Friday, January 31, 2020

Melbourne: Lễ Tưởng Niệm các Tử Sĩ Hoàng Sa



Buổi lễ tưởng niệm đã được bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ Úc-Việt và trong phần đọc lời dẫn Một Phút Mặc Niệm,  MC Phạm Khuông đã có những lời thật trang trọng – “… Đặc biệt ngày hôm nay Một Phút Mặc Niệm để tỏ lòng thương  tiếc, nhớ ơn 74 chiến sĩ hải quân QLVNCH đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa để bảo vệ sự vèn toàn  lãnh thổ cho tổ quốc Việt Nam.”

Sau khi ông Phạm Khuông sơ lược về trận hải chiến Hoàng Sa (19/01/1974), nghi lễ tưởng niệm đã được chính thức cử  hành một cách uy nghi bằng ba hồi chiêng trống. Trong một bầu không khí trang nghiêm, đại diện các hội đoàn, đoàn  thể, các gia đình quân binh chủng được mời lên trước bàn thờ bài vị của 74 chiến sĩ hải quân làm lễ dâng hương cầu  nguyện cho các anh linh tử sĩ. Trong làn khói hương nghi ngút, ông Phạm Khuông xướng đọc một bài Văn Tế Hoàng Sa bi  hùng như là một điếu văn truy điệu cho những chiến sĩ hải quân đã vị quốc vong thân.
Anh Andrew Đỗ (PCT CĐNVTD/VIC) bày tỏ cảm nghĩ – “Sự hy sinh tính mạng của những người lính VNCH trong việc bảo vệ  lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông là tấm gương sáng cho một người Úc gốc Việt trẻ tuổi như tôi. Chúng tôi không bao giờ  quên được lòng can đảm, danh dự, sự hy sinh của những người lính Miền Nam Việt Nam. Họ là những người yêu nước,  chiến đấu để bảo vệ đất nước và đồng bào. Hành động của những người lính hải quân đã cho thấy nước Việt Nam tuy là  một nước nhỏ bé nhưng không thể đứng yên trước việc bị xâm lấn lãnh thổ bởi một nước láng giềng to lớn …”. Đồng  thời, Andrew cũng đã lên tiếng tố cáo sự tàn ác của CSVN trong vụ Đồng Tâm và cam kết CĐNVTD/VIC sẽ luôn sát cánh  với người dân trong nước.
Ông Hoàng Chính Đan (Đại diện Hội CQN QLVNCH/VIC) cho rằng – “Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974 … là một biến cố  trọng đại trong lịch sử đấu tranh chống CS, chống quân TC xâm lược, vô cùng anh dũng, hào hùng và bất khuất của quân  chủng hải quân QLVNCH. Và biến cố lịch sử đó, đến nay, vẫn luôn luôn là một niềm hãnh diện, tư hào của tập thể CQN  QLVNCH ở hải ngoại … Vì vậy trận hải chiến Hoàng Sa 1974 đã trở thành một thiên anh hùng bất tử … Ngoài ra với  cuốn sách … có tựa đề ‘Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974’ … phát hành năm 2010 … được đánh giá là một tập tài liệu  có giá trị … truyền lại cho thế hệ mai sau noi gương các bậc đàn anh đã hy sinh vì lý tưởng tự do để bảo vệ lãnh  thổ của tiền nhân để lại …”. Ông Đan nhấn mạnh – “Chúng ta cần phải tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy tinh thần nêu  trên. Hy vọng rằng ngọn lửa tinh thần Hoàng Sa 1974 … không chỉ để tưởng nhớ và thắp sáng ngày hôm nay mà còn được  thắp sáng và duy trì trong suốt tiến trình đấu tranh cho một nước Việt Nam tương lai thật sự có tự do, dân chủ và  nhân quyền”.
Nhận thấy sự có mặt “đặc biệt” của cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa Sự Vụ), ông Phạm Khuông đã không bỏ lỡ  cơ hội mời cô có đôi lời phát biểu.
Đối với cô Phương Vỹ “ai cũng có cái gốc” và cô xác định “CĐNVTD và đặc biệt CĐNVTD/VIC là cái gốc của Phượng Vỹ”.  Nêu lên điều này ý cô muốn nói rằng bây giờ và trong tương lai cho dầu cô không chính thức nắm giữ một chức vụ gì  trong BCH CĐNVTD nhưng cô luôn cảm thấy có một sự gắng bó với Cộng Đồng và đồng bào. Tiếp theo, cô bày tỏ sự trân  trọng và lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các chiến sĩ QLVNCH. Sau cùng, cô Phượng Vỹ nói rằng – “Ngày hôm nay  chúng ta đánh dấu 46 năm trận Hải Chiến Hoàng Sa … Nếu được, chúng ta có thể cố gắng ghi lại chiến sử Hoàng Sa vào  trong Viện Bảo Tàng để cho các thế hệ mai sau có thể hiểu và hãnh diện về nguồn gốc Việt của mình.”
Ông Phạm Ngọc Tiền (Gia Trưởng Gia Đình Hải Quân Hàng Hải) cho rằng sự hy sinh của các chiến sĩ Hải Quân QLVNCH  trong trận hải chiến Hoàng Sa là một tấm gương cho các thế hệ mai sau noi theo. Trận hải chiến Hoàng Sa là một cuộc  chiến chống ngoại xâm, dù chiến đấu đơn độc và tương quan lực lượng bất cân xứng nhưng các chiến sĩ hải quân đã anh  dũng chiến đấu đến cùng. Mặc dầu không bảo vệ được hải đảo nhưng các chiến sĩ hải quân trong trận hải chiến đã nói  lên tinh thần bất khuất, tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm của tiền nhân.
Để nói lên sự hiểu biết và tấm lòng của người dân ở quê nhà, ông Tiền đọc một bài thơ có tựa đề “Bốn Chữ Vàng” do  một người giáo viên trẻ trong nước gởi tặng:

Sử nay ghi bốn chữ vàng
Anh hải quân rất oai phong tên Thà
Hết lòng phụng sự quốc gia
Nguyên trận hải chiến Hoàng Sa chống Tàu
Nếp khăn tang vẫn chưa nhàu
Trên đầu quả phụ nhuốm màu thời gian
Tên anh Tổ Quốc Ghi Ơn
Bốn chữ đây cũng thực chân là vàng.

(Ghi chú: Ý của tác giả “Tổ Quốc Ghi Ơn” mới thực sự là bốn chữ vàng!)
Sau cùng, ông Phạm Ngọc Tiền có lời chia sẻ nổi đau thương cùng với gia đình của các tử sĩ Hoàng Sa để kết thúc phần  phát biểu, và cũng là kết thúc buổi lễ tưởng niệm được tổ chức đúng vào ngày 19/01/2020, 46 năm ngày giỗ trận, tại  Đền Thờ Quốc Tổ.

Melbourne

19/01/2020

Một số hình ảnh của buổi lễ tưởng niệm





















TVQ chuyen

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...