Không thể nào Đoàn hiểu được tai sao Ba Mẹ – ông bà Châu – lại bịn rịn, nghẹn ngào khi chia tay tại chân đèo Cả, trên khoảng đường nhựa đã bị Việt Minh đặt mìn phá hoại từ lâu! Chung quanh Đoàn cũng có nhiều người đàn ông dặn dò vợ, vuốt tóc con và những người đàn bà khóc sụt sùi. Ông Châu ôm Đoàn, giọng rất buồn:
Đoàn chỉ nhìn ông Châu, không biết nói gì. Ông Châu quay sang bà Châu:
-Vào đến nơi, em nhờ người đưa thư của anh về cho Mẹ anh. Gia đình anh sẽ lo lắng cho Mẹ con em. Anh đi.
Vừa nghe hai tiếng “anh đi”, Đoàn lờ mờ hiểu rằng Đoàn sẽ xa ông Châu từ nay. Đoàn vội nắm tay ông Châu, gọi “Ba!” Ngẫng mặt nhìn lên, thấy mắt ông Châu chớp nhanh, Đoàn tựa vào người ông Châu, khóc! Nhỏ Lao và cu Động thấy anh khóc, cũng khóc theo. Ông Châu ôm ba đứa con vào vòng tay gầy guộc, giọng bùi ngùi nói với bà Châu:
-Em gắng lo cho các con. Anh sẽ gặp lại em và các con…
Nói chưa dứt câu, ông Châu vội vàng quay đi. Vừa bước được vài bước, ông Châu quay lui, không nói gì, nhưng Đoàn thấy khuôn mặt của Ba rất buồn. Nhìn theo toán đàn ông trẻ quay trở lại Tuy Hòa, Đoàn thấy dáng Ba xa dần, xa dần. Chiếc nón cối Ba đội cứ nhấp nhô, nhấp nhô. Màu quân phục kaki vàng chỉ đậm hơn màu lúa chín một tý thôi.
Đoàn người còn lại – gồm đàn bà, người già và trẻ con – bồng bế nhau, đi ngược chiều với toán đàn ông trẻ, hướng về Nam. Theo đoàn người âm thầm bước trên con đường đã bị mìn của Việt Minh phá hủy đến tan hoang, Đoàn cảm thấy sợ hãi khi phải nắm tay Mẹ, men theo triền núi để vượt qua những hố mìn. Đoàn thấy Mẹ cứ khóc rưng rức, tay dẫn nhỏ Lao; còn cu Động ngủ ngon lành trên lưng Mẹ – có miến vải bố cột ngang để cu Động không vuột khỏi lưng Mẹ.
Chiều xuống, đoàn người chỉ mới tới giữa chân đèo Cả. Tất cả dừng chân nghỉ qua đêm. Bốn Mẹ con bà Châu trợn mắt nuốt từng nắm cơm khô trong ruột tượng do Đoàn mang theo.
Ăn xong, bốn Mẹ con theo mọi người xuống suối lấy nước uống. Nơi dòng suối, Đoàn thấy dấu vết của những người đã trốn vào Nam: Những đôi dáp Bình Trị Thiên và nhiều bao tiền tín phiếu còn vất bừa bên dòng suối.
Nhìn bao tiền, Đoàn chợt nhớ Ngoại. Ngoại có một “hầm bí mật” dưới chân cầu Ông Chừ để giấu tiền. Mỗi khi Ngoại bán được vật gì, cả nhà phải xuống “hầm bí mật” để đếm tiền. Trong khi đếm tiền, Ba thường cười nửa miệng, bảo: “Đồ xỏ lá! Chính phủ mà cái gì cũng “chú phỉnh”! Dân ăn cơm độn khoai mì năm này qua năm khác mà thằng dân nào cũng cầm trong tay cả bạc triệu, để tưởng mình là triệu phú!” Không thể nào Đoàn hiểu được Ba nói gì và Đoàn cũng không biết triệu phú là gì; nhưng Đoàn lại nhớ những lần mua heo, mua gà, Ngoại phải gánh theo bao tiền bằng con heo hoặc xách theo bó tiền bằng con gà. Những lần Tây đổ bộ, tiếng kẻng trên Tháp Chàm dóng lên rộn rã, bà Ngoại phải gánh theo hai bao bố tiền và cả gia đình “chạy giặc” lên Phú Nhiêu.
Khi Ba thuyên chuyển lên Phú Nhiêu, Mẹ sinh nhỏ Lao và cu Động cùng một lần. Lúc đó Đoàn không biết động từ “sinh đôi”. Ba bảo Ba dự tính sẽ đặt tên đứa em của Đoàn là Trần Lao Động, vì đứa con đầu của Ba Mẹ tên Trần Liên Đoàn! Không ngờ đứa em này lại “đem theo” đứa con gái cho nên Ba phải đặt là Trần Thị Quỳnh Lao và Trần Hữu Động.
Ba anh em phải sống kham khổ với Mẹ trong túp lều tranh, dưới khóm tre già, cạnh mươn dẫn thủy, trong khi Ba phải thi hành công tác xa. Vào mùa Hạ hoặc mỗi khi máy bay Pháp dội bom sập đập nước, mươn dẫn thủy khô cằn, nứt nẻ làm cho những ruộng lúa trong làng khô, những dé lúa lép xẹp, cây lúa không lớn nổi!
Đất khô cằn, vậy mà những lần ghé nhà, Ba cũng đào được mấy cái hầm tròn, hầm hàm hết, dưới gốc khóm tre để Mẹ và anh em của Đoàn trốn máy bay. Nghĩ đến Ba, Đoàn lại buồn vì nhớ Ba. Ba thường đàn Mandolin tình khúc Dứt Đường Tơ của Văn Thủy.
Đã nhớ tiếng đàn Mandoline của Ba thì không thể nào Đoàn quên được tiếng hát buồn buồn của Mẹ mỗi khi Mẹ hát ru nhỏ Lao hoặc cu Động ngủ: “…Mais la nuit, dans tes bras Je m'endors dans tes bras et la tendresse et toi, ne font plus qu'un pour moi…” (1) Tiếng hát của Mẹ chơi vơi, lạc lỏng như số vốn Pháp văn Ba Mẹ dạy cho Động! Mãi đến sau này, khi học trung học, nghe tiếng hát vang dội của Dalida từ rạp xi-nê Minh Châu, Đoàn mới hiểu rõ ý nghĩa và cảm nhận được nỗi niềm của Mẹ thương nhớ Ba!
Kỷ niệm về Ba theo Đoàn vào giấc ngủ, trên lưng đèo Cả, trong chuyến hồi cư về Thành. Những lần chợt thức giấc vì lạnh, Đoàn nghe gió rì rào bên rừng thông và tiếng sóng vỗ rì rào, đều đặn bên ghềnh đá chơ vơ. Thoang thoảng trong gió, Động nghe Mẹ thở dài rồi Mẹ đọc nho nhỏ: “Ai mòn mõi bên chân trời kia nhỉ! Thấy Thu về tựa cửa mong con!...” (2) Nghe giọng buồn buồn của Mẹ, Động biết Mẹ nhớ Ngoại; vì Ngoại vẫn còn ở Tuy Hòa, không dám hồi cư về “vùng tạm chiếm”, vì Ngoại sợ, nếu bị Việt Minh bắt được thì mạng sống của mọi người sẽ không còn!
Đoàn nhớ, những lần từ Phú Nhiêu về Tuy Hòa thăm Ngoại, Ba thường đứng lặng bên cầu Ông Chừ, nhìn những nhịp cầu gãy đổ rồi thở dài. Đoàn cũng nhớ những lần Ba đưa gia đình đi chợ phiên ở Tuy Hòa; đi bằng xe ngựa. Chợ họp ban đêm để tránh bị máy bay Pháp bắn phá. Theo tiếng vó ngựa trên con đường quê lồi lõm, Ba kể rằng: Vào một mùa Thu xa xưa, Ba thoát ly gia đình, theo khán chiến chống Tây. Bà Nội khóc rất nhiều, nhưng người con út của Bà vẫn nhất quyết rời Bà Nội, đưa gia đình ra “vùng khán chiến”.
Mỗi lần nhắc đến Bà Nội, Đoàn thấy mắt Ba xa xăm, hun hút niềm thương nhớ.
Ba thương nhớ Bà Nội đến như vậy, tại sao sáng nay Ba không cùng gia đình về với Bà Nội? Đoàn thắc mắc, nằm co cạnh Mẹ, nhưng không dám hỏi và cũng không thể nào tự giải thích được. Vì Ba ít khi về nhà cho nên Đoàn không có nhiều kỷ niệm với Ba; do đó, tất cả những gì Ba làm khi Ba ghé nhà Đoàn đều nhớ rõ từng chi tiết. Như sáng hôm qua, ở nhà Ngoại, Ba trao Mẹ một vòng đeo tay bằng “inox”. Mẹ khóc. Giọng Ba bùi ngùi: “Em cất để kỷ niệm. Anh làm bằng tay đó, khắc tên anh và em.” Mẹ thút thít: “Em có các con, đủ an ủi rồi. Còn vòng đeo tay có tên hai đứa mình, anh cất đi; sau này mình gặp lại nhau, nếu già, nhìn nhau không ra thì còn vòng đeo tay!” Ba trao chiếc vòng cho Mẹ: “Vậy cũng được; em đeo vào tay trái cho anh”. Sau đó, Ba Mẹ và các em quay quần bên nhau suốt buổi.
Đêm nay, theo tiếng sóng rì rào xa xa, Đoàn nghe tiếng Mẹ thở dài, có lẽ Mẹ cũng thương nhớ Ba! Nhớ đến Ba là nhớ những ngày ăn cháo mướp, cháo bí trừ cơm; vì nhà hết gạo, Mẹ không có tiền mua! Những lần đơn vị làm heo bò bồi dưỡng, Ba nhịn phần thịt, kho khô hoặc rim mặn, đem về cho con. Nghĩ ngợi miên man một lúc, Đoàn chìm vào giấc ngủ trẻ thơ.
Sáng hôm sau đoàn người tiếp tục hướng về Nam. Vừa qua khỏi đỉnh đèo Cả, Đoàn thấy một bãi biển tuyệt đẹp và một chiếc tàu thủy thật to. Mọi người nhốn nháo:
-Đai Lãnh kìa! Có tàu tuần! Có tàu tuần! Treo cờ trắng lên, không thôi nó bắn.
Cả đoàn người không ai có vật dụng gì may bằng vải trắng; vì ai nấy cũng mặc màu đậm để ít bẩn, giặt ít tốn xà phòng và quan trọng nhất là dễ trốn tàu bay. Bất ngờ một cụ già lên tiếng:
-Tôi có cái quân đùi, được không?
Tiếng nhao nhao:
-Bất cứ cái gì, trắng là được.
Cụ già bước vào hốc đá; lúc trở ra trao quần đùi cho mấy người đứng chờ. Một ông xé chiếc quần, lấy một miếng hơi lớn, cột vào cây sậy, đưa cao lên. Đoàn người lủ khủ bước theo.
Qua khỏi bãi biển Đại Lãnh, đoàn người lên một con dốc nhỏ rồi dừng lại trước đồn có ông Tây cầm súng gác. Một ông Tây khác đứng trên “lô cốt”, “trâm” một tràn, không ai hiểu gì cả! Mẹ nói trổng:
-Nó bảo đàn ông ngồi riêng, đàn bà và con nít ngồi riêng.
Mọi người làm theo lời Mẹ. Chỉ một chốc sau, một chiếc GMC chạy đến, dừng cạnh đoàn người rồi một ông Việt Nam nhảy xuống. Ông Tây và ông Việt Nam “bi bô” một chốc, ông Việt Nam bảo đàn bà, con nít lên xe trước. Ông Việt Nam soát mấy người đàn ông thật kỹ rồi cũng cho họ lên xe luôn.
Lần đầu tiên trong đời được đi xe hơi, Đoàn cảm thấy khoái quá! Xe chạy thật lâu rồi dừng trước đồn Vạn Giả. Trong lúc sắp hàng, Đoàn nghe hai ông cãi nhau:
-Thì ông thông ngôn giùm đi. Bà ấy là đàn bà, lại “đèo” ba đứa con, khó khăn lắm.
-Mình không nên để tụi nó biết mình biết tiếng Tây, không tiện. “Elle” có vẻ hiểu biết lắm.
Vừa nói ông này vừa liếc về phía Mẹ. Người kia che miệng:
-Còn vụ Đặng Thế Phong, có thật ông ấy chết ở đèo Cả không?
-Còn phải hỏi! Ai mê Đêm Đông và Giọt Mưa Thu mà không biết “lui” chết ở đèo Cả!
Người kia “hừ” lên một tiếng, có vẻ như nghi ngờ, vừa khi một ông Tây đi ngang, chìa bao thuốc, mời. Hai ông nhạc nhiên, e dè, không dám nhận. Ông Tây phải lấy từng điếu, mời và quẹt diêm cho hai ông đốt thuốc. Thấy bao thuốc màu ngà, có chữ Mic màu đỏ, Đoàn chợt nhớ Ba. Sao ở đây họ sang quá, hút thuốc Mic của Tây; còn Ba phải hút thuốc rê vấn với lá chuối non phơi hơi heo héo một tý!
Tối đến, ông Việt Nam cho biết đoàn người phải ngủ lại Vạn Giả; sáng hôm sau xe GMC sẽ đưa tất cả vào Ninh Hòa. Tại Ninh Hòa, đàn ông bị giam lại để thanh lọc, điều tra. Đàn bà, con nít được đưa thẳng vào Nha Trang.
Hôm sau, xe vừa qua khỏi đèo Rù Rì, Mẹ chỉ ngôi tháp xa xa bên phải, bảo đó là Tháp Bà. Đến chiếc cầu dài, Mẹ chỉ bên trái, bảo đó là Xóm Bóng và cầu này là cầu Xóm Bóng. Xe qua khỏi cầu Xóm Bóng một tý thì đến cầu ngắn hơn, Mẹ bảo đây là cầu Hà Ra. Xe qua khỏi cầu Hà Ra, Mẹ bảo “Nha Trang đây, con!” Không hiểu có phải vì hình ảnh dễ thương Ba thường “vẽ” vào tâm trí từ thời ấu thơ của Đoàn hay không, nhưng khi Mẹ vừa dứt lời, Đoàn hít một hơi dài luồn không khí mát rượi và cảm thấy thương ngay vùng đất lạ, nơi Bà Nội vẫn ngóng chờ người con thân yêu của Bà!
Vòng tay già nua của Bà Nội giúp Mẹ nuôi anh em Đoàn; nhưng tình thương của Bà Nội không thể xóa mờ nỗi buồn khổ thầm lặng của anh em chàng; vì cả ba mang ba tên rất “nặng mùi Đảng”! Về sau, bị bạn bè chế nhạo hoài, Quỳnh Lao đổi tên là Quỳnh Giao.
*********
Cứ sau mỗi cuộc họp hành quân hoặc nhận được lệnh hành quân, Đoàn tự hỏi, nếu trực diện với Ba, mặt đối mặt, Đoàn sẽ phải hành động như thế nào? Không thể nào Đoàn tìm được câu trả lời mà Đoàn chỉ tìm được sự an ủi vu vơ: Với trình độ học thức của Ba, có thể họ sẽ dùng Ba vào nhiệm vụ khác hơn là đưa Ba ra chiến trận.
Niềm an ủi vu vơ đó có thể tạm thời giúp Đoàn quên đi tình cốt nhục để chu toàn trách nhiệm và bổn phận của một sĩ quan thuộc một binh chủng được gọi là “thứ dữ”; nhưng niềm an ủi vu vơ đó không thể ngăn được sự xúc động trong lòng chàng mỗi khi đơn vị của Đoàn thực hiện những cuộc hành quân tại Tuy Hòa. Lần nào cũng vậy, Đoàn cố tìm vết tích gốc cây keo nơi đầu cầu Ông Chừ – nơi Ba thường đứng lặng, phì phà khói thuốc rê, mắt dõi về phương Nam!
Khi đơn vị của Đoàn tham dự cuộc hành quân hỗn hợp tại Vũng Rô – trong tiếng đại pháo rền trời từ các chiến hạm của Hải Quân V.N.C.H. và tiếng súng xối xả của Việt Cộng từ các mõm núi bắn ra – Đoàn quên mất dòng suối với những bó tiền tín phiếu mà bé Đoàn đã thấy năm xưa. Đoàn cẩn thận kiểm soát “con cái” của chàng. Tiếng súng phản công của địch vừa dịu xuống, Đoàn phất tay ra hiệu. Cửa đổ bộ hạ xuống. Đoàn nhảy xuống trước rồi phất tay cho cả đơn vị cùng ùa ra, tiến nhanh vào bờ.
Vì cuộc đổ bộ được thực hiện một cách bất ngờ và chớp nhoáng, Việt Cộng bị rơi vào thế bất lợi! Các đơn vị V.N.C.H. phá hủy hoàn toàn mật khu của Việt Cộng và tịch thu rất nhiều vũ khí hạng nặng.
Chiều đến, từ chiếc trực thăng tải thương, Đoàn vừa vịn vào vết thương nơi vai vừa nhìn về bên kia đèo Cả, lòng bùi ngùi khi thấy lại chân đèo, nơi năm xưa Ba Mẹ đã bịn rịn chia xa!
Không bao giờ Đoàn nghĩ rằng, rồi một ngày, qua chỗ Ba Mẹ chia xa năm xưa, Đoàn bị chở trên một chiếc Molotova cùng với những sĩ quan trang lứa với chàng! Tất cả đến với Đoàn quá đột ngột, quá bạo tàn!
Trong trại tù A30, mỗi ngày sắp hàng để đi lao động, Đoàn thấy quân phục của cán bộ, của quản giáo hoặc của vệ binh không có màu vàng dễ thương như màu lúa chín nữa mà Đoàn chỉ thấy màu quân phục xanh vàng giống màu cứt ngựa.
Trong những năm dở sống dở chết dưới sự trả thù tàn độc của “bên thắng cuộc”, Đoàn không muốn nghĩ đến người Cha không cùng chiến tuyến nữa mà Đoàn chỉ mơ được chén cơm trắng, miếng thịt kho và được trở về ngôi nhà của Mẹ.
Khi bất ngờ được tha, trở về chốn cũ, Đoàn thấy ngôi nhà của Mẹ được dùng làm trụ sở xã! Bước vào trụ sở xã hỏi thăm, cán bộ cho biết bà Châu và Quỳnh Giao ở trong cái chòi cuối vườn cam. Trước khi Đoàn trình diện và đem theo tiền ăn cho... mười ngày – đúng như lời “cách mạng” kêu gọi “Ngụy” quân “Ngụy” quyền – cái chòi đó là nơi bà Châu chứa than, củi và những vật dụng ít dùng.
Đoàn lặng lẽ đi ra vườn cam. Lúc đi ngang sân trước của ngôi nhà cũ, Đoàn hơi chậm bước, nhìn hai chậu bán dạ hương. Đoàn nhớ rõ, cách nay gần bốn năm, Đoàn và Động dừng lại ở bậc cấp thứ ba, cạnh chậu bán dạ hương, quay lui nhìn Mẹ, nhìn em gái và người em rể – vừa bị “bên thắng cuộc” đuổi khỏi quân y viện Nguyễn Huệ!
*******
Tiếng xe lam nổ “bạch bạch” xa xa. Tiếng người phu xe nghe văng vẳng “Đi hôn? Đi hôn?” Đoàn đưa một tay đón xe, tay kia vẫn vịn tấm ván ép. Xe dừng. Tài xế nhìn Đoàn rồi ngạc nhiên reo lên:
-Trời, Thiếu tá! Để tôi phụ với. Thiếu tá mua ván ép chi vậy? Để tấm ván ép lên sàn xe, Thiếu Tá ngồi phía trước với tôi, nhen.
Mấy người trên xe lam vừa co chân lên, có ý nhường chỗ cho tấm ván ép vừa nhìn Đoàn với ánh nhìn đầy thiện cảm. Đoàn từ tốn:
-Không được, chú Tư à! Để tấm ván lên mui xe đi, chú Tư.
-Ôi! Tấm ván ép mà quý giá gì! Để dưới sàn xe, về, lấy chổi quét sạch liền hà, Thiếu Tá.
Đoàn nghiêm giọng:
-Không nên, chú Tư à!
Nghe giọng nghiêm nghị và thấy gương mặt buồn hiu của Đoàn, chú Tư bảo người lơ xe phụ với chú để tấm ván lên mui xe, cột lại. Xe chạy được một đoạn ngắn, liết ngang, thấy nét mặt của Đoàn bớt đăm chiêu, chú Tư gợi chuyện:
-Thiếu Tá về hồi nào, Thiếu Tá?
-Gọi tên tôi thôi, tá tướng gì nữa mà tá!
-Dạ, bị quen miệng rồi. Thiếu Tá về luôn hay là…
Chú Tư mới nói ngang đó, Đoàn đáp ngay:
-Về luôn.
-Chà, Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến mà đi tù chưa tới năm năm là hên đó. Tôi thấy nhiều sĩ quan chỉ làm ở Quân Cụ hoặc Trợ Y thôi mà tới giờ chưa được về đó, Thiếu Tá.
-Mẹ tôi ủng hộ “nhà nước” ngôi nhà và vườn cam cho nên tụi nó cho tôi về; thằng Động, em tôi, vẫn còn trong tù!
-Hèn gì nghe lối xóm nói Bà Cụ đã dọn ra nhà kho mà tôi chưa rảnh để ghé thăm. Ủa, Bà Cụ ủng hộ nhiều vậy mà sao Đại Úy Động chưa được về?
-Làm sao tôi biết được, chú Tư!
Im lặng! Ngày trước chú Tư là Nghĩa Quân, bị thương trong lần Việt Cộng tấn công đồn. Sau khi được giải ngủ, chú Tư chăm sóc vườn cam cho bà Châu. Thấy Đoàn im lặng hơi lâu, chú Tư lại gợi chuyện:
-Thiếu Tá mua ván ép tính sửa nhà kho cho Bà Cụ, phải không, Thiếu Tá?
-Không, để đóng quan tài cho con Quỳnh Giao!
Chú Tư giật mình, bớt tay “ga”, quanh nhìn Đoàn:
-Hả? Trời! Tại sao vậy, Thiếu Tá?
-Thằng chồng của con Quỳnh Giao bị thương nặng trong trận Khánh Dương, được đưa về quân y viện Nguyễn Huệ chữa trị. Khi Việt Cộng vô, Việt Cộng đuổi tất cả thương binh ra khỏi nhà thương. Nghe tin, Quỳnh Giao vội đến nhà thương Nguyễn Huệ thì thấy, chồng nó – cũng như tất cả thương bệnh binh – kẻ bò, người lết dọc theo hai bên đường! Quỳnh Giao, cũng như nhiều gia đình thương bệnh binh khác, đem chồng nó về nhà. Chỉ vài ngày sau, vì không có thuốc than chữa trị, chồng nó chết! Chưa mãn tang chồng, Quỳnh Giao bị một thằng công an theo đuổi, dụ ngon dụ ngọt là nếu Quỳnh Giao lấy nó thì nó sẽ làm mọi cách để bảo bọc Quỳnh Giao và Mẹ tôi; ngược lại, nếu Quỳnh Giao không lấy nó thì nó sẽ đề nghị Trên bắt Quỳnh Giao và Mẹ tôi đi kinh tế mới ngay. Con nhỏ quẩn trí, mua thuốc giết chuột, uống!
Chú Tư thở dài, im lặng. Đến nơi chú Tư dừng xe ngay đường mòn dẫn vào nhà kho của bà Châu rồi chíp miệng:
-Tội nghiệp cho gia đình của Thiếu Tá quá! Tôi đem xe về trả rồi tôi qua ngay, phụ với Thiếu Tá. À, Thiếu Tá có cưa, đinh, kềm, búa gì không?
-Không. Chú có gì đem cho tôi mượn, nha, chú Tư.
Chú Tư “dạ” rồi rồ xe, chạy. Đoàn ì ạch vác tấm ván ép đi theo đường mòn bên hè nhà cũ của bà Châu, vào sâu trong vườn cam. Những trái cam vàng hườm, bóng lưởng, lủng lẳng trên cành thật tương phản với bao tử lép xẹp và tâm hồn héo khô của Đoàn.
Bà Châu bơ phờ ngồi ngang ngạch cửa. Gió lùa từng khóm tóc bạc lòa xòa trên gò má nhăn nheo. Đoàn nhìn Mẹ, thấy nước mắt vẫn còn đọng nơi khóe mắt của Mẹ. Bà Châu hỏi:
-Con có mua vàng bạc, đèn cầy cho em không, con?
-Dạ, tiền không đủ mua tấm ván ép; dì Bảy cho thiếu chịu, bao giờ mình đi kinh tế mới, Dì sẽ gỡ vài tấm “tôn” trừ nợ. Cũng may, con gặp xe lam của chú Tư, chú không lấy tiền; nếu gặp xe lạ, con cũng không biết làm sao, chắc phải làm lơ xe cho họ để trừ!
Bà Châu thở dài, quẹt nước mắt, trở vào ngồi bên xác con. Đoàn để miếng ván dựa vào gốc cây cam, nhìn tới nhìn lui rồi đi vào nhà kho, giăng ngón trỏ và ngón cái để đo xác của Quỳnh Giao. Đoàn bước ra gốc cam vừa khi chú Tư trở lại với những dụng cụ cần thiết. Thấy Đoàn có vẻ đắn đo, suy nghĩ, chú Tư hỏi:
-Sao? Thiếu Tá tính gì đó?
-Chắc hụt, chú Tư à.
-Chà, hụt nhiều không, Thiếu Tá?
-Thiếu một tấm ngang.
-Cha! Quan tài mà hụt, khổ quá! Hay là Thiếu Tá ra mua nửa tấm nữa.
-Mua một tấm mà còn thiếu chịu; ai bán thêm nữa mà mua!
Chú Tư thở ra, chưa biết cách nào giúp Đoàn thì Đoàn nhìn quanh, vẻ chán nản. Bất ngờ Đoàn chỉ lên vách, tiếp:
-A, cạy tấm ván chỗ đó, cưa ra, chắp lại, chắc đủ đó, chú Tư.
Nhìn theo ngón tay của Đoàn, chú Tư nhăn mặt:
-Ai lại làm vậy! “Nghĩa tử nghĩa tận”, phải có miếng ván đàng hoàn chớ ai lại lấy ván mục. Hơn nữa, lấy miếng ván đó thì chỗ đâu cho bà Cụ và Thiếu Tá che nắng, đụt mưa?
-Chúng tôi không có nguồn lợi tức, có lệnh đi kinh tế mới rồi, sá gì cái chòi này nữa, chú?
Cả hai hì hục cưa xong tấm ván ép, chú Tư hỏi:
-Khăn, áo liệm, Thiếu Tá lo hết rồi, phải không?
-Lấy gì mua vải xé khăn cho nó, chú? Mẹ tôi bảo mua đèn cầy và vàng bạc mà tôi còn không mua nổi! Lúc nãy may mà chú không lấy tiền xe lam, nếu chú lấy có lẽ tôi phải khất, chờ lo đám tang cho em tôi xong, tôi làm lơ xe cho chú, trừ nợ!
Vừa lấy tiền từ túi quần, chú Tư vừa chíp miệng:
-Thiệt, thời bao cấp này còn tệ hơn chính sách “bần cùng hóa nhân dân” thời Việt Minh nữa!
-Chú còn trẻ, làm sao biết chính sách “bần cùng hóa nhân dân” của tụi nó được?
-Ông Già của tôi kể lại.
Đoàn cười buồn. Chú Tư đưa tiền cho Đoàn, thúc:
-Để tôi đóng. Thiếu Tá chạy đi mua vải đi. Kệ, mình nghèo thì nghèo từ ngày tụi nó vô đây chứ mới nghèo đây sao mà sợ, Thiếu Tá!
Không khách sáo gì cả, Đoàn cầm tiền:
-Cảm ơn chú Tư. Dù trôi dạt chân trời, góc biển nào, tôi cũng sẽ trả lại chú số tiền này.
Khi trở về, Đoàn bảo:
-Chú Tư! Tôi ghé trụ sở xã, gặp Trung Úy Trụi, xin giấy phép chôn cất. Tên Trụi bắt tôi phải đóng tiền phạt về cái chết của em tôi!
-Trời đất quỹ thần! Từ đâu mà tụi nó bày ra tiền phạt người chết vậy?
-Tên Trụi bảo rằng nước nhà thống nhất, miền Nam được “giải phóng dzồi”, mọi điều đều có đảng và nhà nước “no”, tại sao phải tự tử? Sau khi tôi đóng tiền phạt, tên Trụ lại bảo hôm nay có phái đoàn từ Hà Nội vào tham quan, mai mới cấp giấy phép được.
-Cha, sao vậy cà? Hồi xưa giờ mình coi ngày giờ tốt để hạ huyệt; bây giờ phải chờ giấy phép rủi gặp ngày giờ xấu thì sao?
-Tụi vô thần mà, ai biết được!
Đoàn đem vàng bạc, nhan, đèn và miếng vải trắng vào để bà Châu làm khăn tang cho Động; vì Động chết trước, chưa kịp để tang cho Mẹ! Lúc trở ra, Đoàn nghe chú Tư than:
-Tội nghiệp, bà Cụ già cả, hiền lành, sao gặp chuyện buồn không hà!
Đoàn nhìn ra xa, giọng như tự than:
-Trong trái tim của Mẹ tôi có hình bóng ba người đàn ông thân yêu nhất trong đời. Hai người như dòng động mạch, mang dòng máu trong lành đi khắp châu thân của Mẹ; một người như dòng tĩnh mạch, mang lượng máu đen về, làm rã rời tim Mẹ!
Không thể nào chú Tư hiểu được câu nói của Đoàn. Chú Tư sắp mấy tấm ván ngay ngắn rồi trao Đoàn cái búa:
-Để tôi ráp. Thiếu Tá ra bếp gỡ tấm ván đi; gỡ xong, mình cưa, ráp luôn một thể.
Đoàn lẳng lặng cầm búa bước đi. Nghe tiếng bà Châu khóc tức tưởi bên kia vách, Đoàn chợt nhớ và không hiểu tại sao mấy hôm nay chưa một lần chàng khóc em! Đoàn cố nhẹ tay và lựa thế để tấm ván cũ không bị bể. Vừa nạy xong tấm ván, Đoàn nghe tiếng chân người chạy rồi tiếng hét:
-Phá hoại tài sản nhân dân! Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!
Đoàn ngơ ngác nhìn quanh, thấy hai tên công an chạy tới, theo sau là đám trẻ con. Đoàn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì một tên công an chỉ vào mặt Đoàn:
-Anh kia! Ai cho anh phá hoại tài sản của nhân dân, hả?
Đoàn sửng sốt:
-Vườn cam Mẹ tôi ủng hộ nhà nước; ngôi nhà lớn Mẹ tôi ủng hộ “cách mạng” làm trụ sở xã, còn cái chòi này…
Tên công an cướp lời Đoàn:
-Anh thật chả hiểu biết gì cả mà còn “ný nuận”! Đã cải tạo mấy năm mà vẫn chưa thấm nhuần tinh thần “cách mạng”! Mai mốt cụ Bà đi kinh tế mới, nhà này không thuộc về nhân dân thì thuộc về ai, hả?
-Nhưng bây giờ tôi cần một tấm ván để ghép quan tài cho em tôi!
Tên công an kia xía vô, luận điệu “tam vô”:
-Ôi, chết “nà” hết, chôn bằng gì chả được! Ở trại cải tạo anh thấy có ai chết được chôn bằng chiếu hay không chứ đừng nói đến quan tài!
Đoàn nghiến răng, nhìn hai tên công an rồi bất chợt Đoàn cất tiếng hát – như một người điên – ca khúc mà ngày xưa ở liên khu V chính trị viên thường tập cho trẻ em hát để nuôi căm thù: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn! Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi quyết phen này sống chết mà thôi! Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành ... bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình…”(3)
Nhận ra bài ca này là của “bên thắng cuộc”, hai tên công an hơi nhạc nhiên, chưa phản ứng kịp thì chú Tư run quá; vì chú Tư nghĩ Đoàn bị điên thật! Đoàn từ từ gục xuống, bậm tay đấm vào thân cây cam, gào lên:
-Anh em tao bị tù đày. Em gái tao, em rể tao chết. Mẹ tao phải ở nơi nhà kho này, đủ cực khổ bần hàn chưa? Bao nhiêu lợi quyền đã qua tay chúng bay rồi, chưa đủ, hả?
Lúc này hai tên công an mới hiểu thâm ý mỉa mai khi Đoàn hát một bài của “cách mạng” để lên án “cách mạng”. Một tên quát:
-Địt mẹ! Câm mồm ngay! Muốn đi cải tạo “nại” hả?
Nghe ai ca mấy câu trong một bài của Việt Minh rồi lại nghe cãi nhau, bà Châu che cặp mắt sung vù, bước ra. Thấy dáng Đoàn rũ rượi và đôi mắt đầy thống hận, bà Châu can ngăn:
-Đoàn ơi! Thôi đi, con!
Không để ý đến lời của Mẹ, Đoàn bậm môi, nhìn hai tên công an với thái độ khinh khỉnh, chưa kịp nói gì thì trung úy Trụi cùng toán công an chạy đến, khoát tay cho đám trẻ con và mọi người:
-Im! Phái đoàn của Thượng Tá đang tham quan, sắp đến rồi. Im hết!
Một toán công an và bộ đội ôm súng, đi chầm chậm hai bên xe. Trên xe, cạnh tài xế là một Thượng Tá cao niên, vóc dáng gầy gò, gương mặt khắc khổ, cằn cỗi như lòng mương dẫn thủy ở Phú Nhiêu dạo nào!
Xe từ từ chạy đến. Trung Úy Trụi và nhóm công an đưa tay chào. Chiếc xe bỗng dừng lại, Thượng Tá bước xuống, đến trước mặt trung úy Trụi khiến trung úy Trụi mất bình tĩnh, mặc xanh mét. Với giọng Trung nhẹ nhàng, Thượng Tá chỉ vườn cam chi chít trái:
-Vườn cam của ai mà sai trái quá! Trung úy về viết giấy khen gửi cho người “sở hữu” vườn cam này. Phải chính trị như vậy nhân dân mới “hồ hởi”, phấn khởi tăng gia sản xuất.
Vừa nói Thượng Tá vừa mỉm cười vừa gật gù ra vẻ rất hài lòng về chuyến tham quan này.
Gương mặt của Thượng Tá đã nhuốm phong trần nhưng giọng nói đó, sóng mũi cao và vừng trán đó khiến bà Châu cảm thấy run tay, mất bình tĩnh. Bà Châu chưa biết phản ứng như thế nào thì trung úy Trụi chỉ bà Châu:
-Thưa Thượng Tá, vườn cam của cụ Châu đây. Cụ Châu đã tình nguyện(!) ủng hộ “cách mạng” vườn cam và ngôi nhà. Cụ rất xứng đáng được nhận giấy khen của ủy ban nhân dân cách mạng xã.
Thượng Tá nhìn bà Châu. Bốn mắt nhìn nhau. Bà Châu run rẩy cầm tay Đoàn, gọi khẽ “Đoàn ơi!” Đoàn cũng vừa nhận ra nhân dáng và giọng nói của người Cha sau mấy mươi năm xa cách. Vội nhìn vào tay trái của Thượng Tá để xác định, Đoàn thấy chiếc vòng bằng “inox” ngày xưa Mẹ đeo vào tay Ba vẫn còn đó. Thượng Tá, bà Châu và Đoàn đều ngỡ ngàng, lúng túng nhìn nhau. Bất ngờ bà Châu kéo tay Đoàn, giọng đanh lại, nói lớn:
-Thứ “cõng rắn cắn gà nhà”! Quân ăn cướp chứ giải phóng cái gì! Đi, Đoàn! Đem tấm ván tới lo đóng quan tài cho em!
Đoàn bước theo Mẹ, nhưng quay lui nhìn Ba. Những nhánh cam gai gốc che khuất khuôn măt sững sờ của Thượng Tá!...
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
1.- Je M'endors Dans Tes Bras - Dalida lyrics
2.- Của Cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ
3.- Quốc Tế Ca, được phổ biến trong các nước Cộng Sản; lời Việt của Đỗ Minh
No comments:
Post a Comment