Monday, April 16, 2012

Ẩn ý đằng sau cuộc tập trận chung Mỹ – Philippines tại Biển Đông

NgV


Các binh lính Mỹ đang có mặt ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận chung thường niên với Philippines ở Biển Đông, diễn ra từ ngày 16-27/4. Một số chuyên gia cho rằng cuộc tập trận mang tên Balikatan (Vai kề vai) năm nay sẽ không được coi là mang tính thường lệ.
Cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines tại Biển Đông năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc do những tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực này.
Theo kế hoạch, các cuộc tập trận năm nay diễn ra ở 3 nơi, trong đó có Palawan – hòn đảo dài gần 600 km nằm ở cực Tây của Philippines, giáp với Biển Đông. Người phát ngôn của quân đội Philippines, ông Emmanuel Garcia, cho biết các hoạt động sẽ được giới hạn trong các khu vực rõ ràng thuộc chủ quyền của Philippines. Ông nói: “Các cuộc tập trận này sẽ được thực hiện gần bờ biển của nhóm đảo Palawan. Chắc chắn chúng tôi sẽ không tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở những nơi có tranh chấp hoặc ở những vùng biển không phải của mình”.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á của Đại học New South Wales ở Australia, trong bối cảnh Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia) – và cả hòn đảo Đài Loan – đang có những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cộng thêm việc Trung Quốc tố cáo Mỹ hỗ trợ các nước khác đòi chủ quyền ở Biển Đông thông qua các hoạt động diễn tập quân sự, cuộc tập trận năm nay giữa Mỹ và Philippines sẽ không được coi là mang tính thường lệ. Ông cho rằng mặc dù các cuộc diễn tập quân sự thường được sắp xếp để bảo đảm là diễn ra bên ngoài những vùng biển có tranh chấp, nhưng “dù gì đi nữa, các cuộc tập trận này cũng phát đi một thông điệp rõ ràng là Philippines đang tăng cường khả năng quân sự và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Philippines. Đây là một sự răn đe đối với Trung Quốc”.
Tháng 3/2012, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng nước ông sẵn sàng để cho binh lính Mỹ ghé vào thường xuyên hơn, trong lúc Washington chuyển trọng tâm quân sự về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Rommei Banlaoi – Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình, Khủng bố và Bạo động Philippines – cho rằng quan hệ đối tác hợp tác giữa Mỹ và Philippines cũng có lợi cho Mỹ. Ông nhận định: “Philippines là một nước dân chủ, và việc có một đồng minh dân chủ ở châu Á sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhờ có mối quan hệ rất tốt với Philippines, Mỹ cũng có khả năng tiếp tục phát huy ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á”.
Mỹ hiện giúp Philippines có được những trang thiết bị quân sự phù hợp với khả năng tài chính của nước này. Tháng 8/2011, hải quân Philippines đã nhận từ Mỹ một chiến hạm lớp Hamilton và đưa vào hoạt động với tên mới là Gregorio Del Pilar. Theo kế hoạch, Manila sẽ nhận thêm một chiến hạm khác từ Washington trong năm nay. Philippines cũng đã nhận được cam kết hỗ trợ từ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và các thượng nghị sĩ cấp cao của Mỹ khi họ tới thăm Manila hồi đầu năm 2012.
Ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh nước Mỹ Mới ở Washington, nhận định: “Những cam kết này có thể ngụ ý rằng Mỹ chắc chắn sẽ giúp Philippines nếu nước này lâm vào một vụ xung đột với Trung Quốc do những tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự giúp đỡ sẽ được thực hiện tại những khu vực không rõ ràng hay có tranh chấp, đặc biệt là về ranh giới trên biển”. Giáo sư Cronin cũng nhắc lại rằng Mỹ vẫn thường tuyên bố Washington tiếp tục giữ lập trường trung lập đối với những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Giáo sư Thayer của Đại học New South Wales cho rằng Philippines sẽ phải chứng tỏ họ có thể gánh vác trách nhiệm phòng thủ đất nước. Ông nói: “Mỹ đang tìm kiếm các đồng minh và những đối tác chiến lược để chia sẻ gánh nặng trong lúc ngân sách bị cắt giảm. Vì vậy, các chiến hạm của Philippines càng thực hiện nhiều hoạt động tuần tiễu ở các vùng biển này – với sự trợ giúp của Mỹ – để nắm vững tình hình trên biển, Philippines càng có thể xác lập chủ quyền của chính mình”.
Khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc tập trận chung Philippines-Mỹ, một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc ở Manila nói rằng Bắc Kinh hy vọng các nước có liên quan nỗ lực hơn nữa để mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực.
T.L./PetroTimes dẫn nguồn Washington Post

Nam Yết chuyển

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...