Sunday, April 14, 2019

Elizabeth Phạm, nữ phi công gốc Việt đầu tiên lái chiến đấu cơ F/A-18, được thăng cấp trung tá - Thiện Lê & Thanh Long/Người Việt

Gia đình gắn huy hiệu "silver oak leaf" cho tân Trung Tá Elizabeth Phạm. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
SAN DIEGO, California (NV) – Hàng trăm người có mặt tại bảo tàng hàng không mẫu hạm USS Midway ở San Diego hôm Thứ Bảy, 13 Tháng Tư, để dự lễ thăng cấp trung tá của cô Elizabeth Phạm, nữ phi công gốc Việt đầu tiên lái chiến đấu cơ F/A-18 Hornet cho Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Cô Elizabeth Phạm sinh ngày 13 Tháng Giêng, 1978, và từng sống ở Seattle, Washington, sau đó qua San Diego định cư. Theo thân mẫu của cô là bà Kim Trần, cô từng học trung học Serra, sau đó tốt nghiệp đại học University of San Diego và sau đó vào học trường sĩ quan. Cô hiện đang đóng quân ở căn cứ Camp Pendleton gần San Diego.
Cô từng ra trận ở Iraq, bay hơn 130 phi vụ và làm việc tổng cộng hơn 450 giờ hồi năm 2006 đến 2008. Vì các thành tích của mình, cô được lên chức thiếu tá. Đến ngày 1 Tháng Ba năm nay, Thiếu Tướng Craig C. Crenshaw, giám đốc nhân sự của Thủy Quân Lục Chiến, quyết định thăng cấp cho cô lên trung tá và tổ chức buổi lễ trên chiến hạm USS Midway ở San Diego.
Buổi lễ bắt đầu lúc 10 giờ 30 sáng Thứ Bảy, nhưng trước đó một tiếng có rất nhiều người đến, gồm có gia đình của cô Elizabeth, bạn của gia đình và những người từng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cùng các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
Trung Tá Elizabeth Phạm tuyên thệ trước Đại Tá John C. Lewis. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
Việc cô Elizabeth được thăng cấp trung tá làm cho nhiều người gốc Việt ở Hoa Kỳ rất hãnh diện, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Bạch, cựu trung úy Hải Quân VNCH. Ông cho phóng viên Người Việt biết: “Hôm nay là ngày thăng cấp trung tá cho cô Elizabeth Phạm và tôi đến đây dự buổi lễ này vì tôi rất ngưỡng mộ cô. Cô là một sĩ quan người Việt rất kiêu hùng vì không phải ai cũng vượt qua giai đoạn đầu khi đi lính và cô rất thành công trên con đường binh nghiệp của mình. Ngoài ra, cô còn là một phụ nữ Việt Nam được lái máy bay F/A-18 và đó một điều rất đáng kính nể.”
Một nhân vật không thể thiếu trong buổi lễ này là Bác Sĩ Phạm Văn Minh, thân phụ của cô Elizabeth. Ông từng là bác sĩ quân y của QLVNCH và đang hành nghề y khoa ở Seattle, Washington.
Ông Minh nói với phóng viên Người Việt: “Hôm nay cháu Elizabeth được lên cấp trung tá và chúng tôi đến đây dự buổi lễ này. Tôi rất vui mừng khi nghe cháu báo tin được thành trung tá, nhưng điều đó có nghĩa là cháu có nhiệm vụ cao cả và có nhiều trách nhiệm hơn. Vì vậy, tôi muốn chúc cháu thành công trong bước đường còn lại.”
“Khi nghe tin cháu muốn vào quân đội, chúng tôi rất ngạc nhiên vì muốn cháu theo học các nghề như bác sĩ, dược sĩ, nhưng cháu không thích. Nhưng bây giờ nhìn lại, thấy cháu thành công trong sự nghiệp như vậy, chúng tôi rất vui mừng. Vì sự chịu khó học hỏi, cháu mới có được sư thành công ngày hôm nay,” ông chia sẻ.
Khi cô con gái đi lính như vậy, cha mẹ không thể nào không lo lắng được, nhất là nghe tin con mình phải ra trận ở Iraq. Ông Minh cho hay cô Elizabeth từng kể với ông nhiều chuyện rùng rợn khi đi Iraq, nhất là khi cô phải bay trong bão cát, không thấy đường và ông rất mừng vì cô vượt qua được những thử thách đó và không gặp nguy hiểm.
Trung Tá Elizabeth Phạm. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
Người mở đầu cho lễ thăng cấp là Đại Úy Latoya V. Zalava của Hải Quân Hoa Kỳ. Bà cám ơn cô Elizabeth vì những cống hiến, hy sinh của cô cho Quân Đội Hoa Kỳ. Bà cũng hy vọng cô sẽ tiếp tục làm một tấm gương sáng cho những binh sĩ trẻ và sẽ dẫn dắt họ.
Ai cũng hãnh diện vì thành tựu của tân Trung Tá Elizabeth Phạm. Không ai có nhiều lời khen ngợi cô như Đại Tá John C. Lewis của Thủy Quân Lục Chiến. Ông cho rằng cô là một người rất năng động, rất táo bạo, lúc nào cũng làm xong việc và có khả năng ảnh hưởng người khác “như một cơn lốc xoáy.” Ông còn cho hay sự táo bạo của cô từng giúp được nhiều binh sĩ ở Iraq và họ rất ngạc nhiên vì người giúp mình trong các trận đánh là một phụ nữ.
Trung Tá Elizabeth Phạm (giữa) cùng các thành viên của cộng đồng Việt Nam. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
Sau khi được gắn huy hiệu “silver oak leaf” của cấp trung tá, cô Elizabeth phát biểu, cô rất cám ơn cha mẹ, gia đình, các huynh đệ trong quân đội, cũng như các sĩ quan và cho rằng cô không có được ngày hôm nay nếu không có họ.
“Bố là trụ cột, là người lãnh đạo của gia đình và dạy cho con sự quan trọng của nghĩa vụ, của sự hy sinh. Bố lúc nào cũng là người hùng trong lòng con. Mẹ là một tấm gương của sự mạnh mẽ, kiên trì và lúc nào cũng khuyên con nên tranh đấu cho những gì mình nghĩ là đúng. Mẹ cũng hay khuyên con nên cố gắng hết mình, để trở thành một người đứng đầu và con luôn làm theo lời mẹ. Con xin cám ơn bố mẹ,” tân trung tá phát biểu.
Cô cho biết việc buổi lễ thăng cấp này được tổ chức trên hàng không mẫu hạm USS Midway rất có ý nghĩa với mình và gia đình, cũng như nhiều người Việt Nam tị nạn khác. Vào hai ngày 29 và 30 Tháng Tư, 1975, nhiều người Mỹ, người Việt Nam phải di tản ra khỏi Sài Gòn trong chiến dịch Operation Frequent Wind và tàu USS Midway này từng chở rất nhiều người.
Phu quân của trung tá là ông Alexander Roloff không có mặt trong ngày trọng đại hôm nay vì phải chăm sóc con gái bị bệnh. Tuy vậy, cô Elizabeth cho hay ông lúc nào cũng lo cho gia đình. Theo trung tá, ông phải hy sinh sự nghiệp của mình để giúp gia đình, giúp cô thành công được như hôm nay và điều đó làm cô coi ông như một anh hùng, không ai có thể thay thế được.
Rất nhiều người đến dự lễ thăng cấp của Trung Tá Elizabeth Phạm. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
Sau khi buổi lễ “gắn lon” kết thúc, Trung Tá Elizabeth chia sẻ với phóng viên Người Việt: “Tôi chọn vào Thủy Quân Lục Chiến vì tôi nghĩ đây là binh chủng giỏi nhất. Tôi muốn trở thành một người có nhiều đóng góp tích cực và thành một binh sĩ giỏi nhất. Tôi từng đi cắm trại ở căn cứ Camp Pendleton và một trung sĩ cho tôi biết đây là nơi mà 50,000 người Việt tị nạn từng dựng trại. Ngay tại lúc đó, tôi biết chắc chắn mình muốn gia nhập Thủy Quân Lục Chiến.”
Trung tá còn cho hay khi cô nói với gia đình muốn nhập ngũ, ai cũng ngạc nhiên. Khi nói cô muốn thành phi công, họ còn không biết Thủy Quân Lục Chiến có phi công, nhưng cô may mắn vì mình trong thế hệ được cho phép lái máy bay.
Đối với những người trẻ tuổi muốn phục vụ đất nước, cô khuyên: “Ai muốn phục vụ đất nước như làm giáo viên, bác sĩ, cảnh sát, cứu hỏa hay vào quân đội cũng nên hiểu được sự quan trọng của trách nhiệm và sự hy sinh. Điều đó sẽ làm chúng ta trân trọng những gì đang có hơn. Nếu có những người muốn phục vụ đất nước, các cộng đồng sẽ vững chắc hơn và điều đó đối với tôi là một phần thưởng không có gì cao quý bằng.” (Thiện Lê & Thanh Long)
—–
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com

No comments:

Tạp ghi CẢM ƠN NGƯỜI VIẾT SỬ “Phía Bên Kia” -Điệp Mỹ Linh

https://www.youtube.com/watch?v=KHUUiGLSWkQ Tình Quê Hương của Đan Thọ. Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển s...