Monday, December 30, 2013

Bầu Cử Vị Thủ Tướng Lãnh Đạo Nước Cộng Hoà Liên Bang Đức _ KS Nguyễn Văn Phảy




Trong thế giới hiện nay, hầu hết các quốc gia đã chọn cho mình một định chế chính trị để xây dựng và phát triển đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh như là Tổng Thống chế kiểu Mỹ, bán Tổng Thống chế kiểu Pháp, Đại Nghị chế như Anh Quốc hoặc Lưỡng Viện chế như Cộng Hoà Liên Bang Đức. Đó là những thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, phân quyền, tự do, dân chủ và cộng hoà. Ngoài ra, các quốc gia cộng sản có một định chế chính trị riêng biệt, chỉ có độc đảng cộng sản mới có quyền lãnh đạo toàn dân và điều hành quốc gia như Trung Cộng, Bắc Hàn, cộng sản Việt Nam hoặc ở một số quốc gia độc tài khác. Đó là thể chế chính trị trung ương tập quyền. Mọi quyết định thuộc về Bộ chính trị đảng hoặc Ban lãnh đạo đảng, ngay cả Hiến Pháp quốc gia cũng do đảng soạn thảo và tự biểu quyết.
Ở đây chúng ta tìm hiểu xem ai là vị lãnh đạo toàn dân và điều hành nước CHLB Đức và vị lãnh đạo đó được tuyển chọn như thế nào?. Đảng phái có số phiếu nhiều nhất trong cuộc bầu cử liên bang có thể cầm quyền trong chính phủ hay không?
Vài nét đại cương về sự hình thành nước CHLB Đức:
Đệ nhị thế chiến chấm dứt vào ngày 8 tháng 5 năm 1945 khi nước Đức đầu hàng Đồng Minh. Các quốc gia Đồng Minh như Mỹ, Anh, Pháp cũng như Liên Xô đã chiếm đóng trên đất nước Đức. Vào ngày 23.5.1949 Luật Cơ Bản cho nước Cộng Hoà Liên Bang Đức (Das Grundgesetz fuer die Bundesrepublik Deutschland) được ban hành, chính là Hiến Pháp nước Cộng Hoà Liên Bang Đức (Die Verfassung der Bundesrepublik Deutschland). Nước CHLB Đức được thành lập từ đấy gồm có 8 tiểu bang ở Tây Đức cộng với các thành phố lớn như Hamburg, Bremen và phần đất Tây Bá Linh. 5 tiểu bang bên Đông Đức và phần đất Đông Bá Linh do Liên Xô chiếm đóng đã thành lập nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức (Deutsche Demokratische Republik, viết tắt DDR) kể từ ngày 7.10.1949.
Sau khi các chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ vào năm 1989, ngày 3.10.1990 Tây Đức và Đông Đức được thống nhất với tên nước là Cộng Hoà Liên Bang Đức (Bundesrepublik Deutschland, viết tắt BRD) nếu không nói là nước CHDC Đức bị sáp nhập vào nước CHLB Đức và cũng phải chấp nhận Luật Cơ Bản cho nước CHLB Đức là Hiến Pháp duy nhất làm nền tảng cho thể chế chính trị, cho các cơ quan pháp quyền và mọi cơ chế điều hành quốc gia của nước Đức thống nhất.
  Chiếu theo Điều 20 của Hiến Pháp CHLB Đức đã xác định rõ:
-
 Cộng Hòa Liên Bang Đức là một Chính Phủ liên bang dân chủ và xã hội.
Tất cả các cơ quan chính phủ xuất phát từ người dân. Nó được thực hiện bởi người dân qua các cuộc bầu cử và biểu quyết bởi các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp .
- Pháp luật phải tuân theo các điều khoản Hiến Pháp quy định. Cơ quan Hành Pháp và Tư Pháp bị ràng buộc bởi pháp luật và công lý.
     Qua điều luật nầy cho thấy, muốn xây dựng một chính phủ pháp quyền dân chủ và xã hội cũng phải từ dân, do dân mà ra và được Hiến Pháp minh thị. Muốn thành lập Chính Phủ nước Cộng Hoà Liên Bang Đức trước hết phải có cuộc bầu cử Quốc Hội Hạ Viện (Bundestag).
      Bầu Quốc Hội Hạ Viện liên bang (Bundestag):
       Chiếu theo điều 38 của Hiến Pháp CHLB Đức:
       Các Dân Biểu của Hạ Viện (Bundestag) được bầu bởi cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp, công bằng, tự do và kín. Họ là đại diện của toàn dân, không bị ràng buộc bởi các áp lực hay hướng dẫn nào, và họ chỉ chịu trách nhiệm với lương tâm của họ.
Vào ngày 22.9.2013 vừa qua, tại CHLB Đức đã tổ chức cuộc bầu cử Dân Biểu Hạ Viện thứ 18 kể từ khi nước CHLB Đức được thành lập từ năm 1949 đến nay. Người dân Đức đủ 18 tuổi tính đến ngày bầu cử, hội đủ điều kiện của luật bầu cử liên bang (Bundesgesetz) quy định, được quyền tham gia bầu các đại biểu cử tri vào Hạ Viện liên bang.
Nước Đức theo thể chế dân chủ tự do pháp quyền, đa nguyên đa đảng, do đó có nhiều đảng phái chính trị tham gia ứng cử để được dân chúng bầu đại biểu của đảng mình vào Hạ Viện. Trong cuộc bầu cử vừa qua tại CHLB Đức có các đảng phái chính trị như liên minh Thiên Chúa Giáo gồm có đảng ChristlichDemokratische Union viết tắt CDU không hiện diện ở tiểu bang Bayern vàChristlich-Sozial Union viết tắt CSU chỉ có ở tiểu bang Bayern (viết tắt là CSU), đảng Dân Chủ Xã Hội Đức (Sozialdemokratische Partei Deutschlands, viết tắt SPD), đảng Tự Do Dân Chủ (Freie Demokratische Partei, viết tắt FDP[1],đảng Tả Phái (die Linke), Phong Trào Xanh (Grüne, Gruene), đảng Cướp Biển Đức (die Piratenpartei Deutschland, gọi tắt Piraten), đảng AfD (Alternative fuerDeutschland, viết tắt AfD), đảng Dân Chủ Quốc Gia Đức (Nationaldemokratische Partei Deutschlands, viết tắt NPD)…
 Kết quả cuộc bầu cử Hạ Viện (Bundestag) vào ngày 22.9.2013 được xác định như sau:
Đảng phái chính trị
Kết quả đạt được [%]
CDU/CSU
41,5
SPD
25,7
Linke
8,6
Grüne (Gruene)
8,4
FDP
4,8
AfD
4,7
Piraten
2,2
NPD
1,3
 So sánh kết quả bầu cử giữa 2 phần đất của nước CHLB Đức cũ và nước CHDC Đức cũ có sự chênh lệch như sau:
Các đảng phái chính trị
Tây Đức và Tây Bá Linh [%]
Đông Đức và Đông Bá Linh [%]
CDU/CSU
42,2
38,5
SPD
27,4
17,9
Linke (đa số đảng viên gốc cộng sản cũ)
5,6
22,7
Grüne (Gruene)
9,2
5,1
FDP
5,2
2,7
Qua kết quả cho thấy đảng die Linke ở xứ Đông Đức vẫn còn có 22,7 % cử tri Đông Đức bầu cho đảng đổi danh này (trước ngày 3.10.1990 là đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ nghĩa (SED) ở Đông Đức do cộng sản Đông Đức lập ra), nhưng ngược lại ở Tây Đức họ chỉ có được 5,6 % sự tín nhiệm của dân Tây Đức trong đó có thành phần thiên tả.
Phân chia ghế ở Hạ Viện liên bang:
Theo Hiến Pháp CHLB Đức thì đảng phái nào không đạt được 5 % tổng số phiếu thì không được vào Hạ Viện nên không được phân chia ghế nào. Các đảng phái như FDP, AfD, Piraten, NPD sẽ không có đại biểu trong Hạ Viện (Bundestag) của nhiệm kỳ tới.
Như vậy chỉ còn lại các đảng như Liên Minh CDU/CSU, đảng SPD, đảng Tả (Linke) và Phong Trào Xanh (Gruene) mới được vào Hạ Viện. Ngày 22.10.2013 vừa qua cuộc họp đầu tiên của Hạ Viện trong nhiệm kỳ mới 2013-2017 gồm có 631 đại biểu và được phân chia như sau:
Các đảng phái chính trị
Số ghế đạt được [ghế] Đại biểu
Liên Minh (CDU/CSU)
311
Đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD)
193
Đảng Tả (Linke)
64
Phong trào Xanh (Grüne=Gruene)
63
Liên minh cầm quyền:
 Nhiệm vụ đầu tiên của Hạ Viện là bầu Thủ Tướng liên bang. Số phiếu tối thiểu để thắng cho chức vụ Thủ Tướng trong nhiệm kỳ tới là 316 phiếu, trên 50% gọi là đa số tuyệt đối (die erforderliche absolute Mehrheit). Như vậy, với kết quả trên không có đảng phái nào đạt số phiếu đa số tuyệt đối. Vì thế cho nên đảng đã có số phiếu cao nhất như liên đảng CDU/CSU cũng phải tìm cách liên minh với các đảng phái khác để có đủ túc số phiếu trên 50 %.
Liên đảng CDU/CSU cũng có thể không được quyền lãnh đạo quốc gia nếu 3 đảng SPD, die Linke và Grüne (Gruene) liên minh với nhau. Vì thế, đảng phái đối lập đóng vai trò khá quan trong trong một quốc gia theo thể chế tự do dân chủ, pháp quyền và phân quyền.   
Khi có sự liên minh cầm quyền thì các ghế Bộ Trưởng liên bang cũng phải được chia cho các đảng liên minh tuỳ theo số phiếu mà đảng đó đã đạt được trong cuộc bầu cử hoặc bằng những thoả thuận của họ.
Sau nhiều tuần lễ các đảng CSU/CDU và SPD đã họp liên tục với nhau, hầu như những đường lối của 3 đảng có thể được đồng thuận và chấp nhận. Tuy vậy đảng SPD cũng phải lấy quyết định của tất cả đảng viên toàn đảng. Hiện nay trên toàn nước Đức đảng SPD có khoảng 475.000 đảng viên. Hai tuần qua đảng SPD trưng cầu ý kiến của tất cả đảng viên trong đảng. Đến tối Thứ sáu 13.12.2013 là ngày cuối cùng các đảng viên đảng SPD gởi thư biểu quyết về cho Ban Chấp Hành đảng SPD tại thủ đô Bá Linh. Sau khi kiểm phiếu thì có 76 % đảng viên toàn đảng SPD đồng ý liên minh cầm quyền với liên đảng CSU/CDU.
         Thành lập Chính Phủ Liên Bang (Bundesregierung, Federal Government):
Chính Phủ liên bang CHLB Đức gồm có: Nội Các liên bang(Bundeskabinett), Phủ Thủ Tướng liên bang (Bundeskanzleramt), Phủ  Báo Chí liên bang (Bundespresseamt). Ngoài vị Giám Đốc Phủ Thủ Tướng (Kanzleramtsminister = Kanzleramtschef), Phủ Thủ Tướng (Kanzleramt) có thêm 3 Bộ Trưởng gọi là Staatsminister. Mỗi Bộ Trưởng đặc trách một vài lãnh vực đặc biệt như văn hoá, hội nhập, tỵ nạn, truyền thông cũng như những liên hệ giữa tiểu bang và liên bang. Song vào đó những vị Bộ Trưởng nầy còn có nhiệm vụ cố vấn cho Thủ Tướng.
Vai trò của Tổng Thống Đức: Mặc dù Tổng Thống CHLB Đức không trực tiếp điều hành quốc gia như vị Thủ Tướng nhưng là một vị nguyên thủ quốc gia. Tổng Thống liên bang Đức được bầu bởi Hạ Viện và Thượng Viện qua một Đại Hội liên bang (Bundesversammlung). Thượng Viện (Bundesrat) còn gọi là Hội Đồng Liên Bang được thành lập bởi các đại diện của các tiểu bang trong đó có các Thống Đốc tiểu bang (Ministerpresident). Hiện nay Thượng Viện có 69 thành viên. Khi bầu Tổng Thống liên bang số lượng đại biểu của Thượng Viện do các tiểu bang tiến cử phải bằng số lượng Dân Biểu của Hạ Viện. Tổng Thống liên bang Đức có nhiệm kỳ 5 năm, có quyền giải nhiệm Thủ Tướng liên bang chiếu theo đề nghị của đa số Dân Biểu Hạ Viện. Hạ Viện và Thượng Viện đều có Chủ Tịch do đại biểu của mỗi viện bầu ra.
Nội Các liên bang và Phủ Thủ Tướng: (Bundeskabinett và Kanzleramt)
Khác với Tổng Thống chế, chiếu theo điều 62, 63, 64 của Hiến Pháp CHLB Đức thì Nội Các liên bang Đức gồm có Thủ Tướng và 14 Bộ Trưởng liên bang (Bundesminister, Federal ministers). Thủ Tướng do Hạ Viện (Bundestag) bầu ra, nhiệm kỳ 4 năm. Thủ Tướng tiến cử các Bộ Trưởng liên bang lên Tổng Thống để được bổ nhiệm.
Để chuẩn bị bầu Thủ Tướng liên bang, vào ngày Chủ nhật 15.12.2013 vừa qua, các đảng liên minh cầm quyền đề cử các Bộ Trưởng liên bang để thành lập Nội Các liên bang, gồm có: Đảng CSU chỉ có ở tiểu bang Bayern nằm phía Đông Nam của nước Đức, nơi tổ chức Octoberfest hàng năm vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tại Munich, là đảng anh em với đảng CDU có được 3 Bộ Trưởng liên bang. Đảng CDU có 5 Bộ Trưởng. Đảng  SPD có 6 Bộ Trưởng liên bang. Ngoài ra, vị Thủ tướng Liên bang chiếu theo Điều 69 của Hiến pháp đã tiến cử một Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng (Kanzleramtsminister) còn được gọi là Giám Đốc Phủ Thủ Tướng (Kanzleramtschef) cũng trực thuộc Nội Các liên bang (Federal Cabinet) . Vai trò của vị Bộ Trưởng nầy khá quan trọng, là người được Thủ Tướng tín cẩn, có trách nhiệm điều phối các bộ, các cơ quan mật vụ Đức, cũng như quyền thay thế Thủ Tướng liên bang khi cần thiết và cũng là một thành viên trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. 
Bầu Thủ Tướng CHLB Đức (tiếng Đức gọi là Bundeskanzler (nam giới) hoặc Bundeskanzlerin (nữ giới), tiếng Anh (Chancellor):

Dr. Angela Merkel
Thủ Tướng Nước Cộng Hoà Liên Bang Đức
Sau khi liên đảng ký hợp đồng liên minh cầm quyền một ngày thì  tân Hạ Viện (Bundestag) nhóm họp vào ngày 17.12.2013 tại trụ sở Quốc hội CHLB Đức ở thủ đô Bá Linh đã bầu bà Dr. Angela Merkel đương kim Chủ Tịch đảng CDU, làm Thủ Tướng Cộng Hoà Liên Bang Đức với số phiếu 462 tín nhiệm trên 631 tổng số phiếu của Hạ Viện cho nhiệm kỳ 2013-2017. Đảng SPD có số ghế nhiều thứ hai trong Hạ Viện, vị Chủ Tịch đảng của họ, ông Sigmar Gabriel nắm giữ vai trò Phó Thủ Tướng liên bang.

(Trụ sở Quốc Hội Liên Bang nước CHLB Đức tại thủ đô Bá Linh)
Theo Hiến Pháp, kết quả bầu cử phải được trình lên Tổng Thống CHLB Đức trong ngày. Tổng Thống CHLB Đức ông Joachim Gauck (được hội nghị liên bang bầu vào ngày 18.3.2012), chiếu theo kết quả bầu cử Thủ Tướng của Hạ Viện bổ nhiệm chức vụ Thủ Tướng cho bà Dr. Angela Merkel với nhiệm kỳ 4 năm sắp tới. Sau khi Thủ Tướng tuyên thệ trước Chủ Tịch Quốc Hội Hạ Viện, Thủ Tướng sẽ tiến cử các Bộ Trưởng của các đảng liên minh cầm quyền trong Nội Các liên bang (Kabinett, tiếng Anh: Cabinet) lên Tổng Thống liên bang (Bundespresident) để được bổ nhiệm. Đặc biệt trong Nội Các liên bang nhiệm kỳ nầy, Bộ Trưởng Quốc phòng là bà Ursula von der Leyen đã từng là Bộ Trưởng Bộ Lao Động liên bang và đã gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Tất cả Bộ Trưởng trong Nội Các cũ hết nhiệm kỳ cùng ngày và Tân Nội Các thay thế và tuyên thệ trước Chủ Tịch Hạ Viện.
        Kể từ năm 1949 đến nay có 8 vị Thủ Tướng nước Cộng Hoà Liên Bang Đức được Hạ Viện bầu ra để điều hành Chính Phủ liên bang sau đây cho ta nhận thấy rằng các đảng phái chính trị tại Đức đóng vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo quốc gia cũng như vai trò đối lập. Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của chính phủ, với quyết tâm tái thiết đất nước của toàn dân Đức cộng thêm sự hỗ trợ của Đồng Minh đặc biệt là Mỹ, chỉ sau thời gian ngắn của đệ nhị thế chiến chấm dứt, nước Đức bị tàn phá gần như 80 % đã hồi sinh. Ngày nay, có thể nói nước Đức là nước mạnh nhất ở Âu Châu không những về kinh tế mà ngay cả đến ngành khoa học kỹ thuật cũng rất tân tiến. Tại thành phố Darmstadt có Trung Tâm Điều Hành Không Gian Âu Châu gọi là ESA/ESOC - European Space Operations Centre. Theo thống kê, nước Đức có số lượng trữ kim đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 6,9 %. Hiện nay nước Đức thường được mời tham dự vào các cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Thường Trực Liên Hiệp Quốc gồm có Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng (+ Đức quốc trong tương lai) để cùng bàn những việc đại sự của thế giới. Điều đó cho thấy vị thế của nước Đức cũng có tầm quan trọng trong nhiều lãnh vực và có nhiều ảnh hưởng đối với thế giới.  
Thời gian
Thủ tướng
Đảng phái liên minh cầm quyền
1949-1963
Konrad Adenauer
CDU/CSU và FDP
1963-1966
Ludwig Erhard
CDU/CSU và FDP
1966-1969
Kurt Georg Kiesinger
CDU/CSU và SPD
1969-1972
Willy Brandt
SPD và FDP
1972-1982
Helmut SChmidt
SPD và FDP
1982-1998
Helmut Kohl
CDU/CSU và FDP
1998-2005
Gehard Schröder (Schroeder)
SPD und B´90/Grüne (Gruene)
2005-2009
Angela Merkel
CDU/CSU và SPD
2009-2013
Angela Merkel
CDU/CSU và FDP
2013-2017
Angela Merkel
CDU/CSU và SPD
KS Nguyễn Văn Phảy
Cựu SVĐHLK Sài Gòn, Ban Công Pháp
***
          [1] Phần đọc thêm về đảng FDP:  Đảng Tự Do Dân Chủ (FreieDemokratische Partei, viết tắt FDP) đã được thành lập vào ngày 12.12.1948 tại Bonn trong những năm tháng đầu tiên nước Cộng Hoà Liên Bang Đức được hình thành. Kể từ khi thành lập đảng đến nay, trong nhiều nhiệm kỳ của Chính Phủ Liên Bang Đức, đảng FDP không những được bầu vào Hạ Viện mà còn liên minh với các đảng phái mạnh hoặc là CDU/CSU hoặc khi thì với SPD để tham gia vào chính phủ.
Lần đầu tiên trong các cuộc bầu cử tại Đức cũng là thời vàng son nhất của đảng FDP, cuộc bầu cử Hạ Viện Liên bang Đức vào năm 2009, FDP đạt được 14,6 % của tổng số phiếu bầu cử. Lúc đó đảng FDP chiếm được 93 ghế Dân Biểu trong tổng số 622 ghế của Hạ Viện. Ngày 26.10.2009 đảng FDP đã liên minh với CDU/CSU để điều hành Chính Phủ liên bang. Bà Angela Merkel (Chủ Tịch đảng CDU) được Hạ Viện bầu làm Thủ Tướng. Ông Guido Westerwelle (Chủ Tịch đảng FDP) làm Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao của CHLB Đức.
Sau cuộc bầu cử Hạ Viện vào năm 2009 được khoảng một năm thì xu hướng chính trị của đảng FDP ngày càng yếu thế, để mất niềm tin đối với dân chúng. Đại hội đảng FDP vào tháng 3 năm 2011 đã bầu ông Dr. Philip Rösler (Roesler) làm Chủ Tịch đảng thay thế ông Dr. Guido Westerwelle. Ông Rösler (Roesler) trở thành Phó Thủ Tướng liên bang kiêm Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế liên bang. Với sự cải tổ trong đảng FDP, ông Christian Linder được ông Rösler (Roesler) tiến cử là Tổng Thư Ký của đảng FDP, nhưng sau thời gian ngắn ông Christian Lindner từ chức làm cho ông Rösler (Roesler) gặp nhiều khó khăn về việc củng cố đảng. Vì thế ông Rösler (Roesler) không thể nào cứu vãn tình thế sa sút của đảng FDP ngày càng nỗi bật. Điều quan trọng nhất là những bất bình trong nội bộ đảng FDP. Từ sự bất đồng đó đã dẫn đến kết quả bầu cử Hạ Viện yếu kém chưa từng xảy ra cho đảng FDP kể từ khi thành lập đảng. Cuộc bầu cử Hạ Viện vào ngày 22.9.2013 vừa qua, đảng FDP từ số phiếu 14,6 % năm 2009 chỉ còn lại 4,8 %. Đảng FDP bị mất 4.230.000 phiếu tín nhiệm của cử tri so với năm 2009. Vì có sự xuất hiện của đảng AfD trong cuộc bầu cử ngày 22.9.2013 nên nhiều phiếu cử tri trước đây dành cho đảng FDP bây giờ một phần dồn qua cho đảng AfD. 
Vào ngày 6.12.2013, trước khi đại hội đảng FDP xảy ra từ ngày 7.12 đến 8.12.2013, Tổng Thư ký của đảng FDP, ông Patrick Döring (Doering), cáo buộc đảng ông đối xử kỳ thị chủng tộc với ông Phillipp Rösler (Roesler), Chủ Tịch đảng FDP sắp mãn nhiệm chỉ tại vì Philipp Rösler (Roesler) là người Đức gốc Việt và được sinh ra tại Việt Nam. Ông Döring (Doering) nói với báo „Neue Presse“ được xuất bản tại Hannover rằng có những khi ngồi uống nước, chè chén tán gẫu với nhau, một số đảng viên FDP thường phàn nàn về „anh người Việt“. Trong lúc đó các nghị viên, đảng viên đảng FDP ngồi cùng bàn cũng chỉ bênh vực cho ông Rösler (Roesler) một cách lấy lệ mà thôi.  
Ông Döring (ông Doering) buộc tội những người phê bình và các nhà châm biếm đó rằng họ luôn có thái độ bất mãn với ông Rösler (Roesler) về sự kỳ thị chủng tộc. Ông nói: "Những hành vi này độc ác tinh vi mà tôi không thể tưởng tượng được, và đáng lo nhất là các điều đó lại xảy ra ở đảng của chúng ta".     
Ngoài ra ông Döring (Doering) còn cáo buộc đảng FDP rằng khi đảng FDP bị bên ngoài tấn công, thì đảng FDP không những đã không có biện pháp phản ứng hay kháng cự nào thích ứng như các đảng phái khác đã từng làm mà lại còn tăng cường độ lời phê bình trước công luận.  
Vào ngày 7.12.2013 đại hội bất thường của đảng FDP tại Bá Linh (Berlin), ông Chritian Lindner, nguyên là Chủ Tịch đảng FDP tại tiểu bang Nordrhein Westfalen đã được đại hội đảng bầu làm Chủ Tịch đảng (Bundesvorsitzender) FDP với số phiếu 79% thay thế ông Philipp Rösler (Roesler).
Mặc dù đảng FDP không còn có Dân Biểu trong Hạ Viện liên bang nhiệm kỳ tới, nhưng ở Quốc Hội Tiểu bang (Landesparlament) đảng FDP vẫn có sự hiện diện trong 9 tiểu bang của tổng số 16 tiểu bang tại Đức. Trong Thượng Viện (Bundesrat) đảng FDP vẫn có Đại Biểu. Ngoài ra đảng FDP còn có 12 Đại Biểu trong tổng số 99 Đại Biểu của nước CHLB Đức tại Quốc hội Liên hiệp Âu châu (EU).

No comments:

Lễ 51 Năm Giỗ Trận Hoàng Sa 19/1/1974-19/1/2025. Tưởng Niệm 74 Chiến Sĩ Hải Quân Đền Nợ Nước.

Chuyện Bên Lề Một Thủy thủ già sau khi dự lễ 51 Năm Hoàng Sa mời các bạn về nhà hái ổi. Vừa mở cửa xuống xe ông b ỗng nạt:” ”Bình! ...