Wednesday, May 20, 2020

PHÒNG THỦ CAM RANH-TRƯỜNG SA - Nguyễn Mạnh Trí

Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh > Tin chi tiết
Phía Tây Bán đảo Cam Ranh là BTL/V4HQ – Phía Nam là Cảng Quốc tế Cam Ranh dành cho các chiến hạm ngoại quốc
Vịnh Cam Ranh là một cảng biển nước sâu ở Việt Nam, thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh này thường được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động. Vì địa thế chiến lược mà Cam Ranh được sự chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân PhápHoa Kỳ, và Liên Xô đã từng dùng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ chiến sự.
Kể từ 2004 đến nay, kế hoạch của Việt Nam là thu hồi việc sử dụng vịnh Cam Ranh; thay vì làm căn cứ cho nước ngoài, Vịnh Cam Ranh sẽ chuyển dần sang mục đích dân sự. Bức hình phía dưới cho thấy nếu hải hành từ biển vào theo tuyến BN1-BN2 đến BN3 là tuyến đi vào cảng Cam Ranh thì Khu quân sự ở phía Bắc – Cảng Ba Ngòi phía Nam.
VÙNG 4 HẢI QUÂN CAM RANH
Ngày 26 tháng 10 năm 1975, thành lập Vùng Duyên hải 4 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân (Vùng 2 Duyên hải thời VNCH). Năm 1978, Vùng Duyên hải 4 đổi tên thành Bộ Chỉ huy Vùng 4 Hải quân thuộc Quân chủng Hải quân. Ngày 14 tháng 1 năm 2011, nâng cấp Bộ Chỉ huy Vùng 4 Hải quân thành Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Trong 5 vùng Hải quân thì Vùng 4 được trang bị mạnh nhất. Vùng 4 Hải quân có các đơn vị chiến đấu, phòng thủ và yểm trợ, huấn luyện như sau:
Các đơn vị chiến đấu:
  • Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101: gồm có các Tiểu đoàn 864, 866, 868 mà trách nhiệm chính là các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa.
  • Lữ đoàn Công binh Hải quân 146: mà trách nhiệm chính là bảo trì và xây dựng các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa.
  • Lữ đoàn Tàu chiến 162: Gồm 4 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.8 trọng tải 2,000 tấn và khoảng 7 tàu hộ vệ tên loại Molniya và BPS-500 cỡ 500 tấn. Gepard loại cũ được trang bị tên lửa diệt hạm Uran Kh-35 có tầm bắn xa 130km. Loại mới được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Caliber-NK gồm 8 ống phóng, có thể phóng các loại tên lửa hành trình có độ chính xác cao, khoảng cách xa đến 300k. Các tàu tên lửa Molniya và BPS được trang bị hệ thống tên lửa chống tàu Moskit-E (SS-N-22 Sunburn) tầm xa 120 km.  Ba cầu tàu của Vùng 4 Hải quân có thể cập cảng khoảng 20 chiến hạm nhỏ.
Ba cầu tàu của Vùng 4 Hải Quân
Lữ đoàn tàu ngầm 189: Gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo trọng tải 2,000 tấn. Cầu tàu của các tàu ngầm Kilo bên cạnh cầu tàu các chiến hạm. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm. Song vũ khí uy lực nhất là tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Klub-S. Tổ hợp này gồm ít nhất 5 mẫu tên lửa khác nhau, giúp chỉ huy tàu ngầm lựa chọn linh hoạt vũ khí trong tác chiến. Phiên bản 3M54E tầm bắn tối đa 220 km, đủ sức phá hủy tàu mặt nước cỡ lớn. Phiên bản 3M-54E1 có tầm bắn 300 km. Ngư lôi VA-111 Shkval có tầm bắn khoảng 7 km. Ngoài ra, bản tin quân sự năm 2018, cho biết Nga Xô đã bán cho Việt Nam 50 tên lửa Club-S tấn công mục tiêu trên mặt đất, tầm xa không rõ loại từ 3M-54E1/3M-14E: 300 km, 3M-54/3M-54T: 660 km, 3M-14/3M-14T: 2,500 km.
Cầu tàu ngầm Kilo
  • Lữ đoàn tàu vận tải và đổ bộ 955: Gồm có 2 Hải đội 411 và Hải đội 413. Hiện có trong trang bị một số tàu đổ bộ 800 tấn lớp Polnocny-B do Ba Lan chế tạo, cùng vài chiếc LST lượng giãn nước 1,780 - 3,880 tấn của HQ/VNCH để lại. Dễ nhận thấy các chiến hạm trên đã đóng từ 1939, hệ số kỹ thuật không còn bảo đảm, đặc biệt là những chiếc LST đã hơn 70 năm tuổi, tính năng tương đối hạn chế, trong đó đáng kể nhất là thiếu sàn đáp trực thăng chuyên dụng. Hiện nay, Việt Nam đang dự trù đóng loại LST-100 dự theo thiết kế của hãng Damen - Hòa Lan. Tàu đổ bộ LST-100 có lượng giãn nước đầy tải 1,300 tấn, chiều dài 100m, chiều rộng 16m, tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ. Con tàu có khả năng chuyên chở 235 lính, 2 tàu đổ bộ LCVP và các xe bọc thép, có sàn đáp trực thăng trên boong và đặc biệt là thả được phương tiện qua cả cửa trước lẫn cửa sau.
     LST-100 mà Việt Nam dự trù đóng
Các đơn vị phòng thủ:

  • Trung đoàn Radar 451: Hiện nay, Việt Nam sử dụng các radar giám sát bờ biển và phòng không loại EL/M-2238 3D-STAR của Israel với tầm xa tối đa 100 hải lý và Coast Watcher 100 của do Tập đoàn Thales Pháp chế tạo với tầm xa tối đa 320km cùng các loại củ hơn của Nga và Ukraina. Hệ thống Coast Watcher 100 được đánh giá là một trong hệ thống radar giám biển hiện đại hàng đầu thế giới. Để vượt “giới hạn đường chân trời”, Coast Watcher 100 sử dụng sóng truyền bề mặt dựa vào sóng đất với bước sóng khoảng 10 m. Công nghệ này cho phép sóng radar truyền đi theo đường cong của trái đất, đồng nghĩa với giới hạn đường chân trời trong trường hợp này bị loại bỏ. Vùng 4 Hải quân có bốn trạm radar tại Chóp Chài (Tuy Hòa, Phú Yên), Hòn Tre (Nha Trang - Khánh Hòa), Bình Ba (Cam Ranh - Khánh Hòa) và Phú Quý (Bình Thuận). Từ tháng 12/2012 đến tháng 9/2013, đơn vị đã hoàn thành việc lắp đặt 4 trạm radar tầm trung và Trung tâm chỉ huy điều khiển radar cấp 1. Ngoài ra còn có 4 trạm radar P-18 Terek, tầm xa 170km đặt trên 4 đảo Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Nam Yết và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.
Hệ thống phòng thủ duyên hải EL/M-2238 3D-STAR của Do Thái với tầm xa 100 hải lý
Radar Coast Watcher 100 của Pháp với tầm xa 320 cây số.
Các trạm radar P-18 tại Trường Sa
  • Lữ đoàn tên lửa phòng thủ bờ 685: Theo những thông tin được công khai, các tổ hợp radar ELM-2288ER do Israel sản xuất được trang bị cho sư đoàn phòng không số 363 có địa bàn tác chiến chủ chốt ở Hải Phòng và sư đoàn phòng không 377 đóng quân tại Cam Ranh. Trong tình huống xảy ra xung đột, cả hai cảng Hải Phòng và Cam Ranh đều đứng trước nguy cơ bị tiến công bởi lực lượng không quân của đối phương có số lượng các phương tiện bay rất lớn. Quân cảng quân sự Cam Ranh, có vị trí chiến lược trên tuyến phòng thủ biển đảo và quần đảo Trường Sa. Có trong biên chế vũ khí trang bị tổ hợp radar tầm xa ELM-2288ER của Israel, các đơn vị phòng không cảng biển chiến lược kiểm soát được không phận khu vực có tầm quan sát xa và phát hiện mục tiêu ngay từ khi đối phương cất cánh. Với tầm kiểm soát đến 480 km, ELM-2288ER có khả năng kiểm soát mọi hoạt động của không quân PLA trên đảo Hải Nam và trong không phận đảo Đá Chữ Thập. Điều đặc biệt là radar ELM-2288ER được Nga hợp tác sản xuất các loại vũ khí, đặc biệt là vũ khí phòng không. Do đó, các kỹ sư tên lửa có thể tích hợp các loại vũ khí, từ S-125 Pechora đến Pantsir-S1 và ELM-2288ER vào hệ thống phòng không khu vực đơn nhất. Về vũ khí, đơn vị được trang bị các hệ thống pháo phản lực dẫn đường tiên tiến EXTRA và ACCULAR do Israel sản xuất. Cả hai loại pháo phản lực EXTRA và ACCULAR đều có kích thước rất nhỏ, có thể triển khai được ở bất cứ đâu trong thời gian ngắn. Các loại đạn phản lực này lại được trang bị thêm hệ thống đầu đạn dẫn đường, kèm theo đó là độ chính xác cao, giúp đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lớn. EXTRA có tầm bắn tối đa lên tới 150km, mang theo đầu đạn nặng 120 kg với độ lệch mục tiêu tối đa 10 m. Loại ACCULAR có hai phiên bản đó là ACCULAR-160 và ACCULAR-122, phiên bản 122 được sử dụng cho quân đội Israel trong khi đó phiên bản 160 được chuyên dùng cho xuất khẩu và cũng là phiên bản Việt Nam đang sử dụng. Tầm bắn tối đa của cả hai phiên bản này là như nhau, đều nằm trong khoảng 40km và có độ chính xác lệch tâm chỉ 10 mét.
Tổ hợp tên lửa ELM-2288ER
  • Lữ đoàn tên lửa phòng thủ bờ 682: Lữ đoàn tên lửa bờ 682 là đơn vị tân lập, chỉ vừa mới chính thức đi vào làm nhiệm vụ tác chiến trong thời gian gần đây. Loại vũ khí trang bị cho đơn vị này vẫn đang là câu hỏi rất cần được giải đáp. Do trang bị tên lửa chống hạm Yakhont nên tổ hợp vũ khí mà Lữ đoàn 682 đang vận hành chỉ có thể là tổ hợp K-300P Bastion-P tương tự như Lữ đoàn 681, đây thực chất cũng là điều không gây bất ngờ. Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Yakhont có tầm bắn tối đa 300km, mang theo đầu đạn trọng lượng 200kg, vận tốc tối đa Mach 2.5 và độ cao hành trình trong khoảng 20 - 30 m. Hiện tại K-300P Bastion-P vẫn được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển đáng gờm nhất thế giới. Hệ thống này đang giữ vai trò chủ lực ngay cả trong lực lượng tên lửa bờ của Hải quân Nga trong khi Club-M chưa thực sự sẵn sàng tác chiến.
Hệ thống K-300P Bastion-P với Tên lửa hành trình Yakhont
Ngoài ra, đã có dự đoán cho rằng Lữ đoàn 682 sẽ sử dụng tổ hợp Club-M thế hệ mới nhất của Nga hoặc hệ thống BrahMos phiên bản phóng từ mặt đất do Ấn Độ cung cấp theo gói tín dụng trị giá 500 triệu USD. Tờ Sputniknews của Nga cho biết tên lửa Club-M, phiên bản xuất khẩu 3M-54E có tầm xa 300km không chỉ được trang bị cho tàu ngầm, mà cả cho tàu chiến nổi mà Nga chuyển giao cho Việt Nam. “Các tên lửa như vậy cũng có thể triển khai trên các tàu vận tải. Đặc điểm của tổ hợp gồm bốn tên lửa hành trình là bề ngoài chúng giống như một container tiêu chuẩn được sử dụng cho phiên bản mới nhất được thiết kế để đặt trong container có thể bố trí trên tàu thuyền hay xe tải, xe lửa ... , bên cạnh phiên bản Club-S cho tàu ngầm, Club-M cho đất liền, và Club-K cho tàu nổi.
Đồ họa tàu vận tải Damen Roro 5612 biến cải để chứa Club-K
  • Trung đoàn không quân tiêm kích 935: Cam Ranh và Trường Sa còn được yễm trợ bởi Trung đoàn không quân tiêm kích 935 trang bị Su 30-MK2 là loại máy bay tiêm kích tầm xa trên biển trong mọi điều kiện thời tiết với tầm bay 3,000 km (1,600 hải lý) và tên lửa diệt hạm Kh-31A. Tính đến thời điểm hiện tại, Không quân Việt Nam đang có trong biên chế tổng cộng 36 chiếc Su-30MK2 (4 chiếc đầu tiên nhận năm 2004, 8 chiếc tiếp theo trong giai đoạn 2010-2011 và 12 chiếc sơn rằn ri xanh lá tiếp nhận trong năm 2014-2015 thuộc đợt thứ ba).
Tiêm kích Su-30MK2
CẢNG QUỐC TẾ CAM RANH
Tháng 9 2014, Bộ Quốc phòng Việt Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ hàng hải và cung ứng tàu biển (giai đoạn 1) thuộc dự án đầu tư Khu dịch vụ hàng hải, sửa chữa, đóng mới tàu biển và công trình dầu khí biển tại căn cứ quân sự Cam Ranh.  Theo tài liệu từ phía Việt Nam ngày 8 tháng 3 năm 2016, tại căn cứ quân sự Cam Ranh, Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức lễ khai trương cảng quốc tế Cam Ranh, một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam với tổng chiều dài khai thác cầu là 2147m, độ sâu 20m, tiếp nhận được tàu sân bay tải trọng 110,000 DWT (deadweight tonnage), tàu khách có dung tích 100,000 GRT (gross tonnage) và sửa chữa, đóng mới các công trình biển như giàn khoan đến 200m nước. Có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8. So sánh với kích thước của Hàng không Mẫu hạm lớp Nimitz với trọng tải tối đa 104,600 tấn, chiều dài 332.8 m và mớn nước tối đa 41 ft (12.5 m) thì có thể cảng này đủ sức để HKMH cập bến an toàn.

Cảng quốc tế Cam Ranh chụp năm 2016

Giai đoạn 2 của dự án xây dựng cảng quốc tế Cam Ranh bắt đầu từ 2016 được xem như là một cơ sở hậu cần hiện đại, có uy tín, sánh ngang với các hải cảng lớn trên thế giới và đến hàng thế kỷ sau vẫn không bị lạc hậu. Đến nay vẫn chưa có tin tức chính thức về khả năng của cầu cảng này.
Cho đến nay, tàu lớn nhất vào cập cảng quốc tế Cam Ranh là tàu đổ bộ HMAS Canberra của Úc, trọng tải tối đa 30,000 tấn vào thăm Cam Ranh năm 2019. Chưa có Hàng không Mẫu hạm lớp 100,000 tấn vào cập cảng quốc tế này.

HMAS Canberra

KẾT LUẬN
Trong thời gian gần đây, nhiều tin đồn cho rằng Việt Nam nhắm đến khả năng cho Hoa Kỳ thuê dài hạn một phần của cảng Cam Ranh hay một số đảo ở Biển Đông như là một căn cứ hậu cần hay làm một trạm dừng nhằm đối phó với hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo quan điểm của giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc, trên báo mạng The Diplomat ngày 6/5/2020, khả năng này là ít xảy ra do chính sách quốc phòng từ cả hai phía. Chuyên gia người Úc ghi nhận từ hơn một thập niên gần đây, số lần tàu chiến Mỹ cập cảng Việt Nam, hoặc để viếng thăm chính thức, hoặc để bảo trì, sửa chữa ngày càng nhiều. Và nhất là năm 2016, ba tàu chiến Mỹ đã ghé thăm cảng Cam Ranh, bên cơ sở dân sự.

Những sự kiện này cùng với việc chính quyền Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte tìm cách chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự (EDCA) đã làm rộ lên nhiều lời đồn đoán cho rằng Hoa Kỳ đang nhắm đến việc tiếp cận các cơ sở cảng biển ở Cam Ranh cũng như là các đảo đá của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo giáo sư Carlyle Thayer, khả năng này bị hạn chế vì chính sách “Ba Không” của Việt Nam, nghiêm cấm việc cho thuê cảng Cam Ranh hay các đảo đá ở Biển Đông. Sách Trắng Quốc Phòng có từ năm 1998 ghi rõ: “Không liên kết với một quốc gia này để chống lại một nước khác; Không đối đầu và tấn công bất kỳ quốc gia nào; và Không tham gia bất kỳ liên minh quân sự cũng như một hoạt động quân sự nào”. Tuy Sách Trắng năm 2019 lại có đoạn ghi rằng “Tùy theo tình hình và những điều kiện cụ thể, Việt Nam có thể phát triển các mối quan hệ quân sự cần thiết và phù hợp với các nước khác…”, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ thay đổi chính sách đối ngoại và quân sự trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, trong bối cảnh những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng, đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông, chính quyền Hà Nội và Washington đã có các cuộc đàm phán nhằm nâng cao mối quan hệ đối tác từ toàn diện lên thành chiến lược. Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ tỏ ra cực kỳ cẩn trọng trong việc áp dụng bất kỳ một sự thay đổi nào đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng dài hạn trong kỳ đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến diễn ra trong quý I năm 2021. Chủ trương “đa dạng hóa và đa phương hóa” sẽ tiếp tục được duy trì trong quan hệ với các cường quốc. Vấn đề quan trọng nhất là thái độ của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đẩy Việt Nam đến vị thế không còn sự chọn lựa nào khác thì Việt Nam phải quyết định phương án để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của mình. Chắc chắn Việt Nam sẽ sẵn sàng khi biến động xảy ra.

Nguyễn Mạnh Trí

THAM KHẢO
  1. Vùng 4 hải quân tại Nha Trang - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Vũ khí Israel - Nga hợp sức bảo vệ Cam Ranh” đăng trên mạng Đất Việt
  3. Bài viết “Lữ đoàn 682 được trang bị tổ hợp tên lửa bờ siêu hiện đại” đăng trên mạng Doanh Nghiệp Việt Nam ngày 28/02/2020.
  4. Bài viết “Vì sao Việt Nam gấp rút phòng thủ bờ Biển? đăng trên mạng Đất Việt  ngày 14/7/2015.
  5. Bài viết “Radar Việt Nam hóa giải đường chân trời trên Biển Đông” đăng trên mạng Đất Việt ngày 2/8/2016.
  6. Bài viết “Cận cảnh Cảng Quốc tế Cam Ranh” của tác giả Bùi Văn Xuân đăng trên mạng Thanh Niên ngày 9/3/2016.




*****

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...