Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES-Tàu HMS Albion trong một lần vào cảng Portsmouth, Anh hồi 2010
Trung Quốc phản ứng gay gắt khi Anh quốc hôm thứ Năm cử tàu chiến vào sát quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đã xây cất các cơ sở quân sự bất chấp sự phản đối từ các nước khác.
Hoa Kỳ và các đồng minh trong thời gian gần đây thường gửi phi cơ và tàu chiến tới khu vực để thực thi quyền "tự do đi lại", và để gửi tín hiệu tới Trung Quốc về quyền của các nước khác theo luật quốc tế trong việc qua lại các vùng biển có tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu chiến HMS Albion của hải quân Anh đã đi vào khu vực hôm 31/8, tiến sát quần đảo Hoàng Sa, mà phía Trung Quốc gọi là Tây Sa.
Chiến hạm "đi vào vùng lãnh hải Tây Sa của Trung Quốc mà không được phép của chính phủ Trung Quốc," hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao.
BBC được biết hai bên đã có ít nhất là một lần trao đổi qua lại trên sóng radio giữa hải quân hai bên.
Phía Trung Quốc cử một tàu khu trục và hai trực thăng ra chặn, Reuters tường thuật.
"Hải quân Trung Quốc đã xác định và nhận dạng chiếc tàu chiến theo đúng luật, và đã cảnh cáo yêu cầu tàu rời đi."
Hải quân Hoàng gia Anh đáp trả bằng thông điệp "Tàu HMS Albion thực thi quyền tự do đi lại, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế".
Trung Quốc coi giới hạn 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp là thuộc vùng biển của mình, khác với cách nhìn nhận quốc tế.
Chiến hạm HMS Albion, tàu đổ bộ 22 ngàn tấn với lực lượng thủy quân lục chiến trên khoang, khi đó đang trên đường từ Nhật Bản tới TP Hồ Chí Minh, nơi tàu tới neo đậu hôm thứ Hai 3/09.
Thank you Vietnam for wonderful hospitality. We learned a great deal from you and look forward to returning. We are back at sea now on patrol in the Asia Pacific Region. Please RT. @UKinVietnam @40commando #livingtheadvert #ateam #goodmorningvietnam #HCMC #ThrowbackThursday
Cuối Twitter tin bởi @hms_albion
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi lời phản đối "bày tỏ thái độ rất không hài lòng," AFP trích dẫn nội dung tuyên bố.
"Trung Quốc mạnh mẽ thúc giục Anh hãy chấm dứt những hành động khiêu khích ngay lập tức để khong làm tổn hại đến các mối quan hệ song phương, tới hòa bình và ổn định khu vực."
Vụ việc xảy ra vào lúc quan hệ hai bên đang trong giai đoạn tế nhị, khi mà Anh đang muốn lấy lòng Trung Quốc để đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit, theo Reuters.
Bắc Kinh đã triển khai một loạt các vũ khí, trang thiết bị quân sự, trong đó có hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn đất đối không và hệ thống máy phá sóng trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đã xây cất, bồi đắp các đảo nhân tạo để củng cố cho các cơ sở quân sự của mình tại đó, giới chức Mỹ nói.
Hồi tháng Năm, Trung Quốc đã cho máy bay ném bom hạng nặng đáp xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, một màn trình diễn sức mạnh quân sự nhằm củng cố thêm những tuyên bố về lãnh thổ trong khu vực.
Đảo Phú Lâm là nơi có căn cứ lớn nhất của Trung Quốc tại quần đảo mà cả Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Bắc Kinh đòi quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có giàu tài nguyên và có tuyến hải hành thương mại tấp nập trị giá hàng nghìn tỷ đô la qua lại mỗi năm, nơi mà Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.
No comments:
Post a Comment