Lời giới thiệu.
Bài văn này chúng tôi viết vào mùa Xuân năm 1977 khi gia đình di cư từ tiểu bang Illinois về San Jose, California. Tôi vào làm cho trường trung học địa phương. Cùng với các chiến hữu một thời là đại tá Anh Việt, Trần văn Trọng và đại tá Mã Sanh Nhơn. Danh hiệu chức vụ gọi là cố vấn nhưng thực sự lãnh lương Phụ giáo. Nghe tin tại Bank of America trên San Francisco có chương trình gửi di vật cho tương lai. Tôi viết bài văn này và một vài di vật của VNCH, mua cái hộp $10 us bỏ vào. Ngân hàng nhận và dán chặt. Sẽ cho vào một Capsule lớn, chôn dưới đất. 200 năm sau sẽ khui lên. Bài văn này tôi có cho in lại trong tác phẩm tựa đề Cõi Tự Do, phát hành năm 1983. Bây giờ là mùa Xuân năm 2016, gần 40 năm sau, chợt đọc lại bài viết ngày xưa mà tâm sự vui buồn lẫn lộn. Hai ông bạn già đều đã ra đi. Còn nhớ mãi ngày cuối tuần cùng lên San Francisco. Buổi sáng biểu tình, trưa ăn mì vịt phố Tàu, chiều đi gửi thông điệp cho ngày mai. Bạn cũ nay đi xa rồi. Chúng tôi còn lại cũng không đủ khả năng ngồi chờ 200 năm. Nhưng xin chép lại bài văn ở đây để bà con hiểu cho rằng, nếu chúng tôi gửi di sản cho tương lai thì nội dung sẽ ra sao. Xin gửi bà con duyệt lãm, thay cho tâm sự đầu Xuân.
BẢN THÔNG ĐIỆP CHO NGÀY MAI
Tháng 10-1977 Giao Chỉ, San Jose.
Một trong các môn học bắt buộc tại bậc trung học hiện nay là môn lịch sử lập quốc Hoa Kỳ. Học sinh sẽ không thể tốt nghiệp nếu không học thông lịch sử nước Mỹ, dù là một nền lịch sử của hơn hai trăm năm ngắn ngủi, nhưng cũng khá nhiều đột biến. Tiếp theo đó, khi lên đại học, sử của Mỹ cũng vẫn là một trong các tín chỉ quan trọng sẽ còn phải học tới học lui. Và các em học sinh Việt Nam, trong một hoàn cảnh đặc biệt, đang bỏ quên dần kỷ niệm của con Rồng cháu Tiên, của hơn 4,000 năm lập quốc. Đã quên hết lịch sử các triều đại của ông cha ta từ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn. Đám thiếu niên yêu dấu của chúng ta đang cố công tìm hiểu về những nguyên nhân mà di dân Âu Châu đã đến lập nghiệp tại đất Hoa Kỳ cách đây trên 200 năm có lẻ. Vì đâu mà những người Thanh Giáo (Puritan) đã phải đi tìm chân trời mới. Chúng cũng biết khá kỹ về đoạn ông Kha-Luân-Bố khám phá ra Mỹ Châu năm 1942.
Nhưng đám trẻ Việt tha hương đó, không đứa nào biết được là ngày xưa, cách đây thật là xa, vào khoảng 2879 năm trước Tây lịch. Ta hãy cộng thêm con số 1977 của niên lịch hôm nay sẽ có được 4856 năm. Vào cái thời đó, có một người tên là Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ, lập quốc trên vùng châu thổ sông Dương Tử, lãnh đạo giống người Lạc Việt tối cổ. Đó là tổ tiên, là cội rễ, là root của anh em ta hôm nay. Nên nhớ rằng, vào thuở xa xưa đó, ở triền sông Dương Tử không phải là miền đất độc quyền của người Trung Hoa. Ở đó có nhiều bộ lạc, hàng trăm sắc dân gọi chung là Bách Việt, trong đó có dòng giống dân Lạc Việt. Từ thuở ấy, tuy có bị pha trộn nhưng dòng Lạc Việt vẫn giữ được nét đặc thù, và tiếng Việt là biểu hiện độc đáo để không thể bị lẫn lộn với bất cứ sắc dân nào khác. Rồi tiếp theo, vào năm 2197 trước Tây lịch tức là cách đây 4179 năm, bộ tộc Lạc Việt trong khối Bách Việt của Lạc Long Quân và Âu Cơ bắt đầu thiên cư về phía Nam. Phần còn lại của khối Bách Việt đã hầu như định cư tại chỗ và đồng hóa với các sắc dân tạo ra người Trung Hoa ngày nay. Bộ tộc Lạc Việt, dòng giống Việt can trường và nhẫn nại đã không chấp nhận ở lại để bị đồng hóa, nên đã thiên cư xuống khai phá miền Nam. Ôi, những tổ tiên anh hùng của chúng ta, đóng khố nhai trầu, răng nhuộm đen, mình xâm Rồng, líu lo nói tiếng nước ta vốn là một văn tự độc đáo và riêng biệt từ ngàn năm trước.
Khi dân Trung Hoa bành trướng, bộ tộc Lạc Việt lại phải thêm một lần thiên cư vào năm 1401 trước Tây lịch, lúc đó cách đây cũng là 3378 năm. Lần này bộ tộc Lạc Việt tiến đến miền châu thổ sông Hồng, lập nên nước Văn Lang và bắt đầu 18 đời vua Hùng Vương dựng nước. Tổ tiên chúng ta lập quốc và giữ nền độc lập ở miền lưu vực con sông Hồng phù sa đất đỏ, con sông Đáy lạnh đôi bờ, những nhánh sông Gầm, sông Chảy… được một thời gian dài 1290 năm thì người Trung Hoa lại bành trướng xuống phía Nam. Tàu là nước lớn, người đông nên lấy bạo lực cai trị nước Văn Lang hơn 1000 năm. Đó là thời gian từ 111 trước Tây lịch đến năm 936 sau Tây lịch. Suốt thời gian dài sâu thẳm đó, dân Văn Lang đã liên tiếp nổi dậy chống Bắc thuộc. Các cuộc nổi dậy lừng danh lịch sử của Hai Bà Trưng, bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng v.v … tuy không thành công nhưng đã giữ được ngọn lửa Việt bất khuất không hề tàn lụi và dân Việt không hề bị đồng hóa. Ngôn ngữ Việt Nam tuyệt vời vẫn còn được lưu truyền từng thế hệ và từng thế hệ. Những ông cha của chúng ta cần cù, gàn bướng đã âm thầm chống lại công cuộc đồng hóa của người Tàu trong khoảng thời gian dài bất tận, gậm nhấm hàng trăm thế hệ cha truyền con nối, để cho ta vẫn là ta hôm nay. Đến năm 939 sau Tây lịch, có một người Việt anh hùng tên là Ngô Quyền đã thành công trong việc chống Bắc phương, dựng nên một thời đại tự chủ từ 939 đến 1855. Suốt 916 năm của thời đại tự chủ, ông cha chúng ta liên tiếp đưa lưng ra biển mà chống giặc Bắc phương. Các triều đại kế tiếp lần lượt từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, nhà Nguyễn (Tây Sơn), Nguyễn (Gia Long) rồi tiếp đến 80 năm bị Pháp đô hộ.
Nào các bạn trẻ của tôi, ta hãy nhắc lại một lần tên những anh hùng tiền bối, kẻo rồi đây chắc sẽ lãng quên. Họ Đinh này là Đinh Bộ Lĩnh,(968) cờ lau tập trận, dẹp loạn sứ quân.Thống nhất sơn hà. Lê là họ của Lê Đại Hành, nhà Tiền Lê.(941-1005).Ngưòi anh hùng phá Tống, bình Chiêm. Lý là thời đại của Lý Công Uẩn,(1009) của đạo Phật nhập thế. Họ Trần anh hùng là của đức Trần Hưng Đạo, vị danh tướng hai lần đánh tan quân Mông Cổ. Hồ là họ của nhà cách mạngdân sinh Hồ Quý Ly. Hậu Lê là thời đại Lê Lợi, mười năm kháng chiến, lấy áo vải dựng ngọn cờ đào. Nguyễn trước là họ của Nguyễn Huệ, Quang Trung, vị anh hùng dân tộc lừng danh lịch sử. Nguyễn sau là họ Nguyễn Ánh, Gia Long.Người đầu tiên thống nhất Nam Bắc kể từ khi Trịnh Nguyễn phân tranh.
Xin nhắc lại thời Hậu Lê, cùng với sự phân tranh giữa hai dòng họ Trịnh Nguyễn,(1627-1673) cuộc Nam Tiến hào hùng đã tô đậm trang sử Việt. Tổ tiên chúng ta đã đi về miền Nam và hình thành giải giang sơn chữ S ngày nay. Sau nhà Nguyễn Gia Long là tiếp đến 80 năm bị Pháp thuộc. Đến năm 1945 Việt Nam nổi dậy chống Pháp và cũng từ đó hoàn cảnh xô đẩy tiến đến thời kỳ phân chia Nam Bắc 1954 kéo dài cuộc chiến tương tàn cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì miền Bắc thắng miền Nam và thống nhất đất nước.
Như chúng ta hiện nay đã biết, trong đám chiến bại miền Nam có hơn 200,000 người bỏ nước sang miền đất lạ. Miền đất mà ông Kha Luân Bố đã tìm ra măm 1492. Từ cái thuở Mỹ Châu mới được tìm thấy, biết bao nhiêu đợt sóng di cư đã đến xứ này. Họ đến từ Âu Châu, từ Phi Châu và từ Á Châu, duy có ông cha người Việt Nam chúng ta thì chưa hề góp mặt. Phải đợi đến biến cố 1975, chúng ta làm thành một đợt sóng di cư đáng kể. Mỹ Châu vốn đi dễ khó về, không biết rồi đây lúc nào Trời làm cơn sóng ngược, đẩy đám bèo giạt trở về cố hương. Dù sao ta cũng đã đến đây, và cuộc di cư này kể từ thời ông Kha Luân Bố, tính ra đến muộn hơn 400 năm.
Có một thời Giao Chỉ tôi làm chân dạy học ở một cái trường trung học ấm ớ, học trò Việt Nam ngày ngày vẫn hỏi tôi nhiều câu lẩm cẩm. Thưa bác, tại sao người Mỹ lại nói tiếng Anh. Tại sao có một đức chúa Jesus mà người ta lập ra nhiều thứ Đạo. Ai là người thực sự đầu tiên bước lên giải đất này, hải tặc Viking hay là ông nhà buôn Tây Ban Nha. Chúng hỏi để làm bài American Study, để tốt nghiệp trung học và có thể để vội vàng ra trường bắt cái “ Job”. Suốt 2 năm, không hề đứa nào hỏi tôi về nguồn gốc của ông cha. Dù tôi đã có phen ỉ ôi khích lệ để tìm dịp nói về cái root của chúng nó.
Bây giờ ngồi đây, viết lại câu chuyện sử Việt với chút ký ức mòn mỏi đâu phải để chỉ đăng báo. Không, mộng ước của Giao Chỉ tôi đâu có tầm thường như thế. Số là, nhân nghe tin được biết nên tôi mò lên San Francisco, đến trụ sở nhà băng Mỹ Quốc ngân hàng, leo lên 14 tầng lầu tìm đến căn phòng để hỏi thể thức. Nếu anh bạn đóng 10 Mỹ kim, người ta sẽ đưa cho một cái hộp nhỏ, hãy bỏ vào đó bất cứ cái gì bạn muốn và nhà băng sẽ chôn xuống lòng đất, bàn giao qua nhiều thế hệ rồi sẽ mở ra khoảng hơn 200 năm sau. Khi viết lại những trang Sử Việt này, tôi tự cho là tuyệt tác, nhưng thân phận là anh phụ giáo, không đủ quyền hạn tập hợp lũ con nít để đọc cho chúng nghe bản thông điệp tưởng chừng gửi từ một thế hệ lầm lỡ, lỗi thời. Của một thế hệ như nhà thơ Cao Tần đã viết: “Ôi thằng chiến binh, một đời anh dũng. Mày lang thang đất lạ đến bao giờ”.Tôi bèn ghi danh đóng 10 đồng cho anh chủ nhà băng giàu xụ, để họ cho phép tôi gửi một cái thông điệp đến ngày mai. Hai trăm năm sau, những đứa con cháu Việt Nam của tôi nếu còn vương vất bên bờ đất miền vịnh Cựu Kim Sơn, sẽ được người ta mời đến để giải đoán bản thông điệp của Giao Chỉ, tức là ông tiên tổ của chúng nó. Đọc được dòng chữ này, chúng nó sẽ biết rõ tông tích nguồn gốc. Chúng nó sẽ biết rằng ông cố nội chúng, khi mới bước chân đến xứ này, tuy có thể lầm lỡ nhưng vẫn không hèn. Có thể cố nội hơi lẩm cẩm nhưng còn nhớ cội rễ rất kỹ, nhớ ngược đến gần 4,000 năm trước. Các con ơi, các con có thể thắc mắc là răng ta trắng hay đen, ngực ta có vẽ rồng hay không, điều đó không mảy may quan trọng. Duy có điều ta lo lắng là trong đám các con không biết có còn đứa nào biết đọc và nói thứ tiếng Việt Nam ta đang viết hay không? Nghĩ đến cơ sự đó, ta thực tình muốn khóc. Cái thứ văn tự hay ho nhất thế giới này, đã có từ trên 4,000 năm, ông cha ta ở lẫn cả với trăm triệu dân Tàu, lâu đến ngàn năm mà vẫn còn giữ được tiếng Việt nguyên vẹn, không lẽ mới có 200 năm ngắn ngủi mà lại mất tiêu. Khi các con cháu đọc những dòng này, ta đang ngồi tỷ tê bên gối cụ Hùng Vương, ta sẽ tâu với vua Hùng, đám gốc Việt đứa nào không nói được tiếng Việt sẽ không cho vào cửa thiên đàng, dù cho chúng mày có chạy chọ được giấy phép của Chùa hay nhà Thờ thì cũng sẽ xớ rớ bên ngoài. Liệu học lại vần Việt ngữ đi thì vừa, các con!
Cựu Kim Sơn, đầu Xuân 1977
--
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393
Giao Chỉ, SanJose City, VietMuseum, Book 1, 2 đã phổ biến, sẽ in 3, 4, 5 đến 12.
Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121
Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là giữ lửa cho mai sau.
No comments:
Post a Comment