Cho đến nay, dẫu đất nước Việt Nam Cộng Hòa, đã bị bức tử, nhưng hình ảnh của những lần đón mừng Lễ Giáng Sinh xưa và Người Lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn không bao giờ phai nhạt.
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, với hình ảnh oai hùng trên khắp sa trường, đối diện với những nguy nan, xem thường tử sinh nơi chiến địa; nhưng hình ảnh Người Lính vẫn thật đẹp, thật lãng mạn với hình ảnh trong những lúc dừng quân, Người Lính lại viết thư:
“Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ướt đẫm đáy sông thưa; Nhiều tên trong đơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ; Thường khi hai ba thằng, chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung. Một thằng nhớ em, để một thằng nhớ thêm. Còn mình tìm hình lén xem.
Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em. Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy”.
Và nơi “Tiền đồn heo hút, tinh tú quây quần nghe Anh kể chuyện đời Lính”. Rồi người Lính lại ngồi lại với nhau, để đọc những “Bức tâm thư”:
“Hôm qua hành quân dừng chân trên dãy đồi sim
Anh vui nhiều hơn vì đọc thêm lá thư em
Lời thư đẹp quá, đọc đã bao nhiêu lần, mà lòng vẫn còn thương”
Và rồi, mùa Đông lại đến, Giáng Sinh lại về, trên những tiền đồn, hay những Căn Cứ xa xôi, Người Lính không thể trở về phố thị, để sum họp bên mái ấm gia đình, nên Người Lính đành phải đón mừng Giáng Sinh với tất cả những gì có thể làm, có thể tạo ra những hình ảnh Giáng Sinh, với những Hang Đá “dã chiến”, để cùng nhau, tay súng, tay đàn, hát những bài ca yêu thích, để cùng nhau san sẻ những niềm vui đời Lính Chiến.
Một lần nữa, người viết xin trích lại một bài viết của chính mình, về những mùa Giáng Sinh xưa:
“Đêm nay, đêm Giáng Sinh - Đêm Thánh Vô Cùng - Đêm chia hai lịch sử của nhân loại. Mọi người ở trên mặt địa cầu này, dù có tin Chúa hay không; nhưng mỗi lần đặt bút xuống, để ghi lại một ngày tháng nào đó, dù là ngày vui hay là một ngày buồn, thì chính họ, mặc nhiên công nhận: đó là ngày đánh dấu niên lịch của sự kiện Chúa Cứu Thế đã Giáng Sinh.”
Cùng giao hòa với sự đổi thay của đất Trời, để nhân loại có một niên lịch vĩnh cửu như hôm nay; chúng ta, những người Việt đang sống đời vong quốc ở khắp bốn phương Trời; hồi tưởng về những năm tháng cũ của một thời chinh chiến; đặc biệt, với những chàng thư sinh đã từng tình nguyện xếp bút nghiên theo việc đao binh, từ giã mái trường cùng bè bạn thân yêu, lên đường tòng quân, với nguyện ước để bảo vệ đồng bào, bảo vệ miền Nam Tự Do, vì đó là bổn phận của người thanh niên giữa thời đất nước đang lâm vào cơn nguy biến.
Những ngày tháng đầu tiên nơi “Thao trường đổ mồ hôi, Chiến trường bớt đổ máu”; lần đầu tiên khoác chiến y, trở thành người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những “Đoạn Đường Chiến Binh” đầy thử thách, nhưng với chí nam nhi các anh đều vượt qua tất cả, để làm tròn trách nhiệm: Đem sinh mạng của chính mình, để bảo vệ non sông.
Từ những năm tháng ấy, gót chinh nhân đã từng lưu dấu trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật, mà có khi cả năm, các anh không được một lần về phép, để sum họp cùng người thân bên mái ấm gia đình. Cho đến khi những đám mây đen vần vũ trên khắp đầu non, và những ngọn gió Đông giá buốt xoáy vào những chốn rừng sâu, ở các đơn vị nơi biên phòng giới tuyến, thì các anh bỗng nhớ đến rằng: Mùa Vọng và Giáng Sinh lại trở về giữa chốn núi rừng hoang lạnh, thế rồi, với những đôi tay khéo léo như một nghệ nhân của các anh - các chị - các cô Chiến Sĩ Tâm Lý Chiến của đơn vị, đã gom góp những tấm cạt-tông, những tờ giấy xi-măng được tách ra, những cọng cỏ, rơm khô, những nắm đất sét mềm mại vàng nâu, những viên đá, viên sỏi… những cục nhựa đặc biệt mềm và dẻo của loại cây Sưng (sâng) có một mầu vàng trong suốt… và để có những sắc mầu trang trí cho Hang Đá, thì các anh đã lấy mầu vàng từ cốt nước của loại lá Dung, mầu đỏ từ cốt nước của thân cây Vang ở ven rừng… rồi pha thêm thành nhiều mầu khác, sau đó, đem trộn lẫn với một chất keo chiết từ lá khoai lang, cộng thêm với những nhánh Thạch Thảo, thế là đã đủ, để các anh-các chị-các cô Chiến Sĩ Tâm Lý Chiến cứ vừa hát vừa biến tất cả thành những chiếc Hang Đá thật tự nhiên, tái hiện một Hang Bê-Lem của từ nghìn năm trước, và được đem đặt ở một nơi trang trọng nhất của đơn vị, có nơi là một Phòng Văn Khang; để đêm về người Chiến Sĩ quỳ bên máng cỏ, hoặc ở một nơi nào đó của đơn vị và cất tiếng hát giữa đêm thâu những bài Thánh Ca hoặc những bản nhạc viết về Giáng Sinh như: Đêm Thánh Vô Cùng, Bài Thánh Ca buồn…
Những Người Lính tiền đồn đón Noel bằng vật liệu tác chiến sẵn có. Nào ống phóng lựu M72 làm trụ, đạn đại liên M60 làm lá thông, đạn M79 làm dây đèn trang trí cùng với 5 quả đạn súng cối, trên đỉnh làm ngôi sao và vài thùng đạn làm đế cây phía dưới. Thật tuyệt, một hình thức trang trí đón mừng Giáng Sinh của Lính.
Còn đây, là những hình ảnh của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa đã đón Giáng Sinh ở những doanh trại, tiền đồn, hay các Căn Cứ xa xôi:
Các quân nhân Sư Đoàn 7 BB đang trang trí hang đá trong đơn vị
Ngày nay, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, dẫu không còn được tay súng, tay đàn như những ngày hào hùng, thân ái cũ. Có những Người Lính đã vĩnh viễn ra đi!
Người còn ở lại, bùi ngùi, rưng rưng tiếc nhớ những năm tháng được sống trong “Tình Huynh Đệ Chi Binh”. Người Lính không bao giờ quên những giờ phút đã từng sát cánh bên nhau giữa các chiến hào, say mùi thuốc súng, đối đầu với quân giặc, để rồi thốt lên câu:
“Những người muôn năm cũ; Hồn ở đâu bây giờ?!”
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, với những chiến công lẫy lừng, với những trận địa nổi danh trong Quân Sử: Mùa Hè Đỏ Lửa, Quảng Trị, Bình Long, An Lộc…
Đặc biệt, trong trận chiến Mậu Thân, 1968, vì đã “tin” cái “Thỏa ước hưu chiến ba ngày cho đồng bào ăn Tết” do chính Cộng sản xâm lăng Bắc Việt “đề xướng”, nên một nửa quân số của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã được phép về ăn Tết với gia đình.
Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi: Giữa đêm Giao Thừa Mậu Thân, 1968, thì “Giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu đồng bào”. Quân xâm lăng Cộng sản đã tấn công vào các thành phố, máu đổ, đầu rơi, bao xác dân lành ngã đổ, khói lửa lan tràn, quyện giữa làn khói hương nghi ngút trên bàn thờ gia tiên của đồng bào miền Nam!
Thế nhưng, dẫu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với quân số, chỉ còn phân nửa, nhưng Cộng sản Bắc Việt gồm có sự tiếp tay đắc lực của Nga, Tàu và cả những tên lính Bắc Hàn đã cải trang thành “bộ đội Bắc Việt”, (Sau này, Bác Hàn đã sang Việt Nam đem xương cốt của chúng về nước, thì người ta mới biết).
Và vì đã không được “chiến” vào trận đánh cuối cùng.
Chính vì thế, nên Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không hề có “bại”
Tạm kết:
Qua những hình ảnh của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, từ lúc xếp bút nghiên, lên đường tòng chinh. Người Lính luôn tâm niệm: Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm cho đến giây phút cuối của cuộc đời. Người Lính không cho phép mình đón Giáng Sinh, hoặc vui Xuân cho riêng mình, khi đất nước còn chìm trong lửa khói của quân xâm lăng.
“Em nghe không ngoài kia, Trời Đông đã lên rồi, bao lớp người đi, đầu mây chân gió, vai nặng gánh sông hồ, còn bao lâu nữa, xin em thôi hờn dỗi.
Đây gói hành trang xếp lại cho tròn để anh đi nhé. Xin chớ u buồn vì trong những ngày dài anh vắng bên em. Nhưng xin em đừng quên, từng đêm súng vang về trong giấc ngủ say, là khi anh đã dâng nguồn sống cho đời, và cho đôi lứa đẹp ước mơ…”
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, là tất cả những gì cao quý, hào hùng, đẹp nhất trên đời, khi các Anh đã dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc và Dân Tộc.
Hôm nay, và mãi mãi cho đến ngàn sau, dẫu có “hái ngàn sao” trên Trời, hay “gom hết sóng nước của đại dương”, cũng không sánh bằng những hy sinh vô bờ bến của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa trong suốt hơn hai mươi năm, đã góp máu xương trong đại cuộc chung: Bảo Quốc - An Dân!
Hậu thế, cần phải ghi nhớ: Quân xâm lăng Cộng sản Bắc Việt được Nga, Tàu tiếp tế súng đạn, vũ khí hùng hậu, và điêu ngoa quỷ quyệt khi đã trắng trợn bội ước hưu chiến trong cuộc “Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, 1968”, là như thế; nhưng vẫn không thắng nổi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thì nếu vào thời điểm trước và sau 30/04/1975, nếu không bị bức tử, và nếu được đánh một trận thư hùng cuối cùng, thì chắc chắn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải thắng!
Giáng Sinh 2020
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
HT chuyen
No comments:
Post a Comment