Bìa 2 tuyển tập.
Phan Tấn Hải
Thuyền nhân -- dịch từ tiếng Anh là boat people, theo cách báo chí quốc tế mô tả về hiện tượng hàng loạt người dân Việt lên thuyền bỏ chạy khỏi quê hương sau năm 1975 để trốn khỏi một chế độ trị dân hung ác hơn cọp dữ, mà người xưa gọi là “hà chính mãnh ư hổ.” Hình ảnh này đang nhạt dần đi, một phần vì chính phủ Hà Nội xóa các biểu tượng liên hệ tới thuyền nhân, một phần vì chế độ cởi mở hơn, và một phần vì trí nhớ lúc nào cũng có khuynh hướng phai nhạt dần...Năm 2005, chính phủ Hà Nội lặng lẽ vươn tay xa ngàn dặm, đấm vỡ các biểu tượng thuyền nhân: Nhật báo Jakarta Post, ấn bản ngày 20-6-2005, loan tin rằng chính ông Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đức Lương xin Tổng Thống Indonesia đập vỡ tượng đài tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Galang, và Indonesia đã cho thợ đập bể tượng đaì này, đặc biệt là khung chữ... Hình ảnh tượng đài thuyền nhân bị đập bể vẫn còn trên mạng https://images.google.com/ khi bạn gõ nhóm chữ “galang boat people memorial”... Tương tự, một tượng đài ở Mã Lai cũng bị xóa sổ theo ý muốn của nhà nước Hà Nội.
Nhưng ký ức về thuyền nhân vẫn lưu giữ trong tâm khảm của nhiều người, trong đó có nhà truyền thông Ngụy Vũ – trong những ngày cuối năm 2013, anh đã xuất bản 2 tuyển tập, tựa đề “Hành Trình Thuyền Nhân” cho bản Việt ngữ, và tựa đề “The Vietnamese Boat People” cho bản Anh ngữ. Những trang sách này không chỉ lưu giữ quá khứ, nhưng sẽ làm chúng ta hiêủ hơn về một thời mà người phải sợ người hơn là sợ những đợt sóng tử thần ngoài biển, và đặc biệt sẽ giúp chúng ta biết cách sống tử tế và yêu thương nhau hơn, khi đọc lại những cảm xúc từ phía những người thuyền nhân.
Những dòng chữ trong hai tuyển tập này hầu hết không mang tính hận thù, không kêu gọi trả thù... nhưng đọc kỹ và bạn sẽ thấy đây là những dòng nước mắt thuyền nhân đã khô, được ghi lại trên giấy để trút ra các gánh nặng tự tâm, để tự hòa giải với chính những ẩn sâu ký ức của người viết, và như một hình thức cầu siêu cho những người bạn thuyền nhân không tới được bến bờ nào...
Cuốn “Hành Trình Thuyền Nhân” dày 316 trang, gồm 23 bài viết từ thuyền nhân, một bài giới thiệu của nhà thơ Du Tử Lê, bản kẽ và lời ca khúc “Người Di Tản Buồn” của Nam Lộc, nhiều hình ảnh và thống kê.
Cuốn “The Vietnamese Boat People” dày 330 trang, gồm 25 bài viết Anh ngữ, bài Foreword của David Hideo Maruyama, bài Introduction của Ngụy Vũ, nhiều hình ảnh và thống kê.
Cần ghi nhận rằng, cuốn “The Vietnamese Boat People” không phảỉ là bản dịch Anh ngữ của cuốn “Hành Trình Thuyền Nhân” – do vậy, nếu bạn quan tâm về thuyền nhân, muốn giữ một phần lịch sử và muốn cho thế hệ trẻ đọc về một phần ký ức đời bạn, hãy mua cả 2 tuyển tập này. Thí dụ, tác giả Dao Van Binh (có lẽ là nhà văn Đào Văn Bình ở San Jose?) viết bài Anh ngữ trang 195-212 tựa đề “Oh Ocean, Give Everything Back to Me” -- kể chuyện thuyền nhân trên đảo Bidong (Mã Lai), về bé gái Chi Mai, cùng ba mẹ vượt biên từ Cửa Bình Đại, tỉnh Kiến Hòa; ghe của họ gặp hải tặc Thái Lan, mẹ bé Chi Mai bị kéo lên taù hải tặc, ba của bé bị hải tặc tấn công, khi hấp hối trăn trối là bé Chi Mai đừng định cư nơi đâu một mình, phải chờ mẹ đã... Chuyện này còn thêm nhiều tình tiết trên đảo, tới vàng, tới nợ, tới đủ thứ tham sân si của lòng người... Truyện này không có bản Việt ngữ ở “Hành Trình Thuyền Nhân” – do vậy, những gia đình thuyền nhân rất nên có cả 2 tuyển tập.
Bài “Ngụy Vũ, một chân dung khác” của Du Tử Lê nơi đầu cuốn “Hành Trình Thuyền Nhân” đã viết, có đoạn thi sĩ Du Tử Lê kể về khởi đầu hình thành tuyển tập, trích:
“...Năm 2003, tuyển tập “Hành Trình Thuyền Nhân” tức “Hành Trình Biển Đông,” tập 1, ra mắt. Khơi lại dòng lệ đau thương, bi đát của thân phận thuyền nhân Việt Nam, trên biển khổ... Một năm sau, ông cho ra mắt tuyển tập “Hành Trình Thuyền Nhân” tức “Hành Trình Biển Đông” 2 và, cũng trong năm 2004 này, bản dịch tiếng Đức, được giới thiệu với độc giả Germany. Không đầy hai năm sau, bản dịch Anh ngữ hoàn tất - Gửi biếu tất cả các vị dân cử ở Thượng cũng như Hạ Viện Hoa Kỳ. Như một nhắc nhở xin đừng quên những oan hồn thuyền nhân Việt nơi mồ sâu đáy đại dương và, xin hãy nhớ tại sao? Vì đâu?...
Được biết, hai tập sách “Hành Trình Thuyền Nhân,” từng được ghi nhận là “best seller,” và cũng là tác phẩm được giới thiệu, tìm đọc khắp nơi trên thế giới, đang được Ngụy Vũ tái bản, phát hành trong năm nay.
Ở đây, tôi thấy không cần thiết phải nhắc tới những việc làm ý nghĩa khác của Ngụy Vũ. Như: Năm 2003, ông tham gia phái đoàn truyền thông báo chí tới Philippines để tranh đấu cho hơn 2,000 thuyền nhân không bị trục xuất về VN. Giúp số thuyền nhân tuyệt vọng này, được ở lại Philippines, chờ chính phủ Mỹ cho phép định cư...”(hết trích)
Ngụy Vũ tất nhiên là một nhà truyền thông tài năng, nhưng các tuyển tập về thuyền nhân do ông chủ trương sẽ đưa ông vào một vị trí khó bị quên lãng trong lịch sử cộng đồng Việt tỵ nạn. Cộng đồng có nhiều nhà truyền thông tài năng, có thể tới vài chục nhà truyền thông tài năng khi chúng ta điểm danh ở Quận Cam, ở San Jose, ở San Diego, ở Houston, ở Seattle... nhưng chỉ có một Ngụy Vũ là người gom ký ức thuyền nhân về làm những tượng đài trên giấy mực.
Và càng đọc kỹ, chúng ta lại càng ngậm ngùi trước cõi mang mang thiên địa...
Thí dụ, như khi đọc hồi ký “Truyện Miên Viễn của Long Châu, các trang 252-275 trong “Hành Trình Thuyền Nhân.”
Thuyền chạy đã ba ngày, lúc đó tác giả nằm sau lái, thì một cô người Việt gốc Hoa mấy hôm nay nằm ôm con nhỏ trong cabin, bây giờ ra xin nằm bên tác giả vì, cô kể, cô sợ khi thấy trong mơ một người đàn bà tóc rũ, áo dài trắng bay lướt trên mặt nước, đưa tay chỉ vào mặt cô và nói bà đã nguyền rằng cô phải đi khỏi nơi đây để cứu con và mọi người trên ghe, và cô dặn tác giả là cho gửi đứa con tên là Mimi cho anh nuôi giùm... Rạng sáng hôm sau, mọi người hốt hoảng vì cô té xuống biển...
Tóm tắt hồi ký, chỉ vài lời. Nhưng đọc diễn biến, là cả một thảm cảnh... Những lời kể làm chúng ta tự hỏi, rằng có cõi nào bí ẩn nơi biển sâu không, hay nơi cõi trời nào thật cao không?
Độc giả quan tâm có thể liên lạc với Ngụy Vũ ở:
NV Foundation
6763 Wilson Blvd., Suite 5,
Falls Church, VA 22044
Phone: (703) 992-6100 – (703) 309-2953.
nguyvu@nvradio.co
www.nvradio.co/
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment