Sunday, December 29, 2013

Hồi Ký - Yểm Trợ Trận Chiến Hoàng Sa _ Nguyễn Văn Sáng




http://vnafmamn.com/NAVYphoto/HQVN101.jpg
Ngày 17 tháng 4 năm 1974, chiến hạm Vĩnh Long HQ-802 (LST) của chúng tôi bỗng sôi động hẳn lên với lệnh rời vùng trách nhiệm Trường Sa để tiến về quần đảo Hoàng Sa. Có tin đồn Trung Cộng sắp tấn công tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa, và Hải Ðội III Ðặc Nhiệm trực thuộc Hạm Ðội chuẩn bị nghênh chiến. Chiến hạm chúng tôi được điều động đi yểm trợ tiếp vận vì đã được thực tập trong lực lượng đặc nhiệm Hải Ðội III năm 1973, vừa là 1 tàu với nhiều máy móc kỹ thuật. Phản ảnh sự sôi động của tình hình bây giờ, người ta còn nghe mọi thủy thủ trên tàu trong câu chuyện thường nhật lại nói chêm thêm dăm ba câu tiếng tàu vào các câu đùa cợt trong suốt hải trình ra vùng Hoàng Sa. Ðời quân đội là thế, thằm chút khôi hài trong cái cực nhọc để tìm chút vui tươi. Cá nhân tôi, vừa được đi du tập qua các quốc gia Á Châu trong vùng trách nhiệm của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ về lại Hạm Ðội VN, nhận thấy quá rõ ràng thái độ mới của chính trường Hoa Kỳ và sự bấp bênh của chính quyền Nixon, lòng tôi âu lo về sự xuất hiện của loài cá mập này càng làm gia tăng gánh nặng cho HQVN. Như vậy, thật bất ngờ, trận hải chiến Hoàng Sa sắp thành sự thật.
 Nhiệm vụ của Hải Ðội đặc nhiệm được thành lập từ năm 1973 nhằm đối phó với vấn đề đặt quân trú phòng trên lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa, song song với việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên dầu hỏa thuộc về chủ quyền VN. Hải Ðội đặc nhiệm được chỉ huy bởi HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc (Khóa 5), cũng là Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội 3 (Hải Ðội Tuần Dương), thuộc BTL Hạm Ðội. Thành phần của Hải Ðội đặc nhiệm cùng thao dượt mùa hè 1973 gồm có: CXH HQ-802 (Hạm Trưởng HQ Trung Tá Vũ Quốc Công) là soái hạm, CXH HQ-801 (có chở theo các Sinh Viên Sĩ Quan thuộc Trung Tâm Huấn Luyện HQ Nha Trang), Khu Trục Hạm HQ-4 (DER) và 3 Tuần Dương Hạm (WHEC). Ngoài ra còn được tăng phái 1 số hạm trưởng thâm niên để thực tập các công tác tiếp vận quy mô ngoài khơi.

 
Trước đó khoảng 3 tháng, bỗng dưng Bắc Kinh lên tiếng tuyên bố chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa. Ngoại trưởng VNCH ông Vũ Văn Bắc liền lên tiếng bác bỏ và cực lực lên án ý đồ xâm lăng này của Trung Cộng. Ngày 16-1-1974 Trung Cộng mang 2 chiến hạm số 402 và 407 cùng nhiều ngư thuyền vũ trang đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngày 17-1-1974, Khu Trục Hạm HQ-4 đến Hoàng Sa gây áp lực buộc lức lượng Trung Cộng rút khỏi 2 đảo Cam Tuyền và Vĩnh Lạc. Tuy nhiên, chiến hạm của Trung Cộng vẫn lảng vảng trong vùng. Chiều lại, tin báo cáo cho biết có thêm 2 chiến hạm săn tàu ngầm loại Kronstad của Trung Cộng được tăng cường. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, Bộ Tư Lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng và Vĩnh Lạc. Ðồng thời, tăng cường thêm Tuần Duyên Hạm HQ-5 (Cruiser) và Hộ Tống Hạm HQ-10 (Escort) vào vùng chiến cùng với Khu Trục Hạm HQ-4 (Destroyer) và Tuần Duyên Hạm HQ-16 (Cruiser). Tăng cường thêm có Toán Hải Kích SEAL điều động bởi HQ Ðại Úy Nguyễn Minh Cảnh (Khóa 20), và toán Biệt Hải điều động bởi HQ Trung Úy Lê Văn Dũng (Khóa 20), 1 Trung Ðội Ðịa Phương Quân đang trú phòng tại đảo chính, đảo Hoàng Sa, và 1 phái đoàn công binh của Quân Ðoàn 1 (do Thiếu Tá Hồng chỉ huy) tăng viện để xây cất một phi đạo trên đảo Hoàng Sa. Lực lượng HQ Trung Cộng có 11 chiến hạm và ghe thuyền (gồm các tàu Khinh Tốc Ðỉnh Komar với hỏa tiễn hải-hải, Vớt Mìn, Trục Lôi Hạm và Hộ Tống Hạm), tổng số binh sĩ Trung Cộng hiện diện không rõ. 
Chiến hạm chúng tôi, HQ-802, hai máy tiến full vận chuyển với tốc độ nhanh đến vùng 1 Duyên Hải ngày 18-1-1974 để nhận lệnh. Trên đường đi Hạm Trưởng HQ Trung Tá Vũ Quốc Công ra lệnh hạm phó, Thiếu Tá Thái, chỉ huy bắn thử các trọng pháo để thao dượt tác xạ. Mỗi phát đại bác bắn đi, tàu chúng tôi rung chuyển khắp thân của khối sắt nỗi, hầu hết thủy thủ đoàn đều lên boong tàu lúc thao dượt tác xạ. Chúng tôi chỉ biết HQ-5 đã tiến ra Hoàng Sa với toán SEAL, HQ-4 mang theo toán Biệt Hải, và HQ-16 đang có mặt ngoài khơi Hoàng Sa. Dĩ nhiên là mọi thủy thủ đều quan tâm đến những diễn tiến đầy kinh ngạc này. Ðang bận đương đầu với chiến cuộc với CSVN mà HQVN tham dự bằng yểm trợ hỏa pháo từ mặt biển, nay nghe tin HQ Trung Cộng sử dụng chiến hạm với tốc độ nhanh trang bị hỏa tiễn vượt trội hơn hỏa lực HQVN, ai cũng lo ngại về sự bất cân bằng của trận hải chiến. Trước đó khoảng 1 năm, CXH Vĩnh Long HQ-802 được lệnh đi thao dượt tập đội tại ngoài khơi Trường Sa, theo các tin tức là 2 quần đảo Trường và Hoàng Sa có thể có các mỏ dầu quan trọng. Từ đó chúng tôi rời đất liền với những công tác dài hạn kéo dài vài ba tháng lênh đênh chỉ thấy những nước và sóng biển, thèm khát mặt đất, cây cối, nhà cửa và những tà áo dài. Hải đảo Trường Sa buổi chiều các hải âu bay về hòn đảo nhỏ với số lượng đông đảo làm đen cả bầu trời và tiếng kêu chíu chít nhộn nhịp của bầy chim có thể nói kinh khủng như phim “Birds” của vua kinh dị Hitchkok. Ai muốn bắt bao nhiêu chim và lấy bao nhiêu trứng chim hải âu này đều được cả. Chỉ cần lấy xoong, giỏ ra mà xúc bắt vì chúng nhiều vô số. Các sinh vật dưới biển nhiều con thật lạ lùng, các anh Ðịa Phương Quân ăn phải cá biển độc bị sưng phù và nhiễm bệnh nhiều đến nỗi chúng tôi phải chở thêm y sĩ ra trị bệnh. Có buổi chiều tàu bỏ neo, tôi đứng gần anh hạ sĩ Ðương đang thả mồi câu cá. Mồi nhấp nhấp rung dưới nước, hạ sĩ Ðương giật lên 1 con cá khá lớn. Anh vừa kéo cá lên khỏi mặt nước khoảng 1 mét, bỗng từ dưới nước nổi lên 1 con cá mập phóng ngang qua táp mất con cá của hạ sĩ Ðương, cắn đứt luôn cả dây câu, và biến vào lòng biển. Mọi người chúng tôi đều nhìn nhau kêu “Ồ” một tiếng. Từ hôm ấy, chúng tôi không rủ nhau nhảy xuống biển vùng ấy để bơi lội khi trời nóng bức, điều mà chúng tôi vẫn thường làm mấy hôm trước. Cả hai vùng biển Trường và Hoàng Sa đều nổi tiếng là có nhiều đá ngầm tức là các đỉnh núi của những núi chìm với chân núi sâu một hai ngàn thước, ví như các bãi chông dễ thọc lũng các tàu bè. Các tàu khi mắc đá ngầm bị bể nát cả thân, chỉ nỗi lềnh bềnh phần trên trở thành xác khô phơi thân cùng sương gió. Ngày còn phục vụ trên HQ-800 tàu chúng tôi cũng đã trợ giúp kéo tàu Trường Xuân của Vishipcoline khi tàu này bị mắc cạn ở 
Trường Sa. Có trải qua cái khổ tâm đó thì mới hiểu cái kinh dị của hai vùng biển này. 
Sáng sớm ngày 19-1-74, trong khi tàu chúng tôi được lệnh bỏ neo ngoài khơi, quá Ðà Nẵng ngang hòn Tri Tôn, Hạm trưởng Công ra lệnh 2 toán đặc biệt trang bị vũ khí và áo phao có cả 2 binh sĩ người nhái trực thuộc HQ-802 hạ xuồng chuẩn bị ứng chiến. Tuy nhiên, lệnh từ Bộ Tư Lệnh Vùng 1 vẫn giữ chúng tôi trong tình trạng chờ để yểm trợ. Cùng lúc ấy, tại quần đảo Hoàng Sa, toán Hải Kích SEAL (Người Nhái) của HQVN được lênh đổ quân lên đảo Quang Hòa do Trung Cộng chiếm cứ. Quân Trung Cộng nổ súng khiến cho 2 người nhái VN chết (Hạ Sĩ Long “sandwich”, và HQ Trung Úy Ðơn). Toán Hải Kích rút về chiến hạm HQ-5 lúc 9:30 sáng. Trận hải chiến ngay sau đó bắt đầu lúc 10:00 sáng. Tôi được biết chiến hạm 2 phía dàn hình đối mặt, HQ Việt Nam ở vòng ngoài tiến về hướng Ðông Nam vào, Trung Cộng vây quanh đảo Quang Hòa, hướng về phía Ðông Bắc nghênh chiến. Sĩ quan chỉ huy chiến thuật (HQ Ðại Tá Ngạc) ra lịnh khai hỏa, tác xạ trực tiếp vào tàu địch. HQ Trung Cộng phản công. Trận hải chiến diễn ra với tổn thất hai bên như sau: 
- VNCH: HQ-10 bị chìm tại trận. HQ-16 bị hư hại nặng, (phòng máy bị trúng đạn nhưng còn hải hành được). HQ-5 và HQ-4 bị hư hại nhẹ. Gần 50 binh sĩ bị tử thương, kể cả hạm trưởng HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà của HQ-10 cùng chết theo tàu. 
- Trung Cộng: Chiếc Kronstad 271 (soái hạm ) bị chìm. Ba chiến hạm tham chiến còn lại bi hư hại nặng và trung bình. Con số tử vong và bị thương không rõ. 
Chúng tôi nóng lòng theo dõi các diễn tiến của trận hải chiến và rất đau lòng trước cái chết của một số đàn anh và các chiến hữu mà chúng tôi đã gặp từ Hải Ðội 3 Duyên Phòng (Vũng Tàu). . . Một lần nữa cái đau xót xưa lại trở về, kẻ thù Phương Bắc lại dày xéo mãnh giang sơn mà cha ông chúng ta đã lập nên. Sau trận Hoàng Sa, Trung Cộng lập tức huy động một lực lượng hùng hậu kết hợp Hải-Lục-Không Quân với gồm cả 42 chiến hạm và 2 tiềm thủy đĩnh tấn công đổ bộ bao vây tấn chiếm đảo chánh Hoàng Sa và các đảo kế cận, bắt giữ tất cả binh sĩ VN trên các đảo giải về Trung Cộng.

 
 
 
Sáng ngày 20-1-74, hai chiến hạm HQ-4 và HQ-5 về lại Ðà Nẵng cập bến an toàn gặp lại HQ-16 đã về đó trước, tất cả các chiến hạm đều bị trúng đạn. Chiến hạm chúng tôi sau đó được lệnh trở về Vũng Tàu. Sau này khi tàu về đến Vũng Tàu, tôi thấp thỏm mong tin về các bạn SQ cùng khóa tham dự trong trận đánh đó là HQ Ðại Úy Nguyễn Minh Cảnh (Người Nhái) và nhất là HQ Trung Úy Lê Văn Dũng (Biệt Hải) bị HQ Trung Cộng tiến chiếm đảo Hoàng Sa bắt mang về Trung Cộng, cùng với các Ðịa Phương Quân và toán Công Binh. Khi thoáng thấy HQ-471 do HQ Ð/Úy Hoàng Thế Dân (Khóa 20) làm Hạm Phó lù lù xuất hiện về lại cửa biển Vũng Tàu từ vùng chiến Hoàng Sa, chúng tôi đã lên máy truyền tin và vì quá mong đợi tin an nguy lẫn nhau đã liên lạc trực tiếp bằng bạch văn về tin tức của trận hải chiến, bất chấp các lệnh mã hóa truyền tin. 
Trong hải sử cận đại mà các cuộc hải chiến xảy ra rất hiếm hoi, biến cố Hoàng Sa là trận hải chiến đã hâm nóng lại mối thù sâu xa với kẻ thù Phương Bắc, mà liên tục qua nhiều thế kỷ đã tìm cách xâm chiếm và xâm phạm chủ quyền nước Việt Nam, như một anh láng giềng ngoan cố tệ hại nhất. Trận hải chiến Hoàng Sa đã để lại tâm khảm tôi một số ưu tư dằn vặt mà qua thời gian tôi vẫn không thể nào khuây. Chúng ta không thể nào quên được ý đồ xâm chiếm của kẻ thù Phương Bắc. Kém may mắn thay, đi kèm với hành động xâm lăng ấy là một thái độ trở cờ của chính trường HK, hậu quả của lỗi lầm về chánh trị của Tổng Thống Nixon trong vụ Watergate. Nước VN đã bị cô lập và bị từ khước các chọn lựa bằng giải pháp ngoại giao, để rồi phải chọn hình thức hi sinh, chiến đấu trong vô vọng, liều chết để bảo tồn danh dự trước kẻ thù mạnh hơn mình về quân sự. Tuy nhiên có lẽ niềm đau day dứt nhất vẫn là cái chết đáng thương của các chiến sĩ Hải Kích kiêu hùng mà quân chủng Hải Quân đã phải tốn bao nhiêu công sức để đào tạo. Họ được lệnh đổ bộ lên đảo trước các mũi súng địch đang gờm chờ sẵn trong hàng phòng thủ, mà không hề được hải pháo dọn bãi yểm trợ. Rồi nghĩ lại hoàn cảnh HQ-10 trong tình trạng bán khiển dụng (tàu có 2 máy chánh nhưng một đã bị hư), mà vẫn được lệnh tham chiến để rồi bị trúng đạn chìm vào lòng biển cả. Người lính VN đã phải trực diện với bao phi lý của thời cuộc như thế chỉ để nối tiếp các thế hệ đàn anh viết lên những trang sử đỏ thẳm bằng máu của chính họ. Xin đốt một nén hương lòng cho các anh hùng Hoàng Sa và mượn lời thơ của Nguyệt Trinh để ghi khắc công trạng ấy và cầu mong cái chết của họ không trở thành vô nghĩa: 

Sóng biển chiều nay cuồn cuộn quá
Còn đây uy dũng pháo Hoàng Sa
Vành khăn tang trắng đầu con trẻ
Kinh buồn vĩnh biệt tiếng cười cha
Nguyễn Văn Sáng
http://www.nsvietnam.com/tailieu/hkhoangsa.html

Nam Yết chuyển

1 comment:

LOI CHAU said...

Bài hồi ký này ngay đoạn văn mở đầu đã sai nhiều dữ kiện. Hải chiến Hoàng Sa diễn ra ngày 19-01-1974. Tác giả viết ngày 17-04-1974 Cơ Xưởng Hạm HQ.802 ra công tác Hoàng Sa (nghĩa là sau đó gần 3 tháng) và Hạm Trưởng HQ.802 là Hải Quân Trung Tá VŨ QUỐC CÔNG. Hạm Trưởng Công thời gian xẩy ra hải chiến Hoàng Sa đang phục vụ tại BTL/LLĐN.212 Tuần Thám, tháng 2/1974 mới thuyên chuyển về Hạm Đội làm Hạm Trưởng HQ.07 đến tháng 10/1974 mới đổi sang làm Hạm Trưởng HQ.802 thay thế Hải Quân Trung Tá PHẠM CỪ (K.6 SQHQ/NT).

Đoạn văn chót kể chuyện tác giả gặp bạn cùng khóa 20 SQHQ/NT là HQ Đại Úy Hoàng Thế Dân Hạm Phó HQ.471 cũng sai nốt. Đại Úy Dân từ HQ.11 (sĩ quan đệ tam) đổi sang làm hạm phó HQ.471 từ cuối tháng 2/1975.

LỜI NÓI THẬT CỦA BÁC SĨ -Tác giả: Dr Hồ Hải /Dr Trinh Kim

Khi vào nghề Y đến nay đã hơn 30 năm, hễ cứ đến ngày này là nhận nhau những lời chúc tụng. Tôi không biết là mình có nên chúc tụng đồng nghi...