Friday, January 15, 2016

Tôi Trở Lại San Antonio & Thành Alamo Hồi ký của Người Thủy Thủ Già


HoangsaParacels:  Bài này do Người Thủy Thủ Già đồng ý cho phép đăng.  Người viết có ngòi bút duyên dáng, mông mênh truyền thống tếu Hải Quân, ông kể lại đời thuỷ thủ viễn du thật đẹp và kết thúc thật có hậu.
    Sinh Viên Sỹ Quan lên USS Toledo tham dự River Cruise  -  tháng 10 năm 1959

Lời Mở Đầu: Thân tặng Chiến Hữu các cấp thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để cùng ôn lại kỷ niệm của thời gian thụ huấn tại trường sinh ngữ Lackland Air Force Base - San Antonio, Texas – USA.   Mọi ý kiến , cảm tưởng,  chia xẻ kỷ niệm, xin gửi cho Người Thủy Thủ Già: nguoithuythuza@gmail.com
                                                                                        
Địa danh Texas với phim Cao Bồi & Mọi Da Đỏ (western movies) dường như đã gắn liền với đời tôi từ thời thơ ấu cho đến nay đã ở tuổi Cao Niên và có lẽ sẽ tiếp tục dài...dài cho đến ngày tôi không còn xuất hiện trên quả đất này.
Tôi là một  "hard-core fan" của phim cưỡi ngựa bắn súng,  với đám Cao Bồi hiên ngang hướng dẫn đàn bò qua những cánh đồng bao la, những bãi sa mạc khô cằn, những đồi núi hùng vĩ hiểm trở.   Tiếng nhạc đệm Miền Viễn Tây độc đáo.   Những tay thiện xạ oai hùng bảo vệ đoàn công voa và đẩy lui những cuộc tấn công ào ạt của Mọi Da Đỏ.
Từ thời thơ ấu, cha mẹ cho tiền "ăn quà", tôi để dành để mỗi cuối tuần đi xem phim cao bồi ở các rạp xi-nê của thành phố Saigòn.   Ngày nay với đà tiến bộ của kỹ thuật, tôi vẫn tiếp tục xem phim cao bồi qua TV, băng VHS, DVD, rồi đến nay với cái "tablet" gọn gàng, hiện đại, tôi vẫn xem được các loại phim này qua hãng Netflex.
Tôi được BTL/HQ chọn đi du học Hoa Kỳ vào năm 1966. Trạm đầu tiên trên đường du-học Mỹ là Texas, một địa danh nổi tiếng mà từ bé tôi vẫn ước mơ được đặt chân lên mảnh đất này.
  Tôi đáp chuyến bay "chát tơ"  (charter) đặc biệt bay từ Saigon - Tokyo - San Francisco, California và cuối cùng đáp xuống phi trường San Antonio, Texas.  Trên đường sang Mỹ, máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Tokyo để tiếp tế nhiên liệu, tại đây tôi gặp hai sỹ quan Lục Quân của Căn Cứ 80 Quân Cụ.  Về sau hai vị sỹ quan nầy tạm trú với tôi cùng chung một ba-rắc (barrack) tại Lackland Air Force Base.  Trong khi chờ đợi máy bay tiếp tế nhiên liệu chúng tôi được xe buýt đưa vào thăm phi cảng Tokyo.  Nơi đây tôi mua cho vợ tôi một xâu chuỗi đeo cổ thật đẹp (necklace).   Đó là món quà đầu tiên cho vợ trên đường du học Hoa-Kỳ.
Vị sỹ quan Hải Quân cùng đi học với tôi trong giai đoạn này có Nguyễn Trọng Hiệp.  Niên Trưởng  Nguyễn Trọng Hiệp, Khóa 5 - SVSQHQ/NT, là cấp chỉ huy trực tiếp của tôi khi tôi giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Ty Quân Xa còn NT Hiệp làm Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Hải Quân Saigon.  Tôi rất quí NT Hiệp vì tánh tình đứng đắn, hiền hòa.
Sau khi chia tay ở trường sinh ngữ Lackland Air Force Base, NT Hiệp và tôi không có dịp tái ngộ dù trong công vụ hay ngoài đời.  Nếu NT Hiệp có dịp đọc hồi ký này thì xin cùng tôi ôn lại kỹ niệm của 50 năm về trước, khi chúng ta cùng "mài gót giày" trên các đường phố San Antonio, và xin nhận nơi đây lòng quí mến sâu đậm mà tôi vẫn còn dành cho ông.
Tôi đặt chân xuống phi trường San Antonio thuộc Miền Nam Texas vào giữa Mùa Đông giá buốt nhưng trời chưa đổ tuyết.  Sau đó tôi được xe đưa về thụ huấn ở Language Schools, Lackland Air Force Base , San Antonio với thời gian 6 tháng để trau dồi thêm sinh ngữ trước khi chuyển đến học tại trường chuyên môn Hải Quân.
Mùa Đông ở San Antonio quá lạnh, khí hậu khô ráo không ẩm ướt như ở Việt Nam.  Sau bao nhiêu năm trưởng thành và sống quen thuộc với khí hậu của miền Nhiệt Đới (nóng và ẩm) nay tiếp xúc với cái lạnh Mỹ Châu nên cảm thấy rất khó chịu.  Mỗi khi đi tắm phải pha nước cho đủ nóng; đi ra ngoài phải "thủ sẳn" trong người bộ đồ lót sát da (thermo underwear) mới chịu nổi gió lạnh.  Vì sự thay đổi quá đột ngột của thời tiết nóng/lạnh, da trên người co dãn bất thường đổi màu sạm đen và ngứa ngáy khó chịu.
Khoá sinh của trường sinh ngữ gồm đại diện Quân, Binh Chủng của các nước trên Thế Giới Tự Do gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Đại Hàn, Mễ Tây Cơ, v.v.. Khoá sinh Việt Nam có đại diện của Hải, Lục, Không Quân nhưng đặc biệt số khóa sinh Không Quân đông hơn cả vì lúc bấy giờ KQVN đang được trang bị phi cơ phản lực F5 và A37.  Khoá sinh Không Quân gồm Sỹ Quan học lái và Hạ Sỹ Quan phụ trách bảo trì phi cơ (maintenance).
Chúng tôi được tạm trú trong barrack thiết trí nhiều phòng, trang bị rất tiện nghi.  Mỗi phòng dành cho hai sỹ quan.  Roomate của tôi là một sỹ quan Không Quân người Mễ  (Mexican).  Nhà trường cố ý sắp xếp cho khóa sinh khác chủng tộc sống chung một phòng để tránh việc khoá sinh nói chuyện với nhau bằng tiếng "mẹ đẻ", speak no english.
Sinh hoạt trường Sinh Ngữ thời khoảng này rất sôi động và náo nhiệt có lẽ vì chiến tranh đang tiếp diển ở Việt Nam, mỗi tuần đều có nhiều khóa sinh tốt nghiệp ra trường và được thay thế bởi nhóm mới đến trình diện nhập học.
Khóa học Anh Ngữ được khai giảng lớp mới hàng tuần cho những khóa sinh mới tới.  Khóa học do các giảng viên dân chính hướng dẫn.  Chương trình học chú trọng phần đàm thoại, luyện giọng và phát âm.
Hồi tưởng lại thời kỳ chúng tôi còn là SVSQHQ ở Nha trang, mỗi tuần chúng tôi cũng vào LAB học Anh Ngữ.  Học mãi thấy chán, thay vì "repeat after me", một người bạn ngoài tê "ngâm"
Người Thủy Thủ (chưa) Già   -   Lackland Air Force Base, San Antonio, Texas  –  1966                                                                                          (Ảnh: Nguyễn Trọng Hiệp)
vào băng nhựa một bài thơ để gửi cho người tình xứ Huế.  Sau đó không lâu, bài thơ tình trong băng nhựa được giảng viên người Mỹ gửi tặng cho Chỉ Huy Trưởng TTHL/HQ Vương Hửu Thiều.
Trong hồi ký "BUỒN VUI ĐỜI LÍNH" của chiến hữu Vương Hùng Đốc, nhân viên của trường Sinh Ngữ Quân Đội, biệt phái cho TTHLHQ/NT vào thời gian sau này, cũng ghi lại trường hợp tương tự với các SVSQHQ khóa đàn em.  Anh VHĐ rất thông cảm với SVSQ hàng ngày tập luyện mệt mỏi, nên khi vào LAB có máy lạnh, VHĐ làm ngơ khi một vài SVSQ gục đầu trên bàn "xi-no-ring" thoải mái.
Việc Ẩm Thực ở trường sinh ngữ là cả một vấn đề phức tạp cho khóa sinh.  Mặc dầu thức ăn được nhà trường cấp đầy đủ chất bổ dưỡng nhưng không hợp khẩu vị, đặc biệt là cho các khóa sinh gốc Á Châu.  Khoá sinh được ăn ngày ba bữa nhưng vẫn bổn cũ soạn lại: ec en bê cân (eggs & bacon - sunny side up or scramble), dồi nướng béo ngậy (hotdog), xì pa ghét ti mít bô (spaghetti & meat ball w/ cheese), phờ rai chic cân (fried chicken) hay xăng quít thịt nguội (cold-cut sandwich), v.v..
Đa số khoá sinh Á Châu không quen uống sữa tươi lạt lẽo nên mỗi lần uống sữa phải cho thêm tí đường. Thức ăn Mỹ béo bở nhưng không chắc bụng nên dạ dày bao giờ cũng cảm thấy lỏng bỏng.
Vì quá thèm cơm, một hôm hai vị sỹ quan Lục Quân ở cùng với tôi một ba-rắc, lén vạch rào kẽm gai qua làng bên cạnh mua bao gạo nhỏ và mấy đùi gà, hành tây, xì dầu, về nấu cơm nóng và xào"gà mặn".  Tôi được mời ăn…...ôi chu choa! đậm đà mùi vị quê hương.
Hôm sau nhà trường làm cuộc "bố ráp" tịch thu tất cả dụng cụ nhà bếp bỏ vào thùng rác. Qui luật nhà trường tuyệt đối cấm nấu nướng trong ba-rắc đề phòng hỏa hoạn.  Trong khi đó các khóa sinh người Lào đòi hỏi để được ở một khu riêng biệt, có lẽ vì lý do Tôn Giáo (good excuse) thường xuyên ăn chay, nên họ tha hồ nấu nướng theo hương vị đặc biệt của người Lào.
Sanh hoạt của khóa sinh trong hai ngày nghỉ cuối tuần, Thứ Bảy và Chúa Nhật, là đi mua sắm ở PX (post exchange) trong căn cứ, theo các Mục Sư Tin Lành vào trường đón đi dự lễ, sau đó được mời ăn trưa free, hoặc đi dạo phố San Antonio.  Có vài khóa sinh ngoại quốc ôm các cô gái người bản xứ (người mẫu) chụp ảnh, có lẽ để gửi về nước khoe ta có bồ Mỹ.
Xứ Mỹ là Thiên Đường mua sắm cho phụ nữ và trẻ em.  Hàng hoá gồm đủ loại, đủ kiểu, đủ giá chỉ cần người mua chịu...chi.  Xa nhà nhớ vợ, thương con (vợ mới sanh con gái đầu lòng), ngày đầu vào PX tôi trích trong số "đô" được đổi mang theo, mua ngay cho vợ tôi cái cà rá hột xoàn với giá rất khiêm nhường.  Nhớ lại khi chúng tôi làm đám cưới, với đồng lương lính dành dụm, chỉ đủ mua cho cô dâu đôi bông hột xoàn vừa phải để làm sính lể.  Tôi tìm mua quần áo đẹp và các thứ cần dùng cho con gái, quà cho vợ, đóng thùng gửi qua Subic Bay, Philippines, nhờ Hà Ngọc Lương (hạm trưởng đem tàu đi sửa) chuyển về Saigon cho gia đình khi chiến hạm hoàn tất sửa chữa.
Thỉnh thoảng nhà trường tổ chức “pic-nic" cho khóa sinh ở các trại nuôi bò (cattle ranch), chủ nông trại (the rancher) thết đãi chúng tôi bữa ăn trưa với dồi nướng (charcoal grill hotdog). Trời quá lạnh lại đứng ngoài đồng trống, gió thổi tứ bề, bụng đói cồn cào, mùi dồi nướng thơm phứt.  Tôi "đớp" ngay một miếng......ôi Thiên Đường! watta heaven food.  Lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức một miếng dồi nướng (hotdog) thật ....tuyệt vời.
Hồi tưởng lại dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tuần Dương Hạm USS Toledo ghé bến Saigon dự Lễ Quốc Khánh, các SQVSHQ được mời tham dự chuyến river cruise Saigon - Vũng Tàu.  Tới giờ ăn trưa, chúng tôi sắp hàng cầm khay "ăn cơm chỉ". Các thức ăn nóng bốc khói, thơm lừng, đặc biệt là món dồi to tướng, béo mộng hấp dẫn (super size knockwurst). Đẩy khay đi qua anh SVSQ nào cũng hăm hở chỉ...”ghiu mi oan”  (give me one). Ngồi vào bàn ăn, nhai thử một miếng rồi...ngậm mà nghe, “cái mùi chi lạ”, một anh phát biểu?  Thế là đồng loạt các SVSQ lại sắp hàng đổ món dồi vào thùng rác.
    Sinh Viên Sỹ Quan lên USS Toledo tham dự River Cruise  -  tháng 10 năm 1959


Ngày nghỉ cuối tuần giữa Mùa Đông giá buốt, cũng như các khóa sinh khác, NT Hiệp và tôi lấy xe buýt xuống downtown, dạo hết phố phường San Antonio, xem phim Cao Bồi hay viếng cổ thành Alamo.
Tôi trở lại thăm thành phố San Antonio, Texas sau 50 năm (1966-2016) và dừng chân dưới bức tường của cổ thành Alamo.  Lần này tôi trở lại San Antonio với một quân số hơn một Tiểu Đội gồm thủy thủ già, thủy thủ chuyên nghiệp, và thủy thủ tập sự (các con, dâu, rể, cháu nội, ngoại). Thời tiết San Antonio khoảng 40 độ F, bầu trời u ám vì mây mù che phủ, mưa phùn lất phất như phù hợp với người có tâm trạng  buồn.  Cảnh vật nơi đây đã hoàn toàn thay đổi không còn thấy  dịch vụ dành cho khóa sinh ngoại quốc năm xưa.  Đường phố không một bóng người quân nhân mặc quân phục.
Ngày nay trên đường phố San Antonio vắng bóng khoá sinh ngoại quốc của trường sinh ngữ Lackland Air Force Base mà thay vào đó bằng du khách các nơi đổ về để thăm di tích lịch sử của thành Alamo.  Cổ thành ngày nay được một tổ chức bất-vụ-lợi mua lại của chánh quyền Texas, tu bổ, sửa sang, có museum tàng trữ cổ vật do các cá nhân gửi tặng, có gian hàng bán quà lưu niệm, và có hướng dẫn viên...giải thích về lịch sử của thành Alamo trong cuộc kháng chiến giành độc lập của Cộng Hoà Texas (1835-1836) ra khỏi nước Mễ-Tây-Cơ (Mexico).
Có hai cựu SVSQHQ/NT hiện cư ngụ tại thành phố San Antonio, anh Nguyễn Thành Út (K8) và anh Trần Văn Ba (K12), nhưng chúng tôi không tiện ghé thăm vì anh chị NTU vắng nhà, còn anh chị TVB thì chúng tôi mới gặp nhau trong kỳ Đại Hội Hải Quân vào tháng 5 năm 2015 tại California.
Rời cổ thành Alamo chúng tôi xuống river walk cách đó không xa và phải đi qua một shopping mall đẹp đẽ, khang trang. Con sông nhỏ năm xưa vẫn còn đó nhưng đã được "lột xác" để trở thành một điểm du lịch náo nhiệt, thu hút, với những khách sạn sang trọng như Hilton và Marriott nằm sát bên sông.  Nhà hàng, bar, side walk cafe nằm dọc theo con sông ngoằn- ngoèo, thuyền đưa du khách xuôi ngược trên sông.  Trời lạnh khoảng 40 độ F nhưng du khách vẫn "ung dung tự toại" lai rai bên ly cà phê nóng, ngồi ngoài trời nhìn du khách xuôi ngược trên bờ, dưới nước, vì nhà hàng đã để sẵn "poncho" trên mỗi ghế để du khách vô tư lấy khoác vào người.


     Vợ Chồng Người Thủy Thủ Già trở lại thăm Cổ Thành Alamo - San Antonio, Texas   -   2016




River Walk, San Antonio, Texas




Lần này tôi không trở lại thăm Lackland Air Force Base. Tôi nghĩ trường sinh ngữ đã đi vào quá khứ, không còn ai nhớ đến trang sử của một quân đội oai hùng và đã cố tình cho vào lảng quên. Riêng cá nhân tôi, tôi vẫn hãnh diện đã được Chánh Phủ, Quân Đội và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tín nhiệm gửi tôi du học Hoa Kỳ.


San Antonio, Texas - Tháng Giêng 2016

Người Thủy Thủ Già



1 comment:

Unknown said...


Tôi, Lê Gia Hồng, SQ/ĐV.CK cũng vẫn tự coi mình là một Thủy Thủ già (Q/S 50) năm nay tháng Giêng DL chẵn 86. Cũng có ở Lackland, 2lần, lần thứ nhất thì được xem Dean Martin đóng BANDIDO tại ALAMO do hãng phim dựng lên, ở ngoài TP SAN ANTONIO. Lần thứ hai hình như là Word Fair 71. Cũng muốn qua Antonio xem lại cảnh cũ, nhưng chưa có dịp.Nay đọc lại hồi ký của TTGIÀ, thấy lòng cũng nao nao...

Bình luận: Trump nói không để kênh đào Panama rơi vào “tay kẻ xấu” là ám chỉ ĐCSTQ

Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock) Không thể để kênh đào Panama rơi vào tay ‘kẻ xấu’ Tổng thống...