Wednesday, January 20, 2016

HQ 16 Và Trận Hải Chiến Hoàng Sa - Ðào Dân

HoangsaParacels: Ðào Dân, một người bạn hiền lành, cùng khóa HQ 18 NT, cùng ở tù Việt Cộng tại Long Giao ( mặc dù đã tham dự trận hải chiến giữ nước tại Hoàng Sa ngày 19/01/1974, VC cũng không tha.),quê tại Quảng Trị, rất an phận vì đã trải qua nhiều cuộc biển dâu, Bài viết của anh toát lên lòng ái quốc, hào hùng, hiên ngang của những người lính  Cộng Hoà đứng thẳng người nã đạn vào tàu địch. He is my hero.

Lời người viết: Bài viết này ghi lại những gì mà người viết có thể nhớ được qua 20 năm dâu biển. Trí nhớ, tầm nhìn đều bị giới hạn, nên chắc chắn có nhiều sơ sót, đặc biệt ở phần tài liệu. Xin quý bạn đọc tha thứ và nếu cần sửa sai cho. Cám ơn."

Sáng 15-01-1974, tàu tách bếnTiên Sa. Những tia nắng yếu ớt của một ngày cuối đông đang cố gắng chọc thủng màn mây trắng dày để tỏa ánh sáng xuống mặt biển xanh rì trước mặt. Gió Ðông-Bắc cấp 2. Biển không động, nhưng khi bắt đầu quay mũi, tàu cũng lắc lư dữ dội. Bên phải, ngọn hải-đăng Sơn-Chà đã tắt, các tháp nhọn từ từ nhú lên sau dãy núi đen ngòm, trông như các đinh nhọn, chĩa mũi lên trời. Tại đây đáng lẽ tàu chuẩn bị quay phải, xuôi Nam kết thúc một chuyến công tác như lịch trình. Nhưng không, tàu tiếp tục Ðông-tiến, trực chỉ Hoàng-Sa. Vậy là niềm vui của thủy-thủ-đoàn chợt tắt, bỏ cái ước mơ của một chiều dạo phố Sài Gòn bên người yêu lại cho tuần sau. Hy vọng thế bởi vì chuyến hải hành phụ trội này dự trù kéo dài không quá 5 ngày. Và sau đó, tàu sẽ thảnh thơi nằm sửa chữa ở cầu B, để cho đám con có thì giờ thụ-thưởng cái đầm ấm và an-vui bên gia đình cho một cái tết hòa-bình đầu tiên.

Chúng tôi nhận được lệnh đi Hoàng-Sa khi cả tàu đang nô-nức chuẩn bị lên đường về Saì Gòn. Hôm qua, ban ẩm Thực đã đi chợ xong, dầu nước đã nhận đầy đủ. Vậy mà, đùng một cái, buổi tối lại nhận lệnh mới. Sáng mai, HQ 16 phải chở ra Hoàng-Sa một phái đoàn của Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, nhằm khảo sát để thiết lập một phi trường cho C130 có thể đáp. Có lẽ đây là một mục tiêu lớn và lâu dài của chính phủ. Chúng tôi không biết. Phái đoàn gồm 6 người: 1 thiếu tá trưởng đoàn, 1 cố vấn Mỹ mặc áo dân sự, 2 trung úy cùng 2 trng sĩ thuộc ngành công binh. Ðối với tôi chuyến đi nào cũng thú vị, nhất là đây là lần đầu tiên có dịp ghé thăm Hoàng Sa, những hải đảo xa xôi cuối cùng của Tổ Quốc, sau chuyến công tác Trường Sa cách đây 2 tháng. Vả chăng, cũng còn đến 20 ngày nữa mới đến Tết, thì dầu mất đi 1 tuần lễ trước đó cho một dịp lãng du cũng chẳng nhằm nhò gì. Những năm trước, khi còn phục vụ trên một Hộ Tống Hạm (PCE), chuyến công tác nào cũng trên 2 tháng, có chuyến đến 100 ngày. Hồi đó, những lần trở lại Sài Gòn, tàu đã què quặt, lê lết, rên rĩ dưới tấm thân tàn ta và một thủy thủ đoàn rã rời. Bây giờ với Tuần Duyên Hạm Lý Thường Kiệt QHQ 16 bề thế, vững chãi, trọng tải lớn, tầm hoạt động dài, mới được tân trang để nhận lãnh từ Guam về, số lượng sĩ quan và thủy thủ đoàn đông hơn, nhưng trái lại thời gian công tác lại ngắn hơn chỉ 30 ngày. Thế cho nên tôi vững tâm lên đường. Ra khơi, cho "biết mặt trùng dương", cho có dịp "ghé những bến bờ, có những xóm dừa, chiều nhuộm vàng làn tóc ngây thơ"

Tàu chạy với vận tốc tối đa, hai máy tiến full, có thể đạt tới 16 knots. Nhưng gặp gió Ðông Bắc, dù không mạnh lắm, nhưng cũng có thể làm cho tàu chậm lại, và độ dạt cũng khá lớn. Chỉ ít giờ đầu sau khi rời vùng biển Ðà Nẵng, những ngọn núi cao chót vót của Tiên Sa, Hải Vân bắt đầu mờ dần. Sau khi khuất hẳn, chúng tôi chuyển từ hàng hải cận duyên qua hàng hải viễn duyên, từ mắt thường qua radar và cuối cùng là Loran để định vị trí con tàu. Sĩ quan trưởng phiên bắt đầu làm con thoi từ đài chỉ huy xuống phòng Loran để kiểm tra lại vị trí phỏng định và chỉnh lại hải trình. Cả ngày hôm đó trời nắng nhẹ, gió Ðông Bắc cũng nhẹ nhàng thổi mang theo vị mặn của nước biển thấm đầy áo quần, mặt mũi, tóc tai. Tàu vẫn nhẹ nhàng lướt sóng, miệt mài đi giữa những âm thanh ngọt ngào của biển cả. Trên boang tàu, các hạ sĩ quan và thủy thủ ngành trọng pháo, vận chuyển đang lăng xăng với công việc thừơng lệ, gõ sét, lau chùi, sơn và vô dầu mỡ. Chẳng mấy ai băn khoăn vì đã trễ hẹn cho một ngày về, và cũng chẳng ai buồn nhớ đến câu thơ muôn thở của kiếp hải hồ:

Năm năm gõ sét đau lòng lính
Gõ sét năm năm sét vẫn còn.

Dưới hầm máy, nhân viên cơ điện khí cùng với Ðại Úy Hiệp và các sĩ quan phụ tá loay quay bên những cổ máy. Hai máy điện của hữu hạm đang trục trặc, tạm ngưng hoạt động.Máy ép gió nằm cùng bên cũng bị hư. Mọi hoạt động của tàu là nhờ vào phía tả hạm. Dầu sao tàu cũng đã qua hơn một tháng công tác ở cái vùng biển khốn khổ giá lạnh này. Quân số cũng chỉ còn lại khoảng hai phần ba, nghĩa là chỉ trên 100 mạng, sau khi đã thay phiên nhau đi phép mấy đợt mà chẳng ai trở lại trình diện vì tàu cũng sắp về. Hiện giờ có lẽ họ đã trình diện ở Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội chờ "phương tiện", nhưng thực tế là chờ đón tàu về như những người khác. Bằng mọi giá, tàu vẫn phải hoàn thành công tác, và mọi công việc trên chiến hạm cứ tiếp tục chạy đều.

Ða số sĩ quan trên chiến hạm đều còn trẻ, chưa quá 30, độc thân vui tính, kể cả sôi nổi nhiệt tình, một số ít thì rất to miệng, trong đó phải kể đến Trần Văn Bính khóa 19, Nguyễn Hữu Công khóa 20 cơ khí, và Ðoàn Viết Ất khoá 4/OCS. Trong giờ nghỉ trưa hoặc tối, phòng ăn sĩ quan lúc nào cũng trở thành một bãi chiến trường với nước bọt văng tung tóe; với Ra-my, xập xám, domino; với khói thuốc, hơi cà phê và hơi người. Giữa những tiếng nói, tiếng cười, tiếng cãi cọ, ồn ào như chợ vỡ là tiếng vo-vo, rè rè của bốn cái máy lạnh chạy hết tốc lực, được gắn 4 góc phòng. Hạm Trưởng, Trung tá Lê Văn Thự, khóa 10 là một người khắc khổ, khó tính nhưng không nạt đùa mà nói năng có phần hòa hoãn. Chuyến này, ông đang bận với hai ông khách (cố vấn và ông TT/BB), lại có phòng ăn riêng, nên cái giang sơn của đám sĩ quan trẻ trở thành tự do vô cùng. Nhất là trong đám đi phép lại có Hạm phó Thiếu Tá Trần Văn Hoa Em. Giang sơn chúng tôi hiện chỉ còn Ðại Úy Hiệp khóa 14 (cơ khí trưởng) là thâm niên hiện diện. Là một người trắng trẻo, cao ráo, đẹp trai, tính tình lại cởi mở, ôn tồn, Ðại Úy Hiệp còn là sĩ quan sẵn sàng hội nhập vào mọi cuộc vui của đám đàn em. Cũng xập xám, domino; cũng đấu đá bỡn cợt. Ngược lại, sĩ quan đệ tam, Ðại Úy Nam, khóa 15, nhỏ con và trầm lặng. Tuy vui vẻ dễ dãi nhưng ít khi nhập cuộc. Trước mọi bốc đồng năng nổ của chúng tôi, Ðại Úy Nam chỉ ngồi nhìn, mỉm cười. Thành ra, cái phòng ăn rộng thênh thang trên HQ 16 trở thành nơi tự do và thỏai mái cho đám sĩ quan lau nhau cỡ Trung Úy, Thiếu Úy sau mọi nhiệm sở và công việc. Từ sau hiệp định Paris, số sĩ quan được đào tạo từ lò Nha Trang và OCS được chuyển về rất đông, vượt xa bảng cấp số. Chả bù với thời gian lúc tôi mới được thuyên chuyển về Hộ Tống hạm Chí Linh HQ 11 vào khoảng tháng 10/1970, cả một chiếc PCE tối tân nhất thời đó, người Hạm Trưởng và cơ khí trưởng, kiếm cho đủ sĩ quan làm 3 trưởng phiên là đủ mệt. Hạm phó gần như do tôi xử lý thường vụ sau khi xuống tàu chưa được 1 tuần. Xuống tàu, làm phụ tá cho Hạm Phó Nguyễn Tường đúng 1 chuyến công tác 4 ngày trên biển cả là ông ta đi luôn, để lại cho tôi cả phiên, cả tàu trong khi tôi chỉ được coi như mới ra trường. Vì rằng sau khi đi thực tập đệ thất hạm đội về là làm cán bộ cho tiểu đoàn sinh viên OCS, một quân trường nối dài. Vậy đó, vậy mà giờ đây trên HQ 16, có đến 22 sĩ quan trên 14 ở bảng cấp số. Các thiếu úy và chuẩn uý được chuyển về ngủ ở phòng ngủ thượng sĩ. Hạm phó đương nhiên miễn đi quart, trưởng phiên lúc nào cũng có 2,3, sĩ quan phụ tá.

Chúng tôi đến Hoàng Sa khi trời tối. Trăng thượng tuần mờ mờ ở phía Tây, sắp tắt. Len lỏi giữa những đảo nhỏ đầy những bãi san hô ngầm bao bọc chung quanh, với tầm nhìn hạn chế, chúng tôi phải rất thận trọng đưa tàu đến trước đảo Pattern (hay thừơng được gọi là Hoàng Sa), thả trôi cách đảo 1 hải lý về phía Nam. Trong bóng tối mờ mờ, giữa mặt biển mênh mông, chập chùng một màu xanh biếc đang chuyển dần sang một màu tối sẫm, nổi lên ba vành đai cát vàng ôm lấy ba chòm cây thấp tè ở giữa. Nếu chỉ nhìn lên một đảo ở trước mặt, hình ảnh đó trông cũng quen thuộc như khi tàu đi qua một vùng xóm làng ven biển nào đó của miền Nam với đất phù sa và rừng tràm, rừng đước. Không thấy gì rõ nét, nhưng chúng tôi cũng hình dung ra được những nét hân hoan của đoàn quân trú đóng trên đảo khi được chúng tôi báo tin là sẽ có một phái đoàn viếng thăm đảo vào ngày mai. Với những người mà đã mấy tháng trời như bị lưu đày giữa đảo hoang, làm bạn với chim cá, thì sự hiện diện của chiếc tàu và đoàn khảo sát là một biến cố trong đại trong thời gian ở đảo.

Hoàng Sa là tên bằng tiếng Việt Nam để gọi chung một quần đảo gồm nhiều đảo rất nhỏ nằm ngoài khơi hai tỉnh Thừa Thiên - Quảng Nam, cách bờ biển nước ta khỏang chừng 350 km. Quần đảo có hai nhóm. Một nhóm nằm phía Ðông Bắc, có tên gọi là Amphibious đã bị Trung Cọng chiếm giữ đâu khoảng từ năm 1956-1957 gì đó. Nhóm hai nằm hướng Tây Nam Croissant, thuộc chu quyền trực tiếp của Việt Nam Cộng Hòa, có tên là Croissant, gồm 1 đảo lớn nhất tức đảo Pattern mà tàu chúng tôi đang đậu. Ðảo dài khoảng 1.5 mile, bề ngang khoảng 1 cây số. Phía Nam, hơi chếch về bên trái là 2 đảo Robert và Money, cách Pattern khoảng 3,4 hải lý. Xa hơn nữa, khoảng 7,8 hải lý và chếch về bên phải là 2 đảo Duy Mộng (Duymont) và Quang Hòa (Duncant). Nằm một mình lẻ loi giữa biển khơi bát ngát, phía Tây Nam của Pattern, cách đó chừng 15 hải lý là đảo Tri Tôn (Triton). Ngoài ra còn nhiều đảo nhỏ khác như những hòa đá khổng lồ nổi trên mặt nước, không tên, không tuổi, nằm rãi rắc đây đó; đặc biệt nhiều là bên cạnh nhóm Quang Hòa và Duy Mộng. Giữa vùng biển rộng mênh mông, những đảo nhỏ nhô lên như những dấu chấm trên hải đồ, và con người, một trung đội Ðịa phương quân, thuộc quân số tỉnh Quảng Nam, đóng lọt thỏm trên một đảo độc nhất, đảo Pattern, cùng 1 ông trưởng đài khí tượng, sẽ cảm thấy bé bỏng chừng nào trước cái bao la của biển cả, của trời xanh. Cặp mắt họ làm sao vượt ra khỏi khu vực đóng quân, doanh trại, nơi ăn chốn ở, và những lần câu cá nhặt trứng chim. Tâm hồn họ không thoát khỏi niềm ước mơ được có tầu tiếp tế, được có người đến thăm, nhận những lá thư, đọc câu chuyện tình hay chưởng. Còn trí óc thì mong chờ đến ngày hết hạn, có đơn vị khác thay thế, để cho họ qua khỏi giới hạn của 6 tháng lưu đày. Nhiệm vụ của họ cũng không phải là một hành động quân sự tích cực, mà như một thủ tục, sự hiện diện của họ như một cột mốc để tuyên bố chủ quyền. Thế cho nên khi chúng tôi phát hiện, thì quân đội Trung Cộng đã chiếm 2 đảo Duy Mộng và Quang Hòa không biết đã bao lâu rồi. Trên đó chúng đã đặt đài quan sát, xây dựng doanh trại, và theo báo cáo của nhóm người nhái đổ bộ trong ngày cuộc chiến xảy ra thì có cả một tiểu đoàn lính trú đóng. Có thể là sau khi hoàn tất chương trình trên hai hòn đảo phía Nam, chúng mới mon men lên phía Bắc, dự trù làm nốt đảo Money và Robert bên nách của Hoàng Sa. Nếu chúng không dùng chính sách tằm ăn dâu này, mà chỉ bằng lòng với khu vực phía Nam đó, thì có lẽ lịch sử đã đổi khác. Tàu chúng tôi sẽ lặng lẽ trở về Ðà Nẵng để về Sài Gòn, sẽ không có trận hải chiến Hoàng Sa, trận hải chiến độc nhất trong lịch sử của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, và đảo Hoàng Sa (Pattern) có lẽ sẽ không rơi vào tay Trung Cộng.

Buổi sáng ngày 16/1/74, chúng tôi chuẩn bị một xuồng đổ bộ và 4 nhân viên, trong đó có một hạ sĩ quan vận chuyển, chở 6 ngừơi của phái đoàn lên đảo rồi sau đó đem xuống về tàu. Công tác hoàn tất tốt đẹp. Thế là những người khác của chúng tôi đã giã từ và theo dự trù sau vài ngày, chúng tôi sẽ vào đón họ để đưa trả họ lại cho Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật. Ngày hôm đó nắng đẹp và có vẻ chói chang hơn hôm trước. Trời trong xanh. Tàu chúng tôi vẫn trong tình trạng thả trôi trong vùng biển yên lặng. Không một ngọn gió nào, sóng vẫn lăn tăn, và vùng biển êm như mặt hồ. Tôi nhận quart trưa 1200 - 1500H. Không có việc gì làm, chỉ theo dõi tình trạng trôi của tàu, nếu cần điều chỉnh lại chút đỉnh. việc đổ bộ đã hoàn tất vào buổi sáng. Hạm trưởng xuống nghỉ trưa. Các sĩ quan phụ tá và nhân viên đi quart tụ lại nói chuyện phiếm. Tôi ngồi lên thành tàu, bên cạnh khảu đại liên 30 và ngay dưới chân phía sau lưng, ở tầng dưới có buồng lái, là một ỏ đại bác 20 ly đôi đang nằm trong bọc bạt. Buổi trưa hơi nóng, lại không có việc gì làm, chuyện trò rồi cũng hết hứng thú. Im lặng lại trở về sau khi mỗi người dãn ra một góc, lơ đãng nhìn trời. Tôi cũng im lặng thả từng hơi khói thuốc Bastos ra trước mặt, lơ lửng cuộn thành vòng tròn rồi tan vào khoảng hư không, trí óc bổng trở nên phiêu đảng bồng bềnh.

Bỗng tôi chú ý ở trước mặt đảo Robert, ngang hông chiến hạm, một chiếc tàu đang lửng lơ bên cạnh đảo. Chiếc tàu nhỏ, cỡ bằng những chiếc tàu đánh cá Ðài Loan mà tôi thường gặp trong vùng biển cận duyên. Tôi cũng cho đây là tàu đánh cá, nhưng hơi lạ là nó vào sát bờ quá. Mà tàu đánh cá nào lại không biết đây là hải phận Việt Nam, trong khi chúng tôi, anh khổng lồ HQ 16 và cờ vàng ba sọc đỏ đang bay phất phới? Tôi nói thầm, đi đâu cũng gặp mấy người Ðài Loan cả. Nhưng khi đưa ống nhòm lên nhìn, nó không giống với những chiếc tàu đánh cá thường gặp. Thân nó hơi ngắn so với bề ngang to bề, đài chỉ huy lại có vẻ bề thế như một chiếc tàu đuân sự. Tàu lại sơn màu tối, như màu ô-liu, phía đuôi có treo cờ tuy không trông rõ màu sắc. Lúc đó, mọi người trên đài chỉ huy chẳng ai quan tâm về sự hiện diện của tàu đánh cá, nhưng vì ngạc nhiên, tôi cho lệnh giám lộ viên đánh đèn để hỏi và đồng thời cho nổ máy, quay mũi, trực chỉ phía Nam. Có lẽ vì trời nắng, mọi người nghỉ trưa nên ánh sáng đèn scott không đánh động được ai. Tàu địch vẫn im lặng, hình như không bắt được tín hiệu. Sau khi hội ý với Hạm Trưởng, tôi cho khai hỏa khẩu đại liên 30, vừa để gợi sự chú ý, vừa có ý đuổi nó ra xa khỏi đảo. Tiếng súng nổ đòn dã giữa buổi trưa yên tĩnh dường như làm cả tàu thức giấc nhưng đối tượng vẫn không nhúc nhích. Bao nhiêu ống nhòm đổ đồn vào nó, và khi tàu đến gần hơn, nền cờ đỏ và 5 ngôi sao vàng ở ngay góc làm cho tôi hơi khựng lại. Tàu Trung Cộng. Sự phát giác này là một điều gây ngạc nhiên cho nhiều người. Hầu hết đều cho là tàu đánh cá của Ðài Loan, hay nếu ai có trí tưởng tượng phong phú hơn, cho là tàu đánh cá Liên Sô để đi dò thám như chúng tôi thường gặp khi thực tập trên Ðệ Thất Hạm Ðội. Chưa ai nghĩ đây là tàu Trung Quốc, và càng không ai nghĩ xa hơn đến dã tâm xâm lược của Trung Cộng. Khi Hạm Trưởng lên đài chỉ huy thì chúng tôi đã gần nhau lắm rồi, chưa đầy 500m. Mọi người đã thấy rõ cờ Trung Cộng bằng mắt thường. Hạm Trưởng khẩn báo về Trung Tâm Hành Quân Hải Quân Ðà Nẵng và xin chĩ thị, đồng thời cho nhân viên dùng tay, dùng cờ, dùng máy phóng thanh phát bằng tiếng Tàu để yêu cầu nó ra khỏi hải phận Việt Nam. Mặc dù chúng tôi không nhận được sự trả lời nào, cũng không thực hiện lời yêu cầu của chúng tôi, nhưng sự xuất hiện của chúng tôi có lẽ cũng khuấy động sự yên lặng cố hữu lì lợm của tàu Trung Cộng. Hàng chục nhân viên lên boong tàu nhìn sang chúng tôi, kỳ lạ, xoi mói và ngạc nhiên. Phần đông mặc áo thun trắng quần cụt. Một số mặc áo quần bộ đội Trung Quốc, màu ô-liu nhạt hơn màu tàu.

Cũng vậy, sự hiện diện của tàu Trung Cộng đảo lộn hết mọi công tác hàng ngày. Hạm Trưởng chú tâm đến tàu địch cùng liên lạc với Vùng 1 Duyên Hải, sĩ quan thì tụ tập từng nhóm bàn tán đủ mọi giả thuyết. Nhân viên đứng đầy một bên lan can tàu nhìn sang như đang nhìn một quái vật. Trong khi đó trên đài chỉ huy vẫn oang oang phát ra từng chập những lời lẽ bằng tiếng Trung Quốc yêu cầu ra khỏi hải phận Việt Nam. Luc đầu là cuộc đối thoại với người câm nhưng sau đó, họ cũng dùng loa phóng thanh cầm tay để yêu cầu ngược lại, chúng tôi phải rời khỏi hải phận Trung Quốc. Cứ như vậy mà tiếp tục suốt cả buổi chiều mà chẳng bên nào nhượng bộ. Ðêm đó chúng tôi đành bỏ dở chương trình phát thanh để chạy ra xa hơn đễ giữ an toàn cho chiến hạm. Và cũng từ đêm đó, nếp sinh hoạt trong phòng ăn cũng thay đổi tuy tiếng nói cười vẫn oang oang như lệnh vỡ. Những trò chơi cũ như xập xám, domino ế khách. Các sĩ quan quay quần quanh bàn ăn để tiếp nối những cuộc thảo luận "trời ơi đất hỡi" về việc xuất hiện của tàu Trung Cộng. Buổi sáng ngày 17/1/74, bổn cũ được soạn lại, Nghĩa là cũng máy phóng thanh, phát ra và trả lời, cũng mấy anh thủy thủ gốc Chợ Lớn làm xướng ngôn viên. Chỉ khác một điều là thêm một tàu đánh cá khác xuất hiện cạnh đảo Money. và trăm lá cờ Trung Cộng được cắm rãi rác dọc bờ biển trên vùng cát trắng. Chỉ có đảo Rorbert mà tàu tôi ở gần là còn trinh bạch, chưa bị hoen ố bởi cái rừng cờ màu máu đó. Chúng tôi cũng không hiểu là có phải cờ đó được cắm trong đêm hay đã nhiều ngày qua, nhưng dầu sao giả thuyết được cắm trong đêm cùng với sự xuất hiện của tàu thứ hai có vẻ đúng đắn. Khoảng 2 giờ chiều hôm đó, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 nhập vùng cùng 1 trung đội người nhái. Hạm Trưởng là Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San, đã từng một thời là Hạm Trưởng HQ 11 khi tôi phục vụ trên đó. Có lẽ ông đã nhận được mật lệnh và kế hoạch từ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I, nên vừa nhập vùng, ông đã hành động ngay. HQ 4 từ phía Nam đảo Money chạy lên, HQ 16 từ đảo Pattern xuống, chúng tôi như hai gọng kềm kẹp chặt hai chiếc tàu đánh cá nhỏ bé của Trung Cộng vào giữa. Có lẽ cũng ngán chúng tôi sẽ có thái độ khác với những ngày qua, chiếc thứ hai từ đảo Money chạy lên họp cùng chiếc thứ nhất và ra xa khỏi đảo Robert khoảng hơn 1 hải lý. Thế là gọng kềm lại siết chặt hơn. Cuộc chiến bằng nước bọt lại bùng nổ dữ dội. Mặc dù cỏ vẻ e dè, 2 chiếc tàu Trung Cộng vẫn ngoan cố bám vùng, và vẫn trả lời chúng tôi bằng giọng điệu cố hữu: "Hãy ra khỏi hải phận Trung Quốc". Bốn chiếc tàu, 2 lớn ở ngoài, 2 nhỏ ở giữa vẫn thả trôi bình yên để mặc cho con người đấu khẩu. Có lẽ không còn kiên nhẫn được nữa, HQ 4 nổ máy đâm thẳng ngang hông tàu địch, đẩy nó ra khơi. vì vận tốc chậm, có lẽ khoảng 2 máy tiến 1, nên không có thiệt hại nào cho bên địch, nếu có, có lẽ bát đũa nồi nêu cơm nước bị đổ bể tùm lum trong phòng ăn và nhà bếp. trước thái độ quyết liệt của HQ 4, tàu Trung Quốc đành nhượng bộ, mở máy, từ từ tăng tốc độ chạy về phía Nam của 2 đảo Duy Mộng và Quang Hòa, để lại chiến trường một vùng nước bọt trắng xóa. Chúng tôi toàn thắng mà không tốn một viên đạn (chỉ tốn một cái húc của Trung Tá Vũ Hữu San).



Ðến đây người viết cần phải ngừng lại một chút vừa để hoan nghênh Trung Ta San vừa để ghi lại cảm nghĩ và óc phán đoàn của chính mình về kết quả của trận hải chiến Hoàng Sa cùng thái độ của Trung Cộng, sau những mười mấy năm lăn lộn trong gôm cùm của xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, sau ngày họp thượng đỉnh với Tổng Thống Nixon tại Bác Kinh. Trung Cộng bắt đầu có tham vọng bành trướng thế lực ở biển Ðông. Việc chiếm đóng hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên Trung Cộng không muốn dùng võ lực để giải quyết tranh chấp vì e ngại Mỹ, nên dùng chính sách tầm ăn dâu, nghĩa là điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa. Nghĩa là những đảo nào không có ai chiếm cứ, Trung Cọng sẽ đến thiết lập các căn cứ, và mọi chuyện sẽ trở thành chuyện đã rồi. Do đó, nếu sau khi đuổi 2 tàu đánh cá Trung Cộng đi khỏi 2 đảo Robert và Money, Việt Nam Cộng Hòa cứ cho quân đội ra xây dựng trên đó, giữ đảo, dùng ngoại giao để công kích, thì tuy không lấy lại được 2 đảo Duy Mộng và Quang Hòa, cũng không mất luôn 3 đảo lớn nhất vùng là Pattern, Robert, Money, và vĩnh viễn Hoàng Sa không bao giờ trở lại chủ quyền Việt Nam. Sau này Trung Cộng cũng dùng chính sách tương tự để xâm chiếm các đảo nhỏ ở Trường Sa, nghĩa là các nơi chưa có ai trấn đóng, và cũng vì tự ái như thời Việt Nam Cộng Hòa, Cọng Sản Việt Nam đã gây ra cuộc hải chiến với Trung Cộng, để từ đó Trung Cọng chiếm luôn một số đảo nữa.

Trở lại chiều ngày 17/1/1974. Sau khi "đánh tan" 2 tàu Trung Cộng đi, HQ 4 cho đổ bộ khoảng 20 người nhái lên đảo Money, thu dọn cờ Trung Cộng, cắm cờ Việt Nam Cộng Hòa, và HQ 16 chuẩn bị 1 xuồng đổ bộ 15 nhân viên cơ hữu lên đảo Robert ngay tối hôm đó. 15 nhân viên này phần lớn được lựa chọn trong ngành trọng pháo, mang theo súng ống, đạn dựơc cá nhân đầy đủ, cùng thực phẩm khô dùng trong vài ba ngày. Toán đổ bộ do Hải Quân Trung Uý Lâm Trí Liêm Chí Huy. Liêm vốn là sĩ quan khóa 10 OCS, sau khivề nước, phục vụ phần lớn tại giang đoàn, do đó được Hạm Trưởng chọn lựa vì hy vọng rằng Liêm sẽ có kinh nghiệm trên đất liền nhiều hơn là trên chiến hạm. Kết quả cho thấy sự chọn lựa này rất đứng đắn, vì sau khi tàu 16 buộc phải rời vùng mà không thể bốc toán đổ bộ của Liêm, Liêm đã chỉ huy toán vượt biển trên xuồng đổ bộ và sau 15 ngày đói khát, đã được ngư dân Qui Nhơn cứu sống. Chỉ một người chết sau khi đã lên thuyền ngư dân. Súng ống, máy truyền tin được đem về đơn vị đầy đủ. Trong ngàyvượt thoát, toán đổ bộ chỉ còn 2 ngày lương khô và 1 can 18 lít nước đã dùng gần hết sau 2 ngày trên đảo. Toàn bộ 15 người - kể cả người đã chết - được thăng thưởng 1 cấp. Liêm được thăng đại uý nhiệm chức sau chưa đầy 1 năm mang lon trung uý.

Khoảng 6 giờ chiều ngày 17/1/1974, lúc đó trời còn lại vài tia nắng yếu ớt chiếu rãi rác trên mặt biển xanh rờn, 2 chiến hạm thực thụ của hải quân Trung Quốc xuất hiện. Căn cứ theo sự quan sát lúc đó và trong ngày giao chiến, chúng thuộc loại Konstrat của Liên Sô chế tạo, dài khoảng gần 100 mét, nghĩa là gần bằng HQ 16, nhưng bề ngang hẹp hơn. Vận tốc tối đa khoảng gần 30 knots, nghĩa là gần gấp đôi HQ 16. Trang bị cũng không có gì tối tân lắm. 1 khẩu đại bác 100 ly trước mũi, 2 khẩu đại bác 37.6 ly hai bên về phía trước và hình như 1 khẩu phía sau. Còn ngoài ra là loại súng nhỏ. So sánh về hỏa lực thì bên ta có phần trội hơn. HQ 16 có 1 khẩu 5" (127) trước mũi. Sau đó là 2 khảu 40 ly đôi và 1 đại bác 40 ly đơn ở sau lái. Không kể 2 dàn đại bác 20 ly đôi bên hông phòng lái ngay dưới đài chỉ huy, 2 dàn 20 ly đơn ở sân thượng phía sau, cùng 5 khẩusúng cối 81 ly. Hai chiến hạm này sau khi nhập vùng, cũng chỉ về lẩn quẩn ở hai đảo Quang Hòa và Duy Mọng. Không thấy có hành động khiêu chiến, nhưng chúng chắc chắn giữ bằng được 2đảo đó mà hành động nghênh cản của chúng vào ngày hôm sau đã chứng tỏ điều đó.

Bữa cơm tối ngày 17-01-1974, phòng ăn sĩ quan có vẻ trang nghiêm hơn lệ thường. Những tiếng nói cười cũng ít đi, tiếng hỏi đáp có vẻ cố hạ giọng chỉ vừa đủ cho người đối diện nghe. Không khí như ngưng lại dành chỗ cho loa phóng thanh phát đi bản tin hàng ngày. Cũng trái với lệ thường, bản tuyên cáo của chính phủ VNCH về vấn đề Hoàng Sa được đọc trước bản tin đầu giờ. Trong bản tuyên cáo đó, bộ Ngoại giao thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam tuyên bố Hoàng Sa là vùng lãnh thổ không thể chuyển nhượng của mình, căn cứ trên thực tại và các chứng cứ trong lịch sử, đồng thời tố cáo trước dư luận quốc tế việc lấn chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng của Trung Cộng - Sau cùng, để giải quyết vấn đề, chính phủ VNCH đề nghị cả hai cùng đưa vấn đề ra xét xử trước tòa án quốc tế La Haye. Mọi người cũng cố ý lắng nghe bản tin thời sự và chiến sự trong ngày. Như một sự tò mò cố hữu, ai cũng muốn biết đài phát thanh nói như thế nào về hoạt động của chính mình, những người đang đối diện với kẻ thù giữa đêm đông trong vùng biển xa khơi này. Tôi không nhớ rõ chi tiết bản tin, nhưng cái tên tuần dương hạm Lý Thường Kiệt được đài phát thanh nhắc nhở nhiều lần. Và chính sự nhắc nhở đó đã gợi cho một sĩ quan nào đó một sự so sánh tuy không chuẩn xác nhưng nghe đầy hào khí:

- Ngày xưa vị anh hùng Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tống, ngày nay lại tuần dương hạm Lý Thường Kiệt cũng sẽ sẵn sàng đuổi quân Trung Cộng ra khỏi Hoàng Sa.

Câu nói vô tình bỗng nhiên phá vỡ cái vẻ trang nghiêm tạm thời và cái sinh hoạt sôi động của phòng ăn trở lại trạng thái nhộn nhịp như cũ. Mọi người thay nhau bàn luận về những việc hiện tại, cùng kể lại những bài học lịch sử đánh Tống bình Nguyên đuổi Minh của những vị anh hùng thời trước. Và nhờ đó, nhiệt tình của tuổi trẻ được dịp bốc cao như thử chúng tôi sắp sửa biến thành những anh hùng.

Sáng ngày 18-01-1974, HQ5 hiện diện trong vùng như một sự tăng cường cần thiết. Ðây là một tuần dương hạm cùng loại với HQ16 (Whec) do một vị Trung Tá (Lê Văn Thự) chỉ huy. Cùng đi trên HQ5 là Hải quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trưởng Hải đội 3 tuần dương trực thuộc Bộ Tư lệnh Hạm Ðội, được chỉ định làm Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Hoàng Sa. Như vậy, lực lượng hiện có 3 chiến hạm (HQ4 -HQ5-HQ16) và sẽ có thêm Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ10) đang trên đường đến nhập vùng. Sự hiện diện của một vị sĩ quan cao cấp đã từng tu nghiệp ở đại học hải chiến Hoa Kỳ làm cho chúng tôi thêm tin tưởng. Có lẽ để thực hiện cái sở học của mình, nên sau khi nhập vùng và nhận quyền chỉ huy, Ðại Tá Ngạc đã hội ý cùng các Hạm trưởng qua máy truyền tin và ngay buổi trưa hôm đó, hình thành một kế hoạch mà tôi tạm gọi là "phô diễn lực lượng" sẽ khởi sự vào buổi chiều. Có lẽ kế hoạch chỉ là để thăm dò khả năng của các chiến hạm hơn là một cuộc hành quân, bởi vì trong kế hoạch, mặc dù các chiến hạm đều ở trong nhiệm sở tác chiến nhưng mọi khẩu pháo đều được quay cao 45ậ. Chúng tôi thực hiện kế hoạch thao diễn với lòng hăm hở được một dịp thực tập vận chuyển chiến thuật mà từ lâu đã bỏ quên sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Những ý niệm về đội hình hàng dọc, hàng ngang; những màu cờ của Golf, Code; những quay phải quay trái; những vận tốc cùng hướng đi biểu kiến; tất cả sẽ được tái tạo lại trong một buổi chiều đẹp trời. Với ba chiến hạm, lực lượng của chúng tôi trông ra có vẻ hùng dũng lắm rồi. Ði đầu là hai tuần dương hạm bệ vệ (HQ16 rồi đến HQ5), nước sơn còn mới với hai khẩu đại pháo 127 ly, rồi sau cùng HQ4 tuy nhỏ con nhưng cũng nhanh nhẹn và đặc biệt lại còn mang hơi hướm hiện đại của một khu trục hạm của Hải Quân Hoa Kỳ. Bắt đầu chiến dịch với ba rừng cờ phất phới trên ba cột buồm, lồng lộng trong gió chiều và trong nắng vàng cuối đông. Những dàn ra đa khổng lồ đang quay chầm chậm vừa làm nhiệm vụ trấn thủ vừa cung cấp dữ kiện để đo khoảng cách và vận tốc của tàu địch. Trên đài chỉ huy, các giám lộ viên có tay nghề cao nhất đang chờ lệnh và sẵn sàng thực hiện những khẩu lệnh của Hạm trưởng liên quan đến cờ đèn và giải thích cùng báo cáo những hiệu kỳ của soái hạm. Chúng tôi tiến theo đội hình hàng dọc, từ phía nam đảo Pattle và trực chỉ 160ậ về hai đảo Quang Hòa - Duy Mộng. Tất cả cùng hai máy tiến 2, cách khoảng 500 mét, đàng hoàng tiến về phía địch như những hiệp sĩ thời trung cổ. Khi vừa chạy được 1 hải lý, hai chiến hạm Trung Cộng mang số hiệu 300 đang nằm im trong vùng biển, cùng nổ máy tăng tốc và cũng theo đội hình hàng dọc tiến đến hướng chúng tôi. Chiến hạm của chúng chạy rất nhanh, có lẽ hai máy tiến full, nên để lại đằng sau những bọt nước trắng xóa và tạo ra những làn sóng bập bềnh. Tuy nhiên, cả đội hình chúng tôi vẫn bình thản tiến theo lộ trình. Khi đến cách chúng tôi chừng dưới một hải lý, chiếc đi đầu bỗng quay trái, được một đoạn ngắn là quay trở ngược chiều (180ậ) chạy băng ngang trước mũi HQ16. Chỉ vừa qua khỏi, chúng lại lộn ngược trở lại về phía phải để làm một đường ngang khác. Và chiếc sau cũng lặp lại những động tác y như vậy để rồi cuối cùng cái đường dăng ngang của chúng chỉ cách mủi tàu chúng tôi chưa tới 150 mét. Vì chúng chạy với vận tốc tối đa, mà chúng tôi đo được 28 gút, khoảng cách lại quá gần nên những lượn sóng do chúng tạo ra làm tàu chúng tôi bồng bềnh như có gió mạnh. Cái hàng rào tưởng tượng mà chúng dăng ngang làm chúng tôi thấy khó xử. Không thể xử dụng võ lực, cũng khó tiến thêm vì có thể đụng chạm. Cuối cùng, chúng tôi được lệnh quay mũi theo hàng dọc trở về hướng Bắc. Kế hoạch "phô diện lực lượng" thế là hoàn tất, và mặc dầu không rõ hết ý đồ của vị Tư lệnh lực lượng, chúng tôi đều cảm thấy hài lòng với một vài dữ kiện có thể nắm được, đó là sự quyết tâm của các chiến hạm ta trong việc bảo vệ lãnh-hải. Chúng tôi cũng thấy cái lợi thế vận tốc gần gấp đôi của các chiến hạm địch (28/16) để đề-phòng.

Buổi tối, ngay vùng biển phía bắc, giữa vùng lòng chảo của các đảo bao bọc, chỉ có một mình HQ16 đơn độc trấn đóng với một quân số chỉ hơn trăm người, HQ4 và HQ5 cùng trở về phía nam của hai đảo Quang Hòa, Duy Mộng, để rồi khoảng 10 giờ tối, HQ10 tới nơi và nhập với HQ16 trở thành phân đội 1 do HQ Trung tá Lê Văn Thự (Hạm trưởng HQ16) chỉ huy. HQ4 và HQ5 là phân đội 2 do Hạm Trưởng HQ4 chỉ huy. Tất cả đều dưới quyền chỉ huy thống nhất của Ðại tá Ngạc, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm. HQ10 là một hộ tống hạm (PCE) dài khoảng 60 mét với một quân số trên 70 người theo bảng cấp số. Ðược trang bị một đại bác 76.2 ly ở trước mũi và 2 đại bác 40 ly đơn ở boong trên sau lái. Vận tốc tối đa là 13 gút. Hạm Trưởng là Hải quản Thiếu tá Nguỵ Văn Thà, hình như khoá 12 và Hạm phó là Hải quân Ðại uý Nguyễn Thành Trí khoá 17. Ðại uý Trí mới về làm hạm phó HQ10 chỉ trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp khóa 2/73 trung cấp chuyên nghiệp Hải quân tại Trung tâm Huấn luyện Hải quân Sài Gòn. HQ10 đến giữa lúc chúng tôi đang cảm thấy cô độc giữa các hòn đảo xung quanh và làm chúng tôi an tâm phần nào.

Thực ra, sự phân chia thành phân đội cũng như lệnh bổ nhiệm các phân đội trưởng chỉ chính thức được ban hành cùng với lệnh hành quân do tư lệnh LLDN / Hoàng Sa gởi cho các chiến hạm vào khoảng 12 giờ đêm 18-01-1974. Mục đích của cuộc hành quân này là chúng tôi sẽ tái chiếm 2 đảo Quang Hòa và Duy Mộng vào ngày hôm sau (19-01-1974) và chúng tôi sẽ phải hoàn tất mọi sự chuẩn bị để sẵn sàng tác chiến trước 6 giờ sáng. Nhiệm vụ chính của phân đội 2 là đổ bộ khoảng một trung đội người nhái lên đảo và nhiệm vụ của phân đội 1 (HQ16 + HQ10) là yểm trợ hỏa lực. Tuy nhiên, ngoài việc phản công phân nhiệm, phần ghi chú cuối cùng trong lệnh hành quân có hai câu mang đầy mâu thuẫn : Tái chiếm hai đảo bằng bất cứ giá nào nhưng tránh tối đa việc xử dụng hỏa lực. Sự mâu thuẫn này đã gây ra một cuộc bàn cãi khá sôi nổi và mất không ít thời gian vào lúc một nhóm chúng tôi ngồi canh câu lạc bộ của chiến hạm để uống cà phê buổi sáng. Cuối cùng chúng tôi tạm đưa ra một kết luận rằng đây chỉ một đòn chiến tranh tâm lý để làm an lòng các sĩ quan và chiến sĩ thuộc quyền.

Chúng tôi bị đánh thức dậy lúc khoảng 1 giờ sáng ngày 19-01-1974 và được lệnh tập họp tại phòng ăn đoàn viên. Hầu hết mọi người vẫn còn ngái ngủ hoặc đang mệt mỏi vì vừa giao ca xong lúc 12 giờ nên phòng ăn đông người mà vẫn yên lặng. Hơn nữa, lần tập họp bất thường giữa đêm khuya trong cái không khí căng thẳng và đầy thuốc súng này thì ai cũng hiểu là có chuyện. Và chuyện gì khác hơn là sự báo trước của một cuộc chiến sắp mở màn? Thời gian chờ đợi Hạm trưởng đến không dài và các cửa phòng đều đóng kín nhưng tôi tự nhiên thấy lạnh. Cơn lạnh cuồn cuộn bốc ra từ bao tử, lan dần đến ngực, bụng và toàn châu thân. Tôi ngần ngại nhìn mọi người vì cảm thấy không lẽ mình quá hèn nhát. Ðể trấn tĩnh, tôi vươn vai ngáp dài rồi đưa tay che miệng, sau đó lôi thuốc Bastos ra hút. Châm được điếu thuốc trên ngọn lửa của cái bật lửa zippo mà tôi cảm thấy khó khăn vì hình như ngọn lửa rung rinh trên bàn tay run rẩy. Hít được khói thuốc vào tận buồng phổi để thấy mình dễ chịu hơn đôi chút, tôi tập trung tư tưởng để tự mình thắng được nỗi sợ hãi và hèn nhát bằng niềm kiêu hãnh của một sĩ quan hải quân và nhờ đó giúp cho mình đứng vững.

Hạm trưởng đến vừa đúng lúc cho tôi có dịp đứng dậy hô "vào hàng, phắc" dù là lúc nửa đêm. Tiếng hô làm cho mình thêm can đảm và cái lạnh không biết biến đi tự lúc nào. Với cái áo Jacket xanh khoác ngoài bộ quân phục màu nước biển, Hạm trưởng nom có vẻ mệt mỏi. Chính sự mệt mỏi này cùng với cái vẻ lè phè khi ông lê đôi dép Nhật tạo một sự gần gũi hơn so với thường ngày. Ông tóm tắt nội dung lệnh hành quân và ra lệnh cho toàn thể mọi người cố gắng vận chuyển hết đạn dược từ các kho lên đặt cạnh các ụ súng vì sự thiếu hụt quân số (đi phép và đổ bộ lên đảo) có thể cản trở rất nhiều trong việc tiếp tế đạn dược trong thời gian lâm chiến. Ông cũng yêu cầu Quản nội trưởng cùng tôi (SQ nội vụ) sắp xếp lại toàn bộ các nhiệm sở cho phù hợp với nhu cầu tình hình quân số lúc đó. Nhân viên trọng pháo bây giờ không còn được một nửa nên số này ưu tiên dành cho đại bác 127 ly ở trước mũi và Trung uý Ðoàn Viết Ất, sĩ quan trọng pháo làm trưởng khẩu. Ðích thân Hạm trưởng chỉ định tôi làm sĩ quan Hải hành và Ðại úy Nam,Trưởng khối hành quân phụ trách phòng CIC (Trung tâm hành quân thông báo).

Phải mất hơn 2 giờ việc vận chuyển đạn dược mới hoàn tất. Mọi người, sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên, trừ những người đang đi "quart", đều lăn xả vào công việc. Khiêng, vác, bưng. Cả một chiến hạm rầm rập tiếng chân người chen lẫn tiếng vỏ đạn, thùng đạn chạm vào nhau hay vào thân tàu, sàn tàu, hợp thành một âm thanh hỗn độn. Ðèn đuốc được thắp sáng mọi nơi nhưng những ngọn đèn ở ngoài thì được che chắn cẩn thận để tránh sự nghi ngờ của địch. Chính nhờ những hoạt động năng nổ này làm mọi người quên đi nỗi lo âu cho số phận của mình vào ngày mai khi cuộc chiến bắt đầu, đẩy lùi lại phía sau nỗi sợ hãi, tính hèn nhát, cũng như những thắc mắc suy tưởng.

Tôi trở lại phòng ăn đoàn viên sau khi xong việc, đến câu lạc bộ mua một ly cà phê rồi cùng một số sĩ quan khác ngồi ngay đó nói chuyện. Không ai trong nhóm này muốn trở về phòng để phải đối diện với thực tại đáng lo, rồi sinh ra bi quan chán nản để trở thành một tên hèn nhát. Chúng tôi nói mọi chuyện, từ nỗi thắc mắc về lệnh hành quân đến những câu chọc cười vô thưởng vô phạt. Nhưng đã không còn những tràng cười khoái trá mà chỉ còn là những nụ cười thật nhẹ, có chút gượng gạo nữa. Rồi lên phòng ăn sĩ quan, húp từng muỗng cháo nóng mà nhân viên nhà bếp mang lại. - đây, cũng lại cái không khí hơi thiếu tự nhiên dù ai cũng cố dấu kín tâm sự chính mình. Chỉ biết cố gắng hòa lẫn vào đám đông để khỏi đối diện với chính mình với bao bất trắc của sáng ngày. Rồi tôi lên tiếng, cố đùa:

- Ðây có thể là tô cháo cuối cùng và vừa rồi có thể là ly cà phê cuối cùng.

Nói xong câu này, không ai cười, nhưng trong tôi bỗng biến đổi. Một nỗi trống vắng, xa lạ xâm chiếm tâm hồn.Như không còn là tôi, không còn cần thiết gì nữa. Không còn ham muốn điều gì, kể cả sự sống. Không còn sợ hãi điều gì, kể cả cái chết. Không luyến thương vương vấn ai, kể cả mẹ già. Không thèm ăn, không thèm hút. Không thèm gì hết.

Ðúng 7 giờ, còi nhiệm sở tác chiến vang lên dồn dập, đồng thời ở mọi góc phòng, tiếng loa phóng thanh liên tục phát ra từ đài chỉ huy: "Tất cả mọi người vào nhiệm sở tác chiến". Tôi chạy vội về phòng ngủ, lấy một gói thuốc Bastos bỏ túi, mang áo phao, đội nón sắt chạy lên đài chỉ huy. Hạm trưởng đứng đó, cũng áo phao nón sắt, và ống nhòm đeo trên cổ đang cầm lên để quan sát tàu địch. Sau đuôi HQ16 là HQ10 đang chạy theo đội hình hàng dọc với 2 máy tiến 1. Về phía nam, hai chiếc tàu Trung Cộng có số hiệu 300 đang ở mặt bắc của đảo Quang Hòa, Duy Mộng và ở phía tây nam là 2 chiếc số hiệu 200 có lẽ mới nhập vùng đêm qua. Cả bốn chiến hạm địch cùng chạy chậm gần hai đảo, làm thành một vòng bán nguyệt. Xa hơn về phía nam là HQ4 và HQ5 giờ này có lẽ cùng đang trong tình trạng chuẩn bị tác chiến. Trên HQ16, mọi người đang lục tục chạy vào vị trí của mình. Trước mũi, nắp đậy của lỗ quan sát của khẩu pháo 127 ly bật tung và ngoi lên cái đầu của Trung uý Ất trưởng khẩu. Ất đội một nón sắt rộng vành có trang bị ống nghe nội bộ úp vào lỗ tai. Trên đó một tầng là khẩu 40 ly đôi dang được mở bọc bạt, nòng bắt đầu quay phải trái, lên xuống để điều chỉnh. Trong hai nòng, 4 kẹp đạn sáng chói đang chồng thành 2 cặp song song nhau. Cùng tầng đó, ngay hai bên hông đài chỉ huy là 2 khẩu 20 ly đôi cũng đang được lắp đạn. Sau đó, tiếng báo cáo từ phòng CIC của Ðại uý Nam vang lên từng chặp. Vừa lên đài chỉ huy, tôi nhận định vị trí rồi làm cái "point" đầu tiên của một sĩ quan hải hành, sau đó kiểm tra lại sổ hải hành, đọc lướt qua những diễn biến được ghi lại trong đêm. Một hạ sĩ quan giám lộ đang cầm bút sẵn sàng ghi chép vào đó những mệnh lệnh của Hạm trưởng, những báo cáo của phòng CIC, phòng truyền tin cùng những diễn biến quan trọng xảy ra. Công việc bận rộn với những hoạt cảnh trước mắt đã hoàn toàn xóa tan trong tôi cái cảm giác trống không trong phòng ăn, nỗi lo sợ và cái lạnh trong phòng họp. Cũng như mọi người, tôi hòa nhập vào nhiệm vụ, vào đám đông, bỏ quên mình để trở thành một mắt xích của một guồng máy đang quay đều.

Trong vòng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, hầu như không có gì xảy ra cho chiến hạm. Những báo cáo, chỉ thị cứ tiếp tục được truyền đến và đi. Tiếng rè rè của máy truyền tin PCR 25 đặt bên cạnh thỉnh thỏang lại phát ra tiếng nói của những giới chức thẩm quyền từ các chiến hạm bạn. Cả hai phân đội cũng đang chạy vòng vòng, chầm chậm quanh khu vực mà mình trấn thủ, trong khi hai phân đội của địch cũng như đang được chia ra để thành hình từng cặp đối diện. Riêng tôi, cứ 15 phút lại làm một "point", kiểm soát sơ qua về những gì mà hạ sĩ quan giám lộ đã ghi trong sổ hải hành.

Khoảng hơn 9 giờ, HQ16 nhận được lệnh cùng với HQ10 yểm trợ cho HQ4 đổ bộ người nhái lên đảo (tôi không nhớ là đảo nào) bằng cách cả hai chiếc chúng tôi làm một cuộc diễn hành hàng dọc nhắm thẳng hai đảo tiến tới làm như thể chúng tôi sẵn sàng áp sát đảo để đổ bộ hay tấn công gì đó. Có lẽ đây là cái kế "dương đông kích tây" của Tư lệnh lực lượng, nhờ đó phân tán được chiến hạm địch và có thể tạo sự chú ý của hai chiến hạm địch phía dưới để thừa cơ HQ4 đổ bộ. Lệnh thì phải thi hành, nhưng riêng tôi nhận xét thì kế này không thành công bao nhiêu vì hai chiến hạm số hiệu 200 của Trung Cộng ở mặt tây nam sẽ không cần được điều động lên mặt bắc vì với lực lượng tương đương, 2 chiếc số hiệu 300 cũng đủ cầm chân chúng tôi. Tuy nhiên tôi không rõ bằng cách nào mà sau đó khoảng hơn 30 phút, HQ4 báo cáo là đã đổ bộ xong toán người nhái lên đảo. Và từ đó, trên tần số thường lệ của máy PRC 25 lại vang lên thêm tiếng của một đơn vị bạn đang nằm ngay trong lòng địch. Tôi thấy rằng việc đổ bộ thành công này quả là một kỳ công của HQ4 bởi vì nó diễn ra trước mũi của hai chiến hạm Trung Cộng mà chỉ bằng những chiếc xuồng đổ bộ được chèo bằng tay. - phía trên, khi chúng tôi nhận được lệnh tiến về phiá đảo, HQ10 hình như có vẻ chần chừ vì khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng xa và Hạm Trưởng HQ16 đã nhiều lần thúc dục HQ10 phải chạy sát nhau hơn. Khi chúng tôi chạy được nửa đường, hai chiến hạm Trung Cộng bắt đầu tăng tốc chạy ra ngăn cản. Lúc đó là gần 10 giờ. Chúng chạy thật nhanh đến phía chúng tôi rồi lại quay mũi, chạy hàng dọc ngang qua trước mũi tàu HQ16 để làm thành cái đầu của chữ T mà chúng tôi là thân chữ T - Và mọi chuyện xảy ra lại giống chiều hôm qua nếu như HQ16 không ngoan cố cứ tiếp tục thẳng tiến. Có lẽ thấy rằng khó có thể ngăn cản nổi chúng tôi mà không xảy ra một vụ đụng tàu bất ngờ và nguy hiểm, một chiếc đã chủ động chạy ra xa hơn rồi quay lại với một vòng rộng hơn để mũi tàu không băng ngang trước mũi tàu HQ16 mà lại đâm thẳng vào hông phải chúng tôi với một góc 90ậ. Lúc đó tôi đang đứng ngay la bàn hữu hạm, tầng dưới là cabin Hạm trưởng, phía ngoài của cabin là khẩu đại bác 20 ly đôi với hai nồi đạn đang nằm trên giá và nòng súng thì lúc nào cũng chĩa thẳng vào tàu địch. Tàu địch lúc đó đang tiến về phía HQ16 với vận tốc 15 gút và vận tốc của HQ16 chỉ khoảng 6.7 gút. Nhìn chiếc tàu địch đang sừng sững tiến về phía mình, nhắm đúng vào chỗ mình đang đứng, trong tôi không còn là nỗi lo sợ, không còn là sự hoảng hốt, chỉ thấy như thân mình bay bổng lên, nhẹ tênh và các phản ứng hầu như chết lặng đi một lúc. Tôi ghì mạnh hai tay, nắm vào thành tàu, cố giữ vững thế đứng và tạo sự bình thản trên khuôn mặt như một kẻ bàng quang đứng nhìn. Khi còn cách nhau khoảng 20 mét, tôi nghe tiếng Hạm trưởng: "Lấy hết tay lái bên trái". và tôi cũng đoán rằng tàu địch cũng đang lấy hết tay laí bên phải, nên khi hai chiếc chạm nhau, mũi tàu địch đâm vào một góc rất nhỏ, quệt dài theo hông bên phải cho đến mũi tàu. Hai chiếc song song chạy như đang cập vào nhau và tôi có cảm giác nếu như tôi đưa bàn tay ra là có thể với tới một bàn tay cũng đưa ra từ bên tàu địch. Mũi nhọn của chiếc neo hữu hạm HQ16 móc vào bè đào thoát của địch làm nó rơi xuống biển. Tôi nghe một cái rùng mình nhẹ của HQ16 nhưng tàu địch thì chòng chành như có sóng lớn làm một tên - hình như sĩ quan - té nghiêng vào thành tàu, còn một tay đầu bếp té ngửa đưa bốn vó lên trời khi đang mò ra boong chính. Hai tay y lúc đó đang bưng một rổ cà chua - Cùng với người, những trái cà chua đỏ mọng rớt xuống lăn long lóc trên sàn. Khi hai tàu hoàn toàn tách nhau, không hiểu sao tên sĩ quan bị té lại rút súng ngắn ra chĩa lên trời bắn một phát. Cái đụng chạm bất thần và ngắn ngủi dường như làm cả tàu ngơ ngẩn bàng hoàng như vừa trải qua một cơn ác mộng - Chúng tôi cũng không hiểu sao các xạ thủ vẫn bình thản nhìn sự việc xảy ra mà không hoảng hốt bóp cò. Chỉ một sự sai sót xảy ra, cả một chiến hạm địch sẽ hứng nguyên cả nhiều tràng đại bác 20 ly, mà không những cuộc chiến mở màn một cách đẫm máu và chúng tôi ở đài chỉ huy chỉ cách có 2 mét cũng không tránh được thương vong.

Biến cố qua đi, tôi mới định thần và trở về với công việc. Sau đó HQ16 và HQ10 quay mũi trở về hướng bắc vì đã nhận được tin toán đổ bộ người nhái đã hoàn toàn xâm nhập đảo qua máy CR 25. Những tiếng báo cáo của họ về tình hình trên đảo nghe rõ mồn một. Ðại khái là Trung Cộng đã xây dựng trên đó những công sự phòng thủ kiên cố và một đài quan sát, được bảo vệ bởi gần một tiểu đoàn quân trú đóng. Toán đổ bộ cũng yêu cầu Tư lệnh LLDN cho phép được thay đổi kế hoạch để họ có thể xử dụng hỏa lực để chiếm đảo. Họ cũng e sợ rằng việc tránh xử dụng hỏa lực có thể làm cho họ hoàn toàn bị bắt sống bởi một quân số địch vượt trội khi họ tiến vào. Cho đến lúc này tình thế đã có vẻ gay go vì mục đích của cuộc hành quân sẽ không đạt được nếu không nổ súng. Nhưng nếu thế thì mọi chiến hạm đều phải nhập cuộc và một cuộc hải chiến khốc liệt sẽ mở màn, rất trái với tinh thần của lệnh hành quân. Vả chăng, việc khai chiến sẽ không nằm trong thẩm quyền của một vị Tư lệnh chiến dịch, cũng không hẳn ở một vị Ðô Ðốc Tư lệnh Hải quân, mà chắc chắn phải xuất phát từ vị Tư lệnh tối cao của quân đội.

Vậy mà, chỉ chừng chưa đầy 10 phút sau đó, chúng tôi nhận được lệnh của vị Tư lệnh / LLÐN yêu cầu HQ16 và HQ10 chuẩn bị để tác xạ lên đảo để yểm trợ cho toán người nhái đang bắt đầu tiến vào. Trong khi đó HQ4 và HQ5 sẽ tác xạ trực tiếp vào tàu địch. Tôi nhận thấy rằng hiện tại nếu cuộc chiến xảy ra, tình thế đã chia làm 2 khu vực rõ rệt. HQ16 và HQ10 đang ở mặt tây Bắc của đảo, đang đối đầu với hai chiến hạm địch hiệu số 300. - mặt tây nam, HQ4 và HQ5 trực diện với hai chiến hạm khác. Khoảng cách giữa 4 chiến hạm VNCH có lẽ còn xa hơn 10 hải lý. Nếu chúng tôi, HQ16 và HQ10, chỉ chú tâm bắn lên đảo, hai chiến hạm 300 sẽ dễ dàng làm thịt chúng tôi. Và chúng tôi sẽ trở thành tấm bia cho chúng tập bắn. Với khoảng cách như vậy HQ4 và HQ5 đâu đủ sức để yểm trợ mình, đó là chưa kể họ còn phải lo liệu kẻ thù trước mặt, chưa chắc đã làm gì được chúng. Ngoài ra, còn cần phải có một tầm nhìn rộng rãi hơn để thấy rằng, với một trận chiến giữa biển khơi, ai làm chủ mặt biển, kẻ đó sẽ làm chủ đất liền. Sá gì một tiểu đoàn quân trú đóng chỉ được trang bị súng cầm tay nếu 4 cái gai trước mắt đã được thanh toán xong? Ý nghĩ đó của tôi tức thời được trình bày lên Hạm trưởng và ông rất đồng ý. Sau đó ông trao đổi với Ðại tá Ngạc để xin cho HQ16 và HQ10 được đánh phủ đầu 2 chiến hạm địch. Ông không đồng ý lúc đầu và tôi vì bận công việc không nghe rõ ý kiến phản bác của ông. Hạm trưởng vẫn không chịu và cuộc mặc cả dài đến hơn 5 phút rồi đi đến một biện pháp dung hòa. HQ10 tác xạ lên đảo và HQ16 sẽ tác xạ yểm trợ, bắn vào chiếc nào gần nhất. Ðây rõ ràng chưa phải là giải pháp tối ưu nhưng trước mệnh lệnh của cấp trên, chúng tôi phải thi hành. Và, tiếng súng của HQ10 trở thành tiếng súng lệnh để các chiến hạm bắt đầu cuộc hải chiến. Ðể có thể dễ dàng nổ súng, HQ10 từ sau lái tách qua bên phải để hai chiếc chạy song song hướng mũi về 2 đảo, nếu khi nào cảm thấy thuận tiện là HQ10 sẽ khai hỏa. Trong khi đó, toán người nhái trên đảo đã báo cáo là có xung đột với địch và sau nhiều lần yêu cầu cho nổ súng, họ báo cáo là có một sĩ quan người nhái bị giết. Không thể chần chờ được nữa, Tư lệnh lực lượng hối thúc HQ 10 nổ súng ngay.

Tất cả mọi người trên đài chỉ huy đều tập trung chú ý vào HQ10 chờ lệnh khai hỏa và tất cả các ổ trọng pháo trước mũi cũng như bên hữu hạm đều nhắm vào chiến hạm địch gần nhất, cách chúng tôi khoảng hơn 2 hải lý. Sau một tiếng nổ ầm từ khẩu 76.2 ly của HQ10 và tiếng la của Hạm trưởng "tác xạ", cả chiến hạm như bị giật lùi vì tiếng khai hỏa của đại pháo 127 ly. Những người trên đài chỉ huy chú tâm đến nỗi ai cũng có cảm tưởng mình nhìn thấy được đường đi của viên đại bác đầu tiên. Rồi tiếng nổ dồn dập của khẩu đại bác 40 ly đôi trước mũi và khẩu 40 ly đơn sau lái hữu hạm, cùng với tiếng nổ liên hồi của đại bác 20 ly làm thành một hòa âm khó tả. Khói thuốc súng từ trước mũi, sau lái, boong trên phía sau và ngay đài chỉ huy phía dưới bay lên làm mờ cả một vùng trời trên chiến hạm. Ngửi mùi khói đang bay ấy, con người mình như được kích thích bởi một cái gì, hăng hái hơn, nhanh nhạy hơn, can đảm hơn. Những tiếng nổ đinh tai nhức óc vang rền khắp chốn cũng tạo thêm một niềm tin mới, niềm tin của sự chiến thắng.

Từ lỗ tròn của ổ đại bác 127 ly trước mũi, Trung uý Ất đã đứng hẳn người lên, nhô cả thân mình lên trên ụ súng để tận mắt chứng kiến kết quả của những viên đạn đang nổ, điều chỉnh những sai sót. Tiếng oang oang thường ngày của Ất được dịp phát ra từ đó mà ở đài chỉ huy chúng tôi nghe được: "Lên hai độ", "xuống một độ", "bên phải", "bên trái một chút". Cả đài chỉ huy cùng chăm chú theo dõi từng viên đại pháo nổ xung quanh tàu địch, bỗng ồ lên như ong vỡ tổ: "Trúng rồi" Tôi nhìn lên, chếch về phía bên phải mũi tàu, một chiến hạm địch đang bốc khói. Có lẽ đó là khói của viên đạn nổ tung ngay đài chỉ huy vì sau đó, dường như hoạt động của tàu này có phần chậm lại - Tôi nhìn ra xung quanh chiến hạm mình, hàng trăm viên đạn nổ lõm chỏm giữa nước. Phía trước, phía sau, tả hạm, hữu hạm. Ðạn nổ đều khắp làm tôi mường tượng như đang ở giữa một trận mưa đá khổng lồ. Nhưng sao chiến hạm vẫn bình yên vô sự như có một sự che chở thiêng liêng nào? Tôi bỗng nhìn lại về phía trước, khẩu đại bác 40 ly đôi đang chĩa mũi lên trời mà nhả đạn liên tiếp. Tôi chỉ tay cho Hạm trưởng, rồi như một phản ứng kỳ diệu, tôi chạy xuống hai lần cầu thang ngoài trời, hấp tấp leo lên cạnh xạ thủ chiều cao. Tôi dựng đầu anh ta dậy, không nói gì cả, chỉ cho anh ta thấy tàu địch, bắt hạ mũi súng xuống và nhìn thẳng vào lỗ nhắm. Anh ta quay lại nhìn tôi rồi làm theo lệnh. Tôi an tâm chạy ngựơc trở lại đài chỉ huy giữa lúc cuộc bắn giết đang diễn ra sôi động và khốc liệt giữa tiếng pháo nổ ầm ầm. Trên đó, ai vẫn làm công việc của người đó, một cách bình thản. Bỗng tôi nhìn thấy HQ10 đang nằm bình yên giữa biển khơi cách HQ16 khoảng một hải lý bên hữu hạm. Nhấp nhô giữa biển là một vài đốm nhỏ như những tấm ván nổi lềnh bềnh. Chúng tôi đoán rằng HQ10 đã đào thoát nhưng không rõ lý do vì không nghe tiếng báo cáo nào về tình trạng của tàu. Chỉ biết thế mà không còn thì giờ thắc mắc bởi sự chú tâm độc nhất của mình bây giờ là chiến đấu trong khi không còn khả năng nào để cứu vớt đồng đội. Rồi giọng anh truyền tin nội bộ báo cáo: Trình Hạm trưởng, kho đạn 127 ly trước mũi bị thủng một lỗ.

- Nước có vào kho không?

Anh liên lạc lặp lại câu hỏi cho sân mũi, rồi trả lời:

- Có, nhưng ít thôi. Chỉ khi nào mũi tàu chúi xuống thì nước có vào chút đỉnh.

- Cô lập phòng đó lại.

Không biết bao lâu sau đó, giữa khói đạn mịt mù, tiếng báo cáo từ hầm máy vang lên qua máy phóng thanh, có vẻ hốt hoảng:

- Hầm máy tả hạm bị thủng một lỗ lớn, nước vào rất mạnh. Tiếng Hạmg Trưởng:

- Còn gì nữa không, báo cáo.

- Một máy điện bị phá huỷ, Trung sĩ điện khí Xuân bị trọng thương.

- Gọi y tá đem lên băng bó gấp.

Ngừng một lát:

- Toàn hầm máy chỗ nào cũng bị điện giật cả. Tất cả đều đã rời khỏi hầm... báo cáo Hạm trưởng, tàu sắp chìm.

Nghe lời báo cáo sau cùng, cả đài chỉ huy lặng đi một phút, và cùng nhận thấy tàu hơi nghiêng về phía tả hạm, rồi tình trạng nghiêng càng ngày càng lớn. Hạm Trưởng ra lệnh lấy hết tay lái qua trái, làm một vòng để quay ngược tàu chạy về hướng bắc để rời xa vùng chiến trận. Các ổ trọng pháo 40 ly sau lái bây giờ được tăng cường hoạt động ở cả hai phía. Ðồng thời, ông chụp vội lấy micro và ra lệnh: "Tất cả chiến hạm vào nhiệm sở đào thoát:. Ông lặp lại 3, 4 lần câu nói rồi đến bên tay lái, điều khiển tàu thay nhân viên lái đi vào nhiệm sở của mình - Tiếng chân rầm rập mọi nơi vang lên có vẻ nhanh hơn lúc có còi nhiệm sở tác chiến buổi sáng. Ðài chỉ huy trong một phút bỗng vắng tanh vắng ngắt. Tôi chợt nhớ lại số tiền 100.000 đồng của bà mợ ở Ðà Nẵng nhờ đem vào cho chú em đang theo học đại học ở Sài Gòn. Tôi chạy thật vội về phòng, nhưng đừơng cầu thang tối thui. Tàu lại nghiêng khá lớn nên việc di chuyển càng khó khăn thêm. Mò mẫm số tiền để trong tủ không khóa, lấy thêm 1 gói Bastos, tất cả đút váo áo phía dưới bụng, tôi chạy ngược lên đài chỉ huy mà lòng bỗng thấy sợ vì sự dại dột của mình vì tôi đang liên tưởng đến cái chết của một người bạn cùng khóa trên HQ 225 ở Năm Căn vào năm nào.

Trên đó, Hạm trưởng đang nặng nhọc lái tàu, bên cạnh là Ðoàn Viết Ất. Cả hai không nói gì. Nhìn cái dáng cao gầy của ông đứng trước tay lái trong khung cảnh vắng lặng của đài chỉ huy, tôi như cảm thấy hết nỗi cô đơn của ông, của một Hạm trưởng đang trong tình trạng tuyệt vọng; nhưng trên nét mặt phong trần và đôi mắt đăm chiêu vẫn chứng tỏ nét kiêu hùng. Dáng đứng chơ vơ đó gây cho tôi một ấn tượng rõ nét và cho đến bây giờ, trong tôi vẫn dấy lên một niềm đồng cảm, mến phục. Ðó là dáng đứng mang đầy vẻ hãnh diện một cách đau thương, ngạo nghễ một cách lưu luyến, và chấp nhận một cách đàng hoàng. Ðó là dáng đứng mang vẻ tự trọng và kiêu hãnh của một Hạm trưởng, của một sĩ quan ngành chỉ huy đã được vinh dự mang trên ngực bánh xe vận chuyển với hàng chữ: "Matre post deum" (Hàng chữ này có thể viết sai, ai biết xin sửa lại); đã được tôi luyện từ quân trường, từ 10 năm lặn lộn trên biển cả, từ hải quy và tập quán hải quân. Nó đã thấm vào tim, vào óc, vào máu, vào thịt, vào từng tế bào. Nó luân lưu trong huyết quản, nó hằn sâu trong tiềm thức, nó trộn lẫn trong ý nghĩ và cuối cùng thể hiện trong dáng đứng chơ vơ, cô độc nhưng vững chãi như bức tượng đồng.

Từ dưới cầu thang, bên trái bỗng chui lên một sĩ quan, Ðại uý Hiệp, cơ khí trưởng của chiến hạm. Ông chào Hạm trưởng rồi nói:

- Tại sao Hạm trưởng lại cho nhiệm sở đào thoát? Hầm máy tả hạm bị ngập nhưng tôi đã đích thân khóa kín, tàu vẫn còn chạy được mặc dù là chỉ một chân.

- Thì chính anh cho người báo cáo là tàu sắp chìm!

- Ðâu có, tôi chỉ nói là nước vào rất nhanh và tình trạng rát nguy hiểm. Ðó là vì điện giật lung tung làm toàn nhân viên hầm máy phải chạy tán loạn.

Ðôi mắt Hạm Trưởng sáng lên, nét vui mừng thể hiện qua từng lời khi ông nói vào micro: "Giải tán nhiệm sở đào thoát, giải tán nhiệm sở đào thoát".

Cho đến bấy giờ, tàu đã chạy về đến gần đảo Pattle, cách chiến hạm địch chừng 5, 6 hải lý và chúng cũng không đuổi theo. Tôi nhìn lại vùng chiến trận một lần cuối khi cảm thấy tàu đã khá an toàn. Tít mù xa, HQ4 và HQ5 đang là hai nét mờ mờ ẩn hiện dưới làn hơi nước bốc lên do cái nóng của mặt trời làm nhòe nhoẹt hình ảnh. Có lẽ họ đã rời xa tàu địch từ khá lâu rồi. Gần hơn là HQ10 vẫn bình yên nằm như trong tình trạng thả trôi trong một vùng nước lặng gió, và bên cạnh, một chiếc tàu Trung Cộng cũng trong tình trạng tương tự nằm song song bên nhau như đôi bạn đời tri kỷ chưa có một lần thù hận. Nghĩa là nhân viên của cả hai chiếc đã đào thoát khỏi tàu hay một số khá đông đã chết.

HQ 16 cũng đang trong tình trạng bi đát. Vì một hầm máy chủ lực ở tả hạm đã bị ngập làm bất khiển dụng 2 máy chính, hai máy điện độc nhất còn lại, và cũng một máy ép gió độc nhất còn lại. Tàu đã mất điện hoàn toàn. Cả chiếc tàu trở thành một hầm tối như trong một hang động hoang sơ nào đó. Thỉnh thoảng một vài tia sáng của đèn pin quét qua quét lại dò đường của một nhân viên đang đi làm việc. Radar ngừng chạy, mất liên lạc truyền tin với các đơn vị bạn làm cho HQ4, HQ5 và Bộ Tư lệnh Hải quân vùng I cứ ngỡ rằng HQ16 cũng đã đào thoát hay chìm sâu dưới lòng đại dương. La bàn điện mất điện nên tàu phải xử dụng la bàn từ như một chiến thuyền nào đó có từ thế kỷ thứ 18 về trước. Khó khăn nhất cho tàu vẫn là tay lái điện. Tàu hiện tại chỉ chạy với một chân nên nếu có đủ tay lái điện, việc lái tàu cũng đã là một khó khăn nhất là khi vượt qua giữa vùng san hô bao bọc quanh đảo. Vậy mà bánh lái tại đài chỉ huy không hoạt động nên chiến hạm phải điều động những nhân viên to con khỏe mạnh xuống hầm bánh lái để trực tiếp quay bằng tay cái bánh lái khổng lồ. Thế cho nên đường đi của tàu không phải là một đường thẳng, nhưng là một đường chữ chi ngoằn nghèo như hình con rắn. Nhìn dãy bọt nước uốn lượn phía sau đuôi tàu, người giàu tưởng tượng sẽ ví chiếc tàu như một vũ nữ đang uốn éo thân mình trong một bản boléro lả lướt. Một tin buồn chợt đến khi chúng tôi ở đài chỉ huy đang chăm chú theo dõi Hạm trưởng đích thân lái tàu rời khỏi eo biển nguy hiểm và các nhân viên cơ điện khí của Ðại uý Hiệp đang tận tình sửa chữa 1 trong 2 máy điện của hầm máy hữu hạm: Ðó là tin Trung sĩ điện khí Xuân từ trần vì cánh tay phải đứt mất làm mất máu quá nhiều. Anh đã được Trung uý Bính và các y tá vuốt mắt cùng đọc kinh cầu nguyện cho anh dù không rõ anh theo tôn giáo nào. Trung sĩ Xuân là chiến sĩ đầu tiên của HQ16 hy sinh cho sự độc lập và sự bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Ðây là niềm đau chung cho cả tàu nhưng có lẽ niềm ân hận nhất cho cả tàu là việc bỏ lại 15 đồng đội trên đảo Robert mà không có cách gì đưa về được. Ðó không phải vì Trung Cộng đánh đàng sau mà chỉ vì tàu không thể ngừng được do việc máy ép gió hữu hạm hư từ lâu mà máy bên tả hạm thì đang uống đầy nước. Nếu ngừng, tàu sẽ ngừng hẳn và sẽ làm mồi cho Trung Cộng vì không còn đủ gió để khởi động. Thế cho nên sau khi lái ra khỏi vùng biển của Hoàng Sa và giao cho các sĩ quan trưởng phiên tiếp tục tiến về đất liền, Hạm trưởng đã dùng máy PRC 25 - Máy truyền tin độc nhất còn hoạt động. - để liên lạc và nói chuyện với Trung úy Liêm trên đảo. Sau khi thông báo tình hình bất khả kháng của chiến hạm, ông đã động viên anh em hãy dùng bè đào thoát, cố gắng vượt ra khỏi vùng trước khi Trung Cộng tới chiếm, đồng thời yêu cầu mọi người thông cảm cho sự bất lực của ông. Giữa hai sự chọn lựa; ông phải đưa cả trăm người trở về an toàn. Càng nói, trông ông càng đau đớn và khi nhìn đôi mắt đỏ hoe của ông, chúng tôi đã vội quay đi để cầm giữ những giọt nước mắt khỏi trào ra hai bên khóe.

Ðến khoảng 5 giờ chiều, một máy điện đã được sửa chữa xong. Cả tàu vỗ tay reo hò khi ánh sáng tràn ngập chiến hạm, như ánh sáng đã lấp lóe trong lòng chúng tôi một hy vọng được trở về khi tàu vượt qua khỏi eo biển nguy hiểm đó. Tin tức HQ16 xuất hiện qua máy truyền tin cũng đã được toàn Bộ Tư lệnh Hải quân vùng I Duyên hải đón chào một như chiến thắng.

Ðào Dân

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...