Sunday, September 2, 2018

Biểu tình để làm gì?- Phi Cảnh





Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES-Người dân Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hôm 10/6.

Vào đầu tháng tám, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) công bố văn thư hối thúc Việt Nam mở ngay cuộc điều tra về cái chết của một người biểu tình có tên Hứa Hoàng Anh.
"Biểu tình để làm gì?" là câu hỏi mà phần lớn người Việt Nam thắc mắc. Người Việt cũng có những bức xúc đấy, nhưng biểu tình thì họ không thích, họ thấy nó xấu, nó phản cảm, thấy nó vô nghĩa.

Họ đăng lại bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh?" của cô giáo Lam, nhưng ngay sau đó lại chia sẻ video cảnh sát nước ngoài đánh đập người biểu tình (ở nước họ) để nói rằng những người xuống đường vì cá chết ở 4 tỉnh miền Trung là những người vi phạm pháp luật.



Họ thích ăn cá sạch, nhưng đồng thời lại bấm nút "Thích" bài viết của dư luận viên vu khống rằng chị Hoàng Mỹ Uyên mang con xuống đường tuần hành rồi cố tình lăn ra ăn vạ.

Họ suốt ngày hát bài hát có câu "tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi" nhưng thực phẩm trong nước họ không dám ăn; trái cây của "ngụy quân ngụy quyền" Hàn Quốc thì thậm chí mang về không cần rửa vì 'đồ của Hàn Quốc chắc chắn là an toàn".

Khi đi du lịch họ chọn những nước sạch sẽ văn minh như Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc - những quốc gia có thể coi là chư hầu của đế quốc, nhưng họ vẫn hàng ngày ca ngợi chiến công đánh đuổi Pháp, Mỹ.

Thậm chí có người Việt được sang Mỹ sinh sống nhưng vẫn ngang nhiên bày tỏ sự ủng hộ với cảnh sát trong cuộc tình chống Luật đặc khu và An ninh mạng vừa qua, sống tại Mỹ nhưng vẫn yêu Fidel Castro, sống tại Mỹ nhưng khi về Việt Nam vẫn phải thăm lăng Hồ Chí Minh.

Họ không biết sự giàu có, sạch sẽ, văn minh họ đang được hưởng (đối với người sống ở Mỹ) hoặc mong muốn được hưởng (đối với người sống ở Việt Nam) là đến từ đâu.Bản quyền hình ảnhOTHER - Con rồng "Pikachu" ở Hải Phòng năm 2017 đã được chính quyền dỡ bỏ sau khi trở thành đề tài châm biếm, chỉ trích mạnh mẽ trên truyền thông và mạng xã hội.


Vậy nó đến từ đâu?

Nếu một chính quyền có thể làm tất cả mọi thứ, hay nói rõ hơn: làm tất cả mọi thứ luôn đúng, người ta sẽ chẳng bao giờ cần ghi quyền biểu tình vào trong hiến pháp.

Điều này là hiển nhiên ở những nước mà người dân thật sự có quyền bầu cử; vì họ bầu ra chính phủ, nên cũng có quyền thể hiện sự không hài lòng với chính phủ ấy.

Sức ép của dư luận là thứ mà không ai có thể làm ngơ. Một sự việc gây bức xúc nếu được báo chí đăng tải, nếu được mạng xã hội đưa tin dồn dập, bình luận sôi nổi, chế giễu trên cấp độ rộng thì những người liên quan khó có thể ăn ngon ngủ yên.

Ví dụ một việc nhỏ thôi: con rồng "Pikachu" ở Hải Phòng - vốn là một sự việc không lấy gì nghiêm trọng, nhưng khi trở thành đề tài châm biếm rộng rãi trên mạng, chính quyền Hải Phòng đã phải lập tức dỡ bỏ. Hay một ông huấn luyện viên bóng đá, sau một trận thua có thể mất chức chỉ vì bình luận của những người hâm mộ phía dưới một bài báo.

Ngay mới đây, sau khi công chúng lên tiếng, Bộ Giao thông Vận tải đã phải yêu cầu nhà thầu Trung Quốc dỡ bỏ các biển hiệu tiếng Trung tại nhà ga nằm trong tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Mới chỉ là trên mạng xã hội, trên báo chí mà đã có tác động lớn như thế, thử hình dung với một số lượng lớn người xuống đường tuần hành, sức ép ấy sẽ khủng khiếp như thế nào?

Xuống đường biểu tình có thay đổi được điều gì không? Có chứ, chính nhà cầm quyền Cộng sản đã khẳng định điều đó.Bản quyền hình ảnhSCOTT MCPARTLAND/GETTY IMAGES - Người biểu tình tập trung gần Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington D.C. để phản đối Chiến tranh Việt Nam. Hình chụp tháng 1/1973.

Khi liệt kê những nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, có một nguyên nhân họ nêu ra là: "nhờ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ Mỹ" - ý nói đến phong trào phản chiến ở Mỹ, trong đó rất nhiều thanh niên Mỹ đã xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, họ luôn nói đến tầm quan trọng của những phong trào bãi công của công nhân, bãi khóa của học sinh, bãi thị của những người buôn bán…

Hồ Chí Minh cũng đã từng than vãn: "Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Việc những tờ báo hoặc tạp chí có tư tưởng tiến bộ được coi là một tội nặng."

Như vậy ông Hồ rất coi trọng các quyền tự do của công dân, ông còn nhấn thêm một bước nữa: "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa". Có nghĩa là khi chưa chiếm được quyền lãnh đạo đất nước, nhà cầm quyền Cộng sản gọi việc biểu tình là tiến bộ; sau khi chiếm được rồi, họ gọi việc đó là phản động.

Nếu không sự phản đối, chắc chắn vụ Formosa sẽ chìm xuồng, không có quan chức nào bị xử lý, Formosa sẽ không đền bù một xu nào. Trên thực tế thì để xoa dịu dư luận, ít nhất một quan chức, đó là Võ Kim Cự (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh) đã bị kỷ luật, Formosa bị bắt phải đền 500 triệu đô la.Bản quyền hình ảnhANTHANH LINHGIANG-Hình ảnh một cuộc biểu tình cùng với hoạt động làm vệ sinh môi trường năm 2016 của người dân ở nhiều giáo xứ tại miền Trung

Đấy mới chỉ là kết quả của một số ít người lên tiếng. Nếu người Việt Nam có những quyền tự do căn bản để có thể bày tỏ thái độ của mình mà không sợ bị vu khống, bị trả thù, sẽ có bao quan chức phải chịu tội chứ không phải chỉ một người từ chức lấy lệ, Formosa sẽ phải bồi thường bao nhiêu tỷ đô la và từ nay có công ty nào dám xả thải ra môi trường như vậy không?

Trong thảm kịch đắm phà Sewol xảy ra năm 2014 - sự việc khởi nguồn cho sự sụp đổ của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, người ta tính toàn từng phút để luận tội, đó là: bà Park nhận được báo cáo đầu tiên về tai nạn vào lúc 9 giờ 30 phút sáng chứ không phải 10 giờ như nữ tổng thống và các trợ lý thông báo.

Điều này khiến người dân Hàn Quốc tức giận vì tổng thống phản ứng quá chậm: "Lý do họ lùi nửa tiếng có lẽ là để thu hẹp khoảng thời gian từ lúc bà Park nhận được báo cáo đầu tiên tới lúc bà ra chỉ thị đầu tiên - được cho là vào khoảng 10 giờ 15 phút sáng".

Thật ra Tổng thống có ra chỉ đạo sớm hơn cũng chẳng cứu được phà Sewol, vì bà Park không thể là người am hiểu về hàng hải hơn các lựu lượng cứu hộ; có hay không chỉ thị từ Tổng thống, họ cũng phải làm hết chức trách của mình. Nhưng trách nhiệm của Tổng thống là theo dõi sát sao sự việc; người khác làm hết chức trách nhiệm vụ, còn bà thì không, đó là vấn đề.

Sự đánh giá đó hết sức khắt khe, nhưng là bình thường ở xã hội tự do dân chủ. Áp lực đó đủ lớn để lãnh đạo không thể lơ là trong mọi chuyện. Ông Võ Kim Cự không thể là người quyết định cao nhất trong sự việc liên quan đến Formosa. Nếu việc tàn phá môi trường khủng khiếp này xảy ra tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan… chắc chắn không chỉ quan chức của một tỉnh chịu trách nhiệm, mà người đứng đầu đất nước như Tổng thống hay Thủ tướng cũng phải bị bỏ tù.

Thế đấy, việc biểu tình hóa ra có quan hệ mật thiết tới môi trường sạch hay ô nhiễm, tới cá tươi hay cá chết, tới nước mắm sạch hay nước mắm lẫn hóa chất độc hại, tới hoa quả, tới rau, tới ung thư…Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES-Biểu tình chống dự luật Đặc khu ở Hà Nội hôm 10/6/2018.
Còn vu khống nữa không?

Người xuống đường chỉ vì lo cho sức khỏe, cho cuộc sống của bản thân, của gia đình, cho tương lai của con cái; chắc chắn chỉ có người bị bệnh tâm thần mới mong mình bị đánh đập, vì bị đánh đập thì mang hậu quả về sức khỏe và kinh tế ngay, còn môi trường ô nhiễm hay luật đặc khu: để chờ đến lúc ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống thì cũng còn khá lâu đấy.

Vậy mà có những kẻ khốn nạn (hay là tâm thần) đến mức nói rằng: "Phương châm của biểu tình là phải tạo ra được sự đàn áp của chính quyền. Biểu tình mà không bị đàn áp thì coi như công cốc, chẳng ai quan tâm".

Nói vậy khác nào chửi thầm lãnh đạo Việt Nam khi cho con cái du học, mua nhà định cư ở các nước tư bản. Bởi vì các nước này biểu tình liên miên, mà cuộc biểu tình nào cũng "phải tạo ra được sự đàn áp của chính quyền", thế thì mấy nước như Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Canada… suốt ngày loạn, quá mất an toàn, họa có điên mới bỏ cả đống tiền để sinh sống học tập tại đó. Tại sao không ở lại Việt Nam yên bình gần như chẳng bao giờ có biểu tình?

Các quốc gia phát triển này đều có luật biểu tình, trong đó quy định rõ người biểu tình được phép và không được làm những gì. Bình thường thì cảnh sát nước họ hỗ trợ người biểu tình hết mức có thể, từ cung cấp nước cho đến chuẩn bị sẵn xe cứu thương; cảnh sát chỉ phải dùng tới biện pháp mạnh khi người biểu tình vượt quá quyền hạn.

Điều đó người Việt Nam hoàn toàn không biết, nên nhà cầm quyền dễ dàng bôi nhọ người biểu tình. Có rất nhiều cách làm, trong đó phổ biến nhất là cho người trà trộn vào kích động bạo lực để lấy cớ đàn áp.

Ở ngoài nhìn vào không thể biết đâu là sự thật, nhưng vấn đề là nếu người Việt muốn sống trong một đất nước tự do, trong một môi trường sạch, thì phải biết tìm hiểu sự việc theo chiều hướng nào, phải thấy phía nào có lý hơn, phải biết đứng về phía ai chứ.

Biết trước hiểm nguy mà vẫn làm, những người xuống đường đã làm thay cả phần việc cho người ở nhà, vậy mà không những không được cám ơn lại còn bị chửi rủa chỉ trích. Nếu nhận thức của người Việt kém như vậy, thì việc phải sống ở một đất nước tồi tệ cũng là xứng đáng thôi.

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.


No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...