Monday, December 30, 2013

Nhựt Thắng, Trung Cộng Thua_Tác giả : Vi Anh

Thắng thua ở đây không luận trên bình diện chiến trận quân sự. Vì căng thẳng giữa Trung Cộng và Nhựt coi vậy chớ khó xảy ra chiến tranh. Thắng thua ở đây xét qua quyền lợi được mất trên phương diện đối nội và đối ngoại. Nếu xét thắng thua trong phạm vi đó, thì TC thua vì chiến lược ngang ngược bành trướng biển đảo đã làm cho TC tốn hao tiềm lực kinh tế, lại thêm thù bớt bạn. Còn Nhựt thắng bởi vượt qua được bản Hiến pháp chủ hòa bị Mỹ áp đặt sau Đệ Nhị Thế Chiến, có thể tăng ngân sách quốc phòng cao nhứt, tăng cường và hiện đại hoá quân đội. Còn nữa và rất quan trọng là, đối nội, khơi động và phát huy được tinh thần hy sinh bảo vệ Tổ Quốc của người Nhựt; và đối ngoại, liên kết được các nước trong vùng cùng mối âu lo bị TC xâm lấn.

http://ir.blogs.ie.edu/files/2013/02/64b720d3-a89d-42e7-ba78-69c5c1bec68d.img_.jpg
Thực vậy, Đảng Nhà Nước TC đã bỏ ra rất nhiều công của, thời gian, sức người, quyền lực cứng; TC đã phải chịu rất nhiều tai tiếng xấu trong vấn đề TC bành trướng ra Đông Thái Bình Dương. Nhưng cho đến bây giờ TC chỉ có tiếng mà không có miếng. Gần như như TC đã “dã tràn xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.”

TC không chiếm được một tấc đảo, một mét biển nào của Nhựt, không giành được dù một phần nhỏ thế hải thượng (suprématie maritime) nào trên biển Á châu Thái Bình Dương với Mỹ. Hoàn toàn không kiểm soát được con đường hàng hải huyết mạch từ Eo Biển Mã Lai đi lên, chuyên chở 70% hàng hoá của thế giới và 80% xăng dầu sinh tử cho TC.

Trái lại mỉa mai thay, TC vô tình giúp cho Nhựt nhiều đại lợi nội địa lẫn ngoại giao, tạo cho Nhựt cơ hội bằng vàng mà Nhựt mong mỏi từ sau Thế Chiến 2.

Mỹ mất lý do ngăn cản Nhựt tăng cường quân sự trước áp lực bành trướng của TC. Trước áp lực bành trướng của TC, với ngân sách kiệm ước của Mỹ, Mỹ sẵn sàng và cần để cho Nhựt tăng cường quân sự.

Với cơ hội hơn 60 năm bị kềm chế quân sự mới có một lần vùng lên này, sức bật của đất nước và nhân dân Nhựt như sống dậy tinh thần võ sĩ đạo hy sinh hết mình cho Tổ Quốc.

Nhựt với tư cách siêu cường kinh tế thứ ba trên thế giới và là cùng nạn nhân của chiến lược bành trướng của TC, như các nước Á châu Thái Bình Dương, nhứt là 10 nước của ASEAN, Nhựt dễ dàng trở thành quốc gia viện trợ, giúp phát triển kinh tế cùng có lợi, làm giảm ảnh hưởng kinh tế của TC. Với thế lực siêu cường kinh tế thứ ba của thế giới của mình, Nhựt dễ gián tiếp trở thành quốc gia điều họp liên minh kinh tế các nước Á châu Thái Bình Dương, với một khối người trên 600 triệu và tăng gia kinh tế cao từ 5 tới 6% trở lên.

Trong chiến lược bao vây quân sự và kinh tế TC, Mỹ rất cần một đồng minh trong vùng Á châu Thái Bình Dương, thân cận về chánh trị, quân sự và kinh tế vững vàng. Không có nước nào hội đủ những điều kiện ấy hơn Nhựt đối với Mỹ.

Gặp đúng thời cơ, nhơn hoà, Nhựt tăng cường quân sự một cách tích cực và khẩn trương.

Tin RFI của Pháp và Tạp Chí Time của Mỹ cho biết ngày 17/12/2013, Thủ Tướng Abe quyết định tăng 5% chi tiêu quân sự trong vòng 5 năm tới, với một số tiền lớn là 240 tỷ Mỹ Kim. Đây là lần thứ 2 kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2012, Thủ tướng Abe thông báo tăng ngân sách quốc phòng. Để tăng cường quân đội Nhật. Để đối phó với TC, nào phải hiện đại hoá và tinh nhuệ hải lục không quân. Nào mua sắm, làm ra vũ khí tối tân, phương tiện hiện đại như chiến đấu cơ của Mỹ thế hệ mới F35 hay tàu chiến, tàu lặn được trang bị hệ thống phòng không Aegis, cũng như gia tăng số tàu ngầm thêm 5 chiếc, đưa vào sử dụng hàng không mẫu hạm trực thăng, hạ thủy chiếc khu trục hạm khổng lồ Izumo có đường băng tiếp nhận máy bay như một hàng không mẫu hạm.

Viện nghiên cứu chiến lược IISS đánh giá «Đội quân Tự vệ của Nhật, là quân lực tân tiến nhất tại Á châu», cho dù chỉ có 250.000 quân. Đài truyền hình Phượng Hoàng ở Hồng Kông có lập trường thân TC cũng phải nhận định: nếu có chiến tranh, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các hạm đội Trung Quốc sẽ không đủ sức đương đầu với khả năng tác chiến của hải quân Nhật.

Còn người dân Nhựt tinh thần vươn lên, uỷ nhiệm cho chánh phủ cứng rắn để đối đầu với áp lực bành trướng của TC. Hai cuộc bầu cử Thượng và Hạ Viện Nhựt, là hai lần trưng cầu dân ý của người Nhựt quyết bảo quốc, vệ quốc bất cứ giá nào, không để một tấc đất, tất biển nào của Nhựt lọt vào tay ngoại bang. Đảng của Thủ Tướng Abe cứng rắn, kiên quyết đối phó với TC hai lần thắng cả hai, với đa số áp đảo.

Đối ngoại Nhựt bung ra, liên kết, phát triễn an ninh, kinh tế, chánh trị được với nhiều nước ở Á châu Thái Bình Dương. Ở Bắc Á, Nhựt hoà dịu với Nga để dồn sức xuống phía nam đối phó với TC. Hai bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Nhựt và Nga đã họp bàn về phát triễn đối tác chiến lược. Ở Nam Á, Nhựt đi với 10 nước ASEAN. Mới đây Nhựt đã thành công liên kết được với đa số nước của ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Asean ở Tokyo đã công bố cam kết sẽ cùng nhau bảo đảm quyền tự do hàng không trong khu vực, gián tiếp chống lại việc TC tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở Bắc Thái Bình Dương xâm phạm vùng trời, vùng biển của Nhựt và Nam Hàn.

Xem ra Nhựt đã tạo cái thế liên hoàn bao vây và cô lập TC rất kỹ. Chiến lược này được Mỹ yểm trợ và nhờ vậy Nhựt trở thành cường quốc Thái Bình Dương đóng vai trò điều hợp trong vùng. Còn Mỹ với sư hiện diện đồng minh Mỹ như điều kiện ổn định trong khu vực, như lá chắn che chở các nước trước đà bành trướng đầy gây hấn và đầy tham vọng đất đai, biển đảo của TC.

Người ta thấy khi được Quốc Hội đưa lên nắm chánh quyền, Thủ Tường Abe đi cả 10 nước của ASEAN, nhưng khác với các thủ tướng Nhựt khác, TT Abe chưa bước chân tới TC.

Nhưng Nhựt mở rộng bang giao, giao thương và viện trợ cho ASEAN, cho ASEAN vay 20 tỷ mỹ kim. Con số quá lớn so với TC chỉ cho vay 27 tỷ. Nhựt viện trợ không hoàn lại cho Phi hai và VN hai tàu tuần. Nhựt ủng hộ Phi kiện TC ra trước toà luật biển của Liên Hiệp Quốc..

Trước hội nghị thượng đỉnh của ASEAN tại Tokyo, Nhựt đã ký thêm 3 hiệp định song phương về trao đổi ngoại hối (swap) với Indonesia, Philippines và Singapore. Các thỏa thuận này nhằm mục đích hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á trong trường hợp các nước này gặp khó khăn về tài chính.

Các ngân hàng lớn của Nhật Bản như Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ đang tìm kiếm những thị trường mới ở Đông Nam Á qua việc đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, Tokyo cũng đã đồng ý cho Miến Điện vay tổng cộng gần 500 triệu đôla để phát triển.

Nhựt đang thực hiện kế hoạch dời các cơ xưởng sản xuất của Nhựt ra khỏi Trung Quốc tránh nạn kỳ thị và lương công nhân tăng cao, sang VN, Nam Dương và nhiều nước khác của ASEAN.

Trong khi đó TC quậy đục nước Thái Bình Dương mấy năm trời, tốn kém không biết bao nhiêu, mang tai mang tiếng vô số mà chẳng được gì trên trường ngoại giao và trong nước./. (Vi Anh)

Nam Yết chuyển

No comments: