Friday, September 14, 2018

CHUYỆN TÌNH THỜI CHINH CHIẾN - Văn Chi Chương

vanchichuong_chuyentinh2Rồi một hôm nào tim bốc men
Trên đường đơn lạnh gặp người quen
Tay không giấy bút buồn nghiêng ngữa
Nhắn hộ người xưa ta vẫn yên.
(
Thơ Trần Tuấn Kiệt)

Đã hết nửa ngày phép rồi mà tôi chỉ loay hoay chẳng biết làm gì, đi đâu. Sáng sớm mai tôi phải lên đơn vị để Đại Úy Cẩm về nhà ăn Tết. Chiều 30 Tết sao mà buồn. Năm ngoái tôi không cô độc, nghĩa là còn có một “cô bồ” để làm tươi vui dịu mát lại đời lính mỗi khi về nhà. Tình yêu đến thật bất ngờ dù cô bồ ấy và tôi chẳng lạ gì nhau từ thuở tuổi còn tắm mưa. Và chuyện tình của hai đứa đã từng có lúc nồng nàn, tràn ngập yêu thương. Hai đứa là tình nhân đầu tiên của nhau.
Chuyện bắt đầu vào khoảng hai tháng cuối khi tôi còn đeo “cá có đuôi”(cấp hiệu sinh viên sĩ quan) ở trường Thiết Giáp. Lúc ấy tôi gần thành “tinh” rồi, ra vào cổng Trường Bộ Binh dễ dàng. Cứ hai ba tối tôi lại “dù” về Sài Gòn chơi, bằng cách mượn chiếc mobylette cũ mèm của Hạ Sĩ Nhất Thành, thơ ký của chi đoàn khóa sinh. Anh Thành hiền lành tử tế. Anh chẳng biết gì về tôi nhiều hơn là cái tên trong danh sách, vậy mà anh tin tôi. Một bữa gặp anh quăng chiếc xe bên gốc cây phượng vỹ cạnh sân tập họp của chi đoàn khóa sinh, tôi hỏi chơi: “Bữa nào mượn xe anh về Sài Gòn nghe?” Anh cười nói: “Thiếu úy muốn đi lúc nào thì đi.” (Ngon chưa? Còn là “đeo cá” mà đã được gọi là thiếu úy rồi.) Đi liền sợ gì. Một tối trong những lần dù đó khi đang ngồi tán dóc với thằng bạn trước nhà nó trên đường Võ Tánh, tôi thấy một cô gái lầm lủi đi về hướng nhà thờ Phú Nhuận, theo sau là một chàng trai. Nhận ra đó thằng Sáu Nổ đang theo tán tỉnh Kim Phú, cô hàng xóm, tôi quyết định làm kỳ đà cản mũi, phá chơi. Bước ra chặn đường tôi hỏi:
“Phú đi đâu đó? Tôi đưa đi được hôn?”
Phú nhìn tôi mừng rỡ gật đầu. Tôi ngó Sáu Nổ như ngầm nói “quỡn không mậy, đi chỗ khác chơi” rồi sánh vai Phú bước đi. Sáu Nổ ráng nói theo mấy câu bâng quơ cho đỡ “quê” trước khi rút lui. Tôi nhìn lại chiếc mobylette đang bỏ dựa gốc cây dầu, chắt lưỡi thầm nghĩ “chắc không ai lấy đâu” rồi bước theo Phú. Trên đường đi tôi hỏi:
“Tối rồi mà Phú còn đi đâu dzậy?”
Phú nói, giọng nhẹ như ru:
“ Phú về thăm nhà, giờ trở lại nhà dì, ở đường Hồ Biểu Chánh.”
“Về thăm nhà? Bộ không còn ở nhà hả? Có chuyện gì dzậy?”
Tôi ngạc nhiên hỏi. Phú vẫn cúi đầu đi, giọng buồn buồn:
“Chuyện dài lắm. Bữa nào có rảnh Phú nói cho nghe.”
Trời ơi. Có bữa nào nữa sao? Tim tôi hồi hộp vui mừng. Nhưng tôi cảm thấy mình vô tâm vô ý quá, không quan tâm chuyện của Phú, chỉ quan tâm đến chuyện “bữa nào khác”. Thật ra chuyện gì xảy ra ở nhà tôi cũng còn chưa biết, nói chi chuyện của cô hàng xóm. Từ khi đi Thủ Đức, lần nào được về phép tôi đều ghé nhà, nhưng ghé cho có, chỉ năm mười phút sau tôi dông mất.
Tôi quên ngay mọi thắc mắc vì lòng đang vui rộn rã. “Có bữa nào nữa sao? Thêm một lần nữa gặp Phú với tình cảnh êm ái dịu ngọt nầy chăng?” Tôi lặng im đi bên Phú lòng lâng lâng mơ mộng. Còn Phú vẫn cúi đầu lầm lủi đi. Qua khỏi một ngôi chùa trên một con đường nhỏ, Phú dừng lại nơi cuối đường. Bên kia đường Cách Mạng 1/11 là đường Hồ Biểu Chánh. Phú nói:
“Mình đứng đây nói chuyện đi. Dì Phú khó lắm. Thấy mình vầy dì đánh Phú chết.”
“Trời ơi! Phú muốn nói chuyện với mình nữa à?” Tôi gặp lại Phú do tình cờ, nổi hứng tầm phào, ý định tán tỉnh cũng chưa bao giờ có. Một niềm vui khó tả, một nỗi sung sướng mơ hồ đến thật bất ngờ. Không biết từ thuở biết nhau đến giờ có lần nào tôi nói được hai câu với Phú chưa. Giờ biết chuyện gì mà nói. Chúng tôi đứng tựa vào tường của một biệt thự. Mùi dạ lý hương đâu đó thoang thoảng thơm. Qua ánh sáng lờ mờ từ trụ đèn đường, lay động xuyên tàn lá tôi thấy môi Phú tươi cười và đôi mắt sáng long lanh nhìn tôi. Một niềm mê đắm ngất ngây xâm chiếm lòng tôi làm tôi bất ngờ nắm lấy tay Phú và làm một chuyện mà bất cứ anh con trai nào, dù nhút nhát khù khờ đến đâu gặp tình huống này cũng làm. Đó là … hẹn đi xem ciné cuối tuần. Phú xích lại gần tôi, miệng vẫn tươi cười, mắt vẫn sáng long lanh, khẽ gật đầu. Tôi hỏi:
“Mình gặp ở đâu?”
“Ở nhà chứ đâu”, Phú nói.
“Ở nhà? Sao vậy?” Tôi nhìn Phú, ngạc nhiên thầm hỏi. Rồi tự mình trả lời, “chắc Phú muốn cho cha mẹ mình biết, một cách gián tiếp, về sự quen biết gần gũi giữa nàng và tôi.” “Sợ gì chứ?” Phú đã mười tám tuổi rồi. Còn tôi một hai tháng nữa sẽ là một sĩ quan, đủ sức lo liệu cho mình. Hơn nữa, hai gia đình chúng tôi chẳng xa lạ gì nhau. “Ờ! Sợ gì chứ mà không hẹn gặp ở nhà.” Tôi nói với Phú chừng mười giờ sáng thứ bẩy tôi sẽ về tới.
“Khuya rồi. Anh về đi, để em về.”
Trời ơi! Hai tiếng “anh”, “em” thốt lên từ miệng Phú sao mà ngọt ngào quá vậy! Đó là lần đầu tiên tôi nghe tiếng “em” ngọt ngào từ một người con gái như một người tình. Tôi nắm chặt bàn tay mềm mại của Phú, nói trong cơn mê ngây ngất:
“Không. Để anh đưa em về.”
Phú không nói gì, chỉ nhìn tôi, miệng mỉm cười. Chúng tôi nắm chặt tay nhau băng qua đường, đi vào con đường nhỏ được chiếu sáng lờ mờ từ những ánh đèn đường và những biệt thự bên đường. Tôi muốn những giây phút đê mê này kéo dài mãi mãi thì Phú dừng lại, dịu dàng nói:
“ Thôi anh về đi, tới rồi.”
Tôi càng nắm tay nàng chặt hơn, không muốn rời.
“Lì quá à. Bộ anh muốn em bị đòn hả?”
Phú nói vậy nhưng giọng không có ý nào trách móc. Khi tôi buông tay ra Phú nhẹ nhàng nói:
“Anh về đi. Đừng buồn. Mai mốt mình gặp nhau mà.”
Phú chăm chú nhìn tôi, ánh mắt âu yếm, tay chạm nhẹ vào tay tôi rồi cương quyết quay đi. Tôi chôn chân đứng đó mãi. Phú vẫy tay hối thúc mấy lần không đuợc, bậm môi xua đuổi tôi mới chịu quay lưng đi.
Đêm ấy chiếc xe mobylette cà tàng của anh Thành chậm rải đưa tôi về đồi Tăng Nhơn Phú, nhưng lòng tôi như bay lượn trên chín từng mây. Tôi ôn lại từ thái độ, cử chỉ của Phú. Chắc chắn Phú và tôi sẽ trở thành đôi tình nhân thôi, một cách bất ngờ, không thể nào mơ tưởng tới được.
o O o
Bảy, tám năm trước tôi và Phú biết nhau khi hai gia đình cùng dọn về nhà mới ở một dãy phố mới cất. Gia đình tôi đến trước gần tháng, ở căn bìa, nhà Phú căn kế. Lúc ấy Phú còn là một cô bé con mà tôi đã đến tuổi phá phách rồi. Cô có đôi mắt to, nhìn thẳng không chút nào biểu lộ sợ hãi. Ít khi nào cô ló mặt ra cửa trừ phi đi học, hoặc phải kêu gọi đứa em nào đó đang chơi ở ngoài. Cô có đông em nên sau lúc học về lúi húi trong nhà phụ giúp mẹ. Còn tôi đi học về là đi luông tuồng khắp xóm, bắn chim, hái (trộm) ổi hái xoài và chọc ghẹo người ta khi có dịp. Không biết sao mấy đứa con nít trong xóm không ưa ba của cô. Chắc tại bộ râu con kiến và cái vẻ hách xì xằng của ông. Gặp đứa nào ông cũng hỏi “phải mầy phá xe tao hôn” nên đứa nào cũng ghét. Tụi con nít ưa giả bộ cách nói năng đi đứng của ông để cười cợt với nhau. Sau cùng tụi nó khoái cái trò của tôi hơn cả: đeo kiếng làm bằng dây kẽm để “nhái” ba cô mang kiếng cận. Khi thấy tôi kéo cái mắt kiếng giả sề sệ xuống đầu mũi là chúng chịu quá, vỗ tay la vang rân. Nhiều lần Phú bắt gặp tôi làm trò đó nên cô ghét tôi ra mặt. Thấy vậy tôi càng làm tới. Canh lúc cô học về tôi đeo kiếng lên “biểu diễn” bên đường. Cô có muốn không thấy cũng không được. Có bữa tôi còn lấy lọ nghẹ kéo hàng râu con kiến lên mép nữa. “Giống hết cỡ”, tụi con nít la hét rùm trời. Phú mím môi nhìn tôi bằng đôi mắt oán hờn. Nhằm nhò gì chứ. Tôi bậm trợn mà, đã chọc phá thì phải chọc cho ghét, cho giận, giận xanh mặt mới thôi. Thế là tôi đã hủy hoại tất cả thiện cảm của cô đối với tôi từ những ngày đầu ở gần bên nhau..
Ngày dần qua, sự thân thiện (được hối lộ bằng ổi với xoài) giữa tôi và mấy đứa em của cô càng nhiều. Nhưng với cô thì không thay đổi. Chỉ ngó thấy tôi là cô quay mặt đi. Khi tôi đến tuổi biết mơ mộng thì cô đã trở thành một cô gái dậy thì xinh đẹp. Cô hay qua chơi với hai đứa em gái của tôi. Nhưng chưa cần thấy mặt, chỉ nghe tiếng tôi là cô đã vội về nhà. Em kế tôi có lần hỏi:
“Anh làm gì mà con Phú ghét anh dzữ dzậy, ghét tới không muốn thấy mặt luôn.”
Tôi không biết trả lời sao. Cho tới lúc đó tôi không biết tôi đã trực tiếp nói được mấy câu với cô. Tôi biết tôi đã chọc cho cô giận bằng cách đem hình ảnh của ba cô ra làm hề với đám con nít. Có vậy thôi và chuyện đã xa xưa quá rồi. Sao mà giận dai vậy? Tôi tìm cách và bất ngờ gặp cô ngay trong nhà tôi. Tôi đứng chặn đường ra, hỏi:
“Sao Phú giận dzai dzậy?”
Với vẻ mặt giận hờn, môi mím lại, cô nhìn tôi với đôi mắt sáng quắc rồi quay lưng đi vào trong. Tôi vẫn đứng chặn cửa chờ, không biết rằng cô ra cửa sau về nhà lâu rồi. Lần khác, tôi cố ý chạm mặt khi cô học về. Tôi vừa hỏi “Phú đi học về hả” thì cô bậm môi, quắc mắt nhìn tôi, quơ tay hù dọa, đuổi tôi như đuổi con nít. Sau đó cô còn “đạo diễn” cho bầy em đồng ca bài ca “làm quen”: “làm quen, con chó len keng, con chó thổi kèn, con chó làm quen, …làm quen…”. Tôi giận lắm, nhủ lòng là dù có đụng mặt cũng không thèm ngó tới cô nữa.
Thời gian lại qua mau. Tôi theo lũ bạn cùng lứa, đã biết la cà quán xá, uống cà phê đen, nghe nhạc, lòng mơ mộng đến bóng dáng yêu kiều của ai đó. Lúc nầy tôi sử dụng thời gian để vòng quanh ngã tư Phú Nhuận nhiều hơn ở nhà. Tôi đã chú ý từ cô gái nầy đến cô gái khác, cặm cụi viết thư, gửi thư để rồi buồn khổ một mình. Mấy cô gái thật kỳ cục. Cô nào cũng muốn biết thư tôi viết gì trong đó nhưng không muốn nhận. Không muốn nhận nhưng mấy cô vẫn muốn tôi viết thư và gửi đến. Còn em tôi thì chán, có cho tiền cũng không thèm đưa thư giùm nữa. Lúc đó tôi ngu dại đâu biết tâm lý các cô. Dù không yêu nhưng các cô không bao muốn kẻ theo đuổi ngưng yêu mình. Những lúc đi về thỉnh thoảng tôi gặp Phú. Cô càng lớn càng đẹp, mặt trắng má hồng rực rỡ. Một lần chạm mặt, gần quá không thể nào tránh nên tôi mỉm cười thay lời chào hỏi. (Sợ bị “quê” vì quên mất lời thề nên không mở miệng.) Phú cũng vậy, gật đầu cười bẽn lẽn, ánh mắt dịu dàng hơn. Lúc đó là cơ hội cho tôi “làm quen” trở lại, nhưng (hỡi ôi!) tôi đã trót si mê một cô gái khác rồi.
Tôi cũng biết lúc ấy Phú cũng có nhiều chàng trai theo đuổi. Sáu Nổ là một. Khi nào tôi ra sau nhà thấy Sáu Nổ là biết có Phú ở đó, đang giặt hay phơi quần áo cho đám em. Sáu Nổ, khá cao ráo đẹp trai, biết tôi không phải là đối thủ – không có ý định theo đuổi Phú – nên khi nào gặp cũng chào hỏi đàng hoàng. Nhưng không những mình tôi mà cả đám nhỏ lối xóm, kể cả con gái đều không ưa anh chàng nầy. Nghe tên thì biết. Nó “nổ” điếc con ráy luôn. Chưa đi lính mà nó nổ từ liên thanh cho đến bom chùm. Nhà Sáu Nổ sau nhà Phú và tôi có mấy bước, nhưng cách một hàng rào kẽm không qua lại được. Nó thường lẩn quẩn quanh nhà chờ dịp. Như hôm nay nó không bỏ lỡ cơ hội, và đeo dai như đỉa. Không may cho nó. Nó “đeo dính” quá, miệng lại cười nói bô bô làm tôi ngứa mắt, ra tay làm “kỳ đà”. Và thật bất ngờ, tự nhiên cả Phú và tôi chuyện trò êm ái, rồi hẹn hò như mới hôm qua chúng tôi còn dịu dàng đối xử với nhau.
Nhưng tôi không thể không thắc mắc. Sao tình cảm của Phú đối với tôi lại thay đổi trái ngược vậy? Lần chạm mặt nhau và dùng nụ cười thay lời chào hỏi sau cùng đến giờ chắc đã cả năm rồi. Nụ cười của tôi hôm ấy đẹp và có duyên quá chăng, nên làm cô nàng cảm mê mẩn? “Làm gì có chuyện đó. Đừng mơ, Tám ơi.” Nếu trong hai đứa có đứa phải “thầm thương trộm nhớ, đêm mơ ngày tưởng” thì đứa ấy phải là tôi. Phú đẹp, vóc dáng mảnh mai, da trắng tóc dài, mày thanh mắt sáng. Nụ cười tươi vui hiền hậu làm Phú thêm yêu kiều rạng rỡ. Nàng đẹp hơn hai đứa em gái kế được cha mẹ cho đi học ca nhạc để thành ca sĩ nữa. Vậy thì làm sao Phú đối tôi như thể là tình nhân từ lâu rồi? Không thể nói cô là một cô gái dễ dãi. Từ thuở mới lớn cô đã chững chạc, chưa bao giờ là một cô gái nhí nhảnh. Không biết ở trường học như thế nào chứ ở nhà tôi chẳng thấy cô có bạn bè, kể cả bạn gái. Ở lối xóm, cô chỉ qua lại nhà tôi với em gái tôi, nhưng rất chừng mực, ít cười đùa. Cô rất lặng lẽ, chỉ thoải mái nói cười, đùa giỡn với mấy đứa em thôi. Con trai trong xóm theo “tò vè” Phú tôi biết có hai đứa, Tám Lửa, nhà ở đầu ngõ, Sáu Nổ ở sau. Dĩ nhiên hai chàng nầy chẳng ưa nhau. Nghe nói Tám Lửa, con chủ đất, hăm rằng nếu Sáu Nổ bước qua đất nhà nó nó sẽ “đục” cho phù mỏ. (Tên thật hai chàng nầy tôi không biết. Đám con nít đặt thêm biệt danh sau thứ tự trong nhà thôi.) Tôi thật sự không biết cô có cảm tình, có trò chuyện hay trả lời câu nào với hai chàng nầy không. Chỉ biết có lúc cô nấn ná giả bộ làm gì đó trước cửa để cho Tám Lửa nói hết câu, hay chẫm rải trở quần áo phơi sau nhà để nghe Sáu Nổ nói. Chắc cô dù không ưa cũng thích nghe người ta tán tỉnh, như bao cô gái khác. Có mình tôi không tán tỉnh, hay đúng hơn cô đã không cho tôi cơ hội để nói. “Vậy sao tối nay Phú quá thân mật với mình vậy?” Hay là … “ghét của nào trời cho của ấy”? À! Coi bộ câu nầy trúng à nha. Tôi chẳng những không tán tỉnh, nói năng dịu ngọt mà còn chọc cho cô giận, làm cho cô ghét nữa. Thật vậy, tôi chỉ hơn hai anh kia ở chỗ chưa bị tụi con nít đặt thêm tên thôi. Tôi vốn đã đen, thêm tám tháng “trui rèn” ở quân trường, nên trong bóng đêm hôm ấy chắc trông giống như cột nhà cháy, chỉ thua anh bẩy Chà có bộ răng trắng. Đã vậy lại còn bận bộ đồ trận cũ mèm sắp rách. Có cái sáng giá nhất, nếu cần phải chưng ra, thì do “giả dạng thường dân” để đi ra cổng tôi đã tháo ra khỏi áo đút túi quần mất rồi. Đó là “con cá có đuôi”.
Trên đường về quân trường biết bao câu hỏi, ý nghĩ bay lượn trong đầu tôi. Hay … “cô muốn trả thù mình cho bỏ ghét?” Chà! Cái nầy có lý nghen ta. “Ờ héng. Hẹn ở đâu không hẹn, sao lại hẹn ở nhà?” “Hẹn rồi cho “leo cây” chứ sao. Rồi ngó mặt kẻ bị cho “leo cây” coi “quê” như thế nào.” Tôi tự hỏi và trả lời một mình. “ Thôi rồi. Chết chắc!” Tôi nghĩ tới cảnh cô về nhà nhưng chẳng ra cửa trước cửa sau gì hết, cứ ở lì trong nhà để bò lăn ra cười, bỏ mặc tôi đi tới đi lui chờ đợi. Chắc cô sẽ cho đứa em nào chờ ở cửa để ngó cái mặt đực ra của tôi. Không chừng khi tôi ra tới cửa sẽ có một dàn đồng ca đợi sẵn, hát lên bài “lỡ hẹn hò”. “Lỡ hẹn hò, thoa mỡ bò, cho leo cây… lỡ hẹn hò…” . Dám lắm à. Cô đã từng cho tôi nghe bài “làm quen, con chó leng keng…” rồi thì tại sao không thể có bài “cho leo cây” nầy? Ý nghĩ đó đưa tôi từ chín tầng mây xuống đất. Và nó cũng như một cây kim châm xì cái bong bóng mộng đẹp của tôi. Ngặt thiệt. Về mà bị cho “leo cây” thì quê xệ. Mấy đứa em Phú tha hồ la lớn: “muốn người ta người ta không muốn, xách cây dù đi xuống đi lên.” Không về lỡ Phú hẹn thật thì sao? “Không. Chết cũng phải về.” Tôi đúng là thứ mê gái mà.
o O o
Sáng thứ bẩy ấy tôi được đi phép. Từ xa, qua khoảnh sân rộng của xóm tôi thấy Phú đang chơi cùng với mấy đứa em trước cửa. Nàng mặc váy đầm bông áo trắng, tay ngắn, vai phồng. Đang cười đùa Phú làm nghiêm quay mặt đi khi ngó thấy tôi. Cô em Phú reo lên:
“Anh Xê về phép hả? Bảnh quá ta.”
Hôm nay tôi bảnh thiệt, trong bộ quân phục số 3 láng cón với mũ đen kỵ binh thay cho “kết-pi”. Tôi đứng lại định mở miệng chào thì Phú đã bậm môi lại, vẻ hù dọa như mọi lần. “Cái mặt thấy ghét.” Rồi cô nói thêm, với mấy đứa em:
“Vô nhà đi. Bữa nay chị chơi với mấy đứa nửa tiếng nữa thôi. Chị có chuyện phải đi.”
À! Tôi hiểu rồi. Đằng nào Phú cũng phải về thăm nên hẹn ở nhà luôn. Lời Phú vừa rồi là lời hẹn khác. Khôn thiệt. Con gái khôn hơn con trai thiệt. Hèn chi cái cô bằng tuổi tôi kia cứ gọi tôi là “cu Chê cu Chê” miết, coi tôi như con nít. Đơn giản vậy thôi mà tôi nghĩ không ra, lại lo âu vơ vẩn suốt mấy ngày. “Vậy là hổng có màn đồng ca đồng kiết gì hết.” Tôi thở ra như trút đi được một gánh nặng, rồi chộn rộn đi ra đi vô. Vậy mà hai đứa em tôi chẳng chú ý gì, cứ lo ủi quần áo, chuẩn bị đi chơi. Lúc nầy ba tôi đi làm xa, hình như ở Pleiku, vài tháng mới về một lần, nên nhờ bà nội tôi coi chừng hai đứa. Nội tôi đi chợ chưa về. Chắc tụi nó nghĩ tôi mong nội về, đâu biết tôi đang vểnh tai chờ nghe tiếng Phú, còn mắt chăm chăm ngó đồng hồ mong thời gian qua mau. Chốc chốc tôi lại vào bàn rót nước uống. Cuộc hẹn hò đầu tiên sao mà hồi hộp quá chừng!
Tôi hết kiên nhẫn, định ra sân rồi đi trở vô để có thể nhìn vào nhà Phú thì nghe tiếng Phú dỗ ngọt mấy đứa em. Biết đến giờ nên tôi đứng dựa cột hàng hiên, giả bộ ngó đâu đâu. Phú ra cửa, mắt hơi liếc nhìn về phía tôi rồi bước đi. Chừng hơn phút sau tôi theo, đi lững thững mắt nhìn lên tàn cây, như tìm chim tìm trái gì ở đó. Ra đến đường Võ Duy Nguy tôi thấy Phú đứng trước một tiệm tạp hóa nhìn tôi tươi cười. Tôi vẫy tay đón một chiếc taxi, mở cửa cho Phú lên. Ngay lúc ấy có người xô tôi ra, tay nắm váy Phú, miệng la lên:
“Chị hai hén… Anh Xê hén … . Về “méc” má.”
Đó là thằng Mẫn, em trai Phú. Thiệt là cái thằng… . Không biết nó ở đâu mà xuất hiện đúng lúc vậy, bắt “quả tang” tôi và chị nó hẹn hò. Tôi gỡ tay nó ra, lên xe, kêu ông tài xế chạy đi, rồi lo lắng hỏi Phú:
“Có sao hôn?” “
Kệ nó. Cho nó méc. Hổng sợ.”
Phú nắm tay tôi, miệng cười thật tươi, nói tiếp:
“Không sợ”.
Tôi thở ra nhẹ nhỏm. Tôi chỉ sợ cho Phú thôi, quên mất rằng ba má nàng không thể đánh, phạt gì được bây giờ. Cũng chẳng sợ bị đuổi vì nàng đã đi khỏi nhà rồi. Tôi nhìn mặt Phú chăm chú. Niềm vui đang tràn ngập trên khuôn mặt rạng rỡ với đôi mắt lóng lánh sáng và môi hé cười. Và hình như tôi cảm thấy nàng có một nét gì khác nữa bên cạnh cái vẻ hiền lành, đằm thắm ấy. Một nét gì khác lạ lẩm mà tôi chưa rõ. Trên suốt quảng đường ra Sài Gòn hai đứa luôn nắm tay nhau, nhìn nhau cười hoài. Niềm vui của tình yêu thật ngọt ngào dù chỉ qua sự thố lộ đơn sơ ấy. Thỉnh thoảng Phú tựa đầu vào vai tôi, mái tóc đen mịn màng cọ vào má vào tai tôi tạo nên sự nhột nhạt rất là dễ chịu. Và trời ơi, lần đầu tiên tôi ngửi thấy một mùi hương con gái, thật lạ lùng, quyến rũ. Một mùi hương thoang thoảng lúc đây lúc đó làm tôi dụi mũi mãi vào mái tóc nàng kiếm tìm, lòng mê đắm ngất ngây.
Cuối chiều, khi tôi vừa về đến nhà thì má Phú bước qua ngay. Bà chất vấn, nhỏ tiếng nhưng cũng đủ biểu lộ sự giận dữ:
“Con đưa Phú đi đâu vậy? Con không thể làm như vậy được.”
“Con không đưa”, tôi lần khân trả lời, mặt lạnh tanh.
“Con không đưa? Hai đứa lên tắc xi đi mà còn chối nữa hả?” Giọng bà càng giận.
“Con không chối”, tôi lừng khừng.
“Hai đứa cùng lên xe đi với nhau chứ không phải tôi đưa”, tôi nói thầm. Phú đã dặn tôi không nói gì hết. Cùng lắm là nói Phú đi nhờ xe, xuống ở Tân Định. Vậy thôi, không biết gì nữa. Thấy có vẻ không ép được tôi nói gì khác má Phú dùng đòn tình cảm. Bà vừa khóc vừa nói:
“Con như anh của Phú mà. Con đâu làm như vậy được.”
Tôi yên lặng, suy nghĩ về những lời nói của bà. “Đâu làm như vậy được là sao? Không muốn cho tôi “cặp bồ” với Phú à?” “Đưa- đi- đâu, Không- được- làm- như-vậy là làm gì?” À! Tôi hiểu ý bà rồi. Bà sợ tôi đưa Phú đi nơi nào để làm chuyện …, làm tầm bậy tầm bạ gì đó. Tôi đã có nghĩ đến chuyện của tôi và Phú bị phát giác và chỉ lo rằng bà gọi tôi qua bảo tôi xin ba tôi qua thưa chuyện. (Ba tôi hăm mẻ răng rằng nếu tôi học hành lôi thôi thì đừng mong ổng cưới vợ cho, mà tôi đã bỏ học đi lính.) Nhưng giờ đây bà làm như tôi không đáng cặp bồ với con bà vậy. “Không sợ.” Tôi nhớ tới lời Phú nói. “Vậy thì cho bác biết luôn.” Khi bà tra vấn lần nữa tôi nói luôn rằng tôi và Phú chỉ đi xem ciné thôi. Bà lại tiếp tục:
“Đi ciné rồi đi đâu nữa? Không lẽ xem ciné từ sáng đến chiều tối?” Bà nài nỉ: “Con đừng dấu bác. Tụi con đi đâu nữa?”
“Tụi con chỉ xem ciné thôi. Hết rạp nầy sang rạp khác.”
Không muốn bị tra hỏi nữa, tôi nói:
“Giờ con có hẹn. Xin lỗi bác, con phải đi.”
Thật vậy. Ngày ấy hai đứa tôi chỉ xem phim thôi. Xem xong ở Casino Sài Gòn, chúng tôi nắm tay nhau qua Thanh Bạch. Ăn xong, cả hai ngược đường Lê Lợi đi một vòng thương xá Tax, ngắm nhìn những hàng hóa sang trọng lộng lẫy trong tủ kiếng, rồi chui vào Eden xem phim tiếp. Mục cuối cùng trong ngày là đến nước mía Viễn Đông ăn bò bía, bò khô của mấy chú chệt, và bánh rế bánh cay của anh Bẩy Chà. Ngày ấy tôi sung sướng như bao nhiêu chàng trai trẻ Sài Gòn khác, dắt đào đi “bát phố”, xem ciné và ăn quà vặt ở đường Lê Lợi, trung tâm Sài Gòn.
o O o
Những cuộc gặp gỡ hẹn hò giữa Phú và tôi không những của những tuần sau đó mà mãi đến sau nầy khi tôi từ đơn vị về cũng giông giống vậy thôi. Hai đứa không thể đưa nhau về nhà. Bạn bè còn trẻ cả, chẳng có đứa nào có nhà riêng để mượn chỗ nói chuyện riêng tư. Còn khách sạn, phòng ngủ không nằm trong ý nghĩ của tôi vì nó không xứng đáng cho Phú. Vả chăng lúc đó tôi cũng còn khù khờ lắm. Hôn nhau là hạnh phúc lớn nhất rồi. Có một lần, trong rạp ciné tay tôi “lỡ” chạm vào người nàng, ở chỗ không nên (mà đáng) chạm. Phú giật mình phủi tay tôi ra, “xực” liền:
“Giữa ban ngày ban mặt mà làm dzậy… anh coi có được hôn?”
Nàng còn dí ngón tay vào trán tôi, nói:
“Hổng được làm dzậy nữa à nghen.”
Tôi quê quá, làm “mặt nghiêm mà buồn”, khoanh tay ngồi ngó thẳng.
“Đụng có chút xi..íu mà làm gì dzữ dzậy. Trong rạp hát tối thui mà ban ngày ban mặt gì? Ừ. Ban ngày ban mặt không “đụng” được thì bữa nào tối “đụng” thử coi có la nữa không.” Tôi lầu bầu một mình. Lát sau, Phú ngả đầu vào vai tôi. Làm bộ giận, tôi tránh ra. Nhưng không quá lần thứ hai, tôi nghiêng vai để má nàng chạm vào má tôi. Những giọt nước mắt nóng từ má nàng lăn qua má tôi.
“Đời mình khổ quá rồi, mình đừng bỏ nhau nghen anh,” nàng thút thít khóc.
Trời đất! Gì mà “đời mình khổ” khi hai đứa mới cặp bồ chưa được hai tháng và đang mê man trong niềm vui tình đầu? “Đời mình” gì mà khi tôi chỉ hơn hai mươi, nàng chỉ có mười tám? Nhưng rồi tôi hiểu. Nàng đã biết anh em tôi lớn lên bên mấy bà dì ghẻ, hiện tại là bà thứ ba. Dì ghẻ không thương con chồng thì chẳng có gì đáng nói, nhưng bà này chẳng những không chăm sóc mà lại còn keo kiệt khi ba tôi đi làm xa. Bà chỉ lo cơm nước cho anh em chúng tôi thôi, những chuyện khác anh em tôi tự mình lo liệu. Khi nào ba tôi về nhà bà còn nói ra nói vô làm cho tôi bị đòn nữa. Còn với nàng, những chuyện xảy ra từ hơn nửa năm qua thật quá phũ phàng, quá sức tưởng tượng, quá sức chịu đựng cho một cô gái nhỏ. Nó không những chấm dứt cuộc sống êm đềm trong gia đình, làm rụi tàn những giấc mơ của tuổi thanh xuân của nàng mà còn cho nàng biết những cảnh đời chua ngoa, xảo trá, lừa lọc, những thế thái nhân tình mà nàng chỉ biết trên màn ảnh, sân khấu. Phú đã kể cho tôi nghe lý do tại sao nàng phải rời nhà đi ngay lần đầu tiên chúng tôi hò hẹn, trong rạp ciné.
o O o
Một buổi sáng nào đó, ba Phú, người có râu con kiến và mang kính cận, định làm gì đó với Phú. Nàng phản đối. Ông ta đã tàn nhẫn cho Phú biết rằng nàng không phải là con ruột ông ta. Phú hỏi mẹ chỉ làm cho mẹ bị ông kia nổi cơn điên vì chuyện cũ, dở thói vũ phu đánh đập, mắng chửi. Phú bỏ nhà về với bà ngoại ở Bình Dương. Dù ngoại cố dấu nhưng nàng cũng biết chút ít về chuyện cũ của mẹ. Nàng lân la dò hỏi tung tích của cha. Qua tin tức những người bà con xa của cha ruột, cuối cùng nàng tìm đến ông. Ông nhận ra nàng ngay dù ngày ông xa mẹ nàng nàng chỉ là một bào thai mới tượng. Nàng giống mẹ ngày xưa như đúc, lúc cha mẹ nàng xa nhau. Thế là nàng ở lại với cha cùng với các anh chị em cùng cha khác mẹ trong một tòa nhà xưa rộng lớn ở gần cuối đường Trần Hưng Đạo, cạnh một dãy phố của cha. Tuy nhiên Phú không cảm thấy thoải mái khi sống trong khung cảnh giàu sang ấy. Nàng sống xa lạ trong một thế giới khác, một nền văn hóa khác. Những người thân lại lạ chẳng khác gì người xa lạ. Cha nàng đã trở lại “xì thẩu”, ngượng nghịu nói tiếng Việt với nàng. Các chị cũng vậy. Mấy chị thường nói rằng “giờ cha đã già rồi, công chuyện làm ăn sút kém, mọi thứ anh chị em phải lo toan chống đỡ”. Họ nói bằng thứ tiếng Việt khó khăn, cách diễn tả ngọng nghịu, cứng ngắt thô lổ gây cảm tưởng rằng Phú nhận cha để ăn gia tài.
“Gặp được cha ruột chỉ vui mừng chút chút thôi. Làm con gái trong nhà ấy đã thấp kém rồi, huống chi là con rơi rớt như em. Rồi buồn quá, em tủi thân quá. Em đau lòng nghĩ mình thật vô phước khi được sinh ra,” Phú nói, nước mắt tuôn tràn ướt má tôi.
Cha Phú từ Sài Gòn về quê đám giỗ họ, gặp mẹ Phú là mê ngay. Ông ở lại dùng tiền bạc mua chuộc gia đình ngoại, dùng lối sống sang giàu quyến rũ mẹ Phú, dù ông đã có gia đình và lớn tuổi hơn nhiều. Trong khi đó người cha ghẻ hiện giờ cũng dùng quyền lực xin cưới. Không xin cưới được nhưng cha Phú không chịu từ bỏ, nhất là khi biết mẹ nàng đã mang thai. Ông tìm cách đưa mẹ Phú về Sài Gòn. Đối với ông, người có nhiều máu Tàu hơn trong huyết quản, thì lấy vợ hai, vợ ba là điều bình thường. Vả chăng xã hội đương thời cũng chấp nhận điều đó. Nhưng người cha ghẻ quyết tâm ngăn cản bằng mọi cách. “Sợ xấu hổ với xóm làng vì bụng má ngày càng lớn, ngoại phải gả,” Phú nói dì nàng kể cho nghe vậy. Cha nàng từ đấy không về quê nữa. Khi sống với cha, Phú biết ông còn mấy dòng con nữa. Có đám còn nhỏ tuổi hơn nàng nhiều.
“Dù cha có đi đi về về tụi nó cũng đủ mẹ đủ cha. Chỉ có em …”, tủi thân, Phú thút thít khóc. Tôi ôm siết đầu nàng vào má tôi. Thương em quá, nước mắt tôi cũng ràn rụa…. .
Sống ở nhà cha gần hai tháng nhưng chưa bao giờ Phú có cảm giác sống ở nhà mình. Ánh mắt các chị em có bớt đi vẻ soi mói châm chít, lời nói cử chỉ có ít đi vẻ cọc cằn, nhưng sự thân mật của Phú với mấy chị không nảy nở được. Có khoảng cách nào đó, khi lập lờ khi lộ liễu. Mấy chị ngày này ngày kia bàn nhau rằng Phú đã đủ tuổi lấy chồng rồi, nên liệu sớm, kẻo muộn. Cho đến một ngày chính cha Phú nói sẽ gả nàng cho con một thương gia nào ở Chợ Lớn, Phú sợ hãi bỏ đi. Phú đến nhà dì, em kế của mẹ, với cái túi vải đựng quần áo cũ từ ngày rời nhà mẹ. Sau nửa năm, những niềm đau thương và nỗi khổ tâm lắng đi, Phú về thăm mẹ và mấy đứa em, quên đi lời tự hứa với lòng, quên đi nỗi niềm cay đắng.
“Má với em và mấy đứa nhỏ ôm nhau khóc một buổi. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ sanh ra ở đây, cứ ôm chân em khóc hoài, không cho đi. Em hứa một hai tuần em về một lần tụi nó mới chịu buông ra.”
Rồi Phú nắm chặt tay tôi nói: “Nhờ vậy tụi mình mới gặp nhau lại.”
Hết buồn tôi bắt đầu bông lơn:
“Thấy chưa! Hồi đó anh thương em muốn chê..ết mà em còn làm bộ… . Giờ đuổi nữa đi….”
Phú háy mắt ngó tôi, nói:
“Xí! Ai biểu anh chọc em chi? Người gì đâu mặt thấy ghét….”
Tôi chọc thêm:
“Theo tò tò như thằng Sáu Nổ em thương chắc?”
Phú cười, nói:
“Ngộ héng. Sáu Nổ theo tò tò vậy mà em không ưa. Còn người gì đâu nhảy ra chận đường đại vậy mà em ….”
Tôi cười hớn hở:
“Em thương… . Phải không? Sao không nói luôn đi?” Tôi tiếp, một câu chắc có trăm ngàn chàng trai đã nói: “Người ta nói “hữu dzuyên thiên lý năng tương ngộ… vô dzuyên …”.
“Duyên gì? Nợ anh thì có…”, Phú ngắt lời tôi, quay mặt đi.
Tôi nâng cầm Phú quay lại, nói “cho coi cái mặt vợ hụt của thằng tửng chút coi…”, rồi hun trộm lên môi nàng. Phú xô ra, dơ tay dọa tát, nói:
“Vô dzuyên dzậy mà cũng nói được. Anh muốn hôn? Bây giờ cũng chưa muộn mà… Em về nhà cha ngay cho coi….”
Tôi bụm miệng nàng lại, vội vàng xin lỗi. Tính tôi hay giởn nhây. Cũng may ngậm miệng lại kịp thời, nếu không sẽ là “xin lỗi vợ thằng tửng.” Không giận nhau lâu được hai đứa tựa đầu nhau nhìn lên màn ảnh. Nhìn màn ảnh được một chút hai đứa quay lại ngó nhau. Và hai đứa hôn nhau say đắm. Tôi chẳng nói lời tán tỉnh yêu thương, còn Phú chẳng hỏi tại sao, hai đứa cứ lặng lẽ hôn nhau. Chuyện ấy được coi như là chuyện tự nhiên phải đến thôi. Cũng như chúng tôi được sinh ra để sống với nhau thôi.
Sau đó chúng tôi vẫn hẹn nhau cuối tuần, dĩ nhiên bắt đầu từ nhà. Dù Phú chưa được đi học lại dì Phú cũng chỉ cho nàng về thăm nhà mỗi tuần một ngày. Ngày đó ông cha ghẻ tệ hại kia biến đi đâu mất. Ngày đó cũng là ngày thứ bẩy, ngày tôi đi phép. Lần nào tôi về má Phú cũng bước qua liền, cũng khóc lóc năn nỉ rằng tôi “con đừng làm vậy; làm vậy coi không được…” Bà không dám làm lớn chuyện, sợ lối xóm biết. Nhưng tôi và Phú đã định với nhau rồi, tôi không làm căng thẳng, cũng không trả lời.
“Cứ nói má muốn gì cứ về nói với em đi”, Phú đã dặn. Phú kể cho tôi nghe rằng má Phú nói gì thì nói, Phú không bao giờ mở miệng, nói nhiều quá thì bỏ đi chỗ khác. Dần dà má Phú đổi lời năn nỉ tôi thành dặn dò:
“Con dắt Phú đi ciné rồi về liền nghen con. Đừng về tối, bác lo, bác chờ.”
Nhìn ánh mắt van lơn của bác tôi không nỡ lặng thinh nên nói:
“Tụi con chỉ đi xem ciné thôi, không đi đâu nữa đâu. Bác đừng lo.”
Tôi xưng con với má Phú chắc từ hồi mới đến đây. Thằng Mẫn trưa trưa thường lén nhà ra chơi với con nít trong xóm. Giữ nó trong nhà không được bác nhờ tôi ngó chừng ở bên ngoài. Sau nầy khi tôi biết chạy xe bác hay nhờ tôi đưa đón hai đứa em gái của Phú. Bác cũng thường hay qua nhà coi anh em tôi ăn uống thế nào khi dì tôi đi thăm ba tôi, có khi cả chục ngày nửa tháng. Nhiều lần bác mang thức ăn qua vì em tôi chỉ biết luộc trứng và bắp cải. Trong xóm chỉ có gia đình tôi chơi thân với gia đình Phú mà thôi, và tình thân ấy tăng theo thời gian. Nhưng cảm tình giữa Phú và tôi lúc ấy không đổi. Nhiều lần tôi ngồi trong nhà Phú cả buổi để nghe hai em Phú tập ca. Phú không ra phòng khách. Nếu phải bước ra, Phú làm như không nhìn thấy tôi, không biết có tôi trên đời. Tôi gọi má Phú bằng bác là gọi theo chồng, chứ thật ra bác còn nhỏ tuổi hơn ba tôi, chắc chưa tới bốn mươi. Sanh đẻ nhiều có làm bác già đi nhưng nét đẹp vẫn còn phảng phất. Trừ khi đi chợ bác hầu như không ra khỏi nhà, nơi bác và Phú thu vén mọi thứ, cố gắng giữ bộ mặt giàu có, sang trọng của gia đình. Điều này được thể hiện bởi ông chồng, bằng thái độ hách dịch với lối xóm, sự ăn xài và nhất là qua chiếc Renault, rồi chiếc Simca nhỏ xíu – mục tiêu phá phách của đám con nít.
Nhìn bác ra khỏi nhà tôi không khỏi phân vân thầm hỏi “sao bác có thể chịu đựng được người chồng ấy, và sống đời lủi thủi trong nhà.” Câu trả lời cuối cùng là lòng thương con. Chắc vậy. Đã sống với nhau có đến bẩy tám đứa con bà không thể làm gì khác được. Biết được điều ấy, mỗi lần nghĩ tới chuyện bác ngăn cản tôi không giận nữa. Những gì bác nói với tôi dù đúng hay sai, dù nặng hay nhẹ cũng do lòng thương yêu, lo lắng cho Phú, sợ nàng gặp đau khổ trên đời. Bác chỉ muốn tôi làm anh của mấy đứa thôi, kể cả Phú. Sao tôi không là rể được? Và lần đầu tiên tôi chợt có ý nghĩ rằng chắc bác sợ tôi sẽ giống ba tôi, có nhiều vợ.
Những cuộc hẹn hò hằng tuần giữa Phú và tôi vẫn giống cũ. Những rạp hát, tiệm kem, cà phê có thể khác nhau, luân chuyển, nhưng đại thể sự việc không khác nhau mấy. Có lần hai đứa nắm tay nhau lang thang qua chợ chó, chợ chim rồi đến cuối đường Hàm Nghi chỉ để mua một trăm gram hột điều rang. Hôm khác đứng lớ ngớ trong phòng triển lãm tranh ở góc đường Tự Do – Lê Lợi để ăn kem. Nhờ vậy tôi phát giác ra nhiều tiệm ăn, như hủ tiếu Thanh Xuân, không những thức ăn ngon hơn mà còn có chỗ ngồi thích hợp cho bồ bịch, không trống trải trơ trẽn như Thanh Bạch, chỉ thích hợp cho kẻ lẻ loi.
o O o
Cuối cùng cái ngày tôi mong đợi rồi cũng đến – ngày ra trường. Nhưng đơn vị tôi chọn, đúng ra là bị chọn vì không còn chỗ nào khác, là Trung Đoàn 4 Thiết Giáp ở xa quá, ngoài Đà Nẵng. Nén chua chát trong lòng, tôi tự bảo mình: “Mình làm mình chịu. Đi đâu cũng đi. Sợ gì.” Dù không được phép cuối khóa tôi cũng còn ở lại Sài Gòn hai ba tuần gì đó vì chờ chuyến bay. Dì Phú cũng cho nàng rời nhà mỗi tuần một lần nên hai đứa chỉ gặp nhau thêm có hai ba lần. Trong bóng tối ở rạp ciné hai đứa tựa nhau yên lặng, lâu lâu nhìn nhau thở dài. Biết làm gì hơn trong hoàn cảnh nầy. Nhưng tôi biết những gì đang chờ tôi khi tôi đến đơn vị. Trước khi tôi ra trường tin những trận lớn như Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, nơi quân ta tổn thất nặng nề, đã lan tràn. Tôi biết những trận chiến khốc liệt đang chờ tôi. Tôi hồi hộp chờ đợi nhưng không hề run sợ. Nhưng phải xa Phú. “Phải xa Phú…”, lòng tôi buồn tê tái. Bỏ Phú ở lại lẻ loi. Thương quá. Nhưng biết làm sao hơn được. Là lính tôi phải đi. Hai đứa lặng lẽ hôn nhau, thật nhiều, và đầy nước mắt.
Trung Đoàn 4 Thiết Giáp đóng trên một ngọn đồi bên ngoài vành đai phi trường Đà Nẵng, gần Cầu Đỏ trên đường vào Nam. Xung quanh là doanh trại mới của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Ở cuối đường băng nên ở đây đêm ngày rền rĩ âm thanh của máy bay phản lực. Muốn đi Đà Nẵng thì xuống đồi đón xe lam đi ngã ba Cây Lan, rồi đi tiếp. Nhưng xuống đồi là cả một nỗi khổ trần ai. Lúc ấy vào mùa mưa nên các con đường đã bị xe thiết giáp Mỹ làm thành bải lầy. Những người muốn rời trại thường phải chờ quá giang xe ở cổng trại Đoàn Mạnh Hoạch. Lần đầu tôi không biết nên “chụp ếch” liền ngay ngoài cổng. Dính dơ tay chân mặt mũi là chuyện nhỏ, tìm nơi giặt bộ đồ trận mới là chuyện lớn. Với tôi hơn tuần ở đấy thật buồn thúi ruột. Chỉ có vui vào giờ cơm, nhờ sự kể chuyện dí dỏm và duyên dáng của Đại Úy Hòa, sĩ quan hành chánh tài chánh. Trong giờ ăn hầu như chỉ có tiếng ông nói, còn mọi người lâu lâu chỉ rộ lên cười. Ông kể chuyện người nầy người kia, những kẻ “tai to mặt lớn”, đều có dính dáng đến đàn bà con gái, dâm dâm, tục tục, nghe hoài không chán. Nên tôi không ghét và giận “mệ” Ưng Hòa dù ông có đề nghị với Đại Úy Tôn Thất Đường, Trung Đoàn Phó, rằng “cái thứ mặt sắt đen sì như tôi phải đưa đi chi đội thám thính ở Ashau, A Lưới cho trắng mắt ra, cho biết sợ rồi mới đưa về.” Nhưng rồi tôi không được đưa lên rừng bắn khỉ mà được về Chi Đoàn 4/4 Thiết Quân Vận (tiền thân CĐ 2/4 Thiết Kỵ) ở Tam Kỳ do Đại Úy Nguyễn Hữu Lý chỉ huy. Tôi phải chờ khi nào có đoàn công voa mới đi được. Trong thời gian ở trung đoàn tôi có vị sĩ quan đỡ đầu là Trung Úy Bác Sĩ Đức, y sĩ trưởng trung đoàn, dân Sài Gòn như tôi mà sinh đẻ tuốt ngoài Hà Nội. Buổi tối tôi trùm mền nằm suy nghĩ vẩn vơ, còn ông ngồi bàn đọc lại sách y khoa. Gặp gì thích thú ông cười to khoái trá. Có một lần ông gọi tôi lại chỉ cho xem hình hai cái hạch Bar…và giải thích. Thấy tôi cấm cúi xem mãi ông cười nói:
“Xem kỹ vào. Nhớ kỹ nhé. Hôm nào có dịp thử xem nhé.”
Tối nào bác sĩ Đức cũng nấu thêm cho tôi một gói xúp vì tôi chưa quen thức ăn, nên ăn rất ít ở câu lạc bộ sĩ quan. Sống chung phòng với ông chỉ hơn chục ngày nhưng tôi nhớ mãi vị bác sĩ tốt bụng và vui tính ấy. Tôi tiếc đã không nhớ rõ tên ông lót chữ Văn hay Ý. Ít lâu sau trên một chiếc M 113 bổ sung cho chi đoàn tôi vào Tam Kỳ. Liền sau đó tôi tham dự cuộc hành quân đầu đời qua những động cát đến vùng sông Trường Giang và chợ Được. Thật là một kinh nghiệm khó quên. Hơn hai tháng sau chi đoàn dời vào Quảng Ngãi. Sau nhiều cuộc hành quân, khoảng đầu năm 66 tôi được đề cử về tham dự Đại Hội Toàn Quân ở Sài Gòn cùng với Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 Thiết Giáp, Trung Tá Nguyễn Văn Toàn. Tôi mừng “hết lớn”. Ít nhất tôi sẽ có mười ngày, nửa tháng ở Sài Gòn thân yêu của tôi.
Phú biết tôi về chỉ một hai hôm sau. Nàng về thăm nhà, biết tôi về nên ở lại chờ. Buổi chiều gần tối sau khi đi chơi về tôi tắt máy dựng chiếc vespa trưóc nhà thì nghe tiếng “anh” êm ái sau lưng. Phú đứng ngoài cửa nhà nàng nghiêng mình nhìn tôi, miệng mỉm cười, mắt đẫm lệ mừng. Rồi Phú biến ngay, chắc má Phú theo ra. Đêm đó thật là hạnh phúc. Hai đứa lần đầu tiên nằm cận kề nhau nói chuyện, chỉ cách có một…. bức tường, có gạch thông gió. Dãy phố nhà tôi có thiết kế giống nhau. Trước hàng hiên, rộng chừng hai thước, là một lan can thấp bằng gạch có lỗ thông gió. Hàng hiên mỗi căn cũng cách nhau một tường gạch thấp loại đó. Cửa được xây cùng một bên nên cuối hàng hiên nhà tôi là cửa nhà Phú. Nhà Phú được xây thêm phòng khách phía trước, khoảng trống bên trên được xây kín, vách ngăn bên dưới vẫn giữ nguyên để thông gió. Hai đứa nằm hai bên vách ngăn đó. Dù có miếng lưới chống muỗi tôi và Phú vẫn thấy nhau khi thầm thì nói chuyện. Nhưng Phú ít ngó về phía tôi vì phải giả vờ đọc sách và canh chừng mấy đứa em, sợ tụi nó lại gần nghe chuyện. Hai đứa cứ nói chuyện đâu đâu. Phú ít lời, còn tôi thì rất ngượng nghịu khi nói tiếng yêu thương. Tôi chỉ giỏi chuyện trêu chọc. Tôi rủ Phú:
“Tối nay hai đứa mình ngủ đây nha.”
Phú nghiêng mặt, đảo đôi mắt sáng quắc về phía tôi chẳng nói gì.
“Rồi khuya mở cửa cho anh vô nha… nha ….”
Phú liếc tôi, mắt bén như dao:
“Nữa à…, nói chuyện gì đâu không à.”
Tôi van vỉ: “
Anh nhớ em quá mà. Anh muốn hun em.”
“Chờ tới mai không được hả?”
“Hông. Anh muốn hun em liền.”
Phú quay mặt đi, giả vờ đọc sách. Tôi nài nỉ:
“Hay mình ra cửa sau đi… .”
“Sáu Nổ đang rình ở đó. Anh ra đó coi chừng nó đập bể đầu đó.”
“Nó dám… . Mình đi liền nghe”.
“Hông”, Phú cương quyết lắc đầu.
Tôi cố vớt vát:
“Chừng nào má với mấy đứa ngủ hết em mở cửa nghe… . Anh chỉ muốn hun em thôi.”
Phú bỏ sách xuống, liếc mắt về phía tôi, ngồi dậy rồi đi vô nhà. Nằm chờ hồi lâu chẳng thấy Phú trở ra, tôi đến ngồi trên lan can phía đối diện hút thuốc. “Rồi ra đó nằm một mình đi,” tôi lầm bầm giận dỗi. Hút luôn mấy điếu thuốc mà Phú vẫn chưa quay ra tôi đành chịu thua, trở lại chỗ nằm chờ.
Phú trở ra cùng tiếng nhạc, nhỏ nhưng thảnh thót. Nàng nằm xuống bỏ hộp nhạc bên gối. Âm thanh thảnh thót thanh tao lững thững phát ra những âm điệu buồn vời vợi. Từ tối tới giờ má Phú không lại gần cửa. Phú kể rằng hôm qua khi biết Phú ở lại chờ tôi má Phú đã làm rầy rà rồi. Bà hăm sẽ nói cho dì Phú biết để cấm cửa không cho Phú về nhà. Phú nói:
“Anh biết hôn. Em nói nếu má và dì không cho em gặp anh nữa, em sẽ theo anh đi Quảng Ngãi luôn. Má sợ xanh mặt.”
Khi tiếng nhạc trở nên nhỏ và chậm Phú vừa lên giây thiều vừa nói:
“Anh vô nhà ngủ đi.”
Tôi năn nỉ:
“Không. Anh muốn ngủ đây với em. Anh không kêu em mở cửa đâu. Anh muốn ngó thấy em.”
Phú cười:
“Anh nầy ngộ. Ngủ rồi làm sao ngó thấy được?”
“Kệ anh. Nằm đây với anh đi”.
Phú mỉm cười, cầm cuốn sách lên.
Đêm đó tiếng nhạc buồn của bản “Mắt Huyền” ru tôi vào giấc ngủ. Khuya tôi giựt mình thức giấc thì đèn trong nhà Phú đã tắt, tiếng nhạc đã im. Không biết Phú còn nằm đó hay không.
Lần về nầy ba tôi cho tôi sử dụng hẳn chiếc vespa nên hai đứa đi chơi với nhau nhiều hơn. Có lần tôi đưa Phú ra xa lộ Biên Hòa rồi đến chơi ở khu suối Lồ Ồ. Tuy nhiên Phú có vẻ không chịu được nắng gió nên chúng tôi lại quanh quẩn trong Sài Gòn như cũ. Ngồi một bên, ôm lấy hông tôi nhưng Phú còn giữ một khoảng cách. Tôi muốn Phú dựa ngực vào lưng tôi và tôi … đạt được điều ấy dễ dàng. Chạy xe nhanh một chút rồi bất ngờ đạp thắng là tôi cảm thấy được một sự va chạm êm ái đê mê từ phía sau. Lần đầu Phú xích ra, cung tay đập nhẹ lưng tôi, miệng nói:
“Anh nầy kỳ… . làm chuyện tầm bậy tầm bạ không à… Hổng được “mần” dzậy nữa à nghen.”
Dĩ nhiên tôi “mần” nữa. Phú nói:
“Thôi à nghen. Em không giỡn với anh à nghen.”
Tôi lại mần nữa, mần hoài, để thích thú cười thầm. Lại giả ngộ nói:
“Anh bị đau lưng. Anh muốn em đấm lưng nhiều nữa đi”.
Cuối cùng Phú áp má vào lưng tôi nói:
“Lì quá à. Người gì đâu mà lì quá à …”
Có một lần tôi đưa Phú ra bến Bạch Đằng vào lúc chiều tối. Hai đứa ngồi ở băng đá, cạnh mấy lỗ golf cho con nít chơi, nhìn ra những chiếc tàu hàng tràn ngập ánh sáng. Gió từ ngoài sông lồng lộng đưa về mát rượi. Chợt Phú rùng mình. Tôi tưởng gió làm Phú cảm lạnh. Nhưng không phải vậy, Phú nói:
“Thôi mình về đi anh. Em sợ. Khu này bị nổ mấy lần rồi.”
Hơn nữa, chỗ nầy cũng không thích hợp với chúng tôi. Rất nhiều người bán dạo đến quấy rầy, mời mua nầy mua kia. Chúng tôi về nhà.
Nhưng những ngày ấy chuyện vui ít hơn chuyện lo âu. Khi trình diện Trung Tá Toàn nhận sự vụ lệnh ông bảo tôi xin phương tiện vào Sài Gòn trước, ông sẽ vào sau. Tôi ngu ngơ hay sợ quá không hỏi gặp ông ở đâu ở Sài Gòn. Tôi cứ tưởng đến Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Binh thì sẽ biết. Nhưng không, những người tôi hỏi không ai biết cả. Những sĩ quan cao cấp hơn có thể biết, nhưng sĩ quan “cắc ké” như tôi làm sao dám mò tới mấy ông đó mà hỏi. Tôi lên Trường Thiết Giáp nơi Chi Đoàn 7/4 Thiết Quân Vận đang huấn luyện sau khi thành lập. Cũng không ai biết Trung Tá Toàn ở đâu. Ngày nào tôi cũng chạy tới chạy lui hai nơi ấy để rồi thất vọng trở về, vò đầu bứt tai tự trách mình. Lúc ấy tôi biết ở Sài Gòn có Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Đông nhưng tôi chưa biết nơi ấy là nơi sĩ quan các nơi đi công tác Sài Gòn thường trú ngụ. Tôi không đến đó để tìm Trung Tá Toàn. Đến ngày, tôi đến sở Ba Son nơi Đại Hội được tổ chức, nhưng không được vào vì không có thẻ. Tôi đứng chờ. Nhưng Trung Tá Toàn nào có đi bộ vào cổng như tôi mà nhìn thấy tôi. Tôi áo não trở về. Hy vọng xin được một tuần phép từ Trung Tá Toàn sau Đại Hội đã trở thành ảo vọng. Chút công trận lập được mong gầy lại chút tín nhiệm với thượng cấp, xóa bớt những sai phạm cũ đã trở thành mây khói. Không những thế, sai lầm nhỏ dẫn đến sai lầm lớn hơn. Ngày đưa Phú đi chơi suối Lồ Ồ là đã hơn tuần sau Đại Hội, nhưng tôi chưa đến Phòng 4 Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Binh để xin phương tiện về đơn vị. Chắc tôi về trễ ít nhất phải hai tuần. Một ngày vắng mặt bất hợp pháp lãnh “hai củ”. Cứ thế mà nhân lên, chưa kể tội không tham dự Đại Hội. Mỗi ngày tôi sống với niềm vui bên người yêu và nỗi lo âu thắc thõm, không biết rồi sẽ bị phạt ra sao, ra đơn vị rồi có còn ngày trở về hay không.
Tôi không đành lòng đi được. Phú đang bị rắc rối với gia đình. Từ ngày tôi về, Phú về ở lì nhà mẹ. Dì Phú nói Phú “luông tuồng” quá, phải “cột chân” lại.
“Dì nói đã hứa gả em cho một người rồi. Nếu em không chịu thì đi đâu thì đi”, Phú nói.
Tôi chọc: “Gả cho thằng nào? Thằng Rư hay thằng Rết?”
Phú ngó tôi ngạc nhiên:
“Rư Rết nào? Sao anh biết?”
“Thấy bả cho thằng T., con C. học trường Tây, chơi với dân Tây nên anh tính bả muốn gả em không cho thằng Hăngrư thì cũng là thằng Hăngrết.”
Đang cười ngất vì được dịp chọc ghẹo tôi phải dừng lại vì Phú nhéo tay một cái đau điếng.
“Chuyện vậy rồi mà anh còn giỡn được? Bộ hổng thương em hả?” Phú xê ra khỏi mình tôi, giọng buồn hiu: “Em biết mà. Em thương anh nhiều chứ anh không thương em bao nhiêu.”
Kéo Phú lại gần, tôi nghiêm chỉnh nói:
“Anh thương em nhiều mà. Tại anh không biết cách nói thôi.”
Tôi nói thật. Nhưng tôi vô tâm vô ý quá. Từ khi hai đứa yêu nhau tôi chỉ biết Phú sống với dì, nhưng không quan tâm đến những điều khác. Những lần hò hẹn tôi chỉ biết hạnh phúc bên nàng, hôn hít vuốt ve nhưng không bao giờ biết hỏi nàng sống thế nào, ra sao. Tôi cho rằng Phú sống trong nhà dì giàu sang danh vọng, chắc rằng dù không được thương yêu chăm sóc như mấy đứa em bạn dì nhưng sẽ không bị thiếu thốn gì. Tôi đâu biết có những nỗi khổ tâm khác Phú phải chịu đựng. Dì Phú vừa trải qua một vụ rắc rối lớn qua đó bà nổi tiếng, nhưng nó cũng hủy hoại tinh thần và thể xác của bà, cũng như hạnh phúc gia đình. Mấy đứa con oán trách mẹ, trở nên không nghe lời. Tụi nó muốn làm gì thì làm, bất chấp cha mẹ. Để che dấu sự đau khổ, xuống dốc của gia đình bà ít ra khỏi nhà. Sự giao thiệp của bà chỉ còn gói gọn lại với một số ít bạn thân.
“Tuy nhiên dì không bao giờ nặng lời, không tỏ thái độ gì khác thường với em. Gần đây nhiều lần em thấy dì ngó em thật lâu rồi quay đi, không nói gì. Em đâu biết dì đã định gả em từ đó,” Phú nói, giọng buồn muốn khóc.
Người mà dì Phú muốn gả nàng là em người bạn đã giúp bà trong lúc khó khăn. Đó là một sĩ quan mới góa vợ và đang tùng sự ở một cơ quan ở Sài Gòn. Phú kể:
“Má với dì biểu em ưng người đó, có lớn tuổi hơn em một chút nhưng chắc chắn tương lai em được sung sướng an toàn… Ai ưng cho được. Người đâu lạ quắc lạ quơ, già ngơ già ngắc mà nói lớn hơn em có chút. Mà… có trẻ hơn nữa em cũng không chịu đâu. Không thương làm sao ở với nhau được.”
Nắm chặt tay Phú tôi nói:
“Hay để anh xin ba qua hỏi cưới em.”
Phú dẩy nẩy nói ngay:
“Chưa được đâu. Má với dì không chịu đâu.”
Tôi nói, lòng dâng lên cơn giận đột ngột:
“Biết ngay mà… . Chê anh nghèo phải không? Chuẩn úy quèn chứ gì? Không cho ba anh qua … . Má em là người….”
Phú bịt miệng tôi, nói:
“Đừng nói bậy. Em sợ ba qua rồi xẩy ra chuyện nầy chuyện kia mích lòng, không tốt cho tụi mìmh về sau.”
Phú ngừng một chút, mắt chăm chú ngó tôi, rồi giọng trở nên âu yếm:
“Anh biết mà … Anh không cưới…em cũng theo anh mà.”
Tự ái được vuốt ve tôi ngừng giận:
“Ừ! Em theo anh ra Quảng Ngãi đi.”
Nói xong tôi biết mình lỡ lời nên ngồi lặng thinh. Hai đứa sống với nhau ở Quảng Ngãi cũng được. Bao nhiêu tiền lương đưa hết cho nàng. Bỏ cà phê hủ tíu buổi sáng, nhịn rượu chè buổi chiều… thì hơi khó, nhưng vẫn làm được. Còn thuốc lá không bỏ được thì làm theo kiểu chàng lãng tử Lucky Luke, ngồi lưng ngựa (sắt) vừa mần một cú bốcselăn vừa ca “một mình ta… lang thang… trên đồi …, một mình ta … lang thang … trên đời”. Hút thuốc vấn như mình từng làm khi cuối tháng có sao đâu. Nhu cầu, thói quen của mình thì mình kiểm soát được mà. Nhưng than ôi! Muốn sống chung với Phú như vậy có cái tôi không vượt qua được. Là lính, nhất là lính tác chiến, tôi biết mình không kiểm soát được đời mình, không dành thời gian bên vợ thường xuyên được. Làm sao một cô gái trẻ, sinh đẻ và lớn lên ở Sài Gòn như Phú có thể sống một mình ở một nơi xa xôi, thiếu thốn mọi thứ, đêm đêm nghe tiếng đại bác, nhìn ánh sáng hỏa châu chờ chồng đi hành quân về được. Ở Quảng Ngãi Chi Đoàn 4/4 Thiết Quân Vận là đơn vị chủ lực, sau Trung Đoàn 4 Bộ Binh. Tuần nào chi đoàn cũng phải hành quân đôi ba ngày. Những ngày còn lại phải ứng trực để đi tiếp viện các đồn hay đơn vị bộ binh bị địch tấn công. Ban đêm các chi đội còn phải thay nhau đi phòng thủ phi trường, hay bảo vệ các pháo đội. Một hai tháng lại có cuộc hành quân lớn, xa, có khi kéo dài cả nửa tháng. Những cuộc hành quân như vậy thế nào cũng có tổn thất, kẻ chết người bị thương. Không! Không thế nào Phú có đủ tinh thần để chịu đựng được. Nhưng điều trở ngại lớn nhất sẽ xảy ra trước mắt là sự “trả giá” cho việc ở lại Sài Gòn, sự vô kỷ luật. Hai tội, vi phạm trước mắt cấp chỉ huy trực tiếp, người vừa tưởng thưởng mình. Bị nhốt là cái chắc, không còn nghi ngờ gì. Viễn cảnh như vậy thì làm sao tôi đem Phú theo được.
Trong lúc tôi thẫn thờ suy nghĩ Phú cũng lặng thinh. Chắc nàng cũng có mối ưu tư riêng khi muốn theo tôi. Bất chợt Phú hỏi, giọng ngập ngừng như tò mò:
“Ở ngoài đó … anh có quen ai,… quen cô nào không?”
Được giải thoát khỏi một vấn đề mà tôi không muốn tiếp tục nên tôi mừng rỡ dắt chuyện qua hướng khác:
“Có, …anh quen mấy cô luôn.”
Phú nắm cánh tay tôi, chắc định ngắt:
“Đẹp hôn?”
“Chưa biết được. Mấy cổ mới … mười một mười hai tuổi hà.”
“Xạo. Anh mà quen con nít hả?” Phú vuốt ve tay tôi.
“Thật đó. Chỉ quen được con nít thôi. Mấy cô ở ngoải ngộ lắm, mới lơn lớn chút xíu đã sợ đàn ông con trai nên trốn đâu mất biệt, không thấy ló ra khỏi nhà để “bắt đèn”. Mà em đừng lo. Ở ngoải mấy cổ nói anh nói tiếng Việt gì đâu, ngọng ngọng, đớt đớt, kỳ kỳ. Không ai thèm anh đâu.”
Dù tôi nói thật nhưng cũng không tránh được một cái nhéo đau điếng, đành trân mình chịu.
“Vậy mà nói hổng có quen ai. Xạo quá. Ai tin anh được. Ai không biết, thấy mặt tưởng anh khờ câm. Chứ còn em …ở gần anh từ hồi nhỏ…em biết anh quá mà”.
Quá quen thuộc với bàn tay Phú lần trên tay tôi lần nầy tôi tránh được một cái nhéo khác. Nắm tay Phú tôi kéo nàng sát vào người tôi:
“Anh nói thiệt mà. Em ráng chờ anh đi. Ra ngoài đó rồi anh sẽ kiếm cách … . Rồi anh sẽ báo cho em hay.”
Giọng Phú bùi ngùi:
“Em không ở nhà dì được nữa đâu. Lần nầy cũng không thể về ngoại nữa. Em … em hổng biết đi đâu.”
Tôi xoa má Phú, rồi xoa bàn tay đẫm nước mắt ấy vào má tôi.
“Em ráng chờ chút nữa đi. Anh sẽ tìm ra cách mà.”
Tôi biết mình nói dối. Tôi trấn an nàng, nhưng tôi không trấn an được tôi. Sau cùng Phú ngập ngừng nói là Phú có quen một chị bạn ở Bàn Cờ.
“Chỉ nói nếu dì và má ép quá, đến nhà chỉ ở đỡ một thời gian rồi sẽ tính.” Phú hỏi: “Cùng quá em tới đó. Anh chịu hôn?”
Sau khi biết chị bạn ấy sống cùng cha mẹ tôi đồng ý. Không có cách nào khác. Không thể nào làm gì khác hơn được. Chiều ấy, sau buổi ciné tôi đưa Phú đến đó để tôi biết ngôi nhà mà Phú có thể ở trong tương lai. Đó là một căn phố lầu trên đường Nguyễn Thiện Thuật, gần đường Hồng Thập Tự.
Tôi lại ra đi. Tôi nghiệp Phú. Nàng muốn mà không lần nào có thể tiễn tôi đi. Hai đứa chia tay sau buổi ciné hôm trước. Nước mắt chỉ rơi đầm đìa trong bóng tối.
o O o
Đến Quảng Ngãi được mấy ngày tôi theo chi đoàn đi hành quân ở Đức Phổ. Đây là lần chi đoàn đi xa nhất về phía nam, gần tới ranh Bình Định. Gần hai tuần sau tôi được trực thăng bốc từ vùng hành quân về Đà Nẵng thọ phạt. Trước khi được gởi vào trại kỷ luật tôi may mắn gặp Răng, chi đội trưởng thám thính, bạn cùng khóa và cũng từ nam ra như tôi. Răng tốt bụng, thấy tôi hết thuốc hút, chạy xuống Phước Tường mua cho tôi một bịch thuốc rời “Half and Half”, một bịch “Seventy Night” và mấy tập giấy quấn thuốc. Còn tiền Răng nói sau khi đưa đoàn công voa đi Quảng Ngãi về, lãnh lương rồi sẽ thăm tôi. Trong trại tôi ngóng chờ Răng để có tiền đóng tiền cơm. Tôi đâu biết rằng đoàn công voa bị phục kích, Răng phải dừng lại chiến đấu bảo vệ đoàn xe. Chi đội không bị thiệt hại nhiều, nhưng hầu như toàn bộ các bánh xe đều bị bắn bể, phải ở lại Quảng Ngãi chờ tiếp liệu. Khi về Đà Nẵng Răng mang thuốc mang tiền đến thì tôi đã gần mãn hạn thọ phạt. Đúng ra sự đói ăn thiếu thuốc là do lỗi của tôi. Tôi đã không biết đến ban tài chánh trung đoàn mượn lương trước. Một lần nữa tôi bị sự khù khờ của chính mình làm khổ không ít. Hơn tháng sau tôi được hoàn trả về đơn vị.
Lúc nầy tình hình chiến sự ở Quảng Ngãi đã khả quan hơn nhiều, so với lúc chi đoàn mới đến. Các cuộc hành quân Liên Kết của ta đã đẩy địch ra khỏi các vùng chúng chiếm từ lâu, từ mũi Batangan ven biển cho đến miền cận sơn Trà Bồng, từ Thạch Trụ đến Đức Phổ. Tiếp theo những cuộc hành quân lớn đó là Hành Quân Liên Kết 36 (?) (Operation Texas?) ở vùng chân núi Trà Bồng. Chi đoàn đi với cánh quân Trung Đoàn 4 Bộ Binh. Hai cánh khác là Tiểu Đoàn 5 Dù, do Thiếu Tá Nam chỉ huy, và một đơn vị Mỹ, tôi không nhớ danh hiệu. Tôi không nhớ hành quân đến ngày thứ mấy thì chi đoàn được lệnh đổi hướng, tăng viện cho Tiểu Đoàn 5 Dù đang bị một trung đoàn địch với vũ khí nặng bao vây, đang “cài răng lược”. Hai chi đội 2 và 3 của tôi và Nguyễn Tráng nôn nóng tiến nhanh, bỏ lại chi đoàn vướng lầy ở phía sau. Chúng tôi bị phục kích khi tiến qua một dãy đồi thoai thoải với những cây sim và lùm bụi nhỏ, thấp cỡ ngang ngực. Hai chi đội tiến hàng dọc nên khi bị bắn bên trái chúng tôi đổi hướng thành hàng ngang và càn luôn. Theo thường lệ hai đứa tôi cỡi ngựa sắt – ngồi trên xe chứ không đứng trong cửa vuông ló đầu lên – xung phong. Than ôi! Tráng tử trận ngay khi cán qua phòng tuyến địch. Đạn AK bắn gần phá nát ngực của nó. Tôi cũng bị một viên cháy da đầu, bay mất cái nón vải đi rừng của người bạn học, thông dịch viên cho TQLC Mỹ, tặng. Không mang theo bộ binh để cận chiến và lục soát nên tôi cho lệnh dùng xích xe quậy nát, chà đi chà lại và tung lựu đạn xuống các vị trí địch. Phá xong tuyến phục kích mới biết biết phòng tuyến Dù nằm dưới chân đồi, trong một làng cũ. Tôi chỉ huy hai chi đội nhào tới nữa, đến ngay chỗ “cài răng lược”, và kẹt ở đấy. Tại đây chúng tôi không thể dùng ưu thế của mình để đánh địch được, vì con cái Dù bị kẹt nằm tứ phía. Dù “chì” thiệt, dính đâu nằm đó, không lui. Hai chi đội tôi cũng nằm lì ở đấy, bắn đại liên lên cây để triệt đám bắn sẻ, để quân Dù kéo mấy đứa con bị kẹt phía trước về ngang. Trong những khoảnh khắc đó thiết giáp bị thiệt hại mấy người. Xe tôi bị hai, trưởng xa bị thương nặng, xạ thủ 30 tử trận. Đạn bắn sẻ làm bay tấm bản đồ trước mặt tôi. B40 nhiều lần nổ ở bụi tre lớn chắn trước xe tôi. Gần nửa giờ sau đại úy Lý dắt phần còn lại của chi đoàn tới, xung phong vào phòng tuyến địch bên trái tôi. Đại úy Lý bị thương trong đợt xung phong nầy. Địch bị đánh bung ra. Nương cơ hội Nhẩy Dù phía tôi cũng tấn công phá vỡ thế cài răng lược. Trước khi trời tối chúng tôi đã đẩy địch ra xa. Đêm đó cả hai cánh quân lùi lại đóng quân trên đồi.
Sáng hôm sau chúng tôi lại tấn công xuống phòng tuyến địch. Nhưng địch đã rút, chỉ để lại vài toán nhỏ để trì hoãn chiến. Địch rút vội vàng, bỏ lại nhiều vũ khí và nhiều đạn dược của vũ khí nặng rải rác trên đường “chém vè”. Chắc địch bị thiệt hại nặng nề, không còn đủ nhân sự nên bỏ lại các chiến cụ. Sau gần một ngày lục soát, thu lượm vũ khí, Dù và thiết giáp cũng rút về Quảng Ngãi chiều đó.
Sau khi tắm rửa xong tôi đang lên phòng y tá để băng mắt phải bị sưng đỏ vì hơi thuốc súng thì nhận lệnh của Tiểu Khu đi trực xác Tráng. Cũng được thôi. Hai đứa cùng khoá, cùng đơn vị và cùng chiến đấu bên nhau sáng qua. Xác Tráng được đặt trong “Nhà vĩnh biệt” của bệnh viện tiểu khu. Không hiểu sao chỉ có một mình xác Tráng ở đấy. Và cũng chỉ có mình tôi trực. Tráng được đặt nằm trên bàn, trước đầu có bình hương và hai ngọn đèn cầy. Hai ngọn đèn cháy chập chờn, mờ ảo không xua được bóng tối của căn phòng nhỏ. Tôi ngồi ngoài cửa nhìn vào chợt giựt mình vì hình ảnh ấy tôi thấy rồi, chỉ thiếu bình hương và đèn cầy. Cái ảnh năm rồi “công tử” Trần Tấn Minh chụp Tráng ngủ trưa khi còn ở Trường Thiết Giáp. Minh không những chụp ảnh Tráng mà còn nhiều người nữa, những ai hớ hênh, hoặc đang có điệu bộ xấu xí. Minh chụp để lâu lâu mang ra chọc cười chọc tức thôi. (Minh tử trận năm 68). Trong trường tôi và Tráng không thân nhau lắm, vì khóa sinh quá đông, 48 người, đông nhất từ trước đến giờ. Tội nghiệp Tráng. Khi gặp nhau ở trung đoàn Tráng dắt tôi về Đà Nẵng, đưa lại nhà anh Tráng ở sát bờ biển Thanh Bình. Anh Tráng giăng lưới bắt cá làm mồi, và đào hũ rượu bách nhật sau vườn lên đãi tụi tôi. Khi vào Tam Kỳ tối sáng gì chỉ có hai đứa lận “côn” trong bụng lội bộ cả hai ba cây số ra phố chơi. Mấy vị sĩ quan khác, trước tụi tôi năm bẩy khóa, không có huỡn đi chơi với tụi tôi. Mấy ảnh mắc ở nhà chơi với vợ. Hai đứa thường vào quán mì Quảng của chị Th., người có đôi mắt buồn rười rượi, uống bia. Hiếm khi nào có đá, nên khi đứa nầy khi đứa kia … xin chị cầm giùm ly rượu lâu lâu để bia… được lạnh, vì chị có trái tim lạnh lùng, băng tuyết. Chị Th., lớn hơn hai đứa mấy tuổi, chỉ cười cười, mắt ngó nơi xa thẳm nào đó. Vào Quảng Ngải chỉ còn hai đứa là sĩ quan chi đội trưởng nên càng thân hơn, đi đâu cũng có nhau. Vậy mà giờ nó im lìm nằm đó, đã đền xong nợ nước. Tội nghiệp Tráng. Tráng lớn hơn tôi một tuổi, quê Quảng Trị, chưa vợ. Không biết có bồ bịch gì chưa, không nghe nhắc tới.
Nhắc đến vụ bồ bịch của Tráng tôi chợt nhớ đến Phú và lời hứa tìm cách đưa Phú ra đây. “Không. Không thể nào đưa Phú ra đây được.” Tôi không bao giờ muốn Phú biết cảnh thê lương này. “Dù có ham muốn sống chung, làm chồng vợ với Phú cách mấy, mình cũng không thể đưa Phú ra đây.” Trời ơi! “Nếu lỡ mình bị đạn và tử trận thì sao? Ừ. Dễ xảy ra quá mà. Như Tráng đó. Mới sáng hôm qua, sau buổi họp Tráng còn ngậm điếu thuốc xề xệ trên môi, còn đùa giỡn với mình. Vậy mà hôm nay nằm im lìm mãi mãi nơi kia. Chuyện đó cũng có thể dễ dàng xảy ra với mình chứ? Tại sao không? Mình đền xong nợ nước cũng là chuyện thường tình của người lính, nhưng tại sao mình lại đưa nàng, một thân một mình, vào cảnh khổ não bi thương đó?” Tôi dứt khoát. Không. Không bao giờ đưa thêm khổ đau vào số phận hẩm hiu của nàng.
o O o
Sau đó vài tháng tôi nhận được thư Phú, lần đầu viết cho tôi. Trong thư viết trên giấy pelure màu xanh da trời có một bài thơ ngắn kể lòng nhung nhớ chờ đợi. Ngoài ra Phú cho biết đã đến ở và đi làm chung với chị bạn. Tuy nhiên nàng dặn tôi khoan viết thư, chờ khi nào nàng báo rồi hẳn viết. Thư nàng vắn tắt, ít lời như khi nàng nói chuyện với tôi vậy. Nàng cũng không nói đến chuyện đi Quảng Ngãi nữa. Tôi rất mừng, cứ đem ra đọc hoài, nhất là bài thơ ngắn. Lúc ấy tôi ở chung với Hạ Sĩ nhất Lâm Vậy và Hạ Sĩ Lê Đức, cùng là dân Quảng Trị, ở một phòng nhỏ, cạnh cổng sau của doanh trại chi đoàn. Lâm Vậy, lớn hơn tôi năm sáu tuổi, mặt vuông càm bạnh, là dân lãng tử, đa tài, lắm tật. Khi say rượu Vậy hay làm thơ và ngâm thơ. Chỉ những lúc ấy tôi mới thấy anh buồn, mắt mờ dại hẳn đi. Tháng tháng anh gửi hết tiền lương về cho vợ, nhưng không bao giờ về phép. Hỏi anh chỉ thấy mắt anh đỏ ngầu, càm bạnh ra không trả lời. Không tiền nhưng anh vẫn sống được, say đều đều. Nhiều lần giữa đêm khuya anh về với rượu và mồi bắt Đức và tôi thức dậy uống rượu với anh. Lê Đức hiền lành, có nụ cười nhỏ nhẻ như con gái. Xong bổn phận ở chi đội, ba đứa chúng tôi không cùng chi đội, Đức về phòng học và đọc sách. Có bao nhiêu tiền Đức đều dành cho sách. Anh có nhiều sách văn chương, triết lý, hàng tháng đều mua tạp chí văn nghệ ở Sài Gòn. Cuốn sách của Đức tôi đọc lâu nhất là một quyển dầy cộm của Phạm Công Thiện, không nhớ tựa đề. Tôi bỏ qua phần triết lý vì nuốt không trôi, nhưng say sưa thích thú về phần bình luận văn chương. Tác giả thiệt là người tài hoa. Qua ông tôi cũng “lượm” được một ít hồn thơ và giai điệu của những thi sĩ mà ông hết lời tán tụng. Trong một lần say với Vậy tôi có làm một bài thơ, định riêng tặng Phú. Bài thơ nầy có số phận hẫm hiu, dù hay dù dở nó cũng không bao giờ được người được đề tặng biết đến. Làm sao gửi cho Phú được vì đoạn kết như một lời chia tay:
Trời ướt đêm thâu
giá buốt về đâu
thương em gái nhỏ
một năm chờ đỏ mắt sầu.
Trời mưa trời mưa
thôi nhé người xưa
ta còn xa mãi
chờ mong biết mấy cho vừa.
Sau khi bài thơ “Mùa Thu Paris” của Cung Trầm Tưởng, được Phạm Duy phổ nhạc, trở nên quá nổi tiếng tôi quên bài thơ của tôi luôn. Rồi tôi cũng không còn sử dụng thời giờ rảnh để đọc đọc viết viết như Đức nữa. Tôi đi với Vậy la cà quán xá, không uống cà phê nữa mà uống rượu. Tử thần đã đến gần tôi lắm rồi. Sau khi Tráng tử trận, trong vòng hai tháng tôi còn mất thêm ba trưởng xa, có hai là trưởng xa xe tôi. Lúc nầy đi hành quân bị 57 không giật bắn hoài mà chưa lấy được. Buồn và tức.
Sự say sưa rượu chè của tôi tăng nhiều khi Lê Thọ Lăng, cũng là dân Quảng Trị, chi đội phó cũ của tôi học xong ở Thủ Đức về. Lăng lớn hơn tôi vài tuổi, rời trường Thiết Giáp trước tôi một hai năm. Có thể gọi Lăng là “chàng đẹp gái” được vì anh trắng trẻo, có nụ cười tươi, đôi môi đỏ và có đeo một khuyên nhỏ bằng vàng nơi tai trái. Anh nói vì xấu háy nên cha mẹ anh cho đeo bông tai từ nhỏ để quý ông bà tiên thiên quỷ thần gì đó nhìn không ra, không “bắt” được anh. Chính anh là người đã biến tôi thành “pilot thiết giáp”, có nghĩa là một cấp chỉ huy khi có lệnh hành quân chỉ thẩy ba lô lên xe rồi đi, hết hành quân xách ba lô nhẩy xuống xe dông mất, chẳng cần biết đến bảo trì tu bổ, chẳng xin bổ sung nhiên liệu đạn dược gì hết. Mọi chuyện Lăng lo hết. Mấy ông phân đội trưởng, có người lớn hơn anh cả chục tuổi, rất nể trọng anh. Khi mới vào Quảng Ngãi do không quen thuộc địa thế cả chi đoàn mắc lầy. Với kinh nghiệm học được từ lúc chi đoàn còn tăng phái cho Chiến Đoàn 6 Thiết Quân Vận trong Nam, trong một đêm Lăng kéo cả chi đoàn lên. Lăng thật giỏi. Tôi chỉ hơn anh được cái liều lỉnh, chỉ biết hô “dzô.., dzô…”. Khi ra trường Lăng chưa về được thiết giáp. Anh về Sư Đoàn 2 BB và được cử làm Chi Đội Trưởng Chiến Xa M 24, thuộc Đại Đội Tổng Hành Dinh Sư Đoàn. Các chiến xa cũ kĩ nầy chỉ để dùng làm “kiểng” trong Bộ Tư Lệnh chứ không di chuyển xa được. Bấy giờ Lăng “ngon” hơn tôi nhiều. Là chi đội trưởng anh vẫn đội mũ đen kỵ binh, có một ngôi nhà gần câu lạc bộ để làm chỗ ngủ và văn phòng, có xe jeep để đi … chơi. Thêm nữa, anh có một cô bồ người Sài Gòn, là ca sĩ của phòng Chỉnh Huấn, chiều chiều tối tối hát riêng cho anh nghe. Từ đó tôi ít về phòng Đức đọc sách. Văn phòng của Lăng là nơi cả đám tụi tôi rượu chè ca hát hầu như mỗi chiều tối, khi không đi hành quân. Ở nơi đây lần đầu tôi được nghe bài “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trạc do Vậy ngâm. Cả đám lặng im nghe anh. Vậy vừa ngâm thơ vừa uống rượu, mắt đỏ ngầu đẫm lệ, lúc hào sảng, lúc thê lương, lúc cười sằng sặc như điên cuồng. Giọng Quảng Trị của anh lúc rổn rảng như suối trên ngàn đổ xuống, lúc thầm thì như sóng sông vỗ về lau lách.
Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay,
Nam nhi sự nghiệp ư?
Hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.”
Những đêm ấy sao mà sảng khoái vậy! (Lăng và Vậy tử trận năm Mậu Thân. Cuối cùng, quý ông bà thiên tiên thần quỷ gì đó cũng nhận ra Lăng và bắt anh đi, khi vợ anh – cô ca sĩ người Sài Gòn mang bầu được mấy tháng. Còn Đức không phiêu bạt nơi nào, số phận ra sao.)
Cũng khoảng thời gian này tôi nhận được thư của Lê Văn Nghĩa, bạn cùng khoá, từ Chi Đoàn 2/1 Thiết Quân Vận. Nghĩa đề nghị hoán chuyển với tôi. Nghĩa cũng báo cho tôi biết Lê Báu, bạn thân nhất trong khóa, cũng là dân Phú Nhuận như tôi đã tử trận ở Bến Cỏ, Phú Hòa Đông, Bình Dương. Lê Báu là trưởng lớp, chỉ một ngày của khóa tôi. Nghĩa cho tôi biết đơn vị anh đồn trú tại Phú Cường, Bình Dương, cách Sài Gòn không xa. Tôi cứ tưởng tôi “lì” lắm, đi lông bông năm bẩy năm chưa chắc đã thèm về. Nhưng không. Không suy nghĩ gì nhiều, một hai ngày sau đó tôi viết thư báo cho Nghĩa biết tôi đồng ý. Hai chúng tôi cùng làm đơn gởi đến Bộ Tổng Tham Mưu. Gần nửa năm sau mới có lệnh hoán chuyển. Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh chờ Nghĩa trình diện rồi mới cho tôi về Đà Nẵng. (Nghĩa tử trận ở Quế Sơn, Quảng Ngãi năm 72).
Tôi nôn nóng về Nam, nhưng phải chờ ở nơi vẫn buồn thúi ruột ấy, không biết khi nào có chuyến bay về Sài Gòn. Trong một lần sốt ruột tôi xuống ban tư và gặp Phan Phụng Chương, người thay Răng. Biết chi đội anh thường yểm trợ đoàn công voa qua lại đèo Hải Vân tôi xin theo chơi. Dù mới gặp nhau lần đầu, Chương, khóa đàn em, rất tử tế với tôi. Khi nào đi anh cũng cho xe rước tôi về chờ ở ngã ba Cây Lan. Thế là hai ba ngày tôi có một chuyến đi ngắm phong cảnh dọc đèo Hải Vân, rồi la cà quán xá ở Lăng Cô. Chao ôi! Lần thứ hai tôi gặp được các cô gái nói năng dịu ngọt chi lạ, dịu ngọt đến đổi không rời chân đi được. Rồi cứ vài ngày tôi lại đến Lăng Cô, say… đủ thứ. Ngày Noel năm 66 tôi theo Chương về nhà anh ở Hội An. Chương đưa hai người chị em ruột hay chị em họ gì đó về Đà Nẵng tham dự lễ hội Noel do quân đoàn tổ chức cho các đơn vị đóng quanh vùng.
Trong những ngày cuối cùng ở đây tôi lại đâm lòng thương mảnh đất mà tôi đã sống gần năm rưởi qua. Tôi nghiệp mảnh đất nghèo khổ nầy đã thấm máu hận thù từ bao nhiêu năm trước. Nó cũng đã và đang thấm máu những sĩ quan trẻ từ nơi khác đến như Tráng như tôi, không chỉ ở chiến địa mà còn ở những vụ mỹ nhân kế trong đó những tên trai trẻ ngu ngơ bị lừa bắt và bị cắt cổ chẳng tha. Tôi rời nó mà chẳng bỏ lại cô nào; quen lung  (1) còn chưa có nói chi bồ.
Tôi cũng luyến thương mảnh đất bên kia đèo nơi tôi có một “cô em gái” thường cùng nhau trao đổi thư từ. Tôi gặp cô một lần nhưng không rõ mặt vì khi B, bạn thân tôi khi còn ở Trường Bộ Binh và là anh cô, giới thiệu cô ngồi trong bóng tối. Chúng tôi quen và thư từ cho nhau là chuyện tình cờ khác. (Về Nam sau gần năm tôi được thư cô báo đã làm đám cưới. Năm sau nữa cô báo rằng B, bạn tôi đã tử trận.)
Khoảng đầu năm 67 tôi lên máy bay về Sài Gòn.
o O o
Chiều ngày thứ nhì sau khi về Sài Gòn tôi đi gặp Phú. Đến căn phố trên đường Nguyễn Thiện Thuật tôi bấm chuông rồi đứng chờ. Phút chốc sau tôi nghe có tiếng phụ nữ nói từ trên ban công, “anh chờ chút”, nhưng không thấy người. Thì ra người trong nhà từ trên ngó xem ai gọi cửa rồi mới trả lời. Tôi ra ngồi chờ trên xe vespa, dựng ở vỉa hè.
“Anh. Về rồi hả?” tiếng Phú mừng rở từ trên ban công. Phú mặc áo bà ba trắng, đứng tựa lan can ngó xuống, mắt lóng lánh, nụ cười tươi rói. Trên mái tóc nàng còn dính một nụ hoa giấy. “Anh qua bên kia đường đi. Chờ em chút xíu.”
“Một chút xíu” của nàng tôi hút xong bốn năm điếu thuốc mà vẫn chưa tới. Tôi cứ ngó hoài cái ban công nơi nàng vừa xuất hiện. Cái ban công nhỏ trống trơn, chỉ có một bồn hoa giấy đỏ cạnh cửa. Tôi hút xong một điếu thuốc nữa nàng mới mở cửa bước ra lan can. Phú vẫy vẫy tay miệng vẫn cười, nói:
“Anh chờ em chút nữa nghen.”
Đã kêu chờ thì phải chờ thôi, làm gì khác được. Chừng chục phút nữa Phú mới bước ra khỏi cửa. Ai đó bên trong cửa sắt vẫy chào chúng tôi. Phú, thơm lừng nước hoa, ngồi sau xe ôm hông tôi như thường lệ, hỏi:
“Anh mới về hả? Nhớ em hôn?”
Không trả lời, tôi hỏi lại:
“Làm gì lâu dzữ dzậy?”
“Có chút xíu mà lâu gì. Làm gì bộ anh hổng biết hả?”
Phú cười, nói.
“Biết ai hỏi làm chi”, tôi dấm dẳng.
“Muốn biết mai mốt lấy vợ rồi thì biết.” Phú đấm lưng tôi, rồi hỏi: “Giờ mình đi đâu?”
“Ciné chứ đâu nữa.”
Trên đường đi tôi cho Phú biết tôi được đổi về Bình Dương. Giọng Phú có vẻ mừng:
“Vậy hả? Quê ngoại ở đó đó”.
Hôm ấy chúng xem ở Casino Sài Gòn. Đến giờ thật tình tôi không còn nhớ hôm đó chúng tôi nói với nhau những gì. Sự việc xảy ra sau hầu như bao giờ cũng bắt đầu cho hồi tưởng của tôi. Chắc bên cạnh những lời chọc ghẹo của tôi là những lời yêu thương nhung nhớ như bao lần khác. Hình như hai đứa cũng chẳng nói chuyện tương lai. Bình Dương gần Sài Gòn quá mà, chúng tôi sẽ còn nhiều lần gặp nhau nữa. Xem phim xong Phú kêu tôi đưa nàng về. Hình như nàng có nói là hẹn với ai. Lấy xe từ chỗ gởi, xeo xéo cửa rạp Casino, tôi rẽ phải đưa Phú về. Vừa qua ngã tư Lê Thánh Tôn Phú kêu lên:
“Anh đưa em đi đâu vậy?” “Về chứ đi đâu.” ‘Về sao đi đường nầy? Sao không quẹo trái?”
Tôi bực mình xẵng giọng:
“Đường nầy cũng về nhà em vậy.”
Gặp đèn đỏ (cái đèn đỏ chết tiệt nầy, tôi rủa nó thậm tệ rất nhiều lần trong đời), hình như ngã tư Nguyễn Du, tôi dừng lại. Phú thình lình xuống xe. Tôi quay lại hỏi, chắc với giọng nói và bộ mặt khó coi lắm:
“Gì nữa đây…?”
Giọng Phú vẫn như cũ:
“Anh định chở em đi đâu?”
Trời ơi! Định… định… tôi định gì đâu chứ.
“Chở đi về chứ đi đâu.”
Phú vẫn không chịu lên xe. Khi đèn xanh bật lên tôi hỏi:
“Lên hôn?”
Phú trả lời:
“Hông”.
“Lên hôn?”
“Hông”. Phú trả lời, giọng càng lúc càng cao như tôi.
“Lên hôn?”
“Hông”.
Biết bao nhiêu lần rồi tôi cứ tưởng cảnh ấy mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Hay chỉ vừa mới đây thôi để tôi sửa lại lỗi lầm, ngăn chặn không cho nó xảy ra. Than ôi! Thời gian vô tình cứ qua, không có ai có thể làm cho nó ngừng lại. Ngày ấy tôi vô số “dọt” thẳng, bỏ Phú tại nơi nàng đứng. Tôi chỉ muốn dọa Phú thôi, nhưng vì đường Pasteur chỉ có một chiều nên tôi phải đánh một vòng mới quay lại chỗ cũ được. Phú không còn đó nữa. Nàng đã biến mất. “Bộ quê rồi độn thổ luôn hả?” Tôi thầm nói.
Tôi đi nhưng lòng chợt nghĩ chắc Phú trêu ghẹo tôi, trốn đâu đó nên vòng trở lại nữa. Dựng xe bên lề, tôi xuống xe ngơ ngác tìm. Nhưng làm gì có chỗ trốn nơi ngã tư đó. Chắc Phú đã lên taxi về rồi. Tôi đến căn phố ở đường Nguyễn Thiện Thuật bấm chuông đứng chờ. Lần nầy tôi biết nên không đứng sát cửa nữa mà ra lề đường để ngó lên ban công. Năm bẩy phút trôi qua vẫn không có động tỉnh gì. Tôi đem xe qua vỉa hè đối diện, hút thuốc ngồi chờ. Không có ai xuất hiện. Cánh cửa có chậu hoa giấy trên lầu vẫn đóng im lìm. Tôi chờ lâu lắm. Chắc sau khi hút hết năm mười điếu thuốc rồi mới bỏ đi.
Suốt cả một tuần sau ngày nào tôi cũng đến bấm chuông ngôi nhà ấy, rồi qua bên kia đường ngồi hút thuốc chờ. Không một lần có người trả lời cửa. Không một ai xuất hiện. Cuối tuần Phú cũng không về nhà như lệ thường. Nàng không không muốn gặp tôi nữa. Chắc nàng giận tôi bỏ nàng lại tại ngã tư, làm nàng mắc cỡ với người qua đường. Mấy ngày đầu tôi nghĩ nàng giận vài bữa rồi thôi. Tôi hứa lòng sẽ xin lỗi nàng nhiều và sẽ không bao giờ xử sự thô lỗ như thế nữa. Đến một ngày tôi không còn nghi ngờ gì đến sự quyết tâm tránh mặt của nàng nữa. Tôi linh cảm cuộc tình giữa Phú và tôi sẽ không còn.
“Tan vỡ ngay lần đầu tiên gặp lại sau một năm xa cách ư? Vì một lý do không đâu ư? Cay đắng quá!” Tôi nuốt cay đắng vào lòng. Lỗi tại ai chứ? Nếu Phú không nghi ngờ bậy bạ thì tôi đâu lên cơn cộc cằn thô lổ? Tôi đưa Phú đi đâu chứ? Chẳng có nơi nào. Nàng biết quá mà. Năm ngoái sau khi xem ciné nàng ngồi sau xe âu yếm ôm hông tôi, tôi đi đâu thì đi nàng không dò hỏi, thắc mắc. Tại sao lần nầy nàng lại tỏ thái độ nghi ngờ tôi đưa nàng đến chỗ nào, để làm chuyện gì. Làm chuyện gì? Thực sự tôi chẳng nghĩ đến điều đó nữa. Mà tôi có nghĩ đến cũng chẳng sao. Chiều ấy chắc cách biểu lộ tình yêu của tôi có nhiều lả lơi hơn trước, nên nàng nghi ngại? Nhưng từ năm rồi hai đứa đã đoan chắc mình sẽ là vợ chồng rồi mà. Tôi giận Phú nghi ngờ không đúng lúc không đúng chuyện. Tôi giận tôi nổi cơn cộc cằn lãng xẹt. Tôi đổ thừa cái đèn đỏ khốn nạn kia bật lên không phải lúc làm tan vỡ tình tôi. Chắc rồi. Phú không muốn thấy mặt tôi nữa, không mắc mớ gì với tôi nữa. Giận hờn, nghi ngờ, than van, trách móc gì cũng chẳng đến tai nàng.
Dù biết rằng nếu không tìm gặp Phú ngay tôi có thể mất nàng vĩnh viễn tôi cũng phải đi. Là lính tôi phải đi, phải đi. Trước Tết năm ngoái, tôi trình diện đơn vị ở Gò Đậu, Bình Dương. Trễ hơn tuần. Trễ hạn ở đơn vị mới thì đâu dễ dàng gì yên được, nhất là kẻ đã từng bị phạt vì trễ phép, trễ hạn trình diện nhiều lần như tôi. Sau đó tôi được đưa đến Chi Đoàn 2/1 Thiết Quân Vận (tiền thân của Chi Đoàn 2/1 Thiết Kỵ) do Đại Úy Trương Hồng Cẩm chỉ huy, đang tăng phái cho Tiểu Khu Bình Long bằng máy bay. Đến nơi tôi nằm liệt mấy ngày nơi đóng quân, xung quanh một cái chùa nằm ngoài rìa thị xả Hớn Quản, không biết vì tâm sự não nề hay khí hậu cao nguyên khắc nghiệt.
Lúc ấy vào cuối đông trời thật lạnh, cái lạnh khác biệt với cái lạnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng mà tôi vừa rời bỏ. Ban đêm hầu như tôi không ngủ được, dù khoác, đắp lên người mọi phương tiện chống lạnh mà tôi có được. Lạnh như lạnh trong xương bò ra, không ngăn được. Tôi nhớ đến Phú, cố ghi lại hình tươi vui của nàng trước khi chúng tôi đi xem ciné lần cuối để quên cơn lạnh. Khi chịu được lạnh cũng là lúc tôi đi lại được. Tôi lại bị khí hậu cao nguyên “hành” cách khác, mặt nổi vẩy và môi nứt toát. Vậy mà các cô gái ở đây lại đẹp ra, má đỏ môi hồng với miệng cười tươi như hoa đào ở đại lộ Hoàng Hôn. Mùa lạnh cũng là lúc các cô chưng diện, khoe những quần áo khăn nón mà các cô sắm từ Sài Gòn. Nhưng với cái mặt dị hợm tôi đâu dám ghé đâu, kể cả ghé nhà cha mẹ vợ Nghĩa. Đám cưới Nghĩa, nghe kể lại, là đám cưới rất độc đáo, một sự kiện “có một không hai” được nhắc hoài ở cái tỉnh lỵ nhỏ bằng hạt tiêu này. Đàng trai toàn mặc áo lính, chủ hôn là Đại Úy Cẩm, xe hoa là một chiếc M 113. Sau một buổi tiệc nhỏ, đàng trai rước cô dâu lên chiếc M 113, bửng sau đã hạ sẵn, được trang hoàng lá dừa, dây ti-gôn và hoa dại, rồi đưa nàng “dzìa dinh” ở cái chùa, nơi hiện tại chi đoàn đóng quân. Đám cưới Nghĩa được làm mới đây thôi, sau khi nhận được lệnh hoán đổi với tôi.
Tuy tăng phái cho Tiểu Khu Bình Long, nhưng thực tế chi đoàn chỉ hành quân với các đơn vị Mỹ. Các chi đội thay phiên nhau đi tuần tra dọc bìa rừng ngoài đồn điền cao su với một tiểu đội hay một trung đội Mỹ. Ban đêm một chi đội vào Quản Lợi phòng thủ phi trường. Mười bữa nửa tháng gì đó có một cuộc hành quân Dân Sự Vụ, chuẩn bệnh phát thuốc cho dân ở các “sóc” ở trong rừng. Dân ở đây thuộc bộ tộc Stiêng. Ở gần đồn điền, có nhiều tiếp xúc với người Việt họ đã “lanh” lắm rồi. Đi khám bệnh nhận thuốc, lớn nhỏ gì ai cũng mang theo một cái nỏ. Ai muốn có một kỷ vật lạ từ rừng là “dính chấu” với họ ngay. Những cái nỏ họ mang theo lúc này chỉ là “kiểng”, để trưng bày chứ không xử dụng tốt được. Dỉ nhiên tôi cũng được “ôm” một cái. Lỗi không phải tại họ, vì họ không bao giờ kêu bán hay đổi những cái nỏ đó.
Dịp nầy lính Mỹ thường góp đồ hộp, thuốc lá hay các thứ không xài tới khác để trao đổi một màn trình diễn cồng chiêng, và uống rượu cần . Khi cồng chiêng đã nổi, rượu uống đã say thì nó kéo dài cả buổi. Thỉnh thoảng chi đoàn dự hành quân lớn xuyên rừng, vào vùng hoạt động của công trường 7 của địch. Ở đây rừng le dầy đặc. Xe đi đầu ủi chừng mười lăm hai chục phút là nóng máy, phải thay xe khác, rồi chi đội khác. Loay hoay cả buổi nhưng tiến chẳng được bao nhiêu. Đóng quân đêm trong rừng với quân Mỹ là một kỷ niệm khó chịu. Ta gọi là “ngủ đêm” còn Mỹ gọi là “qua đêm”. Thực vậy ngủ gì được khi cứ mười lăm phút họ cho nổ một trái claymore, khi vị trí nầy, khi vị trí khác, một giờ sau đã lộ vị trí đêm. Ta gọi làm như vậy là “lạy thầy tôi ở bụi nầy”, mời Việt cộng “thẩy” pháo vô. Nhưng không, “mấy ảnh” ngán Mỹ nên im re, không cục cựa. Chắc “mấy ảnh” có kinh nghiệm rồi. Thẩy mấy trái pháo vô đơn vị cấp tiểu đoàn Mỹ thì chẳng nhằm nhò gì, nhưng sẽ nhận lại bom – bom cháy, bom nổ, bom bi rồi “bò rống” suốt đêm. Tệ lắm cũng sẽ “ăn pháo bầy”, cở “pháo đội vài trăm tràng”.
Gần ba tháng sau chi đoàn về dưỡng quân tại hậu cứ ở Gò Đậu. Sau một tuần rửa xe, sửa chữa, thay đổi, lau chùi quân dụng thiết đoàn thanh tra sự sẵn sàng của đơn vị. Mọi sự tốt đẹp. Một buổi chiều, chắc là thứ sáu, tôi vào văn phòng ông Cẩm xin đi phép 24 giờ. Ông Cẩm lắc đầu cho biết về đây phép cho sĩ quan do Thiếu Tá Tỷ, Thiết Đoàn phó ký. Ông kêu tôi làm đơn, ông sẽ ký chuyển. Tôi ngần ngại lắc đầu. Chuyện mới ràng ràng đây. Trình diện trễ hạn tôi bị “Ba Lần Tư Tưởng”, cách gọi ông Tỷ của hầu hết quân nhân thiết đoàn, “quất” cho “mấy củ” và “dũa” cho một trận thê thảm te tua. Chuyện nầy tôi dấu ông Cẩm. Chừng nào ổng biết thì biết, dại gì mình nói, lộ mặt ba gai của mình ra. Ông Cẩm ngó tôi, nói:
“Có xin chắc cũng không được. Ông Tỷ khó lắm.”
Tôi ngần ngừ nói:
“Tôi có chuyện cần phải về Sài Gòn; sáng mai lên cũng được.”
Đại úy Cẩm không nóí gì, cấm cúi xem công văn. Hồi lâu ngẩn lên thấy tôi vẫn đứng tần ngần cạnh cửa ông nói:
“Ông làm gì thì làm. Tôi không biết.”
Vậy là ông Cẩm làm ngơ tôi “dù” rồi. Tôi mừng rỡ vội vàng ra khỏi phòng kêu Hạ Sĩ Hạ, tài xế xe jeep đi ngay. Tôi nóng lòng gặp Phú. Mấy tháng qua tôi cố không nghĩ tới, mong rằng chuyện còn nguyên như vậy đến khi tôi về. Hạ Sĩ Hạ cho biết không có sự vụ lệnh xe không qua cầu Bình Lợi, không vô Sài Gòn được đâu. Tôi đành phải đến bến xe để đi xe “lô”. Vừa lên ngồi trên chiếc xe sắp chạy thì có một người tới hỏi tôi ngay:
“Tôi là tài xế xe nầy. Chú có giấy phép hôn?”
Tôi ngạc nhiên chưa hiểu, chưa kịp phản ứng thì người ấy nói tiếp:
“Không có giấy phép Quân Cảnh ở cầu Bình Lợi sẽ bắt đó.”
Tôi chán nản xuống xe. Thấy dáng vẻ của tôi chắc áo não lắm, ông tài xế lại gần, móc thuốc mời rồi nói:
“Muốn về Sài Gòn chú chỉ có thể trà trộn trong xe mấy cô bán bar trong Phú Lợi mà thôi.”
Mừng rỡ tôi kêu Hạ đi. Người tốt bụng kia lại nói:
“Cần gì đi đâu. Chú chờ đây, lát nữa xe tụi nó về, qua cả đống. Có giang xe nào lớn, đông người, dễ trà trộn.”
Chiều ấy trên chiếc xe chật cứng mấy cô gái bán bar làm tôi quên lo, quên buồn. Xe mới chạy được một quảng đã có người ghẹo tôi rồi.
“Dù chi dzậy? Cái mặt khó đăm đăm. Bộ vợ đẻ hả?”
Thấy mấy cô vui tánh tôi cũng ỡm ờ:
“Tui chửa vợ.”
Mấy cô cười rú lên.
“Chửa hả? Chửa mấy tháng rồi?”
Có cô nói:
“Mặt chả non choẹt dzậy mà dzợ con gì. Bộ anh về xin má cưới dzợ hả?”
Cô khác chêm vô:
“Ờ. Chắc dzậy. Thấy cái mặt đực ra là biết muốn dzợ lắm rồi.”
“Anh cưới em đi. Em muốn chồng muốn chết nè.”
Mỗi người một câu, cười giỡn ầm ĩ. Giỡn đã rồi mấy cô mời hút thuốc ăn kẹo. Qua khỏi Lái Thiêu mấy cô lột áo một chàng nhạc công “trồng” lên cho tôi. Đội cho tôi một cái nón vải, mấy cô đẩy tôi vào trong cùng, dựa lưng vào thùng xe, rồi ngồi che chắn. Thế là tôi qua trạm quân cảnh dễ dàng. Tôi xuống xe ở ngã ba Nguyễn Văn Học – Chi Lăng. Khi cám ơn từ giã mấy cô lại rộ lên cười đùa, trêu ghẹo:
“Anh về nhớ nói má đi hỏi em nha. Em chờ anh lắm đó..ó.”
Thiệt là mấy cô quỷ sứ tốt bụng.
Tôi về đến nhà trời vẫn chưa tối. Sau một hồi suy nghĩ tôi quyết định không đi tìm Phú ngay. Lúc nầy đi đêm ở Sài gòn dễ gặp ma…quân cảnh. Nếu bị quân cảnh tóm lần nầy chắc tôi sẽ bị đưa xa khỏi Sài Gòn “mút- mùa- lệ- thủy, mút- chỉ-cà- tha- luôn.”
Đêm đó tôi ngủ ngoài hàng hiên, lâu lâu ngó qua lỗ thông gió. Tôi nhớ đến những lần Phú và tôi bên nhau, môi kề môi má kề má. Tôi nhớ đến mái tóc thơm, đôi mắt sáng và đôi môi mềm ướt của nàng. Tôi nhớ đến lần hai đứa nằm đây, yên lặng nghe từ hộp nhạc tiếng đàn thảnh thót gợi buồn xa xăm. Mới đó mà tưởng như xa lắm rồi. Không biết mấy tháng qua Phú có về nhà hay không. Tôi nhứt định không hỏi má nàng. Tôi không muốn tỏ ra mình là người yếu đuối. Đêm đó tôi thức rất khuya, lầm thầm những lời nói để dịu cơn giận của Phú ngày hôm sau.
Tôi ở nhà chờ suốt buổi sáng hôm sau. Phú không về. Quá trưa tôi lấy xe đi đến đường Nguyễn Thiện Thuật. Vẫn như trước, không có ai trả lời cửa, không có ai xuất hiện. Chắc trong nhà người ta nhận ra kẻ ù lì nầy. Không biết bao lâu sau tôi nổi nóng bỏ đi. “Vừa thôi chứ. Được không được thì thôi. .. Hành người ta dzữ dzậy…. “ Nhưng tôi tắt cơn giận ngay. Dù có giận hờn nguyền rủa, dù có năn nỉ van xin chi đi nữa cũng có mình tôi nghe, mình tôi biết. Rõ ràng Phú không cần biết đến tôi, không dính dáng đến tôi nữa. Nếu nàng không còn ở nơi ấy nữa, hay không muốn găp tôi chỉ cần có một người mở cửa nói rằng nàng đã không còn ở đấy thôi. Tôi sẽ không còn đến tìm. Chiều ấy tôi về Bình Dương, lòng đã quyết không tìm Phú nữa. Biết là thừa thãi vô ích nhưng tôi vẫn nói thầm một câu: “Tôi vẫn cố đi tìm đấy nhé. Mai mốt đừng đổ thừa tại tôi.” Tôi nói cho yên lòng mình.
Mấy tháng sau chi đoàn hành quân yểm trợ công binh Mỹ gần Lái Thiêu. Lúc nầy tôi rỗi rảnh nhiều. Mỗi ngày chỉ có hai chi đội hoạt động, một theo xe ủi ủi rừng Cò Mi, một yểm trợ xa. Ông Cẩm ít đi đâu, cứ ở nhà “giữ chùa” nên tôi rất huỡn để đi chơi. Một đôi lần tôi về nhà ở Phú Nhuận. Má Phú không qua như những lần trước. Chắc bà đã biết và hài lòng việc tình Phú với tôi đã tan. Em tôi hỏi “bộ anh với con Phú rã rồi hả” tôi cũng chẳng trả lời. Tôi giả vờ quên chuyện đã qua, và thường cùng đám “nghệ sĩ cầm ống tiêu”, các trưởng xa chịu chơi, đi uống rượu ở các bar Phú Lợi. Tối về say rượu, nằm võng ngoài một bụi tre miệng cứ ong ỏng rên hoài hai câu thơ của thầy Vũ Hoàng Chương:
“Đêm nay lửa tắt bình khô rượu, 
Đời vắng em rồi vui với ai…”
Rồi cứ lập đi lập lại mãi câu “đời vắng em rồi vui với ai… Vắng em rồi vui với ai…vui với ai….” Vui với ai?
Nhưng không. Tôi không đành lòng để cho mối tình của tôi chết, chết một cách tức tưởi như vậy được. Tôi tự hẹn lòng mình đó sẽ là lần cuối tôi tìm Phú. Khoảng tháng tám tôi bị thương ngay ngày đầu tiên trong một cuộc hành quân trong mật khu Tam Giác sắt. Từ lộ Bến Cát vào, qua khỏi mật khu Long Nguyên thiết đoàn rẽ phải tiến về hướng bắc trong rừng cao su. Chi đoàn tôi đi cánh trái. Sau khi dừng quân ăn trưa gần Rạch Bắp, hơn giờ sau chi đoàn tiếp tục đi. Xe tôi bị mìn khi xuất phát chừng chục thước, còn trong vòng phòng thủ. Xe chi đoàn phó, thường đi theo vết xích xe trước, bị mìn là chuyện hi hữu. Tài xế tránh một chiếc chiến xa bị vướng, lách qua hàng lô cao su khác thì tôi cảm thấy đất đá, cây lá đổ rào rào định mở miệng la tài xế nhưng không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trong xe đầu gát lên tay và xe đang cháy. Biết xe bị mìn, thấy cửa sau mở tôi tuôn ra ngay, chạy một khoảng xa theo bản năng sinh tồn. Có mấy người lính đến đỡ tôi nơi tôi hết hơi té xuống. Trưởng xa và tài xế được khiêng đến đặt nằm bên tôi. Mìn nổ ở bánh lăn đầu, dưới đít tài xế. Anh bị hất ra khỏi xe, gãy từng khớp xương, hấp hối rồi chết bên tôi. Trung Sĩ Nhất Tưởng, trưởng ban sửa chữa kiêm trưởng xa, ngồi trước tôi trên nắp cửa tài xế bị hất tung lên trời rồi rơi vào trong xe như tôi. Nhưng anh không được may mắn, khi rơi chắc bị chạm vào thành “cửa vuông” và chết trước khi được cứu ra. Hạ Sĩ nhất Tòng đỡ tôi ngồi dậy, vừa nói vừa vuốt bụi đen trên cánh tay phải của tôi: “Thẩm quyền hên quá”. Tôi cảm thấy đau và nhận thấy cánh tay bị cháy phỏng. Cái vuốt của Tòng lột luôn một mảnh da lớn. Khi y tá dùng kéo cắt hết quần áo mới biết tôi bị phỏng bên phải từ chân lên đầu. May mắn mặt tôi không bị gì, chỉ bị cháy góc đuôi chân mày (thêm chuyện tiếu lâm cho Hạ Sĩ nhất Y). Tôi nhờ ai đó trong đám “nghệ sĩ cầm ống tiêu” giữ giùm tôi cái “bóp” mà tôi luôn luôn bỏ trong túi áo bên trái ngay trái tim (vì có lần nó giữ được một mảnh miểng cối). Trong đó có vài kỷ vật của Phú. (Than ôi! Tôi quên mất tiêu luôn.) Tôi được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Chỉ vài ngày sau tôi đã “dù” ra định đi tìm Phú. Nhưng tôi kịp nghĩ lại rằng đến với Phú trong tình trạng bị thương như vậy có vẻ khêu gợi lòng thương hại nên về nhà ba tôi. Hơn hai tháng trước, sau nhiều phen lần lựa tôi lại đi đến đường Nguyễn Thiện Thuật tìm Phú, trước khi về đơn vị vì hết phép dưỡng thương. Tôi vẫn chờ như nhiều lần trước. Chỉ hoài công vô ích mà thôi.
Chiều 30 Tết ấy tôi từ bỏ ý định tìm Phú lần nữa. Chim đã xa bay, biết đâu mà tìm. Đã hơn năm rồi kể từ ngày tôi gặp Phú lần cuối. Niềm hy vọng của tôi đã cạn. Trước kia tôi vẫn ước ao không có điều này điều kia xảy ra. Phải chi tôi đi với Phú bằng taxi; phải chi tôi không đưa Phú đến rạp Casino; phải chi cái đèn không bật đỏ; phải chi Phú đừng nghi ngờ bá vơ; phải chi tôi không nổi nóng…. . Phải chi tôi đưa Phú đi Quảng Ngãi (để làm chuyện “ván đã đóng thuyền”)…. Và với lý do nào đi nữa bao giờ tôi cũng nhận lỗi về tôi. Chiều cô đơn ấy tôi mới chua chát nhận ra rằng tôi cố nhận lỗi về mình để … không chấp nhận một ý nghĩ rằng chính tôi mới là kẻ bị tình phụ. Tại sao không chứ? Sự nổi nóng nông nổi của tôi có thể hiểu được. Phú thình lình xuống xe cũng làm tôi “quê”, giống như nàng bị bỏ lại tại ngã tư ấy. Giận vì bị “quê” thì cũng có lúc nguôi ngoai được. Không cần nàng nói tự tôi cũng biết và sẵn sàng xin lỗi mà. Tại sao trốn, không cho tôi gặp? Một trong hai đứa có kẻ cố tình làm chuyện tình mình chết. Kẻ đó không phải là tôi. Tôi biết Phú không bị gì cám dỗ khác hơn là tình yêu. Nuốt cay đắng tôi nghĩ rằng trong một năm tôi xa vắng đã có kẻ nào đó, chắc đẹp trai lắm, theo đuổi tán tỉnh và nàng đã xiêu lòng. Sao lại không chứ? Phú trẻ đẹp lại sống một mình. Nàng cũng cần có người tâm sự và yêu đương. Than ôi! Nếu chuyện xảy ra như thế thì tình nàng với tôi chỉ là những bong bóng nước trong mưa sao? Nàng đã coi nhẹ tình mình, và …tình tôi thế sao? “Không, không, khô…ông….”. Tôi muốn kêu to lên cho toát máu, từ chối ý nghĩ nàng đã coi thường tình tôi. Sau này tôi mới biết rằng khi người ta có tình yêu mới thì tình cũ chỉ là bọt bèo chẳng đáng chi. Người ta muốn quên càng nhanh càng tốt, làm như nó chưa từng có, chưa từng xảy ra. Một lần nữa tôi lại nuốt cay đắng vào lòng. Nàng phải yêu kẻ kia say đắm lắm nên mới không chịu gặp tôi để nói lời cuối. Nàng sợ gặp, sợ dính dáng đến tôi sẽ làm cho tình nàng với kẻ kia sẽ mất đi chút ít lòng chung thủy. Nàng tránh mặt tôi để tôi không thể tìm tới làm hại tình nàng và người yêu của nàng. Trời ơi!
Những ý nghĩ đó xé nát lòng tôi. Một niềm đau đớn, uất hận xâm chiếm đầu óc tôi. Tôi đau lòng muốn khóc. Nếu vậy sao chiều ấy khi gặp tôi nàng lại vui vẽ mừng rỡ như thường? Tôi tự hỏi, cố vùng vẫy thoát ra khỏi móng vuốt của những ý nghĩ quái ác kia. Không thể không gặp được. Hoặc là nàng chỉ mới xiêu lòng trước những lời tán tỉnh, hoặc là nàng muốn gặp lại lần nữa để so tình nàng với tôi và với kẻ kia. Có thể lắm chứ. Và sao khi đã biết lòng mình, nàng chấm dứt với tôi bằng cái cơ hội mà tôi dại khờ đem lại. Không. Không phải tôi mà chính nàng đã tìm cớ bằng cách nghi ngờ tôi sẽ đưa nàng đi đâu đó, để làm gì đó. “Phú à, vậy là anh, coi vậy mà không phải vậy, vẫn chỉ là một chàng khờ câm, phải không?” Nhưng nghĩ kỹ lại xem. Phú của tôi lại có lòng dạ và đầu óc hiểm sâu vậy sao? Không. Không phải đâu. Phú không phải là người như vậy đâu. Hay là Phú đã bị má thuyết phục rằng tôi sẽ giống ba tôi. Đời lính đưa tôi phiêu bạt nhiều nơi và tôi sẽ có vợ nầy vợ kia, vợ đây vợ đó. Trước nàng không nghe mẹ, biết đâu giờ “mưa lâu thấm đất?” Nhưng nếu chỉ như vậy cần gì phải tránh mặt. Bao nhiêu ý nghĩ trái ngược quay cuồng trong đầu, thay phiên hành hạ tôi.
“Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.”
“Em biết em thương anh nhiều….” Thật vậy không? Hay trong lúc cô đơn tuyệt vọng nàng chỉ mượn vai tôi để khóc và mượn tai tôi nghe những lời kể lể về số phận hẩm hiu của mình? Không. Tôi biết Phú thương tôi. Nàng đã bất chấp lời mẹ và dì. Yêu lính đã là một nỗi khổ rồi. Yêu một người lính tác chiến, luôn ở phương xa, không biết khi nào về, không biết còn thân để về hay không thì còn khổ hơn bao lần nữa. Nàng vẫn chờ tôi về hy vọng có ngày sống bên nhau mà. “Nhưng Phú yêu mình vì cái gì chứ?” Tôi chưa hề hỏi, không hề biết.
Tôi nhớ đến lời Phú nói: “… mà anh không thương em bao nhiêu…” Tôi biết tôi thương Phú, thương nhiều nhưng sự biểu lộ không được như vậy. Hơn một năm xa vắng tôi không hỏi nàng làm thế nào để sống, và sống ra sao. Ôi! Sao cái thằng tôi vô tâm quá vậy. Bao nhiêu đó chưa đủ, tôi lại nhẫn tâm bỏ nàng giữa đường ngay sau lần đầu gặp lại. Trong một cơn giận không đáng giận tôi đã nhẫn tâm bỏ nàng giữa đường thì tại sao không có một ngày nào đó trong một cơn giận khác tôi lại không bỏ nàng giữa đời chứ? Chỉ mới là tình nhân thôi mà tôi đã vậy rồi, khi là vợ chồng tôi sẽ còn giở thói vũ phu đến đâu nữa. Làm sao Phú không nghĩ như vậy. Một sự liên tưởng dễ dàng. Ôi! Chỉ có thằng ngu như tôi mới không nghĩ đến. Một năm qua nàng đã sống xa gia đình, kiếm sống một mình. Nàng như một con chim vừa sổ lồng, tự do bay nhảy, ngắm nhìn. Trong lần gặp cuối cùng, qua những lời nói và thái độ của tôi tại ngã tư ấy chắc nàng đã đọc được trên mặt tôi dòng chữ “ăn hiếp vợ” và liên tưởng tới số phận của mẹ và dì. Nó nhắc đến viễn cảnh của cuộc sống chung sắp tới với tôi và chắc nó làm nàng sợ. Nàng như một con chim tự do đậu bên ngoài lồng đang ngắm nghía nhìn trước khi bước vào trong thì cơn giận của tôi làm nàng sợ hãi cất cánh bay. Nàng bay đi mất, không bao giờ ngoái lại. Phải mà, dì nàng ở trong cái lồng bằng vàng mà còn khổ đau. Còn cái lồng tre xấu xí của tôi nào có nghĩa lý gì. Tôi lờ mờ hiểu cái vẻ lạ trong ánh mắt sáng quắc cùng với lời nói “không sợ” của nàng trên chiếc taxi ngày nào: quả cảm và dứt khoát.
Dù lỗi do ai lời hứa “đừng bỏ nhau” ngày xưa của hai đứa đã theo nước trôi qua dưới cầu. Nỡ lòng bỏ nhau ngay sau lần gặp đầu tiên sau một năm xa vắng, vì một lý do hết sức là vu vơ thì thật đau đớn, không làm sao hiểu được. Ngày ấy tôi không quay lại nên không biết mặt nàng lúc đó ra sao. Chưng hửng, ngẩn ngơ, uất hận, mắt đẫm lệ? Tôi nhớ đến bài thơ định tặng nàng có đoạn kết như một lời lặng lẽ chia tay. Ngày ấy tôi không cố ý làm vậy, chắc là ảnh hưởng bài thơ của Trần Tuấn Kiệt mà tôi thích từ mấy năm trước, trước khi đi lính.
Ta chẳng về đâu người biết chăng
Đi là đi trọn kiếp lang thang, (2)
Tôi còn thích hơn hai câu thơ mà Kiệt dùng làm đề từ cho bài thơ của mình:
Mã thượng tương phùng vô chỉ bút
Bằng quân truyền ngữ báo bình an. (3)
Mặc dù chữ Hán Việt, học mấy năm đầu trung học, đã trả lại cho thầy Hồng Tiêu hết rồi nhưng tôi cảm thấy hai câu thơ ấy hay quá. Hay đúng hơn, nó hợp với tâm cảm của tôi. Ngâm lên nho nhỏ, âm Hán Việt gợi lên một cảm xúc bùi ngùi. Lời nhắn gửi có vẻ bình thường ấy với tôi nó chất chứa một tâm sự gì u uất, thê lương, não nề lắm. Nghe buồn mang mang.
Tôi vẫn còn thích bài thơ ấy của Trần Tuấn Kiệt, chắc còn mãi mãi. Nhưng tôi không còn định đi lang thang nữa. Tôi đã về để lấy vợ. Thế mà … . Về để rồi chia tay vĩnh viễn. Sự trùng hợp sao có vẻ định mệnh quá. Một cuộc chia tay lặng lẽ, nhưng người thực hiện là Phú.
Ước chi tôi gặp Phú một lần để nói: “Phú à, em muốn sao cũng đươc. Em cứ đi theo trái tim em đi. Nhưng anh không cố ý làm vậy đâu.”
Ước chi Phú nói: “Thôi anh quên em đi. Duyên nợ mình chỉ bấy nhiêu thôi.”
Chỉ vài câu đơn giản, có vẻ cải lương một chút, cũng đủ làm lòng tôi đỡ bị dày vò. Tôi nhớ câu Phú nói: “duyên gì, nợ anh thì có”. Câu nói đó trong tiểu thuyết chắc cũng có hàng chục cô đã nói, nhưng riêng trong chuyện tình của tôi sao nó thấm thía quá. Hai đứa ở gần nhau rất lâu mà không thân nhau được. Rồi chỉ có một lần trò chuyện đôi câu, đôi lần liếc mắt, một cái nắm tay chúng tôi đã yêu nhau đắm đuối, bất chấp mọi thứ. Để rồi vì một lý do không đâu mối tình nồng nàn, tràn ngập yêu thương của chúng tôi đứt đoạn, chết tức tưởi, một cách lãng nhách. Ôi! Chuyện tình tội nghiệp của tôi, chấm dứt do duyên hay nợ cũng làm tôi đau lòng. Thôi, hãy cứ cho là hết nợ như Phú đi. Hết nợ, nàng đã biến mất khỏi đời tôi.
Chiều 30 Tết ấy, tôi đã quyết không bao giờ đi tìm Phú nữa. Nhưng sao lòng còn mãi luyến tiếc. Luyến tiếc không nguôi.
Khi còn yêu, mắt môi còn ướt…
Làn hương, màu tóc chưa cạn hết…
Niềm yêu đầu…. mà dở dang nhau…  (4)
 Tháng ngày trôi qua. Tôi vẫn theo đơn vị phiêu bạt khắp nơi. Chuyện về Phú tôi cố đè nén lòng mình, không hỏi, không nghe, không nhớ, không biết. Tôi không muốn hỏi lại lòng mình, không dò lòng Phú nữa.
Năm tháng trôi qua. Tôi tưởng tôi đã quên được Phú, quên luôn mối tình tội nghiệp của tôi.
o O o
Mấy năm sau, ở một nơi và lúc nào đó Hạ Sĩ nhất Ngọt, một trong những “nghệ sĩ cầm ống tiêu”, bấy giờ là tài xế của tôi, đưa cho tôi một tấm hình. Tôi ngạc nhiên nhìn tấm hình, nhìn Ngọt hỏi:
“Mấy thứ kia đâu?”
Ngọt trả lời xụi lơ:
“Mất tiêu hết rồi. Không biết đứa nào lấy.”
Đến lúc bấy giờ tôi mới nhớ đến cái bóp mà tôi đã nhờ ai giữ giùm khi bị thương mấy năm trước. Than ôí! Vậy là tôi làm mất hết số kỷ vật nhỏ nhoi mà Phú đã trao cho tôi, giữ trong cái bóp cũ ấy. Những kỷ vật gợi biết bao nhung nhớ. Hai tấm hình, một chiếc cà rá nhỏ bằng bạc trên mặt có chữ P, và bức thư màu xanh có bài thơ ngắn, lá thư đầu tiên cũng là lá thư cuối cùng Phú viết cho tôi, và một lọn tóc. Lọn tóc đó tôi xin Phú cắt cho tôi trước khi ra Quảng Ngãi. Tôi nhớ Phú ngạc nhiên hỏi:
“Chi dzậy?”
“Để anh hun mỗi khi nhớ em.”
“Nhớ thì người ta hun hình, chớ ai hun tóc?”
“Anh hun tóc. Tóc có mùi của em, còn hình thì không.”
Phú nhoẻn miệng cười:
“Khùng. Anh nầy khùng…”
Tuy vậy hôm sau Phú đưa cho tôi lọn tóc ấy, gói trong một tờ giấy pelure trắng, và thêm một tấm hình. Tôi bùi ngùi ngó tấm hình cũ. Đó là tấm hình Phú trao cho tôi trước khi tôi đi ra Trung lần đầu, cỡ 6/9, hình ảnh trong đó đơn sơ bình dị, chắc được rửa lại từ ảnh chụp cho thẻ học sinh. Một khuôn mặt đẹp, đường nét rõ ràng, mái tóc hơi quăn che góc trán, môi hơi hé cười và ánh mắt thơ ngây dưới hàng lông mày thanh tú. Tôi bồi hồi ngó hoài bức ảnh của Phú, lúc tuổi chừng mười lăm mười sáu. Mấy năm rồi tôi không gặp Phú, không hề biết, không hề hỏi nàng ra sao, ở đâu. Sau ảnh Phú viết ba dòng: “Tặng anh. Để nhớ em. Kim-Ph.” Tôi đọc lại những dòng: “Để nhớ em. Kim-Ph.” “Anh đã nhớ em, Ph… à. Mà anh cũng đã quên em.”
Tôi bùi ngùi muốn khóc. Bao nhiêu hờn giận đã tiêu tan lâu rồi. Đưa tấm hình lại cho Ngọt tôi nhẹ nói:
“Anh giữ giùm tôi đi.”
Năm đó tôi đã cưới vợ rồi. Ngọt ngần ngừ cho tấm hình vô túi, nói:
“Tôi muốn giữ tấm hình nầy như giữ lại hình hồi nhỏ của con Ph.”
Con Ph. là con gái đầu của Ngọt mới hơn mười tuổi. Tội nghiệp anh Ngọt. Trận chiến dai dẳng ở cầu Bình Lợi năm Mậu Thân làm cháy nhà anh, cướp mất mạng sống vợ anh, làm cháy phỏng và hư nửa mặt của con Ph. mà anh nói đẹp như Phú.
Năm năm nữa trôi qua.
Chiến tranh đã chấm dứt hơn một năm rồi. Tôi đã không còn là người lính chiến lâu lâu mới được về nhà nữa. Tôi trở thành người tù không biết bao giờ được về nhà. Nói nhà là nhà của ba tôi, nơi tôi gửi vợ tôi lại từ ngày cưới, chứ tôi chưa đủ tiền mua nhà cho vợ. Năm 76, tôi đang ở một trại tù cải tạo, nơi hốc gió đìu hiu nào đó bên cạnh hồ Thác Bà, Yên Bái. Thiếu thốn đủ mọi thứ. Mùa đông đầu tiên nơi đất Bắc sao mà lạnh lẽo. Gió buốt rít từng cơn xuyên qua phên vách bằng nứa trống trải làm tôi thức giấc nhiều lần trong đêm. Đó cũng những phút giây yên ổn ngắn ngủi cho tôi để lòng thương nhớ về người vợ trẻ và đứa con thơ chưa đầy tám tháng tuổi tôi bỏ lại nhà khi đi tù. Tôi chỉ còn mong được gặp lại vợ con tôi trong giấc mơ thôi. Nhưng không bao giờ được.
Trong một đêm cái hình ảnh tôi cố quên đi gần mười năm trước lại hiện ra bất ngờ, với miệng tươi cười, ánh mắt âu yếm. Phú đến với tôi trong mơ. Hai đứa đi bên nhau, tay trong tay, dạo phố Sài Gòn. Tự dưng tôi thèm thuốc mà trong túi chẳng còn điếu nào. Tôi nói Phú chờ tôi nơi góc phố để tôi tìm nơi mua thuốc. Tôi đi, đi mãi, tìm mãi mà chẳng thấy có sạp thuốc nào. Đến khi nhớ đến Phú tôi quay lại tìm thì không thấy nàng đâu. Tôi hốt hoảng kêu lớn “Phú ơi” để rồi nghe tiếng mình gọi và thức giấc. Trong đêm tối lạnh lẽo tôi nằm trằn trọc, ướt khóe mắt không biết sao mình nằm mơ mà không thấy vợ, lại thấy kẻ mình đã quên gần chục năm rồi. Và cũng tự trách mình ham hút một điếu thuốc để lạc mất nàng lần nữa trong giấc mơ.
Không phải đó là lần đầu vì ghiền thuốc mà tôi để mất giấc mơ đẹp, niềm vui duy nhất và nguồn hy vọng của tôi trong đời tù. Nhiều lần tôi nằm mơ được thả về nhưng không lần nào về đến nhà được. Có lần lẩn quẩn mãi trong vùng rừng núi. Có khi về đến Sài Gòn. Có lần chỉ còn một quảng nữa là tới nhà gặp lại vợ con, tôi lại lên cơn thèm thuốc. Lại đi tìm nơi mua thuốc, tìm mãi, tìm mãi mà không được, quên mất cả chuyện về nhà. Lần đầu tiên hình bóng của Phú xuất hiện trong mơ mà không tạo cho tôi cái cảm giác bị dày vò cắn rứt. Tôi mừng cho Phú. Dù đúng hay sai, dù lỗi của ai, dù hết duyên hay hết nợ, sự quyết định chia tay ngày ấy đã giúp Phú thoát khỏi thêm một cảnh đời hẩm hiu nữa: làm vợ một tên tù không biết ngày về. Nhưng rồi một cảm giác chua chát tràn ngập lòng tôi. Phú hết “nợ” thanh thản biến mất khỏi đời tôi, để trống chỗ cho kẻ khác là vợ tôi, không biết “nợ” tôi nhiều hay ít, nhào vô lãnh đủ. Tôi thương vợ tôi quá. Tội nghiệp vợ tôi. Nàng còn trẻ, có con còn thơ, chưa biết việc đời không biết có chịu đựng được nỗi tủi nhục của cảnh đổi đời hay không? Và có “tri vong quốc hận?” (5)
Nhiều năm nữa trôi qua.
Rồi nhiều năm nữa trôi qua. Chuyện cũ đã chìm theo thời gian trong bụi mù ký ức. Đời đà tơi tả. Tim đà mỏi mệt. Yêu thương, hờn giận, vui sướng, khổ đau hầu như không còn có nghĩa.
Hồi đầu năm tôi thỉnh thoảng viết vài dòng về những ngày đáng nhớ trong đời lính cũ. Thật khó khăn. Mọi thứ quên đã lâu giờ phải mài mò học lại nên tôi viết rất chậm. Đã vậy tôi còn bị Ms Word hành hạ đủ thứ. Nó cắt dấu, đảo lộn thứ tự chữ, kéo dài khoảng cách, hoặc ghi rời rạc từng chữ từng dấu đã đánh. Tệ nhất là nó làm biến mất cả câu hay cả đoạn vừa mới đánh. Tôi giận lắm, định bỏ viết. Cũng may, tôi vẫn còn ghiền thuốc nên khi nào trở ngại tôi bỏ đó đi hút thuốc, lúc khác viết tiếp. Bài viết kéo dài dù tôi viết rất chậm, có ngày được đôi câu, có ngày được một đoạn. Hơn nửa năm tôi viết được vài chục trang, không nhớ gì đến chuyện tình buồn. Bỗng một đêm hình bóng Phú lại thình lình hiện về trong giấc mơ. Vẫn với dáng trẻ trung, mắt sáng long lanh, nụ cười vui vẻ của lần gặp sau cùng, Phú nói “anh chờ em chút nữa nghen”. Những bông hoa giấy đậu trên tóc nàng dù không thắm tươi rực rỡ như loài hoa nàng mang tên nhưng cũng đủ làm cho hình ảnh tươi trẻ của nàng thêm sống động trên nền trời. Tôi mừng rỡ kêu “em ơi, xuống đây”. Phú cười, quay đi rồi biến mất. Thức giấc, tôi ngẩn ngơ trong bóng đêm quạnh quẽ.
Phú hiện về trong mơ như nhắc tôi thêm chuyện tình tôi nghiệp của tôi vào những trang viết. Ban đầu tôi định viết một vài đoạn, hai một hai trang, nhưng rồi nó kéo dài. Tôi cắt nó khỏi thiên hồi ký kia, và nó cứ kéo dài mãi. Nó cũng kéo tôi trở lui về quảng đường đời với những nỗi đau đớn phẫn uất đã qua. Cùng với nó là hình ảnh các bạn tôi, các chiến hữu của tôi. Những kẻ cùng tôi xung trận năm xưa và đã đền xong nợ nước, giờ đây thịt xương chắc đã hòa cùng cát bụi. Tôi luyến tiếc những hình ảnh trẻ trung, vui vẻ của họ và tôi ngày nào. Tôi cũng nhớ lại nhiều lúc phẫn hận, giận mình đã kêu lên: “sau hồi xưa xung trận không chết mẹ đi cho rồi, sống làm gì cho chật đất.” Tôi nhớ đến những ngày vui bên Phú. Rồi nhớ đến những dòng chữ sau tấm hình “Tặng Anh. Để nhớ em. Kim Ph….” tôi buồn muốn khóc. “Ph. à, chỉ có em nỡ lòng quên thôi.” Nỗi buồn làm tôi không muốn đi trở lại con đường khổ não. Tôi không muốn nhắc lại, viết nữa. Nhưng rồi tôi không đành lòng bỏ rơi mối tình tội nghiệp của tôi một lần nữa. Vài ngày sau khi viết lại, tôi không dừng được. Trong suốt hai tháng, ngày ngày tôi buồn vui khóc cười với những ngày tháng cũ. Tôi tưởng khi lòng tôi thấm đậm với những kỷ niệm xưa, hình bóng cũ của Phú sẽ lại hiện về trong mơ. Nhưng không một lần. Như Phú ngày xưa, hình bóng nàng bây giờ cũng biến mất. Có lẽ nó đã tìm được một chỗ nào ngóc ngách trong tim tôi và trốn ở đấy, chỉ khi nào muốn trêu ghẹo tôi nó mới hiện ra. Hồi trước tôi ao ước thấy gương mặt Phú trước lần xa nhau vĩnh viễn. Giờ tôi mừng khi đã không được vậy. Nếu không có lẽ gương mặt ngơ ngác, uất hận, mắt đẫm lệ sẽ theo tôi mãi trong mơ. Người về trong mơ ấy mãi mãi vẫn tươi vui đẹp đẽ như ngày nào. Hình ảnh cô gái Sài Gòn ……. ấy trẻ mãi không già.
Đã gần bốn mươi năm qua tôi không một lần gặp lại Phú.
Thơ Đường thầy dạy và đọc cho nghe cũng nhiều, sao chỉ nhớ chi những câu buồn.
“Nhân diện bất tri hà xứ khứ…” (6)
SaCa 10/2006
vanchichuong
(1) “Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được….”, Tình Già. Thơ Phan Khôi
(2) Tiễn Đưa. Thơ Trần Tuấn Kiệt
(3) Phùng Nhập Kinh Sứ. Thơ Sầm Tham
(4) Giấc Mộng Đêm Hè, Nhạc. Không nhớ tên tác giả
(5) “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa,” Bạc Tần Hoài. Thơ Đỗ Mục
(6) Đề Đô Thành Nam Trang. Thơ Thôi Hộ
Lợi Châu chuyển 

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...