Friday, January 1, 2016

BUỒN VUI ĐỜI LÍNH Văn Hùng Đốc K.24


    Từ ngày rời ghế nhà trường, đời tôi thật may mắn, lúc nào cũng kiếm được những công việc làm tốt và nhất là luôn luôn gắn bó gần gủi với quê nhà. Tôi cám ơn Trời Phật đã ban cho tôi đặc ân này và còn tiếp tục phù hộ tôi từ khi bước chân vào quân trường cho đến sau ngày đất nước rơi vào tay Cộng Sản.

    Tôi vốn thích môn Anh văn trong thời gian còn ở bậc Trung học, cộng thêm 2 năm làm việc cho cố vấn Mỹ sư đoàn 23 tại Ban Mê Thuột, 2 năm cho cố vấn Mỹ tại Trường Võ Bị Quốc Gia Đalat và 2 năm phụ tá Trưởng Phòng Nhân Viên dân chính tại Nha Trang, đã giúp tôi hiểu biết khá nhiều về danh từ quân sự, nên đã may mắn thi đậu về Trường Sinh Ngữ Quân Đội Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa sau khi mãn khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào giữa năm 1967.
    Nhớ lại ngày lên Diên Khánh trình diện với Trung Tâm 2 tuyển mộ nhập ngũ, lòng tôi vô cùng lo lắng. Lo lắng vì không biết mình có được vào thẳng quân trường Thủ Đức hay phải qua Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Mấy trăm thanh niên chúng tôi được xe GMC chở xuống bến cảng Cầu Đá để lên tàu Hải Quân về trình diên văn phòng Quân Vụ Thị Trấn Sàigòn trên đường Lê ăn Duyệt. Chúng tôi nhận được tin vui là sẽ đi thẳng lên Thủ Đức thay vì Quang Trung. Những chiếc GMC đổ lại ngay sau khi vào trong cổng trại quân trường để mấy trăm thanh niên bở ngở bước xuống xe với mỗi người mang theo một túi nhỏ chứa đồ dùng lặt vặt.
    Vừa khi đó, một vị Trung Úy mang bảng tên Huởn ra chào đón và đời lính của chúng tôi bắt đầu ngay từ giờ phút này. Ông bảo chúng tôi chạy vào vũ đình trường, bỏ tất cả túi xách xuống rôi tiếp tục chạy đến mấy vòng tôi không nhớ. Chỉ nhớ là khi chúng tôi ai nấy thở giốc ra và chỉ đi chứ không còn chạy nổi nữa thì ông mới dẫn về trại. Mệt nhưng không được nghỉ mà phải tập họp để phân chia thành tiểu và trung đội. Hôm sau chúng tôi “xuống tóc”, nhận lãnh quân trang, quân dụng và súng cá nhân. Lúc bấy giờ vẫn chưa được Mỹ trang bị M-16 nên chúng tôi mang Garant-M1 trông giống cây sào chăn vịt đối với những anh lính thiếu thước tấc. Chúng tôi được học cách đi đứng và chào kính. Chào sĩ quan thì ít mà chào đàn anh thì nhiều mặc dù họ chỉ là lính con cá vì đi đâu trong quân trường cũng gặp mấy “ông nội” đã quần thảo chúng tôi không thương tiếc trong thời gian huấn nhục. Vũ khí đầu tiên chúng tôi học tháo ráp chính là người tình Garant của chúng tôi. Nhiều khi chúng tôi không cưng người tình bằng xương bằng thịt bằng người tình này vì không lau chùi giữ nó bóng láng sạch sẽ thì không được hôn em mà hôn đất. Ngày tập chiến thuật là ngày đầu chúng tôi bước ra khỏi cổng trường. Mỗi tiểu đội thay nhau tập đào hố cá nhân và cấm lá trên người tập ngụy trang. Ngày đầu tập xử dụng súng chúng tôi được những Hạ Sĩ Quan chuyên môn về vũ khí biểu diễn rất ngoạn mục tài xử dụng vũ khí.
    Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức thời đó là Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ. Tôi thuộc đại đội 18 với Đại úy Sinh làm Đại Đội Trưởng. Cùng trung đội với tôi có Thầy Hiền dạy Võ Tánh, chồng Kim Anh, người rất hiền lành đúng là nhà mô phạm. Thầy Hiền xuất thân Đại Học Sư Phạm Anh văn. Biết mình trước sau cũng được trở về nghề dạy học cho nên Thầy tham dự kỳ thi tuyển về Trường Sinh Ngữ Quân Đội mà không quan tâm đến chuyện đậu rớt.
    Cho dù học tập trong hay ngoài trường, SVSQ chúng tôi đều được vợ con các hạ sĩ quan huấn luyện viên tiếp tế chè đậu đen, nhất là sương sa đá lạnh ăn thật ngon miệng mát ruột. Nhờ vợ cung cấp tiền bạc nên tôi ít ăn nhà bàn tức ăn tập thể với đa số SVSQ mà vào ăn ở câu lạc bộ. Về quân phong quân kỷ thì hình phạt hít đất là chuyện thường tình như thở không khí. Và chuyện thi hành trước khiếu nại sau là luật bất thành văn trong quân ngũ. Không dám tự khen mình là người tự trọng, nhưng suốt thời gian ở quân trường, tôi không bao giờ bị phạt cá nhân vì lúc nào tôi cũng làm tròn bổn phận của ngưòi lính như đôi giày, bút nịt, vũ khí cá nhân, áo quần, giường tủ… lúc nào cũng tươm tất sạch sẽ. Hình phạt cá nhân thường xẩy ra nhất là tập họp trễ, cho nên lúc nào tôi cũng đứng quanh quẩn nơi tập họp sớm ít nhất là 5 phút. Sau giai đoạn I, những SVSQ có năng khiếu và thi đậu được về trình diện các đơn vị chuyên môn. Riêng 13 SVSQ chúng tôi đậu về Trường Sinh Ngữ Quân Đội thì vẫn phải ở lại để tiếp tục giai đoạn II là thời kỳ bò dưới hỏa lực, đi giây tử thần và đoạn đường chiến binh.
    Tôi nhớ vào một đêm, tất cả sinh viên sĩ quan khoá 24 được hướng dẫn đến ngối dày đặc dưới sân trong hôi trường để thưởng thức chương trình văn nghệ do các ca sĩ từ Sàigòn vô trình diễn giúp vui, trong số đó tôi nhớ có ca sĩ Giao Linh. Có lần sau khi tập cơ bản thao diễn vở vũ đình trường, lợi dụng vài phút tạm nghỉ, một sinh viên người Bắc dùng microphone hát rất hay bài hát bài “Nỗi long người đi” mà câu đầu nằm mãi trong trái tim tôi: “Anh xa Hà Nội năm em mười sáu khi vừa biết yêu…”. Tôi không biết tên tác giả mãi cho đến ngày nhạc sĩ Anh Bằng đến quận Cam Nam California tham dự đêm nhạc hội vinh danh ông vào năm 2009.
    Hết mấy ngày phép sau mãn khóa, tôi đến Trường Sinh Ngữ Quân Đội trình diện vị Chỉ Huy Trưởng, Trung Tá Phan Thông Tràng. Ông nổi tiếng rất nghiêm khắc, nhất cử nhất động đều đúng mẫu mực nhà binh. Lúc còn ở quân trường dù cho giày không bóng, bút nịt không láng cũng chẳng sao. Tại trường Sinh Ngữ này, tất cả sĩ quan giảng viên đều phải cắt tóc ngắn, áo quần giày mũ tươm tất sạch sẽ bóng láng. Đúng là tránh xong vỏ dưa lại đụng phải vỏ dừa! Trong các buổi lễ bế giảng các khóa Thông dịch viên, Trung Tá Tràng đọc diễn văn bằng tiếng Việt và một giảng viên phải dịch ngay ra tiếng Anh cho các cố vấn Mỹ tham dự hiểu. Có lúc ông đọc cả thơ nên lưu loát như giáo sư Lê Chính Long mà cũng phải “khổ” với ông. Sau những lần bắt tay với khách hoặc các sĩ quan thuộc cấp tại văn phòng, Trung Tá Tràng lấy alcol “tẩy trùng” bàn tay mình.
    Trường Sinh Ngữ Quân Đội nằm chung trong Bộ Tổng Tham Mưu gần cổng số 4. Nhiệm vụ chính là dạy Anh văn cho quân nhân các cấp các ngành thuộc QLVNCH được tuyển chọn để đi học chuyên môn tại các quốc gia như Mỹ, Nhật, Tân Gia Ba…cùng các khóa Hạ Sĩ Quan Thông Dịch Viên để đáp ứng nhu cầu cấp bách của chiến cuộc. Vì thìếu giáo sư nên trường có mời một số giáo sư dân sự tăng cường. Một trong số giáo sư thỉnh giảng này là chị Đoàn Thị Vân Anh có bằng Master ở Mỹ. Chị là cựu học sinh Võ Tánh, con của Thầy Đoàn Thành Hiệu Trưởng Trường Nam Tiểu Học Nha Trang. Trường có một Chi Nhánh duy nhất đặt tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang thuộc quê nhà của tôi nên tôi xin và được Chỉ Huy Trưởng chấp thuận ngay vì ông cần người ra thay thế một vài sĩ quan giảng viên đang "bị đày" ra Chi Nhánh trong lúc họ muốn phục vụ tại Sài Gòn để vừa lo cho vợ con vừa dạy thêm các lớp Anh văn buổi tối để kiếm chút tiền phụ giúp gia đình. 
 

    Tôi trình diện với Đại Úy chỉ huy Chi Nhánh Vũ Đức Giang vào lúc khóa 16 SVSQHQ vừa ra trường, Hải Quân Đại Úy Hà Ngọc Lương làm Tiểu Đoàn Trưởng khóa sinh, Hải Quân Kỷ sư Cơ khí Đại Úy Trần Văn Sơn phụ trách Trưởng Phòng Điều hành Huấn luyện, Hải Quân Thiếu Tá Vũ Xuân An làm Giám Đốc Quân Huấn (sau đổi thành Văn Hoá Vụ), Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Tam làm Chỉ Huy Phó và Hải Quân Trung Tá Đinh Mạnh Hùng làm Chỉ Huy Trưởng. Tôi còn nhớ chỉ vài tháng sau đó trong một buổi chiều tham dự buổi học tập Chiến tranh Chính trị ngoài trời cạnh bệnh xá, vị Chỉ Huy Trưởng đã mang cấp bậc Đại tá (sau vinh thăng Phó Đề Đốc, trùng tên với Hải Quân Trung Tá Đinh Mạnh Hùng khóa 11 hiện ở Seattle). Tại Chi Nhánh Hải Quân tôi gặp giáo sư Trần Khánh là thân phụ xướng ngôn viên Mộng Lan của các đài truyền hình ờ Nam California. Chì vài tháng sau là Khánh về lại Sàigòn. Người thay Khánh là giáo sư Tôn Thất Đồng Nai. Anh nói: “Chẳng hiểu thằng Khánh nó than khóc năn nỉ thế nào mà ông Tràng thấy moa chưa kịp hớt tóc là “đày” moa ra đây để hắn về với vợ con”.
    Trong cuộc chiến Tết Mậu Thân, các sĩ quan biệt phái chúng tôi cũng phải cấm trại, cũng trực, ứng chiến chung với một sĩ quan Hải Quân tại phòng trực cạnh cổng ra vào Trung Tâm. Có một đêm tôi tình cờ được cắt cử trực chung với Hải Quân Đại Úy Mai Văn Hoa. Suốt đêm chỉ kể chuyện trên trời dưới đất cho chóng hết giờ. Đại Úy Hoa tâm sự về cuộc tình khá vui mà tôi chỉ còn nhớ có một câu:"Có thể nói vừa tình cờ mà cũng vừa duyên số khi họ tôi trùng với tên bà vợ".Cùng sang Mỹ sau tháng 30/4/75, Trung Tá Hoa và tôi thỉnh thoảng gặp nhau tại chùa Pháp Vân thuộc thành phố Pomona, nơi tôi giúp thành lập và làm Gia Trưởng đầu tiên của Gia đình Phật tử chùa này vào năm 1978. Vài năm sau tôi được hung tin về tai nạn xẩy ra cho Trung Tá Hoa tại Bakerfield.
    Việc giảng dạy Anh văn cho SVSQ thật nhàn rổi đối với 5 sĩ quan biệt phái chúng tôi, trong đó có Đại Úy Nguyễn Văn Minh là em ruột Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn Thông, Tư Lệnh vùng I duyên hải. Có lẻ Đại Úy Minh (sau này làm Trưởng Chi nhánh Anh ngữ) được cái dù che nên chúng tôi mới đỡ mưa nắng, ít khi phải vào Trung Tâm ngủ trong những lần cấm trại. Trong những lúc rảnh rổi, chúng tôi bước sang hội trường chơi bóng bàn hoặc sau giờ tan sở ra chơi quần vợt. Ngoài giờ học trong lớp, đặc biệt về danh từ Hải quân, sinh viên còn vào phòng thính thị để tập nghe và làm quen với cách phát âm của người Mỹ, một lợi thế để thi ECL (English Comprehension Level) nếu sinh viên muốn được tuyển chọn đi thực tập trên Đệ thất hạm đội. Đây là cơ hội để sinh viên nghỉ mát trong phòng có máy điều hòa không khí, nên thường giảng viên chúng tôi thông cảm những giọt mồ hôi hằng ngày toát ra trên cơ thể mà làm ngơ khi thấy một vài sinh viên gục đầu ngủ thoải mái, hoặc đi bờ về mang theo băng nhạc để nghe. Sau này gặp lại nhau tại Mỹ, các bạn đó nói đùa là nếu họ chăm chỉ học thời đó thì nay đâu có trở thành người tỵ nạn! Nhớ lại những lần mãn khóa, sân tennis được dùng làm vũ trường và từng cặp trai tài gái sắc của Nha thành mến yêu lã luớt dìu nhau dưới ánh đèn không đủ ánh sáng.
    Chỉ Huy Trưởng kế tiếp là Hải Quân Đại Tá Khương Hữu Bá. Nếu Hải Quân Đại Tá Đinh Mạnh Hùng đẹp trai dễ dãi trông giống nhà mô phạm thì Đại Tá Bá trông nghiêm nghị khắc khổ, một biểu tượng của quân phong quân kỷ. Tuy nhiên, Đại tá Bá rất chịu chơi và thông cảm với sinh viên, nên thỉnh thoảng cho thuộc cấp tổ chức các show “cuổng trờ”i tại hội trường để sinh viên rửa mắt. Nhưng Đại Tá đâu có biết là sau khi rời hội trường, vài sinh viên tâm tình với tôi vào ngày hôm sau là vì "mắt sáng quá nên đêm qua không ngủ được".
    Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến một đám cưới tổ chức theo kiểu cách Hải Quân với sự cho phép và giúp đỡ của Chỉ Huy Trưởng Khương Hữu Bá giữa chị Tôn Nữ Thị Khánh và Hải Quân Thiếu Tá Võ Quang Thủ. Đẹp nhất là cảnh cô dâu chú rể tay trong tay dìu nhau dưới hai hàng kiếm danh dự trông thật oai nghiêm.
    Mấy năm sau, Hải Quân Trung Tá Võ Quang Thủ về lo Văn Hóa Vụ, rồi sau bàn giao cho Hải Quân Trung Tá Đặng Diệm dưới thời Chỉ Huy Trưởng Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu. Không biết đoán được thời thế hay nhờ sinh nhằm năm có quý nhơn phù hộ mà Hải Quân Trung Tá Đặng Diệm đã rời chức Văn Hóa Vụ Trưởng để sang Mỹ du học rồi trở thành người tỵ nạn mà không phải di tản. Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương về Phòng Văn Hoá Vụ đúng vào thời điểm đen tối nhất của TTHLHQ. Có lẽ vì việc di tản xuống Cầu Đá để lên chiếc tàu chót quá đông đảo và nguy hiểm vào đêm 31-3-75 nên Trung Tá Lương đã kẹt lại để rồi anh dũng kết liễu đời mình cùng với vợ con.
    Thời Hải Quân Đại Tá Nguyễn Trọng Hiệp lên làm Chỉ Huy Trưởng thì vị Chỉ Huy Phó là Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Nhựt. Đại Tá Hiệp trông phúc hậu hiền hòa, rất được thuộc cấp thương kính, nhưng về mặt văn nghệ, chắc Đại Tá không thích hợp với tiếng hát câu hò. Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Lăng Miếu mới bắt đầu được xây cất vào cuối khóa 23, tiếp tục cho đến khóa 25 mới hoàn tất dưới sự chỉ huy điều động của Trung Tá Nhựt và sự đóng góp tích cực của một số SVSQ "kiến trúc sư" như Nguyễn Hữu Tưởng, Âu Dương Xuyên, Phan Thanh Quang, Mai Chính Bình, Đặng Văn Phát v.v.. Trung Tá Nhựt và các sinh viên ngày đêm miệt mài lăn lộn lo thực hiện một công trình vĩ đại, một công tác khó khăn kéo dài hơn cả năm trời, nhưng khi Tượng đài được khánh thành vào cuối năm 1973 nhân dịp mãn khóa 24, tôi để ý nhưng không thấy một bản ghi tên các điêu khắc gia trên đó. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 33 năm, các SVSQHQ khóa 26 có mời Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Nhựt từ Dallas sang dự. Trông Trung Tá vẫn nhanh nhẹn trẻ trung mặc dù tuổi thọ nay đã gần 80 và bị Việt Cộng bỏ đói lao động cực khổ trên mười năm trời.
    Cựu Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Nhựt và Văn Hùng Đốc
    Đến thời Chỉ Huy Trưởng cuối cùng thì Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang lần đầu tiên mới có vị chỉ huy cấp Tướng. Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu là vị sĩ quan rất bình dân, gọi và xưng hô với thuộc cấp rất là tự nhiên. Có lẽ vì lý do này mà ông có biệt danh là “Cowboy Châu”. Chiếc xe Jeep gắn sao lúc nào cũng có quân cảnh hộ tống dù chỉ di chuyển trong quân trường. Tôi còn nhớ vào một buổi xế trưa, tôi đang chơi bóng bàn với Thượng sĩ Long trong hội trường thì thấy một quân cảnh bước vào báo là có “Đô Đốc” đến. Mặc dù hai chữ Đô Đốc rất quen thuộc với tôi vì người anh ruột tôi là Văn Hùng Đô và tôi là Văn Hùng Đốc (mà tôi lại đi Bộ binh!), nhưng thú thật lúc đó tôi hơi bối rối vì vào khoảng 2, 3 giờ chiều là lúc đang làm việc mà mình lại chơi bóng bàn, nhưng rồi tôi lấy lại được bình tỉnh ngay khi vị Chỉ Huy Trưởng thay Thượng sĩ Long đánh thử vài quả rồi bỏ đi. Tôi thường chơi bóng bàn với Hải Quân Đại úy Nguyễn Xuân Diên, Hải Quân Thiếu tá Nguyễn Dinh. Còn về quần vợt thì tôi chơi với sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa (trong vụ còi hụ Long an), Hải Quân Thiếu tá Đặng Hữu Thân, Thiếu tá Y sĩ Trương Cao Nghĩa, Hải Quân Trung Tá Võ Quang Thủ, Hải Quân Trung Tá Mai Văn Hoa. Chơi xong thường chúng tôi rủ nhau xuống Chut ăn phở gà.
    Ngoài hai vị Chỉ Huy Trưởng Đinh Mạnh Hùng và Nguyễn Trọng Hiệp còn có các sĩ quan khác tính tình cũng dễ thương, được sự cảm mến của hầu hết quân nhân các cấp, đó là các Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Nhựt, Hải Quân Trung Tá Đặng Diệm, Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Tâm (nhà văn Trần Quán Niệm), Hải Quân Trung Tá Võ Quang Thủ, Hải Quân Trung Tá Đỗ Công Thành, Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Minh (thấp người) v.v… Khi đề cập đến bạn Đỗ Công Thành làm tôi nhớ lại thời thập niên 1950, ngoài Thành còn có bạn Võ Thành Đông cùng học một lớp tại trường Tiểu Học Pháp Việt Ninh-Hòa. Chúng tôi thường đến trường sớm hoặc những giờ ra chơi cùng nhau bắn bi. Riêng về Đỗ Công Thành và tôi thường thay nhau bắt giọng hát bài quốc ca Việt Nam vào buổi sáng và chiều khi tan trường. Thành học rất giỏi, nhưng khi thi vào lớp đệ thất Võ Tánh thì chỉ có tôi và Đông đậu. Lý do Thành rớt vì làm bài quá mau, nộp bài quá sớm nên giám khảo nghi Thành gian lận. Sau bao năm vật đổi sao dời chúng tôi mỗi người có cuộc sống riêng nên ít khi gặp nhau để rồi cuối cùng chính Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang là điểm hẹn. Đông là Sinh viên Sĩ quan Hải quân khóa 17. Thành làm Hiệu trưởng Trường Sinh Viên Sĩ Quan. Đúng là quả đất tròn!
    Trong thời gian làm việc khá lâu tại TTHLHQ, tôi nhận thấy rõ sự phân cách giữa cấp Úy và cấp Tá, không hẵn vì cái mũ có hay không có bông lúa, mà ngay tại câu lạc bộ sĩ quan, đôi khi tôi thấy cấp nào cũng thích ngồi cùng bàn với nhau, có thể là để trò chuyện thích hợp hơn với phòng sở mình chăng?
     Đang sống cuộc đời nhàn hạ, dùng phấn trắng bảng đen thay súng đạn nơi chiến trường thì tình hình chiến cuộc thảm khốc từ miền Cao nguyên sang miền Trung rồi lan đến ngay quận Khánh Dương của tỉnh Khánh Hòa khiến tôi cũng như quân nhân thuộc TTHLHQ thực sự lo lắng.
    Sáng ngày 31 tháng 3 năm 1975 tôi thấy chiếc HQ 402 đang ủi bải ngay trước Trung tâm. Tôi tò mò đến gần xem thì thấy SVSQ khóa 26 đang được lệnh canh giữ không cho đồng bào tràn lên tàu vì chỉ dành riêng cho gia đình quân nhân thuộc Trung Tâm. Trông thấy Bác sĩ Vũ Công Liêm đang xách cặp bước qua lại trước tàu nhưng sinh viên không cho lên, tôi mới bảo sinh viên cho Bác sĩ lên. Và sinh viên đã nghe tôi để Bác sĩ Liêm vội vã bước vội lên tàu. Bác sĩ Liêm là Chủ tịch Hội Việt-Mỹ tại Nha Trang. Bác sĩ cùng với Giáo sư Tôn Thất Hà có mở các lớp Anh văn đêm tại Trường Nam Tiểu học Nha Trang mà tôi là một trong số giáo sư. Dù lệnh là chỉ dành cho gia đình quân nhân cơ hữu của Trung Tâm, nhưng một vài sĩ quan vẫn “can đảm đột kích” lên tàu, trong đó có Sĩ quan an ninh của Trung Tâm là Đại Úy Nguyễn Khánh, Y sĩ trưởng Trung tâm là Bác sĩ Trương Cao Nghĩa. Chuyện nhà đoán được nhưng chuyện nước thì chịu thua, nên cả hai vị phải chịu chung số phận của những người bại trận. Năm 1977 ngươì Việt tỵ nạn đọc báo thấy có bản tin của Việt Cộng đề cao kèm hình Bác sĩ Nghĩa học tập tốt. Mười mấy năm sau, khi biết Bác sĩ Nghĩa cùng gia đình định cư tại Pháp, tôi điện thoại thăm hỏi và đề cập bản tin này thì được Bác sĩ Nghĩa cho biết là chúng bịa đặt tuyên truyền.
    9 giờ đêm 31-3-75, Đề đốc Châu ra lệnh hành quân, nhưng mãi đến 10 giờ cả Trung Tâm mới bắt đầu di chuyển xuống Cầu Đá. Tôi và Đại Úy Minh ngồi cùng xe Jeep với Chỉ Huy Phó Nguyễn Nam Thanh có Thượng sĩ Thừa làm tài xế, nhưng sau đó tài xế lặng lẽ rời xe jeep. Khi tất cả quân nhân Trung Tâm Huấn về tạm trú tại trại Yên Thế trước bệnh viện Grall thì mới biết một số quân nhân cơ hữu đã tự đông ở lại. Sau này nghe nói chính Thượng sĩ Thừa là người đứng ra lo chôn cất vợ chồng và hai con Trung Tá Hà Ngọc Lương dưới bãi cát cạnh tượng Đức Thánh Trần trước Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Cầu Đá lúc bấy giờ trông như bãi chiến trường với xác người và súng ống vứt bừa bãi khắp nơi. Chiếc HQ 401 đậu cách cảng khá xa nên thật khó nhọc vất vả lắm mới bám được thành tàu. Ngay cả Đại úy Nguyễn Văn Minh Minh và Hải Quân Thiếu Tá Phan Như Hoàng (trưởng khối yểm trợ tiếp vận) vẫn bị rơi xuống nước, nhưng như Tái Ông thất mã, cả hai lần bò lên bờ và được Đề Đốc Châu cho lên ngồi chung xe Jeep để cùng đáp máy bay với Tướng Nguyễn Xuân Oánh về Sài Gòn trước. Cách nay mấy năm, nhân dịp chị Mộng Lân tổ chức buổi họp mặt tiếp đón chị Hảo Thanh từ Pháp sang tại nhà hàng Royal Seafood vào đêm 28-5-2006, tôi tình cờ lần đầu tiên gặp lại Thiếu tá Hoàng sau hơn 31 năm không liên lạc.
    Sau một đêm hải hành với gió tạnh sóng êm, tàu ủi bãi tại Cát Lái thay vì phải ra Phú Quốc theo lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu để tránh thủ đô tràn ngập bởi quân dân từ miền Trung vào. Tại Sàigòn, năm sĩ quan giảng viên chúng tôi trình diện Trung Tá Trịnh Đình Phi, Chỉ Huy Trưởng Trường Sinh Ngữ Quân Đội, nhưng may mắn được phép tại ngoại, coi như “missing in action”. Nhờ vậy nên tôi mới có thì giờ lo thu xếp gia đình lên đường “quy mã” trên chiếc thương thuyền của Mỹ rời Tân Cảng đêm 24-4-75 trực chỉ Subic Bay của Phi Luật Tân. Con tàu rộng lớn có sức chứa đến 2 ngàn người, nhưng nhìn qua lại tôi đoán độ chừng chỉ vài trăm vì ít ai biết được cơ hội di tản dễ dàng này, ngoài một số người trong đó có ân nhân của gia đình tôi là đồng nghiệp Nguyễn Hữu Hoàng, cũng đã một thời biệt phái ra Trung Tâm HLHQNT. Tôi đã sang Mỹ hai lần vào năm 1969 và 1972 để tu nghiệp về sư phạm. Lần thứ ba này ra đi không hẹn ngày về. Từ bao lâu nay, tôi cố tìm nhưng không bao giờ biết Trung Tá Trịnh Đình Phi định cư nơi nào để thăm hỏi và bày tỏ lòng biết ơn. Trong số năm giảng viên biệt phái ra Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân, hai người đã mất cách nay trên muời năm là Đại Úy Nguyễn Văn Minh và Đại Úy Nguyễn Đình An. Ba người còn lại là Đại Úy Nguyễn Văn Phúc ở Oregon, Trung Úy Nguyễn Văn Giám ở Houston và tôi ở Nam California. Tôi thật may mắn làm việc ngay tại quê nhà và hãnh diện đã phục vụ chung với những quân nhân áo trắng và tự coi mình thuộc đại gia đình Hải Quân, chỉ khác ở bộ quân phục màu vàng.
    Nếu trước 1975, những sĩ quan Hải Quân là bông hoa, là sườn cột của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thì sau 1975, tại hải ngoại, những chàng áo trắng đã không ngừng tranh đấu cho cộng đồng và quê hương đất nước, tiêu biểu nhất có quý vị như Đinh Mạnh Hùng, Trần Văn Sơn, Trần Văn Tâm, Trần Trọng Ngà, Nguyễn Đình Sài, Trần Trọng An Sơn, Nguyễn Toàn Vẹn, Võ Đại Vạn…
    Nhân đây tôi gởi lời thăm hỏi tất cả quân nhân thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang cùng tất cả SVSQ các khóa 17 đến 26 mà tôi đã có cơ hội tiếp xúc, quen biết và làm việc chung trong tình huynh đệ chi binh qua một thời gian trải dài từ đời Chỉ Huy Trưởng HQ Đại Tá Đinh Mạnh Hùng, HQ Đại Tá Khương Hữu Bá, HQ Đại Tá Nguyễn Trọng Hiệp đến Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu.
    Những sai sót về tên tuổi, thời gian cũng như sự việc kể ra nếu có là do trí óc người viết lâu ngày bị rỉ sét. Mong quý chiến hữu vui vẻ bỏ qua và hiểu dùm đây như chuyện người lính già ghi lại để hối tiếc thời vàng son xưa. 

Văn Hùng Đốc K.24



Hội Trưởng Dục Mỹ - Ninh Hòa

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...