Thursday, January 21, 2016

42 năm, ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Cộng

Nguyễn Thị Thanh Thảo con của cố Hải Quân Thiếu Tá : Nguyễn Thành Trí Hạm Phó HQ10: Trong lịch sử chia cắt 2 miền Nam - Bắc, chỉ có trận chiến bảo vệ Hoàng Sa là trận chiến không phải người Việt Nam ở 2 miền Nam - Bắc tàn sát nhau, mà là cuộc chiến của người Việt Nam chống quân xâm lược Trung Cộng. Bởi vậy không có lý do gì mà họ không được vinh danh trên chính quê hương mình.

 42 năm, ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Cộng




 Việt Hùng/Người Việt


LTS: Cách đây 42 năm, Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc trong một trận chiến đẫm máu vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Bảy mươi bốn người lính hải quân của chiến hạm HQ10 Nhật Tảo của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, do Trung Tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng và Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí làm hạm phó đã mãi mãi nằm lại trên vùng biển Hoàng Sa. Nhân dịp này, Báo Người Việt đã có cuộc gặp gỡ gia đình hai quả phụ của hạm trưởng và hạm phó HQ10 là Bà Huỳnh Thị Sinh (vợ cố Trung Tá Ngụy Văn Thà) và bà Ngô Thị Kim Thanh (vợ cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí), tìm hiểu về biến cố Hoàng Sa cũng như đời sống trong hiện tại.

Chiến hạm HQ10 Nhật Tảo trước lúc xuất hành đi Hoàng Sa và bị đánh chìm trong trận hải chiến với Trung Quốc. (Hình: Bà Huỳnh Thị Sinh cung cấp)

Bà Huỳnh Thị Sinh: Tự hào là vợ của một người lính Hải Quân VNCH

Việt Hùng (NV): Trước hết xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này. Bà có thể cho biết tình hình sức khỏe và cuộc sống của bà hiện nay thế nào?
Bà Huỳnh Thị Sinh (HTS): Hiện nay tôi đang sống với 2 đứa cháu ruột ở căn chung cư do tổ chức “Nhịp cầu Hoàng Sa” tặng vào năm 2014. Tôi có 3 người con gái, đã lập gia đình nên các cháu đều ở riêng. Trước đây tôi buôn bán băng đĩa (đĩa CD, VCD ca nhạc, phim), nhưng những năm gần đây số người mua đĩa rất ít, họ thích dùng USB hay xem trực tiếp trên mạng nên tình hình buôn bán ế ẩm. Bởi vậy tôi đã nghỉ hẳn.
Sức khỏe tôi thì cũng không được tốt lắm, người già mà ai cũng phải vậy thôi. Hôm qua đây (ngày 16 tháng 1 năm 2016) tôi được mời đi ra núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi để dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, nhưng vì lý do sức khỏe tôi đã không tham dự.
NV: Bà có còn nhớ gì vào thời điểm năm 1974, trước lúc chồng mình, cố Trung Tá Ngụy Văn Thà đã hi sinh anh dũng cùng chiến hạm HQ10?
Bà HTS: Lúc đó gia đình tôi đang ở Sài Gòn. Tôi chỉ nhớ là vào những ngày gần Tết, không khí bà con xung quanh hàng xóm chuẩn bị Tết rất nhiều. Vào 2 giờ chiều ngày 19 tháng 1 năm 1974 thì có người của Tư Lệnh Hải Quân VNCH xuống nhà báo là anh Thà đang chỉ huy tàu chiến đấu với Trung Cộng ở ngoài Hoàng Sa, nếu đến 6 giờ tối mà không có thông tin phản hồi của HQ10 thì có thể là tàu đã bị Trung Cộng đánh chìm.
Tôi nghe xong là tay chân bủn rủn, nhưng vẫn cố bình tĩnh để không gây ảnh hưởng đến 3 đứa con, vì tụi nó còn quá nhỏ. Sáng mai, tôi lần mò đi mua báo và nghe radio. Và tôi biết là chồng tôi đã chết theo tàu. Sau đó tôi đã nhận được giấy báo tử và giấy mời lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân để làm lễ truy điệu.
Bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ những hình ảnh chụp tại lễ truy điệu. Nhưng sau năm 1975 vì quá lo sợ Cộng Sản nên nhiều hình tôi đã cắt mấy chỗ có dính mặt mấy ông lớn VNCH, chỉ lưu lại hình ảnh mẹ con tôi vì sợ bị Cộng Sản làm khó dễ.
Bà Huỳnh Thị Sinh trước di ảnh chồng, cố Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
NV: Sau năm 1975, bà có điều kiện hay lời mời nào để gia đình được định cư ở Hoa Kỳ không?
Bà HTS: Có, vào thời điểm 1975, có người ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân xuống bảo gia đình có muốn đi Mỹ thì họ sẽ đưa lên tàu lớn để đi. Lúc đó một phần vì các con còn nhỏ, một phần tôi nghĩ là bây giờ chồng đã mất, ở Việt Nam còn có gia đình chú bác ông bà giúp đỡ, chứ qua Mỹ không có người thân thích, tiếng Anh lại không biết thì sống làm sao? Bởi vậy tôi đã quyết định không đi.
NV: Cho đến bây giờ bà có hối tiếc về điều đó?
Bà HTS: Tôi nhớ lúc đó rất nhiều người đã xuống tàu và đi. Tôi không ngờ là sau năm 1975 hoàn cảnh gia đình lại rơi vào tình trạng bi đát như vậy? Lúc đó tôi bị mất việc, mãi đến năm 1978 tôi vào làm hợp tác xã của chế độ mới, nhưng lương ba cọc ba đồng, lại còn bị khinh rẻ vì là vợ của “lính ngụy.” Nhiều lúc cũng tủi thân.
Sau đó hợp tác xã giải thể, tôi chuyển qua buôn bán nhỏ. Làm mẹ đơn thân, nuôi 3 đứa con vào thời điểm đó phải nói là không dễ dàng tí nào. Bởi vậy, nhiều lúc nghĩ lại: Sao lúc đó (thời điểm 1975) mình ngu thiệt, có điều kiện đi Mỹ lại không đi? (Cười)
NV: Là vợ của Trung Tá Ngụy Văn Thà, một người đã chiến đấu và hi sinh anh dũng cho quê hương Việt Nam. Nếu nói vài lời về chồng mình, bà có thể nói gì?
Bà HTS: Tôi tự hào là người vợ của anh Thà - một người lính Hải Quân VNCH. Từ sau 1975, đi đâu tôi cũng bị nhiều người nói là “vợ lính ngụy.” Nhưng tôi vẫn tự hào về cái từ “ngụy” đó. Tôi chỉ buồn là với lý lịch như vậy nên sau 1975, con cái tôi phải chịu nhiều thiệt thòi khi đi học cho đến lúc ra trường tìm việc làm đều bị gây khó dễ.
Nếu có một lời nói về chồng mình thì tôi chỉ nói “anh ấy là người đàn ông tuyệt vời của đời tôi.” Bởi vậy mặc dầu sau 1975, cuộc sống gia đình khó khăn, có nhiều “anh” giàu có cũng theo đuổi tôi, nhưng tôi luôn từ chối. Vì với tôi, chỉ có một người đàn ông mà tôi có thể trao thân đó là anh Thà mà thôi.
Mấy đứa con tôi khi lớn lên đều nghe tôi kể về ba nó. Và chúng nó luôn tự hào về người cha đã mất của mình. Hằng năm gia đình tôi đều làm lễ cúng giỗ cho anh Thà vào ngày 27 Tết.
NV: Vì sao không phải là ngày 19 tháng 1, Tây lịch?
Bà HTS: Ngày 27 Tết là ngày mà chồng tôi mất, theo dương lịch là 19 tháng 1 năm 1974. Gia đình chúng tôi theo tập quán cúng giỗ ngày âm lịch, nên chọn ngày 27 Tết. Chỉ vậy thôi chứ không có vấn đề gì hết.
Bà Sinh đã cất giữ rất cẩn thận những tấm hình như là kỉ niệm với người chồng quá cố. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
NV: Trong những năm gần đây, phía nhà cầm quyền Việt Nam cũng có những hành động công nhận những người lính đã hi sinh cho Hoàng Sa. Bà nghĩ gì về điều này?
Bà HTS: Đầu tiên tôi vui khi họ công nhận điều này. Năm ngoái tôi đã được thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn mời đi ra Trường Sa để làm lễ cầu siêu cho các vong linh nghĩa sĩ đã hi sinh ở Hoàng Sa vào năm 1974.
Năm nay tôi cũng được mời đi dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng đài tưởng niệm các nghĩa sĩ đã anh dũng hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa nhưng bất thành. Tôi chưa biết chính quyền có dám ghi tên 74 nghĩa sĩ VNCH đã hi sinh vào ngày 19 tháng 1 hay không?
Với tôi họ phải có tấm bia tưởng niệm viết tên từng người đã mất và ghi rõ họ là lính VNCH. Như thế mới gọi là thật tâm hòa hợp hòa giải dân tộc, còn không chỉ là lời nói suông mà thôi.

***
* Tử sĩ Hoàng Sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình
Bà Ngô Thị Kim Thanh (vợ) và chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (con gái) cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí cùng hồi tưởng về trận hải chiến ngày 19 tháng 1 năm 1974.
NV: Trước hết xin cảm ơn bà và chị đã cho Người Việt cuộc phỏng vấn này. Cuộc sống gia đình mình hiện nay thế nào?
Bà Ngô Thị Kim Thanh (NTKT): Gia đình tôi vừa mới dọn qua ngôi nhà mới ở Bình Tân do gia đình và sự trợ giúp của chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” mua. Hiện nay tôi vẫn đang sống với 2 đứa con ở ngôi nhà này. Tuy sức khỏe của tôi không được tốt, nhưng năm nay tôi rất vui vì đã có được một nơi chốn đàng hoàng, để đặt bàn thờ anh Trí một cách trang trọng hơn.
NV: Đã 42 năm kể từ trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra và cướp mất chồng mình cùng các thủy thủ trên chiến hạm HQ10 Nhật Tảo, bà có còn nhớ những diễn biến vào lúc đó?
Bà NTKT: Lúc đó tôi đang có bầu thằng con sau được 2 tháng, anh Trí được lệnh đi tuần ra Đà Nẵng. Tôi nhắc lại là lúc đó họ chỉ nói là đi tuần, chứ không phải đi đánh giặc gì hết? Tại vì chiếc HQ10 này lúc đó cũng bị hư hỏng một ít, nên họ tính đi xong chuyến này sẽ đưa qua đảo Guam - Mỹ, để tu sửa lại.
Anh Trí mới nói với tôi là: “Bây giờ em có bầu, với một đứa con nhỏ. Mà ngày tết lại không có anh ở nhà, nên thôi để anh đưa cả nhà về nhà ngoại (ở Nha Trang) chơi ăn Tết, chứ ở Sài Gòn này thì cũng buồn, rồi đi công tác xong ảnh sẽ ghé đón mẹ con về lại Sài Gòn.” Thế là cả nhà về Nha Trang ăn tết.
Tôi nhớ lúc đó là 29 Tết Canh Thân, tôi nghe loáng thoáng trên radio đài quân đội, chương trình của Dạ Lan là Hải Quân VNCH đụng độ với Trung Cộng. Nhưng tôi vẫn chưa hình dung ra được sự việc, vì radio lúc đó cứ bị rè, lúc nghe được lúc không. Mãi đến 22h tối ngày 29 tết, tôi nhận được tin nhắn của nhà chồng báo là mẹ con về Sài Gòn có chuyện gấp.
Gia đình chồng tôi lúc đó không cho tôi biết là chồng tôi đã mất, vì sợ tôi bị động thai. Qua hôm sau là ngày mồng 1 Tết thì tôi không mua được vé xe đò để về Sài Gòn. Đến Mồng 2 Tết thì mới bắt được xe đò vô lại Sài Gòn. Lúc tới nhà chồng, thì tôi đã thấy bàn thờ chồng tôi đã lập sẵn. Thế là tôi ngất xỉu luôn. 
Bà Ngô Thị Kim Thanh và con gái Nguyễn Thị Thanh Thảo bên bàn thờ cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (NTTT): Lúc đó tôi chỉ mới 5 tuổi, với trí nhớ của tôi thì ngày truy điệu ba tôi là có nhiều người đến nhà, rồi trống kèn. Mà lại không có xác ba tôi, nên tôi cứ nghĩ đó ngày lễ, bạn bè các cô chú đến nhà chơi.
Sau này khi lớn lên tôi mới thấy được nổi mất mát khi không có cha. Tôi vẫn được nghe mẹ tôi kể nhiều về cha tôi và tôi rất tự hào khi có được người cha như vậy.
Vào các dịp gần ngày 19 tháng 1 này, năm nào tôi cũng vào mạng Internet để đọc các thông tin kỷ niệm về các tử sĩ đã hi sinh ở Hoàng Sa.
NV: Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, gia đình chị có điều kiện hay lời mời gì để có thể định cư ở Hòa Kỳ không?
Bà NTKT: Không, hoàn toàn không có. Gia đình tôi cũng đã viết đơn cho lãnh sự quán Mỹ từ những chương trình như HO, HR nhưng hoàn toàn không nhận được hồi đáp. Họ chỉ nói đã nhận được đơn mà thôi. Chứ nếu có được lời mời thì chắc gia đình tôi đã đi Mỹ rồi (cười).
NV: Với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm và anh dũng hi sinh của Đại Úy Trí để bảo toàn lãnh thổ Việt Nam, gia đình có mong muốn điều gì từ xã hội ngày nay?
Lễ truy điệu cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí, lúc đó bà Thanh đang mang thai đứa con thứ 2 mới được 2 tháng. (Hình: Gia đình bà Ngô Thị Kim Thanh cung cấp)
Bà NTKT: Gia đình tôi cũng không mong muốn điều gì cả. Cuộc chiến đã diễn ra 42 năm rồi. Những khó khăn mà gia đình tôi đã gặp phải cũng đã qua rồi. Tôi chỉ hơi buồn là với lý lịch “lính ngụy” nên con cái tôi phải chịu nhiều thiệt thòi từ khi cắp sách đến trường và tìm việc.
Phải nói làm người mẹ đơn thân nuôi 2 con là quá khó, nhất là trong thời kì bao cấp. Thế mà tôi cũng đã vượt qua để nuôi dạy 2 con nên người và giữ trọn tình phu thê (không tái giá) là tôi đã mãn nguyện rồi.
Chị NTTT: Với một người làm con thì tôi muốn cha tôi phải được vinh danh ở Việt Nam này. Tôi biết hằng năm vào ngày 19 tháng 1, ở Hải ngoại đều làm lễ vinh danh các tử sĩ Hoàng Sa. Nhưng tôi muốn cha tôi, cùng 73 tử sĩ Hoàng sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình.
Trong lịch sử chia cắt 2 miền Nam - Bắc, chỉ có trận chiến bảo vệ Hoàng Sa là trận chiến không phải người Việt Nam ở 2 miền Nam - Bắc tàn sát nhau, mà là cuộc chiến của người Việt Nam chống quân xâm lược Trung Cộng. Bởi vậy không có lý do gì mà họ không được vinh danh trên chính quê hương mình.


Truong Lam chuyen

Đính chính: Chúng tôi sửa danh từ Trung Quốc thành Trung Cộng bởi vì ngay tại Viet nam dân chúng cũng dùng danh từ Trung Cộng để chỉ giặc Tàu xâm lươc.

No comments:

Bạn Đường- Nguyên Giao

  Trong một quán cà phê ở ‘ Thủ Đô Người Việt Hải Ngoại’ một ngày cuối tháng tư năm 1999, Hùng hỏi Giao: - Bạn đến Mỹ năm nào? - Năm 1975,...