Tuesday, September 4, 2018

Bạn Xưa Tình Cũ - Điạ Thảo

HoangsaPracel: Một Hạm Trưởng Hải Quân Việt Nam đã hành xử có trách nhiệm để xác nhận đất nước mình là một quốc gia có chủ quyền. Ông đã kém may mắn mất tích trên biển khi vượt biên tìm tự do vào tháng 7 năm 1987.
Tiếng còi nhiệm sở vận chuyển vang lên dồn dập, Thuỷ thủ đoàn Hải Vận Hạm hậu Giang HQ 406 vội vàng đi tới nhiệm sở cuả mình. Lúc đó khoảng 2 giờ chiều 23, tháng Chạp 1966 âm lịch, ngày đưa ông Táo về trời, chiến hạm đang cặp cầu Tự Do bên tả hạm và nước ròng đang rút.
Từ phòng ngủ sĩ quan, Trung uý Lê Trung Quân và người bạn đồng khoá Trần Văn Tâm với quân phục chỉnh tề, vội leo lên boong tầu, rồi tách ra đi về hai hướng. Trung uý Tâm là sĩ quan đệ tam cuả chiến hạm,chỉ huy sân mũi, còn Quân, sĩ quan đệ tứ trách nhiệm sân lái. Trên đài chỉ huy, Hạm trưởng là Hải quân Đại Uý Trần Văn Lâm, với biệt danh “Lâm đen”, Hạm phó là HQ Trung uý Phạm Trọng Quỳnh đã có mặt, đặc biệt có thêm một vị khách danh dự là phu nhân Hạm trưởng theo tầu ra thăm viếng Côn Sơn nhân kỳ nghỉ Tết. Chiến hạm được lệnh chuyển vận toán công chức và một đại đội Điạ phương quân thuyên chuyển ra Côn Sơn để hoán chuyển toán cũ trở về đất liền. Suốt buổi trưa nay, họ đã ồn ào lũ lượt xuống tầu cùng vợ con với đủ loại hành lý cồng kềnh, kèm theo các lồng tre nhốt gà vịt, heo con để ra trú đóng và sinh sống nơi hải đảo.

Quân đeo mũ nghe và ống điện thoại để nhận lệnh và báo cáo với đài chỉ huy. Năm phút sau, tất cả các nhiệm sở từ phòng lái, phòng máy, sân trước, sân giưã và sân sau đều báo cáo sẵn sàng. Sân giưã được lệnh cho nhân viên kéo hạm kiều lên tầu.

Quân nghe tiếng Hạm trưởng dõng dạc ra lệnh cho phòng lái:

-Hai mươi bên trái (tay lái bẻ 20 độ về phiá bên trái)

-Mở hết dây đôi.

Tiếng báo cáo đáp lại từ các sân trên boong tầu:

-Dây đôi đã về tầu.

-Hai máy tiến một. Giữ chặt dây số hai. Mở hết các dây số 3,4,5,6 và số 1.

Máy tầu chuyển động ầm ầm và thân tầu rung lên. Chân vịt bắt đầu quạt nước tống ra sau. Một lúc sau, con tầu mới chậm chạp nhích lên phiá trước, cạ mũi vào cầu tầu và lái tầu từ từ tách ra.

-Hai máy tiến hai. Tay lái 30 bên trái.

Con tầu rú lên tăng tốc độ. Mãi năm phút sau, lái tầu mới tách ra khỏi cầu tầu khoảng 15 mét và dây số 2 đã căng thì hạm trưởng cho lệnh bớt máy:

-Hai máy tiến một.

-Hai máy ngưng. Tay lái số không.

-Hữu lùi một.

Nhờ xuôi nước, chiến hạm nhẹ nhàng lùi lại, dây số 2 vưà xuống thì Hạm trưởng ra lệnh:

-Tháo dây số 2.

Chỉ một phút sau, tiếng báo cáo cuả Trung uý Tâm từ sân mũi vang lên:

-Dây cuối cùng đã về tầu.

Trên đài chỉ huy, anh Trung sĩ giám lộ cầm tu huýt thổi một hồi còi, báo hiệu chiến hạm đã thực sự rời bến. Lập tức, Quốc kỳ nơi sân lái cuả Quân được hạ xuống, đồng lúc với Quốc kỳ và cờ danh hiệu chiến hạm được kéo lên trên cột cờ chính.
Hạm trưởng bận rộn liên tục lái tầu đi ngược nước tiến lên hướng thượng dòng, len lỏi qua các chiến hạm và thương thuyền đang cặp phao giưã dòng sông Sài Gòn. Qua khỏỉ cầu dầu, đến khúc sông rộng, ông cho tầu quay đầu lại và xuôi dòng rời bến Sài Gòn.

Quang cảnh thủ dô những ngày cuối năm thật là tưng bừng, náo nhiêt, dân chúng đổ xô nhau đi mua sắm Tết. Quân nhìn vào trong bờ, đại lộ Nguyễn Huệ thênh thang , thẳng tắp đến toà Đô chánh, giờ đã chật cứng người qua lại, một thoáng bâng khuâng len đến hồn anh. Một chú thuỷ thủ vưà xếp dọn dây cột tầu lại cho ngay ngắn, vừa nhún nhẩy hát bài Tình Yêu Thuỷ Thủ: "Chiều nay ra khơi, thoáng thấy mắt em nhuốm buồn. Đời anh là gió sương, anh đi khắp muôn phương…”. Quân mỉm cười, bài ca diễn tả đúng tâm trạng cuả anh trong chuyến hải hành cuối năm này. Mới thuyên chuyển xuống tầu được vài tháng, anh được gặp lại người bạn cùng khoá, cùng ở chung phòng suốt thời gian hai năm cuả thời sinh viên sĩ quan ở Quân trường Nha Trang. Chiến hạm đã đưa Quân đi khắp miền đất nước, từ Đà Nẵng đến tận hải đảo Phú Quốc xa xôi, cặp bến nhiều thành phố, ghi dấu cho anh thật nhiều kỷ niệm. Là sĩ quan trẻ, độc thân, Quân đã thoả mộng hải hồ cuả một đời trai ngang dọc. Trong những lần tầu cặp bến, đôi khi anh cảm thấy hồn mình chơi vơi, chơi vơi, đắm đuối vì sóng mắt cuả giai nhân, nhất là ở đất thành đô hoa lệ. Anh còn nhớ đêm dạ vũ hôm nào trong ngày họp mặt khoá Đệ nhất Song Ngư, hồn anh đã say chuyếnh choáng như trong mấy vần thơ cuả cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

Dáng hình tha thướt
Lưng mềm não nuột những tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn anh gửi cánh tay hờ…

Tiếng còi giải tán nhiệm sở vận chuyển và gọi chi đội 3 đi phiên làm Quân chợt tỉnh. Chiến hạm đã qua khỏi thương cảng Sài Gòn, đang tăng tốc độ để kịp ra cưả biển Vũng Tầu trước lúc hoàng hôn.

Là sĩ quan trưởng phiên chi đội 3, Quân cho nhân viên giải tán nhiệm sở vận chuyển và rảo bước leo lên đài chỉ huy nhận nhiệm vụ. Anh đưa tay chào Hạm trưởng và Hạm phó. Hạm trưởng vui vẻ chào đáp lại, ông rất mực ga lăng vì có phu nhân đứng bên cạnh. Hạm phó Quỳnh vỗ vai bàn giao phiên trực cho anh rồi lặng lẽ rút lui.

Hạm trưởng vẫn tiếp tục lái tầu qua Nhà Bè theo hướng sông Lòng Tàu để ra biển. Con tầu tiến rất nhanh vì xuôi nước, nhưng khó khăn giữ chiến hạm đi đúng hướng.

Khi Quân vưà mãn phiên trực lúc 6 giờ chiều, chiến hạm đã ra tới cưả sông. Quân nhìn bầu trời đầy mây u ám, mặt trời đã trốn biệt từ lâu, từng luồng gió thổi mạnh, xa xa ngoài khơi nhấp nhô hoa sóng giăng đầy báo trước chuyến ra khơi đày sóng gió hãi hùng. Hạm trưởng vội đưa bà xã xuống phòng tránh sóng, rồi vội vàng lên đài chỉ huy để đưa chiến hạm ra khơi an toàn, vì vùng biển Vũng Tầu có nhiều xác tầu chìm cuả Nhật để lại.

Bàn giao phiên trực hải hành cho chi đội 1 xong, Quân xuống phòng ăn dùng cơm chiều. Anh ăn vội vàng cho xong bưã vì con tầu đã bắt đầu lắc lư, chao đảo, mọi vật trên bàn xê dịch theo từng cơn sóng lắc. Trở về phòng ngủ, ngồi tán gẫu với bạn bè một lát, anh leo lên giường cố ngủ vài tiếng để nưả đêm thức dậy đi “ca cách mạng”. Nằm ngủ trên giường, đôi chân Quân cảm tháy như mình bị ném tung lăn xuống sàn tầu.

Gần 12 giờ đêm, Quân nai nịt áo mũ che mưa cẩn thận, lảo đảo từng bước leo lên đài chỉ huy nhận phiên từ chi đội 2. Liếc nhìn bạn mình bơ phờ, hốc hác vì vật lộn vơi con tầu trong cơn biển động suốt 4 giờ qua, anh lắc đầu ngao ngán. Chiến hạm đang ở vị trí giưã Vũng Tầu và Côn Sơn, hải hành khá nhàn hạ vì làm point định vị trí chiến hạm bằng radar,đo khoảng cách từ con tầu tới rặng núi Côn Sơn mỗi 15 phút. Bên ngoài bầu trời đen kịt, mưa gió sấm chớp đày trời. Con tầu cứ lầm lũi đâm sầm vào những ngọn sóng cao hung hãn. Chiến hạm khi thì bị nhấc lên, chơi vơi rồi đập mạnh lườn tầu xuống mặt biển làm con tầu rung chuyển dữ dội, kinh hoàng như muốn bị gẫy làm đôi. Đài chỉ huy nằm ở trên cao, lệch một bên, phiá hữu hạm, thỉnh thoảng bị những cơn sóng ngang xô tới, chòng chành, trao qua, đảo lai như muốn lật úp, ai nấy phải bám cứng vào thành tầu, xảy ra là như bị ném tung xuống biển. 

Quân cắn răng chiụ đựng, ruột gan nhộn nhạo từng cơn, nhưng vì trách nhiệm nặng nề, anh vẫn vẫn phải cố đứng vững, nép vào thành tầu cho đỡ ướt át, thỉnh thoảng dùng ống nhòm quan sát chung quanh.

Được chừng nưả phiên, Quân chỉ thị sĩ quan phụ tá khoá 14 đi tuần phòng tai một vòng chiến hạm. Một lúc sau, viên Thiếu uý đó báo cáo cho Quân biết có một vợ lính Điạ Phương Quân đang bị đau bụng đẻ dữ dội vì bị cơn say sóng hành hạ ảnh hưởng đế bào thai. Quân vội bảo anh ta đi gọi các y tá trên tầu thức dậy để làm công tác hộ sinh bất đắc dĩ cho chị ta. Một giờ sau, nhờ sự tận tụy, sốt sắng cuả các y tá, Quân được cho biết chị ấy đã hạ sinh một bé gái an lành, sau này lấy tên chiến hạm để đặt cho con là Nguyễn Thị Hậu Giang để làm kỷ niệm. Một thuỷ thủ trẻ vưà ói, vưà ôm la bàn điện theo dõi hướng đi cuả chiến hạm, vưà càu nhàu với Quân: 

-Tầu mình có đàn bà đẻ xui lắm, ngóc đầu không lên đó, Trung Uý.

Dù đang mệt nhừ vì say sóng, Quân chỉ mỉm cười với anh ta, nhướng mắt ra vẻ không tin. Mãn phiên trực lúc 4 giờ sáng, mặt biển đột nhiên diụ lại, giông tố đã qua, mọi người như được hồi sinh, chiến hạm cũng gần đến Côn Sơn. Bàn giao phiên trực và báo cáo chuyện vưà qua cho Hạm Phó, Quân xuống phòng ngủ, chìm vào giấc ngủ mệt mỏi.

Chuyến hải hành trở về khá êm ả, chiến hạm cặp bến Sào Gòn nghỉ ngơi ăn Tết vài ngày. Quân được Hạm Trưởng ưu ái thưởng cho mấy ngày Tết về sum họp với gia đình trong dịp Tết. Đấy cũng là mấy ngày phép hiếm hoi, quý báu đối với anh từ khi nhập ngũ được về nhà ăn Tết cùng cha mẹ và đàn em nhỏ.

Khi Quân mãn phép trở về, chiến hạm nhận lệnh chở một tiểu đoàn Bộ Binh ra Qui Nhơn hành quân. Hạm trưởng hôm nay cáu gắt khác thường, ai nấy đều ngạc nhiên, e dè, né tránh. Vài nhân viên thầm thì, thắc mắc:” Có lẽ đêm qua về nhà bị bà xã không cho nên sáng nay xuống tầu ông khó khăn quá?!”

Vì mới đi phép về, Quân gõ cưả phòng Hạm Trưởng, chào trình diện cấp chỉ huy. Nhìn gương mặt kém vui cuả ông, anh ngạc nhiên hỏi:

-Có chuyện gì vậy, commandant?

Hạm Trưởng Lâm lúc đó mới thở ra tâm sự:

-Xui quá, bà xã moa sau chuyến đi Côn Sơn về, bà ấy vưà bị sẩy thai!

Quân chợt hiểu, pha trò an ủi ông:

-Có gì đâu mà Hạm Trưởng phải lo, sẩy kỳ này thì còn kỳ khác, đời còn dài mà, Commandant!

Chuyến hải hành ra Qui Nhơn vô cùng vất vả vì biển động mạnh. Chiến hạm chạy ngược gió, ngược sóng, hơn ba ngày mới tới nơi, mọi người trên tàu bị say sóng ói mưả liên hồi. Khi tầu tiến vào Vịnh Qui Nhơn ủi bãi thì hải cảng tấp nập các chiến hạm Hoa Kỳ và Đại Hàn ở gần đó. Lúc ấy vào đầu năm 1967, thời điểm chiến tranh Việt Nam leo thang mãnh liệt, quân lực đồng minh lũ lượt đổ bộ vào tham chiến, nên các hải cảng lớn cuả quê hương đều có sự hiện diện cuả tàu bè ngoại quốc.

Các chiến hạm Mỹ thấy tầu Việt Nam muốn vào ủi bãi bên cạnh, lấy lý do an toàn nên đánh đèn hiệu đuổi ra. Hạm Trưởng Lâm giận lắm, bảo tầu Mỹ láo lếu vì chiến hạm Việt Nam có quyền cặp cầu và ủi bãi bất cứ hải cảng nào trên lãnh thổ thuộc chủ quyền cuả mình, không cần xin phép chiến hạm ngoại quốc. Ông lờ đi, cho tầu tiếp tục tiến vào ủi bãi, vì thuỷ thủ đoàn và tiểu đoàn bạn quá giang quá bơ phờ hốc hác. Chiến hạm Mỹ phản đối ồn ào, nhưng cuối cùng đành phải chào thua.
Hôm sau, chiến hạm được lệnh nhổ neo rời bến. Quân trách nhiệm sân lái với công việc chính là kéo neo lái lên tầu. Chiến hạm đang lùi dần, đồng lúc với dây neo đang được máy kéo neo quay dần lên. Bất ngờ neo bị kẹt cứng, dây neo căng cứng, không kéo lên được, rồi neo bị đứt nằm luôn dưới đáy biển.

Chiến hạm đang lùi bỗng nhiên bị lệch hướng, bị sóng đánh xô giạt, ngoằn ngoèo lùi ra, suýt va chạm vào các tầu khác. Hạm trưởng ngoài mặt điềm tĩnh diều khiển con tầu trong cơn nguy cấp, trong lòng bối rối tê tái cõi lòng. Cái neo trên tầu gắn liền với chức vụ Hạm Trưởng, mất neo rồi, ông biết ăn nói với thượng cấp làm sao đây?

Khi tầu về Sài Gòn, ông lặng lẽ không phúc trình việc mất neo lên Hạm Đội. Ông đi cùng với Quản Nội Trưởng lên Hải Quân Công Xưởng lân la đến sân để neo cạnh ụ lớn tìm xem neo lái cuả loại Hải Vận Hạm để đâu? Sau đó ông mượn bạn bè cùng khoá một chiếc xe dodge, chờ đêm tối chở một toán nhân viên đi trộm neo đem về tầu. Thủ thủ đoàn ôm bụng nín cười, thầm phục cấp chỉ huy mưu lược.

Sau đó ít lâu, chiến hạm lên đường xuất ngoại sang Thái Lan mua gỗ đem về cho Hải Quân Công Xưởng đóng ghe Yabuta để trang bị thêm ghe cho lực lượng tuần duyên cho các Duyên Đoàn. Thái Lan bấy giờ cũng như nước ta là một quốc gia đang phát triển, nhưng dân chúng được hưởng cảnh thanh bình không bị chiến tranh tàn phá.

Trong mấy ngày ở hải cảng Vọng Các, chiến hạm cuả Quân bị tai hoạ liên tiếp. Một Thiếu Uý bị tử nạn vì lạc đạn trên tầu và neo lái bị mất một lần nưã khi tầu rời bến. Trơ về Sài Gòn, Hạm Trưởng Lâm qua chán nản, buồn phiền vì các rủi ro liên tiếp, nên đã đệ đơn từ chức Hạm Trưởng để phục vụ tại các đơn vị bờ. Toàn thể thuỷ thủ đoàn đều bùi ngùi lưu luyến, kính phục và thương cảm ông.

Giờ đây mỗi khi nhắc tới con tầu cũ, dù đã ba mươi năm qua, lòng Quân lại đày vơi bao nỗi niềm thương nhớ. Hạm Trưởng Trần Văn Lâm mà thuộc cấp một lòng thương yêu, kính phục đã ra đi về miền miên viễn. Giai thoại con tầu đã mất neo hai lần cuả ông trong Hải Quân ít ai được biết, nhắc nhở để tiếc thương ông. Con tầu Hậu Giang HQ 406 ở lại quê hương sau ngày quốc nạn 30/4/1075. Hạm Phó Phạm Trọng Quỳnh và sĩ quan đệ tam Trần Văn Tâm may mắn di tản theo đoàn tàu di tản sang định cư tại Hoa Kỳ. Riêng Quân hứng chịu bao cay đắng nhục nhằn khi làm thân chiến bại trong cuộc bể dâu: Mười ba năm lính,chín năm tù, cộng thêm 15 năm lưu lạc trên đất Úc. Thỉnh thoảng liên lạc với Tâm, người bạn cùng khoá năm xưa, gợi nhớ cho Quân bao kỷ niệm đáng yêu thời sinh viên sĩ quan và những ngày tháng lênh đênh trên con tầu Hậu Giang thân thương. Một lần tiệc vui cùng bạn bè áo trắng, kỷ niệm ngày nào sống lại mãnh liệt trong trí anh. Quân thấy hồn thơ lai láng, dệt mấy vần thơ chuyển lên internet gửi thăm bạn hiền:

Còn đâu mái cũ trường Xưa
Thuỳ dương bến cũ Tâm Ù nhớ không?
Còn đâu một thuở vẫy vùng
Hậu Giang tầu cũ ta cùng đi chung
Giờ đây cách biệt ngàn trùng
Bao giờ tái ngộ trùng phùng bên nhau

Có lẽ khi đọc thơ bạn sẽ cảm động, bồi hồi. Biết đâu trong buổi sáng muà Đông cuối tuần ở Tiểu Bang New Jersey lạnh giá, bạn anh ngồi nhâm nhi tách trà nóng, bâng khuâng nhìn tuyết rơi bên ngoài mà mơ màng nhớ lại khung trời kỷ niệm nơi miền thuỳ dương cát trắng:

Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Thời gian vùn vụt trôi qua, từ ngày ra trường đến nay đã hơn 35 năm muà lá rụng. Dù cho dâu bể cuộc đời đã chia lià mỗi người mỗi hướng, hẹn ước tan tành nhưng vẫn còn tơ vương tiếc nhớ:

Xa nhau lâu quá là lâu
Ba mươi lăm năm chưa gặp nhau một lần
Nhưng dù núi cách, sông ngăn
Đường đi khác hướng tình thân không nhoà…

Bạn bè cùng khoá với nhau, dù cho lâu ngày không gặp, nhưng vẫn hiểu thấu lòng nhau. Quân gợi nhớ kỷ niệm “Một Đêm Mơ” cuả thời sinh viên sĩ quan hào hùng, thì bạn anh hồi âm nhắc nhở ”Một Đêm Say” cuả thuở cùng chung một chiến hạm. Trong đêm dạ vũ họp mặt cuả khoá 12, Quân đã say tuý luý, quên đường về vì men tình ngây ngất:

Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Siết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió…

Khi say quên cả đất trời, mọi vật chung quanh Quân mơ hổ chỉ nhớ ”ta quá say rồi, sắc ngả mầu trôi” để rồi như có ai nhắc nhở bên tai giai thoại lý thú cuả cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa:

Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ không?

Phong cách lịch lãm tao nhã cuả Uy Viễn tướng công đã làm cho các chàng trai một thời vùng vẫy ngang dọc như Quân say mê ngưỡng mộ”chơi cho lịch mới là chơi” Con tầu mất neo năm xưa đã ghi dấu cho Quân thật nhiều kỷ niệm. Cô bé Nguyễn Thị Hậu Giang được sinh ra trên tầu trong cơn biển động trong phiên trực hải hành cuả Quân năm nào nay đã trưởng thành 33 tuổi rồi. Quân hạnh phúc tràn đầy khi được xum họp với con gái yêu xinh đẹp trên đất Úc, cũng tuổi xấp xỉ với cô bé Hậu Giang kia. Được tin, bạn bè cùng khoá kéo đến chúc mừng, trầm trồ thán phục vì thấy bạn mình tuổi trẻ, tài cao, lên chức ông ngoại tự bao giờ, qua mặt bạn bè, chẳng thấy bóp còi gì cả.

Bây giờ, Quân cũng như các bạn cuả khoá Đệ Nhất Song Ngư đã đến tuổi về chiều, sấp sỉ 60. Kinh nghiệm hải nghiệp năm xưa đã cho anh cơ hội lái thuyền vượt biên đến bến bờ tự do, ổn định cuộc sống mới. Hàng ngày đi làm trả nợ áo cơm, cuối tuần gặp gỡ bạn bè tiêu khiển dăm bảy lon bia lếu láo, tối về thỉnh thoảng hát bài Hoa Biển để dỗ dành cô vợ Bắc Kỳ nho nhỏ như niệm một câu thần chú: ”Em ơi, giận hờn xem như hoa sóng tan trong đại dương”.

Trung tuần tháng 5/99 vưà qua, Quân dự tiệc sinh nhật lục tuần cuả người bạn cùng khoá, Nguyễn Khương Ninh. Gia đình Quân di chung chung xe với cặp vợ chồng người bạn cùng quê, cùng họ và cùng màu cờ sắc áo, chuyện trò vui vẻ. Từ ngoại ô Đông Nam Melbourne, xe chạy vào trung tâm thành phố trước khi tiến vào xa lộ Westgate, khi xe đang chạy dọc bờ sông Yarra, cạnh vườn Bách Thảo Hoàng Gia, một trời thu tuyệt đẹp hiện ra trước mắt Quân.

Hai bên đường là những thảm cỏ xanh rì, với hàng cây cổ thụ đày lá uá vàng, thỉnh toảng rơi rụng lả tả theo từng cơn gió thoảng, thấp thoáng trước mặt là trung tâm thành phố với các toà biệt thự nguy nga, tráng lệ. Bất giác, Quân thấy lòng mình ngây ngất rung động, nhớ đến muà Thu cuả Lưu Trọng Lư bên quê nhà, cất tiếng ngâm:

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô

Người bạn cuả Quân đang lái xe bên cạnh, cũng hồ thơ lai láng, phụ hoạ ngâm theo:

Ta sống mãi trong niềm thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hiển hách những ngày xưa

Quân sững sờ quay lại, ngạc nhiên nhìn bạn mình chăm chú. Muà Thu có lá vàng rơi, có con nai vàng ngơ ngác chứ muà Thu làm gì có hổ nhớ rừng với một thời oanh liệt cuả Thế Lữ ở đây? Nhìn bạn mình lái xe với hai cánh tay khom khom, anh chợt hiểu….( toà soạn tự ý đục bỏ một đoạn vì thiếu nét văn chương và viết mà không biết lách). Quân bật cười, vưà nhớ đến mấy vần thơ cay đắng cuả Thanh Nam trong bài ”Thơ Xuân Đất Khách”, diễn tả tâm trạng u buồn cuả một chiến binh bại trận lúc nào cũng ủ rũ gục đầu hồi tưởng đến “Tháng Tư Đen”

Một năm có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một tháng Tư

Tâm sự cuả anh bạn nào có khác Hà Huyền Chi lúc nào cũng tiếc một thuở hào hùng, khi còn khoác áo hoa dù, mũ đỏ:

Áo hoa trả lại núi ngàn
Nỗi đau chiến bại chung mang suốt đời.

Đón tết năm 2000, bước sang thế kỷ 21. Quân được bạn bè trong khoá báo tin Đệ Nhất Song ngư sẽ long trọng tổ chức ngày họp khoá tại California, kỷ niệm 38 năm ngày nhập trường. Lòng Quân nôn nao, bồi hồi chờ mong ngày tái ngộ bạn bè cũ năm xưa. Những cánh hải âu lưu lạc bốn phương trời từ ngày 30/4/1975. Quân còn nhớ 100 khuôn mặt cuả những chàng trai anh tuấn năm nào, cùng nhau gian khổ học tập gần hai năm dưói mái quân trường, cùng về thủ đô tham dự diễn hành nhân ngày Quốc Khánh 26/10/1963. Những người trai trong lưá tuổi thanh xuân đó, có người đã trở thành ông già da mồi, tóc bạc ”nước thời gian gội tóc trắng phau phau”, sẽ gặp nhau trong tiếng cười rộn rã không dứt. Còn gì quý hơn trên đời tình bạn thắm thiết gần bốn mươi năm trường trải qua bao vinh nhục, thăng trầm, được gặp lại nhau, nghe và kể cho nhau bao nhiêu chuyện bể dâu sau nhiều năm dài xa cách, để thấy đời mình được một lần trẻ lại như thuở Xuân Diệu cuả thở nào:

Xuân đang tới nghĩa là Xuân đang qua
Xuân còn non nghiã là Xuân sắp già
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời quá chật
Không cho hoài tuổi trẻ với thời gian
Nói làm chi rằng Xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ không một thời thắm lại…

Từ phương trời Úc Châu cuả miền Nam bán cầu, Lê Trung Quân với biệt danh Cát Bụi chờ mong từng ngày gặp lại người bạn thân chung tầu cũ, nay đã trở thành nhà văn với cái tên mang vẻ tu hành thoát tục Trần Quán Niệm “ mùi thiền đã bén muối dưa, màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sòng”. Quân sẽ được gặp thêm người bạn hiền, thủ khoa Trần Trọng Ngà, một đời vất vả bôn ba trên bước đường tranh đấu, phục hưng một nước Việt Nam tự do. Quân sẽ được gặp lại chàng nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Thìn ngày trước, với các nhạc phẩm “Muà Thu Cho Em”, “Chiều Mưa Không Có Em” v.v. mà cuộc đời quá nhiều khổ đau, lận đận trở về trên con tầu Việt Nam Thương Tín, bị tù tội, rồi vượt biển lần nưã, định cư tận miền Canada băng giá, giờ ôm nỗi sầu cô đơn vì goá vợ. Quân sẽ cùng các bạn ôn lại những kỷ niệm thân yêu ngày cũ, cùng bùi ngùi nhắc đến các bạn bè đã nằm xuống cho quê hương như Nguỵ Văn Thà trong cuộc hải chiến Hoàng Sa. 

Điạ Thảo, Australia

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”