Thursday, May 14, 2020

Người Khác Lạ. Đặng đình Tuân


CAN CU HAI QUAN VA PHI TRUONG AN THOI PHU QUOC
Tư lệnh lực lượng Hải Quân vùng 4 duyên hải đóng tại An Thới sau khi nghe tôi kể những gì tôi biết, mắt thấy tai nghe và những gì tôi đã làm xong, vẫn giận dữ.

– Tại sao báo cáo của an ninh lại khác hẳn lời anh nói?… Thôi được rồi. Tôi sẽ cho kiểm chứng lại. Nếu báo cáo của họ đúng thì tội anh nặng lắm đó…Cần tôi sẽ cho gọi anh sau.
– Thưa, tất cả những gì tôi vừa kể là sự thật, tư lệnh cứ hỏi các nhân viên nhân chứng dưới tầu của tôi… hỏi cả ông chỉ huy trưởng hải đội của tôi nữa.
Ông ta xua tay chận ngang.
– Thôi anh đi ra đi.
Tôi không nói thêm, chuyển người đứng thẳng, nghiêm trang chuyển tay chào từ giã.
—–o0o—–
Con tầu nhỏ buộc vào chiếc cầu nổi nhấp nhô lên xuống theo những gợn sóng nước. Nước trong vịnh An Thới được những hòn đảo với núi lớn bao vây vòng quanh che chở mà đã rung chuyển như thế này, thì biển rộng ngoài kia chắc phải động nhiều hơn nữa. Cây cối chung quanh cựa mình rung động kêu lao xao từ sáng sớm. Không biết gió đã đến và biển đã trở mình hưởng ứng từ lúc nào.
Tất cả mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng. Hai người lính đi chợ mua thức ăn cho những ngày sắp sống lênh đênh ngoài biển vừa khệ nệ khiêng xách về đến nơi thì tôi cho khởi động cả hai máy, rồi tháo giây rời cầu. Hải Quân Việt Nam không phân phát thực phẩm… nên mọi người ai cũng phải góp tiền mua thức ăn.
Ra đến cửa biển, ngang mũi Ông Đội, mới thực sự thấy biển động mạnh. Gió lồng lộng thổi. Những cánh cửa hai bên phòng lái đã đóng chặt nhưng tiếng gió gào thét bên ngoài vẫn lọt vào đe dọa. Gió xuống thấp, vớt, bốc, lôi theo những cuộn nước lớn. Bầu trời gần đứng bóng trong cao xanh thẳm không một gợn mây, gió và nước cuồn cuộn theo nhau đua chạy, nhẩy nhót, vui vẻ đùa giỡn. Những cuộn nước nặng nề xô đẩy, lấn lướt nhau cố chạy theo gió nhưng vẫn bị gió bỏ rơi ngã xuống, vỡ thành sóng bạc đầu. Tầu dập dình leo lên những cuộn sóng đó. Tiếng máy tầu hình như êm dịu hẳn đi vì sợ hãi. Gió tạt nước lên chận đường tầu đi. Mỗi khi tầu đâm chúi vào sóng, mũi tầu trở thành chiếc gầu. Múc và đổ nước trên sàn. Nước biển chẩy dài trên đường đi hai bên. Chạy thật nhanh về sau lái, thoát xuống biển để sót lại những bong bóng trắng vỡ vụn.
Rụt rè, ngập ngừng một lúc sau con tầu nhỏ bé đáng thương nhưng ngang bướng của tôi cũng hì hục vượt qua khỏi mũi đá ngoài cùng. Biển rộng mênh mông mở ra trước mặt. Sóng nước cao hơn. Tôi cho tầu đổi hướng về bên trái đi về phía Hà Tiên. Đang đâm thẳng vào sóng, tầu từ từ chuyển sang hướng mới song song với đường sóng. Những đợt sóng cao đẩy vào cạnh sườn, đội con tầu trên ngọn rồi thả rơi xuống chân làm cho tầu liên tục nghiêng qua ngả lại, chòng chành đến chóng mặt. Tôi nghe dưới kia có tiếng một vài vật nhỏ rơi loảng xoảng trên sàn. Vào đến hướng đi cố định mới thì gió, sóng và tầu bây giờ thành đi cùng chiều. Tôi cho tắt bớt một máy. Với gió và sóng nước phụ đẩy, con tầu không cần dùng nhiều sức máy mà vẫn lầm lũi đi thật nhanh. Vận tốc này vừa giúp tiết kiệm xăng dầu vừa giữ được tầu ở vị thế cân bằng êm ái nhất. Làm sao sáng mai đến điểm hẹn là được. Giữa biển rộng, xăng dầu là nguồn sống, là vô giá. Tôi nhận lệnh đi đón một nhóm người ở Hà Tiên, đưa ra cho thăm đảo Thổ Châu (Poulo Panjang) vài ngày rồi sau đó trả họ về lại Hà Tiên.
Những cuộn sóng bây giờ từ sau lưng đuổi tới, nâng đẩy vào đuôi. Con tầu cúi đầu lầm lũi trôi đi với sóng. Không còn nghiêng ngả chóng mặt nhiều như trước nữa. Đường đi trước mặt mở rộng mênh mông, ngun ngút. Lác đác một vài hòn đảo thấp nhỏ trơ trọi cắt ngang lằn chân trời thăm thẳm xa. Vài chiếc thuyền đánh cá nhấp nhô theo sóng nước ẩn hiện mờ nhỏ sát mặt nước như sắp chìm mất dạng.
Sau khi nghe báo cáo và kiểm soát lại tình trạng của tầu tôi yên tâm trao tay lái và dặn dò người lính đi phiên xong tôi xuống phòng nằm đọc sách. Phòng ngủ riêng nhỏ, giường sắt có nệm gối êm ấm. Những ngày đi biển dài lê thê, buồn nản… ngoài trách nhiệm của thuyền trưởng, ngoài việc theo dõi, tổ chức khám sét ghe thuyền, tầu bè trong vùng trách nhiệm, không còn có gì khác ngoài sách báo và máy thâu thanh. Đó là những liên hệ độc nhất với thế giới trong đất liền. Có dạo còn hăng say, tôi đã ghi tên vào trường luật. Sách vở đọc đi đọc lại nhiều lần rồi chờ mãi cũng không thấy sách mới hay bài mới gởi đến. Ngày thi cuối năm, tuy sẵn sàng tôi không được phép nghỉ về thi…
Vừa chợp mắt ngủ đi thì được gọi mời xuống ăn cơm tối. Trừ người lính đang đi phiên điều khiển tầu, tất cả ngồi quây quần chung quanh bàn ăn dài. Tầu nhỏ không có đàn bà, tuy mỗi thủy thủ có một nghề đặc biệt chuyên môn khác nhau nhưng công việc chung được chia đều. Đi phiên lái tầu, làm vệ sinh, bảo trì máy móc, lau chùi súng ống, canh gác, đi chợ… Cái gì không biết làm thì phải học của nhau… Kể cả việc nấu ăn.
Hôm nay tới lượt Xuân nấu ăn. Cấp bực hạ sĩ nhất vận chuyển (*). Ban trưa lúc tầu đang chòng chành lắc nghiêng, nhẩy đứng không ngừng, nó đã phát cho mỗi người một ổ bánh mì thịt cho bữa trưa. Bây giờ, nó đã làm được một bữa ăn tối thật thịnh soạn. Cá kho tộ và canh chua cá. Xuân là người Mỹ Tho. Nó nấu món cá thì không chê được. Cá kho có gừng thơm the thắt và mật ong ngọt lịm. Ướp với tiêu sọ nghiền nhỏ cay se sắt, thịt cá chín săn cứng. Nước kho đặc sánh nâu, nêm nếm vừa đủ đậm đà. Tô canh đầy những lát bạc hà, ớt, cà chua tươi xanh đỏ, đậu bắp, và những cọng giá vừa chín tới nhưng còn dòn. Nước canh cay cay, ngon ngọt, đượm vị me chua, hành chiên cháy, và rau ngò ôm.
(*) quản trị mọi xếp đặt, di chuyển trên tầu giữ cho tầu cân bằng.
Vừa dọn thức ăn ra bàn Xuân vừa kể công.
– Bữa nay có gió, mở quạt hút với mở cửa sau chút xíu là mùi cá đi hết, thấy không? Tui hổng tính mua cá, nhưng thấy cá mới lưới về tươi quá… Nấu ăn liền mới ngon. Bữa sau sẽ có cá chiên dòn…
Nó hướng về những nhân viên khác tiếp tục nói.
– Ngày mơi tầu mình phải chở đầy người, nấu nướng không tiện, cho nên mình phải chuẩn bị trước. Tới phiên thằng nào đó thì lo nấu sẵn tối nay đi, khi nào muốn ăn chỉ cần hâm nóng lại. Lúc cận giờ, đặt nồi cơm mới là xong…
Trước khi rời bến, tôi đã cho mọi người biết cặn kẽ chi tiết của chuyến công tác mới này. Người có cấp bực cao nhất sau tôi là trung sĩ nhất cơ khí Chánh (**). Chánh là người có trách nhiệm điều hành, phân phối công việc thay cho tôi, nhưng nhiều khi nó bị Xuân lấn lướt. Tôi thấy Chánh biết vậy nhưng nó vẫn mặc kệ. Đám người xa lạ từ bốn phương, đến sống chung chạ trong khoảng không nhỏ nhắn chật hẹp, qua nhiều ngày dài đụng chạm nguy hiểm, sống chết ngặt nghèo vô tình đã trở thành thân thuộc và đối xử với nhau như trong một gia đình, Chánh muốn giữ hòa khí nhiều hơn. Thêm nữa nó lại được bớt lo âu.
(**) trách nhiệm về tất cả các máy móc trên tầu.
Xuân dành ngồi đầu bàn gần bếp lấy cớ dễ đi lại dọn dẹp. Trước đó nó đã mang một tô lớn chất đầy ắp đồ ăn lên cho người đang đi phiên điều khiển tầu rồi.
– Thiệt là chưa vào đến môi đã trôi xuống cổ.
– Chà… Ớt cay như thế này mới đã miệng đó.
– Gạo thơm, cá kho, canh chua, ngon hết xẩy… Xuân.
Được ăn ngon ai cũng thích, lao sao khen lấy khen để.
– Tao mà là con gái tao bỏ nhà theo mày liền…
– Mày nấu cho con nào ăn hai món cá này thôi cũng đủ cho nó mê mày chết đi được…
Bữa ăn thật ngon miệng và cũng thật nhanh. Chờ cho bàn ăn được dọn dẹp xong Xuân mang đến cho tôi một ly cà phê rồi tự nhiên ngồi xuống bàn trước mặt tôi với cái túi xách cá nhân. Tôi vừa nhấm nháp từng ngụm cà phê thơm nóng, thỉnh thoảng bập bập hút thuốc, vừa im lặng quan sát.
Nó lấy từ trong túi xách ra một điếu thuốc lá, vài con ốc sắt – thứ dùng gắn chặt những bộ phận rời của xe đạp lại với nhau – một ly nước lạnh, mấy lá rau tươi còn thừa của bữa ăn và một cục đất sét nhỏ bằng đầu ngón tay cái. Rồi xếp tất cả thành một chữ X trên mặt bàn. Sau khi nhắm mắt im lặng một lúc nó bật lửa châm điếu thuốc, rít hơi dài lấy khói rồi trịnh trọng nhặt một con ốc sắt bỏ vào miệng và hớp một ngụm nước chiêu đi như uống thuốc viên. Những hành động đó được lập đi lập lại y hệt với những vật còn lại. Bắt đầu bằng cái rít khói thuốc lá. Chỉ có cục đất sét thì nó phải đập vỡ vụn ra để nuốt nhiều lần. Tôi không còn ngạc nhiên về những hành động lạ lùng cổ quái của Xuân nữa nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy tò mò và khích động. Lần đầu tiên chứng kiến việc làm kỳ lạ này tôi đã vặn hỏi lý do và khuyến cáo.
– Mấy cái này làm hại bao tử và hệ thống tiêu hóa lắm. Mày có tính chết sớm không vậy.
– Tui theo đạo Ngũ Hành từ năm năm nay rồi. Trung úy có bao giờ thấy tui có bệnh hoạn gì đâu? Bệnh cảm cúm cũng không.
– Bây giờ chưa thấy gì. Sau này mới biết. Mà đạo Ngũ Hành là đạo gì? Làm sao. Tao chưa bao giờ nghe tới.
– Ngũ hành là Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ. Đạo dậy sinh vật phải có đủ năm thứ đó thì mới cân bằng, mới vững chắc, mới có sinh khí. Từ hồi tui theo đạo tới giờ, tui không còn bị bệnh nữa, kể cả cảm cúm, sổ mũi. Ngược lại, tui thấy thần khí còn mạnh hơn trước nhiều. Ông hỏi tụi nó coi… Ốc vè xe đạp là Kim. Hút thuốc là thâu Hỏa. Đất là Thổ… Nước là Thủy… Lá cây là Mộc. Đạo không cho phép nên tui không thể tiết lộ nguồn gốc từ đâu được.
Suốt những ngày tháng qua, sau bữa ăn tối không bao giờ nó quên hay biếng nhác tiêu thụ những vật đó một cách chân thành như cuồng tín, như những chất ma túy. Không bao giờ nghe nó nói thoát ra khỏi miệng một lời cầu kinh hay tiếng cầu nguyện nào. Một hôm không phải đi công tác, nghỉ ở trại, nó đặc biệt mời tôi đến chỗ ngủ của nó, kín đáo cho tôi xem riêng cái bàn thờ đặt giấu bên trong tủ quần áo cá nhân. Bảng thờ gỗ chỉ có vẽ một chữ X lớn với nhiều nhánh tủa ra long cong, thô kệch. Trông có vẻ như bùa chú dị đoan ma quái. Tôi đã cho nó là điên vì nó không bao giờ giấu diếm hay ngượng ngập thi hành những nghi lễ riêng lạ lùng trước mặt mọi người. Cho nên tôi đã tin nó là một người tuyệt đối ngoan và phục đạo.
Uống hết ly cà phê, tôi leo lên phòng lái kiểm soát. Bên ngoài trời đã thăm thẳm tối. Bầu trời trong cao đầy sao long lanh. Gió đã thổi đi không còn một gợn mây. Hai bên cạnh tầu chỉ thấy sóng nước sáng bừng chất lân tinh liên tiếp chạy đua, toả rộng về phía sau kéo dài trên đường tầu đi. Con tầu như đang nô đùa, nhẩy nhót giữa đống lửa xanh. Đèn trong phòng đỏ mờ. Lằn sáng quét của máy quan sát điện tử bình thản quay tròn. Hạ sĩ trọng pháo Cang (***), người trẻ tuổi nhất trong bọn, vẫn còn bóng dáng học trò, ngồi trên ghế cao, chân gác trên bánh lái, mắt chăm chú nhìn quanh kiểm soát mọi thứ, miệng phì phèo hút thuốc.
(***) trách nhiệm về vũ khí của tầu.
– Không có gì lạ đâu trung úy. Máy móc chạy êm. Phòng hành quân mới gọi, hỏi chừng nào mình tới điểm hẹn. Như ông dặn, tui nói gần sáng.
Tôi kiểm soát lại vị trí của tầu, đường đi rồi dặn dò.
– Tốt rồi… Giữ hướng này mà đi. Ráng mở mắt quan sát xa xa ra. Coi chừng kỹ mấy ghe đánh cá. Sóng lớn, ghe núp sóng, không hiện trên “radar” đâu. Khi mắt mình nhìn thấy họ thì quá trễ đó… Có gì gọi tao ngay lập tức nghe.
—–o0o—–
Duyen toc dinh PCF. Photo by John Donald
Tôi mang tầu buộc vào cầu đá Hà Tiên từ tờ mờ sáng lúc thủy triều bắt đầu lên nhưng chờ mãi tới trưa mới đón được phái đoàn. Sáu người đàn ông, áo quần thường dân có li có nếp chững chạc. Ngoài túi sách ai cũng mang theo thêm cái cặp. Họ được lính gác cho phép lên tầu, đứng lố nhố ngơ ngác ở sân sau. Tôi ra tiếp đón, bắt tay chào hỏi từng người rồi mời xuống bàn ăn ngồi. Tôi tả sơ qua cuộc hành trình sắp đến, đồng thời cũng cho họ biết về cách sống, vệ sinh, biện pháp an toàn, chỗ ngủ trong khu vực đặc biệt nhỏ bé thiếu nhiều tiện nghi này.
Một người trong bọn, ông Phát, tự nhận là đại diện cho nhóm nói cám ơn và giới thiệu riêng từng người. Tất cả đều đang giữ chức vụ quan trọng tại những ngân hàng lớn có tiếng quan trọng ở Sài Gòn. Ai cũng đã chuẩn bị và mang theo đồ ăn riêng, nhưng chỉ vừa đủ cho một ngày đường. Họ nói trung úy đừng lo, chúng tôi lên đảo sẽ được tiếp đãi hay tìm mua thêm. Chúng tôi không dám ăn ké phần của thủy thủ đoàn đâu. Mục đích của họ là muốn đến nhìn tận mắt địa thế hòn đảo để xem có thể đổi nó thành trung tâm du hí hay không.
Biển và gió hôm nay đã êm hẳn lại. Thời tiết thay đổi thật nhanh. Bầu trời xanh cao xuất hiện lác đác những gợn mây mỏng. Bọt nước bạc đầu hôm qua chỉ còn thưa thớt rải rác đó đây. Những cuộn sóng lớn mới đây đã đi mất. Tôi dặn Chánh phân phát cho họ mượn áo phao cá nhân và cho người theo dõi thường trực đề phòng có người bất cẩn rơi xuống biển. Đám người chiếm gần hết sân sau, chia nhau ngồi dựa vào vách tầu, dựa vào chân những ổ súng. Có người nằm ngay trên nóc thùng đạn, thùng áo phao cấp cứu, đọc sách báo, ghi ghi chép chép. Họ không để ý hoặc không biết sàn tầu còn dính đầy muối khô của nước biển để lại. Đi được một lúc, tuy trời nắng lớn nhưng có gió hây hây mát, thấy đã có người ngủ gà ngủ gật.
Riêng ông Phát có vẻ ngoại giao hiếu khách lần mò đi khắp nơi. Hỏi han chuyện trò với riêng từng nhân viên của tôi. Nửa đêm trôi qua đã khá lâu mới thấy ông ta tìm được chỗ ngủ, nằm ngay trên bàn ăn.
Đáy biển ở chân cầu cho ghe đậu quá nông cho tầu. Tôi cho thả neo ở ngoài xa. Trên bờ nghe tiếng súng nổ chị thiên gọi, cho người chèo ghe ra đón. Tôi dặn ông Phát.
– Tôi nghĩ chỗ này rất yên ổn. Chung quanh chỉ có trời với nước. Nên không cần cho người theo bảo vệ các ông… Nếu cần nhiều thì giờ hơn thì các ông cứ tự nhiên ở lại thêm. Tôi sẽ không đi đâu, chỉ đi ra ngoài xa hơn một chút thả neo nằm chờ. Khi nào các ông trở ra cũng được…
Trong bữa cơm tối hôm đó, Cang đột nhiên nói.
– Đêm qua đang ngủ tui cảm thấy như có cái gì bịt miệng tui lại. Không lý tui ngủ mơ nhưng tui không nhớ thêm có gì khác…
– Mày nằm giường dưới… Không chừng khuya thằng Hòa hết “ca” (phiên làm việc), buồn ngủ leo lên giường trên đạp nhầm vô miệng mày đó.
Trung sĩ giám lộ (****) Hòa lớn tiếng cãi.
(****) tính toán xác định vị trí và đường đi của tầu.
– Sức mấy… Phòng có đèn đỏ mờ nhưng nhìn sáng chưng… Làm sao tao đạp lên mặt mày được.
Chánh chận ngang, đùa cợt.
– Mày mơ thấy hun con vợ trẻ của mày ở nhà chớ gì nữa. Vài bữa nữa thì lại được ôm (…) nó thôi mà.
—–o0o—-
Chờ đến gần trưa, thủy triều bắt đầu lên đủ cao tôi mới mang được tầu vào cặp cầu Hà Tiên. Nhóm người rời đảo quay trở lại tầu chiều hôm qua. Mỗi người khệ nệ khiêng theo một quầy dừa nước và đồ ăn tươi mới gói trong lá chuối xanh mua trên đảo. Họ hỏi mượn dao chặt mở dừa mời tất cả. Ông Phát hớn hở kể cho tôi nghe những gì đã xẩy ra trên đảo trong mấy ngày vừa qua. Tôi hỏi đùa.
– Như thế là các ông đã chọn được địa điểm tốt rồi phải không? Chừng nào bắt đầu xây cất và chừng nào thì tụi tôi mới được lên đảo như khách của các ông đây.
Ông ta cười cởi mở.
– Trung úy và anh em đây sẽ là những thượng khách tôi mời trước nhứt, cho ngày đại khai trương đó. Bao hết chi phí luôn. Tôi bảo đảm…
Vào giữa khuya, trong khi tầu còn đang di chuyển giữa biển khơi và trong lúc tôi còn đang lảng vảng trong phòng lái kiểm soát vị trí, đột nhiên nghe có tiếng la lớn và tiếng chửi thề từ phòng ngủ nhân viên vọng lên. Tôi nhẩy vội xuống mấy bực thang.
Giữa phòng ngủ hẹp của nhân viên ông Phát tay ôm bụng, miệng rên rỉ, nửa người gục trên giường của Xuân. Ông ta hổn hển giải thích.
– Bàn ăn đã có người chiếm trước rồi. Ngoài sân sau thì vừa chật vừa lạnh. Tôi xuống đây tính kiếm chỗ trống ngủ đỡ một chút, đang lò dò thì đột nhiên tôi thấy bụng đau nhói. Không biết tại sao tự nhiên nó đau quá đi…
Không nhìn thấy Xuân ở trong phòng. Tôi cho ông ta lên nằm tạm trên giường của nó cho bớt đau.
– Có thể ông ăn gì không tốt ở trên đảo bị trúng độc không? Nằm nghỉ một lúc có thể sẽ hết. Ráng vài tiếng đồng hồ nữa tới Hà Tiên thì mới có bác sĩ hay nhà thương. Nhưng ông không có gì phải lo. Chút xíu, nếu ông không bớt đau, tôi sẽ gọi trực thăng tải thương ngay.
Tôi ra ngoài sân sau tìm Xuân. Nó đang đứng dựa vách tầu hút thuốc. Mặt hầm hầm tức giận.
– Chuyện gì vậy Xuân?… Nói cho tao biết.
Nó xuống giọng thật thấp.
– Thằng khốn nạn đó nó đè lên tui. Nó tưởng tui ngủ, nó hun trộm tui. Tui biết bụng dạ nó muốn gì mà. Tui cho nó một “chỉ” làm đau bụng chút xíu thôi rồi nó sẽ hết… Cảnh cáo nó đó.
– Thiệt không? Ông ấy nói đi tìm chỗ trống ngủ đỡ. Chắc tối quá không nhìn thấy mày…
– Nó đè lên tui thiệt đó. Phòng có đèn mờ chớ có tối tăm gì đâu! Tui xỉa cho nó một ngón tay đó thôi. Nói thiệt với ông nó làm vậy ở ngoài đường là tôi… đ(…) m(…) móc đùm ruột nó ra rồi… Chúc xíu nó hết đau mà… Tui là người có đạo… Tui ăn không nói có là tui bị vật chết liền đó.
Tôi bắt nó không được phanh phui chuyện này ra rồi bảo nó lên tăng cường cho người đang đi phiên, nếu được tìm chỗ ngủ đỡ trong phòng lái luôn. Không biết rõ sự thật và cũng không biết phải xử trí ra sao, tôi đành im miệng.
Một lúc sau, quả nhiên ông Phát hết đau bụng, ngủ ngáy thật ngon.
Chờ vắng người, Chánh đến thì thầm vào tai tôi.
– “Dzậy” là bữa trước thằng Cang nó không có mê ngủ đâu, ông thầy ơi. Nó bị thằng cha đó đè rồi. Tui biết chắc “dzậy” đó, ông ơi. Đ.M. thằng “lại cái” đi mò nhằm thằng Xuân có bùa ngải rồi, cho bỏ cái tật… Nó còn hên là thằng Xuân không để lại cho nó cái sẹo nào.
– Mày giữ miệng đó. Ăn nói, nghi ngờ bậy bạ. Họ là những người có học hành đàng hoàng tử tế. Họ còn có thế lực nữa, họ nghe được thì tao cũng mệt lắm.
Chánh vẫn cố biện hộ.
– Có ăn học đàng hoàng cũng không bảo đảm được người đó là người tốt đâu ông ơi!
—–o0o—–
Phái đoàn đã rời tầu lên bờ. Lúc chào từ giã, ông Phát, mặt mũi tươi tỉnh, không còn chút ảnh hưởng nào của cái đau bụng kinh hoàng lúc nửa đêm hôm qua nữa, vừa ân cần cám ơn vừa dặn dò nếu có ai cần ông ta giúp đỡ, bất cứ chuyện gì, thì cứ gởi thư hoặc đến thẳng ngân hàng chỗ ông làm việc tìm. Ông ép tôi nhận một bao thư mầu vàng nghệ dầy cộm nói đây là quà của phái đoàn cho anh em. Trong bao thư có một xấp giấy năm trăm và mấy tấm danh thiếp… Trên tấm danh thiếp có họ tên ông Phát, tên ngân hàng và chữ giám đốc.
Tôi chia đều số tiền đó cho mọi người. Dặn Chánh xếp đặt người mang súng canh gác tầu cho kỹ lưỡng, coi chừng những ghe đánh cá lảng vảng gần đó và cho phép họ chia phiên rời tầu đi lên phố. Tôi cũng lên bờ tìm quán cà phê, mua gói thuốc hút. Chuyến công tác đã qua mấy ngày rồi, tầu nhỏ có phòng vệ sinh nhưng không có phòng tắm kín. Khi có người lạ trên tầu, phòng tắm lộ thiên thành lộ liễu, bất tiện ! Tôi cần phải tìm chỗ tắm rửa gấp nữa. Mấy ngày không tắm, cơ thể bắt đầu có mùi.
Thành phố ven biển nhỏ bé lèo tèo. Không khí nồng nặc đậm mùi tôm cá. Đi hết các đường phố chật hẹp loang lổ đầy ổ gà mới chọn được một cửa tiệm đông khách trông tạm được. Tôi gọi mua ly cà phê và tô hủ tíu. Ăn hết tô hủ tíu, đang nhâm nhi ly cà phê pha bằng túi vớ và hít vào khói thuốc lá thơm mới thì Chánh tìm đến.
– Phòng hành quân cho phép mình sáng mai về, nhưng tụi nó không muốn ở lại. Nhức là thằng Cang. Nó nhớ vợ, nóng lòng đi về lắm. Thủy triều mới bắt đầu lên cao. Nếu ông chịu xế xế chúc nữa, nước còn lớn, mình rúc ra cũng được. Chạy tà tà. Gần sáng mình mới về tới… Chỉ sớm vài tiếng…
Nó đưa cho tôi một cái chìa khóa lạ.
– Tụi tui có lấy cái phòng ngủ ở khách sạn (…) lấy chỗ tắm. Tui nghĩ ông cũng cần tắm. Tiền phòng đã trả đủ… Tụi tui xong chuyện hết rồi, bây giờ kéo nhau về tầu…
Uống hết ly cà phê, tôi đi bộ tìm đến khách sạn.
Người đàn bà trẻ lạ mặt và đứa bé con ngồi chờ sẵn trong phòng khách sạn làm tôi sửng sốt. Cô ta đang đút mì cho con ăn thấy tôi mở khóa cửa bước vào vội đứng bật dậy e lệ mỉm cười chào. Không giới thiệu tôi cũng biết cô ta chờ làm gì. Những người này sống nhờ khách sạn và những người đàn ông lạ xa nhà đang ứa đọng nhu cầu cần phải giải tỏa. Đứa bé thấy có người lạ, buông vội bát đồ ăn, co rúm người, xoay người xoài xuống giường, đến ôm chặt lấy chân mẹ. Cô ta nhấc nó lên, ôm sát nó vào ngực, nhỏ nhẹ thì thầm vào tai con, rồi nhặt cái bát và đi ra cửa.
Tôi vừa bước vào phòng tắm thì nghe tiếng đóng cửa. Hình như cô ta đã quay trở vào trong phòng. Qua tiếng nước chẩy tôi vẫn nghe tiếng đứa trẻ khóc ré lên đòi mẹ ở bên ngoài hành lang…
—–o0o—–
Mới hơn ba giờ sáng, chúng tôi đã về đến An Thới. Nhân viên hăm hở đi cho mau, đã cho cả hai máy chạy hết vận tốc. Biển êm, gió nhẹ, con tầu nhỏ, máy tốt và mạnh, lồng lên như con ngựa chiến, đầu ngẩng cao, cuồn cuộn sải chạy trong đám cỏ lân tinh sáng xanh ngời. Tôi bước lên cầu đứng chờ cho bọn lính buộc chắc giây nhợ, khóa chặt các cửa xong thì cả bọn họ vừa chào từ giã tôi vừa kéo nhau chạy như bay như biến. Tôi mỉm cười nghĩ bụng tụi nó chỉ muốn hấp tấp vớt vát một vài giờ phút ngắn ngủi quý báu còn lại của một đêm gần tàn… Tôi xách túi giấy tờ và quần áo, đi lên khu phòng ngủ sĩ quan độc thân.
Mọi người đang ngủ say trừ ông chỉ huy trưởng với mấy sĩ quan nữa. Bốn người đang ngồi vây quanh bàn mạt chược vuông ở giữa căn phòng dài thênh thang không có vách ngăn chia chỗ ngủ riêng biệt. Những quân bài nhựa đập lên mặt bàn, va chạm vào nhau kêu lách cách. Mặt mũi ai cũng chăm chú nghiêm trọng. Trong lòng những chiếc ghế trống bên cạnh, mấy cái ly cà phê đáy lợn cợn khô, nằm lỏng chỏng nghiêng ngả. Đĩa đựng tàn thuốc ngập ngụa ngổn ngang những mẩu đuôi điếu thuốc đã hút hết. Vài mẩu rơi tràn ra ngoài nằm lăn lóc rải rác trên mặt ghế.
Ông thiếu tá chỉ huy trưởng ngước mắt lên nhìn tôi thật nhanh rồi lại nhìn xuống mấy quân bài. Ông kêu lên mừng rỡ.
– A! Có con mòng mới (người thua nhiều) về đúng lúc quá. Chuyến đi có gì vui không, Hà?… Sao bên vùng nói mai anh mới về mà… Khoan, tôi phỗng (ăn đôi giống nhau) con nhất sách đó… May quá, Khoa nó phải đi công tác sáng nay nên sắp nghỉ. Tụi này đang sợ thiếu tay, anh chuẩn bị vào thay chỗ nó đi?
Tôi ngập ngừng.
– Tôi phải ra chợ kiếm cái gì dằn bụng rồi mới có sức hầu chỉ huy trưởng được. Chỉ huy trưởng cần gì không? Cà phê? Thuốc lá? Ăn sáng?
– Ừ. Hết thuốc lá từ lâu mà không nhờ ai mua được… Giờ này vẫn còn sớm. Chợ chưa mở đâu. Nhưng cứ gõ cửa tiệm chị Nga là thế nào cũng có ăn… Lấy hộ tôi gói Capstan và ly cà phê sữa đậm thật nóng. Nói ghi sổ cho tôi nghe.
Sau chuyến công tác dài mấy ngày vừa rồi, tôi sẽ được nghỉ cả ngày hôm sau. Ngoài công việc ở dưới tầu, sinh hoạt ở căn cứ trên một góc hòn đảo Phú Quốc cô lập này chỉ có “billard”, ăn nhậu và bài bạc hoặc ngủ cho hết thì giờ. Nếu không chơi mạt chược hay đánh phé thì không biết làm gì khác. Lúc nẫy trên đường về, nhu cầu đã giải tỏa, cơ thể đã tắm rửa sạch sẽ, tuy có thấm mệt nhưng là cái mệt thoải mái, tôi đã ngủ được một giấc dài dễ dàng. Việc bảo trì, tiếp liệu, dầu nhớt hay tu bổ, sửa chữa máy móc, phân phối công việc cho nhân viên luôn luôn được Chánh, xem như là thuyền phó, lo lắng, chăm sóc đầy đủ. Có hay không có tôi để mắt kiểm soát, Chánh luôn luôn giữ cho mọi thứ trên con tầu ở trong tình trạng khiển dụng thật tốt.
Tôi móc túi lấy gói thuốc dở đưa cho ông ta.
– Tôi còn vài điếu đây… Chỉ huy trưởng hút đỡ.
Mọi người chồm lên, hớn hở chuyền tay nhau gói thuốc. Mắt vẫn dính vào những quân bài trên bàn. Những làn khói trắng bay lên tỏa ra mù mịt từ những tiếng rít thở phì phò dài, xâu, đầy thích thú. Tôi đi về chỗ giường ngủ, quăng túi xách trên giường ngủ rồi vẫn giữ nguyên bộ quân phục, tôi đi ra ngoài.
Trời còn tối đẫm và thật bình lặng. Cổng trại mở toang không người gác. Đường đất rẽ trái đi ra chợ ngắn nhưng đầy ổ gà lồi lõm và không có đèn. Hai bên đường, chung quanh, nhà nào nhà nấy đang say ngủ. Ánh sáng lẻ loi của một vài ngọn đèn đêm lờ mờ len qua những khe cửa tre đan thưa không làm cho con đường sáng rõ hơn. Tôi cúi đầu nhìn xuống chăm chú cố dò dẫm vừa đi vừa tìm tránh những vũng sình lầy chìm nổi mấp mô.
Đột nhiên tôi nghe tiếng hét lớn kèm theo tiếng la mắng chửi bới. Rồi tiếp thêm là tiếng đàn bà khóc rú lên. Một đám người lố nhố, từ sau lưng căn nhà mái tranh nhỏ cạnh đường đi, úa tung ra. Tiếng chân chạy chen lẫn với tiếng hò hét. Dẫn đầu đám đông là một người đàn ông. Khập khiễng chạy. Ở trần và cũng không mặc quần. Cả đám chạy vượt qua mặt tôi…Xình lầy trên mặt đường bị họ giẫm đạp bắn lên tung tóe. Tôi luống cuống tránh né nhưng cũng nhận ra được những người đuổi theo đằng sau là lính của tầu tôi. Tôi gọi giựt được Chánh.
– Chuyện gì đó Chánh?
Nó đứng lại vừa thở hổn hển vừa trả lời.
– Thằng Cang nó bắt tại trận con Lan, vợ nó, ngoại tình… Nó nghi từ lâu rồi… Thằng khốn nạn này là thiếu úy làm ở phòng hành quân vùng cho nên nó biết khi nào tầu mình đi, mình về… Thằng Cang nó không muốn cho trung úy biết, nhờ tụi tui giúp nó bắt, mà chưa có cơ hội… Hồi trưa lúc ông đang đi uống cà phê, phòng hành quân hỏi chừng nào mình khởi hành về, nghe giọng nó trên máy… tui nói láo là phái đoàn còn trên tầu, chắc sớm mơi mới bắt đầu về để đánh lạc hướng nó… Mình về sớm bất chợt, thằng Cang bắt được hai đứa đang xà nẹo. Nó cầm cây gậy đánh thằng kia nặng lắm. Tụi tui không cản kịp thì chắc thằng đó gẫy cẳng…
Chưa nói xong nó đã vùng bỏ chạy theo đám đông. Cả bọn biến mất trong bóng tối. Tiếng đàn bà tiếp tục i ỉ khóc trong nhà vọng theo tôi đi một khúc đường ngắn.
Hôm sau Cang ôm quần áo xuống ngủ trong tầu luôn cho đến ngày đi công tác mới. Nó thành lầm lầm lì lì. Vợ nó, có lẽ xấu hổ, không hề vào tìm hỏi xem chồng ở đâu. Trong chuyến công tác sau đó, nó vừa ngậm ngùi vừa kể lể.
– Tui thương nó hết mình mà nó còn phản bội tui. Nó muốn ăn lương thiếu úy chớ không muốn hạ sĩ nữa. Thằng đó bỏ trốn luôn rồi… Không biết bây giờ con (…) ngựa có hiểu là thằng khốn nạn đó chỉ muốn chơi chạy thôi không? Nó quên mấy tháng trước nó ốm đau ai là người đã thức suốt đêm lo lắng, săn sóc cho nó mau mạnh lại… Đứng núi này trông núi nọ. Đ.M. Tui thả cho nó đi theo thằng đó luôn.
Cuối chuyến công tác, trên đường trở về bến, tôi chận một ghe đò hàng ở giữa biển để kiểm soát rồi xin họ cho nó đi theo đến Rạch Giá, sau đó lấy xe đò về nhà nghỉ phép. Nó đi mà không màng và cũng không ân hận vì đã không thông báo cho vợ biết.
—–o0o—–
Hơn tuần sau, tôi nhận được lệnh gọi lên trình diện tư lệnh vùng. Ông cho biết phòng an ninh báo cáo tôi là người đã cầm đầu chủ trương cuộc bắt ghen đánh người đó. Người bị đánh, được chuyển đi nằm nhà thương ở Sài Gòn, khai đã thấy tôi dẫn đầu đám nhân viên của tôi. Nó có vây cánh, thế lực nên Sài Gòn bắt phải điều tra báo cáo đầy đủ.  Tôi kể lại tất cả đầy đủ sự thật những gì tôi đã nghe, đã thấy, không thay đổi, không thêm bớt một chi tiết. Hoàn toàn không biết và cũng không có dính dấp, chỉ là vô tình đi ngang đúng lúc đó thôi.
Sau lần trình diện vị tư lệnh vùng đó, mọi việc chìm trong im lặng, không nghe ai nói năng gì thêm. Tôi nghĩ ông đã tìm ra sự thật, không cần tôi đối chất thêm. Mấy tháng sau tôi được thuyên chuyển từ đơn vị tầu biển này đến giang đoàn sông đóng gần biên giới Campuchia. Khi đến nhận chức chỉ huy phó đơn vị mới lớn hơn, lúc duyệt đọc hồ sơ lý lịch của tất cả mọi người trong đơn vị, lần đầu tiên nhìn thấy hồ sơ cá nhân của mình tôi tò mò mở ra xem. Tôi hoảng hốt thấy mình đã bị vị tư lệnh vùng 4 duyên hải đó gán âm thầm cho bẩy ngày trọng cấm vì tội báo cáo không đúng sự thật trong khi hành quân và rời vùng hành quân trái lệnh. Theo danh từ diễn tả tội trạng thì tôi đã vi phạm những tội quá nặng nề nghiêm trọng. Nếu áp dụng đúng luật định, tôi đã phải bị ra toà án quân sự. Bẩy ngày trọng cấm trên giấy tờ đổi cho việc bị truy tố ra tòa. Vị tư lệnh nghĩ chắc đã quá tốt, nương tay, khoan dung với một người thấp cổ bé miệng. Tôi không thể tự bào chữa được nữa. Làm sao có thể giải thích rõ ràng hơn và thay đổi cái kết quả đó được. Nhân viên thuộc hạ đã lợi dụng lòng tin cậy của tôi. Thực sự, nếu họ có hỏi ý kiến, tôi cũng không biết phải quyết định làm sao. Có thể tôi sẽ làm ngơ cho họ tự ý làm gì thì làm. Và đương nhiên sẽ không có chuyện tôi tình cờ đi ngang khúc đường đi ra chợ đúng lúc đó. Thượng cấp bị áp lực, muốn yên thân đã thành mù quáng bất công, thiên vị. Nghệ thuật, nguyên tắc chỉ huy học được từ cả ngàn năm bị đô hộ là siêu đẳng như thế này? Bẩy ngày trọng cấm trên giấy tờ đó, nặng hơn thành tích, đã loại tôi ra khỏi danh sách được thăng cấp sau đó. Nhiều năm sau, thỉnh thoảng tôi tình cờ gặp mặt lại một vài nhân viên cũ đó. Họ đã được lên cấp cao hơn, nhưng từ xa chợt thấy tôi đã vội vã chạy đến chào hỏi. Ai cũng vồ vập, vui vẻ, hồ hởi. Còn tôi hễ nhìn thấy bóng dáng ông tư lệnh đó từ xa là tìm cách lẩn tránh đi. Tôi đã trở thành một người luôn luôn nghi ngờ, ích kỷ và không biết trung thành là gì.
Trước khi đi nhận chức vụ mới, lúc có vài ngày nghỉ ở nhà, tôi được vợ chồng người anh họ mời đến nhà ăn cơm tối. Anh Chuẩn bị động viên đi học Thủ Đức mấy năm trước. Nhưng vì đã xong đại học nên được biệt phái về làm phó giám đốc một ngân hàng lớn ở Sài Gòn. Trong bữa ăn, khi nghe nói đến tên ngân hàng anh đang làm việc, tôi chợt nhớ, hỏi anh có biết gì về ông Phát giám đốc không. Anh không trả lời ngay mà chỉ cười tủm tỉm. Chị Doanh, gắp tiếp cho tôi miếng thịt gà luộc lá chanh chấm muối tiêu, chen vào trả lời hộ cho chồng.
– Này. Ăn mạnh đi Hà…Vừa ăn vừa nói chuyện… Cả hai anh chị đều làm ở ngân hàng đó… Đúng rồi… Ông Phát là giám đốc. Tên là (… )(…) Phát. Ổng không vợ, không con. Nhiều cô độc thân làm trong ngân hàng này đã cố “cua” ổng mà không ai “cua” được. Người nào cũng quả quyết là ổng không thích đàn bà con gái… chứ không phải kén chọn, khó tính. Thế mới lạ !!!
Tôi thành thật kể lể.
– Mấy tháng trước tầu em phải đưa một nhóm người từ Hà Tiên ra xem đảo Thổ Châu. Họ định…
Chị Doanh cắt ngang câu nói của tôi.
– Anh chị biết. Họ tìm chỗ đầu tư, khai thác trung tâm du hí và mở sòng bạc đấy…Anh Chuẩn lẽ ra đã được phái đi chuyến đó, nhưng lọt đúng vào ngày chị đi đập bầu thằng cháu Tuấn… cho nên ông Phát phải tự đi. Anh chị được ông ấy cho xem hình chụp… có nhận ra chú Hà đấy…
– Ông ấy dặn trên tầu của em ai cần giúp đỡ gì cứ cầm danh thiếp của ổng đến tìm ổng.
Bây giờ anh Chuẩn mới hắng giọng lên tiếng.
– Ông ta mà gặp được những thanh niên trẻ, khoẻ mạnh, đẹp trai như chú thì mừng lắm… Ông ấy không thích đàn bà con gái đâu. Chớ có dại mà đến gặp…
DUYEN TOC DINH PCF HQVNCH
Đây là mẫu Khinh tốc đỉnh tác giả đã chỉ huy trong suốt hai năm và đã tham dự nhiều cuộc hành quân suốt từ Qui Nhơn xuống tới Cà Mau, Phú Quốc và Campuchia

Đặng đình Tuân



Posted by bienxua on 

No comments:

‘Cờ ngụy’ và ‘ngón tay thối’ trong bảo tàng quân sự

HoangsaParacel: BBC  không thông hiểu về Việt Sử nên đã thiếu sót khi nói lá cờ Vàng thuộc chính phủ VNCH. Người Mỹ gốc Viê...