Saturday, May 9, 2020

So với Mỹ, tượng đài chiến thắng ở VN 'nhiều mà chẳng đẹp' - Võ Ngọc Ánh


Tượng đài ở vườn hoa Hàng Đậu, Hà NộiBản quyền hình ảnh

GETTY IMAGES
Image captionTượng đài Cảm tử ở vườn hoa Hàng Đậu, Hà Nội
Kết thúc cuộc chiến trên lãnh thổ Việt Nam vào năm 1975, chính quyền theo mô hình miền Bắc tìm chỗ dựng rất nhiều tượng đài chiến thắng.
Đa số các địa điểm từng xảy ra trận chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa, quân đội Mỹ với lực lượng cách mạng cộng sản đều có tượng đài chiến thắng.

Chính quyền xây tượng đài với chức năng như cổ động, có mục đích tuyên truyền. Tôi thấy phần nhiều đây là những tượng đài thiếu mỹ thuật, mô típ na ná nhau.
Ra ngõ gặp tượng đài
Báo chí tại Việt Nam đang ồn ào trước việc huyện nghèo Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chi 14 tỷ đồng để xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức ở trung tâm của huyện này. Phước Sơn một trong số 56 huyện nghèo trên cả nước cần hỗ trợ kinh phí từ Trung ương theo Nghị quyết 30A của Chính phủ.
Không chỉ Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nơi tôi sinh ra, đã có rất nhiều tượng đài kiểu này, xây theo kiểu thi đua nhau.
Tại huyện Núi Thành có tượng đài chiến thắng Núi Thành.
Tam Kỳ có tượng đài chiến thắng Mậu Thân 1968, vào năm 2015 có thêm một tượng đài Mẹ Thứ vô cùng hoành tráng.
Huyện Thăng Bình có tượng đài chiến thắng Đồng Dương.
Quế Sơn có tượng đài chiến thắng Cấm Dơi.
Duy Xuyên có tượng đài chiến thắng Thu Bồn.
Rồi huyện Điện Bàn có tượng đài chiến thắng Bồ Bồ và huyện Đại Lộc có tượng đài chiến thắng Thượng Đức…
Gần như huyện nào cũng cố nhớ ra để có ít nhất một tượng đài như thế.
Chưa kể mỗi xã đều có tượng đài ở nghĩa trang liệt sĩ.
Các tượng đài này trở thành địa chỉ đỏ mà đám học sinh, người dân cứ mỗi dịp lễ thương binh liệt sỹ, quốc khánh… đến để tỏ lòng tôn vinh, được giáo dục tinh thần cách mạng.
Hóa ra việc xây dựng tượng đài kiểu này không phải cá biệt tại tỉnh Quảng Nam.
Tôi đã rong ruổi tại tất cả các tỉnh thành bên trong vĩ tuyến 17 và gặp vô số tượng đài chiến thắng như thế.
Nó đập vào mắt khi di chuyển trên các trục đường, tại trung tâm hành chính huyện, điểm di tích, khu căn cứ, nơi xảy ra trận đánh to nhỏ trong quá khứ…
Tượng đài tưởng niệm nạn nhân thảm sát Mỹ SơnBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTượng đài tưởng niệm nạn nhân thảm sát Mỹ Sơn
Xây xong rồi phải sửa, nâng cấp
Bên thắng cuộc không phải một lần dựng, mà còn sửa chữa, trùng tu, mở rộng liên tục. Chẳng hạn tượng đài chiến thắng Khâm Đức chỉ mới được xây dựng vào năm 2010, nhưng đến năm 2017, chính quyền lại tiến hành làm lại như kể trên.
Hay tượng đài chiến thắng Núi Thành vô cùng nổi tiếng tại Quảng Nam khánh thành vào năm 1986. Đến năm 2005 được tôn tạo, sửa chữa và đến năm 2010 lại tiếp tục nâng cấp mở rộng.
Điểm chung là quan chức các địa phương luôn nhiệt tình, hào phóng tìm chỗ dựng tượng đài, sửa chữa như báo cáo sự trung thành trọn vẹn. Từ bắc vào nam người ta thi nhau dựng tượng đài như một công cụ tuyên truyền, kể công, trưng ra thành tích của địa phương.
ợng đài phi truyền thống văn hóa dân tộc
Người Việt không có truyền thống dựng tượng đài. Để tỏ lòng tôn kính ai, hoặc địa điểm nào cha ông bao thế hệ trước đó đã chọn cách xây miếu, dựng lăng. Tượng các vị tướng, hay cả vua như Quang Trung cũng chỉ được cho vào chùa.
Phải thừa nhận sang thời xã hội chủ nghĩa một cuộc cách mạng diễn ra không trong khoa học kỹ thuật như vẫn nói mà 'cách mạng tượng đài'.
Việt Nam trở thành xứ học theo, bắt chước việc xây tượng đài của Liên Xô, Trung Quốc, cùng các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Chính quyền đã tạo ra công cuộc dựng tượng đài rùm beng trải ra trên toàn quốc khi cách mạng toàn thắng.
Phương pháp đấu tranh chính của những người cộng sản dùng bạo lực để chiến thắng. Bởi thế các tượng đài ở Việt Nam hàm lượng bạo lực luôn dồi dào, nhưng yếu tố mỹ thuật thật khó tìm, trong tư duy hình ảnh, bố cục na ná nhau.
Tượng đài Hồ Chí Minh được dựng ở Vladivostock năm 2019Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTượng đài Hồ Chí Minh được dựng ở Vladivostok năm 2019
Khi chụp ảnh tượng đài lãnh tụ che phần đầu lại, sẽ khó phân biệt được đâu là Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, hay Mao Trạch Đông. Tượng đài chiến thắng thì xe tăng, người ôm súng, người vung gươm chĩa vào khán giả, người xem là hình ảnh được bắt gặp thường xuyên. Nó được lý giải bằng một cụm từ rất dễ thương, chính đáng cho mục đích xây dựng, “Giáo dục truyền thống cách mạng”.
Sự giáo dục này ở Việt Nam đang thu được kết quả nhờ tượng đài dựng lên ở những nơi trang trọng, tìm cách thu hút người dân đến đã gián tiếp kích động bạo lực liên tục.
Vietnam Memorial Wall, Washington DCBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionBức tường Chiến tranh Việt Nam tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, có khắc tên 58.000 người lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam
Có thể minh oan cho vô số tượng đài bạo lực này không ảnh hưởng đến xu hướng thích sử dụng bạo lực, sẵn sàng và nhanh chóng ‘vung tay múa chân’ để giải quyết những mâu thuẫn nho nhỏ của người Việt trong xã hội hiện nay?
Đó có thể vụ va quẹt xe, bất đồng quan điểm, cãi nhau, một cái nhìn không thích… Cái xấu này thấy nhan nhản trên mặt báo. Người dân đã tự giải quyết theo cách họ phải tiếp nhận thụ động qua các tượng đài.
Việt Nam có hàng trăm, hàng ngàn tượng đài với kinh phí 5 – 7 tỷ, đến chục tỷ, trăm tỷ được dựng lên trong mấy chục năm nay, nhưng thật khó để tìm một tượng đài có thể đưa vào bảo tàng mỹ thuật. Bởi giá trị của những tượng đài tiền tỷ này được đặt vào mục đích không ưu tiên mỹ thuật.
Bia tưởng niệm ghi những người lính quê quận Pierce chết tại Việt NamBản quyền hình ảnhVO NGOC ANH
Image captionBia tưởng niệm ghi những người lính quê quận Pierce chết tại Việt Nam
Mỹ 'thua hẳn' VN về số tượng đài?
Có thể là thế, Hoa Kỳ ít tượng đài nhưng cách tưởng niệm lại gần gũi lòng người hơn.
Sang Mỹ tôi nhận thấy hơn 150 qua trong lòng nước Mỹ không có cuộc chiến nào, nhưng từ thế kỷ 20 đến nay người Mỹ đã tham gia không dưới bảy cuộc chiến trên thế giới. Lính Mỹ bỏ mạng trong những cuộc chiến này không ít.
Tại thành phố Tacoma, với dân số gần 220 ngàn dân, ở tiểu bang Washington, nơi tôi đang sống có khu tưởng niệm của quận Pierce.
Đó chỉ là những tấm bia lớn có khắc tên những người lính đã nằm xuống trong các cuộc chiến. Tại tấm bia về cuộc chiến Việt Nam tôi đếm có 136 người.
Bia tưởng niệm ghi tên những người lính quê quận Pierce chết trong thế chiến thứ haiBản quyền hình ảnhVO NGOC ANH
Image captionBia tưởng niệm ghi tên những người lính quê quận Pierce chết trong thế chiến thứ hai
Không thấy tượng đài, hay công trình điêu khắc nào tại đây. Khu tưởng niệm, còn là một công viên để người dân có thể đến đi dạo, thể dục. Tại Seattle thành phố lớn nhất của tiểu bang này cũng tương tự.
Duy nhất thấy ở Olympia, thủ phủ của bang có một tượng đài mang tên Winged Victory cao 22 feet (khoảng 6,7 m) cả bệ, phần chính tượng bằng đồng. Gồm ba người lính súng vác trên vai, cùng một y tá. Họ trông giống như đang đi diễu hành. Tượng đài này được khánh thành vào năm 1938, và đang nằm trong khuôn viên của tòa nhà quốc hội tiểu bang.
Tôi chưa được thấy tượng đài nào ở Mỹ chĩa súng vào người xem như ở Việt Nam.
Trở lại Việt Nam, trong khi chính quyền đang ‘lạm phát’ các tượng đài về chiến thắng, lãnh tụ, lãnh đạo thì lại rất nghèo tượng đài về danh nhân không thuộc phe cộng sản. Nhìn vào số tượng đài này tôi nghĩ, lịch sử của Việt Nam phải chăng chỉ đáng nói từ khi mô hình cộng sản được áp dụng trên quê nhà?
Chính quyền hôm nay quyết tâm dựng tượng đài để kể công, tuyên truyền xem nhẹ yếu tố mỹ thuật.
Do đó, không ai dám chắc những tượng đài hoành tráng, kỳ vĩ mà thiếu mỹ thuật sẽ bị kéo đổ hoặc bỏ cho thời gian hủy hoại, không ai quan tâm như đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ.
Tượng đài hay công trình mang tính biểu tượng gì đi nữa cũng chỉ tồn tại lâu dài nếu xứng đáng với tình cảm của người dân và có giá trị nghệ thuật vượt thời gian.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Võ Ngọc Ánh từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ.

No comments:

‘Cờ ngụy’ và ‘ngón tay thối’ trong bảo tàng quân sự

HoangsaParacel: BBC  không thông hiểu về Việt Sử nên đã thiếu sót khi nói lá cờ Vàng thuộc chính phủ VNCH. Người Mỹ gốc Viê...