(Trích trong tuyển tập Hồi Ký Giao Chỉ. Cuộc đời chiến binh VNCH ai cũng có một ngày 30 tháng tư. Riêng kỳ niệm của tôi lại bắt đầu vào tháng ba, tại
Cam Ranh)
CHUYỆN HẢI QUÂN.
Đầu tháng 12-2013 hải quân VNCH họp mặt tại San Jose. Ngoại trừ đô đốc Chơn, người địa phương, chẳng có ông tướng hải quân nào về tham dự. Lý do duy nhất là tuổi già, sức yếu. Ông phó đề đốc Diệp Quang Thủy ở San Mateo, ngay bên cạnh cũng không về được. Ông nói chuyện hải quân ra khơi qua điện thoại. Đó là kỳ phỏng vấn cuối cùng. Một tuần sau ngày đại hội ông qua đời. Vị tướng tham mưu trưởng hải quân mất ngày 6 tháng 12-2013, hưởng thọ 82 tuổi. Ngày 11tháng 12-2013 tôi đi dự tang lễ ở San Mateo. Anh em hải quân phủ cờ, nhưng chỉ có gia đình và thân hữu hiện diện. Ông tướng hiền lành nhất của hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra đi cũng đơn giản như thời kỳ ông còn lái xe lunch để bà nhà bán cơm trưa cho anh em làm hãng xưởng tại San Jose. Ông tướng cao lớn, đẹp trai, hào hoa nhưng hiền lành và lương thiện. Sống giản dị, chết cũng chẳng ồn ào. Cái chết của ông Thủy làm tôi nhớ lại chuyện của mình. Lần này tôi không viết nhiều về chuyện ra đi của ông tướng hải quân. Tôi viết về chuyện của tôi. Tựa đề Hồi ký Cam Ranh. Gần 40 năm trước, trên chuyến bay định mệnh từ Saigon ra Cam Ranh, chúng tôi ngồi chung 1 tàu. Sứ mạng vĩ đại được trung ương giao phó là tái trang bị cho binh sĩ của quân khu I và II về tập trung tại Cam Ranh. Ông xếp đại diện tổng tham mưu là thiếu tướng pháo binh Nguyễn xuân Trang. Tôi, đại tá Vũ văn Lộc phụ tá và lo về tiếp vận. Đại tá Trường lo về quân số. Đại tá Huy, tham mưu phó tiếp vận sư đoàn Dù lo cho lính mũ đỏ ở mặt trận Khánh Dương. Phó đề đốc Thủy là tham mưu trưởng lo việc hải quân. Trên tàu bay còn có 1 trung đội quân cảnh của tổng tham mưu để giữ trật tự. Mỗi vị đều có các sĩ quan tham mưu và cận vệ tháp tùng. Phần tôi có đại úy Nguyễn thế Đỉnh, gốc biệt động quân. Anh là quận trưởng, bị thương ở chi khu, mới đổi về tổng tham mưu. Tôi mang đi theo để có tay súng tác chiến yểm trợ ông thầy.
Chúng
tôi xuống Cam Ranh rồi mỗi người đi 1 ngả. Những tưởng sẽ hẹn nhau trở
về Saigon. Nhưng rồi chỉ vài ngày sau tan hàng tại chỗ, chúng tôi chẳng
còn gặp lại nhau. Bây giờ đại tá Trường chết ở quận Cam, đại tá Huy dù
đã chết bên Texas, thiếu tướng Trang ở lại đi tù. Khi HO qua
Mỹ tôi có đón ông chuyển tiếp tại phi trường San Francisco. Ngày nay
chẳng biết tin tức ra sao. Còn ông đề đốc Thủy, dù cũng chẳng xa xôi gì
mà cũng không gặp mặt. Ai ngờ tôi gặp lại lúc đưa ông về chốn vô cùng.
DUYÊN NỢ CAM RANH.
Tuy rằng chuyến bay ra Cam Ranh với tướng Trang và tướng Thủy là chuyến bay cuối cùng tháng 4-1975 nhưng không phải là chuyến bay đầu tiên của tôi. Trong cái giai đoạn đau thương của đất nước tôi đã lãnh công tác bay ra Nha trang ngày 15 tháng 3/1975. Công tác yểm trợ cho việc tái chiếm Ban Mê Thuột. Chắc anh em còn nhớ ông Thiệu họp hội đồng an ninh quốc gia tại Cam Ranh ngày 14 tháng 3/1975 cho lệnh rút quân đoàn II. Lúc đó đại tướng Viên đi họp về đã cho chuẩn tướng Thọ trưởng phòng 3 biết tin. Nhưng các xếp hoàn toàn giữ bí mật. Sáng 15 tháng 3/1975 bộ tư lệnh quân đoàn II đã bỏ cao nguyên mà phái đoàn tổng tham mưu của chúng tôi cứ phoong phoong lên máy bay ra Nha Trang như chuyến đi bình thường. Khi vào hậu cứ bộ tư lệnh của quân đoàn II ở Nha Trang đã thấy ông Phú đang telephone hò hét các cánh quân. Ông mới từ Pleiku về hôm trước. Bỏ lại anh bạn Cương Quyết Thủ Đức của tôi là đại tá Lê khắc Lý, tham mưu trưởng quân đoàn với cả miền cao nguyên đang hoảng loạn. Xem cung cách của vị tư lệnh Phú lúc đó đã thấy quân đoàn II đang vất vả lắm rồi. Chẳng kỳ vọng gì chuyện tái chiếm Ban mê Thuột. Anh bạn Cương Quyết Đà Lạt, đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn 22 đã bị giặc bắt đang trên đường Việt Cộng giải ra Bắc.Tôi lấy xe chạy qua ngã ba đường đèo lối vào quận Ninh Hòa. Đón được những chuyến xe đi sớm nhất từ Pleiku lọt được về duyên hải. Một xe jeep đậu bên đường. Anh tài xế bị thương bế 2 đứa nhỏ phía sau. Một tay trung úy lái xe mắt đỏ với bộ mặt đau thương giận dữ. Người đàn bà ngồi bên cạnh băng bó toàn thân. Tôi lại gần mới biết, người vợ đã chết được buộc ngồi vào ghế trưởng xa. Đầu ngả 1 bên. Anh trung úy thấy tôi đeo lon đại tá mang huy hiệu bộ tổng tham mưu, chợt buông tiếng chửi thề rồi lên xe chạy tiếp. Tôi nghĩ rằng mình sẽ đem tiếng chửi về lại bộ tổng tham mưu. Có thể gọi cả điện thoại cho đại tá Đỗ đức Tâm đang làm việc tại võ phòng, để trình lên tổng thống! Tôi quay về Nha Trang, nhưng không ghé vào quận Ninh Hòa. 38 năm sau mới biết nếu ghé Ninh Hòa, sẽ gặp trung tá Đỗ Hữu Nhơn đang ngồi tại quận này. Ông Nhơn, một đời đi lính lực lượng đặc biệt, 3 lần quận trưởng, bây giờ là thân hữu già cùng khóa Cương Quyết, cư ngụ tại San Jose.
Trở
về tổng tham mưu tôi báo cáo tình hình cho các xếp. Nhưng xem ra tin
tức về chuyện rút quân cao nguyên đã rung động cả Saigon. Ai cũng biết tin tức đau thương qua bản tin của Nguyễn Tú đăng trên báo Chính Luận.
Hai
tuần sau đại tướng Viên ra lệnh cho tiền doanh tổng tham mưu lên đường.
Tướng Trang cao niên và hiền
lành được cử làm trưởng phái đoàn, đại tá Lộc mới đi về, coi bộ thuộc
đường đi nước bước, được chỉ định trở lại Cam Ranh. Đi lần này có tướng
tham mưu trưởng hải quân, ông Thủy. Có đại tá Dù, ông Huy. Có ông
Trường, một tay ngon lành của TTM, chuyên viên về quân số. Có hơn 20 anh
quân cảnh. Xem ra có hy vọng gì tái tổ chức được 2 quân đoàn và lập
phòng tuyến thép. Ngồi trên phi cơ, anh em chúng tôi không ai nghĩ là sẽ
làm được chuyện phi thường.
Lúc
đó tỉnh trưởng Cam Ranh là đại tá Liễu, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy 5
tiếp vận và quân
trấn Cam Ranh là đại tá Mai duy Thưởng. Qua đêm đầu yên tĩnh. Buổi sáng
tướng Trang nói với anh em là “moi” ngủ không yên. Cứ hắt hơi suốt đêm.
Ông tâm sự, ngày xưa lúc còn trong quân đội liên hiệp Pháp, trước khi
bị Nhật bắt “moi” cũng bị như thế này. Điềm rất xấu. Ông thở dài. Chúng
tôi cũng lại nghe thêm toàn tin xấu. Tin Đà nẵng thất thủ, rồi đến Quy
Nhơn tan vỡ. Tôi vui mừng được biết tại Quy Nhơn hải quân vớt được anh
em ở bộ chỉ huy 2 tiếp vận. Các hạm đội hải quân tập trung về Cam Ranh.
Máy bay C47 của đại tướng Viên bay ra dự trù đón tướng Trưởng và phái
đoàn TTM trở về. Nhưng ông Trưởng không lên bờ và máy bay cũng không đáp
xuống được. Phi trường khá đông người và mất trật tự. Tôi gặp tướng
Nhựt sư đoàn 2 từ
chiến hạm lên thăm dò tình hình Cam Ranh. Hỏi ông có cần trang bị gì
cho sư đoàn. Ông quay ra bến tầu, vừa đi vừa lắc đầu. Không tìm thấy đại
tá Huy Dù, tôi bèn qua trung tâm bảo toàn để tìm cách liên lạc với đơn
vị yểm trợ tiền tuyến bên cạnh mặt trận Khánh Dương. Chợt có tin một phi
cơ C130 của không quân đã đáp xuống đang chờ lệnh. Vội chạy ra phi
trường. Ở đây đúng là hỗn quân hỗn quan. Tin tức về phi trường nổi loạn ở
Đà Nẵng và việc bắn giết nhau trên bãi biển và ngay cả trên sà lan,
trên tàu di tản đã tạo không khí kinh hoàng cho Cam Ranh. Binh sĩ tan
hàng từ chiến hạm lên bờ tìm thực phẩm. Súng ống lựu đạn đầy người.
Chẳng thấy sĩ quan chỉ huy. Chỉ cần 1 hành động bất cẩn là tiêu tùng.
Đặc biệt là không khí căng thẳng
giữa quân cảnh TTM với lính tổng trừ bị từ chiến trường hỗ loạn chạy
về. Một anh quân cảnh của chúng tôi đã bị chém ở bến tàu.
Các
anh phi công không tắt máy, vẫn ngồi trên ghế lái, dục dịch muốn bay
lên. Tôi cố trấn tĩnh đứng dưới sân bay dùng quân cảnh ngăn chận không
cho dân chúng tràn lên phi cơ. Cho
lính tổng trừ bị ưu tiên lên tàu trước. Đem tất cả các thương binh
lên.Trật tự được giữ yên, với các quân cảnh súng đeo vai, bình tĩnh làm
việc. Lại cho lệnh thủy quân lục chiến, nhẩy dù,
biệt động quân, lính sư đoàn qua kho quân tiếp vụ lấy lương thực rồi
trở lại bến tàu. Kho quân tiếp vụ được lệnh bỏ ngỏ cho lính lãnh hàng và
tự do mặc sức khuân đi. Sau cùng tàu bay vẫn còn đủ chỗ cho tất cả phái
đoàn tổng tham mưu trở về cùng với cả gia đình binh sĩ. Nhân dịp này
tôi đưa được anh bạn cùng khóa là trung tá Nguyễn đức Chung từ Đà Nẵng
chạy về. Anh lên máy bay cùng với cùng với tùy viên của tôi là đại úy
Nguyễn thế Đỉnh.
Tôi ở lại dẫn lính tổng trừ bị ra bến tàu. Cũng chẳng phải can đảm gì. Cái thế phải như vậy. Nếu leo lên máy bay
sớm là bị lính ba gai bắn chết tại chỗ cùng với mấy anh quân cảnh.
Khi
trở về bộ chỉ huy 5 tiếp vận được biết ông trưởng đoàn đã cùng đại tá
Liễu tỉnh trưởng Cam Ranh bay trực thăng vào Phan Rang. Đại tá Mai duy
Thưởng cũng đã di tàn đường biển, cả bộ chỉ huy còn lại mình tôi với đại
tá Trường.
Anh
tài xế biệt phái lái xe cho tướngTrang hỏi thăm tôi bao giờ ông tướng
trở lại. Anh còn đi tìm ông
đại tá chỉ huy trưởng để nhận lệnh. Mặc dù lòng đang bấn loạn nhưng vẫn
tỉnh táo nói rằng bây giờ tôi là người chỉ huy ở đây. Anh tài xế vui vẻ
chờ lệnh. Báo cáo về Saigon cho trung tướng Khuyên,tham mưu trưởng liên
quân. Trung tá chánh văn phòng Nguyễn đình Bá nửa đùa nửa thật nói là
xếp chỉ thị anh Lộc có điều động được thì bây giờ làm chúa đảo kiêm Chỉ
huy bộ chỉ huy tiếp vận, luôn cả tỉnh trưởng Cam Ranh. Tôi ngao ngán nói
rằng lệnh bổ nhiệm chậm trễ 3 năm.
Bây giờ “moi” tìm đường chạy qua hải quân gặp ông đề đốc Hoàng cơ Minh.
Tôi nói chuyện về tổng tham mưu hoàn toàn bạch văn chẳng có kiểu cách
gì. Lúc đó đã khuya rồi. Chưa tắt máy, chợt có tiếng anh thượng sĩ
truyền tin xen
vào. Anh nói rằng, mấy hôm nay chúng em trên núi nghe tiếng đại tá nói
chuyện với bộ tổng tham mưu. Bây giờ không còn ai liên lạc về Saigon,
chúng em là siêu tần số truyền tin diện địa. Đại tá qua bên kia dùng hệ
thống hải quân, xin cho lệnh tụi em về. Tôi hỏi là có xe từ trên núi
xuống không. Anh ta nói là chúng em có 6 người truyền tin và 1 tiểu đội
địa phương quân. Xin cho chúng em rút. Tôi đồng ý cho lệnh cả toán lấy
tiêu lệnh triệt thoái ra mà thi hành. Phá hủy máy, giấy tờ và đặc lệnh
truyền tin. Ra lệnh rồi mà tôi cũng cứ băn khoăn, nghĩ rằng mình hơi ẩu.
Sau đó anh em chúng tôi còn lại đi 2 xe jeep chạy qua trung tâm huấn
luyện hải quân ở phía bên kia bán đảo. Cho lệnh các anh tài xế và hộ
tống tan hàng, không phải chờ đợi ai nữa.
Từ bên ngoài hàng rào, các anh lính biệt phái mới quen biết hai ngày
cùng giơ tay chào. Ngậm ngùi trông theo, thôi thì như vậy cũng đành. Đại
tá chạy, nhưng ông nói rằng ông chạy. Anh em không phải thắc mắc đợi
chờ. Quê em ở Ninh Hòa, mai này ông thầy có dịp trở lại ra quán vợ em
mua nem. Chúng nó nói đùa mà như có nước mắt.
CĂN CỨ HẢI QUÂN.
Phía
bên bộ binh tại Cam Ranh rối loạn bao nhiêu thì trong căn cứ hải quân
lại bình yên trật tự lạ lùng. Xem ra các chiến hạm khá nhiều mà không
thấy dân chúng ồn ào chen lấn.
Chúng
tôi ngồi uống nước buổi tối dưới hàng cây. Phía sân trước có 2 trực
thăng đậu sẵn. Tôi ngồi bàn tán chuyện thời sự với chuẩn tướng Thân và
trung tướng Thi bay từ Đà Nẵng về. Sẵn cơn tức giận pha lẫn đau thương
lo sợ, tôi phê phán tổng thống Thiệu thẳng
thừng. Ông Thi đồng ý nhưng ngồi yên lặng. Tướng Thân nguyên là tư lệnh
sư đoàn 1 thời kỳ anh bạn tôi là trung đoàn trưởng Nguyễn thế Nhã tử
trận, chúng tôi cùng đưa đám ở Mạc đỉnh Chi. Ông Thân rất cảm khái nói
rằng các “toa” là đại tá còn dám nói thực lòng, tổng thống đánh đấm thế
này thì chết cả anh em.
Giấc
khuya cả 2 ông lên trực thăng bay vào Nam. Ông Minh gặp tôi nói: Sao
không theo mấy ổng lên trực thăng. Thôi bây giờ tàu dưới bến, anh muốn
đi chiếc nào thì đi. Tôi bắt tay ông Minh nghĩ rằng không biết bao giờ
sẽ gặp lại. Sáng hôm sau, xuống tàu,
được biết ông Diệp quang Thủy đã về trước rồi. Ông Minh di chuyển bằng
tàu nhỏ. Trên mặt trận duyên hải, xem ra chỉ còn mình ông Minh bình tĩnh
giải quyết công việc.
Tôi
cùng sĩ quan bộ binh khác thuộc các đơn vị miền Trung di tản trên một
chiến hạm mà ngày nay chẳng còn nhớ con tầu nào. Sĩ quan chúng tôi lẫn
vào binh sĩ và dân chúng ngồi dưới sàn tầu. Buổi tối, tôi thảo điện văn
nhờ tàu gửi cho tư lệnh hải quân chuyển qua trung tướng tham mưu trưởng
liên quân. Ông hạm trưởng biết chuyện nể tình và cũng muốn giữ an ninh
nên đưa 2 ông đại tá tổng tham
mưu lên boong tàu nằm cho đỡ vất vả. Canh khuya, tôi chợt nghe thấy
tiếng cười của cô nữ quân nhân hải quân.Nằm phía ngoài hiên phòng lái
chịu cơn gió đại dương thân thể lạnh ngắt và đầu óc hết sức hoảng loạn
cho một tương lai bất định. Mới hơn 5 năm trước bay đêm trên trời Cam
Ranh, nhìn xuống quân cảng đèn sáng rực rỡ như thiên đường. Thương
thuyền và chiến hạm đầy bến. Các cầu tàu nhộn nhịp lên hàng. Không thể
tưởng tượng có ngày Mỹ bỏ Cam Ranh. Rồi đến VNCH cũng bỏ Cam Ranh. Đoàn
tàu từ giã bến cảng 1 thời nổi danh Đông Nam Á. Rồi tất cả rúc còi xuôi
Nam. Tàu của tôi chở đầy dân tỵ nạn nên không được vào Vũng Tàu. Phải
chạy ra Phú Quốc.
Ngay
sau khi cặp bến lên tầu thì ngày hôm sau có tin cô thiếu úy xã hội của
hải quân bị rớt xuống biển. Đó lại là con gái của vị tư lệnh hải quân
đầu tiên. Đại tá Lê Quang Mỹ. Tôi vẫn nhớ tiếng cười của người nữ quân
nhân hải quân giữa trùng dương mấy hôm trước. Trên đưởng chạy giặc mà
sao vẫn nghe thấy tiếng cười của cô gái trong trẻo như pha lê.
Tôi
nhớ đến các cháu gái nhà tôi. Ba đứa nhỏ tuổi hoa niên đang học Gia
Long ở Sài
Gòn. Rồi đây tương lai sẽ ra sao? Sau khi đến Phú Quốc vào đêm khuya,
sáng hôm sau tôi lên máy bay về Saigon. Việc đầu tiên là hỏi thăm nhà
của ông hạm trưởng để nhà tôi đem biếu hộp bánh với lời cảm ơn. Tôi cũng
có ý tìm hiểu xem vụ tai nạn có trở ngại gì không. Rồi đến cuối tháng
tư tôi thu xếp đem cả đơn vị xuống tầu quân vận ở bến Khánh Hội mà chạy
theo hải quân. Từ ngày đó không gặp lại đại tá Trường tổng tham mưu.
Không gặp lại đại tá Huy dù. Không gặp lại tướng Thủy. Các ông bạn một
thời chinh chiến lặng lẽ ra đi. Cùng ở nước Mỹ mà ra đi lúc nào, ai có
hay.
Nhưng sau cùng tôi có dịp tiễn đưa ông Diệp Quang Thủy
lần cuối. Dù bên ngoài trông ông Thủy bình thản hiền lành nhưng thực ra
những năm qua, trong phạm vi kín đáo ông vẫn sinh hoạt nhiệt thành với
các chính đảng hướng về đại nghĩa quang phục quê hương. Chuyện này ngay
anh em hải quân cũng ít người biết đến. Ông
Hoàng Cơ Minh một đời sôi nổi. Từ mặt trận duyên hải cho đến kỳ hạm đội
ra khơi lần cuối. Tiếp theo là thời kháng chiến hay là chết. Sau cùng
ông đã hy sinh tại Hạ Lào. Đề đốc Thủy kín đáo hơn, nhưng vẫn 1 lòng
nghĩ về quê hương cho đến giây phút cuối
cùng. Hai ông hải quân mỗi người đeo một sao. Một ông người Bắc, một
ông Nam Kỳ. Cả 2 ông đều làm tôi nhớ lại Cam Ranh. Trên
sân khấu của đại hội hải quân ngày 1 tháng 12-2013 tôi có dịp kể chuyện
Cam Ranh và ngỏ lời cảm ơn ông hạm trưởng con tầu tháng tư đã chở tôi
về Phú Quốc mà thực sự tôi đã quên tên. Chỉ còn nhớ chuyện cô gái chết
rất đau thương. Tối qua, tìm được điện thoại, ngay tại San Jose từ hơn
30 năm qua, anh em mới có dịp hàn huyên. Tôi mới được biết con tầu đầy
kỷ niệm là HQ.500 của ông hạm trưởng trung tá Lê Quang Lập, quê Phan
Rang, xứ sở của ông Thiệu. Danh hiệu hết sức tình cảm của HQ 500 lại là
Dương vận hạm Cam Ranh. Sự tình cờ làm đậm đà cho bài hồi ký 38 năm
sau.
Nhớ
mãi ông Trường TTM, ông Huy Dù, ông Thủy hải quân và tôi trong chuyến
bay buổi sáng đầu tháng tư, năm 75. Ông Trang ngồi trong phòng lái. Anh
em mình ngồi một dãy bên nhau, tin tan hàng mất đất dồn dập, chẳng ai
nhìn thấy tương lai. Tuy nhiên không ai biết rằng đến lượt Cam Ranh, chỉ
còn đứng vững ba ngày rồi tan ra như lửa thiêu nước
đá. Chẳng thấy bóng quân thù. Không một tiếng súng. Các binh đoàn cứ mờ
dần như đang mộng du. Lúc đó chúng tôi 20 tuổi học trò, 20 tuổi lính,
40 tuổi đời. Gần 40 năm sau, chỉ còn mình tôi ngồi nhớ khung trời Cam
Ranh mà chẳng biết bây giờ các ông ở đâu.
Giao Chỉ, San Jose.
1 comment:
vùng Cam Ranh bí ẩn thật
Post a Comment