Monday, April 30, 2012

Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng: Thay Lời Kết


Đến bao giờ Công Án Quốc Tế sẽ đưa những người chủ mưu và thực hiện “Trại Cải Tạo” ở Việt Nam ra công luận và tòa án thế giới? Đến bao giờ mới có một lịch sử đúng nghĩa về “Quần Đảo Ngục Tù” của Việt Nam?

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: Benjamin Vũ


Tôi hoàn tất phần bốn, phần cuối cùng cho loạt bài tiếng Việt của Dự án TTĐTTS với tâm trạng vừa nhẹ nhõm, vừa 'tội lỗi.' Nhẹ nhõm, vì tôi đã tận lực hoàn tất những công việc mình đã đề ra cho Dự án trong giai đoạn này. 'Tội lỗi,' vì trong cả năm trời và nhất là mấy tháng cuối của Dự án, tôi đã dành hết thời gian để lo cho công việc, còn nợ chồng con bao nhiêu cái 'em sẽ' và 'mẹ sẽ.' Đã vậy, trong thời gian đó, tôi lại bắt đầu có một tình trạng sức khỏe đặc biệt, nên hay bị mệt và cần nghỉ ngơi nhiều, mà vẫn phải một mình làm mọi việc cho đến nơi đến chốn. Những ngày phải lo bài vở hay đi phỏng vấn, tôi phải bàn cách với chồng, trốn con để ở trong văn phòng làm việc, hay hẹn với chồng con đến tháng Năm sẽ có sức có giờ để đi công viên chơi, đi sở thú, đi viện bảo tàng. Bây giờ, tôi có thể trở lại thời khóa biểu bình thường, và hất cái chữ "Hẹn" xuống khỏi mặt tôi, nơi nó đã xâm lăng và nằm chình ình trên đó mấy tháng nay. Đánh dẹp được giặc “Hẹn” làm cho cái cảm giác 'tội lỗi' của tôi được 'nhẹ nhàng' hẳn ra.

Tuy nhiên, tôi cũng chỉ ‘nhẹ nhõm’ một phần thôi, vì vẫn còn nhiều công việc phải làm cho Dự án này, bên cạnh hoàn tất bài tiếng Anh “Black April, Bright April” cho tờ Sacramento Bee. Cho loạt bài tiếng Việt, tôi viết cho một cộng đồng độc giả quen thuộc, có cùng lịch sử, tâm tư, văn hóa. Viết cho báo Anh ngữ, tôi phải mang một não trạng khác, phải làm việc với Chủ Bút, sửa đi sửa lại mười mấy lần, đổi cấu trúc, thay cách nhập đề, chuyển dịch nội dung của Dự án từ tiếng Việt sang tiếng Anh, cân nhắc xem những đề nghị của Chủ Bút có thích hợp với chủ trương của Dự án hay không, thẩm định xem có nên áp dụng những cách tiếp cận đề tài theo xu hướng của báo chí Mỹ. Đây có lẽ là lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình như con cá nằm trong lợp, ngúc ngoa ngúc ngoắc giữa hai bờ văn hóa, phải đi làm thông ngôn ở bờ bên kia, mà hồn vẫn còn ở lại bờ bên này. Dòng sông Việt chảy ngoài kia là thế giới của tôi, nên cái gì cũng thân thiết hơn, trong cùng tâm thức cộng thông nên tôi không phải thắc mắc có cần giải thích điều này, có cần chú giải điều nọ. Trong bài tiếng Anh, với số chữ ít ỏi, tôi không làm sao nhúc nhích được.

Nhiếp ảnh gia Benjamin Vũ, Lê Thủy Tiên, Nguyễn Thanh Thủy, tác giả, và Đạo diễn Đức Nguyễn.

Khi viết tiếng Anh, tôi phải theo sự ‘ràng buộc’ của tờ báo và Chủ Bút, vì đề tài Tháng Tư không phải là quan tâm hàng đầu của họ. Đây cũng chính là lý do mà tôi muốn đưa đề tài này vào báo chí Anh ngữ, nhất là vì câu chuyện tù cải tạo vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Nhà báo Steve Maganini, cố vấn của tôi trong chương trình California Endowment Health Journalism Fellowship, cũng là một giáo sư văn chương tại Đại học UC Davis, đã thốt lên sau khi đọc bản thảo và ‘khám phá’ ra lần đầu tiên cái gọi là ‘trại cải tạo.’ Ông nói, “Tôi không ngờ sau 1975, nhiều người đã bị thảm sát đến như vậy!” Ông Maganini là một nhà báo danh tiếng, đoạt nhiều giải thưởng cho các bài viết về các cộng đồng sắc tộc và di dân, trong đó có cộng đồng Việt Mỹ. Cha mẹ ông cũng là những người Ý di dân, và do đó, ông cũng nói tiếng Ý từ nhỏ, và sống trực tiếp kinh nghiệm di dân trong gia đình. Nhưng phản ứng của ông đối với bài viết cho chúng ta thấy, kinh nghiệm hỏa lò tại Việt Nam vẫn còn là một bí ẩn xa xôi đối với đại đa số quần chúng Mỹ, hay nhiều dân tộc khác trên thế giới, ngay cả một ký giả chuyên viết về chính cộng đồng của chúng ta tại Thủ phủ Sacramento như ông Maganini.

Nguyễn Thanh Thủy và Hạnh Nhân, hai tấm gương dấn thân.

Nhiều năm nay, các phiên tòa xử những cá nhân đã từng nắm quyền và giữ vai trò giết người hàng loạt trong các chế độ chuyên chế độc tài, như Khmer Đỏ, hay Hitler, đã diễn ra. Tại Campuchea, nam phụ lão ấu, từ tăng ni đến sinh viên học sinh, từ những người sống sót nạn Pol Pot cho đến những người mới lần đầu tiên đối diện với lịch sử diệt chủng, đã xếp hàng lũ lượt đến dự phiên tòa xử những người nồng cốt trong việc giết hàng triệu người Campuchea trên ‘the killing field.’ Có hàng ngàn cuốn sách, hàng trăm cuốn phim, hàng trăm viện bảo tàng ghi lại bằng chứng tội ác của ‘holocaust.’ Nhân loại ở bất cứ nơi nào và thời nào cũng đi tìm công lý. Đến bao giờ Công Án Quốc Tế sẽ đưa những người chủ mưu và thực hiện “Trại Cải Tạo” ở Việt Nam ra công luận và tòa án thế giới? Đến bao giờ mới có một lịch sử đúng nghĩa về “Quần Đảo Ngục Tù” của Việt Nam?

Trong công việc nghiên cứu về người Việt hải ngoại trong gần 20 năm nay, tôi vẫn quan tâm đến việc chạy đua với thời gian của những cộng đồng di dân mới hình thành. Vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa, những sử liệu cần thiết và quan trọng của những cộng đồng này thường không được thu thập và giữ gìn. Cộng đồng Việt hải ngoại cũng vậy, vẫn còn cần rất nhiều những Dự án nghiên cứu đi sát với kinh nghiệm cộng đồng, với tâm tư của người dân, với lịch sử của một dân tộc. Tâm huyết của tôi vẫn là việc thực hiện những Dự án này.

Do đó, Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” nằm trong chương trình nghiên cứu nối dài của tôi từ thập niên 1990s, khởi đi từ những bài nghiên cứu về kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt, và khởi sắc với Dự án Việt Mỹ VAP Vietnamese American Project. Dự án Việt Mỹ bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất là các cuộc phỏng vấn với người Mỹ gốc Việt theo phương pháp lịch sử truyền khẩu (oral history), chú trọng vào cộng đồng tại quận Cam, bên cạnh các cuộc phỏng vấn với những cá nhân sinh sống tại Los Angeles, Redwood City, San Jose, San Francisco, Utah, Pensylvania, vân vân. Nguyễn Thanh Thủy là người đầu tiên tôi phỏng vấn cho Dự án VAP. Trong một bài viết cho tờ báo chuyên đề Lịch Sử Truyền Khẩu Oral History Review, số 29, tập 2, năm 2002, tôi đã dành cả trang để viết về bà, và trích dẫn hai phần phát biểu của bà trong bài viết đó.

Phần thứ hai của Dự án VAP là những chương trình nối kết cộng đồng và trường đại học, đưa những tư duy học thuật vào cộng đồng, và đưa tiếng nói cộng đồng vào môi trường nghiên cứu. Một vài chương trình chính trong Dự án VAP gồm có Diễn đàn VAP (Cal State Fullerton, 2002), thăm viếng Little Saigon (nhiều lần trong suốt nhiều năm, với phái đoàn sinh viên, giáo sư, và nghiên cứu sinh), “Nối Kết các Thế Hệ Việt Mỹ” (kết hợp với Trung Tâm Thông Tin Việt Nam VIC, tại Nhật báo Viễn Đông, 2002), “Vết Thương Vô Diện, Hòa Bình Vô Danh” (tại Nhật báo Người Việt, 2004), các bài thuyết trình tại các trường đại học khắp nơi về đề tài người Việt, Tháng Di Sản Châu Á Thái Bình Dương hằng năm, vân vân.

Ở thời điểm thập niên 1990, việc sử dụng phương pháp lịch sử truyền khẩu để nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt – đặc biệt là sử dụng tiếng Việt để phỏng vấn – vẫn còn chưa được nhiều người thực hiện, và vẫn chưa có những chương trình với ngân sách hẳn hòi. Tôi dùng tiền vay chính phủ (student loans), một mình cưỡi ngựa sắt đi khắp Quận Cam, và đôi khi lại bay đi nơi này nơi nọ, để gom góp chứng từ về lịch sử cá nhân và kinh nghiệm sống của người Việt. Có nhiều người sau này hỏi tôi:

-         Bây giờ, chị được trao nhiều giải thưởng cho Dự án VAP, lại được Bộ ngoại giao tặng học bổng Fulbright, chị có thấy những điều này làm cho công việc của chị có ý nghĩa không (do you feel validated)?

Câu trả lời của tôi rất đơn giản:

-         Từ ngày đầu tiên, khi quyết tâm thực hiện Dự án này, tôi đã hiểu rõ giá trị của nó. Sự tưởng thưởng từ những tổ chức nghiên cứu hay các cơ quan công quyền là một khích lệ lớn và tạo điều kiện thuận lợi hơn khi tôi phát triển chương trình nghiên cứu của mình, nhưng tất cả những điều này chỉ hỗ trợ cho công việc của tôi, chứ không đóng vai trò khẳng định giá trị của nó. Tự bản thân công việc đã mang giá trị của nó.

Nếu không tin vào công việc mình làm – tuy có vẻ ‘liều’ và ‘điên’ khi đi vay tiền học để làm một cuộc nghiên cứu – thì tôi đã không đầu tư công sức, thời gian, và tài chính vào việc này ngay từ những ngày chật vật mới tới Mỹ. Hơn nữa, nếu công việc tôi làm vô nghĩa, chắc sự hưởng ứng ngay từ đầu đã không có. Tất cả những ai tôi liên lạc để xin phỏng vấn đều hết lòng đón nhận Dự án VAP, và nhiều nơi đã mời tôi nói chuyện về Dự án. Tuy nhiên, tôi cũng cần nói thêm, là lúc đó, tôi mới đôi mươi, nên kinh nghiệm sống còn giới hạn, và kiến thức lịch sử vẫn còn là một khoảng trống. Do đó, tôi tự đào luyện mình, bằng cách vừa thực hiện nghiên cứu tham khảo tài liệu, vừa ghi danh chính thức học những ngành giúp tôi có một kiến thức căn bản cho các Dự án tôi đã hoạch định. Chính những Dự án nghiên cứu, như VAP và các Dự án khác tôi theo đuổi, đã giúp tôi trưởng thành, cả về mặt cá nhân lẫn học thuật. Tôi có tâm sự với Cô Thủy khi thực hiện loạt bài tháng Tư 2012:

-         Nếu cháu viết loạt bài về Cô vài năm về trước, thì có lẽ ý tưởng và cái nhìn sẽ không đầy đủ như bây giờ, vì bây giờ, cháu đã lập gia đình, vợ chồng cũng chịu cảnh xa cách nhiều năm, và sau khi đoàn viên, cháu lại có hạnh phúc làm mẹ. Hơn nữa, trong mười mấy năm nay, cháu đã đi nhiều nơi khác trên thế giới, phỏng vấn nhiều phụ nữ khác thuộc thế hệ của Cô, nên sự cảm nhận của cháu về kinh nghiệm của Cô chắc chắn sâu sắc và thấu đáo hơn so với lần đầu gặp Cô.

Thật vậy, nếu tôi chưa sinh con và nuôi con, chắc tôi đã không cảm hết cái tâm tình của bà mẹ Nguyễn Thanh Thủy khi phải lìa xa ba con dại mà vào trại cải tạo, hay cái đứt ruột của bà khi mất con. Xin cám ơn cuộc đời đã cho tôi trưởng thành, và những người phụ nữ Việt ở khắp miền thế giới đã nuôi tâm thức tôi lớn bằng chính kinh nghiệm đời họ. Nên tôi muốn dùng chính lòng biết ơn này để thay lời kết.

Trước hết, tôi xin đặc biệt cám ơn Nhà báo Phan Tấn Hải đã tin tưởng vào công việc tôi muốn thực hiện, viết về những biến cố đau thương như chiến tranh, chết chóc, mất mát và ảnh hưởng của những biến cố này trên đời sống tinh thần và tình cảm của người Việt ở Mỹ và trên thế giới. Từ đầu năm 2011, khi tôi liên lạc để xin Việt Báo phổ biến loạt bài này, Chú Hải đã đồng ý, không chần chừ. Xin cảm ơn Chị Hòa Bình đã khuyến khích tôi tham dự giải Viết Về Nước Mỹ trong một lần gặp mặt đầu năm 2012, giúp tôi nghĩ đến việc gửi loạt bài này cho Ban Tổ Chức. Tôi cũng biết ơn Nhà thơ Trần Dạ Từ đã nhận bài và đăng mỗi tuần theo đề nghị của tôi, để bài cuối cùng sẽ trùng vào dịp kỷ niệm 30 tháng Tư.

Tôi xin cảm ơn Chương trình California Endowment Health Journalism đã chọn Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” của tôi cho năm 2011-12. Đặc biệt, xin cảm ơn Nhà báo/Tác giả Martha Shark, Cố vấn của Chương trình; Cô Michelle Lavendar, Giám đốc; Cô Andrea Kobrinsky Alday và Ban nhân viên văn phòng; và Nhà báo/Giáo sư Steve Maganini, Cố vấn của tôi, đã góp ý cho bài viết tiếng Anh trên tờ Sacramento Bee.

Tôi cũng cám ơn Nhiếp ảnh gia Benjamin Vũ đã giúp chụp những tấm ảnh phóng sự trong lúc phỏng vấn Cô Thủy tại tư gia, lúc gia đình Cô đến viếng nghĩa trang, và khi Cô làm việc thiện nguyện tại Hội TPB/QPVNCH. Bạn tôi có hỏi, “Sao Trangđài làm gì mà cực quá vậy?” Tôi đáp, “Vì thấy cần.” Và vì tôi ‘cần’ nên anh Benjamin đã chụp hàng trăm tấm hình để tôi có thể chọn những hình ảnh cần thiết và ưng ý. Xin cám ơn tấm lòng của anh Benjamin đối với Dự án này.

Xin cảm ơn Nhà làm phim Đức Nguyễn (đạo diễn các phim Bolinao 52, Stateless, vv) đã dành thời gian để giúp thu hình sinh hoạt tại Hội TPB/QPVNCH, hình ảnh viếng nghĩa trang, và phần đầu của các cuộc phỏng vấn.

Tôi xin cảm ơn Cựu thiếu tá Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy đã chịu khó lắng nghe phần trình bày của tôi về Dự án (trong rất nhiều lần), cũng như sẵn lòng dành thời gian để gặp gỡ và trả lời phỏng vấn. Tôi đã định hướng Dự án trong nửa năm đầu, soạn đề cương cho toàn loạt bài, trước khi chọn Cô làm nhân chứng cho mảng lịch sử hậu chiến đắng cay. Do đó, sau khi Cô nhận lời góp mặt trong Dự án, tôi đã chủ động giải thích rành rọt cho Cô về mục đích, phương pháp, và tiến trình làm việc. Tôi rất cảm động khi Cô vẫn còn nhớ tôi sau mười mấy năm mất liên lạc, từ lần tôi phỏng vấn Cô cho Dự án Việt Mỹ VAP. Cám ơn Đại úy Võ Bị Lê Thành Long, chồng Cô Thủy, đã là người tài xế trung thành, giúp đưa Cô Thủy đến những nơi cần phỏng vấn và chụp hình tài liệu.

Xin chân thành cám ơn Linh mục Đinh Minh Trí (Dòng Tên), anh Tri Nguyễn, và Tiến sĩ Eliza Noh đã sẵn lòng nhận lời mời của tôi và đóng góp những phát biểu giá trị cho phần cuối của loạt bài.

Đặc biệt, tôi xin cảm ơn tất cả các Chủ Bút, Chủ Biên đã sẵn lòng hỗ trợ và phổ biến loạt bài cho Dự án này trên các tờ báo Việt ngữ – cả in lẫn ảo – mà Quý vị đảm trách:

Nhà thơ Phan Tấn Hải, Nhà thơ Trần Dạ Từ, và Việt Báo vietbao.com
Nhà báo Vũ Đình Trọng và Tuần báo Sống
Nhà báo Hoàng Định Nam và Ban Biên Tập, Tuần báo Trẻ baotreonline.com
Nhà thơ Bắc Phong và Thư viện Sáng Tạo sangtao.org
Nghị viên Vũ Khánh Thành, MBE, và An Việt Toàn Cầu (Anh Quốc) anviettoancau.net
Hải Ngoại Phiếm Đàm, cũng như hoangsaparacels.blogspot.com
Nhà văn Phạm Xuân Đài và Diễn Đàn Thế Kỷ diendantheky.com
Cô Nguyễn Thanh Nhã, và Tạp chí Gạch Nối (UC San Diego)
Nhà văn Phạm Quốc Bảo và Quán Văn, Người Việt
Nhà báo Phạm Đình Chiến và Nguyệt san Hiệp Nhất
Nhà báo Trầm Hương và Cộng đồng Người Việt Utah nguoivietutah.org, cũng như mp Blog.

Cũng như tất cả các mạng tôi không có liên lạc nhưng đã đăng lại loạt bài này: Blog Nhà Báo, Tiếng Nói Việt Nam, Vinh Danh QLVNCH, Lý Tưởng Người Việt, và các trang khác.

 
Tác giả phỏng vấn Nguyễn Thanh Thủy.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi và để lại phản hồi trên các trang mạng, hay gửi email cho tôi để chia sẻ cảm tưởng của quý vị về Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng.” Những đóng góp chân tình cũng như lời chúc sức khỏe của quý vị là phần thưởng lớn nhất cho tôi trong Dự án này. Câu chuyện này là câu chuyện của mọi người chúng ta. Tôi hân hạnh có cơ hội kể hầu quý vị một ‘câu chuyện gia đình’ trong dịp tháng Tư năm nay. Xin một lần nữa trân trọng cám ơn.

Tôi cũng rất may mắn, có một cộng sự viên đắc lực, một thiện nguyện viên toàn thời gian. Anh đã chịu khó chờ cơm tối – bữa cơm chung duy nhất của gia đình chúng tôi – khi tôi cần phải thu xếp công việc trên điện thoại hay chưa kịp về. Anh chăm sóc cho con trong những ngày tôi phải ngồi từ sáng đến tối bên bàn phím, đánh máy các cuộc phỏng vấn, sọan thảo lịch làm việc cho Dự án, định hướng cho các cuộc phỏng vấn, chuẩn bị câu hỏi và đề tài cho Dự án, hướng dẫn Cô Thủy qua điện thoại về tiến trình làm việc trong Dự án và giúp Cô hiểu mục đích và viễn ảnh của Dự án, hay lúc tôi ngồi giữa vài trăm tấm hình văn khố hết ngày này đến ngày khác để chọn đi chọn lại chỉ vài tấm hình cho mỗi tuần.

Riêng phần hình ảnh văn khố, tôi hết lòng biết ơn Anh đã dành rất nhiều thời gian để chụp lại các hình một cách chuyên nghiệp. Sau khi chụp, Anh còn tỉ mỉ điều chỉnh ánh sáng và góc độ, để dù những tấm hình trắng đen đã vàng ố và phai mờ, vẫn được ghi lại thật rõ và đúng tiêu chuẩn. Tôi không giỏi về kỹ thuật, và cũng không có đủ thời gian để lo tất cả những việc này, mà đây lại là một khâu quan trọng trong Dự án. Hình văn khố chiếm phần lớn số hình cần dùng trong Dự án, và đóng một vai trò quan trọng trong việc kể lại lịch sử hậu chiến của Nguyễn Thanh Thủy và gia đình. Một tấm ảnh đáng giá một ngàn lời nói. Cám ơn Anh đã đưa thêm gần ba chục ngàn lời quý giá vào loạt bài này.

Tại văn phòng của HTPB_QPVNCH.
Cám ơn Cục Cưng, trong lúc tôi bôn ba thực hiện dự án, hay lúc tôi dỗ ngọt “Chờ mẹ đánh máy xong đoạn này rồi mình đi chơi nhà chòi nghe,” đã kiên nhẫn đón đợi sự hiện diện giới hạn của tôi trong suốt thời gian qua.

 Trangđài Glassey-Trầnguyễn

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...