Thursday, June 2, 2016

Biển Đông: Tới lúc ngư dân Tàu sợ ra biển

MANILA (NV) - Hôm 27 tháng 5, 2016, sau hai giờ rượt đuổi, cảnh sát biển Philippines đã bắt thêm một tàu đánh cá của Trung Quốc và tống giam 10 ngư dân Trung Quốc.

Tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào Biển Đông. (Hình: Tân Hoa Xã)
Báo chí Philippines cho biết, tàu đánh cá mới bị cảnh sát biển Philippines bắt không chỉ xâm nhập hải phận của Philippines để đánh bắt trái phép mà còn đâm vào tàu của cảnh sát biển Philippines khi bị chặn lại. Lực lượng cảnh sát biển của Philippines đã điều động một tàu khác đuổi theo để bắt cho bằng được tàu đánh cá đó.
Điểm đáng chú ý là gần đây, cảnh sát biển Philippines đã hành xử rất mạnh mẽ trong việc săn đuổi, bắt giữ các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập hải phận của Philippines để đánh bắt trái phép. Cũng vì vậy, nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc đã hạ cờ Trung Quốc, treo cờ Philippines khi xâm nhập hải phận Philippines. Con tàu đánh cá của Trung Quốc bị bắt hôm 27 tháng 5 và hai tàu đánh cá khác của Trung Quốc, với 25 ngư dân bị cảnh sát biển Philippines bắt hôm 16 tháng 5 đều treo cờ Philippines.
Số lượng tàu đánh cá của Trung Quốc bị các quốc gia khác bắt và số ngư dân Trung Quốc bị tống giam đang tăng rất nhanh.
Hôm 24 tháng 4, Hải Quân Indonesia đã bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc vừa vì tàu này đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia, vừa nhằm thực hiện đề nghị của văn phòng Interpol tại Argentina. Theo Interpol của Argentina, hồi cuối tháng 2 vừa qua, tàu đánh cá đó đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải Argentina. Khi bị cảnh sát biển của Argentina ngăn chặn, nó đã đâm vào tàu của lực lượng cảnh sát biển Argentina.
Vài năm nay, các tàu đánh cá của Trung Quốc trở thành nổi tiếng khắp thế giới vì thường xuyên đánh bắt trái phép trong lãnh hải của nhiều quốc gia. Đáng lưu ý rằng khi bị ngăn chặn hoặc bị đuổi, chúng thường lao vào tấn công tàu công vụ của chính quyền sở tại để tìm đường thoát.
Đã có lúc, lực lượng thi hành công vụ của nhiều quốc gia phải nhượng bộ tàu đánh cá của Trung Quốc, bởi các hành động cứng rắn có thể dẫn tới nhiều rắc rối trong quan hệ giữa chính quyền của họ với Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây, sự thể đã khác. Sau Nhật, Nam Hàn từng phải nổ súng vào tàu đánh cá của Trung Quốc. Tháng trước, cảnh sát biển Argentina từng bắn chìm một tàu đánh cá của Trung Quốc khi nó lao vào tàu của họ.
Tàu đánh cá Trung Quốc còn là nguyên nhân khiến quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trở thành căng thẳng. Chẳng hạn đến nay, Indonesia vẫn đang đòi Trung Quốc giải giao một tàu đánh cá của Trung Quốc bị Hải Quân Indonesia bắt giữ hồi tháng 2 vì đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia. Sau đó, lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc đã đoạt lại tàu đánh cá này.
Theo truyền thông quốc tế thì sở dĩ tàu đánh cá của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập, đánh bắt trái phép trong lãnh hải của nhiều quốc gia và tỏ ra hết sức hung hăng vì đó là chủ trương của chính quyền Trung Quốc. Thậm chí chính quyền Trung Quốc còn khuyến khích các tàu đánh cá “xông pha” ở Biển Đông và có kế hoạch biến ngư dân thành dân quân trên biển để khẳng định yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông.
Hồi đầu tháng này, Reuters cho biết ngoài việc phiên chế các tàu đánh cá thành đội, chính quyền đảo Hải Nam đang huấn luyện quân sự cho ngư dân Trung Quốc và trang bị vũ khí cho những ngư dân này.
Đại diện chính quyền tỉnh Hải Nam nói với Reuters, khoảng 50,000 tàu đánh cá đã được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, được cấp xăng, nước đá để ngoài việc đánh bắt hải sản thì còn tham gia “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.”
Ngư dân Trung Quốc làm việc trên những tàu đánh cá tại Biển Đông đã được trả tiền trong thời gian huấn luyện quân sự (bao gồm cứu nạn, chiến đấu), thu thập-báo cáo thông tin về tình hình trên biển. Chủ một số công ty đánh cá tư nhân xác nhận với Reuters rằng công ty của họ được nhà nước tài trợ để thay tàu đánh cá vỏ gỗ bằng tàu đánh cá có vỏ thép, có thể thực hiện dễ dàng các chuyến hải hành đến tận quần đảo Trường Sa, vừa khai thác hải sản, vừa “chống các tàu đánh cá ngoại quốc xâm phạm chủ quyền.” Nhiều ngư dân Trung Quốc khẳng định, họ tin rằng quân đội Trung Quốc đủ sức bảo vệ họ nếu hoạt động của họ bị kháng cự.
Một viên chức của chính quyền tỉnh Hải Nam nói với Reuters rằng, lực lượng dân quân của Trung Quốc trên biển đang phát triển mạnh, vì “ngư dân Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh hải và lợi ích quốc gia.”
Tuy nhiên do phản ứng càng ngày càng mạnh mẽ của nhiều quốc gia, điều đó dường như đã khác. The Straits Times một tờ báo của Singapore vừa đăng một phóng sự, ghi nhận tâm sự của một số ngư dân Trung Quốc với phóng viên của tờ báo này.
Theo đó, nhiều ngư dân Trung Quốc hiểu rất rõ rằng chính quyền Trung Quốc đang dùng họ như công cụ trong cuộc chiến giành giật chủ quyền tại Biển Đông. Những ngư dân này cho biết, chính quyền Trung Quốc trả cho họ 180,000 nhân dân tệ chỉ để họ đưa tàu vào Biển Đông, xâm nhập lãnh hải của một số quốc gia và loanh quanh tại đó trong hai tuần, bất kể họ có đánh cá hay không.
Dù ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc đã đến tận đảo Hải Nam để trấn an ngư dân rằng, Hải Quân Trung Quốc sẽ đồng hành với họ nhưng trước phản ứng của các quốc gia ven Biển Đông, một ngư dân 28 tuổi, thú thật, vì thất học nên ông ta phải đánh cá kiếm sống chứ ông ta không muốn con mình dính vào “nghiệp” này. (G.Đ)

No comments:

Nguồn tin Reuters: Lực lượng phòng không Nga bắn rơi máy bay của Azerbaijan Airlines 27/12/2024

Máy bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines rơi ở Kazakhstan. Lực lượng phòng không Nga bắn rơi một máy bay của hãng hàng không Azerbaij...