Thursday, July 26, 2018

4 “vũ khí” quan trọng của Tàu trong chiến tranh thương mại với Mỹ



Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục "nóng" khi Tổng thống Donald Trump dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.

Theo hãng tin CNBC, nếu Mỹ hành động đúng như những gì ông Trump dọa, Trung Quốc khó có thể đáp trả tương xứng, bởi trong năm 2016, Trung Quốc chỉ nhập khẩu có 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng làm cho Mỹ "điêu đứng" bằng các biện pháp phi thuế quan.
"Trung Quốc có một kho vũ khí lớn hơn nhiều so với Mỹ", bà Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu của Invesco, phát biểu. "Thuế quan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà Trung Quốc có".
Dưới đây là 4 "vũ khí" phi thuế quan mà Trung Quốc có thể sử dụng trong chiến tranh thương mại với Mỹ được CNBC điểm qua:
Dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ
Trung Quốc hiện là quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất. Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố vào tháng 6, lượng nắm giữ trái phiếu, tín phiếu và hối phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc vào thời điểm cuối tháng 4 đứng ở mức 1,18 nghìn tỷ USD. Giống như các nhà đầu tư khác, Trung Quốc xem trái phiếu kho bạc Mỹ là một kênh đầu tư an toàn và vững chãi.
Tuy nhiên, nếu cảm thấy Mỹ "quá đáng", Chính phủ Trung Quốc có thể dừng mua hoặc thậm chí bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ - một hành động có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ. "Đó thực sự là một lựa chọn hạt nhân", bà Hooper phát biểu.
Nếu Trung Quốc bán ồ ạt trái phiếu Mỹ, giá tài sản này sẽ sụt giảm và lợi suất tăng lên. Chính phủ Mỹ và các công ty Mỹ sẽ phải trả mức lãi suất vay vốn cao hơn khi phát hành nợ.
Có nhiều lý do để Trung Quốc không sử dụng đến "vũ khí" này - trong đó có việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ suy giảm giá trị, và không có nhiều kênh đầu tư thay thế khác để Trung Quốc rót vốn. Tuy nhiên, nếu thực sự cần để khiến Mỹ cảm thấy "đau", Trung Quốc hoàn toàn có thể dừng mua hoặc bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ.
"Hiện nay, Chính phủ Mỹ đang thâm hụt ngân sách ở mức cao, nên một hành động như vậy sẽ gây sức rất lớn", bà Hooper nhận định. Theo số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), thâm hụt ngân sách của Mỹ dự kiến sẽ lên mức 804 tỷ USD trong tài khóa 2018.
Phá giá đồng Nhân dân tệ
Nếu thực sự muốn khiến ông Trump phải "dè chừng" và làm cho các biện pháp thuế quan của Mỹ trở thành "chuyện nhỏ", Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ. Trên thực tế, đây có thể là công cụ tốt nhất mà Trung Quốc có để đấu với Mỹ.
"Tiền tệ là đòn bẩy hiệu quả nhất để bù đắp lại ảnh hưởng của thuế quan", nhà quản lý tài sản Salman Baig thuộc công ty Unigestion ở Geneva, Thụy Sỹ, phát biểu.
Nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá 8%, thì với thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc, giá hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chỉ tăng 2%. Từ tháng 3 đến nay, Nhân dân tệ đã giảm giá hơn 8% so với USD.
Ngoài việc trực tiếp phá giá Nhân dân tệ, Trung Quốc còn có thể hạ lãi suất, khiến tỷ giá đồng nội tệ giảm sâu hơn. Tuy nhiên, ông Baig cho rằng Bắc Kinh sẽ chẳng cần phải hành động nhiều, bởi sự giảm giá Nhân dân tệ sẽ là một hệ quả tự nhiên của việc Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc bị Washington đánh thuế càng nhiều, thì Nhân dân tệ càng mất giá.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng không muốn đồng tiền của mình mất giá quá xa, quá nhanh, vì điều đó có thể gây thách thức cho nền kinh tế.
"Điều mà Trung Quốc không muốn là tỷ giá biến động nhiều", ông Baig nhận định. "Nhưng họ sẽ rất vui nếu Nhân dân tệ giảm thêm 2-5% nữa, miễn là sự giảm giá đó diễn ra có trật tự".
Gây khó dễ cho các công ty Mỹ
Trung Quốc có thể tẩy chay du lịch Mỹ hoặc hàng hóa Mỹ - theo ông Gerardo Zamorano, Giám đốc công ty đầu tư Brandes Investment Partners.
Năm ngoái, khi Hàn Quốc triển khai lá chắn tên lửa Mỹ, các công ty Hàn Quốc đã điêu đứng vì bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay. Vào năm 2016, khi Hồng Kông nổ ra phong trào biểu tình đòi Bắc Kinh trao thêm quyền độc lập, lượng du khách đại lục tới vùng lãnh thổ này đã sụt giảm chóng mặt.
"Điều này có thể xảy ra với những công ty như McDonald’s hay Burger King, vốn là biểu tượng của Mỹ", ông Zamorano nói.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể gây khó dễ cho các công ty Mỹ muốn chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc, người Mỹ muốn xin visa Trung Quốc, tăng cường giám sát các công ty Mỹ, đánh thuế một số lĩnh vực nhất định, thực hiện các cuộc điều tra chống độc quyền…
"Nhiều công ty Mỹ sẽ bị rơi vào diện tăng cường giám sát, khiến công việc kinh doanh của họ gặp trở ngại", ông Hooper nhận định.
Cô lập Mỹ
Trong lúc quan hệ thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, Trung Quốc có nhiều cử chỉ thân mật với châu Âu, và cũng đã tiến hành đàm phán thương mại với Canada.
Nếu muốn, Trung Quốc cũng có thể gia nhập Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP 11, thỏa thuận với 11 nước thành viên sau khi ông Trump rút lui. "Thử tưởng tượng xem nếu Trung Quốc quyết định gia nhập. Đó sẽ là một thỏa thuận thương mại toàn cầu quy mô lớn", ông Baig nói.
Đây sẽ là một cuộc chơi dài hạn, và các thỏa thuận thương mại không phải muốn là có ngay, nhưng theo ông Baig, cách làm này sẽ là cách hiệu quả nhất đối với Trung Quốc.
Mỹ hiện cũng đang có quan hệ thương mại căng thẳng với Canada, châu Âu, và nhiều quốc gia khác, nên các nước này càng dễ dàng thiết lập các liên minh thương mại mới và để Mỹ đứng ngoài.

VT chuyen

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...