Xem Video click: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45161375
Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC News vừa tham gia một chuyến bay giám sát trên Biển Đông của Hải quân Mỹ. Ông tường thuật về những gì ông chứng kiến khi quan sát căn cứ mà Trung Quốc xây ở Đá Subi, Quần đảo Trường Sa.
"Xin hãy rời ngay lập tức và tránh xa khu vực này để tránh có hiểu lầm," Hải quân Trung Quốc thường xuyên gửi cho các máy bay giám sát của Mỹ những thông báo như vậy.
Đại uý Matt Johnson của Hải quân Mỹ cho biết: "Đây là chuyện thường nhật với chúng tôi trên những chuyến bay này. Chuyện này xảy ra trên các chuyến bay của chúng tôi khi họ phát thông báo và chúng tôi chỉ đáp lại bằng những phản ứng thông thường. Chúng chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động nào của chúng tôi hay những gì chúng tôi làm. "
Ở khoảng cách 12 hải lý, sử dụng hệ thống camera rất tốt của máy bay, nhóm phóng viên BBC quan sát thấy trên đảo có một rừng radar, hangar tàu bay và có lẽ cả một nơi để đỗ các bệ phóng tên lửa.
Cách đây vài năm, cũng tại địa điểm này, hàng triệu tấn cát được bơm vào các bãi đá để tạo vùng đất mới, có bóng dáng đầu tiên của một đường băng, nhưng không có tòa nhà nào.
Những chuyến bay của Hải quân Mỹ không chỉ để giám sát, mà còn cho Trung Quốc thấy Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện ở đây và không lo ngại về việc xây dựng của Trung Quốc.
"Theo nghĩa rộng hơn chúng tôi ở đây để đảm bảo những quyền của mình, máy bay quân sự được phép bay trên không phận quốc tế, để duy trì sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực, cho thấy rằng chúng tôi không lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng. Chúng tôi sẽ tiếp tục có mặt ở đây trên khu vực Biển Đông," Đại úy Lauren Callen của Hải quân Mỹ cho biết.
Hải quân Trung Quốc cũng phát ra những lời cảnh báo với Hải quân Philippines, nước láng giềng nhỏ và yếu thế hơn, với giọng điệu cứng rắn hơn với Mỹ:
"Máy bay quân sự Philippines, tôi cảnh báo các anh một lần nữa. Rời khỏi đây ngay lập tức, nếu không các anh sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả. "
Đá Subi về mặt địa lý nằm gần Việt Nam và Philippines hơn Trung Quốc lục địa, và là đối tượng tranh chấp giữa các nước.
Các chuyên gia cho rằng, với số lượng các tòa nhà như hiện nay, Subi trở thành có kích cỡ tương đương với đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đang kiểm soát nhưng Hà Nội và Đài Bắc cũng tuyên bố chủ quyền.
No comments:
Post a Comment