Saturday, January 2, 2016

Bóng ma Tết Mậu Thân... trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016



Đọc cái tựa đề trên đây chắc nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Vụ Việt Cộng lật lọng, tung ra cuộc tổng công kích, tổng nổi dậy tại các thành phố miền Nam Việt Nam trong những ngày “hưu chiến” Tết Mậu Thân gần nửa thế kỷ trước thì mắc mớ gì tới cuộc chay đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2016 ở Hoa Kỳ?

Có thể lắm, nếu lập luận của ông J.T. Young là đúng. Ông Young, một cựu Bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ, đã viết một bài trên Nhật báo Washington Times ngày 21.12.2015, tựa dề là “A TERRORIST TET OFFENSIVE, Recent events will plague Democratic office seekers just as Vietnam did” (MỘT CUỘC TẤN KHỦNG BỐ VÀO NGÀY TẾT, Những biến cố mới đây sẽ làm hại các ứng cử viên Đảng Dân Chủ giống như Việt Nam đã làm). Chữ “Vietnam” ở đây phải viết là “Việt Cộng” mới đúng.  
Mở đầu bài viết, ông Young nói rằng những vụ khủng bố tấn công mới đây có thể có những âm vang về chính trị giống như vụ Tổng công kích Tết Mậu Thân trong Chiến tranh Việt Nam. Giống như cuộc tấn công xảy ra 47 năm trước, những cuộc tấn công khủng bố vừa xảy ra đã phản bác lời tuyên bố của chính quyền Mỹ và làm gia tăng sự nghi ngờ của dân Mỹ về chiến lược chống khủng bố của TT Obama. Tuy nhiên, sẽ không giống với chuyện đã diễn ra trước đây, người phải trả cái giá chính trị về sự việc ấy sẽ không phải là đương kim tổng thống mà là người sẽ được đảng của ông ta (Dân Chủ) đề cử ra tranh chức tổng thống năm 2016.
Young nhắc lại: bước vào năm 1968, TT Lyndon Johnson trông đợi cả hai điều cùng một lúc: tái đắc cử tổng thống và bảo đảm với nước Mỹ rằng Hoa Kỳ đang thắng cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Bởi vì quyết định của Johnson mở rộng vai trò của Mỹ tại VN, cuộc chiến tranh “của ông ta” và việc tái cử của ông ta không thể tách rời nhau.
Và như vậy, cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân do VC tung ra đã phá vỡ nhận định lạc quan của chính quyền Johnson về cuộc chiến tại VN, và do đó kỳ vọng tái cử tổng thống của ông ta cũng tan thành mây khói.
Young cho rằng có những đặc tính không hoàn toàn giống nhau giữa hai biến cố - đặc biệt là cuộc tấn công khủng bố tại Paris vào tháng 11, các cuộc tấn công của ISIS mới đây có sự tương đồng về chính trị với những gì đã xảy ra trong quá khứ cho những người tiền nhiệm của TT Obama. Như mọi người biết, ông Obama đặt nền tảng chính quyền của mình trên thành tích rằng ông ta đang giảm dần sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Trung Đông, và rằng mối đe dọa của khủng bố cũng đang giảm bớt.
Vào tháng 1.2014, ông Obama đã bác bỏ nguy cơ ISIS trong một cuộc phỏng vấn bằng sự so sánh ví von việc lấy đồng phục của đội bóng rổ Lakers mặc cho một đội tay mơ sẽ chẳng biến họ thành... Kobe Bryant! Và chỉ vài ngày trước vụ tấn công ở Paris, Obama còn nói trong một cuộc phỏng vấn khác: “Ngay từ lúc khởi đầu, mục tiêu của ta là cô lập chúng trước đã, và ta đã cô lập chúng.”
Thế rồi vụ tấn công khủng bố bất ngờ nổ ra ở Paris gây bàng hoàng cho nước Mỹ, trong đó có chính ông tổng thống vẫn yên chí vì được báo cáo rằng bọn ISIS đã bị “đóng hộp”! Thế rồi lại đến vụ tấn công ở San Bernadino, ngay trên đất Mỹ.
Theo cuộc thăm dò ý‎ dân mới đây của CBS/New York Times, số người không chấp nhận cách đối phó với quân khủng bố của Obama đã tăng từ 34 phần trăm lên 57 phần trăm, với 7 trong 10 người xem ISIS là mối đe dọa chính cho nước Mỹ. Cùng lúc, khủng bố cũng đã trở thành vấn đề lớn nhất của nước Mỹ, thay cho khó khăn kinh tế.
Young nói rằng dĩ nhiên nạn khủng bố trở thành mối lo sợ của quần chúng Mỹ không phải là sự quan ngại của ông Obama theo kiểu của ông Johnson trước đây vì Obama sẽ không tái tranh cử vào năm tới. Tuy nhiên, đó có thể là sự lo ngại rất lớn cho người có phần chắc sẽ được đảng của ông ta đưa ra tranh chức tổng thống năm 2016: Hillary Clinton, người thi hành chính sách ngoại giao của Obama trong nhiều năm với chức ngoại trưởng.
Cử tri Mỹ có trừng phạt Đảng Dân Chủ như đã xảy ra 47 năm trước hay không thì chưa biết, nhưng cái “bóng ma Tết Mậu Thân” đã làm sống lại hai sự thật mà nhiều người đã lãng quên: sự tàn bạo của VC và sự lừa dối của truyền thông dòng chính Mỹ.
Sau khi vụ tấn công khủng bố tại Paris xảy ra, phát ngôn viên của chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN ở Hà-nội đã vén môi tuyên bố: “Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra vào ngày 13 Tháng Mười Một, 2015 tại Pháp khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương. Việt Nam xin chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực mà chính phủ và nhân dân Pháp đang triển khai, những kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng.”
VC nói mà không sờ lên gáy chính mình. “Những đau thương, mất mát to lớn mà chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu” mà VC muốn “chia sẻ” đâu có nhằm nhò gì so với những đau thương, mất mát của thân nhân hơn ba ngàn người vô tội đã bị VC hạ sát cực kỳ dã man tại Huế trong vụ “tổng công kích, tổng nổi dậy” trong thời gian hưu chiến Tết Mậu Thân, khi dân miền Nam đang ăn Tết trong cảnh thanh bình, an vui.
Tại Paris ngày 13.11.2015, bọn khủng bố ISIS đã bất ngờ xả súng bắn vào đám đông trên đường phố, trong quán ăn, trên xe buýt, trong sân vận động... mà không biết nạn nhân của chúng là ai. Còn Việt Cộng thì khác, chúng biết những người chúng giết và đã truy lùng tìm bắt họ để đem đi giết bằng những cách khác nhau rất man rợ và tàn ác.
Đã có hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách viết về tội ác của VC khi chúng chiếm được thành phố Huế và tạm kiểm soát trong mấy tuần lễ, nhưng chắc cũng chưa tả hết được sự hãi hùng của những vụ giết người rùng rợn mà những nạn nhân là đồng bào của chúng.
Theo nhà viết sử Trần Gia Phụng, có 3 nguyên nhân khiến VC ra tay tàn sát đồng bào của chúng tại Huế: giết người vì tư thù, tàn sát theo kế hoạch, và thanh toán khi rút chạy, mà cách giết người nào cũng tàn bạo hơn bọn khủng bố ISIS, được ông Trần Gia Phụng ghi lại như sau:


"Chiến công" của VC tại Huế trong ngày Tết Mậu Thân


“Cách giết người của cộng quân cũng đặc biệt. Cộng quân ra lệnh cho những người bị bắt phải tự đào hố, nói là để làm hầm trú ẩn tránh bom đạn, hoặc để làm mương dẫn nước cho dân chúng cày cấy. Khi đào xong, cộng quân trói thúc ké tay chân những người này, quăng xuống hố, rồi lấp đất lại. Cộng quân chôn sống người chứ không dùng súng bắn vì sợ gây tiếng động và lộ mục tiêu, dễ bị Quân đội VNCH và Đồng minh phát hiện.
...
Chắc chắn phải có kế hoạch chính sách do trung ương hoặc do các đảng ủy cộng sản quyết định, khi tiến thì làm gì, khi rút lui thì làm gì, các đơn vị thừa hành hoặc các cán binh mới dám tàn sát dân chúng một cách vô nhân đạo, tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam và cả lịch sử thế giới.” (ngưng trích)
Về mặt quân sự, vụ “tổng công kích, tổng nổi dậy” vào dịp hưu chiến Tết Mậu Thân đầu năm 1968 của Việt cộng đã trở thành “tổng man rợ, tổng thảm bại”. Nhưng, đau đớn thay, sự thảm bại của VC trong cuộc đánh trộm Tết Mậu Thân, nhờ sự tiếp tay của giới truyền thông dòng chính thiên tả Mỹ, đã trở thành thắng lợi lớn của chúng trên mặt trận không tiếng súng ở hậu phương Mỹ.
Trong cuốn “Tôn Vinh Cuộc Chiến Đấu Thần Thánh của Quân Lực VNCH”, Học giả Phạm Kim Vinh đã dành một chương (21 trang) để viết về vụ này và mở đầu bằng câu: “Trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975, cuộc tổng tấn công của cộng sản Tết 1968 là cuộc tấn công gây cho Hà Nội thất bại quân sự đau đớn nhất, nhưng cũng lại mang lại cho Hà Nội thắng lợi tâm lý lớn nhất!”
Trong chương này, ông Phạm Kim Vinh đã dẫn chứng nhiều tác giả lương thiện ở phương Tây để giải thích vì sao việc ngược đời và phí lý ấy đã xảy ra. Trong số này có Quân sử gia Dave Palmer:
“Ít ra cũng đã có ba chục ngàn cộng quân bị giết trong mười ngày tấn công tự sát của chúng. Nhưng đối với dân chúng Mỹ, người Mỹ chỉ được nghe nói là Việt Nam đã bị thiêu rụi, rằng sứ quán của chúng ta ở Việt Nam đã bị chiếm đóng, rằng một cuộc chiến tranh đang được tường trình là thắng lợi thì nay đang ở bên bờ của sự bại trận.
Đồng minh (VNCH) nhìn thấy ở trận này một cơ hội tốt đẹp để giáng cho địch thêm những đòn chí tử nữa, sau khi chúng bị thiệt hại thật nặng ở trận này. Điều bất hạnh là ở thủ đô Mỹ, ‎ý chí của nước Mỹ đã hoàn toàn tan rã chỉ vì nghe lời loan tin sai lạc của báo chí và truyền hình Mỹ về việc sứ quán Mỹ ở Sài-Gòn bị chiếm đóng. Từ Tổng thống Johnson cho tới các cố vấn thân cận nhất của ông ta đều không ai hồi phục được sự mất tinh thần. Không khí chủ bại và tuyệt vọng bao trùm khắp cả mọi phòng ốc của Bạch Cung.” (Dave Palmer, Summons of the Trumpet, Presidio Press, California 1978). (hết trích)
Lịch sử thường hay tái diễn, dù không hoàn toàn giống nhau. Nhận định của J.T. Young có thể đúng, có thể sai. Nhưng, chân lý này không bao giờ thay đổi: quân gian ác có thể dùng bạo lực và lừa dối để đạt một chiến thắng nhất thời nhưng không thể tồn tại mãi. Sẽ có một ngày chúng phải trả giá cho những tội ác đã gây ra và không thể bôi xóa trong sử sách.





Ký Thiệt


















No comments:

Bạn Đường- Nguyên Giao

  Trong một quán cà phê ở ‘ Thủ Đô Người Việt Hải Ngoại’ một ngày cuối tháng tư năm 1999, Hùng hỏi Giao: - Bạn đến Mỹ năm nào? - Năm 1975,...