Monday, April 22, 2019

Tôi Say Sóng

Tháng 11 năm 1964 . Súng sính trong bộ đồ xanh Hải Quân mới được cấp phát mấy ngày trước đó , tôi leo lên boong tàu , vây thành một lối đi quanh chiến hạm , để nhìn cảnh vật xung quanh. Các bạn mới quen , đứng rải rác , mặt còn ngây thơ vô số tội , chỉ chỏ nói chuyện vui cười . Tàu chạy qua thương cảng , đến Nhà Bè rồi vào sông Lòng Tàu , cây Rừng Sát hai bên chằng chịt . Gió mát quá , các gương mặt non trẻ hớn hở , hướng nhìn về tương lai một cách háo hức 
Tàu ra cửa biển , sóng hơi nhấp nhô . Trời chập choạng tối , nhìn xung quanh lác đác chỉ còn vài bạn , họ đi lúc nào tôi không hay . Tôi thấy chóng mặt , người nôn nao , mò xuống lòng tàu kiếm chổ nằm . Tàu rộng không biết đi đâu , tôi nằm đại kế bên đống hành lý , sac marin gối ở đầu , áo mưa cấp phát phủ kín lên người vì bắt đầu có gió lạnh . Tôi kh̀ông ngủ được , tiếng sóng vỗ ì ầm bên hông tàu , nước biển văng lên hắt vào lòng tàu như những hạt mưa sa . Lâu lâu hé áo mưa nhìn lên bầu trời nhìn các vì sao để cảm nhận sự lảng mạn của các chàng thủy thủ trong bản nhạc " Tình yêu và thủy thủ " của Y Vân :
" ....Nhớ em điểm sao đêm ,
Đếm sao mà vấn lòng ...."
Tàu lắc qua , lắc lại , các vì sao như nhảy múa , chạy qua , chạy lại trên bầu trời như trêu tôi . Tôi nằm chịu trận , trong người khó chịu muốn nôn mửa . Bao tử tôi thót lại chực nhảy ra ngoài . Chóng mặt quá , tôi sợ nhìn các ngôi sao khủng khiếp . Làm sao đếm sao mà vấn lòng để mà nhớ , để mà thương đây nè . Tôi nhắm mắt lại để không thấy gì hết , tôi ghét các vì sao . Nhưng không ngờ , nó là những đốm sáng dẩn đường cho thủy thủ trên biển mà sau nầy tôi phải học thuộc nằm lòng .
Tàu đến Nha Trang vào ngày hôm sau . Tôi loạng choạng đứng dậy , hai chân yếu xìu , sac marin trên vai sao mà nặng quá . Lần mò xuống cầu thang , tôi lắc đầu lẩm bẩm : " Thôi chọn lầm nghề rồi . Phải chi mình theo thằng Triết đi Không Quân ( khoá 63 D ) hay theo thằng Hồ vào trường Vỏ Bị Đà Lạt ( khoá 21 ). Cho đáng cái tội yêu bộ đồ đại lễ Hải Quân , oai nghiêm mà thanh thoát . Cho đáng cái tội yêu cái nón trắng Hải Quân với thanh kiếm dài in trên các bích chương dán khắp Sài Gòn ". Rồi cảm giác say sóng đó cũng phai đi sau vài tháng học tập ở quân trường . Nhưng mỗi lần thực tập trên biển là mỗi lần sợ . Tàu chao đi , chao lại là tôi thốc mửa các thức ăn ra , đầu nhức như búa bổ , tìm chổ nằm bẹp dí , Nhìn ra bên ngoài thấy một anh bạn , biệt hiệu Đạo Dừa, ngồi trên ổ neo thản nhiên nhìn sóng gió . Chúng tôi đùa với nhau , nói anh nhờ uống nước dừa mà lì sóng . Cơ thể mỗi người mỗi khác , có người lì sóng , có người say sóng . Phòng tôi có tám người thì hết bốn kiện tướng say sóng , trong đó có tôi . Một tay trong bộ tứ sợ biển , sợ tàu , tìm cách trốn biệt trên bờ , đến năm 75 cũng chưa chịu xuống tàu . Một số rất đông các bạn sĩ quan Hải Quân khác cũng vậy .Vì vậy có danh từ " Hải Quân Nước Ngọt". Nói ra để biết phục vụ trên tàu biển cực khổ đến mức nào . Mỗi lần ra khơi , nếu không gặp kẻ thù thì cũng phải chiến đấu với biển cả .
Rồi cái gì cũng qua đi , sau gần hai năm rèn luyện ở quân trường , tôi về Sài gòn trình diện Bộ Tư Lịnh Hải Quân( tháng 7 năm 1966) , cầm công điện xuống tàu MSC 114(Trục lôi hạm Hàm tử 2 ) . Tàu bằng gỗ Teak , sạch sẽ , trang nhã . Gỗ Teak ( giá tỵ ) là loại gỗ quý , không thấm nước . Tàu của Mỹ , nguyên dùng để rà mìn cận duyên , làm bằng gỗ để triệt tiêu từ tính . Tàu giao cho Việt Nam dùng để tuần tiểu cận duyên , Tôi không ngờ đây là loại tàu lắc nhứt trong Hải Quân . Ngồi trong phòng ăn sĩ quan , một chiếc tàu khác đi ngang qua mình cũng biết , vì nó lắc qua , lắc lại nhè nhẹ . Tôi thầm nghĩ trong bụng ;" Mình là vua say sóng mà đi tàu nầy thì chỉ có nước chết . Đúng là thiên bất dung gian ".
Tôi được Hạm Phó phân chia đi " ca " chung với Tăng văn Trâm ( khóa 14) . Trâm có cái răng khểnh , cười nói có duyên , tánh tình vui vẽ , nhã nhặn.
Chuyến công tác đầu tiên đi Vùng 2 Duyên Hải đúng ngay gió mùa Đông Bắc . Biển động , sóng bạc đầu phủ trắng xóa khắp nơi . Tàu lắc qua , lắc lại như trứng vịt lăn qua , lăn lại . Tàu chúc mủi xuống rồi ngẩng lên , múc nước biển đầy ắp lên boong tàu . Mọi vật đều phải cột chặt , nếu không sẽ lao xuống biển . Trên đài chỉ huy , tôi cũng xiêu đi , xiêu lại , dỉ nhên là ói mửa tùm lum để biết thế nào là đời thủy thủ ." Hoa biển " và " một loài chim biển" đâu không thấy chỉ thấy cái " sô " dùng ̣̣để thốc mửa thức ăn trong bụng , cột dưới chân la bàn điện . Thức ăn thốc ra hết , mệt lã người nhưng cũng phải làm việc . Cứ 15 phút định point một lần , để giữ con tàu lúc nào cũng ở trên đường mà hạm trưởng đã kẻ sẳn trên hải đồ .
Người lính thủy , ngoài chiến đấu với kẻ thù còn phải chống chọi với biển cả nữa . Cảm giác say sóng thật khủng khiếp , nó làm cho mình lã đi , gần như kiệt sức , đầu óc quay mòng mòng . Ý chí không còn nữa vì nhức đầu triền miên , giờ nầy sang giờ khác , ngày này sang ngày khác . Có thủy thủ chịu đựng không nổi , đòi nhảy xuống biển . Chúng tôi phải xích anh vào chân giường , đợi tàu cặp bến rồi đưa anh lên bờ . Thú vật cũng say sóng . Trong một chuyến công tác tiếp tế chở bò từ Sông Cầu về Qui Nhơn , vì quốc lộ 1 bị cắt đứt , hàng chục con bò lắc lư trên tàu , miệng mồm đầy nước giải vì say sóng . Người dân đánh cá , hàng ngày , hàng tháng trên ghe nhỏ trên biển cả , bước lên tàu chúng tôi cũng bị say sóng vì biên độ lắc mỗi tàu một khác . Tàu lớn khác tàu nhỏ , sóng ngược khác sóng ngang . Tàu bị sóng ngang khó chịu hơn .
Mãn " ca " , xuống phòng ăn , phờ phạc cả người . Nhà bếp phát mỗi người một dĩa cơm , đâu có ăn uống bình thường được , vì thức ăn lẫn chén dĩa sẽ bay xuống sàn tàu ngay . Tôi nhìn dĩa cơm lắc đầu , xin lỗi hạm trưởng , chạy vào phòng vệ sinh , ọc ọc . Trong bụng không còn thức ăn nữa , nước giãi trắng nhờn nhợt bắt đầu tuôn ra . Hết nước giãi , thấy miệng đăng đắng là biết dịch vị của gan hay lá lách , một chất lỏng màu vàng . Và cuối cùng là máu , bao tử cứ chực nhảy ra ngoài vì đâu còn gì để mửa . Máu không phải từ bao tử ra mà do các mạch máu li ti ở cổ bị đứt vì mửa quá nhiều . Nước mắt , nước mủi đầm đìa , tôi loạng choạng bước vào phòng ăn lại . Trâm cầm dĩa cơm , miệng nhai ngồm ngoàm , cười ha hả :" Phước ơi , đời hải hồ vui lắm Phước ơi ". Tôi biết là Trâm chọc quê tôi , ma cũ lòe ma mới . Bụng trống không , tôi mò về giường ngủ , tiếng cười của Trâm vẫn còn vang vọng bên tai tôi .
Làm sao ngủ được , bụng trống cồn cào , đầu nhức như búa bổ , cứ mơ mơ , màng màng thầm trách các ông nhạc sĩ , ở trên bờ hoặc đi biển rất ít , viết các bản nhạc rất nên thơ , rất lãng mạn . Nào là hoa biển , nào là một loài chim biển, tưởng tượng tàu đi trong biển tuyết , có ông thầm ước tàu là một hoàng cung mà em là hoàng hậu . Có ông thấy :" Kìa ngư nhân in hình trên sóng . Bao nàng công chúa dưới thâm cung ". Có ông còn đi xa hơn nữa :" Những chuyện ngàn đêm xứ Ba Tư và chuyện thần tiên bao thế hệ " . Có người tình cảm nhẹ nhàng , thắm thiết :" Chờ một người đi xa ,áo trắng bay trong nắng tà ", hay " mắt em màu trùng dương , tóc em như sóng cồn ". Cám ơn các ông nhạc sĩ đã thêu dệt nên đời sống thủy thủ rất lãng mạn , rất đa tình , nhưng người thường không nhìn thấy được đời sống thật sự của các chàng lính biển : phong sương với bão táp , phong trần với gíó mưa , gan lì trong gian khổ , trầm tĩnh để chịu đựng . Tôi chỉ thấy một câu nói về biển là hay nhứt :" Biển là người đàn bà đẹp , nhìn xa thấy quyến rũ , ao ước được gần , sống gần thì chiụ không nổi vì tánh nàng đỏng đảnh quá nhưng khi xa thì lại nhớ ". Nghĩ quanh co , luẩn quẩn , mệt quá rồi cũng thiếp đi .
Làm sao để khỏi say sóng , bạn bè khuyến cáo ăn củ sắn hay khoai mì , khoai lang... Riêng tôi , tôi thấy ăn cháo là thích hợp nhứt . Dể ăn , dể hấp thụ và cũng ... dể nôn ra cho nhẹ nhàng . Nôn ra rồi cũng phải cố gắng ăn thêm khi tới bửa ăn , để có cái mà nôn . Tôi cử ăn đồ hộp , nhứt là cá mòi , mửa ra rồi , mùi của nó qua một năm rồi vẫn còn sợ . Quan trọng nhứt là ý chí muốn vượt qua . Tôi không mắc cở với Trâm nhưng với thủy thủ trên tàu mình cần phải cho họ biết là mình có khả năng chống chọi với biển cả . Đi "ca", lúc nào tôi cũng đứng , ôm cái la bàn điện để làm " point " và cũng để ...nôn ra cho dễ . Dần dần tôi quen với biên độ lắc của tàu , tôi lấy lại tự tin . Ba tháng sau , tàu gặp một trận bão ở Đà Nẳng . Các lượn sóng cao ngất , ụp vào tàu , phủ tràn lên boong , nước biển văng lên tới tận đài chỉ huy . Tàu nghiêng gần 45 độ , tôi có cảm giác tàu lật úp , nhưng không, tàu lấy lại thăng bằng rồi nghiêng qua bên kia . Các thủy thủ trên đài chỉ huy gục hết . Trâm lộ vẽ mệt , mặt trắng bệt . Trâm nói :" Phước ơi , tao mệt quá , tao xuống nghĩ , mầy coi dùm tao ". Tôi nói :" Ờ , xuống đi ". Trâm lọ mọ xuống cầu thang . Tôi kêu giựt ngược , Trâm quay lại . Tôi nói :" Trâm ơi , đời hải hồ vui lắm Trâm ơi ". Trâm cười , cái miệng méo xẹo .
Đầu năm 1968 , trước trận đánh Mậu Thân vài ngày , tôi được lịnh đổi về Vùng 2 Duyên Hải , qua các đơn vị Duyên Đoàn 25 (Hòn Khói , Nha Trang ), Duyên Đoàn 21 ( Đề Gì , Qui Nhơn ), Bộ Chỉ Huy Vùng 2 Duyên Hải, trại Tây Kết ( Nha Trang) , Phòng Thủ Hải Cảng Qui Nhơn . Giữa năm 1970 , tôi trở về Hạm Đội , được bổ nhiệm làm Hạm Phó HQ 330 ( Pháo Hạm Lôi Công ) . Chiến hạm hoạt động trong sông ngòi nhiều , yểm trợ hải pháo cho bộ binh trong các cuộc hành quân ở Cần Thơ , Châu Đốc , Bến Tre , đặc biệt là ở Năm Căn ( Cà Mau ) và hộ tống thương thuyền lên Nam Vang . Cuối năm 1971 , tôi được lịnh chuyển về làm Hạm Phó HQ11 ( Hộ tống hạm Chí Linh ) . Cấu trúc chiến hạm được xây dựng để chịu đựng sóng gió , vì vậy chiến hạm thường xuyên hoạt động ở Vùng 1 Duyên Hải , địa đầu giới tuyến , nơi mưa bão thường xuyên . Hạm Trưởng là người khá cứng rắn trong luật lệ , tôi là Hạm Phó vẫn phải đi phiên như các sĩ quan khác trên tàu trong khi hạm phó ở các chiến hạm khác được miển . Tôi cố gắng chịu đựng gần một năm rưởi và như con sói biển đang độ trưởng thành nhào lặn , vùng vẩy ngoài biển khơi . Tôi trở thành người lính biển chuyên nghiệp dạn dày với bão táp .Chiến hạm tham dự các cuộc hành quân quan trọng : cùng các chiến hạm Mỹ , yểm trợ hải pháo cho TQLC trấn đóng ở bờ sông Thạch Hản và pháo ngày , pháo đêm , ngày này qua ngày khác , tuần nầy qua tuần khác để yểm trợ cho Tiểu Khu Quảng Ngải giải phóng Sa Huỳnh .
Thàng 2/1973 , tôi thụ huấn khóa Trung Cấp Chuyên Môn Hải Quân ở Trung Tâm Huấn Luyện Sài Gòn . Tháng 5/1973 , tôi được bổ nhiệm xuống HQ617 (Tuần duyên hạm Phú Quý) , mà tôi hân hạnh , lần đầu tiên , được nhận lảnh quyền chỉ huy . Đây là chiến hạm nhỏ nhứt trong các chiến hạm của HQVNCH và người chỉ huy được mang danh xưng Hạm Trường cùng với một huy hiệu riêng biệt trên túi áo . Đây là niềm hảnh diện của một sĩ quan Hải Quân , một số rất ít trong các sĩ quan Hải Quân VNCH .
Trong một chuyến công tác dài ngày ở Phú Quốc , HQ617 được lịnh về Sài Gòn nghỉ bến . Tin tức khí tượng cho biết một trận bão đang " đánh " vào Nha Trang . Tôi hỏi ý kiến thủy thủ trên tàu , họ quyết định về ngay vì nhớ nhà . Tàu vừa ra khỏi mủi Cà Mau , mây mù che thấp , mưa nặng hột , gió thổi vù vù đánh thốc vào đài chỉ huy , biển trắng xóa , xung quanh không thấy gì hết . Chiến hạm như người mù đi trong mưa . Tôi cho mở radar , vì bờ biển thấp nên không có echo . Đành phải hải hành bằng fathometer (máy đo độ sâu) . Mưa càng nặng hột , sóng càng lớn . Tàu nhỏ , sóng phủ lên đài chỉ huy . Tàu rung động mạnh , chồm lên các lượn sóng . Sĩ quan đương phiên và thủy thủ trên đài chỉ huy chịu không nổi , nằm gục hết , chỉ còn thủy thủ cầm tay lái và ... tôi là còn đứng vửng . Tôi cảm thấy bình tỉnh lạ lùng , có lẽ là vì trọng trách chỉ huy , sinh mạng bao nhiêu người cùng chiến hạm tùy thuộc vào sự lèo lái con tàu . Không vững tay lái , tàu sẽ bị sóng ngang đánh lật úp , hoặc không đi đúng hướng tàu sẽ bị mắc cạn trước các cửa sông .
Nhớ lại những ngày chập chửng vào nghề và bây giờ tôi tự hào là con sói biển đang vẩy vùng ngoài biển khơi . Nhìn ra bên ngoài , mưa trắng xóa , biển đang cuồng nộ , tôi lẩm bẩm :" Biển ơi , mặc dầu nàng đỏng đảnh quá , tôi vẫn yêu nàng ".


Trên Facebook

No comments:

Tạp ghi CẢM ƠN NGƯỜI VIẾT SỬ “Phía Bên Kia” -Điệp Mỹ Linh

https://www.youtube.com/watch?v=KHUUiGLSWkQ Tình Quê Hương của Đan Thọ. Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển s...