Monday, September 17, 2012

Ẩn số HKMH trong đối đầu không-biển_ NgV





Từ hàng chục năm nay, Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) luôn là thứ phương tiện được Mỹ lựa chọn trong ứng phó với khủng hoảng. Các nhà hoạch định chính sách cùng các vị tư lệnh bốn sao trên mặt trận thường lấy HKMH khi muốn bắn đi tín hiệu về ý đồ của Mỹ, tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự, hay tạo cho họ nhiều lựa chọn hơn trong  tình huống khó khăn.
Hải quân Mỹ đáp ứng yêu cầu của những người này này bằng cách đưa hạm đội HKMH làm nền tảng chính trong tổ chức lực lượng mặt nước và trên không, với tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nhân sự, ngân sách, tài trợ và huấn luyện của hai cơ quan này. Và cho tới gần đây, không quân Mỹ dường như vẫn vui vẻ nhường lại vai trò ứng phó khủng hoảng, bởi họ cần tập trung vào các ưu tiên của chính mình.
Thế nhưng, công nghệ, vũ khí mới và mang tính đột phá sẽ sớm làm thay đổi nhận định và sự sắp xếp phối hợp giữa hai lực lượng này của Mỹ. Cụ thể, sự phổ biến của các tên lửa chống hạm tầm xa đang đe dọa khả năng thực hiện các nhiệm vụ truyền thống của các HKMH. Đó là chưa kể các nhà hoạch định chính sách Mỹ còn đang đứng trước áp lực tìm ra phương thức ít tốn kém hơn cho thực hiện các nhiệm vụ quân sự quan trọng. Và không quân Mỹ có thể phát triển công nghệ và nền tảng tầm xa để tiến hành nhiều trong số các nhiệm vụ của HKMH với chi phí thấp hơn. Tất cả những yếu tố này có thể buộc các nhà hoạch định phải xem xét lại sức mạnh không lực của mình từ nguyên tắc đầu tiên trở đi, dẫn tới một giai đoạn chông gai cho các HKMH và sự phối hợp không-biển.
Trận đánh đầu tiên của tàu sân bay tại sân khấu Thái Bình Dương vào năm 1941 đã khiến cho các tàu chiến trở nên lỗi thời. Tàu sân bay mang đến nhiều hỏa lực và tầm bắn xa hơn, với tốc độ và sự linh hoạt lớn hơn, trong một phạm vi mục tiêu trên biển và trên bờ rộng hơn. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, sức mạnh của các HKMH Mỹ đã buộc các đối thủ phải tập trung chi tiêu hải quân cho tàu ngầm hơn là cho các tàu nổi mặt nước lớn, một xu hướng vẫn còn thấy rõ cho tới ngày nay. Không còn các tàu nổi của kẻ thù để đánh chìm, các thủy thủ HKMH của Hải quân Mỹ phải tập trung triển khai sức mạnh không chiến vào bờ, điều mà họ đã thực hiện đối với CHDCND Triều Tiên, Việt Nam, Iraq (hai lần) và Afghanistan.



Trong nửa thế kỷ qua, HKMH của hải quân Mỹ cũng trở nên phù hợp cho việc đối phó với khủng hoảng. Lực lượng xung kích hàng không mẫu hạm thông thường có thể đi đến địa điểm bất ổn trong vòng vài ngày mà không cần phải có các cuộc đàm phán tẻ nhạt để xin phép và xin các quyền cơ sở với nước sở tại. Không quân Mỹ hài lòng với sự sắp đặt này bởi vì mặc dù phi đội máy bay chiến đấu chiến thuật của họ về lý thuyết có thể thực hiện nhiệm vụ tương tự, nhưng nó đòi hỏi phải có các căn cứ lớn, ổn định và được trang bị tốt từ đó có thể tạo ra tỷ lệ xuất kích cao. Thực tế, cách bố trí như trên không thể đối phó tốt với các tình huống xảy ra bất ngờ, nhiều trong số đó diễn ra tại những nơi có điều kiện khó khăn.
Nhưng sự phổ biến các tên lửa chống hạm tầm xa ít tốn kém nhưng có tính hủy diệt cao hứa hẹn sẽ làm thay đổi nhận định và cách sắp xếp này. Đơn cử, Trung Quốc đang đưa tên lửa chống hạm lên tàu ngầm, tàu tuần tra, tàu nổi, máy bay, xe tăng, cho phép nước này có khả năng chiếm ưu thế tại các vùng biển gần. Với cái giá của một tàu chiến lớn, Trung Quốc có thể mua hàng trăm, hay thậm chí hàng nghìn, tên lửa chống hạm. Và khi hoàn thiện được các máy bay trinh sát không người lái, Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng tuần tra các vùng biển lân cận, xác định mục tiêu cho những tên lửa này.
HKMH của Hải quân Mỹ sẽ đứng trước áp lực phải rút khỏi vùng hoạt động của tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, việc các tàu này có thể lùi lại bao xa trong khi vẫn đảm bảo tham gia "cuộc chơi" còn là một vấn đề. Mặc dù các tàu sân bay của Mỹ tương đối lớn, nhưng chúng chỉ có thể phóng được các máy bay ném bom chiến đấu tầm hoạt động ngắn. Đơn cử, chiếc F-35C, phiên bản sử dụng cho HKMH của chiếc máy bay tiêm kích chiến đấu đa năng JSF, có tầm chiến đấu chỉ 615 dặm (gần 1.000km). Tiếp nhiên liệu trên không có thể mở rộng tầm hoạt động của máy bay. Nhưng việc tiếp nhiên liệu sẽ không khả thi tại những không gian chiến đấu, và ngay cả khi có thể, các máy bay cỡ nhỏ cũng sẽ bị hạn chế bởi những giới hạn sinh lý của các phi công khi phải bay trong thời gian quá lâu.


Ngược lại, máy bay ném bom tầm xa của không quân Mỹ, với hai phi công luân phiên nhau, thường bay liên lục địa kéo dài hơn 30 giờ để thực hiện nhiệm vụ. Mới đây, một phi đội máy bay ném bom B-1 liên tục duy trì ít nhất một trong số những máy bay ném bom cỡ lớn trên bầu trời Afghanistan trong đợt ra quân 6 tháng tới một căn cứ ở Tây Nam Á. Trong khi đồn trú tại Afghanistan, những chiếc B-1 đã đáp ứng trên 500 yêu cầu hỗ trợ từ trên không của các binh sĩ đang chiến đấu.
Một điều mỉa mai là, đúng lúc giá trị và tính thiết thực của các lực lượng ném bom tầm xa đang tăng lên, thì không quân Mỹ lại dành cả thập niên qua tập trung vào những máy bay chiến đấu F-22 và F-35, những thứ giống như HKMH của họ, phải hoạt động từ các căn cứ giáp lá cà dễ tổn thương và tầm hoạt động quá ngắn so với khu vực rộng lớn của sân khấu Thái Bình Dương. Nhưng sau nhiều sự phản đối và chậm chễ vì lý do quan liêu, không quân Mỹ cuối cùng đã đạt được bước tiến với một máy bay ném bom tầm xa tàng hình để bổ sung và sau đó thay thế phi đội đã trở nên yếu thế trong thập niên qua.
Sự xuất hiện của chiếc máy bay ném bom mới, cùng với mối đe dọa từ tên lửa chống hạm và những hạn chế về ngân sách, có thể buộc các nhà hoạch định Ngũ Giác Đài phải đánh giá lại bản chất của hoạt động hỗ trợ trên không, đặc biệt trong ứng phó với khủng hoảng tại những không gian chiến đấu có sự đấu chọi của tên lửa. Đây sẽ là tin tức đáng buồn đối với các quan chức không quân và hải quân Mỹ, những người đã quen với những sự sắp xếp đã tồn tại từ lâu.
Nếu mối đe dọa tên lửa ở Tây Thái Bình Dương hay xung quanh vùng Vịnh Ba Tư trở nên quá lớn, các nhà hoạch định chính sách sẽ thấy rằng uy tín của họ có thể bị tổn thương rất lớn với việc triển khai lực lượng xung kích hàng không mẫu hạm đến để đối phó với một cuộc khủng hoảng. Tương tự, sự phản đối về ngoại giao và sách lược có thể không cho phép khả năng triển khai máy bay chiến đấu của không quân Mỹ. Điều đó khiến trong các máy bay ném bom tầm xa trở thành phương tiện giải quyết khủng hoảng khả thi duy nhất và đặt ra vấn đề về những khoản đầu tư nhiều hơn vào các tàu sân bay và máy bay chiến đấu có phạm vi hoạt động nhỏ.
Nhưng ngoài đối phó với khủng hoảng, các máy bay ném bom tầm xa cũng có thể làm thay đổi quan điểm về hỗ trợ trên không gần trận đánh. Cho tới gần đây, hỗ trợ bộ binh trong chiến đấu được cho là công việc của máy bay chiến đấu hạng nhỏ. Với những loại bom được dẫn đường chính xác trong cuộc triển khai của họ tại Tây Nam Á, những chiếc B-1 đã đảm bảo có thể thả bom xuống mục tiêu cách các lực lượng phe mình 300m.

Với những thực tế trên, có thể thấy, vấn đề HKMH đang đòi hỏi các quan chức quân sự Mỹ có những thay đổi mới trong cách bố trí lực lượng không-biển trong điều kiện hiện nay. Nếu không kịp có những điều chỉnh kịp thời, có thể tình thế trên Thái Bình Dương trong thời gian tới sẽ trở nên hết sức bất lợi cho việc triển khai sức mạnh của quân đội Mỹ.
Đ.N. (Vietnam Weeks) dịch tử Foreign Policy




Nam Yết chuyển

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...