Monday, April 29, 2019

Yểm Trợ Hạm Cần Thơ HQ 801: KHÔNG BỎ ANH EM - Trần Đỗ Cẩm


NGUYEN PHU BA K11 SQHQ NHA TRANG.jpg


Yểm Trợ Hạm Cần Thơ HQ 801 nguyên là Dương Vận Hạm USS Garrett County (LST 786) của Hải Quân Hoa Kỳ. Trong chiến tranh Việt Nam, chiến hạm được biến cải thành Yểm Trợ Hạm (AGP – Auxiliary General Purpose) đặc biệt dùng cho chiến trường Việt Nam để sửa chữa và tu bổ các chiến đĩnh trong sông cũng như duyên hải. Chiến hạm được chuyển giao cho HQ/VNCH ngày 23 tháng 4 năm 1971. Cùng loại với HQ 801 còn có HQ 800 Mỹ-Tho (USS Harnett County – LST 821) chuyển giao ngày 12 tháng 10 năm 1970. Riêng Cơ Xưởng Hạm (ARL – Auxiliary Repair Ship Landing) HQ 802 Vĩnh-Long (USS Satyr – LST 852) chuyển giao ngày 15 tháng 10 năm 1971 thực sự là một cơ xưởng nổi với máy chánh mạnh hơn, thêm nhiều cần trục và máy móc kỹ nghệ thủ công như máy tiện, khoan, bào, cán, uốn, xưởng hàn, xưởng điện tử, xưởng mộc v.v… nên có khả năng sửa chữa cao nhưng lại nặng nề hơn loại Yểm Trợ Hạm.

NGUYEN PHU BA VA 2 BAN KHOA 11 DE NHUT BAO BINH .jpg
Hạm Trưởng HQ 801 là HQ Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá xuất thân khóa 11 SQHQ/NT. Ông là một trong số rất ít sĩ quan Hải Quân xuất sắc với nhiều kinh nghiệm trong quân ngũ cũng như ngoài hàng hải thương thuyền. Ông đã chỉ huy 7 chiến hạm (HQ 607, HQ 470, HQ 473, HQ 406, HQ 14, HQ 09 và HQ 801) và 3 thương thuyền (Tiền Phong, Đại Hải và Thống Nhất). Hạm Phó của HQ 801 là HQ Thiếu Tá Nguyễn Lương Thuật (Khóa 16 SQHQ/NT) chưa tân đáo. Trong năm 1974, HQ 801 đã hoạt động liên tục và hữu hiệu, hoàn tất nhiều công tác khó khăn nên được chọn làm chiến hạm xuất sắc của Hải Đội Chuyển Vận do HQ Trung Tá Lê Thuần Phong (khóa 6 SQHQ/NT) làm Hải Đội Trưởng.
Vào những tháng 3 và 4 năm 1975, HQ 801 rất bận rộn và công tác liên miên trong các cuộc di tản Miền Trung. Tối 26-3, HQ 801 được lệnh ủi bãi, đón Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến gồm 3 tiểu đoàn 3, 4, 5, TĐ2/PB, đại đội viễn thám và Sư Đoàn 1 Bộ Binh tại cửa Thuận An. Nhưng vì mực nước không đủ sâu nên chiến hạm không vào sát được bãi ủi. Khoảng cách từ bờ ra tầu còn quá xa, quân trên bờ không lội ra được. HQ 801 cố vào sát bãi biển hơn để đón quân, có lúc đã hầu như bị mắc cạn nhưng quân bạn vẫn không sao lên được, vì vậy công tác đành bỏ dở. Kinh nghiệm gỡ cạn và thất bại cay đắng này sẽ giúp hạm trưởng Bá về sau.
Đêm 18-4, HQ 801 hoạt động sát bờ biển Phan Thiết tại Hòn Rơm gần Mũi Né đón được một số quân nhân thuộc Tiểu Khu Bình Thuận rồi về Vũng Tàu. Ngày 21-4, chiến hạm về Sài Gòn cặp cầu E trong Hải Quân Công Xưởng, vị trí 4 ngoài cùng. Trong lúc nghỉ bến, chiến hạm dự trữ lương thực và nước ngọt sẵn sàbng di chuyển về nơi an toàn hay Vùng 4 để tiếp tục chiến đấu khi có lệnh.
Khoảng 2 giờ chiều ngày 29-4, hạm trưởng Bá lên BTL/Hạm Đội họp khẩn cấp. Lúc trở về tầu, ông cho biết được lệnh ra khơi, sau đó dùng LCVP cơ hữu về cư xá Văn Thánh gần trại Cửu Long đón gia đình. Lúc này càng về chiều dân chúng và binh sĩ càng đổ dồn về bến Bạch Đằng. Cùng cập cầu E ở vị trí 1 là HQ 4 đang đại kỳ không đi được; vị trí 2 là HQ 402 hai máy chánh bị hư chưa sửa xong, vị trí 3 là HQ 15 cũng đang đại kỳ, chỉ còn HQ 801 còn khả năng lên đường. Vì vậy dân chúng ùa xuống HQ 801 mỗi lúc càng đông, lên tới cả ngàn người.
YEM TRO HAM CAN THO HQ.801.jpg
Yểm Trợ Hạm Cần Thơ HQ 801. Ảnh của navsource.
Sau khi đón được gia đình, hạm trưởng Bá ra lệnh rời bến, trên tầu đã có HQ Trung Tá Lê Thuần Phong HĐT Hải Đội Chuyển Vận. HQ 801 chỉ còn một máy hữu khiển dụng, Máy tả chưa khởi động được vì bình điện chưa nạp đủ. Lúc này không còn sự trợ giúp của tầu giòng Ty Quân Cảng nên chiến hạm phải dùng LCVP cơ hữu để đẩy chiến hạm rời cầu. HQ Thiếu Úy Lê Thái Phúc khóa 25 SQHQ/NT ở nhiệm sở thả LCVP, các HQ Thiếu Úy Đặng Tiến, Nguyễn Đăng Phong và Lê Đắc Khánh cùng khóa 25 ở trên tiểu đĩnh. Khi ra được tới sông lớn, vì khó vận chuyển nên chiếc LCVP vẫn chạy theo để chuẩn bị phụ giúp nếu cần; qua khỏi Ngã Ba Đèn Đỏ (hải lý 6 tính từ Sài Gòn), chiến hạm mới kéo LCVP lên tầu.
HQ 801 tuy chỉ còn một máy hữu, lại chạy nước xuôi nên rất khó lái, nhưng với kinh nghiệm giang hành dồi dào, hạm trưởng Bá vẫn chỉ huy chiến hạm xuôi giòng không trở ngại. Khi gần tới Mũi Đông (Coude de l’Est – hải lý 20) là cua quẹo hình chữ V gắt nhất của sông Lòng Tào, trên máy truyền tin và cả loa phóng thanh, HQ 801 nhận được lời yêu cầu trợ giúp của HQ 1 đang bị mắc cạn bên hữu ngạn (bờ Tây) sông Lòng Tào, đối diện với Mũi Đông. Lúc đó là 1 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975.
Chỉ mấy tiếng đồng hồ trước đó, HQ 1 còn cập cầu B vị trí 1 nhưng hạm trưởng là HQ Trung Tá Nguyễn Địch Hùng (khóa 4 Trường Hải Quân Brest của Pháp) về nhà ở đường Trần Hoàng Quân đón gia đình chưa về kịp. Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, cựu TL/HQ ra lệnh cho HQ Trung Tá Nguyễn Duy Long chỉ huy chiến hạm tách bến; trên tầu còn có Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu. Trung Tá Long kể lại:” Các sĩ quan trên HQ 1 cho biết Hạm Trưởng HQ 1 đã rời tàu đi rước gia đình. Chờ mãi, hầu hết các chiến hạm đã rời bến mà ông HT vẫn chưa về tàu và chẳng có tin tức gì. Khi hầu hết các chiến hạm đã rời các cầu tàu mà HQ 1 vẫn còn nằm lẻ loi ở vị trí 1 cầu B. Thấy vậy, ĐĐ Tánh ra lệnh cho tôi vận chuyển chiến hạm ra đi, nếu chờ trễ nữa, tăng VC sẽ đến bến tàu ngăn cản việc di tản. Trên HQ 1 lúc nầy đầy người, chen chân không lọt, không biết bao nhiêu người, dưới phòng ngủ HSQ và thủy thủ cũng đầy người”.
Trung Tá Long cho biết trong lúc giang hành, chiến hạm không những chỉ còn một máy khiển dụng mà còn gặp thêm một số trở ngại kỹ thuật về máy điện khiến lái điện nhiều khi ngưng hoạt động phải đổi sang lái tay, Ông thuật lại:” Khi đi ngang thương cảng, phòng máy báo cáo máy điện bị xụp, tay lái không ăn, phải đổi sang lái tay. Sau đó máy điện chạy lại. Tàu ra đến Nhà Bè, máy điện lại xụp. Máy điện lại chạy.Tàu tiếp tục di chuyển”. Qua khỏi Nhà Bè (hải lý 11), tầu bắt đầu vào sông Lòng Tào. Từ đây cho tới Ngã Tư Bốn Tay (Les Quatre Bras – hải lý 28) là đoạn nguy hiểm nhất của sông Lòng Tào. Sông đã hẹp lại cạn khi nước ròng với nhiều khúc quanh gắt, các tầu lớn qua lại nhiều khi phải dùng cả máy chánh phụ giúp tay lái mới có thể qua được những cua quẹo khó khăn này. HQ 1 chỉ còn một máy, tay lái điện lúc có lúc không, lại chạy nước xuôi nên vận chuyển rất khó khăn.
Tuy với chiến hạm và thủy thủ đoàn xa lạ, lại phải giang hành ban đêm trong lúc tình hình gay go, nhưng dưới sự chỉ huy đầy kinh nghiệm và khéo léo của hạm trưởng Long, HQ 1 qua khỏi vùng nguy hiểm đầu tiên là Bãi Đá Hàn (Banc de Corail tại hải lý 16 an toàn. Nhưng không may chỉ 4 hải lý sau đó, HQ 1 bị mắc cạn tại khúc sông Coude de l’Est (hải lý 20). HQ lập tức dùng máy truyền tin và loa phóng thanh yêu cầu các chiến hạm bạn trợ giúp. Hạm trưởng Long cho biết:”Khi vừa qua khỏi “Coude de l’Est” thì máy điện lại xụp, chưa kịp đổi sang lái tay thì tàu từ từ lủi vào bờ phải rồi ủi vào bờ bên phải. Máy điện chạy lại, tôi cố gắng lùi tàu và làm vài vận chuyển nhưng tàu vẫn không nhúc nhích. Tôi kêu gọi các chiến hạm đi ngang nhờ phụ kéo HQ 1 ra nhưng họ không giúp, có lẽ vì tàu nào cũng chở đầy người …”. Một thường dân quá giang trên HQ 1 hồi tưởng tâm trạng lúc đó như sau: “Tôi nhớ giây phút dầu sôi lửa bỏng ấy tôi đi quá giang trên chiếc HQ-1 mà bụng đánh lô tô vái trời cao cho phép nhiệm màu ai nhảy ra cứu vớt chúng tôi, tôi ngồi trên boong tàu đếm từ con tàu đi qua số đếm của tôi, hơn 10 chiếc …”. Trường hợp HQ 1 liên tiếp bị mất điện có thể xảy ra, nhưng hơi hiếm vì mỗi khi hoạt động, bao giờ chiến hạm cũng ghép hai máy điện chạy song song. Nếu một máy bị xụp thì máy kia vẫn đủ sức cung cấp đủ điện lực cho những dụng cụ hải hành cần thiết như la bàn điện, tay lái, radar, hệ thống truyền tin v.v… Có thể HQ 1 không may cũng chỉ còn một máy điện khiển dụng.
Về phần HQ 801, sau nhiều lần tiếp xúc và phối kiểm, hạm trưởng Bá hiện sống ở Australia vẫn xác nhận ông rời cầu E trong Hải Quân Công Xưởng lúc 11 giờ 30 tối 29-4. Như vậy cho tới khi gặp HQ 1 mắc cạn tại hải lý 20 lúc 1 giờ 30 sáng hôm sau, HQ 801 loại Dương Vận Hạm cũng chỉ đi mất 2 tiếng đồng hồ, tức là vận tốc 10 gút (20/2=10) với 1 máy, nước xuôi. Một số sĩ quan cơ hữu trên HQ 801 nói đi lúc 9 giờ 30 tối “ngay sau khi hạm trưởng đón được gia đình lên tầu” tức là cho tới khi gặp HQ 1 mắc cạn tầu đã rời bến được 4 tiếng đồng hồ với vận tốc trung bình 5 gút. Trong bài phỏng vấn gần đây, một khách quá giang nói HQ 801 rời Sài Gòn lúc 8 giờ 30 tối. Tốc độ trung bình của loại Dương Vận Hạm với 2 máy chạy tốt là 10.5 gút (hải lý/giờ).
Khi đột nhiên nhận được tín hiệu S.O.S của HQ 1, chắc hạm trưởng Bá không khỏi phân vân, vì HQ 801 vẫn chỉ còn một máy, giang hành ban đêm, chở đầy ắp người, lại to lớn kềnh càng, sông hẹp, nước đang ròng thấp. Trong hòan cảnh dầu sôi lửa bỏng, tự giữ an toàn chính mình đã khó, tính gì đến chuyện giúp ai? Đây là phản ứng thông thường cũng như những chiến hạm khác lặng lẽ đã đi qua. Tuy nhiên chỉ thoáng sau phút suy tư ban đầu, Hạm Trưởng Bá đã tự mình quyết định quay tầu lại ngược giòng để trợ giúp, mặc dầu lúc đó HQ 801 đã đi quá HQ 1 khoảng 1.5 hải lý. HQ Thiếu Úy Đặng Tiến, một sĩ quan cơ hữu của HQ 801 thuật lại cảm nghĩ lúc bấy giờ: “Từng đoàn các chiến hạm lặng lẽ lướt qua một cách vô cảm. Tôi chợt nghĩ, mới hôm nào ở mặt trận Cà Ná các chiến hạm bạn liều chết tiến vào cứu HQ 503 dưới làn đạn pháo 100 ly trực xạ của Cộng quân hôm nay tại sao lại lạnh lùng? HQ 801 không vô cảm như vậy ,bởi vì trên đó còn có Hạm Trưởng Bá”. Quyết định không bỏ anh em này quả thật là một hành động can đảm chỉ có ở những Hạm Trưởng đề cao tinh thần Danh Dự và Trách Nhiệm, đồng thời tự tin vào khả năng của mình.
SO DO VAN CHUYEN -TRAN DO CAM'.jpg
Quyết định quay tầu lại đã khó, thi hành cũng chẳng dễ dàng gì vì lòng sông hẹp, chiến hạm lớn. Chiều dài của HQ 1 và HQ 801 tương đương nhau, khoảng 100 m. Nhìn trên bản đồ, khoảng cách hai bên bờ sông tại Mũi Đông là 1369 ft hay 417 m, nhưng trừ đi bờ sông, mặt sông thực sự có nước chỉ rộng chừng 300 m. Với cao độ thủy triều trung bình 2 – 3 m, khi nước ròng, lạch sông để chiến hạm vận chuyển an toàn không bị cạn chỉ còn lại không quá 250 m hay 2.5 chiều dài của chiến hạm. Mũi Đông là cua quẹo gắt, chiến hạm lớn chỉ còn 1 máy, lại giang hành ban đêm nên HQ 1 bị mắc cạn không có gì lạ. Riêng đối với HQ 801 cũng chỉ còn 1 máy, phải vận chuyển quay mũi ngược lại thượng giòng 180 độ thật rất khó khăn. Không phải chỗ nào cũng quay tầu lại được mà thông thường phải chờ tới khúc sông rộng nước sâu mới có “điểm quay tầu”. Các hoa tiêu chuyên nghiệp lái thương thuyền một chân vịt nếu không có tầu giòng đẩy giúp thường phải dùng máy chánh phụ giúp tay lái khi qua lại trên sông Lòng Tào.
Vận chuyển trở ngược đầu đã rất gian nan, nhưng mới chỉ là giai đoạn đầu; lại gần được tầu bạn để trợ giúp còn gay cấn hơn. Thông thường chỉ cần chạy lại gần, quăng giây cột vào tầu bị nạn rồi kéo ra; nhưng vì lòng sông quá hẹp, nước đang ròng, HQ 1 bị bùn dẻo hút chặt nên phải tìm cách làm cho nhúc nhích mới kéo ra được. Như vậy, chỉ còn cách cập ngang hông theo thế ủi bãi song song, đòi hỏi chính xác vào đúng vị trí và nhẹ nhàng để đừng đụng bể hay xô lật tầu bạn. Đây là một vận chuyển không dễ làm đối với loại tầu đổ bộ mũi bằng, chỉ những hạm trưởng “sói biển” với nhiều kinh nghiệm xương máu mới đủ khả năng thi hành. Nhưng “trên HQ 801 có Hạm Trưởng Bá” như Thiếu Úy Đặng Tiến hãnh diện.
Trong các cuộc tiếp xúc mới đây nhất vào đầu năm 2019, hạm trưởng Nguyễn Phú Bá đã nhiều lần xác quyết chính ông là người duy nhất quyết định, chịu trách nhiệm và hoàn toàn chỉ huy HQ 801 cho tới khi tầu tới Côn Sơn. Ông cũng có nhã ý thuật lại chi tiết những vận chuyển khó khăn để “cập sát nách” HQ 1. Trước hết, khi chiến hạm quay lại vừa vượt qua khỏi lái HQ 1, ông cho thả neo lái rồi ra lệnh bẻ lái qua bên trái (tả hạm) để mũi tầu quay về hướng bờ Tây (hữu ngạn) nơi HQ 1 đang bị mắc cạn. Khi thấy mũi tàu cách bờ khoảng 200 yards, ông cho lệnh “thắng neo” để cuộn giây neo bằng xích sau lái không tuôn ra nữa và ngưng máy. Khi giây neo vừa căng, ông cho lệnh “khóa neo” để mũi tàu không tiến thêm vào bờ. Sau cùng HQ.801 ở vị trí nằm song song với HQ.1 phía trên nước và giòng nước thủy triều đang ròng đẩy con tầu từ từ trôi xuống tấp nhẹ vào hữu hạm HQ.1 với khoảng 2/3 chiều dài.
Khu truc ham Tran Hung Dao HQ1, photo by PHT.jpg
Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo HQ 1. Ảnh của Phùng Học Thông
Khi hai chiến hạm buộc giây vào nhau xong, hạm trưởng Bá liên lạc máy truyền tin với HQ 1 yêu cầu cho chuyển bớt người quá giang sang HQ 801 để làm nhẹ tầu. Đây là kinh nghiệm xương máu ông đã học được khi vào đón Thủy Quân Lục Chiến tại cửa Thuận An trước đây không lâu. Một số lớn quân dân di tản ước lượng 500 người đã chuyển sang HQ.801 trong đó có Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu và vài tướng lãnh bộ binh như Trung Tướng Nguyễn Văn Là. Sau đó, hai chiến hạm cùng lùi máy rút ra. Lần đầu không thành công vì HQ 1 còn bị bùn dính chặt. Cả hai chiến hạm phải cho máy ngừng, rồi lại cho máy tiến và bẻ tay lái thật gắt để mũi tàu HQ 1 xê dịch qua lại. Buộc giây chắc chắn lại lần nữa, lùi lần thứ hai vẫn chưa thành công, rồi lập lại lần nữa cho máy tiến và bẻ lái để mũi HQ 1 nhúc nhích thêm. Lần lùi thứ ba mũi tàu HQ 1 mới từ từ rời khỏi bờ cạn và được kéo ra giữa sông. Nhờ máy kéo neo sau lái của HQ.801 rất mạnh đã giúp sức rất đắc lực kéo được tàu bạn ra giữa sông trong khi hai chiến hạm chỉ có một máy khiển dụng.
Về sau, một số người không biết rõ quyết định chuyển người là có dụng ý làm HQ 1 nhẹ bớt, tưởng rằng người trên HQ 1 ùa sang HQ 801 vì sợ bị bỏ rơi. Thời gian giúp HQ 1 gỡ cạn mất 2 tiếng đồng hồ. Từ đó, HQ 1 đi trước, HQ 801 chậm chạp rớt lại đàng sau. Cả hai chiến hạm tiếp tục ra tới Vũng Tàu vào sáng 30-4 không gặp thêm trở ngại. HQ Trung Úy CK Lê Bảo (khóa 21 SQHQ/NT) là Sĩ Quan Cơ Khí của HQ 801 sau nhiều nỗ lực, đã khởi động thêm được máy chánh tả; HQ 801 chạy đủ hai máy tới điểm hẹn Côn Sơn.
Trong Hải Quân cũng như ngoài dân sự, tầu bè đi lại trong sông bị mắc cạn là chuyện thường, mắc cạn thì gỡ cạn giống như thay bánh xe bể rồi tiếp tục lên đường. Nhưng trường hợp HQ 801 và HQ 1 có hơi khác. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, với một chiến hạm nặng nề, dài gần bằng phân nửa chiều rộng của lòng sông, lúc nước ròng, lại chỉ còn 1 máy, quyết định quay tầu trợ giúp tàu bạn không đơn giản và dễ dàng. Đây là là tinh thần “Danh Dự” và “Trách Nhiệm” được thể hiện với mức độ cao nhất. HQ 801 dưới quyền chỉ huy của Hạm Trưởng Nguyễn Phú Bá đã “Không Bỏ Anh Em” trong hoàn cảng nguy kịch nhất. HQ Thiếu Úy Đặng Tiến, một sĩ quan cơ hữu thuộc HQ 801 xác nhận:”Chúng tôi không bao giờ bỏ rơi đồng đội vì khi quay trở lại cứu HQ 1 , tôi chợt nhận ra rằng không còn một chiến hạm nào ở phía sau”. Một thường dân quá giang tâm sự: “… Với những người được tiếp cứu như tôi, xin cám ơn HQ-801 và toàn thể cả ngàn người trên HQ-801 liều mạng quay trở lại “round trip” gẩn 3 hải lý là một sự can đảm, vị tha, và nghĩa hiệp lắm để cứu vớt tàu bạn bị lâm nạn”.

Chúng tôi vừa nhận được tin buồn: cựu Hạm Trưởng HQ 801 Giuse NGUYỄN PHÚ BÁ Khóa 11 SQ/HQNT “Đệ Nhất Bảo Bình”, sau thời gian dài bạo bệnh vừa ra đi lúc 1 giờ trưa 24-04-2019 (Melbourne time) tại nhà dưỡng lão Footscray, Melbourne, hưởng thọ 79 tuổi. (Trần Đỗ Cẩm thông báo – Austin TX April 24-2019)

TVQ chuyen

No comments:

Tạp ghi CẢM ƠN NGƯỜI VIẾT SỬ “Phía Bên Kia” -Điệp Mỹ Linh

https://www.youtube.com/watch?v=KHUUiGLSWkQ Tình Quê Hương của Đan Thọ. Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển s...