Monday, April 1, 2019

Hành trình đi lậu từ Vietnam City ở Pháp đến Anh Quốc

Hành trình đi lậu từ Vietnam City ở Pháp đến Anh Quốc

Tại Anh, thỉnh thoảng lại có tin một số trẻ em mất tích ở vùng Đông Nam, mà đáng chú ý là tới phân nửa các trường hợp đều mang quốc tịch Việt Nam.
Vào tháng 11/2018, bốn trẻ Việt Nam bị thông báo mất tích chỉ vài ngày sau khi được địa phương nhận chăm sóc.




Phóng viên BBC Glen Campbell đã lần theo hành trình vào Anh bất hợp pháp của các em, và của người Việt nhập cư lậu nói chung, từ "điểm tập kết" của họ tại Pháp, và tìm hiểu lý do những người Việt này thường bỏ trốn khi được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, cũng như nguyện vọng của họ nếu tới được Anh.
Từ làng Vietnam City đến Vietnam City mới

Điểm bắt đầu của phóng viên Campbell là một thị trấn khai thác than cổ ở miền Bắc nước Pháp - Angres, nơi có khu lán trại được gọi là 'Vietnam City'.

Vào năm 2010, người dân địa phương khi đi bộ qua đã phát hiện thấy một số người Việt sống trong khu lán trại bỏ hoang của khu khai mỏ, nằm trong rừng.'Vietnam City' tồn tại tám năm tại khu lán trại bỏ hoang trong rừng, trước khi bị chính quyền địa phương phá bỏ vào 2018

Nơi này được biết đến với tên gọi Vietnam City, và những người trú ngụ ở đó được dân địa phương giúp đỡ. Họ được cho quần áo, thức ăn và các nhu yếu phẩm khác.

Tuy nhiên, hồi cuối 2018, nơi này đã bị chính quyền địa phương phá bỏ.

Benoit Decq, đại diện cho một chuyên giúp đỡ những người Việt này, nói rằng tại Vietnam City, luôn có khoảng từ 20 đến 200 người trú ngụ trong suốt thời gian tám năm tồn tại.

Trước khi bị phá bỏ, nơi đó có một ngôi nhà, một nhà kho, khu vệ sinh, một vài nhà tắm, thậm chí một vườn rau nơi họ trồng trọt và nuôi vài con gà để thịt.Dân địa phương nói tại trại Vietnam City luôn có từ 20 đến 200 người trú ngụ, tất cả đều là di dân người Việt và đều là nam giới

Sau khi bị phá bỏ, các di dân bất hợp pháp người Việt chuyển tới một nơi ở mới, nằm cách chỗ cũ 45km, nằm gần đường cao tốc.

Ở chỗ mới, phóng viên BBC thấy mọi thứ trông tươm tất, ngăn nắp. Khu Vietnam City mới có khu bếp, khu ở, nhà vệ sinh và chỗ tắm.

Lucille Vallin, một trong những người dân địa phương giúp đỡ các di dân Việt Nam, nói rằng "Vietnam City mới xuất hiện rất nhanh chóng", và chỉ trong hai tuần đã xong việc dựng nhà.

Điều đặc biệt là tại đây chỉ toàn người Việt, và tất cả đều là nam giới, khác với các trại di dân khác ở miền bắc nước Pháp.'Cơ ngơi' hiện nay của các di dân Việt, Vietnam City mới, nằm gần đường cao tốc và cách một bãi đỗ xe tải khoảng 2km
Vào Anh bằng cách chui vào xe tải

Đây là trạm trung chuyển cuối cùng trước khi họ đến điểm cuối là Anh, và nó nằm gần bãi đỗ xe tải, phương tiện chính để người Việt vào lậu nước Anh.

Một trong những thanh niên có mặt tại khu trại nói với BBC rằng anh đã trả 16 ngàn đô la Mỹ để được đưa tới đây.

Hoàng từng tìm cách vào Anh nhưng đến nay vẫn thất bại.

Anh nói anh quyết tâm bằng được.

"Tôi từng đến Bỉ và nghĩ đó là Anh. Tôi bị bắt sau khi nhảy ra khỏi xe tải," Hoàng nói.

"Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc, ngày nào cũng sẽ tìm cách."

Tại bãi xe tải cách đó 2km, 'mục tiêu công thành' của những người này, phóng viên BBC nhận thấy đó là nơi thiếu giám sát an ninh, không có bảo vệ, không có camera giám sát và tương đối tối tăm.

Khi đi quanh bãi xe, phóng viên Campbell nhận thấy nhiều xe đã bị phá khóa. Nếu lọt được vào thùng xe, các di dân sẽ theo hành trình tới bến phà Calais của Pháp, từ đó sang các bến phà của Anh.Phóng viên Glen Campbell đứng tại trại Vietnam City đã bị phá

'Trẻ vị thành niên Việt mất tích'

Trong trường hợp bị giới chức phát hiện, bắt giữ khi đã vào tới lãnh thổ Anh, các di dân nếu dưới 18 tuổi sẽ được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội địa phương.

Tuy nhiên, hiện tượng chung là họ đều biến mất chỉ vài ngày sau đó.

Debbie Beadle từ ECPAT, tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em khỏi nạn buôn người, cho biết:

"Dù đã được đưa vào trung tâm chăm sóc tại địa phương, nhiều em đã quay lại với kẻ buôn người vì các em sợ những hậu quả khi không trả nợ."

"Từ nhiều năm trở lại đây, trẻ em Việt mất tích là một vấn nạn lớn. Chúng tôi có thể khẳng định nhiều trong số các em là nạn nhân của hoạt động buôn người."

"Các em khi tới được đây là đã mắc nợ những kẻ buôn người. Các em sẽ bị bắt trả nợ. Đó là một áp lực lớn. Rõ ràng là các em rằng nếu không trả hết nợ, bản thân chúng hoặc gia đình sẽ gặp rắc rối."Phóng viên BBC nói chuyện với các di dân người Việt (thông qua phiên dịch) tại trại Vietnam City mới
Ước mơ

Khi BBC nói chuyện với những người trú tại trại Vietnam City mới ở Pháp, tất cả họ đều nói thông qua phiên dịch viên rằng họ muốn làm việc trong tiệm móng tay sau khi tới Anh.

Nhưng vì sao lại là tiệm móng tay?

"Có một mạng lưới tiệm móng tay to lớn của người Việt ở Anh, cho nên cóvvẻ họ sẽ dễ tiếp cận được mảng thị trường đó. Và đây là điều bọn buôn người dễ dàng lợi dụng khai thác," bà Debbie Beadle giải thích.

Năm 2016, cảnh sát nghi ngờ một tiệm móng tay của chủ người Việt bóc lột lao động trẻ em. Vụ này dẫn tới việc truy tố thành công đầu tiên dựa theo Đạo luật Nô lệ Hiện đại 2015 liên quan tới trẻ em.

Bà Eran Cutliffe, công tố viên chính trong vụ án trên nói rằng buôn người là một loại tội phạm hình sự có tổ chức, và liên quan tới rất nhiều tiền.

"Con người bị hoa mắt bởi lợi nhuận từ tội ác này," bà nói.

"Những nạn nhân bị coi là món hàng. Dù là những món hàng đắt giá, nhưng vẫn chỉ là những món hàng. Việc đối xử với con người như vậy là tội ác nghiêm trọng."

Phóng sự đã được phát trong chương trình Inside Out của BBC hồi 2/2019.

No comments:

GỬI CÁC ÔNG BỐ BÀ MẸ VIỆT NAM!

Người bố 40 tuổi sống tại Việt Nam, có cậu con trai 16 tuổi đang ở Mỹ. Con anh sang Mỹ năm 2008, đi cùng người mẹ theo diện kết hôn. Tuy nhi...