Friday, January 1, 2016

Tìm Hiểu Xung Đột Trung Đông.


  Ottoman_Empire_b

Di sn ca Đế chế Ottoman đi vi trt t Trung Đông


Nguồn gốc sâu xa của rất nhiều xung đột tại Trung Đông nằm ở sự tan rã của Đế chế Ottoman vào đầu thế kỷ 20, cùng với đó là sự thất bại trong việc xây dựng một trật tự ổn định cho khu vực kể từ thời điểm nói trên. Trong quá trình hướng tới mục tiêu đảm bảo nền hòa bình bền vững cho toàn vùng, các nhà lãnh đạo của cộng đồng quốc tế cần ghi nhớ bài học lịch sử từ Đế chế Ottoman.
Ottoman – một đế chế từng trải dài từ thành phố Bihac của Bosnia ngày nay đến tận Basra, Iraq – là bức tranh đầy màu sắc bởi sự pha trộn văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dưới quyền cai quản tối cao của vị Sultan[1] ở Istanbul. Đây từng là nơi đặc biệt ổn định, tạo ra nền tảng hòa bình cho toàn khu vực suốt hàng trăm năm. Tuy nhiên, khi sự tan rã bắt đầu nhen nhóm, nó đã khiến tình hình trở nên vô cùng bạo lực.
Vùng Balkan là nơi khởi đầu của quá trình tan rã của Đế chế Ottoman thành các quốc gia – dân tộc. Đó cũng đồng thời là tiến trình mở màn cho những cuộc chiến khốc liệt – lần đầu tiên diễn ra vào đầu thế kỷ 20, lần thứ hai là vào thập niên 1990.
Trong khi đó, ở vùng Lưỡng Hà và Levant (Đông Địa Trung Hải), một loạt các quốc gia mới nổi lên khi các cường quốc bên ngoài vẽ lại bản đồ Ottoman. Syria và Iraq là kết quả của các cuộc đàm phán tranh giành lợi ích giữa Pháp và Anh. Người Hy Lạp đã thực hiện một nỗ lực thất bại nhằm xâm chiếm miền tây Anatolia – rốt cuộc làm nổ ra cuộc cách mạng dẫn tới sự ra đời của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Đồng thời, Tuyên bố Balfour năm 1917 – một cam kết của nước Anh về việc thành lập nhà nước Do Thái trên vùng lãnh thổ Palestine – đã trở thành cơ sở cho sự ra đời của Israel vào năm 1948, kéo theo hàng chục năm xung đột và thương lượng triền miên.
 
Việc xác định tỉnh Mosul của Đế chế Ottoman sẽ thuộc về nước nào cho thấy là một vấn đề khó khăn, bởi tỉnh này cùng lúc được cả chính quyền mới của Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Iraq tuyên bố chủ quyền. Một hội đồng được thành lập bởi Hội Quốc Liên và do một nhà ngoại giao Thụy Điển dẫn đầu đã đi khắp khu vực nhằm tìm kiếm một giải pháp phù hợp nhưng sau cùng đành thất bại trong việc vẽ ra được đường ranh giới thỏa mãn các bên. Rốt cuộc, hội đồng này đề xuất sáp nhập Mosul vào Iraq, nhưng quyết định này được đưa ra là do nước này được cho là sẽ nằm dưới sự ủy trị kéo dài hàng thập niên của Hội Quốc Liên.
Kể từ đó, trải qua các cuộc chiến tranh và cách mạng triền miên, có một chân lý vẫn giữ nguyên giá trị: không một ranh giới nào ở Ottoman đủ rõ ràng để có thể sắp đặt êm thấm một trật tự mới giữa các nhà nước hay thực thể chính trị mà vẫn đảm bảo được sự thuần nhất về sắc tộc, dân tộc cũng như tôn giáo. Thừa nhận thực tế đó quả thực là một nghịch lý, bởi trật tự khu vực được tạo ra sau Thế chiến I có thể là một sự sắp đặt tùy tiện, nhưng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi trật tự đó lại có thể dẫn đến những hậu quả thậm chí còn đẫm máu hơn.
Một ví dụ điển hình là nếu tách Iraq thành 2 nhà nước theo giáo phái Sunni và Shia sẽ dễ dàng tạo ra phiên bản ở vùng Lưỡng Hà của thảm kịch 1947 tại Nam Á khi hàng triệu người bỏ mạng trong lúc cố gắng trốn chạy sang Pakistan hoặc Ấn Độ sau sự kiện đất nước này tách làm hai. Thực vậy, cuộc xung đột giữa người Ả-rập và người Kurd vốn sẽ nảy sinh nếu Iraq bị chia cắt có lẽ sẽ vô cùng đẫm máu và dai dẳng, đồng thời tạo ra những hệ lụy sâu sắc đối với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, những nơi có số lượng người Kurd đông đảo. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Baghdad rất có thể cũng sẽ khốc liệt tương tự.
Để tìm ra một giải pháp cho xung đột tại Syria cũng không phải là điều đơn giản. Nhà nước của tộc Alawite (do Assad lãnh đạo) được Nga bảo trợ dọc vùng ven biển có thể sẽ đứng vững, nhưng quyền lực tại Damascus vẫn là một cuộc tranh giành không hồi kết. Nhóm thiểu số đạo Cơ Đốc tại Syria sẽ trở thành nạn nhân của những nỗ lực tranh đoạt nói trên. Quốc gia này vốn là cội nguồn của một vài những cộng đồng Cơ Đốc giáo cổ xưa nhất trên thế giới, những cộng đồng dù quy mô đã bị thu hẹp đi đáng kể so với trước đây nhưng vẫn tiếp tục nắm giữ những quyền lịch sử không thể chối cãi đối với toàn khu vực. Họ là một phần của mảnh ghép nhỏ trong bức tranh về một Ottoman đa dạng được giữ gìn ở Syria ngày nay; và họ sẽ diệt vong nếu bức tranh đa sắc này biến mất hoàn toàn.
Có một điều chắc chắn là bức tranh đa dạng của Ottoman đã bị hủy hoại nghiêm trọng và hiện đang trong tiến trình tan rã. Nhưng dù những thành phố thương nghiệp đa văn hóa cổ xưa như Aleppo và Mosul có thể không bao giờ phục hồi và phồn vinh trở lại, đó cũng không phải là cái cớ để cắt xẻ lãnh thổ khu vực này theo các ranh giới mới, nếu không muốn trả giá bằng một biển máu.
Trong quá trình nỗ lực để chấm dứt sự hỗn loạn và xung đột đang xé nát Trung Đông, đồng thời thiết lập một trật tự khu vực có thể giúp duy trì hòa bình và ổn định dài lâu, các nhà lãnh đạo của cộng đồng quốc tế nên cố gắng làm việc trong các khuôn khổ hiện hữu. Những chiến lược gia ngồi phòng lạnh ở các đất nước xa xôi sẽ chỉ đang tự huyễn hoặc bản thân nếu họ nghĩ rằng các nỗ lực áp đặt các biên giới mới rõ ràng hơn lên vùng đất cổ xưa này sẽ không thất bại trong bối cạnh hiện nay.
Carl Bildt là ngoại trưởng Thụy Điển từ năm 2006 đến tháng 10 năm 2014, và là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU ở Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Balkan, và là Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Preserving the Ottoman Mosaic
——-
[1] Chú thích của người dịch: Sultan là tước hiệu của nhà vua tại các quốc gia Hồi giáo.
Nguồn: Carl Bildt, “Preserving the Ottoman Mosaic”, Project Syndicate, 30/11/2015.
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ
 
 
Giấc mộng bá chủ Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ
 
Thổ Nhĩ Kỳ có những hành động can thiệp vào cuộc chiến Syria để phục vụ tham vọng khôi phục ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực Trung Đông.
 giac-mong-ba-chu-trung-dong-cua-tho-nhi-ky
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria tháng 7/2014. Ảnh: Newsweek
 
Một ngày cuối tháng 2/2015, hơn 500 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một trong những chiến dịch kỳ lạ nhất trong lịch sử quân sự thế giới: di dời thi hài của một người đàn ông đã chết cách đây 779 năm. Đó là Shah Suleiman, ông nội của Hoàng đế Osman Gazi ben Ertugrul, người sáng lập Đế chế Ottoman từng thống trị khu vực Trung Đông hồi thế kỷ 16, 17.
 
Cách đây hai ngày, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một hành động được giới chuyên gia phân tích đánh giá là kỳ lạ không kém, đó là ra lệnh cho chiến đấu cơ F-16 phóng tên lửa vào chiếc Su-24 của Nga bị họ cho là xâm phạm vào ba km trong không phận nước này trong 17 giây với quãng đường khoảng 1,85 km, theo một văn bản mà Ankara gửi tới Liên Hợp Quốc để giải thích cho hành động của mình.
Một số nhà phân tích cho rằng những thông tin mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là không đáng tin cậy, bởi nếu chiếc Su-24 Nga bay quãng đường ngắn như vậy trong 17 giây, tốc độ bay của nó là khoảng 391 km/h. Các chuyên gia hàng không chỉ ra rằng ở độ cao 6.000 mét, đây là "tốc độ chết" của Su-24 bởi nó sẽ bị khựng lại, mất lực nâng và rơi xuống mà không cần bất cứ quả tên lửa nào bắn trúng, theo Zerohedge.
 
Nga tố cáo rằng việc bắn hạ Su-24 là một hành động "đã được lên kế hoạch từ trước" và là một động thái mang tính khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo chuyên gia phân tích Praveen Swami của IndianExpress, hành động này thể hiện rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn ấp ủ một giấc mộng bá chủ ở khu vực Trung Đông, điều mà họ từng thực hiện dưới thời Đế chế Ottoman.
 
Kể từ khi phát động chiến dịch không kích ở Syria, Nga đã góp phần giúp quân đội chính phủ Syria và các đồng minh mở chiến dịch phản công quy mô lớn lên khu vực phía bắc tỉnh Latakia, đẩy các nhóm phiến quân đến tận dãy núi Zahia, vị trí chiến lược nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài km.
Với sự giúp đỡ của hàng nghìn chiến binh Hezbollah được Iran hậu thuẫn, quân đội Syria đã kiểm soát được thị trấn quan trọng Jisr al-Shughour vốn rơi vào tay phiến quân từ hồi tháng 4. Chiến dịch phản công lớn này có nguy cơ xóa sổ các nhóm phiến quân người Turk thân Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng được Ankara và phương Tây đánh giá là "ôn hòa", và được viện trợ nhiều vũ khí, trang bị từ bên kia biên giới.
Sau khi Nga tăng cường không kích khu vực vùng núi phía bắc Syria để ngăn chặn nguồn tiếp tế vũ khí cho phiến quân, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối và đe dọa sẽ mạnh tay nếu máy bay Nga xâm phạm không phận. Theo giới quan sát, đây là những phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ các nhóm phiến quân do họ hậu thuẫn bên kia biên giới Syria trước sức ép quân sự của Nga và quân đội chính phủ.
Giấc mộng Ottoman
Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng lên cách đây hơn 4 năm, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như cảm nhận được đây là cơ hội để họ mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình ra khắp khu vực Trung Đông. Theo ông Swami, giấc mộng thiết lập một "đế chế Ottoman mới" luôn ám ảnh các chiến lược gia ở Ankara, khiến họ coi phong trào Mùa xuân Arab như một cơ hội để tái cấu trúc lại khu vực Trung Đông quanh trục Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối trọng với các cường quốc khác ở phía đông và phía tây.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu từng tuyên bố rằng nước này muốn thực hiện "giấc mộng Ottoman" đầy tham vọng đó bằng cách "sáp nhập lại vùng Balkan, Trung Đông và Caucasus". Để làm được điều này, Thổ Nhĩ Kỳ trông cậy rất lớn vào Anh em Hồi giáo, một phong trào Hồi giáo lớn ở khắp khu vực Tây Á.
giac-mong-ba-chu-trung-dong-cua-tho-nhi-ky-1
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Davutoglu. Ảnh: AP

Trong một cuộc họp ở Antalya do Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cách đây ba năm, một bộ chỉ huy quân sự thống nhất được lập ra để lãnh đạo các nhóm phiến quân nổi dậy ở Syria, dưới sự chỉ huy của chuẩn tướng Selim Idris, với hai phần ba thành viên là đại diện các tổ chức vũ trang có liên hệ với phong trào Anh em Hồi giáo. Các tướng lĩnh, sĩ quan từng sáng lập Quân đội Syria Tự do (FSA) như đại tá Riad al-Assad hay chuẩn tướng Mustafa al-Sheikh đều bị gạt khỏi bộ chỉ huy này.
Với sự giúp sức của Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo phong trào Anh em Hồi giáo kiểm soát Hội đồng Quốc gia Syria, tổ chức được cho là đại diện cho tất cả các phe phái vũ trang nổi dậy ở quốc gia này. Anh em Hồi giáo cũng lập nên các đơn vị vũ trang của riêng mình như Lữ đoàn Tawhid, Lữ đoàn Farouq, Ansar al-Islam.., những tổ chức thường xuyên sát cánh với phiến quân thân al-Qaeda Jabhat al-Nusra.
Swami cho hay kể từ thập niên 1960 đến nay, Anh em Hồi giáo đã phát động một chiến dịch ngầm chống lại các chính phủ theo đường lối thế tục và dân tộc chủ nghĩa trong thế giới Arab, chẳng hạn như chính phủ của Tổng thống Assad, với một mạng lưới hoạt động sâu rộng cả trong và ngoài khu vực, gây ra nhiều cuộc hỗn loạn và xung đột đẫm máu. Cuộc nội chiến ở Syria là một ví dụ điển hình.
Trên chiến trường Syria, phiến quân người Turk tham gia phong trào này gồm khoảng 10.000 tay súng, phần lớn nhận viện trợ trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại quân đội chính phủ Assad. Theo nhiều nguồn tin, các nhóm này cũng được nhận tên lửa chống tăng TOW của CIA và Arab Saudi. Loại tên lửa chống tăng uy lực này chỉ được Mỹ viện trợ cho các tổ chức nổi dậy chống lại mục tiêu chính là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chứ không phải quân đội chính phủ Syria.
Các nhóm phiến quân người Turk có ảnh hưởng nhất gồm Lữ đoàn Abdulhamid I, Lữ đoàn Fatihin Torunlari từng tham gia vào chiến dịch vây hãm Aleppo; Lữ đoàn Vàng giao chiến với quân chính phủ ở ngoại ô Damascus, và đặc biệt Lữ đoàn Hak Bayragi đang đóng quân tại Raqqa, sào huyệt của phiến quân IS, theo Ibrahim Ahmet, thành viên Hội đồng người Turk ở Syria (STC).
Trong cuộc phỏng vấn với Today’s Zaman, Ahmed tuyên bố với vai trò của mình, người Turk ở Syria cần giữ ít nhất là một vị trí bộ trưởng trong nội các mới sau khi lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Chuyên gia Swami cho rằng Ankara hy vọng các nhóm phiến quân người Turk này sẽ là đối trọng cho "kẻ thù truyền kiếp" của họ, đó là người Kurd, lực lượng đã rất thành công trong các trận chiến chống IS tại Syria và Iraq.
giac-mong-ba-chu-trung-dong-cua-tho-nhi-ky-2
Phiến quân người Turk tuyên bố sát hại phi công Nga đang nhảy dù. Ảnh: FAZ
 
Mới đây, các nhóm phiến quân người Turk tuyên bố đã dùng súng bộ binh sát hại một phi công Nga nhảy dù ra từ chiếc Su-24 bị bắn hạ. Giới phân tích đánh giá đây là hành động vô nhân đạo, vi phạm luật pháp quốc tế về tù binh và có thể bị coi là tội ác chiến tranh. Hành động này cũng làm dấy lên câu hỏi về tính "ôn hòa" của lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây hậu thuẫn này.
Theo ông Swami, căng thẳng hiện nay giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn rơi Su-24 là thời điểm để Mỹ cùng đồng minh phương Tây nhìn nhận lại quan điểm về "lực lượng nổi dậy ôn hòa" của mình. "Đã đến lúc họ phải lựa chọn giữa việc theo đuổi một lực lượng không có thật, hoặc chấp nhận chính quyền của ông Assad để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria hiện nay", Swami nhấn mạnh.
Trí Dũng
 
Thổ Nhĩ Kỳ dễ trở thành một Syria thứ hai
 
 
“Điện và nước đều bị cắt. Đó là một cuộc chiến tranh không tuyên bố của chính quyền Ankara chống lại người Kurd ở miền Đông và miền Nam”.

 ‘Thổ Nhĩ Kỳ dễ trở thành một Syria thứ hai’ - Ảnh 1
“Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một Syria mới” đó là nhận định được báo chí Nga trích dẫn từ một nhà hoạt động người Kurd, phụ trách điều hành mạng thông tin Kurd-Mỹ khi bàn về tình hình Syria và bạo động ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Truyền thông Nga cho biết, trong vòng 6 tháng qua đã có hơn 100 phụ nữ và trẻ em đã bị giết hạt trong các vụ đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Kurd ở khu vực Đông Nam lãnh thổ.
Tổ chức Giám sát nhân quyền quốc tế cho rằng những con số này hoàn toàn chưa chính xác. Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu do các chiến dịch đặc nhiệm của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và các cuộc đụng độ vũ trang với người Kurd gây ra có thể còn cao hơn.
Căng thẳng giữa quân chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng đối lập người Kurd đã leo thang từ tháng 7 vừa qua sau khi một thoả thuận ngừng bắn bị phá vỡ kèm các thông tin cáo buộc Ankara hỗ trợ nhóm khủng bố cực đoan IS ở Syria.
Tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ các chiến dịch quân sự và tiến hành điều tra quy nhưng chính quyền của Tổng thống Erdogan vẫn bỏ ngoài tai.
Kani Xulam, nhà hoạt động người Kurd như đã đề cập ở trên, cho báo Sputnik của Nga biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng, chắc chắn Ankara không đời nào dừng các chiến dịch quân sự và điều tra như được cảnh báo.
Ông Kani Xulam cáo buộc rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang cổ vũ cho một chiến dịch diệt chủng người Kurd trên lãnh thổ nước này.
“Nhiều lệnh giới nghiêm đã được ban hành ở các thành phố, thường dân người Kurd không thể ra ngoài. Trong khi đó, bom vẫn thả xuống đầu người dân và không ai có thể được đưa đến cấp cứu ở bệnh viên do lệnh giới nghiêm mà Ankara đã ban hành.
Điện và nước đều bị cắt. Đó là một cuộc chiến tranh không tuyên bố của chính quyền Ankara chống lại người Kurd ở miền Đông và miền Nam”.
Nhà hoạt động Kani Xulam cho biết, hiện có khoảng 20 triệu thường dân người Kurd sống ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tình cảnh không được bảo đảm các quyền cơ bản.
Tất cả những gì Ankara làm là để đồng hoá người Kurd thành Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có cả ngôn ngữ và văn chương.
Cũng theo ông Kani Xulam, người Kurd đã nếm trải đủ và bây giờ họ muốn một chính quyền tự trị địa phương.
“Những gì đang xảy ra ở Syria hiện nay có thể dễ dàng lặp lại ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi nó giống hệt những gì đã diễn ra và hình thành ở Syria” – ông Kani Xulam nói.
Nhà hoạt động cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ đi điều tra chính những hoạt động tội ác của mình và kết cục có thể nổ ra một cuộc nội chiến ở đất nước này.
Hoà Bình
 
 
Vũ Thất
neo

No comments:

Bình luận: Trump nói không để kênh đào Panama rơi vào “tay kẻ xấu” là ám chỉ ĐCSTQ

Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock) Không thể để kênh đào Panama rơi vào tay ‘kẻ xấu’ Tổng thống...