Hình ảnh BETTMANN - Các thiếu nữ Việt Nam choàng vòng hoa cho binh sĩ Mỹ (HSP)
Cụm từ 'các thế lực thù địch, phản động' từ lâu được dùng khá phổ biến trên truyền thông nhà nước Việt Nam. Nhưng các 'thế lực' ấy là ai?
Cụm từ này trở nên quen thuộc tới mức gần như ít người Việt nào thắc mắc khi nghe hoặc đọc thấy.
Đặc biệt vào các dịp lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, hệ thống báo của nhà nước Việt Nam thường đưa các bài viết có nhắc nhở người dân đề phòng bị lôi kéo bởi 'các thế lực thù địch, phản động, lưu vong'.
Hình ảnhFACEBOOK - Video trên mạng xã hội về buổi gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Việt Kiều tại Séc
Mới đây, cụm từ này nhận được nhiều chú ý hơn, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được cho là phát biểu trong cuộc gặp cộng đồng người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa, Cộng hòa Séc.
Trong một đoạn video trên mạng xã hội ghi lại buổi gặp gỡ hồi trung tuần tháng Tư, ông Phúc nới với bà con Việt Nam xa xứ ở Séc rằng "bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay" khi Tổng thống Trump cầm lá cờ của Việt Nam tại thượng đỉnh Trump-Kim.
"Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên cao thế này, lên khỏi đầu ổng, bà con có thấy hình ảnh đó không? Đó là gì? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn", ông Phúc được nhìn thấy nói trong đoạn video.
Có tiếng vỗ tay rào rào khi ông Phúc dứt câu, nhưng sau đó nhiều ý kiến trên mạng xã hội tỏ ý bất bình.
Người Việt ở hải ngoại nói gì?
Hình ảnh GLENN KOENIG
Bà Điệp Lê từ California bình luận với BBC hôm 26/4:
"Tôi không biết nguồn gốc cụm từ này có từ đâu. Nhưng tôi thấy rằng những lực lượng tuyên truyền viên [của Đảng Cộng sản Việt Nam] luôn nói về người Việt hải ngoại - những người góp ý, hay phê phán về tình trạng trong nước là bọn phản động lưu vong."
"Bản thân 4 chữ này gợi một cái nhìn tiêu cực cho người Việt hải ngoại. Tại sao khi cần đóng góp hay giúp đỡ gì trong nước thì họ gọi người Việt sống ở hải ngoại chúng tôi là 'khúc ruột ngàn dặm', nhưng khi chỉ trích thì lại nói là 'bọn phản động lưu vong'?
"Tôi cho rằng để trung lập trong danh xưng dành cho người Việt đã và đang sinh sống ngoài lãnh thổ Việt Nam, nên dùng cụm từ 'người Việt hải ngoại' để thay thế 'bọn phản động lưu vong' thì tốt hơn.
Một ý kiến khác từ bà Mỹ Lan sống tại New York cho rằng hiện kiều bào đang đóng góp tích cực cho quê hương Việt Nam và họ không phải 'bọn phản động'.
Bà Mỹ Lan nói với BBC hôm 26/4: "Trong 4 triệu kiều bào, nếu tính mỗi người gửi ít nhất 1.000 đôla mỗi năm về Việt Nam thì tổng cộng số tiền Việt Nam nhận được là khoảng tỷ đôla một năm. Trên thực tế số tiền này còn có thể lớn hơn nhiều lần. Tính ra mấy chục năm qua tổng cộng đã có bao nhiêu tỷ đô kiều bào đổ về Việt Nam?"
"Thủ tướng Phúc từng kêu gọi kiều bào tích cực đóng góp xây dựng đất nước, gọi kiều bào là khúc ruột ngàn dặm. Ông Phúc không biết hay quên rằng trong số đó có những người bị ông gọi là "phản động lưu vong"? Họ không phá hoại Việt Nam. Họ chỉ muốn đóng góp tài chánh cho thân nhân, góp phần lớn cho việc xoá đói giảm nghèo và tạo công ăn việc làm, vốn liếng đầu tư để dân đóng thuế cho các ông. Ngoài ra, họ đóng góp bằng cách lên tiếng đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền và an ninh, an sinh cho người dân trong nước."
"Nếu Việt Nam có được những điều đó, họ không mắc gì phải lao tâm tổn trí hướng vọng về, đau đáu bức xúc phê phán những bất ổn ở Việt Nam, khi họ có tất cả cuộc sống đủ đầy bình yên nơi xứ người. Họ là những người cấp tiến mong muốn một Việt Nam tiến bộ hơn. Họ không phải phản động. Phản động là những kẻ độc tài cai trị ngăn cản bước tiến và sự phát triển của con người về mọi mặt."
Bà Nancy Nguyễn từ California thì nói: "Cộng hoà Séc là nơi mà CNCS đã khá thịnh vượng trước khi nó bị đào thải hoàn toàn ở Đông Âu. 'Lưu vong phản động' ra đời trong nhu cầu phân biệt giữa những người Việt tị nạn CS và những kiều bào 'ưu tú, tiến bộ' - nói theo kiểu của họ - tức là thành phần trung với Bác, Đảng, và chế độ, đã sang các nước đông Âu. Câu nói này là tàn dư đáng tiếc của một hệ tư tưởng đã bị nhân loại bỏ lại phía sau, và một nền cai trị đã bị chính nhân dân của nó đào thải."
"Dẫu có viện dẫn gì đi chăng nữa, thì việc nhiều triệu con người nối đuôi nhau bỏ nước ra đi trong nhiều thập niên liên tiếp cũng là một trang sử đáng hổ thẹn của nhà cầm quyền đương thời, và đen tối của dân tộc này. Do vậy, những cụm từ chẳng phục vụ một điều gì tốt đẹp ngoài gây chia rẽ người với người, và khơi gợi lại một trang sử bi thương của dân tộc, phải nên cáo chung."Hình ảnh WORLD BANK - Kiều hối từ Mỹ gửi về các nước, trong đó có Việt Nam xếp thứ 5.
Bọn phản động lưu vong là ai?
Trên Facebook cá nhân, luật sư Trần Đình Thu viết rằng "quan chức Việt Nam cần bỏ dần cách nói 'thế lực thù địch phản động' vốn có 'từ thời bao cấp'.
Luật sư Thu nhận định rằng phát biểu của ông Phúc ở cuộc gặp với Kiều bào tại Séc có thể chỉ là 'một cú lỡ miệng', nhưng sâu xa cũng do 'thói quen' từ lâu nay.
"Cụm từ này có lẽ bắt nguồn từ một số văn bản pháp luật được ban hành từ rất lâu trong thời bao cấp, về sau phổ biến trong văn nói của một số người. Cụm từ này hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần đoàn kết dân tộc vì người ta hiểu rằng nó được dùng để chỉ những người Việt ở hải ngoại tại một số quốc gia."
"Ngoài ra nó cũng còn được hiểu là dùng để chỉ những người trong nước có ý kiến phản biện với đường lối của nhà nước Việt Nam. Về mặt thuật ngữ không nên duy trì sự tồn tại của cụm từ này vì nó rất không chuẩn mực về mặt ngữ nghĩa.
"Trong nhóm thuật ngữ liên quan chỉ nên dùng các cụm từ như "kẻ khủng bố", "nhóm khủng bố" để chỉ những cá nhân tổ chức dùng các phương tiện sát thương để gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân và an ninh quốc gia hoặc cụm từ "thế lực xâm lược" để chỉ những nhà nước hay vùng lãnh thổ đưa phương tiện chiến tranh đến vùng biển vùng trời của Việt Nam với mục đích lấn chiếm hay chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam."
"Về cụm từ "thế lực thù địch phản động" lâu nay được dùng một cách vô cớ và bừa bãi tới mức gần như là câu cửa miệng của nhiều quan chức Việt Nam đương chức hay là của những cán bộ về hưu có quan điểm bảo thủ."
"Và vì dùng bừa bãi như thế nên ông thủ tướng Phúc khi phát biểu đã không kịp tìm từ thích hợp mà từ cứ thế tuôn ra gây nên một cảm giác rất phản cảm cho người nghe và cũng làm mất uy tín cá nhân ông thủ tướng, gây chia rẽ thù oán với đồng bào người Việt hải ngoại," luật sư Thu viết.
'Thế lực thù địch' trên báo Việt Nam
Tìm kiếm trên Google cụm từ "Cảnh giác với các thế lực thù địch ra hơn" 3 triệu kết quả sau một giây và hơn 4 triệu kết quả với cụm từ "Bọn phản động lưu vong".
Một bài trên báo Người lao động tháng 11/2018 viết: "Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày chỉ rõ các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc…"
Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh hồi tháng 7/2018 cho hay: "Có bàn tay của phản động lưu vong trong vụ nổ ở Tân Bình". Bài báo đề cập đến vụ nổ xảy ra tại trụ sở Công an phường 12 (quận Tân Bình, TP.HCM) từng gây xôn xao dư luận, qua điều tra đã tìm ra những kẻ 'khủng bố' có liên quan đến "nhóm phản động triều đại Việt Nguyễn, hiện sống ở Mỹ."
Báo Vietnamnet cũng hồi tháng 7/2018 tường thuật rằng "Thời gian gần đây, các tổ chức phản động lưu vong như "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", "Triều đại Việt Nguyễn"... đã liên tiếp có các hoạt động khủng bố, phá hoại, vi phạm pháp luật Việt Nam". Các nhóm này sẽ bị xử lý nghiêm "để giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội".
Một loạt các bài viết khác trên báo chính thống của Việt Nam cuối năm 2018, dịp cận Tết Nguyên đán, kêu gọi nhân dân 'cảnh giác với các thế lực thù địch."
Chẳng hạn trang Tuyengiao.vn có bài viết hôm 3/12/2018 viết rằng "Không để các thế lực thù địch tạo "khoảng trống" về tư tưởng, văn hóa". Trong đó đưa ra bốn cách để bảo vệ mặt trận văn hóa và ba cách để bảo vệ mặt trận tư tưởng.
No comments:
Post a Comment