Monday, December 6, 2021

Ảo Ảnh - Đỗ Duy Ngọc

Lần đổi tiền thứ hai năm 1978, Hân chẳng có bao nhiêu tiền để đổi. Lúc đấy Hân đang thất nghiệp, chạy đầu này đầu nọ, chẳng ra việc gì, ai kêu gì làm nấy, bữa đói bữa no. Có thằng bạn thân vượt biên, trước ngày đi có cho một ít, ăn được vài tuần cũng hết sạch. Loay hoay mãi mà chưa biết cách gì để sống. Sách vở bán đã hết. Áo quần cũng chỉ còn bộ đồ mặc trên người, cũng chỉ còn đôi giày da mòn long đế. Gia sản chỉ có bấy nhiêu. Căn phòng càng ngày càng vắng đồ đạc, càng thưa thớt người. Lần lượt từng người đi. Kẻ về quê, người đi đâu mất biệt. Đôi lúc có kẻ lướt về rồi lại đi. Tất cả tản mác để tiếp tục sống, để tiếp tục tồn tại.
Đang là cuối đông. Sài Gòn bỗng lành lạnh với những cơn gió lạ. Cả xã hội nghèo, thiếu ăn. Chén cơm trắng là giấc mơ của bao người. Ai cũng gầy với đôi mắt thất thần và cái bụng lép. Chẳng ai giúp được ai. Hân co ro dưới gió trên đường Trương Minh Giảng. Con đường quen thuộc cả chục năm nay, Hân thuộc từng con hẻm, từng lối rẽ, từng cái ổ gà nho nhỏ trên nền xi măng của vỉa hè.
Vẫn biết là chẳng đi đến đâu, chẳng giải quyết được gì cho cái bụng rỗng đã ba hôm rồi, nhưng Hân vẫn đi. Nằm nhà xót bụng không chịu được, ra đường với chút hi vọng gặp ai đó, gặp một dịp may nào đó, lượm được đồng bạc ai đánh rơi. Biết đâu? Cũng còn vài người quen, cũng còn vài thằng bạn. Nhưng Hân ngại. Anh tiều tuỵ quá. Đói rách quá, ngại gặp mọi người. Gia đình nào cũng nghèo nhưng đến bữa cũng có bữa cơm dù là bo bo, bột mì hay cá hẩm thịt ôi. Hân chỉ cần có gì bỏ bụng. Lấp đầy khoảng trống của bao tử đang kẻu ầm ĩ. Nhưng Hân không dám đến nhà ai. Đói nhưng cái bệnh sĩ vẫn bám vào anh.


Hân đi dọc căn phố, những cửa hàng ngày xưa sầm uất thế, rộn ràng thế bây giờ đìu hiu và buồn tẻ. Đã gần chập choạng chiều mà căn phố vẫn hiu hắt vì không có điện. Những giọt mưa lác đác, hắt vào anh. Hân tay ôm ngực tay loay hoay tìm điếu thuốc. Túi rỗng. Hân thèm một hơi thuốc trong mưa. Hân cúi xuống, mắt lướt trên nền xi măng, anh lượm được hai cái tàn thuốc. Anh lượm mảnh giấy báo, xé hai tàn thuốc, gói mấy sợi thuốc vào mảnh giấy báo rồi se lại. Ánh lửa soi sáng một vùng mặt, khói vờn lên. Bụng đang đói gặp hơi khói làm đầu anh lâng lâng như say. Những bóng người loang thoáng, chập chờn. Bụng anh thắt lại. Hân có cảm giác có dòng nước mắt đang âm ỉ chảy từ đôi mắt cận.
Hân băng qua ngã tư. Góc cây xăng Trần Quang Diệu với Trương Minh Giảng cũ có một bà cụ già bán bánh ít nhân đậu. Bà cụ người Bắc đã già lắm. Lưng còng, lúc nào người cũng quấn trong hai ba lớp áo, đầu quấn khăn. Hàng của bà chỉ chục cái bánh lá đặt trên cái thúng cũng cũ kỹ như bà. Một bà cụ nghèo, vốn liếng chẳng bao nhiêu. Bà bán vào buổi chiều, ít thấy khách mua nên nhiều lúc bảy tám giờ tối vẫn còn thấy bà ngồi dưới đèn đường, bóng bà đổ trên đường nhìn hiu quạnh lắm. Hân lâu lâu cũng ghé bà, mua một vài cái ăn qua cơn đói.
Hôm nay Hân nghĩ giá có vài cái bánh này, chắc cũng đỡ cho cái bụng. Nhưng anh chẳng còn đồng bạc nào trong túi. Ngang qua, Hân đi luôn dù chân như muốn níu lại. Hân đi đến hẻm Trường Lê Bảo Tịnh. Anh quay lại, dùng dằng mấy bước rồi sà xuống cái thúng bánh tả tơi của bà cụ. Cụ ạ! Cụ cho con hai cái được không? Mời cậu. Cậu mua giúp. Ế quá. Nhưng cụ ơi! Hôm nay cháu không còn tiền, cụ cho cháu thiếu được không? Bà cụ ngần ngừ, chép miệng: Khổ thế cơ à? Ối giời thời thế gì mà ai cũng khổ thế này? Hân đứng lên, anh thấy chóng mặt, cái đầu hơi quay quay, anh lại đành ngồi xuống. Dạ vậy thôi cụ ạ. Vốn cụ chẳng bao nhiêu mà cháu lại ăn thiếu thì khổ cho cụ quá. Bà cụ đưa đôi mắt hấp hem nhìn Hân, móm mém: Khổ đã khổ rồi. Cậu cứ xơi bánh đi, hôm nào có tiền gởi cho tôi cũng được. Trông cậu xanh quá. Chắc đói lắm rồi hử?
Đêm đó nhờ hai cái bánh ít, Hân ngủ được một giấc ngon.
Mấy hôm sau đó, có việc ở Biên Hoà, anh xuống làm phụ mộc gần chục ngày. Về lại Sài Gòn mấy bữa, ghé góc đường lại không thấy bà cụ. Rồi ngày qua tháng lại, thời gian trôi đi, lúc thì quên, khi nhớ tìm mãi chẳng thấy bà cụ đâu.

Cuối năm ấy, một người bạn cho một suất vượt biên, trả tiền sau. Hân liều làm một chuyến vì đang bế tắc quá. Lênh đênh gần nửa tháng ngoài biển, máy hư, tàu vô nước, cuối cùng cũng cặp được vào đảo Pulau Bidong đảo nhỏ ở phía nam biển Đông, thuộc bang Terengganu của Malaysia.
Đảo này được biết đến chủ yếu vì đây mở trại tạm cư cho người Việt tỵ nạn trong những đợt vượt biên liên tiếp của thuyền nhân từ năm 1975 đến năm 1991. Đến 30 tháng 10 năm 1991 khi trại đóng cửa thì nơi đây đã tiếp đón 250.000 người tỵ nạn.
Hân ở đảo gần một năm vì chẳng có thân nhân nào bảo lãnh, anh vốn lớn lên từ cô nhi viện, tứ cố vô thân nên chẳng biết cậy nhờ ai. Sau đó anh gia nhập đạo Tin Lành và rồi một hội thánh ở Mỹ bảo lãnh Hân qua Mỹ. Những năm tháng ở Mỹ, anh cật lực vừa học vừa làm, cuối cùng cũng có một việc làm ồn định, một bằng cấp kha khá, một căn nhà vừa ý. Hai lần lập gia đình đều đổ vỡ, không có đứa con nào, anh nghĩ chắc ở thế cho đến già. Số thế rồi thì chấp nhận vậy. Đi làm về, một mình trong căn nhà trống, nhiều đêm anh nhớ Việt Nam, đôi khi thấp thoáng bóng của bà cụ và hai chiếc bánh anh còn thiếu nợ hiện ra trong giấc mơ. Nhưng anh vẫn chưa về, thật ra cũng chẳng còn ai để về. Chẳng còn chi níu kéo để về. Nhưng Việt Nam vẫn về trong giấc mơ của Hân. Có một cái gì đó không giải thích được cứ gọi anh về.
Năm 2002, nhân chuyến công tác ở Thái Lan, anh về lại Sài Gòn năm hôm. Thành phố chẳng còn như cũ, nhiều nhà cao tầng, phố xá đông đúc hơn, người ta có vẻ giàu hơn, hàng quán nhiều hơn. Buổi chiều anh về lại con đường Trương Minh Giảng cũ, con phố này có vẻ ít đổi thay, trường đại học ngày xưa của anh giờ trông tàn tạ, những bức tường ám rêu, cái cổng trường vẫn thế. Ngôi chợ cũ khang trang hơn, phố sầm uất hơn. Hân đi dọc con đường mấy chục năm trước thường đi, vỉa hè không còn loang lổ, lát gạch đẹp hơn.
Đứng ở bên này ngã tư Trần Quang Diệu nhìn qua cây xăng, anh thoáng thấy bà cụ bán bánh ít nhân đậu xanh đang ngồi ở dưới cột đèn đường. Lạ nhỉ? Hai mươi mấy năm rồi, cụ còn sống sao? Cụ vẫn ngồi bán ở đây sao? Hân nhớ hai chiếc bánh còn thiếu nợ bà cụ. Anh vội băng qua đường. Một chiếc xe bus trờ tới, che tầm mắt của anh. Khi anh bước qua bên kia đường thì không còn thấy bà cụ nữa. Mới thấy đây mà? Hay chỉ là ảo ảnh. Hân đi tìm quanh quất mà chẳng thấy gì. Anh đứng ngay chỗ bà cụ hay ngồi ngày xưa, miệng lẩm bẩm: Cụ ơi! Con về tìm cụ trả tiền hai chiếc bánh. Chắc cụ chẳng còn trên đời này nữa đâu. Nhưng con vừa thấy cụ. Hay cụ nhắc con nhớ món nợ năm xưa. Nhưng con biết làm sao trả. Cụ ơi! Mong cụ siêu thoát. Món nợ này con suốt đời nợ cụ.
Mấy ngày còn lại ở Sài Gòn, Hân cứ quanh quất ở cây xăng Trần Quang Diệu, hỏi thăm về bà cụ bán bánh ít hơn hai mươi năm trước ở chỗ này. Mấy hôm rồi chẳng ai biết, chẳng biết thêm tin tức gì. Hôm cuối cùng ở Việt Nam, anh gặp được một anh chàng xe ôm, anh biết rất rõ bà cụ vì anh là con rể của bà cụ. Hân mừng quá, ngồi trên xe để anh xe ôm chở về nhà mà anh cứ ôm bụng anh chàng xe ôm mà nói: Mừng quá, mừng quá. Chắc là bà cụ khiến anh gặp tui. Mừng quá! Anh xe ôm kể đêm qua thấy cụ về bảo chiều mai ra góc cây xăng, có người muốn gặp. Hân nói với lên: Thế là cụ bảo ra gặp tui đấy. Bà cụ linh thiêng thật.
Xe chạy vào mấy cái hẻm ngoằn ngoèo. Con hẻm càng vào sâu càng hẹp lại. Căn nhà ở cuối con hẻm ứ nước, cạnh bãi rác. Nhà sơn tróc loang lổ, nghiêng nghiêng như muốn ngã. Nhà tù mù một cái bóng đèn vàng hiu hắt. Một người đàn bà đi ra sau tiếng kêu của anh xe ôm. Hân bước vào nhà, đập vào mắt anh là chiếc bàn thờ be bé thắp ngọn đèn đỏ quạch soi tấm ảnh nho nhỏ của bà cụ. Bà cụ đang nhìn anh, mắt nheo nheo với nụ cười hóm hỉnh. Anh nhớ câu cuối cùng của bà nói với anh hơn hai mươi năm trước: Khổ đã khổ rồi. Cậu cứ xơi bánh đi, hôm nào có tiền gởi cho tôi cũng được. Trông cậu xanh quá. Chắc đói lắm rồi hử?
Hân xin ba cây nhang, đốt lửa, ánh sáng bùng lên soi khuôn mặt của người đàn bà nhầu nhĩ, chắc tại nghèo. Hân chắp tay vào ba cây nhang: Cụ ơi,con xin lỗi cụ, con đắc tội với cụ, con mang nợ cụ hai chiếc bánh cứu con qua cơn đói mà bây giờ con mới trả được cho cụ thì cụ đã chẳng còn. Con không quên được hai chiếc bánh của cụ đâu. Và vì không quên nên con mới nhìn thấy cụ, con mới tìm được nhà cụ để trả món nợ ân tình.
Hân ra ngoài cửa, ánh sáng cuối cùng của buổi chiều hắt lên ánh sáng kỳ dị vừa nhờ nhờ vừa tăm tối trên cánh cửa loang lổ. Anh rút hết số tiền trong ví, trong túi xách, anh không đếm là bao nhiêu nhưng cũng được một bó bằng cườm tay. Anh xin chiếc dĩa, đặt hết lên đấy và vái một lần nữa. Cụ ơi! Con xin gởi cụ. Đã biết trễ rồi nhưng có còn hơn không. Con đội ơn cụ và mong cụ tha lỗi cho con.
Hân bước ra con hẻm, ánh đèn đường vừa bật, anh lại ra con đường cũ. Cây xăng đang tấp nập. Khoảng sáng chiếu ở dưới đèn đường, anh lại thấy nụ cười và dáng lom khom của bà cụ. Nhưng lần này cụ không có bóng đổ.

DODUYNGOC
MH chuyen


No comments:

LỜI NÓI THẬT CỦA BÁC SĨ -Tác giả: Dr Hồ Hãi /Dr Trinh Kim

Khi vào nghề Y đến nay đã hơn 30 năm, hễ cứ đến ngày này là nhận nhau những lời chúc tụng. Tôi không biết là mình có nên chúc tụng đồng nghi...