Tuy nhiên, trong tháng Sáu 2018, khi các làn sóng biểu tình trên cả nước có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ, phe ủng hộ chính phủ bắt đầu sử dụng tin tức giả như một công cụ tuyên truyền đặc biệt và rất có hiệu quả.
Ví dụ, tin tức hoàn toàn bịa đặt về vụ việc hai cảnh sát cơ động bị người biểu tình ném bom xăng đến chết, và thông tin công ty Pouyuen sa thải 4.000 công nhân Việt Nam, được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Vì vậy, dù cộng đồng mạng nhiều lần lên tiếng giải mã đó là các tin không xác thực được các trang không chính thống đưa ra nhưng tác động tiêu cực mà những tin giả này gây ra đối với phong trào biểu tình là chuyện đã rồi.
Điều này cho thấy việc sử dụng thông tin, tin tức giả tại Việt Nam không thể mặc định là dính liền với những kênh thông tin đối lập.
Vậy nên, nếu trong một chương trình thời sự nào đó, khi nghe các phát thanh viên khuyên bảo “người dân phải và chỉ nghe tin tức từ các trang thuộc chính phủ, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, không nghe theo những tin tức từ những nguồn không chính thống”, thì chúng ta nên tự đặt câu hỏi, là liệu những trang thông tin không chính thống đó có phải là nguồn tin giả hay không?
Với bài viết này, tôi hy vọng sẽ vẽ ra được lằn ranh mỏng manh giữa tin tức giả và tin tức “không chính thống” ở Việt Nam.’
Làn sóng tin tức giả trên thế giới và Việt Nam
Tin tức giả không phải điều gì mới mẻ trên thế giới.
Vào tháng 6 năm 1993, tờ Weekly World News từng đưa lên trang bìa dòng tiêu đề “Hillary Clinton nhận nuôi đứa trẻ người ngoài hành tinh” (“Hillary Clinton Adopts Alien Baby.”) Một tiêu đề nhảm nhí và phi lý. Tuy nhiên, những dòng tin từng khiến người ta nhướng mày, lắc đầu cách đây vài thập kỷ hiện nay đang bắt đầu tìm thấy tầm ảnh hưởng khó tin của nó.
Thống kê về chia sẻ tin tức trên Facebook trong suốt quá trình bầu cử Hoa Kỳ cho thấy, khoảng 20 tin tức bầu cử giả đã được chia sẻ, “like” và bình luận tới 8,7 triệu lượt. Thêm vào đó, có đến 6 trên 9 độc giả chia sẻ những tin này mà không cần nhấp vào đọc tin trước.
Những loại tin giả như thế này thậm chí còn dẫn đến đe dọa bạo lực, mà đáng kể nhất chính là vụ ‘Pizzagate’.
Được chia sẻ bởi các trang mạng, nhóm chính trị thuộc phe cực hữu (alt-right), Pizzagate dựng nên một thuyết âm mưu xoay quanh cáo buộc Hillary Clinton và John Podesta – một trong những nhà tài trợ hàng đầu của bà Clinton và cũng là giám đốc chương trình bầu cử của bà, đang vận hành một đường dây buôn người và trẻ em, ẩn mình trong một số chuỗi nhà hàng Pizza, như Ping Pong Comet.
Tuy nhiên, cách mà loại tin này ra đời cũng vô cùng khoa học và có trình tự.
Ngày 30 tháng 10 năm 2016, một tài khoản Twitter ảo tự nhận mình là luật sư gốc Do Thái đang làm việc tại New York đăng tải thông tin được cho là của Sở Cảnh sát New York ghi nhận rằng họ đã phát hiện một đường dây ấu dâm chuyên phục vụ cho nhiều thành viên Đảng Dân chủ.
Đến đầu tháng 11 năm 2016, nhiều người dùng mạng phát hiện một số thư điện tử của Podesta bị WikiLeakscông bố có những ám hiệu, ẩn ngữ thường được dùng để nói về giới ấu dâm và các đường dây buôn người.
Hai thông tin được YourNewsWire tổng hợp, sau đó được nhiều trang web ủng hộ ông Trump thêm thắt, như SubjectPolitics.com. Thông tin cuối cùng được loan tải cho rằng Hillary và John đang vận hành đường dây ấu dâm nói trên. Nhiều trang như Conservative Daily Post còn khẳng định chắc nịch rằng tư gia của bà Hillary đã bị cảnh sát New York lục soát, và rằng FBI cũng đã lên tiếng công nhận sự việc.
Tin tức giả, như ví dụ trên, có thể hiểu là những tin tức hoàn toàn sai sự thật, dù có thể được xây dựng dựa trên một vài dữ kiện có thật. Tuy nhiên, “fake news” được cho là phức tạp hơn thế nhiều. Theo phân tích của Claire Wardle, có thể chia tin tức giả thành sáu nhóm chủ yếu:
Nhóm liên kết giả tạo (false connection): Tức tiêu đề, hình ảnh hay phụ đề cho một bài báo không hề liên quan gì đến nội dung bài báo đó.
Nhóm ngữ cảnh giả tạo (false context): Thông tin có thật nhưng được đặt trong một bối cảnh giả tạo, cắt ghép. Clip người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận tiền hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể bị biến thành clip phản động nhận tiền biểu tình của Việt Tân là một trong những ví dụ cụ thể nhất.
Nhóm nội dung bị thao túng (manipulated content): Hình ảnh, thông tin thực, nhưng bị thao túng để truyền tải một thông điệp khác. Có thể lấy việc cắt xén bài phát biểu của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt về hộ chiếu Việt Nam từ những năm 2008, biến bình luận chân thật và có tính xây dựng của ông trở thành câu nói “mang hộ chiếu Việt Nam rất nhục nhã” là minh chứng cụ thể.
Nhóm nội dung nhằm gây hiểu lầm (misleading content): Tin tức hình ảnh thật, nhưng không đầy đủ và khiến người tiếp nhận hiểu nhầm.
Nhóm tin tức giả danh (imposter content): Tức giả danh các hãng truyền thông đáng tin cậy để đưa tin thất thiệt.
Nhóm tin tức giả tạo hoàn toàn (fabricated content): Những tin tức không đúng sự thật, được thiết kế để làm sai lệch sự kiện, tác động tâm lý người tiếp nhận và gây thiệt hại cho công cộng.
Với những dạng thông tin nói trên, không khó để mọi người đều đi tới một đồng thuận chung rằng, tin tức giả là một căn bệnh cho xã hội hiện đại và cần được xử lý triệt để.
Sự thật về tin tức “không chính thống”
Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, theo cách hiểu của phương Tây, tin tức giả và tin tức “không chính thống” không đồng nghĩa với nhau.
Nguồn tin không chính thống thường được liên hệ với mô hình các phương tiện truyền thông thế hệ mới (new media), bao gồm những cách thức truyền tải thông tin mới như blog, youtube, trang cá nhân trên mạng xã hội và những trang tin tức trực tuyến. Sức mạnh của thế hệ mới rõ ràng đang lấn át và thậm chí thay thế dần hệ thống truyền thông đại chúng đời cũ như báo giấy, truyền hình và đài phát thanh.
Điểm đặc biệt cần lưu ý là phương tiện truyền thông thế hệ mới không vi phạm pháp luật nước ngoài, điều này được thể hiện trong án lệ Apple v. Does mà Luật Khoa từng có cơ hội phân tích. Truyền thông đại chúng, vì vậy, buộc phải thích nghi và cạnh tranh sòng phẳng với các mô hình thông tin thế hệ mới.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tin tức không chính thống dù cũng là các phương tiện truyền thông thế hệ mới, đều bị xem là không phù hợp với quy định pháp luật hiện nay.
Về lý thuyết, chỉ những cơ quan, tổ chức do chính phủ Việt Nam ấn định, cấp phép mới được phép mở báo. Nhiều người cho rằng yêu cầu này là chính xác, vì truyền thông, tin tức không phải là chỗ để ai cũng có thể mở, ai cũng có thể đưa tin.
Mỉa mai thay, ông Nguyễn Ái Quốc đã dành gần 20 năm bôn ba ở nước ngoài để chỉ trích chính cái điều này.
“Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay vǎn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.”
Những lời của Nguyễn Ái Quốc cho thấy ông ủng hộ tin không chính thống hơn cả những thông tin chính quy do chính quyền phê duyệt, đặc biệt khi những thông tin chính quy chỉ tập trung ca tụng công ơn nhà cầm quyền và ru ngủ dân chúng.
Những trang thông tin dù ở thời đại nào vẫn cần có trách nhiệm với uy tín và niềm tin của người đọc. Thế nhưng, báo chí không nên phải gánh chịu trách nhiệm trước đòn roi của các đảng phái chính trị.
Báo chí phải được hoàn toàn thoải mái bày tỏ quan điểm trước những sự thật mất lòng. Báo chí nên ở vị trí có thể nói những thứ không thể nói được trong môi trường chính trị. Họ không cần phải tìm kiếm phiếu bầu, mà cũng không cần phải quan tâm đến môi trường học thuật.
Những điều trên yêu cầu một thế hệ nhà báo xuất thân từ một môi trường khác, sống một cuộc đời khác. Và các nhân tố truyền thông thế hệ mới tại Việt Nam rõ ràng đang làm xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Về việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, báo chí chính thống nhiều lần khẳng định ông này đầu thú và tự nguyện bay về Việt Nam từ Đức và VTV cũng trình diễn phần phỏng vấn ông Thanh không lâu sau đó.
Thế nhưng, những người theo dõi hệ thống tin tức không chính thống của “thế lực thù địch” đều biết rằng ông này bị mật vụ Việt Nam bắt cóc. Nhiều người Đức gốc Việt và các quan chức Việt Nam tham gia lên kế hoạch cuộc bắt bớ này đều bị đưa vào tầm ngắm của giới chức trách Đức.
Sự thật? Phe “đài địch” đưa tin chuẩn hơn cả.
Hay về Luật An ninh mạng và Dự luật về Đặc khu. Báo chí chính thống luôn ca ngợi rằng hai dự luật này là thật sự cần thiết để phát triển kinh tế, bảo vệ trật tự trị an và an ninh quốc gia.
Nhưng những nguồn thông tin của báo chí không chính thống cho độc giả cái nhìn đa chiều hơn. Họ nhắc đến “quốc gia láng giềng chung đường biên giới với tỉnh Quảng Ninh”. Họ thông tin và phân tích thành quả 99 năm của Trung Quốc tại Sri Lanka, tại Châu Phi. Họ chỉ ra khả năng công an, an ninh có thể lấy thông tin của bạn chỉ với một mảnh văn bản mà không cần trát của tòa hay viện kiểm sát. Họ tạo cơ hội cho những trí thức kinh tế có diễn đàn (và động lực) để bày tỏ quan điểm.
Sự thật? Không có sự thật. Nhưng ít ra sự đa nguyên của tin tức không chính thống giúp độc giả hoài nghi những lời ca tụng. Và đó cũng là điều tốt.
Còn rất nhiều câu chuyện để chứng minh sự cần thiết của tin tức không chính thống trong thế giới tin tức đúng “định hướng lãnh đạo” của đảng và nhà nước.
Nhưng có thể khẳng định rằng tin của “đài địch”, tin tức không chính thống, không phải lúc nào cũng là tin giả. Ngược lại, tin lề phải, tin ủng hộ chính quyền không phải bao giờ cũng là thật.
Nguyễn Quốc Tấn Trung
nguồn: luatkhoa.org
Làm thế nào để phân biệt tin giả (fake news)?
Lê Anh Tuấn
1. Fake news là gì?
Nói ngắn gọn, fake news là tin giả, tin vịt, tin chưa kiểm chứng. Nếu một ngày, bạn thấy trên Newsfeed của mình xuất hiện những tin giật gân rẻ tiền kiểu như "2 nữ sinh bắt cóc cưỡng hiếp thanh niên cho đến chết" (https://goo.gl/piJiFe), hay video clip quay cảnh “Cô hàng nước lấy nước rửa chân bán trà đá” (https://goo.gl/931Az4), thì đó chính là fake news. Những hình ảnh đau xót thương tâm, những phương pháp trị bệnh nan y dễ dàng mà không dùng thuốc, những câu chuyện chính trị mang tính kích động.v.v...là những chủ đề ưa thích của fake news. Đơn giản là bởi vì nó đánh vào cảm xúc bồng bột của người xem, dễ được Like/Share dễ câu tương tác. Nói ngắn gọn theo ngôn ngữ Marketing thì có nghĩa là dễ “Go viral”.
2. Fake news có xấu không?
Có. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên bùng nổ của fake news, khi mà sự sa sút của báo chí truyền thống phải nhường sân chơi cho mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc, vì những mục tiêu hết sức cá nhân (câu Like/view, bán hàng, kiếm fame.v.v…) mà người ta sẵn sàng bịa ra bất cứ chuyện gì có thể. Rồi cũng chính từ những thứ hoang đường bịa đặt đó, những thảm kịch của thế giới thật có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhanh đến chóng mặt. Ở Việt Nam, đó là cả một làng xông vào đánh đập, đốt cháy xe ô tô của một người vô tội, chỉ vì nghi anh ta biết “thôi miên, bắt cóc”. (xem ảnh 1).
Ở Mỹ, đó là một người đàn ông từ bang North Carolina, phóng xe tới tận một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington D.C với một khẩu súng trường, để tự điều tra về vụ “đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến bà Hillary Clinton”. (Xem ảnh 2). Chưa hết, nhờ đọc nhầm fake news, một bộ trưởng Pakistan đã đe dọa sử dụng hạt nhân với Israel. Cho đến tận ngày hôm nay, 2 năm sau khi Trump nhậm chức, nhiều người Mỹ vẫn còn cay cú về việc “vì fake news mà nước Mỹ đã chọn nhầm tổng thống”.
3. Facebook, A.I, và câu chuyện fake news
Khi Mark Zuckerberg tạo ra Facebook từ ký túc xá của ĐH Havard, ông ấy có tham vọng “dân chủ hóa” báo chí, cho phép bất kỳ ai cũng có thể trở thành phóng viên và đưa tin trung thực, khách quan theo đúng góc nhìn của mình.
Nhưng ông ấy đã không lường trước được chuyện vì những tư lợi cá nhân, người ta sẽ tạo ra hàng tỉ những tin tức bịa đặt nhảm nhí, và khiến mạng xã hội Facebook yêu quí của Mark bị gọi trại đi một cách châm biếm thành “FAKEbook” (“cái ổ của fake news”). Trong một nỗ lực lấy lại lòng tin cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh, Mark Zuckerberg đang cố gắng phát triển những con A.I (trí tuệ nhân tạo) có khả năng phân biệt fake news và thanh lọc nó khỏi mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là nếu chính bản thân chúng ta đã thụt lùi đến mức không còn khả năng để suy xét phân biệt đúng sai, và phải nhờ đến máy móc để làm việc đó, thì có phải chúng ta đang đánh mất chính mình, với tư cách là một giống loài có trí khôn và lương tri hay không?
Ngay cả khi nếu chúng ta giao hoàn toàn việc đó cho các cty công nghệ và các thuật toán máy tính, nếu chúng ta tự đánh mất đi khả năng suy xét đúng sai của mình, điều gì sẽ đảm bảo rằng A.I và các ông chủ của nó sẽ không sử dụng quyền lực đó để điều khiển chúng ta? Bởi vì trên thực tế thì từ năm 2014, Facebook đã thử nghiệm khả năng kiểm soát cảm xúc của người dùng bằng thuật toán rồi (Nguồn: https://www.theguardian.com/…/ facebook-users-emotions-news-… ).
Và đó là lý do tại sao tôi muốn trao đổi về việc “Làm thế nào để phân biệt fake news?”
4. Tư duy phản biện (Critical Thinking) là gì?
Critical Thinking là khả năng "Phân tích, lập luận, phản biện một cách rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ khách quan và công bằng, để có thể đánh giá thông tin theo các góc nhìn khác, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề". Nói một cách khác, nếu bạn là một Critical thinker, bạn nghi ngờ gần như tất cả mọi thứ. Và một khi bạn đã tin vào một điều gì đó, thì đó là vì bạn đã lật đi lật lại vấn đề đó rất kỹ, chứ không phải bởi vì nhiều người bảo thế, hay bởi vì ông bà/bố mẹ/thầy cô bảo thế, càng không phải do xã hội/truyền thống/Chúa/Phật bảo thế.
- Một critical thinker giỏi sẽ biết phân biệt sự kiện (facts-mang tính khách quan) với quan điểm (opinions-mang tính chủ quan). Họ biết cách nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, đưa ra các kết luận hợp lý, và kìm lại những thành kiến, cũng như cảm xúc cá nhân của mình.
- Một critical thinker giỏi chính là tiếng nói bình tĩnh và hợp lý của lý tính, trong những thời điểm điên cuồng hay hoảng loạn của đám đông cảm tính. Họ là người có thể sáng suốt đánh giá mọi giải pháp và chọn ra lựa chọn hợp lý nhất có thể giải quyết được vấn đề.
- Một critical thinker giỏi luôn giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt, họ hiểu rõ khi nào họ đúng, và vì vậy, rất khó để bị sập bẫy bởi những trò gian lận hoặc lừa đảo. Lý do là vì họ luôn tiếp cận mọi thứ với một thái độ hoài nghi cần thiết. Những người thiếu critical thinking thường cho rằng mọi thứ họ đọc/nghe là đúng, dễ bị lòng tham dẫn dắt, và vì vậy, thường trở thành đối tượng nhắm đến của bọn lừa đảo.
Đó là lý do tại sao ngoài các lĩnh vực Khoa Học, Critical Thinking còn được xem là nền tảng của Thể Chế Tự Do và Xã Hội Dân Chủ.
Một xã hội dân chủ đòi hỏi những công dân của nó khả năng suy nghĩ nghiêm túc và thấu đáo về các vấn đề xã hội, để từ đó có thể gây ảnh hưởng lên chính quyền quản lý một cách đúng đắn, tránh được những bẫy rập của thành kiến, cảm tính, và mưu toan dẫn dắt. Một XH tự do dân chủ nhưng dân trí thấp, và không được trang bị Critical Thinking, thực sự sẽ là một thảm họa.
6. Sử dụng Critical Thinking để phát hiện fake news như thế nào?
a) Hãy học cách phát hiện ra các quan điểm cá nhân:
Như trên đã nói, “sự kiện”(facts) là khách quan, còn “quan điểm”(opinions) là chủ quan. Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, “quan điểm” là thứ ít giá trị nhất. Cái mà bạn thực sự cần, đó là sự thật khách quan❗ Bởi vì “quan điểm” thường tìm cách lôi kéo bạn nghĩ theo cách mà họ muốn, còn “sự kiện” cho phép bạn tự đánh giá và rút ra kết luận. “Quan điểm” thường mang tính kích động, “sự kiện” thường mang tính tường thuật/miêu tả, và fake news thường nhắm vào cái đầu tiên. Ví dụ: một bài viết có câu “Đám đông biểu tình là cực lớn” - câu đó là thuần túy chủ quan và không chứa bất kỳ một tí thông tin có ích nào, chỉ đơn thuần là ý kiến của người viết ("cực lớn" là lớn bao nhiêu, 1000, 5000 hay 50000 người?) → có chất “fake news”. Ngược lại, nếu bài đó viết “Đám đông biểu tình lên đến khoảng 20 nghìn người” → cung cấp thông tin cho người đọc tự đánh giá → đáng tin hơn.
b) Tra soát lại thông tin:
Tại sao fake news thường nhắm đến việc lôi kéo, kích động, thay vì cung cấp thông tin và sự kiện Vì cung cấp thông tin thật là cách dễ dàng nhất để bị phát hiện. Cho nên bất cứ khi nào bạn nhặt được một thông tin gì đó trong bài viết, hãy tra soát lại. Đó có thể là một con số (ví dụ “20 nghìn người”), hay một cái tên (VD “Hardin B. Jones”), một địa điểm (“Đại học California, Berkeley”).v.v...bất cứ thứ gì bạn nhặt được, hãy dùng chuột tô đậm, nhấp chuột phải, và chọn “Tìm kiếm trên Google cho cụm từ….”.Với thời đại hiện nay, việc tra soát lại thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tất cả những gì bạn cần, chỉ là 2 lần nhấp chuột.
Cho nên vấn đề thật ra không phải là công cụ, vấn đề thật ra nằm ở chính bản thân chúng ta.
Chúng ta thường chỉ thích nghe những gì giống với những gì chúng ta đã tin, bởi vì nếu không, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã sai, trong suốt những năm qua. Đó là một cảm giác rất khó chịu, vì cái Tôi của chúng ta bị thương tổn. Cho nên trước tiên, bạn cần học cách bỏ “cái Tôi” cảm xúc sang một bên, để có thể “nhìn thế giới như nó vốn là, chứ không phải như chúng ta muốn nó là”.
c) Kiểm tra nguồn:
Bạn có biết chỉ với ~$100 để mua tên miền và thuê host, bất cứ ai cũng có thể tạo ra một website. Và với các công cụ hiện có (ví dụ các con bot chuyên đi thu thập tin tức các nơi về xào nấu rồi đăng lại), một website tin tức điện tử đôi khi chỉ cần có 1 người điều hành thôi là đủ. Bạn có biết mục đích cuối cùng của các trang tin tức .com/.net/.info đó thường chỉ đơn thuần là lôi kéo nhiều người xem vào để bán quảng cáo. Và đăng tin vịt giật gân, gây sốc là cách đơn giản và hiệu quả nhất để đạt được điều đó.
Và vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm luôn là kiểm tra nguồn. Một bài viết được đăng trên báo điên tử có đuôi .vn thường là đáng tin hơn so với các web tin tức có đuôi .com/.info hay .net. Đơn giản là bởi vì đó là các tòa soạn báo chính danh, có trụ sở, có giấy phép và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thứ mà họ đăng tải. Cho nên họ thường đáng tin hơn những tờ báo vô danh được điều hành bởi những cá nhân giấu mặt, tồn tại với mục đích duy nhất là câu view.
Trên facebook thì fake news chủ yếu được tạo ra bởi giới bán hàng online, và chỉ cần kiểm tra nguồn, bạn có thể hiểu ra ngay tại sao tin vịt về ung thư thường xuất phát từ các bạn bán thực phẩm chức năng và detox. Cuối cùng là một bài báo về ung thư hay sức khỏe đăng trên những trang nhảm nhí như newviewaboutcancer.net bao giờ cũng kém độ tin cậy hơn các nguồn tin uy tín như WHO, báo Nature hay Science.
d) Và cuối cùng, đừng TIN, mà hãy luôn KIỂM TRA.
Trong kỷ nguyên hiện nay, khi mà cứ mỗi 2 năm, chúng ta lại tạo ra một lượng thông tin lớn bằng với những gì tổ tiên của chúng ta đã tạo ra trong suốt hàng nghìn năm, thì phần lớn những thứ đó là bullsh!t. Và vì vậy, việc tiếp nhận tin tức đòi hỏi nhiều thứ hơn so với trước kia. Hãy đọc CHẬM, thay vì đọc nhanh, và TƯ DUY, thay vì chỉ nghe và ghi nhớ.
CASE STUDY:
Một cái news trên Newsfeed nói về việc “Người ta chết chủ yếu vì hóa trị, chứ không phải do ung thư”, chỉ trong vòng 12 tiếng có hàng nghìn lượt Like, hàng trăm lượt chia sẻ, cũng như phần lớn người comment thể hiện thái độ đồng tình và ủng hộ.
Điều này cũng có nghĩa là sẽ có hàng nghìn người đọc và tin, hàng vạn người được nghe kể lại và phân vân. Trong số đó có bao nhiêu người sẽ từ chối cho người thân bị ung thư được điều trị hóa trị, để nằm nhà uống nước lá khoai?
Lê Anh Tuấn
Vũ Thất
No comments:
Post a Comment