Thursday, May 26, 2022

Sáp nhập hay công nhận độc lập ? Nga định hình số phận miền đông nam Ukraina


« Nga không giành chiến thắng hoàn toàn nhưng Nga đang thắng trận ở Donbass ». Tổng thống Putin đã có được « sự tiếp nối lãnh thổ ở giữa Crimée và vùng Donbass »« Biển Azov giờ trở thành vùng biển của Nga »« Đà tiến của Nga vẫn tiếp tục, dù khó khăn và chậm » cho thấy viễn cảnh « chiến tranh kéo dài ».
Đây là nhận định của tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái đoàn quân sự Pháp ở Liên Hiệp Quốc, khi trả lời trang France Info ngày 24/05/2022. Theo thẩm định của phương Tây, khoảng 15.000 quân Nga thiệt mạng trong vòng 3 tháng chiến tranh ở Ukraina, nhưng Matxcơva tiếp tục dồn lực lượng, vũ khí hạng nặng để chiếm thành phố Severodonetsk, mục tiêu cuối cùng để kiểm soát được toàn bộ vùng Donbass.

Câu hỏi đặt ra là Nga sẽ làm gì với những vùng đất chiếm từ Ukraina ? Trả lời đài France 24 ngày 24/05, nhà nghiên cứu Cyrille Bret, thuộc viện Jacques-Delors nêu ba khả năng : « Thứ nhất, đó là kịch bản giống kiểu bán đảo Crimée mà Nga đơn phương sáp nhập ; thứ hai là theo mô hình Nam Ossetia và Abkhaze, những vùng đất tự xưng độc lập và được Nga công nhận ; kịch bản thứ ba là Ukraina chiếm lại những vùng đất này ».

Sáp nhập các vùng đất bị chiếm đóng vào lãnh thổ Nga

Kịch bản sáp nhập được nhật báo Pháp Les Echos chua cay nhận định « thành ra lại khá đơn giản » đối với Nga. Chỉ cần « xâm chiếm một lãnh thổ, lập chính quyền ở đó để vài tuần sau đưa ra yêu cầu sáp nhập với Matxcơva và thế là xong ». Thành phố Kherson, miền nam Ukraina, đô thị lớn duy nhất bị quân đội Nga chiếm đóng ngày 03/03 ngay từ đầu cuộc xâm lược, đang đi theo hướng này.

Theo phát biểu ngày 11/05 của Kirill Stremooussov, phó chỉ huy ban quân quản Kherson, một đơn yêu cầu đã được gửi đến điện Kremlin để « sáp nhập vùng Kherson, với tư cách là một thực thể toàn vẹn vào Liên bang Nga ». Trước đó, ngày 06/05, nhà lãnh đạo chi nhánh của đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền ở Kherson khẳng định Nga sẽ ở lại đây « mãi mãi ». Đây cũng chính là điểm trong học thuyết được tổng thống Vladimir Putin theo đuổi : « Người Nga và người Ukraina thực ra chỉ là một dân tộc có chung không gian lịch sử và tinh thần » và « Nhà nước Ukraina là một sai lầm lịch sử ».

Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Michael Bociurkiw thuộc viện Atlantic Council nhắc lại với France 24 rằng « các lực lượng thân Nga dường như làm mọi thứ để xoá mọi dấu hiệu liên quan đến Ukraina, kể cả việc dùng đồng rúp, thay tượng, treo cờ và đổi chương trình dạy học. Một khi đã thay đổi thì rất khó trở lại như trước ».

Chính quyền Matxcơva và các lực lượng ly khai Ukraina thân Nga đã không bỏ phí thời gian. Ngày 23/05, đồng rúp chính thức được coi là đồng tiền chính thức, lưu hành song song với đồng hryvnia của Ukraina. « Các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp có thể đề giá bằng cả hai loại tiền », theo thông báo trên mạng Telegram của chính quyền địa phương thân Nga, và « tỉ giá là hai rúp đổi 1 hryvnia »« Mọi doanh nhân nếu muốn » đều có thể mở tài khoản tại chi nhánh « sớm được mở » của một ngân hàng Nga. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp trước khi chuyển sang sử dụng hoàn toàn tiền Nga, được thông báo từ cuối tháng 04.

Nhiều quan chức địa phương và Nga đều nói đến khả năng toàn bộ vùng này sắp tới sẽ được sáp nhập vào Nga. Khả năng này càng được củng cố khi Matxcơva lập thủ tục đặc biệt để cấp hộ chiếu Nga cho người Ukraina sống ở Kherson và Zaporijjia, những vùng bị quân Nga chiếm đóng. Ngày 25/05, bộ Ngoại Giao Ukraina lên án « một bằng chứng mới cho thấy mục tiêu tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraina ». Trước đó, Nga từng cho rằng số phận của các vùng chiếm đóng là do người dân quyết định. Nhưng đối với ông Kirill Stremooussov, phó chỉ huy ban quân quản Kherson, tổ chức trưng cầu dân ý chỉ là việc « vô ích » vì cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận, như trường hợp bán đảo Crimée.

Sau Kherson, mọi hoạt động của thành phố cảng Mariupol từ giờ nằm hoàn toàn trong tay Matxcơva và chính quyền địa phương do Nga dựng lên. Ngày 25/05, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nga thông báo cảng Mariupol hoạt động bình thường trở lại sau một tháng bị Nga chiếm đóng. Tuy nhiên, nguy cơ nạn đói do khan hiếm ngũ cốc Nga và Ukraina không phải là ưu tiên hàng đầu của Matxcơva vì chuyến tầu đầu tiên sẽ xuất cảng « trong vài ngày tới » chở khoảng 3.000 tấn sản phẩm luyện kim hướng đến cảng Rostov trên sông Đông (Rostov-on-Don), một thành phố lớn của Nga nằm gần đó.

Theo nhà nghiên cứu Pháp Cyrille Bret, « việc Nga sáp nhập hoàn toàn có thể là nước cờ rủi ro trên trường quốc tế vì sẽ kéo theo hàng loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Matxcơva và Kiev dĩ nhiên sẽ không công nhận việc Nga mở rộng lãnh thổ sang phía tây ».

Với ông Michael Bociurkiw, viện Atlantic Council, thì « không chắc là Nga thực sự muốn sáp nhập các vùng đất chiếm đóng. Trước hết, có quá nhiều thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và công nghiệp. Tiếp theo, hơn 70% lãnh thổ vùng Donbass nằm ngoài tầm kiểm soát của phe ly khai trước chiến tranh, người dân địa phương ngày càng ủng hộ Ukraina hơn. Do đó sẽ có sự kháng cự rất mạnh chống người Nga ».

Các vùng đất ly khai Ukraina đơn phương tuyên bố độc lập

Đây là khả năng « có thể xảy ra nhất », theo nhận định của đa số các chuyên gia được France 24 phỏng vấn. Tương tự với Nam Ossetia và Abkhaze, những vùng đất Ukraina đang bị Nga chiếm đóng có thể sẽ đơn phương tuyên bố độc lập và lập tức được Nga công nhận.Matxcơva biết rõ phải làm như nào, vì sau chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008, Nga đã công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Gruzia. Ngày 13/05, chính quyền Nam Ossetia thông báo tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

Chuyên gia Cyrille Bret cho rằng « lựa chọn theo kiểu Ossetia có lẽ là một cách để giữ Ukaina trong thế yếu bằng cách tước một phần lãnh thổ ». Trước khi phát động chiến tranh, Matxcơva công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass. Nga hoàn toàn có thể làm tương tự với những vùng đất chiếm được từ Ukraina, như Kherson hay Mariupol, vì điều này chỉ có lợi cho việc mở rộng ảnh hưởng và về lâu dài có thể là mở rộng lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, vẫn theo Cyrille Bret, chính quyền Matxcơva có thể phải trả giá cho giải pháp này vì cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu, « không thể chấp nhận việc một Nhà nước được hình thành bằng vũ khí. Việc này đi ngược với những nguyên tắc của Liên Hiệp Châu Âu ».

Dù đây là khả năng có vẻ hợp lý nhất, theo các chuyên phương Tây, thì Ukraina đã thể hiện quyết tâm « sẽ không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào về lãnh thổ ». Và điều này dẫn đến khả năng thứ ba : Ukraina phản công, chiếm lại tất cả các vùng đất bị Nga chiếm đóng.

Ukraina lấy lại những vùng đất bị chiếm đóng

Kịch bản này được Cyrille Bret đánh giá là « có thể được » vì « không nên đánh giá thấp năng lực quân sự của Ukraina ». Tuy nhiên, quân đội Ukraina hiện « trong thế thủ trên chiến trường » và để đảo ngược tình thế, « Ukraina phải chuyển sang thế tấn công » theo nhận định của Andrew Wilson, thuộc đại học College London.

Tình hình đang ở thế bất lợi cho Ukraina ở vùng Donbass. Ngày 26/05, quân Nga đã ở cửa ngõ Severodonetsk. Trước đó tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky lên án Nga « tìm cách loại bỏ tất cả những gì còn sống » ở trong vùng. « Không ai phá hủy Donbass như các lực lượng Nga đang làm hiện nay ». Chính quyền Kiev chỉ biết tiếp tục trông cậy vào hỗ trợ của các nước phương Tây, nhưng phải với cường độ mạnh hơn vì theo ngoại trưởng Ukraina, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos hôm 25/05, « NATO mà chúng tôi coi là đồng minh đã không làm gì hết ». Ngược lại, ông hoan nghênh « những quyết định mang tính cách mạng » của Liên Hiệp Châu Âu.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220526-nga-%C4%91%E1%BB%8Bnh-h%C3%ACnh-%C4%91%C3%B4ng-nam-ukraina

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”