Monday, June 27, 2016

Mùi Dân Tộc - đồ biển



Riêng một số người Việt ta ở hải ngoại bắt đầu bịt mũi chê mùi nước mắm, mắm tôm, thì người Mỹ và Tây Phương lại tấm tắc khen các món quốc hồn quốc túy nặng mùi dân tộc này ngon và tận tình thưởng thức.


Mùi Dân Tộc - đồ biển




Terempa, Udang Natuna, Indonesia 1984

Đám thuyền nhân khệ nệ khuân vác những vật dụng cá nhân rời trại Terempa xuống tàu Teguh Mulia cuả Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc để di chuyển đến trại tỵ nạn Kuku.  Dọc theo con đường làng, dân đảo người Indonesia hiếu kỳ đứng nhìn đoàn người ăn mặc xốc xếch, tơi tả, dắt diú nhau ra cầu tàu.  Không ai bảo ai họ đều đưa tay bịt mũi và cười khúc khích.  đồ giật mình, chắc là đám dân tỵ nạn cuả mình bốc mùi không được vưà mũi họ chăng? cho dù đã được tắm giặt, tảy uế cả tuần tại trại tạm trú Terempa mà vẫn còn mùi… dân tộc hay sao.  Thôi thì mặc kệ, mình sắp dời đảo, hãy trả lại hòn đảo an bình, sạch sẽ này cho họ.  

Vưà bước lên cầu tàu đồ lại chạm trán chúa đảo là ông hải quân đại uý Bambang, người đã ra lệnh cho nam cảnh sát Indo khám xét phụ nữ trên ghe do đồ là tài công.  Ông ta lừ lừ mắt nhìn đồ.  đồ nhìn lại không nói không rằng, thầm nhủ:”Tớ không tố cáo nhà ngươi với Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ về việc cho nam nhân xâm phạm thân thể phụ nữ Việt, lại còn gạt tay tớ trong khi đang chống nạnh, làm tớ mất thăng bằng suýt ngã mà còn đứng đó làm tàng.”.  đồ đoán chắn hắn đang phân vân không biết đồ có khai báo hành động cuả hắn trên tờ khai do Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc phân phát cho trước khi lên tàu.  Hai bên chẳng ai chào ai,  đồ lẳng lặng bước lên boong tàu, kệ ai muốn làm gì thì làm.

Muà Hè đỏ lưả 1972

Vầng trăng từ từ lên cao, hơn 3000 giáo dân cùng cất tiếng đồng ca:” Mẹ ơi đoái thương cho nước VN, trời u ám, chiến tranh điêu tàn…”  trên chiếc dương vận hạm Qui Nhơn HQ 504,  chuyến tàu chở đồng bào tỵ nạn từ từ lướt sóng rời vịnh Chu Lai. Một vùng biển trời lung linh, lấp lánh ánh trăng trước mắt, cảnh tượng, âm thanh hòa với tiếng sóng dạt dào thật bi hùng, khiến đồ và các nhân viên  đương phiên hải hành đều bùi ngùi, xúc động.  Trong chuyến công tác đáng ghi nhớ này, có một thuỷ thủ cơ khí bị thả bom “phân tươi” trúng đầu, người thả bom là một em bé tưởng lầm cưả thông khí trên boong là chỗ để trút bầu tâm sự.  Một sản phụ đã hạ sanh một cháu trai kháu khỉnh, được hạm trưởng lấy tên chiến hạm đặt tên cho là Trần Văn Qui Nhơn.  Một cụ bà đã lớn tuổi, yếu sức đã qua đời trước khi tới nơi định cư mới an bình hơn.

Đến Bình Tuy, chiến hạm thả neo ngoài khơi để chờ phiên ủi bãi, trong khi các thuỷ thủ làm công tác vệ sinh, hạm trưởng ra lệnh hạ cưả ram đổ bộ để cho đồng bào nằm dưới hầm chiến xa đỡ ngộp thở.  Trên đài chỉ huy đồ thấy trước mũi tàu một vùng nước biển nhuộm màu đen thui từ cánh cưả đổ bộ đổ ra, kèm theo mùi “dân tộc” bốc lên ngào ngạt khiến cho lồng ngực đồ muốn tức thở. Hóa ra mặc dù chiến hạm đã thiết trí những cầu tiêu lộ thiên để họ sử dụng, hàng trăm người đã dùng khu vưc cưả đổ bộ có độ dốc chúi xuống để làm chỗ đi cầu.



Oklahoma

Mải nói chuyện với anh bạn thân tại phi trường Oklahoma, đồ đã để lỡ chuyến máy bay về San Diego.  Cũng may hãng hàng không đã thu xếp để hai vợ chồng đồ đi chuyến sau.. Thay vì đi cưả thẳng lên phi cơ, hai vợ chồng đồ lại đi lộn gate. Hành lý xách tay, đã được khám xét trong chuyến bay hụt lại bị xét lại lần thứ hai.  đồ giật mình, nhớ đên gói cá khô mà bà chị  ở Chicago mua cho tại  Đại Hội Thánh Mẫu Carthage, Missourie.  đồ không biết lần này họ có bắt dở ra không?.  Y như rằng hai nhân viên quan thuế Mỹ mặt mũi lạnh lùng yêu cầu đồ khai báo mang đi những gì?.  đồ cũng thành thật khai báo là cá khô made in Texas, USA.  Loai cá khô loại đặc biệt này, không khô mà lại ẩm, nếu muốn để lâu phải để tủ đá, nay vì phải chờ phi cơ khá lâu nên đã tan đá, cả đống cá khô nằm hiên ngang trên bàn, xông lên mùi hôi nồng nặc.  Mặt trơ ra vì ngượng ngùng, đồ liếc nhìn hai nhân viên quan thuế xem phản ứng họ thế nào.  Họ vẫn thản nhiên, đeo găng tay cao su bốc cá khô bỏ vào bao nylon và OK cho đồ mang hành lý lên máy bay.  Hú hồn.

Tháng 5 năm 1985

Trên chuyến bay bằng máy bay khổng lồ Boeing 747 từ Tokyo đến San Francisco cuả hãng Delta Airline, đã mấy lần đảo qua khu vực đoàn người tỵ nạn người Kampuchia ngồi, đồ vẫn đánh hơi thấy mùi ngai ngái xông lên nồng cả lỗ mũi, dù máy bay đang mở máy điều hoà không khí.  đồ thật cảm phục những cô chiêu đãi viên hàng không người Mỹ xinh đẹp, sạch sẽ vẫn xông xáo,  lịch sự tiếp đãi họ rất ân cần, chu đáo.  
Chợt đồ nghĩ thầm:” Coi chừng chó chê chuột lắm lông, thổ công chê ông Táo nhọ mõm.”.  đồ vội ghé mũi đánh hơi nách xem có xông ra mùi thiu thiu hay không?

Phi lộ

Người Tây Phương và người Á Châu có phản ứng khác nhau khi ngửi thấy mùi hôi thối, người Á Đông họ sẽ bịt mũi, khạc nhổ, thậm chí có người nôn oẹ; trong khi đó người Tây Phương họ vẫn thản nhiên, tôn trọng những nguyên nhân gây ra mùi thối, hoặc họ im lặng, hoặc bình phẩm chân thực, hoặc pha chút khôi hài, nhưng không làm hạ phẩm giá người đối tượng gây ra mùi thối.

Riêng một số người Việt ta ở hải ngoại bắt đầu bịt mũi chê mùi nước mắm, mắm tôm, thì người Mỹ và Tây Phương lại tấm tắc khen các món quốc hồn quốc túy nặng mùi dân tộc này ngon và tận tình thưởng thức. Cách đây khá lâu, đồ có mời hai vợ chồng một ông Bill,  Đại Tá hải quân Mỹ  đi ăn bún bó Huế, ông ta dặn ông chủ quán đừng quên thêm mắm ruốc và vài miếng tiết (huyết) heo. Nay ông Bill đã ra người thiên cổ, chắc hẳn ông vẫn còn nhớ đến những thủy thủ của chiếc Tuần Duyên Hạm đã cùng ông đi tuần tiễu trên biển và giới thiệu cho ông những món ăn đặc biệt tại các vùng biển Phú Quốc, Phan Rang, Phan Rí, Hội An, Đà Nẵng…. nặc mùi mắm muối.

đồ biển
HoangsaParacels


No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...