Sunday, June 5, 2016

Shangri-la ngày đầu: Trung Quốc vẫn ngạo mạn - HỒNG THỦY


"Ngạo mạn" là từ báo Chiangrai Times ngày 4/6 dùng để nhận xét về Trung Quốc khi một viên tướng
nước này nhắc lại tuyên bố, Bắc Kinh sẽ...


"Ngạo mạn" là từ báo Chiangrai Times ngày 4/6 dùng để nhận xét về Trung Quốc khi một viên tướng nước này nhắc lại tuyên bố, Bắc Kinh sẽ bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về việc áp dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.

Guan Youfei, Chuẩn Đô đốc - Cục trưởng Cục Quan hệ đối ngoại Quân ủy Trung ương Trung Quốc nói với báo giới: "Nói một cách đơn giản, vụ kiện thực sự vượt quá thẩm quyền của một cơ quan tài phán Liên Hợp Quốc. Bởi vì tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền không chịu sự ràng buộc bởi cơ chế trọng tài,, chúng tôi cho rằng trọng tài là bất hợp pháp. Vì vậy chúng tôi không tham gia và không chấp nhận".

alt
Ông Guan Youfei trả lời phỏng vấn bên lề Đối thoại Shangri-la, ảnh: SCMP.
Người viết cho rằng đây là một kiểu ngụy biện bằng cách đánh tráo khái niệm thường thấy ở Trung Quốc, bởi lẽ 7 trong số 15 nội dung Philippines khởi kiện và PCA thụ lý, sẽ ra phán quyết tới đây đều liên quan đến việc Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS trên Biển Đông. PCA không xem xét vấn đề chủ quyền lãnh thổ các thực thể ở Biển Đông thuộc bên nào.
Trong khi đó Trung Quốc vẫn cố tình giả điếc trước dư luận hòng trốn tránh phán quyết của Tòa bằng cách tỏ ra cố tình không hiểu. Dường như Bắc Kinh đang sử dụng đòn lý sự cùn với hy vọng công luận sẽ phải mệt mỏi. Nhưng càng làm như vậy càng phản tác dụng, càng chứng minh Trung Quốc hành xử bất chấp luật pháp quốc tế và không đáng tin cậy để có thể hợp tác.
Căng thẳng leo thang ở Biển Đông gây tổn hại cho tất cả
Đó là bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar theo phản ánh của Reuters ngày 4/6. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ngày hôm qua, ông Parrikar cho biết, hơn một nửa khối lượng thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông.
Mỹ-Nhật-Ấn phản đối yêu sách bành trướng của Trung Quốc, còn Bắc Kinh bóng gió về "3 thế lực bên ngoài can thiệp vào Biển Đông".
"Trong khi chúng tôi không đứng về bên nào trong các bên có yêu sách chủ quyền lãnh thổ, chúng tôi tin rằng các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình mà không có sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ duy trì tự do hàng hải hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS", ông Parrikar nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cảnh báo, nếu tranh chấp Biển Đông vượt tầm kiểm soát thì tất cả các nước trong khu vực phải nhận ra rằng, sự thịnh vượng chung và tỉ lệ tăng trưởng đáng ghen tị của khu vực này cả thập kỷ qua sẽ bị đe dọa vì hành vi, hành động gây hấn của bất kỳ ai.
"Tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu, cho dù chúng ta là những quốc gia lớn hay nhỏ. Chúng ta cần phải làm việc theo hướng hành động để giảm căng thẳng, ưu tiên cân nhắc yếu tố phát triển và tăng trưởng", ông Parrikar kêu gọi.
Washington muốn xây dựng một mạng lưới an ninh có nguyên tắc 
Theo South China Morning Post ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-la sáng hôm qua, Washington muốn xây dựng một mạng lưới an ninh có nguyên tắc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò có trách nhiệm trong đó.
alt
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 15, ảnh: Getty Images.
"An ninh cũng giống như dưỡng khí. Khi bạn có đủ, bạn không quan tâm gì đến nó. Nhưng khi bạn thiếu dưỡng khí, bạn không thể nghĩ đến điều gì khác. Trong những năm tới khi chúng ta tiếp tục nhìn nhận sáng rõ hơn, nỗ lực cung cấp 'dưỡng khí' cho khu vực sẽ ngày càng trở thành một hoạt động kết nối", ông Carter lưu ý.
Đồng thời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là khiêu khích, gây bất ổn và đang tự cô lập mình nên rất đáng tiếc.
Còn theo tường thuật của Channel News Asia ngày 4/6, Mỹ khẳng định những nỗ lực bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo hung hăng của Trung Quốc, cũng như quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo này là mối đe dọa lớn của tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Tuy nhiên ông Ash Carter nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn có một cuộc xung đột với cả Nga và Trung Quốc. Họ là những cường quốc và chúng tôi tôn trọng điều đó. Nhưng chúng tôi cũng tính đến khả năng chính họ có những lựa chọn đưa mình vào thế đối lập với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Chúng ta cần phải có cách làm nghiêm túc."
"Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động để tự gạt mình ra như những gì họ đang làm, khiến nhiều nước muốn làm việc nhiều hơn với Mỹ, thì đó không phải là tại Mỹ, đó là kết quả của những hành vi mà Trung Quốc gây ra. Mỹ không tìm kiếm bất kỳ loại Chiến tranh Lạnh, chia rẽ hay đối đầu nào ở đây." Ông Carter nói.
"Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một hệ thống toàn diện, nơi tất cả các nước làm việc cùng nhau. Chung tôi không cố gắng lôi kéo bất kỳ điều gì. Đó không phải cách tiếp cận của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trả lời phỏng vấn Channel News Asia.
Nhật Bản khẳng định: Không có quốc gia nào là "người ngoài" ở Biển Đông
Japan Today ngày 4/6 cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu tại Đối thoại Shangri-la năm nay đã khẳng định, không có bất cứ quốc gia nào là "người ngoài" ở Biển Đông, bởi hòa bình, ổn định, tự do hàng hải hàng không và luật pháp quốc tế trên Biển Đông là tài sản chung của khu vực, cộng đồng quốc tế.
Phát biểu này được xem như lời lên án rõ ràng nhất các hành động phiêu lưu quân sự hóa, tiến tới độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi, mặc dù Nhật Bản vẫn mong muốn và nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Ông Nakatani nói rằng, Nhật Bản lo ngại sâu sắc về các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) một cách nhanh chóng:"Những nỗ lực đơn phương như vậy nhằm thay đổi hiện trạng và củng cố sự thay đổi trên thực địa, làm chệch hướng đáng kể các nguyên tắc tự do hàng hải của luật pháp quốc tế."
Đó chính là một thách thức đối với trật tự toàn cầu hiện nay dựa trên luật pháp quốc tế. "Hòa bình và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương củng cố sự thịnh vượng của cộng đồng quốc tế nói chung chứ không riêng gì khu vực. Vì vậy không một quốc gia nào có thể là "người ngoài" trong vấn đề này", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật khẳng định.


No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...