Tuesday, April 10, 2012

Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng: Từ Đắng Cay Hậu Chiến đến Bình An Tâm Hồn (Phần 2)




Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình văn khố: Olivier Glassey-Trầnguyễn

This project “Black April, Bright April” © is produced using oral history, community participation, and lived perspectives. Trangđài Glassey-Trầnguyễn reporting on trauma, loss, and emotional health in the Vietnamese diasporas was undertaken as part of the 2011-12 California Endowment Health Journalism Fellowships (CEHJF), a program of the University of Southern California’s Annenberg School for Communication & Journalism. Visit her blog at: http://www.reportingonhealth.org/users/trangdai-0.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn thực hiện Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” © về những ảnh hưởng của tang thương và mất mát trên đời sống tình cảm của người Việt hải ngoại qua học bổng của tiểu bang California cho Chương trình Báo chí về Y tế Sức khỏe (CEHJF), và do Trường Báo chí và Thông tin Annenberg của Đại học University of Southern California tổ chức. Cô sử dụng phương pháp lịch sử truyền khẩu, cùng kinh nghiệm dấn thân cộng đồng, và tư duy trải nghiệm. Liên lạc: vietamproj@gmail.com.

PHẦN 2(4): NHỮNG NGÀY ĐẮNG CHÁT

Sau khi ra khỏi tù, Nguyễn Thanh Thủy và gia đình tiếp tục bị đàn áp, trù dập, đe dọa, cho đến khi gia đình bà được sang Mỹ theo diện HO. Sau nhiều đau khổ và mất mát, bà vẫn tiếp tục sống còn, vươn lên. Nhiều thay đổi đã diễn ra trong đời bà trong thời gian này.

Trong 13 năm tù đằng đẵng trước đó, bà đã nhiều lần suýt chết, nhưng trong niềm tin của mình, bà nghĩ, Chúa đã cứu bà. Và cả một người bạn tù của bà, khi bà cầu xin cho bạn trong một đêm ngặt nghèo. Và bà đã nguyện – từ những lúc khốn đốn đã được Chúa nhậm lời – rằng bà sẽ trở thành con Chúa trong trọn cuộc đời này. Do đó, sau khi ra tù, nhờ sự hướng dẫn của một người bạn, bà đã gia nhập Hội thánh Tin lành. Tôi nhớ đến giai đoạn này – khi cao trào thuyền nhân lên đến đỉnh cao. Nếu Nguyễn Thanh Thủy trong hỏa lò đã được Chúa nhậm lời, thì tôi nhớ, có biết bao thuyền nhân đã thấy Phật Bà, Đức Mẹ hiện ra cứu họ, khi họ đang chơi vơi giữa biển khơi mù mịt. Những sức mạnh thiêng liêng đã giúp rất nhiều con dân Việt Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Nguyễn Thanh Thủy và hai con gái sau khi bà ra tù cải tạo

Nhưng làm sao để Nguyễn Thanh Thủy tìm cách mưu sinh cho mẹ già và ba con nhỏ, trong khi bà phải từng giây từng phút đối diện với kỳ thị, bất công, và quản chế sau khi ra khỏi tù cải tạo? Bà tìm mãi không được việc làm, nhà cửa thì đã bị tịch thu, hộ khẩu thì không được cấp. Bà trở thành kẻ vô quốc tịch, vô gia cư. Tuy vậy, bà vẫn tiếp tục cố gắng, tìm mọi cách để bươn chải, lập sinh kế cho gia đình, và chăm sóc cho hai cô con gái khuyết tật và giúp họ có đời sống bình thường. Bà làm tất cả – ngoài sức tưởng tượng của con người, đối với một người đã hoàn toàn bị mất hết sức khỏe – để bù đắp lại cho các con 13 năm tan đàn rẽ nghé. Bà luôn vươn lên, đối mặt với những kỳ thị trong xã hội, chấp nhận những khó khăn trong việc tìm công ăn việc làm, chống chọi với những bế tắt kinh tế, tự tìm cho mình một điểm tựa để đứng vững trước những lo lắng và tuyệt vọng khi nhìn về tương lai mờ mịt.
Giấy ra trại

Nhưng trước hết, chúng ta hãy cùng đến thăm gia đình bà, để biết đời sống hậu-tù-cải-tạo của bà lúc ấy ra sao. Ngày đầu tiên bà trở về gặp mặt mẹ già, con dại, và người chồng của mình đã diễn ra như thế nào? Ngay cả sau khi ra tù, mọi chuyện cũng không dễ dàng cho bà. Cũng xin nhấn mạnh một điều: bà có hai con gái bị khuyết tật, rất cần sự chăm sóc và theo dõi thường xuyên của mẹ. Nhưng ngay cả sau khi ra tù, vì mưu sinh, bà cũng không thể ở bên con mỗi ngày được. Nỗi đau xa cách, tuy có thay đổi, nhưng vẫn còn đó.

Bà kể, “Tôi thắng được cơn sốt rết liệt giường. Tôi thoát được bị phản ứng Penicilline, cố luyện tập để tránh bị liệt chân, thoát khỏi cơn xuất huyết bao tử để trở về được với gia đình, con cái. Nghị lực tôi có được là do niềm hãnh diện tôi phục vụ cho đất nước tự do, chống lại độc tài, áp bức, tàn ác của Cộng Sản. Dù bị bọn Cộng Sản lên án, tôi vẫn cho việc làm trước 1975 là đúng. Tôi vui mà sống. Các cộng sự với tôi đã lần lượt ra về không trở ngại. Còn lại một mình, tôi mới hy vọng đến lượt mình. Thời gian thắm thoát trôi. Lúc cầm tấm giấy tha ra khỏi trại tù cải tạo 230D, hàm răng trên tôi không còn, hàm răng dưới lỏm chỏm cái có cái không. Mặc cái áo tù sửa lại cho vừa vặn với thân hình ốm còi, tôi không còn một bạn gái nào tập trung cải tạo như tôi vì tôi là người tù nữ cuối cùng của tù tập trung cải tạo. Tôi buồn khi nhìn lại một số bạn tù nam không có tên gọi trong đợt này. Tôi vẫy tay từ giã tạm biệt, hẹn ngày hội ngộ ngoài xã hội. Về đến Quận II, tôi bị phỏng vấn, giấy tờ còn nộp trên bàn để làm thủ tục về phường tỉnh mình cư ngụ. Nhà báo hỏi tôi, ‘Có phải Mỹ can thiệp nên chị mới được ra?’ Tôi trả lời, ‘Ở trại, tôi có được nghe tin tức hay đọc báo gì đâu. Hôm nay có lệnh gọi tha về thì tôi nhận giấy về.’ Thật sự giấy tờ còn ở trong tay bọn họ. Nói đúng với ý mình, họ không đưa giấy ra trại lại thì sao? Ở tù nhiều năm, tôi chưa hình dung cái xã hội của Chủ nghĩa Xã hội nó như thế nào. Cầm cái nón lá trong tay, tôi ra sau cùng vì nghĩ nhà cửa bị tịch thu hết, công an phường biết đâu mà thông báo vì cả nhà hồi hương về Mỹ Tho, trong lòng định đi bộ về nhà Dì ở gần chợ Sàigòn. Đang đi nghe tiếng gọi tên mình, ngó lên thấy vợ chồng đứa em trai đang chạy tới, mừng rỡ cùng nhau đi bộ về nhà Dì.”

Thật ra, nếu bà không quá yếu và bệnh thập tử nhất sinh liên miên, chưa chắc bà đã được về. Bà nói, “Tôi về theo diện cứu xét người bệnh ở bệnh xá. Tôi bị xuất huyết bao tử hơn tháng, còn uống nước cháo để sống, chưa ăn cơm được. Bạn bè hay tin, đến họp mặt ở căn gác nhỏ của Dì. Tôi gặp chồng tôi ở đó. Hôm sau, vợ chồng tôi cùng về thăm các cháu và Mẹ tôi.”

Quây quần bên nhau, dù bị theo dõi hay làm khó dễ

Rồi thì bà cũng được gặp lại các con – niềm khích lệ lớn nhất đã giúp bà chịu đựng thử thách để sống sót trở về! Trái tim của một người Mẹ xa con, không được chăm sóc con, đã đau đớn như thế nào khi nhìn cảnh con cái mình xơ xác, bơ vơ? Và ắt hẳn ba đứa con – sau mười ba năm xa Mẹ –  sẽ nhảy cẫng lên mừng rỡ? Không. Cái khoảng cách mười ba năm, cùng với cái hình ảnh một Nguyễn Thanh Thủy dở sống dở chết khi xuất trại, đã làm con bà sợ. Khi vợ chồng bà về đến Mỹ Tho, thì “Mẹ tôi ra mở cửa. Hai mẹ con ôm nhau, cùng chảy nước mắt. Mẹ tôi gọi hai con gái ra, nói, ‘Mẹ con về kìa!’ Hai đứa nhìn Mẹ, đợi Mẹ tới ôm, vì cả hơn 10 năm hai cháu chưa gặp Mẹ. Tôi chết lặng nhìn hai con, không hồng hào mà xanh xao. Cháu nói, “Mẹ không có răng. Mẹ lạ quá!” Con trai tôi thì đi làm hãng sơ dừa chưa về.”

Cắt tóc để ly hương, chia tay với khổ nhục

Lúc đó, bà mới bắt đầu thấm cái cảnh cơ hàn mà Mẹ bà – sau khi Ba bà qua đời – đã côi cút một nách tần tảo nuôi ba cháu nhỏ. Bà kể, “Tôi thấy nhà trống trơn. Chạy xe đạp trong nhà cũng không đụng vào đâu. Tôi vào nhà bếp, giở thạp gạo, thấy còn một lít gạo đang đựng trong cái lít trên đáy khạp. Mẹ tôi nói, sáng đó, có anh Tư của tôi về thăm cho các cháu mấy khúc vải để may quần áo Tết. Và nói, có đợt tù cải tạo được thả. Mẹ hy vọng tôi được về. Phường Mẹ ở cũng đưa báo Công An có phỏng vấn tôi. Ông ấy nói hy vọng kỳ này tôi về.’”

Nụ cười lạc quan giữa muôn trùng bão tố

Thế mới biết, nỗi mong chờ mòn mỏi của gia đình những người tù cải tạo cũng là cái đau đớn không tên mà họ gánh chịu hằng bao năm, khi người thân phải chịu cảnh hỏa lò. Mẹ của bà còn nói, “Nếu kỳ Tết này con không về, Mẹ cũng không còn khả năng nào đi thăm nuôi con vì nhà đã kiệt quệ.” Kiệt quệ tài chánh, nhưng có lẽ tình thương yêu và niềm mong mỏi sẽ không bao giờ kiệt quệ, nhất là trong trái tim của những bà mẹ Việt Nam thương con vô bờ.

Cái sự thật đau lòng về sự đói rách của Mẹ và con cái bà hiện diện trong cả tên gọi của đứa con nhỏ. Bà cười trong nước mắt, “Con gái út của tôi, thấy cả nhà kêu là Cô Tư Tivi, được giải thích là vì áo của cháu vá một miếng vải lớn bằng cái Tivi phía sau lưng áo. Tôi thấy lòng đau xót, nghẹn ngào, không nói nên lời.”

Trong bữa cơm gia đình đầu tiên, món ăn sang trọng nhất và quý giá nhất chính là sự hiện diện của bà, và tình thân mà bạn tù dành cho bà, bởi vì “Buổi cơm hội ngộ gồm có Dì út Nguyệt nuôi và chăm sóc các cháu, bà ngoại, Long chồng tôi, 3 con tôi, tôi bên dĩa rau luột và nước mắm. Rất vui, ấm cúng. Tôi đưa Mẹ tôi số tiền bạn bè giúp tôi làm lộ phí trở về nhà.” Mẹ bà đã xúc động, “Các bạn còn nhớ và thương con, Mẹ mừng lắm!”

Gió heo may đã bắt đầu thập thò ngoài hiên. Nguyễn Thanh Thủy đón cái Tết đầu tiên trong cái tù lớn với những nghẹn ngào bắt buộc của hoàn cảnh. Bên nỗi vui đoàn viên, bà cũng đối diện với niềm mất mát. Như con gà mẹ, dùng tất cả sức lực của mình để ủ ấp cho đàn con, bà đã “cắt may áo quần cho các cháu để mồng một Tết có áo quần mới mặc. Nhìn ảnh Ba tôi trên bàn thờ, tôi ngậm ngùi nhớ thương. Có những điều tôi muốn nói với Ba vì tội giấu cha mẹ về ngề nghiệp, nhưng giờ thì vĩnh viễn không thể nói được với Ba. Tôi xin lỗi Ba.”

Người cha quá cố có nghe được lời xin lỗi của đứa con gái xa nhà 13 năm không? Chắc ở thế giới bên kia, ông đã thấy con gái mình ngất xỉu trong trại tù khi được tin ông qua đời? Bao nhiêu gia đình ở Việt Nam thời gian đó đã chịu cảnh này: con cái không được thọ tang cha mẹ, vợ chồng không được biết sống chết của nhau? Máu nồng hơn nước lã. Chắc Ba của bà đã nghe được tâm sự của bà.

Rồi trong “đêm giao thừa đầu tiên, ngoài xã hội của Chủ nghĩa Xã hội, tôi ngồi kết nút áo cho con để sáng mai ngày Tết, cháu có áo mới mừng tuổi thọ Bà Ngoại. Tôi suy nghĩ về chuyện sẽ làm gì nuôi thân, nuôi mẹ, các con sau cái Tết này. Nhìn hai đứa con gái khuyết tật ngồi cắt cói, xếp cói, đứa con trai xe cói, tôi không biết tương lai sẽ ra sao, khi hai bàn tay trắng, không nơi cư trú, hộ khẩu không có, giấy ra trại ghi địa chỉ nhà cũ (ở Sàigòn, đã bị tịch thu), các con hồi hương trú nhà Bà Ngoại. Tài sản Ba Mẹ tôi, luôn cả trường tư thục, đã bị Cách Mạng tịch thu toàn bộ, chừa lại căn nhà gỗ nhỏ để ở. Tôi tự an ủi: Trời sanh voi sanh cỏ!”

Bà lạc quan, tin tưởng vào khả năng sinh tồn của con người và sự quan phòng của Tạo Hóa. Bà gặp gỡ thân bằng quyến thuộc, và tìm hiểu về việc học hành của con cái, “Tôi tiếp khách hàng xóm đến thăm với áo tù, mặc quần của con gái tôi. Tất cả những vật dụng đổi được thành tiền đều được bán hết để nuôi con tôi và tôi. Tôi đi thăm cô giáo của các con tôi ở trường Trung học Mỹ tho. Các cô kể lại về cháu Quân, học rất giỏi, miễn tuổi để lên lớp. Hiệu trưởng là Cách Mạng 30 tháng 4 không cho lên. Các cô phản đối vì cháu đứng nhất cấp II, mà không được lãnh thưởng vì có cha mẹ ngụy quân, nhưng phải cho lên lớp. Mười sáu tuổi, cháu đã đậu cấp III. Còn hai cháu khuyết tật, một cháu lớp 4, một cháu lớp 7, là con ngụy, nên không cho ở lại lớp, đuổi ra khỏi trường.”

Vợ chồng Thủy-Long gầy dựng cuộc sống bên quán càphê lề đường sau khi thoát tù cải tạo

Nhưng cái trớ trêu của xã hội Việt Nam sau 1975 vẫn bám riết bà, nên “đến ngày tôi phải trình diện ở Ủy Ban Nhân Dân Thành phố, địa chỉ nhà ghi trong giấy ra trại Bộ Công An đã cấp cho Công An ở, Ủy Ban yêu cầu tôi về quê họ sẽ cấp giấy cư trú. Tôi ở lại thành phố Sài Gòn. Tôi may gia công quần áo trẻ con và bỏ đường cát cho các quán nước, nhưng không đủ nuôi sống con cái. Tôi ở nhờ bà con, bạn bè, thay đổi chỗ ở vì ở đâu, đêm đêm cũng bị xét giấy tạm trú, tôi không được cấp giấy gì ngoài giấy ra trại. Chủ nhà khước từ giúp đỡ tôi vì bị Công An làm khó dễ. Có nhiều ngày tôi muốn che tấm bạc nilon, trãi chiếu ngoài lề đường ngủ như những gia đình bỏ kinh tế mới trở về thành phố sống lang thang bên vỉa hè. Tôi không được sức khỏe như các người đi kinh tế mới trở về. Vả lại, tôi đang sống vào mùa mưa dầm. Mưa gió sẽ gây bệnh cho tôi. Ba Má một chị bạn gặp tôi ở trong nhà con gái họ, đã nói với tôi, ‘Xưa nay, gia đình chúng tôi là hộ tốt trong khu vực này. Nay chị đến đây ở, hộ chúng tôi bị xét liên miên.’ Tôi lang thang nay ở nhờ nhà này, mai nhà khác, và làm thức ăn bán thay vì bán cơm tấm, phải nấu thức ăn. Tôi đổi bánh cuốn chả bán liền tại chỗ với cà phê, nước ngọt.”

Từ một người tù bị theo dõi nghiêm nhặt, Nguyễn Thanh Thủy trở thành một kẻ vô gia cư, một con người tuy không còn mặc áo tù, nhưng không có nơi dung thân – và vẫn tiếp tục bị theo dõi nghiêm nhặt. Bà vẫn tiếp tục phải xa các con vì sinh kế. “Hàng tuần, ngày Chúa nhật, tôi giao cho chồng tôi bán. Tôi về thăm 3 con và Bà Ngoại ở Mỹ Tho. Từ sáng sớm tôi đạp xe đi lấy hàng, dọn hàng bán tới chiều cất hàng vô, gửi nhà bạn, rồi chờ chạng vạng tối mới về nhà người quen để người xung quanh không để ý.”

May thay, tuy cái tù lớn của Việt Nam hậu 1975 đã giam cơ thể và bao tử con người, nhưng nó không giam được tình người. Một cô giáo dạy nữ công gia chánh cho các phụ nữ chuẩn bị đi nấu ăn hay làm việc nhà cho những ông chủ trong bộ ngoại giao đã động lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh của Nguyễn Thanh Thủy – và có lẽ cũng quý mến sự hiền lành, chịu khó của bà. Cô thấy hoàn cảnh bà khó khăn, mới ra tù, nên dạy miễn phí cho bà tất cả những món ăn và công thức bánh trái. Nguyễn Thanh Thủy chỉ phải trả tiền vật liệu. Mỗi ngày, bà đến học rồi làm bánh hay một món ăn sang trọng nào đó, vốn dành cho những thực khách trong giới ngoại giao. Sau giờ học, bà lại mang món ăn đó ra quán lề đường để bán. Xem chừng như có một sự tréo ngoeo nào đó ở đây, khi một món ăn hạng sang được bày bán ở một cái quán lề đường tạm bợ? Nhưng có cái gì mà không tréo cẳng ngỗng trong xã hội Việt Nam thời đó? Nhưng cũng chính những bài học nữ công này đã giúp bà nuôi sống gia đình sau khi định cư tại Mỹ.

Rồi hy vọng cũng đã đến một cách bất ngờ cho những mảnh đời bên vỉa hè như bà. “Năm 1989, báo Nhân Dân, Công An của Cộng Sản đăng tin thỏa hiệp giữa Mỹ-Việt cho những người tù cải tạo 3 năm trở lên được sang Mỹ. Tôi vội vàng mang tờ báo vào Quận 5 là Quận tôi đã ở trước 1975 và giấy ra trại cũng về nơi phường Quận 5 để khiếu nại vấn đề nhập hộ khẩu. Cán bộ Quận yêu cầu phường giải quyết, cấp tạm trú cho tôi để làm hồ sơ xuất cảnh.”

Việc làm thủ tục xin xuất cảnh của bà có lẽ nhiêu khê hơn rất nhiều người. Mất hơn hai năm bà mới hoàn tất được giấy tờ, và mỗi ngày, Công An địa phương không ngừng nhắc nhở bà rằng, “Chỉ khi nào chị ra khỏi đây, thì thôi. Chị còn ở đây, là chúng tôi còn quản lý được chị.” Nhưng xuất cảnh là con đường sống duy nhất cho Nguyễn Thanh Thủy và gia đình bà – cũng như rất nhiều những gia đình khác tại Việt Nam thời đó. Để gỡ những thắt gút mà chính quyền đã tạo ra cho cá nhân bà, trước hết, “Tôi phải làm tạm trú nơi phường tôi ở trước 1975 vào nhà bác của tôi, chỉ ghi tên làm hồ sơ xuất cảnh, còn ở đâu thì tùy. Tôi xin về nhà cô em chồng ở Quận 4 tạm trú chờ xuất cảnh. Cuộc sống không dễ dàng như tôi tưởng. Tôi được sự đồng ý giới thiệu của Quận, thế mà cứ khoảng 12 giờ đêm tới 2 giờ sáng là công án tới xét giấy tạm trú. Chưa đủ, còn đến xin tiền chủ nhà khi về Bắc thăm gia đình, sinh nhật con, và rủ chủ nhà đi nhậu. Tất cả chi phí tôi phải hoàn trả lại, nhưng rất phiền hà cả nhà không an giấc, cứ chập chờn chờ tiếng đập cửa xét nhà của Công An. Tụ điểm bán cà phê của vợ chồng tôi là nơi anh em tù cải tạo trao đổi tin tức đi ở, cách làm giấy tờ, xuất cảnh, nhất là xin giấy xác nhận tù chết trong trại mới đủ điều kiện nộp đơn, xin ở Quân Khu 7. Tất cả phải có thù lao riêng cho tụi Cán bộ.”

Có lẽ không ai là không nhớ cái cảnh xét nhà bất cứ lúc nào ở Việt Nam thời đó. Công an phường có thể ập vào nhà, không cần giấy lệnh, xét tất cả những gì họ muốn xét, bắt tất cả những ai họ muốn bắt, lấy tất cả những gì họ muốn lấy. Trong khi chờ đợi hồ sơ được xét duyệt, bà vẫn tiếp tục bán cà phê bên lề đường để mưu sinh cho cả gia đình. “Lần đầu tôi bán ở đường hẻm. Sau đó họ xây nhà cao tầng cho ngoại quốc mướn, tôi phải dời đến đường Nguyễn Văn Tần. Bốn năm buôn bán vỉa hè, tôi thấy tình cảnh nghèo đói, họ đã bẻ lọi chân đứa bé gái thành tật nguyền để cháu lết đi xin ăn, lấy tiền nuôi cả gia đình. Cảnh thương phế binh mù lòa, cụt tay cụt chân, đi bán vé số, đi đàn hát xin lấy chút tiền của người hảo tâm. Cảnh Công Anh phạt những người buôn bán vỉa hè gấp đôi gấp ba số tiền họ kiếm trong một ngày. Công An cài những người bán xung quanh, bên kia đường theo dõi quán tôi, báo cáo cho Công An phường. Dân nghèo thương nhau, nhất là thấy tôi ở tù lâu quá, họ nói cho tôi biết để đề phòng. Người tù không được buôn bán. Tôi bị Công An gọi lên Bộ Nội Vụ, buộc phải dẹp quán. Tôi trả lời với chúng nó rằng, ‘Tôi muốn trở thành người dân lương thiện, kiếm tiền nuôi sống gia đình mà cứ dồn tôi vào cuối chân tường. Vậy yêu cầu các ông gửi tôi vào trại cải tạo để tôi có ngày hai bữa ăn độn.’ Bắt tôi ký giấy vi phạm, tôi không ký. Tôi nghĩ, tôi đã nộp đơn qua Bangkok, tôi chẳng có gì để lo sợ.”

Nhưng bù lại, những giây phút đầm ấm bên gia đình đã cho bà một niềm hạnh phúc lớn lao, đủ lớn để vượt thắng những tân toan ngoài xã hội. Bà nói, “Không khí gia đình rất vui, nghèo nàn nhưng ấm cúng. Ở trường của con trai tôi chỉ dạy tiếng Nga hoặc tiếng Pháp. Tôi khuyên con học tiếng Anh qua tự điển, phiên âm quốc tế, phải tự học vì tỉnh lẻ không có lớp dạy Anh văn, mà có chắc tôi cũng không đủ tiền để đóng cho con mình đi học. Tỉnh mở lớp dạy computer cho cán bộ. Con trai tôi xin đóng học phí để học, và thích nghề đó cho đến hôm nay. Nhìn hai con gái khuyết tật, nỗi đau của người mẹ không sao kể xiết. Câu an ủi của tôi để tôi vươn lên là ‘Không lẽ đời mình mãi thế này?’ Tôi dạy hai con gái làm việc nhà giúp Bà Ngoại, rửa chén, giặt quần áo, vo gạo, nhặt rau… Hai con làm rất vụng về, nhưng ham làm lắm. Tập hai con làm toán cộng, tập nói, trả lời, đếm số, những căn bản tiếng Anh để còn ra Hội đồng Giám định Y khoa (HĐGĐYK) với Bác sĩ Mỹ. Ngày ra HĐGĐYK, Bác sĩ Trưởng HĐ xét duyệt phân tích bệnh lý từng đứa một, Bác sĩ đã chỉ cho HĐ biết, ‘Hai đứa bé này được gia đình giáo dục rất kỹ, nên mới được tốt như vậy. Ở đây có nhiều em khá hơn mà không biết một chữ nào, gia đình không giáo dục chúng.’ Qua được cuộc phỏng vấn với HĐYK, gia đình rất vui mừng. Vì vậy gia đình tôi là HO 12, phải đi cùng HO 14 vì lý do sức khỏe của hai con gái.”

Nguyễn Thanh Thủy, sau kinh nghiệm tù cải tạo, vẫn mãi mãi nằm trong sổ đen của chính quyền Việt Nam. Nên “Tôi biết tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong những ngày cuối ở Việt Nam. Tôi chỉ dẹp quán bên đường 10 ngày trước khi đi. Nhưng tôi làm giấy xin về quê thăm Mẹ tôi, cốt ý tránh xa Công an phường. Tôi tạm đã dời chỗ ở khác, thế mà Công an vẫn đòi chủ nhà cho một số tiền. Chủ nhà thoái thác là tôi không còn ở đó.” Thậm chí, Bộ Công An còn ra lệnh cho bà: “Không được đãi tiệc, không được đón đưa. Nếu bên Mỹ có ai tổ chức đón, chúng tôi sẽ không cho chị đi. Và chỉ khi nào máy bay cất cánh, chị mới rời khỏi Việt Nam. Máy bay chưa bay, chúng tôi vẫn giữ chị lại được.”

Trong cái niềm vui thoát được cảnh bị đàn áp, chèn ép mỗi ngày, cái tương lai sáng sủa hơn mở ra trước mắt, là cái nỗi đau phải chia lìa với người Mẹ của bà – trụ cột của gia đình bà trong suốt 13 năm bà chịu cảnh tù đày. Nhưng hoàn cảnh như vậy không cho phép người ta giằng co với tình cảm. Nguyễn Thanh Thủy ngưỡng phục mẹ mình, bà nói, “Mẹ tôi là bà mẹ hết sức can đảm. Bà giữ bình thản để cho con và các cháu ra đi. Vì Mẹ tôi thường nói, ‘Con phải ra khỏi chỗ này, con mới khá được.’ Lần sung sướng nhất trong đời là lúc cả gia đình rời nấc thang cuối cùng vào phi cơ, lòng phơi phới nhẹ nhõm như đang trên mây, trong lúc phải để lại sau lưng mẹ và những người thân thương của mình. Thật đứt ruột!”

Cánh cửa hy vọng đã mở toang. Những cơ hội tốt đẹp đang đón đợi gia đình bà ở xứ Cờ Hoa. Nhưng cuộc đời của Nguyễn Thanh Thủy không hẳn sẽ trơn tru từ đây. Bà sẽ tiếp tục đối diện với những bể dâu của đời thường, và chịu cảnh tre già khóc măng non ở xứ người. Bà sẽ làm gì khi đứng trước một chọn lựa bế tắc: đồng ý để cho con mình được giải phẫu, dù biết cơ hội sống sót không nhiều, mà không giải phẫu cũng đồng nghĩa với cái chết? Sự lạc quan của bà, liệu có còn tỏa sáng trong biến cố này không?

Chúng ta cùng đồng hành với Nguyễn Thanh Thủy và gia đình trong hành trình trên Đất Hứa trong Phần 3 của loạt bài này.

No comments: