Wednesday, July 18, 2018

Việt Nam: Công dân Hoa Kỳ “thú tội” trên truyền hình

Các đoạn video ghi hình ngày mồng 10 tháng Sáu cho thấy hình ảnh những người đàn ông mặc thường phục và đeo khẩu trang, mà người xem tin là công an mặc thường phục, khống chế Will Nguyễn bằng vũ lực và kéo lê anh ra khỏi chỗ biểu tình. Đầu anh đầy máu. Một số người biểu tình khác cho biết họ bị an ninh mặc thường phục đánh đập trong các cuộc biểu tình.


Thông cáo phát hành ngay

Việt Nam: Công dân Hoa Kỳ “thú tội” trên truyền hình
Người Mỹ bị xử ở tòa án do Đảng kiểm soát

(New York, ngày 19 tháng Bảy năm 2018) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc hình sự và phóng thích một công dân Hoa Kỳ và những người Việt Nam khác bị bắt giữ vì tham gia ôn hòa các cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phiên xử William (Will) Anh Nguyễn về tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 bộ luật hình sự được dự kiến diễn ra vào ngày 20 tháng Bảy năm 2018. Nếu bị xử có tội, anh sẽ phải đối mặt với mức án lên tới bảy năm tù.

Các đoạn video ghi hình ngày mồng 10 tháng Sáu cho thấy hình ảnh những người đàn ông mặc thường phục và đeo khẩu trang, mà người xem tin là công an mặc thường phục, khống chế Will Nguyễn bằng vũ lực và kéo lê anh ra khỏi chỗ biểu tình. Đầu anh đầy máu. Một số người biểu tình khác cho biết họ bị an ninh mặc thường phục đánh đập trong các cuộc biểu tình.

“William Nguyễn và những người khác phải đối mặt với một phiên xử không công bằng và mức án nặng nề trước tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát chỉ vì đã thực thi quyền biểu tình ôn hòa và tự do biểu đạt,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhà cầm quyền Việt Nam cần lập tức hủy bỏ các cáo buộc hình sự, trả tự do cho anh và những người biểu tình ôn hòa bị bắt khác, và tôn trọng các quyền con người cơ bản Việt Nam đã cam kết bảo đảm.”

Will Nguyễn, 32 tuổi, sinh ra ở Houston và đã tốt nghiệp cử nhân Đại học Yale, đã theo học chương trình Thạc sĩ về Chính sách Công tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore. Anh bay đến Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày mồng 9 tháng Sáu theo chiếu khán du lịch. Vào thời điểm đó, trên mạng đang có lời kêu gọi biểu tình ở Việt Nam để phản đối hai dự thảo luật đang được Quốc hội Việt Nam xem xét: một bộ luật quy định thành lập các đặc khu kinh tế sẽ cho phép công ty nước ngoài thuê đất đến 99 năm, và một bộ luật cản trở nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt trên mạng internet nhân danh an ninh mạng.

Báo chí nhà nước Việt Nam dẫn nội dung cáo trạng của viện kiểm sát rằng Will Nguyễn “tham gia vào dòng người, quay phim, chụp ảnh đăng lên Facebook cá nhân và mạng Twitter.” Anh cũng bị cáo buộc đã kích động người khác dỡ bỏ hàng rào của công an, “trèo lên xe bán tải kêu gọi mọi người trèo qua các xe để đi lên tiếp tục tiến về trung tâm thành phố” và “rời các xe gắn máy dựng chắn trên lề đường để lấy đường cho người biểu tình đi qua.” Báo chí nhà nước đưa tin rằng “sau đó, ông Nguyen William Anh bị cơ quan chức năng đưa về trụ sở làm việc.” Ngày 14 tháng Sáu, phát ngôn viên của nhà nước Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố rằng không có chuyện chính quyền sử dụng vũ lực với Will Nguyễn.

Một tuần sau khi Will Nguyễn bị bắt, đài truyền hình nhà nước đã phát một đoạn băng ghi hình anh thú nhận đã vi phạm pháp luật Việt Nam và hứa sẽ không tham gia các hoạt động chống chính quyền. Theo truyền thông trong nước, Will Nguyễn đã nói rằng: “Will hiểu là hành động của Will vi phạm (pháp luật)… Will hối hận là đã gây ra chuyện cho những người đi ra phi trường. Mình đã cản trở giao thông… và cũng đã gây chuyện ra cho gia đình, bạn bè. Và Will sẽ không tham gia những hoạt động chống phá chính quyền Việt Nam.”

Chính quyền chưa đưa ra các bằng chứng rằng Will Nguyễn thực hiện các hành vi bạo lực.

“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rất quan ngại rằng lời tuyên bố trên truyền thông của Will Nguyễn là sự vi phạm quyền được có trình tự pháp lý thích hợp và có thể do ép buộc,” Robertson nói. “Việc đưa ‘lời thú tội’ lên truyền hình kiểu này là một chiến thuật đáng xấu hổ mà các chính quyền áp bức thường sử dụng để hăm dọa, dập tắt các tiếng nói phê phán, đồng thời trưng bày sự bất chấp không đếm xỉa đến các quyền cơ bản của con người.” 

Việt Nam không có bộ luật cụ thể về biểu tình nên chính quyền vận dụng những quy định pháp luật khác để truy tố những người biểu tình ôn hòa. Chính quyền Việt Nam tỏ ra đặc biệt nhạy cảm về vấn đề này khi vừa trừng phạt thẳng tay một tờ báo mạng vì đã đưa tin về nhu cầu có luật biểu tình. Ngày 16 tháng Bảy, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc ra quyết định xử phạt và đình bản Tuổi trẻ Online ba tháng vì đưa “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.” Tờ báo có “bài viết: Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình đăng ngày 19/6/2018” trích lời Chủ tịch Trần Đại Quang rằng “ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này.”

Những kẻ lạ mặt mặc thường phục hành hung người biểu tình đã trở thành chuyện thường xảy ra ở Việt Nam. Tháng Sáu năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố một bản phúc trình, “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung,” nêu bật 36 vụ các blogger và các nhà vận động dân chủ ở Việt Nam bị những người lạ mặc thường phục đánh đập trong thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017, thường gây thương tích nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân cho biết việc đánh đập xảy ra ngay trước mặt cảnh sát mặc sắc phục mà họ không làm gì để can thiệp.

Bản Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền, đã được các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, trong đó có Việt Nam, thông qua, thường được coi là thể hiện nguyên tắc chung của công pháp quốc tế. Văn bản đó ghi rõ “mọi người,” không chỉ riêng công dân của quốc gia nào, đều có quyền tự do ngôn luận và nhóm họp ôn hòa.

“Hết lần này đến lần khác, chính quyền Việt Nam sử dụng vũ lực quá mức để đàn áp những người biểu tình ôn hòa, rồi lại bất chấp đạo lý tuyên bố rằng lỗi hoàn toàn ở những người biểu tình,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần nhận ra rằng việc chính quyền Việt Nam lũng đoạn pháp quyền không chỉ riêng đối với các vụ việc về nhân quyền mà còn ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực đời sống ở đất nước này.”

Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:

Để có thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động); hay email: robertp@hrw.org. Twitter: @Reaproy
Ở Washington, DC, Sophie Richardson (tiếng Anh, tiếng Quan Thoại): +1-202-612-4341; hay +1-917-721-7473 (di động); hay email: richars@hrw.org. Twitter: @SophieHRW

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...