Monday, May 9, 2022

Dừng triển lãm tranh Điện Biên Phủ ‘vì cờ rách quá và bộ đội hốc hác’? Nguyễn Hoàng

HÌNH ẢNH,ZINGNEWS.VN
Bức tranh chính trong triển lãm được cho là nguyên nhân khiến triển lãm phải tạm dừng.

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng một triển lãm "hội họa Điện Biên Phủ" của họa sĩ Mai Duy Minh dự định khai mạc chiều thứ Bảy 7/5 nhằm ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Báo Tuổi Trẻ tối ngày 7/5 mô tả lý do tạm hoãn triển lãm này tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội vì có thông tin cho rằng một số bức tranh "dễ gây hiểu nhầm" và đợi sở thành lập hội đồng thẩm định lại "trong một thời gian gần nhất có thể".


Trả lời BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội ngày 8/5, họa sỹ Mai Duy Minh cho biết những gì xảy ra vào ngày khai mạc triển lãm.


"Khoảng 2:30 giờ chiều ngày hôm đó thì tôi cùng người đại diện có làm việc với bên Sở văn hóa về cái vấn đề mà họ cho là không phù hợp trong triển lãm của mình và họ cần xem xét lại. Thế thì khoảng 1-2 giờ sau đó, tức là trước giờ khai mạc thì họ ra văn bản tạm dừng triển lãm để xem xét lại các tác phẩm được trưng bày ở đó.


"Thế thì mọi người cũng ớ ra không biết là lỗi ở đâu. Còn về mặt chính quyền thì người ta có quyền thì người ta cứ dừng thôi, dân thì phải nghe theo thôi.


"Ngoài hai bức tranh chính ["Điện Biên Phủ" và "Võ Nguyên Giáp"] thì có khoảng hơn 80 bức nữa. Tất cả những gì trưng bày thì đã có trong hồ sơ đăng ký và họ đã đóng dấu đỏ cấp giấy phép triển lãm rồi chứ không ai tự động mang tranh đi treo cả".

'Cờ bị rách quá'


Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo - một thành viên hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, từng tham gia trong thành phần duyệt triển lãm này, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng "lý do khiến triển lãm phải tạm hoãn là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm Điện Biên Phủ vẽ lá cờ bị rách quá và vẽ anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu".


"Thực ra mà nói, bảo không có vấn đề cũng được, nó là một trường phái hiện thực khách quan, mà bảo có vấn đề thì cũng được, cờ trong trận chiến ác liệt như thế thì nó phải rách nhưng đây lại rách quá, đáng lẽ vẽ rách ít thôi".


Về anh bộ đội "không đúng về giải phẫu", ông Bảo nói với báo này rằng "trên thế giới có một trường phái như vậy".


Phản hồi lại điều được cho là lý do khiến nhà chức trách Hà Nội tạm hoãn triển lãm của mình, họa sỹ Mai Duy Minh nói:


Bức tranh nhận được các ý kiến đánh giá khác nhau.


"Nếu với những lý do đó mà bắt dừng lại thì tôi thấy cũng buồn cười. Quan điểm của tôi là người trong cuộc thì chắc cũng không khác gì mọi người đâu. Cờ mà ra chiến trận thì có bao giờ lại không lỗ chỗ vết đạn.


"Nếu mang cờ mua từ cửa hàng ra mà diễn thì mới không có vết đạn. Còn cờ mang ra chiến trận hô xung phong dẫn đầu đoàn quân thì làm thế nào từ đầu chiến trận tới khi kết thúc mà còn nguyên vẹn được.


"Còn việc nói là hình người lính bị "sai giải phẫu" thì tôi cũng chỉ nghe thông tin thế thôi và cũng chưa biết người nói câu đó là ai và nếu nói sai giải phẫu thì sai ở chỗ nào. Là họa sỹ thì cũng cố mà vẽ theo hiện thực thôi. Còn có đầy cuộc triển lãm khác tranh uốn éo hình thù cổ quái có cái gì mà "giải phẫu" đâu mà người ta vẫn duyệt treo đó thôi," họa sỹ Minh nói với BBC.


Từ Hà Nội, họa sỹ Lê Quảng Hà nói ông ủng hộ họa sỹ Mai Duy Minh.


"Minh là họa sỹ yêu nghề và làm việc rất nghiêm túc. Cái hay nhất trong tác phẩm của Minh là ông dùng đúng cách tư duy của hệ thống hiện thực xã hội chủ nghĩa để nói ra một hiện thực trần trụi.


"Tức là họa sỹ Minh đã đi rất đúng đường. Với những người quản lý văn hóa thì thú thực rằng tôi không nghĩ là họ dốt đâu, nhưng có lẽ là họ hèn.


"Tôi đã tới triển lãm vào lúc 5 giờ chiều hôm khai mạc nhưng khi đến thì đã đóng cửa. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần bị họ dừng triển lãm như vậy rồi.


"Ở Việt Nam vẫn có kiểu như vậy. Một đất nước mà có pháp quyền thì phải làm gì cũng có luật. Nhưng luật thế nào thì chúng ta cũng phải cân nhắc và đấu tranh để cho nó phù hợp với chuẩn mực của thế giới.


"Những người làm kiểm duyệt về văn hóa họ cũng không dám tranh luận. Những lần họ không cho tôi triển lãm họ nói rất chung chung là không đúng "thuần phong mỹ tục"....còn trong trường hợp của họa sỹ Minh thì lý do đưa ra là chưa thỏa đáng.


"Phải thẳng thắn nói rằng sẽ không thể có tác phẩm nghệ thuật nếu không có tự do về ý thức và tư tưởng," họa sỹ Lê Quảng Hà trả lời BBC qua điện thoại.


Trả lời báo Nhân Dân một ngày trước khai mạc triển lãm, họa sỹ Minh cho biết ông bắt đầu vẽ bức "Điện Biên Phủ" từ cuối năm 2011 và tác phẩm này là một "trải nghiệm quý giá".


Trong khi đó nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) được Tuổi Trẻ dẫn lời nói "tác phẩm này vẽ theo ngôn ngữ hiện thực nhưng không bị chi phối bởi phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mang màu sắc ngợi ca một chiều".


"Hình tượng người lính phất lá cờ bị rách vì bom đạn, những người nông dân gầy gò, hình thể nhuốm đầy khói súng rất khác với những hình tượng vạm vỡ, cường tráng được ca ngợi trước đây.


"Bức tranh xứng đáng treo ở một bảo tàng tầm cỡ quốc gia, bởi tác phẩm hội họa thành công về đề tài Điện Biên Phủ đến nay rất hiếm hoi," ông Thông nói với Tuổi Trẻ.


Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phạm Trung (Viện Mỹ thuật-Đại học Mỹ thuật Việt Nam) nói với TTXVN rằng ông "hết sức bất ngờ và thất vọng khi triển lãm bị tạm dừng ngay trước giờ khai mạc.


"Tôi đến dự triển lãm với tâm trạng háo hức, tò mò vì được biết đây là thành quả hơn 10 năm sáng tác của một họa sỹ mà tôi đánh giá là gương mặt sáng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, tâm huyết với đề tài lịch sử.


"Nhân vật trung tâm là người chiến sỹ gày gò, nhỏ bé, cầm lá cờ bị rách. Tuy nhiên, đằng xa vẫn có tuyến nhân vật khác, có người cầm cờ tiếp tục xông lên phía trước, có hình ảnh lính Pháp đầu hàng.


"Tôi cho rằng sự bi hùng trong bức tranh được thể hiện rất hợp lý, bi tráng khốc liệt vẫn gợi lên cảm giác hào hùng và tương lai tươi sáng về sau," ông nhận xét.

HÌNH ẢNH,THANHNIEN.VN
Chụp lại hình ảnh,

Tác phẩm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bức "Điện Biên Phủ" được họa sỹ Minh vẽ trong 10 năm, theo truyền thông Việt Nam.


Nhà phê bình Phạm Trung nói thêm rằng chiến thắng Điện Biên Phủ chính là một chiến thắng "máu trộn bùn non," không thể mô tả tưng bừng, hân hoan mà thiếu đi màu sắc hiện thực khắc nghiệt, nhất là đã có độ lùi thời gian với nhiều tư liệu, quan niệm mới về hiện thực lịch sử.


"Tôi cho rằng cần có sự đối thoại thẳng thắn giữa nghệ sỹ, truyền thông và giới chuyên môn nếu có những quan điểm trái chiều về nghệ thuật, cần ủng hộ những tâm huyết tìm tòi nghệ thuật trong quá trình khai thác đề tài lịch sử- xã hội," ông Trung nói thêm.


Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội đã cấp giấy phép số 133/GP-SVHTT cho triển lãm này (Phó Giám đốc Phạm Thị Mỹ Hoa ký). Theo đó, họa sỹ Mai Duy Minh được trưng bày 88 tác phẩm từ ngày 7/5 đến ngày 20/5 tại Nhà Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, theo TTXVN.


Báo An ninh Thủ đô đưa tin cho tới nay, kết luận cụ thể về việc triển lãm "Điện Biên Phủ" sẽ bị đóng vĩnh viễn hay chỉ tạm hoãn vài ngày chưa được đưa ra.


"Chỉ biết rằng, triển lãm sẽ tạm thời đóng cửa, không đón khách vào tham quan. Trong khi đó, giấy phép triển lãm vẫn tiếp tục có hiệu lực và chưa được thu hồi. Chi phí thuê phòng triển lãm vẫn tiếp tục được họa sĩ tự chi trả," báo trực thuộc Bộ Công anh đưa tin.


Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông xác nhận với báo Thanh Niên có việc có văn bản của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội dừng triển lãm. "Trong văn bản đó có hai ý thôi. Thứ nhất là rà soát lại nội dung triển lãm. Thứ hai là báo cáo lãnh đạo Bộ," ông Đông cho biết.


"Trong thông báo không có bất cứ vấn đề gì dính đến nội dung. Chỉ yêu cầu rà roát thôi. Vì bên cấp phép chính là bên chịu trách nhiệm, Bộ không đánh giá có cái gì hay không có cái gì. Văn bản không đánh giá nội dung bức này hay bức kia có cái gì cả," ông Đông nói với báo này.


Họa sĩ Mai Duy Minh sinh năm 1976, tại Hải Phòng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trước đó ông đã có hai triển lãm cá nhân "Bụi đời" (2006 tại Viện Goethe, Hà Nội) và "Tổ hợp không gian" (2002 tại Atena gallery, Hà Nội) cùng một số triển lãm nhóm. Năm 2010, ông đã nhận tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”