Saturday, September 22, 2012

Chiến binh Samurai thức dậy sau giấc ngủ dài_ NgV


 
 
Kể từ sau đại chiến thế giới lần 2, Nhật Bản giống như một gã “chiến binh Samurai ngủ say trong vòng tay người Mỹ”. Nhưng khi “con voi” Trung Quốc trỗi dậy và bắt đầu thể hiện tham vọng lớn ở Thái Bình Dương, gã chiến binh Samurai Nhật Bản bắt đầu thức giấc.


Không quân - Điểm yếu chết người của Nhật. Đã đến lúc giành lại bầu trời

Đã gần 60 năm qua, mỗi khi nhắc đến Nhật Bản người ta chỉ nhớ đến một cường quốc về kinh tế sống trong sự “bảo kê” của quân đội Mỹ. Ít ai còn nhớ rằng, trước chiến tranh thế giới lần 2, Nhật Bản đã từng là một cường quốc hàng đầu về sức mạnh quân sự. Nhưng chỉ trong 1-2 năm trở lại đây, có vẻ như mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc đã khiến Nhật Bản không thể không nhanh chóng tìm lại sức mạnh xưa kia của mình. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở cuộc đua tăng cường sức mạnh không quân nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh lại bầu trời khu vực Đông Á giữa Nhật Bản – Trung Quốc và Hàn Quốc.


Cuối năm 2011, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông qua gói mua sắm 40 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Lockheed Martin , Mỹ, F-35 trị giá lên tới 6 tỷ USD nhằm thay thế dần cho đội ngũ máy bay lạc hậu “già nua” Phantom F-4 hay F-15 Eagles của mình. Đây là một quyết định thu hút sự chú ý rất mạnh của cộng đồng quốc tế bởi lẽ suốt nhiều năm qua, chương trình chiến lược này đã liên tục bị Bộ Quốc phòng Nhật trì hoãn hay phủ quyết. Vậy đâu là động lực cho quyết định bất ngờ này? Theo ý kiến của chuyên gia Edouardo Moulimo đăng trên tạp chí “Đại Tây Dương” số ra đầu tháng 9/2012, mục tiêu chính của việc tăng cường năng lực không quân Nhật chính là để đối phó với mối đe dọa đang ngày càng lớn từ phía Trung Quốc. Nhật Bản hy vọng với khoảng từ 40 đến 60 chiến đấu cơ thế hệ mới nhất sẽ giúp nước này lấy lại thế cân bằng về lực lượng không quân ở Đông Á.

Theo các báo cáo không chính thức, trong nhiều năm qua Trung Quốc đã tăng nguồn ngân sách dành cho quốc phòng với tốc độ rất nhanh. Chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 12,7% GDP (năm 2011) lên mức 601,1 tỷ nhân dân tệ (65,5 tỷ euro) nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng con số thực phải cao hơn thế rất nhiều. Với nguồn lực dồi dào này, Trung Quốc đã tập trung thực hiện một số dự án khá tham vọng như chế tạo máy bay tàng hình J-20 được cho là để đáp trả loại chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của không quân Mỹ. Theo đánh giá của đô đốc Mike Mullen, dường như mọi chương trình vũ khí của Trung Quốc đều nhằm chống lại Mỹ và các đồng minh của nước này. Theo báo cáo của Ngũ Giác Đài, công bố hồi tháng 8/2011, Trung Quốc có thể tăng cường vũ khí ở eo biển Đài Loan và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

left align image
F-4EJ Kai Phantoms từ đầu những năm 1970 hiện vận còn đang được KQ Nhật (JASDF) sử dụng

Đứng trước tình thế này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã không thể ngồi yên và không quân là đơn vị đầu tiên được họ ưu tiên nâng cấp tăng cường sức chiến đấu. Theo sách trắng quốc phòng Nhật Bản, hầu hết số máy bay chiến đấu nước này đang sở hữu là hàng cũ. Hiện Nhật có 202 chiếc Mitsubishi-Boeing F-15J, 93 chiếc F-2, 67 chiếc F-4EJ Kai Phantoms. Trong khi số F-4 đã được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1970 còn F-15J là loại máy bay được biên chế từ những năm 1980. Số máy bay này thời gian gần đây đã liên tục gặp tai nạn hay trục trặc kỹ thuật đồng thời là một gánh nặng về ngân sách khi việc bảo dưỡng càng ngày càng tốn kém và khó khăn.
Trung Quốc và Nga biết được điểm yếu này nên đang rất tích cực khai thác. Số lần cất cánh khẩn cấp hay báo động được Không quân Nhật thực hiện tăng đáng kể trong những năm gần đây nhằm ngăn chặn máy bay Trung Quốc hay Nga xâm phạm không phận. Riêng trong năm 2010 là 386 lần.
Để củng cố năng lực quốc phòng của mình, Nhật Bản cũng đồng thời tiến hành hợp tác sâu rộng hơn nữa với đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho rằng giả sử nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ và Nhật Bản “không có nhiều cửa chiến thắng Trung Quốc bằng không quân”.
Trước tiên, đó là vì Mỹ không thể bù đắp sự vượt trội của số lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Những con át chủ bài trong không quân Mỹ hiện nay là F-22 và F-35 nhưng Trung Quốc cũng có các loại máy bay tàng hình tương tự.
Năm 2010, Trung Quốc có 315.000 binh sỹ trong lực lượng không quân trong khi Nhật Bản chỉ có 34.760 người. Tổng số máy bay quân sự của Trung Quốc hiện có là 2.466 chiếc còn Nhật chỉ có 599 chiếc. Nếu chỉ tính máy bay chiến đấu, Nhật Bản có 250 chiếc trong khi Trung Quốc có tới 1.184 chiếc. Để tăng cường bán kính hoạt động, trong thời gian qua Trung Quốc đã ráo riết thay thế các loại máy bay cũ bằng các loại chiến đấu cơ J-10 và J-11 với tính năng cao hơn. Theo kế hoạch của Trung Quốc, đến năm 2030, không quân của nước này phải đạt tầm tác chiến tối đa lên tới 3.000km , điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có đủ khả năng tấn công toàn bộ các căn cứ quân sự của Nhật Bản trong một lần cất cánh.
Nhưng nếu Nhật Bản được hỗ trợ đầy đủ từ các hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, mối đe dọa này sẽ bị hạn chế đáng kể. Hiện hạm đội Thái Bình Dương đang có tới 5 nhóm tàu sân bay với khoảng 180 tàu chiến, 1.500 máy bay và 10.000 binh lính.

Bỏ qua yếu tố về lượng, nếu xét về “chất” thì không quân Nhật không hề e sợ Trung Quốc. Trong số hơn 1.000 máy bay chiến đấu, Trung Quốc chỉ có khoảng 231 chiếc được xếp vào hàng tiêm kích hiện đại trong khi Nhật Bản có tới 210 chiếc, Hàn Quốc có 203 chiếc hay Triều Tiên chỉ có 69 chiếc. Các báo cáo tình báo cho biết, tính đến năm 2011, khoảng 2/3 số máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn phải dựa vào lực lượng Mig-19 và Mig-21 và chỉ có khoảng ¼ là tiêm kích chiến đấu thế hệ thứ 4. Cuối cùng, chất lượng huấn luyện của không quân Trung Quốc dù đã được cải thiện trong những năm gần đây vẫn thua xa tiêu chuẩn của Mỹ.
Hơn nữa, về máy bay tàng hình, Nhật Bản có thể yên tâm khi biết rằng chiếc J-20 của Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn “đang phát triển chưa hoàn thiện”. Kể cả khi Trung Quốc phát triển J-20 đầy đủ, lợi thế số lượng vẫn thuộc về Nhật Bản và Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng dự báo, nếu Trung Quốc tăng tốc hết mức, đến năm 2020 nước này mới có khoảng 50 chiếc J-20 và khoảng vài trăm chiếc vào năm 2025. Trong khi đó, đến năm 2016, Không quân Mỹ sẽ có khoảng 325 chiếc F-35 cùng với đó là số lượng rất đông F-22. Tổng cộng, Mỹ sẽ có khoảng 850 tiêm kích thế hệ 5 vào năm 2020 và khoảng 1.500 chiếc vào năm 2025.
Nhưng điều này có ý nghĩa gì với Nhật Bản? Đơn giản là bởi với học thuyết quân sự mới mang tên Air Sea Battle Concept mà Mỹ đang phát triển sẽ chú trọng phát triển các loại vũ khí mới để chống lại chiến thuật “chống tiếp cận” của Trung Quốc. Trọng tâm của học thuyết này là tăng cường máy bay chiến đấu tàng hình và căn cứ không quân mới để hỗ trợ lực lượng của Nhật Bản.

Tìm lại ngôi vương trên sóng biển

left align image
Tuần dương hạm chở trực thăng lớp Hyuga 16DDH của JMSDF

Ngày 9/2/2012, Bộ Quốc phòng và Hải quân Nhật Bản tổ chức lễ đặt ki chế tạo chiếc tàu tuần dương chở trực thăng mới nhất của họ tại nhà máy đóng tàu IHI Marine United ở Yokohama. Theo chuyên gia Edouardo Moulimo, đây là chiến hạm lớn nhất được đóng ở Nhật kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Được khởi công từ năm 2011, chiếc tuần dương hạm này sẽ được đưa vào phục vụ trong lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (Hải quân) vào thời kỳ 2014-2015. Nhật Bản đặt tên con tàu là 22DDH (để kỷ niệm năm thứ 22 của Hoàng đế Nhật Akihito) và theo nhiều nhà phân tích, về thực chất có thể coi nó là một chiếc hàng không mẫu hạm dù Nhật Bản khẳng định nó chỉ là một tuần dương hạm chở trực thăng có kích thước lớn hơn mẫu tuần dương hạm lớp Hyuga có tên gọi 16DDH được đóng cách nay nhiều năm và hiện đang phục vụ trong LL phòng vệ bờ biển Nhật Bản (Japan Maritime Self-Defense Force -JMSDF).

Tàu 22DDH có chiều dài hơn khoảng 22% so với kích thước 197m của tàu Hyuga 16 DDH. Với chiều dài (248m) này, chiếc tuần dương hạm mới của Nhật có thể sánh ngang với các tàu sân bay của châu Âu như Cavour của Italia (244m). Lượng giãn nước của 22DDH là 19.500 tấn, lớn hơn 44% so với 16DDH và nếu chở đủ tải, lượng giãn nước của nó sẽ là 27.000 tấn, tương đương với tàu Cavour. Chiếc 22DDH có trị giá 1,04 tỷ USD, có thể mang theo 14 trực thăng chiến đấu, 4.000 lính và 50 chiến xa. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, mỗi chiếc 22DDH có thể mang 9 trực thăng và được trang bị 2 hệ thống vũ khí cận phòng và hai hệ thống tên lửa phòng không Sea RAM. Ngoài ra, tàu còn được trang bị vũ khí chống ngầm bao gồm một bộ nghi trang cơ động và đài phát nhiễu siêu âm nổi.

Tại sao Nhật phải đóng một chiếc tàu “giống như hàng không mẫu hạm” mà không chế tạo luôn? Chuyên gia Edouardo Moulim của Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), trích dẫn một tài liệu của chính Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, chiếc tuần dương hạm chở trực thăng này sẽ được đóng để thay thế cho 2 tàu lớp Shirane. Việc đưa vào biên chế một chiếc tàu mới với năng lực tác chiến mạnh mẽ hơn sẽ đảm bảo khả năng duy trì các đội trực thăng tuần tra bờ biển của họ. Đây là tàu chiến kiểm soát tác chiến trên không khi khi tiến hành các hoạt động chiến tranh chống tàu ngầm. Chiếc tàu tuần dương mới sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực của các đội tàu tuần dương với vai trò là những căn cứ nổi cho một loạt các nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Nhật.
Như vậy, 22DDH là lời đáp trả trước mối đe dọa ngày cao nảy sinh từ lực lượng hải quân Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hay thâm nhập vào những vùng biển gần Nhật Bản. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất của việc Nhật Bản liên tục khẳng định họ không đóng HKMH là bởi điều này có thể vi phạm chính Hiến pháp của nước này. Trong điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản ra đời sau chiến tranh thế giới thứ 2 có quy định, “Nhật Bản không được phép có các lực lượng bộ binh, hải quân và không quân cũng như một tiềm năng chiến tranh nào khác”. Năm 1988, chính phủ Nhật Bản còn ra thêm tuyên bố “vì tàu sân bay tấn công vượt quá tiềm năng cần thiết để đảm bảo mức độ phòng vệ tối thiểu, sở hữu các tàu như vậy bị cấm theo Hiến pháp”.
Tuy vậy người ta vẫn thấy tiềm lực của Hải quân Nhật Bản tăng rất mạnh. Trước khi có các tàu 16DDH và 22DDH, Nhật Bản đã đưa vào sử dụng một số tàu chở trực thăng lớp Osumi vào các năm 2002 và 2003 đó là các tàu Shimokita và Kumisaki với lượng giãn nước 11.600 tấn, chiều dài 178m.
Đối với các chuyên gia, cuộc đua tuần dương hạm “ngoại cỡ” này thực chất là một động thái cho thấy Nhật Bản đang phục hồi kỹ năng trong công nghệ chế tạo HKMH cũng như nhiều “hiện tượng đặc biệt khác”. Trước hết, nó cho thấy Nhật Bản có thừa khả năng triển khai một lực lượng hải quân đủ mạnh để đảm đương nhiều nhiệm vụ nhạy cảm. Đặc biệt hơn nữa nó cho thấy Nhật đang ngày càng tham gia sâu hơn vào hệ thống phòng thủ của Mỹ khi tích cực cung cấp những tấm lá chắn di động cho hạm đội Thái Bình Dương. Cuối cùng, điều này cho thấy Nhật Bản đã chuẩn bị đầy đủ để có thể phát triển năng lực tấn công khi cần thiết hay đơn giản hơn là khi Hiến pháp Nhật “cởi trói”. Lúc đó, sức mạnh quân đội Nhật Bản sẽ trở nên khó lường hơn rất nhiều.


Kích thước cua tuàn dương hạm 22DDH so sánh với Hyuga 16DDH và những chiến hạm/HKMH vĩ đại của thế giới

Đây cũng chính là điều khiến Trung Quốc lo phát sốt vì họ cho rằng Nhật Bản có thể dễ dàng chuyển đổi những chiếc tuần dương hạm ngoại cỡ kia thành hàng không mẫu hạm bất cứ lúc nào, chẳng hạn khi Nhật có được một số lượng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 phiên bản VTOL của Mỹ với khả năng cất cánh thẳng đứng. Cựu đô đốc hải quân Trung Quốc Yin Zhou đã từng lập luận rằng với boong tàu dài 200m, tàu 22DDH có thể cho phép cất cánh và hạ cánh 6 chiếc F-35. Tất nhiên, Nhật Bản kịch liệt phủ nhận điều này.
Trên thực tế, dù phủ nhận hay phản đối thì Nhật Bản cũng không thể giấu được sự lo ngại của mình trước sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này có chương trình phát triển tàu sân bay riêng. Hiện nay, Trung Quốc đang hoàn tất những công đoạn chuẩn bị cuối cùng của chiếc tàu sân bay Thi Lang được tân trang từ chiếc tàu cũ của Ukraina. Theo Từ Hồng Mãnh, Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, chiếc tàu sân bay này sẽ chính thức được phiên chế vào quân đội Trung Quốc từ cuối năm 2012 đồng thời các cuộc thử nghiệm với mẫu tiêm kích Thẩm Dương J-15, loại máy bay chiến đấu hải-không quân có thể hoạt động trên tàu sân bay cũng đang tiến triển tốt đẹp.
Chưa hết, ngoài Thi Lang, Trung Quốc cũng đang âm thầm đóng một chiếc tàu sân bay thứ 2 và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2015. Một số chuyên gia Trung Quốc, ví dụ như tướng La Viện thậm chí còn tuyên bố Trung Quốc sẽ có chiếc tàu sân bay thứ 3 vào những năm tới.
Liệu điều này có đáng lo ngại không? Câu trả lời là không vì các tướng tá Trung Quốc mải mê “khoác lác” mà quên rằng để đưa được một chiếc tàu sân bay ra biển là việc không hề đơn giản như họ nghĩ. Trung Quốc sẽ phải mất rất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thiện khả năng tác chiến của các tàu sân bay này và đủ sức tập hợp được một nhóm tàu sân bay hùng mạnh có khả năng đối đầu với các tàu của Nhật Bản. Trong khi đó dù cố gắng đến mấy các tàu sân bay của Trung Quốc vẫn “không có cửa” khi đối đầu với hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Có lẽ, mục tiêu vừa tầm nhất của Trung Quốc là sử dụng những tàu sân bay này để “đe dọa” các nước láng giềng ở Biển Đông.
Lý thuyết là thế nhưng không một quốc gia nào dám chủ quan hay đùa giỡn với công tác chuẩn bị bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia và cũng không ai có thể dám chắc rằng khi có một đội tàu HKMH đủ mạnh, Trung Quốc không hướng ánh mắt thèm thuồng của mình về phía biển Hoa Đông. Dù với lý do nào, Nhật Bản cũng phải sẵn sàng với khả năng xây dựng đội tàu HKMH của mình ngay từ bây giờ.
T.D.P./Infonet

Nam Yết chuyển

No comments:

Tạp ghi CẢM ƠN NGƯỜI VIẾT SỬ “Phía Bên Kia” -Điệp Mỹ Linh

https://www.youtube.com/watch?v=KHUUiGLSWkQ Tình Quê Hương của Đan Thọ. Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển s...