Friday, January 17, 2020

Nhìn lại những "chiến thuật" của nhà cầm quyền VN - Kính Hòa, phóng viên RFA


Ngày 16/2 vừa qua cơ quan công quyền ở thủ đô Hà Nội đã dùng một biện pháp hoàn toàn mới để ngăn trở cuộc tập hợp tưởng niệm chiến tranh biên giới hồi năm 1979. Kính Hòa nhìn lại những biện pháp mà nhà cầm quyền sử dụng trong thời gian những năm gần đây.

"Chiến thuật" nhảy đầm

Như vậy là không có buổi lễ nào được chính thức tổ chức để tưởng niệm sự kiện 17/2/1979, 35 năm sau ngày nhà cầm quyền Trung quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới kéo dài trong một tháng. Theo những số liệu được công bố thì có khoảng 60 ngàn người Việt ngã xuống trong một tháng ấy.

Buổi lễ long trọng nhất có lẽ là buổi lễ được nhóm NO-U tổ chức vào ngày 16/2. Đây là một tổ chức dân sự không có liên quan đến cơ quan công quyền.

Sáng ngày chủ nhật 16/2/2014 khoảng gần 100 người dân Hà Nội đã hẹn nhau đến tượng đài Vua Lý Thái Tổ để làm lễ dâng hương cho những người đã ngã xuống, tuy nhiên họ đã không thể tổ chức buổi lễ tại nơi dự định. Anh Nguyễn Chí Tuyến, thường được biết với tên gọi Anh Chí, người đọc văn tế cho những liệt sĩ 35 năm trước trong buổi tưởng niệm nói với chúng tôi,

“Ở chân tượng Lý Thái Tổ thì họ tổ chức cho các cặp đôi trung niên, tôi nói là trung niên vì các anh các chị, các ông các bà ấy lớn tuổi rồi, cũng tầm phải 50 là ít. Các em thiếu niên ở phía tượng đài kia còn nhỏ thì tôi không nói, còn các vị trung niên rồi, thậm chí lên chức ông chức bà rồi mà ra đó khiêu vũ thì nó lố bịch quá. Có các bác hôm nay đến dự buổi tưởng niệm đến nói với họ dừng lại để mọi người làm lễ đã thì họ không chịu, họ nói việc họ họ làm. Tôi nói với anh em là sang bên kia đường để làm. Sau đó mọi người tập trung ở đấy để làm việc tưởng niệm.
Nhà cầm quyền Hà Nội đã cản trở bằng việc dựng lên những sân khấu bằng gỗ, làm các chương trình ca nhạc rồi mời các câu lạc bộ khiêu vũ của các vị trung niên ấy đến nhảy nhót trước tượng ông Lý Thái Tổ.
- Anh Nguyễn Chí Tuyến

Nhà cầm quyền Hà Nội đã gây những khó khăn cản trở bằng việc dựng lên những sân khấu bằng gỗ, làm các chương trình ca nhạc rồi mời các câu lạc bộ khiêu vũ của các vị trung niên ấy đến nhảy nhót trước tượng ông Lý Thái Tổ là nơi mà chúng tôi định làm lễ.”

Đây là chiến thuật mới nhất của nhà cầm quyền Hà nội để đối phó với những cuộc tập họp đông người mà họ không thích. Trong những năm gần đây những nhóm xã hội đối lập với nhà cầm quyền xuất hiện ngày càng nhiều và cơ quan công quyền đã sử dụng nhiều biện pháp không chính thống để đối phó.

Những vụ biểu tình chống Trung quốc ở đô thị nổ ra vào khoảng năm 2007 bị trấn dẹp bằng biện pháp cổ điển là lực lượng chức năng chính thống như công an cùng các thiết bị nghiệp vụ của họ như xe phá sóng điện thoại.
Các biện pháp phi chính thống

Các biện pháp ngăn trở sau đó được đa dạng hóa hơn.

Nữ văn sĩ Võ Thị Hảo cầm trên tay bông hoa trắng, TS. Nguyễn Quang A chít khăn: Nhân Dân Không Quên 17-2-1979. Courtesy of thanhnienconggiao Nữ văn sĩ Võ Thị Hảo cầm trên tay bông hoa trắng, TS. Nguyễn Quang A chít khăn: Nhân Dân Không Quên 17-2-1979. Courtesy of thanhnienconggiao

Trong tháng giêng này, trước sự kiện khiêu vũ ngày 16/2, người dân Hà nội tập trung tổ chức tưởng niệm ngày trận đánh Hòang Sa năm 1974 thì bị một công trường giả dựng lên để gây tiếng ồn cản trở việc tập hợp. Một viên đá được cắt ngang dọc để phục vụ cho công trường giả ấy.

Năm 2008, sau vài tháng giằng co giữa chính quyền Hà nội và giáo dân công giáo về việc tranh chấp một khu đất thuộc tòa khâm sứ ngay trung tâm thủ đô, một công viên đã được dựng lên hầu như chỉ trong một đêm để chấm dứt chuyện đòi khu đất này của giáo dân, vì rằng công viên là một tiện ích công cộng.

Một biện pháp cũng không chính thống nhưng mang tính bạo lực là sử dụng các nhóm người bất hảo để quậy phá các cuộc tập hợp, ở đô thị cũng như ở nông thôn trong các cuộc biểu tình đòi đất của nông dân. Ngoài ra những đoàn viên thanh niên cộng sản trong đồng phục màu xanh dương không vũ trang cũng được huy động trong các hoạt động chống biểu tình. Các nhóm người được huy động cho công việc này thường được báo chí của đảng cộng sản gọi là các nhóm quần chúng tự phát.
Mình phục đồng chí nào đã nghĩ ra cái màn khiêu vũ hôm qua ở tượng đài Lý Thái Tổ. Một lựa chọn rất thông minh. Nó giúp tránh được tai tiếng cho lực lượng an ninh. 
- Một facebooker

Trên phương diện pháp lý, tội danh trốn thuế thường được đưa ra để kết tội những người có ý kiến trái với nhà cầm quyền như phiên tòa đang diễn ra để xử luật sư Lê Quốc Quân vào ngày 18/2/2014. Trước đó, hồi năm 2009, doanh nhân trẻ tuổi Trần Huỳnh Duy Thức cũng bị bắt với tội danh trốn thuế, nhưng tội danh này không được nêu ra trong bản án 16 năm tù dành cho anh Thức sau đó.

Các biện pháp phi hành chính cũng được triệt để áp dụng để làm rối những nhà hoạt động dân sự. Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, người đề xướng việc kiện các nhà máy thủy điện ở miền Trung xả nước làm chết dân bị các chủ nhà trọ từ khước do áp lực của nhà cầm quyền.
Hiệu quả của biện pháp mới

Trở lại với biện pháp mới nhất là sử dụng khiêu vũ ngoài trời để ngăn trở cuộc tập hợp tưởng niệm chiến tranh biên giới tại Hà nội vừa qua, một facebooker đưa ra nhận xét như sau,


Các nhân sĩ trí thức tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ tử trận trong cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979. Courtesy of thanhnienconggiao Các nhân sĩ trí thức tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ tử trận trong cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979. Courtesy of thanhnienconggiao

“Mình phục đồng chí nào đã nghĩ ra cái màn khiêu vũ hôm qua ở tượng đài Lý Thái Tổ. Một lựa chọn rất thông minh. Nó giúp tránh được tai tiếng cho lực lượng an ninh. Một lực lượng an ninh không được huấn luyện kỹ lưỡng để hành xử một cách văn minh thì sẽ dễ mất kiên nhẫn và hành xử như những côn đồ khi phải đối diện với những người biểu tình bản lĩnh. những hình ảnh khiêu vũ chỉ gây mắc cười chứ không gây xấu hổ trước công luận như những hình ảnh côn đồ.”

Quả thực là hình ảnh đôi nam nữ trung niên khiêu vũ giữa trời đông Hà nội, như bước ra từ những trang sách của nhà văn Vũ Trọng Phụng cách đây gần một thế kỷ vào lúc Hà nội bắt đầu Âu hóa, được hãng thông tấn AP đưa lên khắp mặt báo và cơ quan truyền thông khắp thế giới đã gây không ít ngạc nhiên và những nụ cười.

Nhưng đối với nhiều người Việt đến để tưởng niệm cuộc chiến tranh thì họ không cười được. Nghệ sĩ Kim Chi có mặt tại nơi tưởng niệm bên bờ hồ Hoàn Kiếm nói với biên tập viên Mặc Lâm rằng,

“Tôi có hai cảm xúc đối với việc hôm qua, thứ nhất là đối với tấm lòng của bao nhiêu người xót thương, biết ơn những người đã hy sinh trong cuộc chiến ấy để bảo vệ tổ quốc thì số ấy đông lắm ở phía bờ hồ. Còn điều mà nó làm cho tôi rất khó chịu mà nói nặng hơn là phẫn nộ trước những hành động rất là lố bịch. Cái ngày như thế mà họ bắt loa thiệt to rồi họ ôm nhau nhảy nhót này kia, nó không có tự nhiên…tôi không hiểu các bạn sung sướng gì mà ra đây ăn mừng cái ngày đó.”
Cái ngày như thế mà họ bắt loa thiệt to rồi họ ôm nhau nhảy nhót này kia, nó không có tự nhiên…tôi không hiểu các bạn sung sướng gì mà ra đây ăn mừng cái ngày đó.
- Nghệ sĩ Kim Chi

Anh Chí thì nói với chúng tôi,

“Tôi nói với mọi người là cứ để họ diễn trò, để cho nhân dân người ta nhìn, dư luận người ta nhìn, rồi những bậc tiền nhân như ông Lý Thái Tổ ông ấy đứng đấy ông nhìn xuống, vong linh các đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống sẽ chứng giám chuyện này.”

Như vậy nếu biện pháp khiêu vũ có thể sẽ không gây ra những phản ứng mạnh từ cộng đồng thế giới về vấn đề nhân quyền trong sự đàn áp, nhưng đối với những người giàu tình tự dân tộc như nghệ sĩ Kim Chi hay Anh Chí thì biện pháp này có vẻ mang một hiệu ứng ngược.

No comments: