng Taylor xao xuyến vô cùng! Sau khi Bảo Ngọc đạp xe đi, Taylor quyến luyến nhìn theo, lòng thầm ước sẽ được gặp lại nàng. 

Chiều nay, bất ngờ thấy cô gái mặc đồng phục trắng đang đứng bên bờ sông An Giang, nghĩ rằng có thể niềm mơ ước của mình thành hiện thực, Taylor dựng Guitar cạnh pháo tháp rồi lên bờ, đi về hướng cô gái. Lúc này Bảo Ngọc cũng mườn tượng như đã thấy quân nhân Hoa Kỳ này đâu đó. Khi nhận ra chữ Taylor trên miệng túi áo, Bảo Ngọc mới nhớ.

Sau vài câu xã giao và xác định, Taylor hỏi Bảo Ngọc vào căn cứ Hải Quân có việc gì? Bảo Ngọc đáp:

-Tôi đem thức ăn vào cho anh Thuận của tôi. Nhưng khi trở ra cổng gác, nghe tiếng ai hát bài River Of No Return thì những kỷ niệm đau thương trong tôi chợt sống lại. Tôi muốn biết xem ai đang hát bài đó, vì tôi thích bài đó lắm.

Taylor nhìn vào mắt của Bảo Ngọc một cách tha thiết:

-Rất tiếc vô tình tôi gợi lại kỷ niệm buồn của cô. Xin cảm ơn cô đã thích bài hát mà tôi cũng yêu thích. Nếu có cơ hội, tôi sẽ vui vẻ để đàn và hát cho cô nghe. Tiếc rằng trung úy Thuận và chúng tôi sắp đi công tác; và hai tuần nữa tôi sẽ mãn nhiệm kỳ để trở về Hoa Kỳ.

-Chúc anh may mắn. Có lẽ anh vui lắm vì sắp mãn nhiệm kỳ chiến đấu trên đất nước tôi.

-Cảm ơn lời chúc lành của cô. Nhưng, nếu trước đây khoảng một tuần, cô nói với tôi câu ấy thì hoàn toàn đúng; nhưng từ hôm gỡ hộ tà áo dài của cô ra khỏi giây “sên” xe đạp cho đến nay thì câu nói ấy không đúng nữa.

Bảo Ngọc thật thà quá đổi:

-Tại sao?

Taylor chưa kịp đáp lời của Bảo Ngọc thì đã nghe tiếng Thuận – có vẻ rất gay gắc khi thấy em gái đang nói chuyện với một người Mỹ – phát ra từ nhóm quân nhân đang đi gần đến cầu tàu:

-Bảo Ngọc! Đi về!

Bảo Ngọc vội nói “Good bye” với Taylor. Taylor ngạc nhiên:

-Cô bé ơi! Tại sao cô có vẻ sợ?

-Tôi…tôi không được phép nói chuyện hoặc làm quen với người ngoại quốc.

-Tại sao? 

-Dài dòng lắm, tôi không thể giải thích ngay bây giờ.

-Tôi muốn làm quen với cô.

-Sorry! Không được đâu!

Bảo Ngọc xoay bước. Trong giây phút bồng bột, Taylor không nén được tình cảm, nói vói theo:

-Cô bé ơi! “Rever Of No Return” but I will return!

Lời hứa hẹn của Taylor khiến Thuận nhận thức được rằng Bảo Ngọc không còn bé nữa! Thuận nghĩ đến Ngân. Thuận tự hứa sẽ tìm cơ hội để “hai đứa nó” quen nhau. Bây giờ phải ngăn Taylor trước, Thuận bước đến gần, khẻ nói:

-Đại úy Taylor! Ông đừng nên tìm cách gặp em tôi. 

-Tại sao? 

-Phong tục của đất nước tôi là: Những thiếu nữ chưa lập gia đình, thuộc vào những gia đình nề nếp, lễ nghĩa, có giáo dục cao không bao giờ được phép nói chuyện hoặc làm quen với người ngoại quốc.

-Tôi không hiểu gì cả.

-Ông không cần hiểu. Tôi khuyên ông, khi nào buồn, nhớ nhà thì ra “bars” mà giải khuây. 

-Tôi không muốn giải khuây. Tôi muốn làm theo ước vọng của trái tim tôi.

Chưa kịp đáp lời Taylor, chợt thấy thiếu tá Quang – Chỉ Huy Trưởng giang đoàn – đang bước xuống chiếc Command, Thuận và Taylor cũng bước theo.




***

Đoàn chiến đỉnh giang hành chầm chậm, gần bờ. Nhìn dòng An Giang bát ngát trong bóng hoàng hôn mịt mùng, tự dưng Taylor cảm thấy nhớ những ngày thơ dại bên dòng Mississippi bao la. Bất giác Taylor “ngân nga” nho nhỏ: “Oh, you Mississippi River with waters so deep and wide. My thoughts of you keep rising just like an evening tide. I'm just like a seagull that's left the sea. Oh, your muddy waters keep on calling me…” (4) “Ngân nga” đến đây, Taylor chợt nhận ra, ngày đó, chàng yêu thích Hải Quân và ghi tên theo học tại United States Naval Academy chỉ vì sự quyến rũ của dòng Mississippi hùng vỹ!

Trong khi Taylor thương nhớ dòng sông hùng vỹ nơi quê nhà thì màn đêm từ từ bao phủ vạn vật. Đoàn giang đỉnh lầm lủi tiến, không được mở đèn. Nếu không có tiếng của Quang dùng ám từ truyền tin để liên lạc với các đơn vị bạn trên bờ và nếu không có tiếng máy tàu “vi vu”, đoàn chiến đỉnh trông như những “quái vật” khổng lồ đang di động. Trên mỗi “quái vật” khổng lồ này, nhiều cặp mắt quan sát hai bên bờ sông để đề phòng bị Việt Cộng phục kích.

Dù trong đêm đen, hình dáng “dềnh dàng” và những cột “ăng-ten” cao lêu nghêu trên chiếc Command cũng cho thấy sự khác biệt của “quái vật” này với những “quái vật” khác trong đoàn. Chính sự khác biệt này khiến Việt Cộng thường tấn công chiếc Command trước.

Nhiều tiếng nổ kinh hồn vang lên. Chiếc Command và LCM trúng đạn! Đoàn giang đỉnh bắn hỏa châu, soi sáng một vùng. Từ máy truyền tin: “Hai lần tư tưởng Québec! Hai lần tư tưởng Québec! Đây Hotel! Métro ‘đi phép dài hạn’ rồi!” (5) Quang giận dữ, hét lên trong ống liên hợp: “Tất cả cho ‘gà cồ’ ‘gáy’ hướng 3 giờ. Nghe rõ, trả lời?” Âm vang của súng cối từ đoàn chiến đỉnh át hẳn tiếng trả lời. Trong bờ Việt Cộng dùng B40 bắn ra xối xả. Quang ra lệnh đoàn chiến đỉnh ủi thẳng vào bờ bên phải, xử dụng hỏa lực tối đa. 

Thấy Việt Cộng “chém vè” và tiếng B40 dịu dần, Quang ra lệnh đoàn giang đỉnh ngưng tác xạ; vì ngại đạn lạc trúng các đơn vị bạn đang đánh bọc hậu.

Gác ống liên hợp xong, Quang mới thấy Taylor đang ôm chân và máu đọng từng vũng trên sàn chiếc Command. 

***

Vừa bước đi Taylor vừa lắc đầu như chán nản, như không tin vào nhận xét của chính mình. Tin sao được khi mà, thời còn chiến tranh, những thành phố miền Nam Việt Nam mà chàng đã đi qua – dù thường xuyên bị “Vi-Ci” pháo kích và đặt chất nổ để khủng bố – vẫn vui tươi, đầy sức sống; còn bây giờ, sau khi miền Nam được “giải phóng”, tại sao Taylor chỉ thấy nụ cười hớn hở phô hai hàm răng vẩu trên khuôn mặt sạm đen của những người mặc quân phục màu cứt ngựa, đội nón cối, hoặc nón tai bèo, chân mang dép làm từ vỏ xe hơi; còn thường dân thì mặt ai trông cũng hốc hác như thiếu ăn, mất ngủ?

Quanh Taylor là sự tiêu điều toàn diện! Sự tiêu điều thể hiện nơi từng bộ quần áo vá víu trên tấm thân gầy đét của người dân; trên những đôi chân trần; trên những gánh hàng rong chỉ loe ngoe vài trái bắp, trái ổi hoặc mấy bó rau èo uột. Sân trường thưa thớt học trò, vì tất cả phải bươn chải kiếm sống và cũng vì chính sách “kê khai lý lịch” cho nên con của “Ngụy quân Ngụy quyền” không được đi học! 

Qua sách báo, Taylor hiểu, tất cả sĩ quan của “bên thua cuộc” đều bị “Vi-Ci” đày đọa trong những nhà tù được ngụy danh là “trại cải tạo”; còn hạ sĩ quan và binh sĩ thì sao? Cả một quân lực như vậy mà nay tất cả biến đi đâu? 

Nhiều lần Taylor gạ chuyện, muốn làm quen với người Việt để hỏi về những quân nhân V.N.C.H. và về những loa phóng thanh được gắn khắp nơi, phát ra tiếng nói rổn rảng, quyết liệt như họ đang cãi nhau, nhưng dường như không ai hiểu tiếng Anh; chỉ có người quản lý khách sạn là có thể vừa ra dấu vừa đàm thoại một cách rất giới hạn! Ngày trước, những người lính và thủy thủ, cũng có thể vừa nói vừa ra dấu để hiểu nhau và ngay cả mấy bác xích lô cũng rất thân thiện, lúc nào cũng “Hello! How are you?” Bây giờ mọi gương mặt đều lạnh lùng với đôi mắt không bao giờ dám nhìn thẳng. Cái gì làm cho mọi người hãi sợ đến như vậy?

Như để giải đáp thắc mắc của Taylor, tiếng thét của một phụ nữ vang lên. Taylor quay nhìn về hướng phát ra tiếng thét và thấy một tên công an đang dằn co với một bà bán hàng rong; vì bà này không có giấy phép “đăng ký kinh doanh”! Cả hai đều lớn tiếng với nhau. 

Đây là lần đầu tiên – sau khi trở lại Việt Nam – Taylor thấy một phụ nữ dám lớn tiếng với một nhân vật mặc quân phục “Vi-Ci”. Bất ngờ tên “Vi-Ci” “dộng” vào mặt phụ nữ bán hàng. Cú “dộng” này khiến bà bán hàng té xuống, kiếng đeo mắt rớt, mẻ một góc. Trong khi Taylor giận dữ, vừa quát “Hey! Stop it!” vừa cố đi nhanh đến bên bà bán hàng – nhưng vì chân bị thương trong thời kỳ chiến tranh, đi nhanh không được – thì tên “Vi-Ci” đạp vào người bà bán hàng; thuận chân, hắn đạp luôn vào thúng xôi của bà khiến xôi đổ vươn vải trên nền đất. Và, trước ánh mắt kinh ngạc của Taylor, đám trẻ con từ đâu ùa đến, chụp nhanh mớ xôi, vừa chạy vào hẽm vừa cười vừa ăn!

Thấy một người “nước ngoài” đi đến, tên “Vi-Ci” bỏ đi thật nhanh.

Taylor cầm tờ $20.00 Mỹ kim trong tay, khom người đỡ bà bán hàng dậy, giọng dịu dàng:

-Bà bị đau ở đâu? Bà cần đi bác sĩ hay bệnh viện không?

Khi hỏi hai câu đó Taylor cảm thấy hơi xốn xang trong lòng, vì nghĩ rằng làm thế nào bà bán hàng hiểu được; nhưng chàng không thể nói tiếng Việt thì làm sao! Thật bất ngờ, Taylor thấy bà bán hàng vừa lượm cặp kính bể đeo vào, vừa khóc tức tưởi vừa đáp:

-Cảm ơn. Nhưng cơm chúng tôi còn không có mà ăn thì làm thế nào tôi có thể đi bác sĩ hoặc bệnh viện được!

-Một người nói tiếng Anh khá như bà mà tại sao phải đi bán hàng rong?

-Từ 30 tháng Tư 1975 đến nay, mọi tầng lớp xã hội miền Nam, mọi sự việc trên đất nước tôi đều đảo ngược hết rồi ông ạ!

-Thế bà là người miền Nam, đúng không?

Bà bán hàn buồn bả gật đầu.

Thấy kính cận của bà bán hàng bị bể, Taylor lấy thêm hai tờ $20.00 Mỹ kim nữa, đưa cho bà:

-Đây, $60.00 Mỹ kim, tôi mua tất cả thức ăn trong gánh của bà. 

Biết giá trị của sáu mươi Mỹ kim vào thời bao cấp – thời mà hằng ngày, mỗi gia đình “Ngụy” chỉ biết ăn bo bo thay cơm – nhưng bà bán hàng cũng vẫn lắc đầu:

-Cảm ơn. Nhưng xôi đổ hết rồi, ông mua mớ lá chuối và gióng gánh này để làm gì? 

-Không. Không. Tôi không lấy bất cứ vật gì. Bà giữ tất cả. Tôi muốn trả tiền cho mớ “cơm” bị đổ.

-Xôi bị đổ không phải lỗi của ông, tại sao ông phải đền tiền? Cảm ơn ông, nhưng tôi không thể nhận tiền của ông.

Không thể nào Taylor hiểu được rằng bà bán hàng được nuôi dạy trong một gia đình theo nền giáo dục xưa: “Giấy rách phải giữ lấy lề” và “Đói cho sạch rách cho thơm”. Vì không hiểu cho nên Taylor bị mặc cảm. Taylor thầm chửi lũ phản chiến Mỹ; vì lũ phản chiến đã áp lực Hoa Kỳ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Taylor tự hỏi, có phải hệ lụy về việc Hoa Kỳ rút quân khỏi miền Nam – để “Vi-Ci” đem tất cả oán thù, đau thương và thảm khốc trút lên đầu người dân miền Nam – đã làm cho chính người miền Nam cũng không còn thiện cảm với người Mỹ nữa hay không? Không thể nào Taylor tự giải đáp được. Taylor cảm thấy buồn buồn, đi dần về hướng bờ sông.

Taylor tựa vào thân cây, nhìn dòng An Giang lặng lờ. Ngày xưa, nhìn dòng An Giang, Taylor nhớ dòng Mississippi hùng vỹ. Giờ đây, nhìn dòng An Giang, Taylor lại nghĩ đến lời hứa của chàng với cô học trò áo trắng. Buồn lòng, Taylor cất tiếng hát nho nhỏ như than thở với dòng An Giang về niềm riêng của chàng: “There is a river called the River of No Return…. Swept on forever to be lost in the stormy sea…” (6)

Tiếng hát của Taylor văng vẳng trong gió chiều khiến bà bán hàng ngẩn ngơ. Nhìn quanh, không thấy ai có radio – dù có radio cũng không ai dám nghe đài của “bọn đế quốc xâm lược” – bà bán hàng băng nhanh qua đường, đến phía sau thân cây và nhận ra người ngoại quốc này đang hát.

Theo tiếng hát khàn khàn của người đàn ông Mỹ đã mất hết nét thanh xuân vì bộ râu “quai nón” cùng với thân người bệ xệ, bà bán hàng chợt nhớ lại hình dáng thon thả, đôi mắt xanh biếc cùng lời hứa của đại úy Taylor nơi cầu tàu thuộc trại Vân Đồn, năm xưa.

Bà bán hàng nghĩ đến Taylor không phải bà thương yêu Taylor; mà chỉ vì bà vừa nhớ lại ý tưởng của bà trong hai lần tiếp xúc với Taylor. 

Ý tưởng của bà thuở ấy là: Ước mơ được du học ngoại quốc để thoát khỏi sự đọa đày triền miên của bà Thắm – người dì ghẻ ác độc; ước mơ có thể quên được hình ảnh bi thảm của Mẹ và đứa em chưa chào đời; và ước mơ quân đội Hoa Kỳ sẽ giúp Quân Lực V.N.C.H. “đuổi” được Việt Cộng – những người đã trực tiếp đưa bà vào cuộc sống đầy đau thương và tủi hận – về Bắc. 

Khi Taylor vừa dứt lời ca, bà bán hàng bước ra phía trước, hỏi:

-Thưa ông, xin lỗi, ông làm ơn cho tôi hỏi một câu. 

Gặp người nói tiếng Anh khá, Taylor vui, muốn kéo dài cuộc đàm thoại, “Okay” ngay.

-Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam hay là ông từng tham chiến tại Việt Nam?

Nhìn dáng người gầy còm, lưng còng vì thiếu dinh dưỡng, khuôn mặt đen đúa, đầy nếp nhăn, răng sún và đôi mắt tí hí ẩn sau đôi kính cận dày cộm bị mẻ, Taylor đáp:

-Tôi đã phục vụ đơn vị Hải Quân tại đây. 

-Ông trở lại để tìm kỷ niệm của thời đáng yêu nhất trong đời người, phải không?

-Không. Ngay sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bang giao, tôi tìm mọi cách để trở lại đây chỉ với mục đích tìm một người; nhưng suốt gần hai tuần qua tôi tìm không ra.

Nghi đây là cựu Hải Quân đại úy Taylor, nhưng bà bán hàng muốn chính Taylor xác nhận:

-Nếu ông không ngại, ông có thể cho tôi biết tên người mà ông muốn tìm hay không?

Taylor vừa đáp vừa lấy ví, mở ra, lật cuốn sổ tay cũ, giấy đã úa vàng:

-Tôi không thể nói được tên của cô ấy; nhưng đây, chữ viết của cô ấy, nhờ bà đọc giùm.

Vừa thấy nét chữ của chính mình, Bảo Ngọc xúc động, không thốt nên lời! Bảo Ngọc cúi mặt. Bất ngờ hình ảnh của Thuận cùng tiếng khóc than của vợ con Thuận khi hay tin Thuận tử thương trong khi chiến hạm chuyển quân và dân di tản từ Vùng I và Vùng II Duyên Hải đi Phú Quốc chợt hiện về!

Tin Thuận tử thương khiến bà Thắm trở nên lầm lì như một người câm! Nhưng, sau khi bị Việt Cộng tịch thu nhà, đuổi đi kinh tế mới và tiếp đến là tin Thảo – con của bà và ông Trực – tử trận khi thi hành nghĩa vụ quân sự bên Cao Miên thì bà Thắm…quỵ xuống và không bao giờ bà có thể ngồi dậy được nữa! 

Bảo Ngọc quyết định không cần suy nghĩ:

-Rất tiếc, tôi cố nhớ xem bạn hữu của tôi ai có tên đó hay không mà nhớ không được! Chào ông.

Bảo Ngọc trả lại cuốn sổ tay. 

Lúc nãy, trong khi Bảo Ngọc bị tình cảm chi phối, Taylor kín đáo lấy một số tiền kha khá, cuộn nhỏ. Khi nhận lại cuốn sổ tay, Taylor nắm bàn tay xương xẩu của Bảo Ngọc, để cuộn tiền vào, giọng ân cần:

-Bà cố gắng như vậy là tốt rồi. Tôi cảm ơn bà. Tôi muốn biếu bà món quà để bà mua đôi kính khác; đeo kính bể rất nguy hiểm. Và nếu bà cần đi bác sĩ hoặc đến bệnh viện vì bị chấn thương do tên “Vi-Ci” gây ra cho bà lúc nãy thì bà có thể dùng.

Cúi mặt tránh ánh nhìn của Taylor, Bảo Ngọc chợt nhớ những buổi chiều, nếu xôi bán không hết, nàng đút từng miếng xôi rất nhỏ cho bà Thắm ăn. Bà Thắm thường thều thào: “Ngọc…ơi! Dì…biết Dì đã quá tàn ác đối với con cho nên Trời phạt Dì! Con… tha thứ cho Dì. Con cố làm phước, lấy đức cho hai thằng con của con. Đừng bỏ Dì… chết bờ chết bụi, nhen, con.” Bảo Ngọc xúc động, “dạ” nho nhỏ. Bà Thắm tha thiết hơn: “Con hứa với Dì, nha, Ngọc!” Từ tâm thức nhân hậu của nàng, Bảo Ngọc vừa nghĩ đến người Cha đang bị Cộng Sản Việt Nam cầm tù vừa đáp: “Dạ, con xin hứa với Dì. Con cũng xin cảm ơn Dì đã thay Má con mà chăm sóc cho Ba con suốt bao nhiêu năm dài”. Từ đôi mắt mờ của bà Thắm, hai hàng nước mắt lăn dài…

Lời hứa với bà Thắm, hình ảnh hai đứa con của nàng đang phụ bán cơm dĩa với vợ con của Thuận tại bến xe đò và nhân dáng tan thương, đói rách của ông Trực và Ngân – chồng của nàng – trong nhà tù A30 đem đến sự dằn co rất mãnh liệt trong lòng Bảo Ngọc. Cuối cùng, nàng nói nhỏ: 

-Cảm ơn ông rất nhiều. Gia đình tôi – cũng như không biết bao nhiêu gia đình người miền Nam bị “Vi-Ci” đuổi đi kính tế mới – rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Chào ông.

Taylor chưa kịp nói gì, Bảo Ngọc đã vội vàng băng qua đường, đến bên gánh xôi, quảy gánh, bước nhanh như chạy trốn.

Trong khi Bảo Ngọc như muốn liệm chết một dĩ vãng tươi đẹp lẫn đau thương đang bừng sống trong hồn nàng thì Taylor nhìn theo người đàn bà khốn khổ, đi chân trần, lòng buồn buồn, vừa tưởng nhớ cô học trò áo trắng năm xưa vừa “ngân nga” nho nhỏ: “…Gone gone forever down the river of no return. Wail-a-ree, wail-a-re-e-ee, she’ll never return to me!” (6)




ĐIỆP MỸ LINH




1-2-3.6- River Of No Return của Lionel Newman, Ken Darby.
4.- Mississippi River Blues của McWilliams, Elsie / Rodgers, Jimmie.
5.-Ám từ truyền tin: Québec được hiểu là thiếu tá Quang. “Métro đi phép dài hạn” là Ông Mẫn tử trận rồi.

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...