Tuesday, January 26, 2016

Đời Thủy Thủ & Đêm Giang Hành Lịch Sử Bài Viết của Người Thủy-Thủ Già

 

Lời Phi Lộ:  Bài viết nầy không phải là một Hồi Ký mà chỉ là một bài kể chuyện để ghi lại nơi đây, kỷ niệm vui buồn của những người đã hiến dâng, hy sinh cả cuộc đời mình để bảo vệ Tự-Do cho Đồng Bào và sự vẹn toàn của Đất Nước.  Hơn 40,000 trai trẻ đã hăng say tình nguyện đầu quân vào Hải-Quân Việt Nam Cộng-Hòa.  Màu Áo Trắng mặc trên người biểu tượng cho niềm kiêu hảnh và tánh cách lãng mạng của Người Thủy-Thủ.

    Bài viết nầy để tưởng niệm HQ Trung Tá Hà Ngọc Lương, người đã "tuẩn tiết" với Gia Đình trong ngày thất thủ Nha trang, nơi đã đào tạo Anh trở thành một Thủy-Thủ Kiêu Hùng.
Không hiểu vì cơ duyên hay định mệnh đã đưa đẩy tôi từ một thư sinh trở thành một Sỹ Quan có tinh thần trách nhiệm, trung thành tuyệt đối với cấp chỉ huy.  Tôi là người Sỹ Quan cuối cùng đứng bên cạnh Tư-Lệnh Hải-Quân trong giai đoạn hiểm nguy để bảo vệ an ninh, chia xẻ với ông sự lo âu, cân nhắc khi quyết định vận mạng và sự vẹn toàn của Quân-Chủng Hải-Quân Việt Nam Cộng Hòa trong giờ phút lịch sử.
Bài viết nầy chỉ ghi lại một sự thật, mắt thấy, tai nghe, thi hành theo lệnh, xài “văn tếu” để pha trò và bảo đảm hoàn toàn không có… gia vị.  Nếu bài viết có làm“trật khớp”của một vài tác phẩm (memoir) thì Người Thủy-Thủ Già nầy trân trọng nghiêng mình xin lỗi.
Tôi tạm dùng kinh nghiệm cá nhân để làm cái sườn ghi lại kinh nghiệm sống mà tất cả sỹ quan Hải Quân Nhatrang phải đương đầu với tinh thần trách nhiệm, từ ngày đặt chân vào Quân Trường cho đến khi thi hành nhiệm vụ Chỉ Huy tại các đơn vị Hải Quân.
Câu chuyện của Tư Lệnh Hải Quân, người từng chỉ huy Hạm Đội, gồm trên 1,000 chiến hạm, chiến đỉnh, nhưng không có một chiếc cho riêng Ông ra biển đêm 29 tháng 4 năm 1975.
Câu chuyện của một Hạm Trưởng trẻ tuổi có trách nhiệm với cấp chỉ huy, tình huynh đệ với thủy thủ đoàn.  Anh đưa Tư Lệnh Hải Quân ra biển, đưa lính về đoàn tụ với gia đình, riêng Anh đi …. tù cải tạo.
Bài viết cũng ghi lại sự sáng suốt, cứng rắn của các Cấp Chỉ Huy Hải Quân, đã duy trì được an ninh và trật tự, tránh sự hỗn loạn trong giờ phút nghiêm trọng cuối cùng.
Cũng cần nói lên sự kiên trì và tinh thần kỷ luật thi hành nhiệm vụ của Quân Cảnh, nhân viên an ninh của Bộ Tư Lệnh/HQ/Biệt Khu Thủ Đô, đã vất vả phòng thủ hai nút chặn Mê Linh và Cường Để để ngăn chặn biển người tràn ngập khu vực Hải Quân.
Các Sinh Viên Sỹ Quan Hải Quân Khóa 26, triệt thoái từ Nha trang về, súng trên vai, di hành trong vòng trật tự, âm thầm qua Sở Thú để thiết lập vòng đai phòng thủ trong buổi chiều ngày 29/4 /1975.
    Thông cảm với hàng chục ngàn Sỹ Quan, Hạ Sỹ Quan, Đoàn Viên Hải Quân, nhận lệnh “tháo dây”, lái tàu tách bến Saigon, đã thổn thức, âm thầm gạt lệ bỏ lại gia đình, cha mẹ, vợ con để tham dự chuyến Giang-Hành Lịch-Sử cuối cùng.
                        Virginia, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2014
                              Người Thủy Thủ Già   

Chương I.  Khởi Đầu Cuộc Đời Hải-Nghiệp
    Tôi, cũng như các thanh niên cùng lứa tuổi, phải thi hành nghĩa vụ Quân Sự vì đất nước đang có nhu cầu phát triển quân đội. Anh Em chúng tôi, những người chưa từng quen nhau, nhưng đã tìm được cùng chung một đáp số. Chúng tôi giã từ đời sống dân sự và chọn hải-nghiệp làm cứu cánh.  Chúng tôi rất lấy làm may mắn và hãnh diện khi được tuyển chọn vào Trường Sinh Viên Sỹ Quan Hải-Quân Việt Nam Cộng Hòa.   
    Tháng 3 năm 1959, tôi vừa đúng 20 tuổi, chúng tôi mạnh dạng từ giã gia đình “đứng lên đáp lời sông núi”.  Chúng tôi trình diện Trung-Tâm Huấn Luyện Hãi-Quân Nha trang bằng hai nhóm, nhóm lính mới tò-te từ Saigon và nhóm “ngoài nớ” thì xuất phát từ Huế.  Chúng tôi đều dùng xe lửa, trẩy Bắc xuôi Nam, để đến Nha trang.
    Anh Em chúng tôi vẩn biết khi vào Quân Đội thì phãi chấp hành kỷ luật nhưng cũng không tránh khỏi cái “shock” trong ngày đầu đặt chân vào “lò luyện thép”.  Mấy chiếc GMC vừa đổ chúng tôi xuống kỳ đài Trung-Tâm Huấn-Luyện thì từ trong ký túc xá SVSQ, một đám hải-tặc với gương mặt “cô hồn” chạy ngược về hướng chúng tôi, dẫn đầu là SVSQ/K8 Nguyễn Thế Sinh.  Anh Em chúng tôi nhận thấy trong đám nầy có một số bạn ngoài đời, riêng tôi cũng nhận ra hai nguời bạn cũ, Nguyển Minh Thơ và Tôn Thất Sanh.  Chúng tôi cứ tưởng bở, dơ tay ngoắc ngoắc miệng la thật to để bắt bồ:  “hi there, what’s up  m…e…n!”.  SVSQ/K8 Nguyễn Thế Sinh với gương mặt hầm hầm đứng trên kỳ đài ra lệnh:  “Các anh theo lệnh tôi, Ng.h.i.ê.m! Các anh vác hành lý lên vai và chạy theo tôi”.  
    Thế là chúng tôi phải chạy ba vòng sân vận động.  Mọi nguời thở hồng hộc, bò lê bò càng. Chạy cạnh tôi có anh THV, người gốc Miền Nam hơi cộc, xài ngay một tờ giấy năm trăm, miệng bô bô chửi thề “.. .. tụi nó làm tàng quá”. Sau đó không lâu anh Nam Kỳ nầy được chúng tôi đổi tên hắn là Tăng Hùng “Bô”.
    Ngày đầu của đời lính chúng tôi được SVSQ/K8 tiếp đón một cách nồng hậu  với màn chạy marathon để mở màng cho “giai đoạn huấn nhục” mà khóa chúng tôi là vật trắc nghiệm đầu tiên. Cái màn hạ nhục nầy, dưới nhiều hình thức, vẩn tiếp tục đều đều để gò ép chúng tôi vào kỹ luật quân đội.  Có một đêm chúng tôi đang ngủ ngon lành thì có lệnh tập họp trước phòng ngủ.  SVSQ/K8 Nguyễn Thế Sinh, oai phong ra phết (vì hắn là ĐĐT/SVSQ) dõng dạc ra lệnh “các anh, chia nhau, “quỳ” hai bên đường, làm hàng rào danh dự, từ đây đến cải-hối-thất, còn hai anh lực lưởng theo tôi”.  Hai bạn tôi, từ phòng ngủ ra, hì hục cõng… “vua ba-gai” Trần Nhật Chinh đi xuống nhà tù ngủ một đêm. Những sự đày ải, hành hạ triền miên nầy đã làm cho một anh em trong khóa chúng tôi tên Cửu phải “drop out” vì bịnh tâm thần.
    Sau màn chạy bộ “dằn mặt” chúng tôi được đưa vào cư trú ở từng trệt của dãy lầu 2 tầng nằm sau Bộ Chi huy TTHL. SVSQ Khoá 8 thì chiếm cứ từng trên. Ngày hôm sau là lể nghỉ cuối tuần, thanks God! Chúng tôi đuợc nghỉ để “lấy sức” và có thì giờ để quan sát địa thế.
TTHL/HQ Nha trang ở một vị trí lý tưởng như một trung tâm nghỉ mát, phía trước trường có bãi biển cát trắng trải dài từ Cầu Đá cho đến thành phố Nha trang. Sau trường được trấn bởi dảy núi cao ngăn cách bằng khu Đồng-Bò lầy lội, mà sau nầy hằng đêm chúng tôi đã hướng dẫn một toán Tân Binh đi qua Đồng-Bò lập tổ phục kích.  
    Cây thùy dương cao vút, che phủ khắp khu vực Trung Tâm Huấn Luyện, reo triền miên trong gió.  Nhiều đêm có gió to, biển động, sóng vỗ ì ầm ngoài bãi biển, cộng với tiếng rì rào phụ họa của lá thùy dương, tạo nên một bản nhạc hòa tấu thiên nhiên……thật là buồn.
    Một tháng qua đi, chương trình huấn nhục chấm dứt song song với  lệnh cấm trại đã được giãi tỏa, Anh em khóa tôi “đi bờ” với cái cầu vai màu đen (chưa gắn alpha).  Chúng tôi đuợc chia thành 3 chi đội, hai chi đội đi bờ và một chi đội trực (thủ trại).  Ra phố Nha trang chúng tôi đã tìm được không khí tự-do, thoải mái sau một tháng bị giam lỏng trong trại.   
    Sau thời kỳ huấn nhục chấm dứt, chúng tôi chú tâm đến nhiều đến các khóa học chuyên môn cần thiết cho Hải-Nghiệp. Sống chung với nhau trong một tháng thì mỗi người trong anh em chúng tôi đều được đặt cho một cái “nickname” cho hợp với cá tánh mỗi người.  Anh Hà Ngọc Lương người gốc miền Bắc thích ăn tiết canh, mấy anh Nam Kỳ cười nhạo, HNL chống chế “tiết canh giãi nhiệt”. Thế là anh em tặng cho anh ta cái biệt hiệu nầy. Mỗi người đều có tên mới thay thế cho cái tên cha mẹ đặt cho, thí dụ: Đằng Ấy, Cả Đẫn, Perlon, Lotion Kata, TH Bô, v.v. Riêng tôi cũng không tránh được cái số mạng. Số là, khi còn ngoài đời tôi thấy Nguyễn Minh Thơ và người bạn tên Hồng tập làm “lực sĩ đẹp”. Thơ và Hồng có bộ ngực rất nở nang. Tôi bắt chước mua  sách về ‘kéo tạ” mỗi ngày.  Tôi theo “bí kíp” tự luyện mà không có Sư Phụ truyền khẩu quyết nên bị tẩu hỏa nhập ma, bắp thịt ngực nở ít, bắp thịt nách nở nhiều nên hai tay tôi không “xếp” sát vào nguời được. Tôi có tướng đi “kênh kênh”, ngạo mạng nên được bạn đặt cho cái tên Thầy Gồng.  
    Bộ Chỉ Huy TTHL/HQ có Thiếu Tá Đặng Cao Thăng làm Chỉ Huy Trưởng, về sau nầy Ông đuợc thăng lên chức Phó Đề Đốc. Ông nầy rất nghiêm nghị, ít nói nhưng hiền từ.  Chúng tôi ít có dịp “chat” với Ông vì SVSQ nào củng muốn né tránh mặt trời.  Thời gian sau, Thiếu tá Vương Hửu Thiều được chỉ định làm CHT/TTHL/HQ, thay thế Thiếu Tá Th. được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng khác.  Hai mươi chín (29) năm sau, tôi được gặp lại Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng ở Orange County, CA khi tham dự kỷ niệm 30 năm nhập khóa của K8/SVSQ/NT.
Thiếu Tá VHT rất bình dân, tánh tình cởi mở. Thiếu Tá Thiều cũng tốt nghiệp trường Hải Quân Pháp.  Ông CHT mới nầy thích tiếp xúc với đám SVSQ, ngược lại SVSQ cũng muốn “lấy điểm” với ông anh cả nầy.  Mỗi chiều, sau giờ cơm, Ông CHT thả bộ hứng gió gần kỳ đài thì đám SVSQ bu lại, chào và gợi chuyện.  Ông CHT được dịp “xổ” bầu tâm sự (sea stories). Vì Ông là gốc người Huế, phát âm rất nặng, nói giọng quá thấp (lí nhí trong miệng) mà lại “nổ” nhanh như trực thăng Cobra tác xạ. Mỗi cuối câu Ông ngừng giọng…hỉ?...hỉ?  Mấy anh SVSQ ngẩn ngơ trả lời….dạ, dạ. Tan hàng tôi hỏi Ông nói gì vậy?  Đám SVSQ, gốc Saigon, lắc đầu trả lời:  “chẳng hiểu cái… chi . .chi”.
    Sỹ Quan kế tiếp mà chúng tôi thường có dịp tiếp xúc đó là Đại Úy Nguyễn  Văn Ánh, giữ chức vụ Giám Đốc Quân Huấn, sau nầy lên chức Đại Tá. Đại Tá Ánh là một trong số người mà tôi kính mến nhất trong HQVN.  Ông có gương mặt hiền hòa, ăn nói rất nhỏ nhẹ, và đặc biệt là có nhiều thiện cảm với SVSQ.  Đời lính của tôi gặp Đại Tá Ánh chỉ vỏn vẹn 3 lần ngắn ngủi: lần đầu khi tôi còn là một SVSQ, lần thứ hai tôi đi học Mỹ về, Ông giữ chức vụ TMT/HQ, và lần cuối cùng là trên chiếc PGM 601 của Đại Úy Trần Minh Chánh vào đêm 29 tháng 4 năm 1975.
    Ban Giảng Huấn nhà trường thì tôi còn nhớ một số ít như: Trần văn Sơn, Lê Phụng, Nguyễn tiến Ích, Hồ ngọc Ngà, và Đặng dình Hiệp. Các vị sỹ quan nầy đều tốt nghiệp tại trường Sỹ Quan Hải Quân Pháp.
    Người sỹ quan cuối cùng ở trường Sỹ Quan Hải Quân mà tôi xin tạm gọi là “Vua Kỹ Luật”, người Sỹ Quan gương mẩu nầy, mà mãi sau nầy chúng tôi thương, tôn làm Sư Phụ.  Khi chúng tôi vào trường Ông giữ chức vụ Hiệu Trưởng trường SVSQ.  Ông nầy biểu tượng cho kỹ luật, nghiêm nghị, khô khan tình cảm, ít nói, không bao giờ cười.  Hàng tuần Ông xuống thanh tra chúng tôi về quân phục, phòng ngủ, phòng vệ sinh, v.v. để bảo đảm sự sạch sẽ và ngăn nắp.
    Hơn hai năm thụ huấn tại trường SVSQ/HQ, trong những ngày cuối tuần    đi bờ, đám SVSQ “quậy” nát phố phường Nha trang, đưa đào đi thăm Tháp Bà cầu duyên, Hòn Chồng thề thốt hoặc đi ăn nem nướng Ninh Hòa, phở Chụtt. Trong khóa tôi có 3 anh (HNL, NĐĐ và MVH), thả neo móc phải đá ngầm, sau nầy xin về phục vụ tại Quân Trường để được gần…. quê vợ.  
    Trong khi đám đệ tử dùng chiến thuật đánh mau đánh mạnh thì Sư Phụ rút vào “Tuyệt Tình Cốc” ôm con tim giá lạnh nghiền ngẫm bí kíp Tác Phong, quyết không… bắt chước “tụi nó”, nếu không tụi nó giỡn mặt, khó làm việc.  Đến khi chúng tôi mãn khóa ra trường thì Sư Phụ vẩn tuyệt đối giử vững với lời thề…….. no girl friend!
    Nghe thiên hạ đồn rằng, vài năm sau Sư Phụ được đổi về Trường Võ-Bị   Đà-Lạt làm Giáo Sư. Là tướng giỏi cần phãi biết khai thác: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa.  Cơ duyên đã tới, Sư Phụ liền phất cờ ra quân.  Đà Lạt với khí hậu mát lạnh quanh năm, các SQHQ đều mặc demi-saison với cấp bậc vàng chói trên tay áo, cà vạt, casquette trắng có hoa lá cành (quân phục mùa Đông của HQ).  Từ một Sỹ Quan khô khan tình cảm biến đổi thành một người hào hoa, phong lưu giống như Richard Gere trong phim An Officer and a Gentleman. Sư phụ trở thành cây đinh làm cho nhiều cô gái để ý.  Ngày nghỉ cuối tuần, xe của Sư Phụ lúc nào cũng chở vài ba cô gái, nói năng líu lo, nũng nịu….biết zồi, khổ lắm, nói mãi!
    Nhưng có một ngày đẹp trời, trên xe chỉ thấy có một giai nhân, Ông điều chỉnh hải-bàn, ôm tay lái hướng về Hồ Than Thở.  Trước phong cảnh hữu tình, Ông trịnh trọng cầm tay ngưòi đẹp, nói qua hơi thở… “would you marry me?”.  Người con gái trẻ đẹp đó hiện đang sống hạnh phúc với Sư Phụ ở miền Nam Texas, USA.
    Ba tháng sau ngày nhập Quân Truờng, cầu vai màu đen trên áo được tô điểm thêm cái Alpha vàng ánh.  Trường Sinh Viên Sỹ Quan Hải Quân lại có thêm một khóa mới, Khóa Đệ-Nhất Nhân-Mã gọi nôm na là Khóa 9 SVSQHQ/NT. Trong niềm vui rộn rả, anh em chúng tôi mướn ngay xe đêm về Saigon/Huế nghỉ phép.
Thời gian nghỉ phép qua nhanh, chúng tôi lại về Quân trường tiếp tục trau dồi  hải-nghiệp.  Khóa 8/SVSQ làm lễ mãn khóa ra trường và riêng chúng tôi cũng bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi “lên lớp”.  Sau một kỳ thi gay go, hồi hộp, học ngày, học đêm, kết quả đa số anh em chúng tôi được mang cấp bậc Chuẩn Úy, chúng tôi cảm thấy hãnh diện, trưởng thành hơn trong vị trí mới. Có vài anh em thiếu may mắn thi không đủ điểm, phải “ra trường sớm” với cấp bậc Trung Sĩ.
Bộ Chỉ Huy TTHL/HQ/NT và 2 khóa SVSQ (khóa 8 & khóa 9) - 1959
 
Chúng tôi làm lễ “khao lon”, tôi lãnh phần trang trí. Quan khách tham gia đông đảo, anh em mời Đào ngoài phố Nha trang vào dự rất đông, đặc biệt có Ca-Sĩ Thanh Thúy cùng đến chia vui. Ca Sĩ Thanh Thúy ở sát vách với nhà Bác tôi ở đường Cao Thắng, Saigon, đối diện với dảy lầu 5 tầng. Thanh Thúy dạo đó thường đêm đi hát tại các vũ trường, Đại Nam, Arc en Ciel, Ngọc Lan Đình, v.v. Thanh Thúy là thần tượng của tuổi trẻ thời đó và tôi cũng là một trong số “fan”.  Mổi lần về phép, tôi đến vũ trường để nghe nàng hát. Trong ánh đèn mờ ảo của vũ điệu “slow”, Thanh Thúy đứng hát trên sân khấu, áo dài trắng, tóc xõa trên vai, cất tiếng hát (giọng Huế) trầm buồn trông ….rất liêu trai.
    Mùa Hè năm 1961 là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời Binh Nghiệp của chúng tôi.  Chúng tôi làm Lễ Mản Khóa dưới sự Chủ Tọa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thủ Khoa khóa tôi là anh Hà Ngọc Lương. Tổng Thống Diệm tặng cho anh em chúng tôi một “con bò” để ăn mừng nhưng chúng tôi tặng lại nhà trường để làm phụ trội ẩm thực cho SVSQ/K10 và Thủy Thủ Tân Binh.
  Hà Ngọc Lương - Thủ Khoa Khóa Đệ Nhất Nhân Mã   -   6/1961
Ra trường với cấp bậc Thiếu Uý, tôi được BTL/HQ thuyên chuyển xuống Hải Vận Hạm Lam Giang, HQ 402, do Đại Úy Nguyễn Hửu Chí, K3/SVSQ/NT, làm Hạm Trưởng, sau nầy Ông được phong chức Phó Đề Đốc.  Đại Uý Chí, cũng là một nhà thơ với bút hiệu Hữu Phương, tánh tình hiền hòa, lãng mạng, đa tình và đặc biệt là rất dễ…yêu. Tôi chỉ phục vụ với Ông trong một thời gian ngắn, võn vẹn chỉ có 3 chuyến công tác, Côn Sơn, Đà  Nẵng, Hoàng Sa.  Đại Úy Chí rất có tình với tất cả sỹ quan chiến hạm.  Ông xem chúng tôi là những người em, người bạn hơn là sỹ quan thuộc quyền.   Khi Ông qua đời ở Virginia, tôi và Thiếu Tá Phạm Văn Lớn đã đứng canh quan tài cho ông theo lễ nghi quân cách.
Tôi được đổi về Hải Đoàn 25 Xung Phong ở Cần Thơ do Đại Úy Ngô khắc Luân, K2/SVSQ/NT, làm Chỉ Huy Trưởng, sau nầy ông được phong chức Đại Tá.  Trong ngày trình diện, Ông chỉ định tôi làm Sỹ Quan Căn Cứ.  Công việc tương đối nhàn hạ, thanh tra giang đỉnh, kiểm soát bão toàn, bổ xung tiếp liệu.
Tôi cũng được Ông CHT giao cho một chiếc Jeep toàn quyền xử dụng.  Ông CHT tôi là người hiền lành, không kiêu cách, tôi cảm thấy may mắn vì một số bạn cùng Khóa gặp phải một vài Đơn Vị Trưởng …..hách xì xằng.
Tôi được cư trú tại biệt thự của Hải Quân ở gần Căn Cứ.  Biệt thự có ba phòng ngủ, ở giữa là phòng khách, phòng ăn.  Phòng ngủ bên trái, dành cho CHT Bộ Chỉ Huy Giang Lực, luôn luôn khóa kín, tôi chọn phòng bên phải.  Đại Úy CHT cư trú nhà bên cạnh với gia đình.  
Thỉnh thoảng Ông CHT chỉ định tôi đi hộ tống công voa gạo từ Cần Thơ đi Quận Trà-Ôn hoặc tiếp viện cho đoàn công-voa than do Trung Úy Đỗ Quang Khanh, K7/SVSQ/NT làm trưởng đoàn,  từ Năm Căn về Saigon, bị phục kích.  
    Ở đơn vị nầy tôi hưởng đầy đủ tự do và quyền hạn của một sỹ quan.  Hậu Giang hiền hòa, bến Ninh Kiều tình tứ, I wish I could stay here forever.
Một hôm Ông CHT giao cho tôi một số công việc vì Ông phải bay thám sát với Tư Lệnh Sư Đoàn (Đại Tá Trần Thiện Khiêm) vào sáng sớm hôm sau.  Chiều hôm đó có anh du-kích xã được Việt Cộng phát cho một khẩu “oảnh tầm sào” (súng nòng dài).  Anh du-kích mừng húm hẹn hôm sau thực tập tác xạ.  Sáng hôm sau, trực thăng của Tư Lệnh Sư Đoàn bay ngang vùng anh du-kích, wrong place at the wrong time, anh du-kích ngắm bắn vào trực thăng một phát, trực thăng lao chao.  Anh du-kích quăng súng la to… “bull’s eye”! (trúng mục tiêu); trực thăng rớt.  Trời thương, Phật độ, không có tử thương, riêng Ông CHT của tôi lảnh một vết thẹo vừa đủ để được gắn trên ngực một Chiến Thương Bội Tinh (tương đương Purple Heart của Mỹ).
Tôi cứ tưởng đời tôi cứ tà tà như vậy nhưng Ông Bà ta thường nói, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.  Có một hôm, Đại Úy CHT trao cho tôi một Công Điện Thượng Khẩn của Bộ Chỉ Huy Giang Lực gửi cho Hải Đoàn 25 Xung Phong,  nội dung Công Điện: Chỉ thị Thiếu Úy TH về trình diện Chỉ Huy Trưởng Giang Lực trong thời gian sớm nhất.
    Oh,  my …God!  Tay chân tôi rụng rời, phen nầy chết chắc.  Nếu ai thường xem phim Chưởng thì biết “Giang Nam Thất Quái”, còn trong Quân Chủng chúng ta có “Hải Quân Tứ Độc” danh trấn giang hồ (nhứt Tánh, nhì Quyền, tam Cang, tứ Hợp) mà Ông CHT/GL là Đệ Tam Độc Thủ.  Không riêng gì tôi mà Ông CHT của tôi cũng rất quan tâm.
    Cái gì đến phải đến.  Tôi về Saigon trình diện Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Giang Lực, Trung Tá Chung Tấn Cang, K1/SVSQ/NT, ở trại Cửu Long, Thị Nghè, trong bộ Đại Lễ thẳng nếp.  Tôi lo lắng vì không biết sự việc gì sẽ xẩy ra? Nhưng với  bản tánh luôn luôn chấp nhận thử thách, …..que sera… sera.  Sau khi xưng tên họ tôi đứng nghiêm chờ lệnh. Tôi từ từ nhìn lên, Ông CHT/GL một tay cầm “píp”, bập, bập, một tay lật hồ sơ cá nhân, môi cười tủm tỉm, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi chẩm rải chỉ thị: “Tôi đang thành lập Hải Đoàn 22 Xung Phong (lưu động), anh về đây giúp tôi tiếp nhận giang đỉnh, lãnh vũ khí, bổ xung dụng cụ thiết bị và chu toàn những công việc của một sỹ quan căn cứ.  Báo cáo tôi hàng ngày về tiến triển công việc, anh có ý kiến gì thì cứ hỏi”.  Tôi mạnh dạn trả lời “dạ không”.  Ông ra lệnh “dismiss!”, tôi chào và đi ra ngoài.  Tôi thở dài nhẹ nhõm ….  “not too bad!”.   Ngày đầu gặp gỡ tôi chưa tìm được cái “độc” nơi Ông như lời đồn đãi.  
    Với sự hưóng dẫn của CHT/GL và sự tận tâm của tôi, HĐ 22 XP được thành hình dưới sự chỉ huy của Đại Úy Huỳnh Duy Thiệp, K7/SVSQ/NT.  BCH Hải Đoàn nằm trong trại Cửu Long, gần BCH/GL và HĐ 24 XP do Đại Uý Nhan Chấn Toàn làm CHT sau đó Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, về thay thế Đại Úy Toàn.  Đại Úy NKHG là một sỹ quan rất thâm niên của Thủy Quân Lục Chiến nhưng vì “Conflict of Interest” gì đó trong nội bộ Sư Đoàn nên tình nguyện về với Hải quân.  HĐ 22 XP là một giang đoàn lưu động, thường xuyên hoạt động ở Miền Tây tùy theo nhu cầu chiến trường.  Chỉ Huy Trưởng và Sỹ Quan Hải Đoàn ít khi có mặt ở hậu cứ.  Tôi là Sỹ Quan độc nhứt của đơn vị ở lại lo phần yểm trợ.  
    Các Hải Đoàn Xung Phong sau nầy được đổi tên là Giang Đoàn Xung Phong.  Đại Úy Huỳnh Duy Thiệp, trong giai đoạn cuối cùng được thăng cấp Trung Tá, và giữ chức vụ Giám đốc Thương Cảng Đà Nẵng.
    Tôi phục vụ tại HĐ 22 XP với thời gian 2 năm, gần gủi vớí CHT/GL hàng ngày tôi chưa từng thấy ông “hạ độc thủ” với ai mà chỉ thấy nơi Ông tư cách của người anh cả, luôn luôn hướng dẩn, bảo vệ quyền lợi của mọi người dưới quyền. Tôi còn nhớ rỏ có 2 sỹ quan làm việc tại BCH/GL đó là Trung Uý Nguyễn Thiện Nhựt (Nhựt Noel), K3/SVSQ/NT và Trung Úy Trịnh Kim Thanh, K5/SVSQ/NT.  Hai Ông nầy được thăng cấp Đại Úy theo Nghị Định của Bộ Tổng Tham Mưu (thời đó thăng cấp Đại Úy thật là một điều rất khó khăn) nhưng khi Nghị Định của Bộ TTM về đến BTL/HQ thì hai tên Nhựt và Thanh bị gạt bõ ra khỏi danh sách thăng cấp, tạo nên một sự bất hòa giửa BCH/GL và  BTL/HQ.  Tôi có linh cảm là Đại Tá Tư Lệnh Hải Quân và Trung Tá CHT/GL không được thuận thảo với nhau trong Công Vụ.  
    Có thể nói Ông CHT/GL là sỹ quan cao cấp mà tôi gần gủi, phục vụ lâu nhất trong cuộc đời binh nghiệp.  Ông có thái độ bao dung, rộng lượng, bênh vực “đệ tử” hết lòng nên Ông thu phục được sự mến mộ, trung thành của nhiều sỹ quan thuộc cấp.  Có thể nói Ông đã thu hút được nhiều sỹ quan “chịu chơi”, gan dạ, làm chớ không ba hoa chích chòe đặc biệt là không ..”get cold feet”. Về sau lại có thêm một Sỹ Quan TQLC, Đại Tá Cỗ Tấn Tinh Châu, đem kinh nghiệm Lính Thũy Đánh Bộ, về đầu phục dưới trướng của đại nguyên soái CTC, trách nhiệm Đặc Khu Rừng Sát.  Từ sự kính trọng đến cảm mến là động lực thúc đẩy tôi có mặt tại BTL/HQ để chia xẻ với Ông nỗi lo âu trong giờ phút nghiêm trọng.
     Lịch Sử Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa có tất cả 6 sỹ quan liên tiếp thay nhau làm Tư Lệnh Hãi Quân:  Thiêú Tá Lê Quang Mỹ, Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Đại Tá Chung Tấn Cang, Đại Tá Trần Văn Phấn, Đề Đốc Trần Văn Chơn, Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, và Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang (lần thứ  nhì).  Vì tôi là sỹ quan cấp nhỏ nên ít có dịp làm việc gần gủi với một số các vị nầy.
    Sau biến cố lịch sử tháng 11 năm 1963,  Đại Tá Chung Tấn Cang lên làm Tư Lệnh Hải Quân.  Tôi rời HĐ 22 XP để về làm Chỉ Huy Trưởng Ty Quân Xa.  Sỹ quan phụ tá cho tôi là Thiếu Úy Đinh Tế Vũ, K10/SVSQ/NT (em ruột Phó Đề Đốc ĐMH).
    Tôi lập gia đình vào đầu năm 1965, vợ  tôi làm việc cho hảng dầu Caltex Petroleum Corporation, trong sở cũng có người bạn có chồng Hải Quân đó là Bà Alice Gilbert (dân Pháp).  Bà Alice Gilbert là Phu Nhân của Đại Tá Nguyễn Đức Vân, tốt nghiệp Khoá I trường Hải Quân Pháp.  Đại Tá và Bà Nguyễn Đức Vân lần lượt qua đời ở Virginia; vợ chồng tôi cũng có dịp tiễn đưa họ đến nơi an nghỉ cuối cùng.  
    Tôi xin ghi lại đây một vài cảm nghỉ đặc biệt về Đại Tá Nguyễn Đức Vân vì Ông có phần liên hệ đến biến cố lịch sử trong nội bộ Hải Quân Việt Nam.  Đại Tá Vân là một người đức độ, nghiêm trang, khiêm tốn, và điều đặc biệt là rất tin tưởng …… vào số mạng.  Nhớ lại ngày Phó Đề Đốc CTC rời Hải Quân vì lý do chánh trị, Đại Tá Nguyễn Đức Vân được Bộ Tổng Tham Mưu chỉ định về làm Tư Lệnh Hải Quân nhưng cuối cùng Ông khước từ, có lẽ vì….  “số không phát” theo quẻ Tử Vi.   Kết quả của sự bất tuân Thượng Lệnh, Ông bị Bộ TTM phạt 30 ngày Trọng Cấm.  Bà Alice Gilbert cũng than vãn với vợ tôi về quyết định nầy của Đại Tá Vân.
    Tôi đi du học Hoa Kỳ năm 1966 cùng với Thiếu Tá Nguyễn Trọng Hiệp, K5/SVSQ/NT và về nước năm 1967.
    Mùa Hè năm 1967 từ Mỹ trở về, tôi được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Thành Châu, sau nầy Ông đuợc thăng cấp Phó Đề Đốc.  Đại Tá Châu là cái “típ” (type) hoạt động (active), sống hòa đồng với anh em nhưng có cái tật hay “lấy le”, đặc biệt là xưng hô mầy/tao với sỹ quan dưới quyền nên mọi người đặt cho cái tên là Cao Bồi Châu.  
    Để có tánh cách “đa dụng” của sỹ quan QLVNCH, Bộ TTM mở những khoá dù đặc biệt cho sỹ quan các cấp.  Hải Quân cũng có mấy tay chịu chơi, ghi tên đi thụ huấn như: Thiếu Tá Hoàng Cơ Minh, Đại Úy Nguyễn Thiện Lý, K14/SVSQ/NT, Đại Úy Trần Văn Bình, K11/SQSQ/NT, và cuối cùng là Tôi, K9/SVSQ/NT, vì tôi muốn…in gót dày vào không gian.  Hai mươi hai (22) năm sau, con trai tôi, khi còn đi học ở Virginia Polytechnic Institute (1989), cũng nhảy một “saut” sky diving (có instructor) , đem hình về khoe, vợ tôi xanh mặt la rầy, thằng con tỉnh bơ trả lời “để giống Ba”.  Vợ tôi cụt hứng …no comment! (hết ý kiến)!    
Để có lý do rút lui trong danh dự, Hoa kỳ thi hành kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh gọi là Vietnamesation.  Hải quân Việt Nam Cộng Hòa nhận thêm nhiều chiến hạm, lực lượng tuần thám, thủy bộ, ngăn chặn, do Mỹ chuyển giao.  Hệ thống Tiếp Vận Hải Quân cũng đuợc tăng cường để thỏa mãn nhu cầu của các lực lượng.  BTL/HQ soạn thảo một chương trình bành trướng khả năng Tiếp Vận qua một kế hoạch gọi là ACTOLOG (Accelerate Turn Over LOGistics) mà Đại Tá Nguyễn Văn Lịch là Sỹ Quan điều khiển chương trình (program manager). BTL/HQ thành lập nhiều Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận tại 4 Vùng Zuyên Hải và Sông Ngòi:  CCYT/TV Đà Nẵng,  CCYT/TV Cam Ranh,  CCYT/TV Nhà Bè, CCYT/TV Đồng Tâm, CCYT/TV Bình Thủy,  CCYT/TVAn Thới,  và CCYT/TV Cát Lở.  Một số căn cứ được Hoa kỳ chuyển giao và một số thành lập mới.
    Theo lời đề nghị của Đại tá Nguyễn Văn Lịch, tôi được Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn chỉ định thành lập CCYT/TV An Thới - Phú Quốc, với chức vụ Chỉ Huy Trưởng.  Sỹ Quan phụ tá cho tôi là một Thiếu tá của Hải Quân Hoa Kỳ.   
    Trong thời gian tôi phục vụ tại Phú Quốc, Vợ tôi sanh được một cháu trai, tôi đặt tên cháu là Trần An Quốc (An Thới – Phú Quốc) để ghi lại một kỹ niệm. Tôi nhớ rỏ Đại Tá Hồ Tấn Quyền cũng đặt tên cho người con là Hồ Tấn Phú Quốc (không hiểu kỷ niệm ….gì..gì . đây của hai Ông Bà?).
    Hết nhiệm kỳ ở CCYT/TY An Thới, tôi được thuyên chuyển về Hải Quân Công Xưởng dưới quyền Chỉ Huy của Đại Tá Đoàn Ngọc Bích.  Sau đó tôi được BTL/HQ tuyển chọn đi thụ huấn Khóa 2/73 Chỉ Huy & Tham Mưu tại Long Bình.    
    Ngày đầu trình diện, tôi gặp 2 người bạn ngoài Hải Quân: Đại Tá Nguyễn Văn Tường, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Dù và Trung Tá Trần Văn Vinh,  Chỉ Huy Trường Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù.  Đại Tá Tường thấy tôi có “Bằng Dù” trên túi áo hắn liền vù tới bắt tay nhận bạn.  Cái bắt tay “làm quen” nầy mà về sau hắn khỏi phải trình diện trại tù… Suối Máu. Đó là chuyện về sau.
    Mãn khóa Chỉ Huy & Tham Mưu tôi được đổi về Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Tiếp Vận và sau đó được chỉ định giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng, Đại Tá Ngô Khắc Luân làm Chỉ Huy Trưởng.  
   
     Người Thủy Thủ Già BCH/YT/TV 1973-1975
Bộ Tham Mưu gồm có: Trung Tá Nguyễn Văn  Phước, K8/SVSQ/NT, phòng Kế Hoạch, Trung Tá Nguyễn Văn Quang, K7/SVSQ/NT, phòng KT/BT, Thiếu Tá Hứa Hồng Minh, K11/SVSQ/NT, phòng Nhân Viên, Thiếu Tá Phạm Văn Lớn, phòng Tiếp Liệu . v. v .
    Khi tôi về trình diện BCH/YTTV thì Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh đã hạ san từ vùng đồi núi Dalat.  Tôi biết Đề Đốc Tánh khi Ông còn làm Giám Đốc HQCX, tới lúc Ông đi học Naval War College ở Newport, Rhode Island, rồi đến Trường Chiến Tranh Chánh Trị Dalat.      
Tôi tìm tòi, phân tách cái “khó” của vị Tư Lệnh nầy để tìm thuốc giải.  Sau đó không lâu tôi đã tìm được cái “clue”.  Đề Đốc Tánh là người rất nghiêm khắc và .. siêu tỉ mỉ.  Dưới cặp mắt Ông việc thi hành và hoàn tất mệnh lệnh là chuyện nhỏ, Ông còn quan sát đến quân phục, kỷ luật, tác phong, giao tế, đường lối hành xử kính trên, mến dưới.  Nếu sỹ quan nào vượt qua được hết cái chỉ tiêu nầy thì Ông coi họ là “valuable assets” (tài sản hữu dụng) cho Hải Quân.  Ông dành riêng cho họ một tình cảm ….sâu đậm, tin cậy, nâng đở.                  
    Cuối Năm 1973 là giai đoạn thắt lưng buộc bụng của QLVNCH, viện trợ bị cắt giảm tối đa. Không Quân thiếu bom, Lục Quân thiếu đạn, Hải Quân thiếu dầu.  Ngược lại khi chúng tôi còn là SVSQ, hàng tuần chúng tôi qua trường Trung Tâm Huấn Luyện  Hạ Sỹ Quan Đồng- Đế học Chiến Thuật Bộ Binh, các Huấn Luyện Viên thường bị Cố Vấn Mỹ báo cáo vì không xài….hết đạn huấn luyện, thật trớ trêu!
    Trong giai đoạn cuối cùng các đơn vị Pháo Binh chỉ được lệnh bắn yểm trợ cầm chừng vì khan hiếm đạn.  Tội nghiệp những sỹ quan bộ binh trẻ, ở các tiền đồn Địa Phương Quân hẻo lánh,  thường xin tàu Hải Quân đạn súng nhỏ để tăng cường hỏa lực phòng thủ đơn vị.
    Để đáp ứng với tình hình, Bộ Tham Mưu BCH/YTTV soạn thảo kế hoạch “Đình Động” (de-activation) một số chiến hạm nhỏ và chiến đĩnh, hầu giảm thiểu tối đa nhu cầu mức tiêu thụ nhiên liệu.  Song song với kế hoạch đình động, BCH/ YTTV cũng thành lập một Trung Tâm Điều Hòa Tiếp Vận để có thể tái phối trí nhu cầu tiếp vận cho các đơn vị.
    Trong giai đạn cuối cùng của cuộc chiến, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu chánh phủ Hoa Kỳ viện trợ chỉ mấy trăm triệu Đô-La để tiếp tục chiến đấu nhưng lời yêu cầu đó không đuợc Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn nên …..cái gì đến phải đến.

Chương II.    Saigon Trong Những Ngày Cuối Cùng   
    Sau khi các Đơn Vị Hải Quân của Vùng I, Vùng II Zuyên Hải và TTHL/HQ rút về Saigon, thì khu vực Hải Quân trở nên náo nhiệt, từ Cát Lái cho đến trại Bạch Đằng.  Áp lực của Việt Cộng ở phía Bắc Saigon càng ngày càng trở nên nặng nề.
    Phi cơ phản lực A37 có huy hiệu của Không Quân VNCH, phát xuất từ Phan Rang, dội bom Dinh Độc Lập.  Phi trường Tân Sơn Nhất, máy bay Mỹ lên xuống liên tục để di tản “non-essential personnel” của tòa Đại Sứ Mỹ và của các hãng thầu.  Một số Đồng Bào Việt Nam “lạnh cẳng” củng xô đẩy nhau vào….ăn có.
    Pháo binh của Cộng Sản nhả đạn liên tục “dã nát” phi trường Tân Sơn Nhất và trại Hoàng Hoa Thám của Sư Đoàn Dù.  Vài quả rơi vào thành phố Saigon giết Đồng Bào một cách vô tội vạ.  Có một quả rơi vào cư xá Hải Quân Lê Thánh Tôn, làm Phu nhân của Đại Tá Nguyễn Hiền Năng, K3/SVSQ/NT, bị tử thương.
    Sợ đạn pháo kích tiếp tục rơi vào khu vục Hải Quân gây thiệt hại cho gia đình, tôi bàn riêng với Phó Đề Đốc TMT/HQ về việc đưa 2 gia đình chúng tôi đi Phú Quốc lánh nạn, còn chúng tôi ở lại tử thủ với Đô Đốc Tư Lệnh.  Đề Đốc Thủy đồng ý và tìm cho tôi 16 vé Air Vietnam đi Phú Quốc.  Đến ngày lên phi cơ, thì phi trường TSN đóng cửa vì bị hư hại nặng nề sau trận pháo kích của Cộng Quân.  Trong cái rủi cũng có cái may, nếu 2 gia đình chúng tôi đi Phú Quốc một cách suông sẽ, thì khi Hạm Đội rời hải phận Việt Nam, hai gia đình chúng tôi sẻ bị mất liên lạc. Trường hợp nầy nếu xẩy ra chắc tôi phải theo tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam với anh Trần Đình Trụ (K8/SVSQ/NT).
    Các Đơn Vị Hải Quân được lịnh cấm trại 100%.  Để giử vửng lòng tin và tránh cảnh hỗn loạn có thể xảy ra như trường hợp của cuộc tan vỡ của Quân Đoàn I và Quân Đoàn II, Tư Lệnh HQ nghiêm khắc chỉ thị: “Hải Quân không có kế hoạch di tản”.  Có một vài sỹ quan không nghiêm chỉnh thi hành lệnh cấm trại, trốn về nhà với gia đình, nên khi Hạm Đội rời Saigon các anh bị kẹt lại.  Sau nầy gặp lại tôi ở Mỹ, Các vị nầy trách Tư Lệnh Hải Quân ra đi không cho họ biết,… Oh, well!!
    Trong thời gian đó có một vị Đơn Vị Trưởng của một đại đơn vị âm thầm, đơn phương “vẽ” kế hoạch di tản đưa tàu ra biển kể cả việc (theo lời đồn) chỉ định một Dương Vận Hạm (LST) neo tại Nhà Bè chờ lệnh.  Đặc biệt kế hoạch nầy chắc không có “vị trí” cho TL/HQ.  Kết quả là vị Đơn Vị Trưởng nầy bị giải nhiệm …. . ngay tức khắc.
    Các “Cố Vấn” Mỹ như Đại Tá Joe Gildea ra vào BTL/HQ với gương mặt khẩn trương và tự đặt mình trong tình trạng báo động.  Bên người luôn luôn đeo theo một radio transistor ở vị trí “ON” để chờ nghe bản nhạc..Ngựa Phi Đường Xa.
    Việc phòng thủ khu vực Hải Quân được chia làm 3 Phân Khu do Đại Tá Bùi Kim Nguyệt, K3/SVSQ/NT và Trung Tá Tòng, K7/SVSQ/NT, chỉ huy Phân Khu I công trường Mê Linh do Trung Tá Phan Ngọc Xuân, K10/SVSQ/NT, đãm trách. Phân Khu II – HQCX, do Đại Tá Trần Văn Triết, K7/SVSQ/NT, trách nhiệm. Phân Khu III – trại Cửu Long (không nhớ tên).
    Trung Tá Xuân, CHT Tổng Hành Dinh, cũng là một trong số bạn rất thân của tôi, mở kho vũ khí trao cho tôi 2 khẩu M18 để thường trực trên xe jeep…. phòng thân.
    Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi qua BTL/HQ thì gặp Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, TMT/HQ và Ông cho biết: Ông vừa dại diện Đô Đốc Tư Lệnh lên gặp Tổng Thống và được Tổng Thống Dương Văn Minh chỉ thị “kể từ giờ phút nầy, Các Anh được toàn quyền quyết định cho Đơn Vị mình”, Đô Đốc Thủy còn nói thêm với tôi “mình sẽ rời Saigon đêm nay”.  Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều ngày 29 tháng 4, năm 1975.
    Trên bầu trời Saigon lúc đó tràn ngập Trực Thăng loại đổ bộ của US Marine, ồn ào như đàn ong vỡ tổ cộng với tiếng gầm như gào thét của phản lực cơ hộ tống của US Navy, đáp lên, đáp xuống ở “mấy điểm hẹn” để rước “American Citizens và American Buddies” ra hàng không mẩu hạm, ngoài khơi Vũng Tàu.  Trước cảnh hỗn loạn đó làm cho lòng tôi cảm thấy bồi hồi, muốn rơi nước mắt. Tôi hồi tưởng lại vài năm trước, một ký giả ngoại quốc ôm máy ảnh ngồi chờ ở Nhà Hàng Continental để chụp tấm ảnh đầu tiên khi T54 của Cộng Sản tiến vào Saigon, tôi cười……no kidding!  Nhưng bây giờ tôi mới biết mình …quá vô tư.
    Theo kế hoạch của Đô Đốc Tư Lệnh, nếu Saigon thất thủ thì tất cả Hạm Đội và các đơn vị yểm trợ rút ra ngoài biển, tập trung rồi kéo về Miền Tây cố thủ.
    Với một người không có căn bản Quân Sự thì việc đưa Hạm Đội ra khỏi Saigon là một hành động  “tháo chạy” nhưng với cá nhân tôi thì đó là một quyết định “di binh chiến lược” để bảo toàn lực luợng và tiềm năng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.  Đó là quyết định cuối cùng (không có sự lựa chọn) chỉ cần chờ giờ ..G ….để xuất phát.
    Thủy trình của Hạm Đội từ Saigon ra biển phải theo hai thủy lộ: Sông Lòng Tàu và Sông Soài Rạp, nếu Đặc Công đánh chìm tàu buôn để “khóa” hai con sông này thì Hải Quân ta như cá nằm trên thớt.  Việt Cộng sẻ dùng hỏa công (trọng pháo) đốt chúng ta không còn……..manh áo va-rơi.
    Giờ … .G …  đã tới!
    Tôi từ giã Đề Đốc TMT về văn phòng thu dọn giấy tờ và tìm cách đón gia đình tôi, ở bên cư xá Văn Thánh, chỉ cách HQCX bằng một con kinh.  Tôi không có dịp từ giã CHT tôi là Đại Tá Ngô Khắc Luân và các sỹ quan trong Bộ Tham Mưu.  
    Các nút chặn Mê Linh và Cường Để đã khóa kín vì dân chúng ở ngoài quá đông chỉ chờ có lỗ trống thì tràn vào. Tôi tự nghỉ, mình có thể ra, nhưng chưa chắc mình và gia đình có thể trở vào.
    Tôi trở vào HQCX để tìm phương thức khác, thời may lúc đó có một chiếc LCVP của Trung Tâm Huấn Luyện Bổ Túc đi chợ Thị Nghè, tôi nhờ mấy anh em thủy thủ đưa qua “kinh” Văn Thánh, ủi bãi cạnh nhà T/Tá Tòng, Tư Lệnh Phó BTL/HQ/BKTD.  Tôi đứng giữ tàu, tay thủ khẩu M18 (bây giờ được biến cải và đổi tên là AR 15, weapon of choice của mấy anh Red Neck), nhờ một anh thủy thủ vào nhà và đón gia đình tôi xuống tàu.  Cùng lúc cũng có gia đình anh Hoàng Thế Thái, K8/SVSQ/NT, cùng tháp tùng qua sông.  Trên bờ, mấy anh lính Thủy Quân Lục Chiến cầm súng M16 bắn chỉ thiên mấy phát, miệng la lớn “tụi nó chạy rồi tụi bay ơi!”. Tôi sợ mấy anh nầy mất bình tĩnh, chỉa súng về phía chúng tôi thì rất nguy hiểm.  Tôi cho LCVP rút ra ngay để về cặp cầu bên HQCX.  Khi rời tàu, chúng tôi và gia đình anh HTT chia tay, tôi phải đưa gia đình tôi đi “gửi” tạm một nơi an toàn để tôi có thể trở lại đón khi cần. Tôi chỉ có đủ thì giờ đón được vợ và hai con, còn cha mẹ, anh em đều bị kẹt lại vì không có chuẩn bị trước.  
    Sau nầy anh HTT đã tố khổ tôi với một số bạn bè và nói những điều không tốt về tôi.  Trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng đó, mạnh ai nấy tự lo cho mình chứ không ai có khả năng và phương tiện để lo cho người khác.  Vào phút chót, chính Ông Tư Lệnh HQ, tôi và mấy Cận Vệ cũng không biết mình sẽ lên Chiến Hạm nào trong khi các Chiến Hạm lớn đã tháo dây ra lênh đênh giửa dòng.   
    Tôi trở lại BTL/HQ, Trung Tá Nguyễn Tuấn Khanh, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh, thấy tôi mừng rỡ và bỏ nhỏ …“anh H. ở lại với Tư Lệnh, tôi còn phải về đón gia đình”.  Khanh, K10/SVSQ/NT, khoá sau tôi nhưng chúng tôi là bạn thân, đặc biệt là có chung một lập trường, nên việc bảo vệ cho Đô Đốc Tư Lệnh là trách nhiệm chung và  Đô Đốc Tư Lệnh tin cậy chúng tôi một cách tuyệt đối.  Trung Tá Khanh rời BTL/HQ và không trở lại được.  Toán bảo vệ an ninh cho Đô Đốc Tư Lệnh chỉ còn tôi và 5 anh Cận Vệ: Thuận, Thâu, Phúc, Quang, và Vân, các anh em nầy đều là Hạ Sỹ Quan Hải Quân và họ đã sống gần gũỉ với Tư Lệnh nhiều năm.
    Tôi đi một vòng ngoài Văn Phòng Tư Lệnh, tôi thấy có hai người đàn ông mặc thường phục, mặt rất khẩn trương, tôi chào xã giao nhưng không gợi chuyện. Về sau tôi mới biết là người nhà của Tổng Thống Dương Văn Minh.
    Tôi đang sắp đặt công việc với các anh Cận Vệ thì có một anh Quân Cảnh từ Công Trường Mê Linh vào gặp tôi và cho biết: Có một Đại Tá Dù muốn gặp tôi gấp.  Anh QC liền lái xe đưa tôi ra nút chặn, tôi thấy Tường, bạn cùng khóa với tôi ở trường CH&TM Long Bình, đứng ngăn cách với tôi bằng 5 lớp hàng rào ‘kẻm gai”.  Tường nhìn tôi mừng rỡ, rơm rớm nước mắt, nói qua dọng nghẹn ngào “Căn Cứ của tao bị pháo cháy hết rồi H. ơi!”.  Tường cho biết anh đã đứng chờ hơn bốn tiếng đồng hồ tại đây nhưng không thể nào vào đuợc.  
    Trời xui, đất khiến , click! Một ánh sáng chớp trong đầu, anh bỗng nhớ tên tôi, nên nhắn tin cầu cứu.  Tôi nhìn kỹ thấy Tường và gia đình đứng lố nhố bên cạnh chiếc jeep.  Tôi nhờ các anh Quân Cảnh kéo mấy “con ngựa kẽm gai” cho gia đình Tường đi qua.  Cũng như gia đình anh HTT, tôi để Tường và gia đình tự tìm phương tiện ra biển vì tôi còn phải trở lại với Đô Đốc Tư Lệnh.
    Tường và tôi mất liên lạc kể từ chiều hôm đó, cho đến đúng 39 năm sau (29 tháng 4 năm 2014) Tường và tôi mừng rỡ “gặp nhau” qua điện thoại.  Tường cho biết hắn và gia đình, đêm đó ra khơi bằng HQ 502.  Và hắn cũng không quên kể cho tôi sự gian truân khi tìm nhảy một “sô (saut) bồi dưỡng” cuối cùng bằng tàu thủy.  Tường cũng báo cho tôi tin buồn là Trung Tá Trần Văn Vinh, CHT/TTHL/ ND, cùng học khóa Chỉ Huy & Tham Mưu với chúng tôi đã qua đời trong trại tù cải tạo.   
    Khi Trung Tá Khanh rời BTL/HQ, không có trao cho tôi Lệnh Hành Quân (kế hoạch di-tản), tôi cũng không nhận được khẩu lệnh của Đô Đốc Tư Lệnh nên tôi tự hoạch định, sắp xếp cho cuộc ra đi được an toàn và suông sẻ.
    Vào lúc 6 giờ 30 tối, tôi chỉ thị một anh Cận Vệ về Tư Dinh Đô Đốc đón gia đình Đô Đốc Tư Lệnh và gia đình tôi.
    Vào lúc đúng 7 giờ (1900H)  trời vừa sập tối, tôi thấy những chiến hạm lớn đậu ở cầu B và các cầu tàu trong HQCX đã tháo dây ra giữa dòng.  Tôi liền vào mời Đô Đốc Tư Lệnh lên đuờng.
Tôi dẫn đầu với một thủy thủ tên Tiếng (nhân viên theo tôi trong những ngày cuối cùng), hướng dẩn Đô Đốc Tư Lệnh và gia đình theo sau, 5 anh em Cận Vệ chia nhau bảo vệ hai bên sườn và đoạn hậu.  Tất cả chúng tôi đều trang bị M18 cho gọn gàng, riêng tôi còn có thêm một khẩu “rouleau” nhỏ ngắn nòng, bên hông (khẩu súng này đã do một Sỹ Quan Tùy Viên (sỹ quan Hải Quân) Phó Thủ Tưởng tặng cho tôi khi tôi có dịp viếng thăm Phủ Phó Thủ Tướng).  Đoàn người rời văn phòng Tư Lệnh và đi về hướng cầu A vì nơi đây còn có 2 chiếc PGM, mũi hạ giòng, chưa vào nhiệm sở Vận Chuyển.
    Quãng đường tuy ngắn nhưng tôi cảm thấy…quá dài và rất nguy hiểm, tinh thần chúng tôi căng thẳng và cảnh giác vì sự bất trắc có thể xảy ra trong chớp mắt.  
    Đoàn người lầm lủi đi trong bóng đêm.  Công trường Mê Linh súng nổ liên hồi, anh em Quân Cảnh bắn dọa chỉ thiên để chặn sự hỗn loạn và đập phá chướng ngại vật.  Ngoài phố dân chúng chạy ngược chạy xuôi mặt mày hơ hãi.  Trên sông Saigon, PCF và PBR đảo tới, đảo lui …at full speed, quậy sóng cuồn cuộn.  
    Khi đoàn “công voa” đến cây cầu nhỏ, nối liền Bến Bạch Đằng và cầu A, thì một số Thủy Thủ bỏ tàu đi ngược về phía chúng tôi.  Chúng tôi xuống chiếc PGM đầu tiên, HQ 611, cặp ở vị trí trong cùng, không thấy sỹ quan hiện diện mà chỉ có một số ít thủy thủ đứng trên boong tàu, trạng thái hổn xược, miệng la to “tàu không đi, tàu không đi”.  
    Chúng tôi chuyển qua chiếc PGM 601 ngoài cùng thì gặp Đại Úy Trần Minh Chánh (con trai Đề Đốc Trần Văn Chơn) và Đại Tá Nguyễn Văn Ánh, còn những vị khác hiện diện trên tàu, trong giai đoạn khẩn trương nầy, tôi không để ý. Tôi yêu cầu Đại Úy Chánh đưa chúng tôi rời khỏi Saigon.  Đại Úy Chánh, Hạm Trưởng PGM 601, ngần ngừ một chút rồi trả lời: “tàu vừa đi công tác về và vừa lấy dầu xong, chúng tôi không có ý định rời Việt Nam vì Ba Tôi (ĐĐ Chơn) và gia đình còn ở lại, kể cả gia đình của thủy thủ đoàn”. Nhưng sau một phút suy nghĩ, Đại Úy Chánh lại nói với tôi:  “Tôi đưa Quý Vị ra đến biển rồi chúng tôi sẽ quay trở về”.  

  HQ 601 - Hạm Trưởng : Hải Quân Đại Úy Trần Minh Chánh

Hạm Trưởng Trần Minh Chánh liền ra lệnh tháo dây, HQ 601 từ từ tách bến khởi đầu cho Đêm Giang-Hành Lịch- Sử.
    HQ 601 rời Saigon, không đèn hải hành, âm thầm di chuyển trong đêm.  PCF và  PBR vẫn ngược xuôi quậy sóng bao quanh các chiến hạm như để hộ tống, luyến tiếc tiển đưa những Người Bạn, đã một thời chiến đấu bên nhau, ra khơi lần cuối.
    Kho đạn Thành Tuy Hạ bị pháo kích bốc cháy sáng rực một góc trời, bom, đạn nổ ầm ầm liên tục.  Hạm Đội từ chiếc, từ chiếc, nối đuôi nhau vận hành ra biển.  Thành phố Saigon về đêm đang hấp khối trong ánh đèn không đủ sáng.
    Đô Đốc Tư Lệnh ngồi ở ghế Hạm Trưởng, gương mặt khẩn trương. Tôi đứng bên cạnh, tôi đặt một tay vào tay Ông, tôi cảm thấy tay Ông rung rung xúc động.  Trách nhiệm của Ông quá lớn, liên quan đến Hạm Đội và hơn 40,000 binh sĩ dưới quyền.  Những gì sẻ xẫy ra trong những ngày sắp tới?
    Tàu rời bến Nhà Rồng, rồi qua Nhà Bè và dưới sự chỉ khéo léo và kinh nghiệm của Hạm Trưởng Trần Minh Chánh, HQ 601 đã ra đến biển một cách bình an.  Riêng  HQ 1 bị mắc cạn và HQ 502 bị Việt Cộng “pháo” trực xạ tại cửa Cần Giờ lúc 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
    Chúng tôi lên HQ 3 do Trung Tá Đỗ Kim Triệu, K7/SVSQ/NT, làm Hạm Trưởng.  Tôi nhận thấy sự có mặt của Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng và Đại Úy Armitage (Phú).  Trong lúc rời HQ 601 một cách vội vã, tôi không kịp bắt tay từ giả Đại Úy Chánh và nói tiếng cám ơn, thật là một điều sơ xuất.  HQ 601 hoàn tất nhiệm vụ và quay trở về Saigon.

HQ 3 - Soái Hạm của Hạm Đội di tản neo tại Côn Sơn ngày 30 tháng 4 năm 1975 
 
HQ 3 trở thành Soái Hạm của Hạm Đội di tản.  Đô Đốc Tư Lệnh, qua máy truyền tin, chỉ thị tất cả chiến hạm tập trung tại Côn Sơn chờ lệnh.
    Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên máy phóng thanh, Tổng Thống Dương Văn Minh chỉ thị tất cả Đơn Vị còn đang chiến đấu “buông súng đầu hàng” để bảo vệ sanh mạng, xương máu của lính và dân.  
Từ trong Côn Đảo, anh em Địa Phương Quân và Giới Chức quản lý nhà tù bơi xuồng túa ra xin được theo tàu hải quân rời đảo.  Nhân viên chiến hạm yêu cầu họ thả súng xuống biển trước khi lên tàu.  
    Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử.  Nước mất, nhà tan, chúng ta, những người Chống Cộng bão vệ Tự Do, bỗng trở thành những người Vô Tổ Quốc.
    Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẩn tung bay trên các kỳ đài chiến hạm đang hải hành ngoài hải phận Quốc Tế nhưng đối với Thế Giới thì ngọn cờ nầy không còn tồn tại.

Chương III.  Vượt  Đại Dương Tìm Tự Do
    Quyết định cuối cùng của Tư Lệnh Hải Quân, qua sự trung gian của Đại Úy Phú (Armitage), Sỹ Quan Liên Lạc của Đệ 7 Hạm đội, chỉ thị Hạm Đội Việt Nam, rời Côn Sơn, tháp tùng Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, trực chỉ Subic Bay, Phi Luật Tân.
    Sự hiện diện của Armitage trên HQ 3 là có một sự “sắp đặt” chớ không phải là ngẫu nhiên.  Ngày xưa anh ta có mặt thường trực ở BTL/HQ (không biết anh làm việc phòng nào) anh nói tiếng Việt như người Việt và tự giới thiệu với mọi người là Đại Uý Phú (tên Việt). Trong thời gian nầy anh thường đi nhậu với đám hạ sỹ quan và theo lời đồn, between you and me, anh là CIA agent.  Trong số HSQ bạn nhậu thì Hai Cheo (heo chai) là bạn rất thân với Đại Úy Phú.
    Hai Cheo tên thật là Trần Văn Hai, một HSQ cuả Hải Đoàn 24 Xung Phong vào năm 1962-63. Trần văn Hai có vóc người to lớn nên bạn bè đặt cho biệt hiệu Hai Cheo.  Armitage là đảng viên của Đảng Cộng Hòa, sau nầy làm Thứ trưởng Quốc Phòng, rồi sau đó làm Thứ Trưởng Ngoại Giao dưới thời Ngoại Trưởng C.  Powell.  Trong thời gian Armitage ở Bộ Quốc Phòng, Hai Cheo thường vào thăm Armitage và được tiếp đãi như VIP.
    Trước khi rời Côn Sơn, Hạm Đội của Hải Quân Việt Nam cần chỉnh đốn hàng ngũ.  Nhửng tàu có khả năng đi biển nhưng tình trạng kỹ thuật không được bảo đảm hay tàu nhỏ không có khả năng vượt đại dương thì bị đánh chìm sau khi chuyển nhân viên qua tàu khác.  Hoặc có một số anh em Hải Quân muốn trở về với gia đình thì xuống tàu nhỏ và tự lái tàu trở về Saigon.  Hạm Đội Hải Quân Việt Nam, dưới sự yểm trợ của Đệ 7 Hạm Đội Hoa Kỳ, di chuyển về hướng Phi luật Tân.  Cờ Việt Nam Cộng Hòa vẩn ngạo nghễ tung bay trên các chiến hạm đang di chuyển theo đội hình.
    Gần 40,000 quân nhân và đồng bào tháp tùng trên các chiến hạm, sự yểm trợ tiếp liệu như thức ăn, nước uống, thuốc men được xếp lên hàng đầu, còn quan trọng hơn cả vấn đề an ninh.  Đô Đốc Tư Lệnh chỉ thị tôi phối hợp với Armitage để tiếp nhận thực phẩm tiếp tế từ “supply ship” của Hoa Kỳ, sau đó phân phối lại cho tàu Việt Nam trong đoàn.  Trước khi thi hành nhiệm vụ, tôi không quên nháy mắt với mấy cận vệ có ý dặn dò “săn sóc” thật chặt chẽ cho Ông Tư Lệnh.
    Để có chỗ trống làm “supply depot”, tôi yêu cầu Đồng Bào nhường phần boong tàu sau lái để làm chỗ tiếp nhận và phân phối thực phẩm.   Tôi khám phá một điều là những người ở khu nầy là những người có kinh nghiệm di cư từ năm 1954, đàn ông thì được ngụy trang bằng một áo hay quần xanh màu thủy thủ để dể dàng trà trộn khi lên tàu.  Đàn bà mặc áo ngắn khi ngồi xuống thì thấy “băng đạn M16” (vàng lá) nặng trĩu đai chặt ngang lưng.  Sau nầy tôi tìm hiểu thì mấy người nầy là “họ hàng” của một Phó Đề Đốc hiện diện trên tàu.
    Đoàn tàu tiếp tục cuộc hành trình để tìm vùng đất mới.  HQ 3 bị hỏng máy Hải Quân Hoa Kỳ gửi đến một tàu kéo (tug boat) giúp HQ 3 tiếp tục cuộc hành trình.   HQ 502 cũng “đi cà nhắc”, được một tàu Mỹ kè bên hông tiếp sức.  Đoàn tàu khập khểnh tiếp tục cuộc hánh trình, giống như đám thương binh lẫn lộn trong đoàn quân bại trận trên đường lui binh.
    Một ngày đẹp trời ngoài hải phận Phi Luật Tân, qua loa phóng thanh, yêu cầu tất cả Quân Nhân lên boong tàu để làm lễ Hạ Cờ. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được hạ xuống và thay thế bằng cờ Hoa Kỳ.   Lá Cờ Việt Nam Cộng Hòa kể từ giờ phút nầy trở thành Lá Cờ của Lịch Sử.
    Lính khóc, quan khóc, đồng bào khóc, cả Hạm Đội đều khóc…… những giọt lệ nầy dành cho Quê Hương đã mất.
    HQ 3 cặp cầu Subic Bay, mọi người rời tàu để qua tàu hàng (cargo ship) đi Guam.  Cuối hạm kiều một anh lính TQLC Hoa Kỳ nghiêm chỉnh dơ tay chào tôi đúng theo Lễ Nghi Quân Cách.  Đó là cái chào cuối cùng mà tôi Hãnh Diện đón nhận  vì tôi  đã  hoàn  thành Bổn Phận và Trách Nhiệm của một Chiến-Sĩ Cộng-Hòa.

Người Thủy-Thủ Già



No comments:

Bình luận: Trump nói không để kênh đào Panama rơi vào “tay kẻ xấu” là ám chỉ ĐCSTQ

Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock) Không thể để kênh đào Panama rơi vào tay ‘kẻ xấu’ Tổng thống...